Thật Đơn Giản - Phỏng Vấn Tuyển Dụng

3. Gây thiện cảm từ ấn tượng ban đầu



Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá về bạn trên cơ sở một khoảng thời gian rất ngắn họ dành cho bạn. Trên thực tế, vài phút đầu tiên sẽ cho họ biết nhiều điều về bạn, liệu bạn có thích công việc này không. Tất nhiên, lúc này, cách tốt nhất là đảm bảo chắc chắn bạn sẽ gửi đi những thông điệp thể hiện bạn yêu thích công việc.

Các chuyên gia nói gì

Theo khảo sát, nhà tuyển dụng bị ấn tượng trước ứng viên:

• Bắt tay chặt

• Ăn mặc lịch sự và phù hợp

Những điều khiến gây phản cảm cho nhà tuyển dụng là:

• Đến muộn

• Trang phục luộm thuộm

• Diện mạo nhếch nhác

• Mùi nước hoa nồng nặc

Ngay từ cách mặc đến cách chào hỏi của bạn, bạn có thể chuẩn bị để tạo những ấn tượng ban đầu tốt nhất. Tại sao bạn không bắt đầu gây ấn tượng từ trước cuộc phỏng vấn? Bạn có thể tác động đến những đánh giá của nhà tuyển dụng:

• Trước cuộc phỏng vấn

• Thông qua cách ăn mặc

• Thông qua cách chào hỏi

Trước cuộc phỏng vấn

Bạn có thể gây ấn tượng ban đầu sâu sắc thậm chí trước cả khi bạn đến phỏng vấn. Bạn được mời phỏng vấn là vì hồ sơ xin việc ấn tượng. Nếu hồ sơ của bạn có đơn xin việc và CV được trình bày tốt và chuyên nghiệp thì nhà tuyển dụng có lý do để hy vọng bạn là một ứng viên nặng ký. Bạn có thể gây ấn tượng sâu sắc đối với nhà tuyển dụng bằng:

• Một bức thư viết tay gửi kèm hồ sơ xin việc, nêu ngắn gọn những điểm mạnh của bạn (có liên quan đến vị trí dự tuyển).

• Một bức thư dài hơn, viết hay và trình bày chuyên nghiệp để khẳng định sự chuẩn bị của bạn cho cuộc phỏng vấn và bày tỏ sự mong đợi của bạn đối với cuộc phỏng vấn này.

Nếu không còn đủ thời gian thực hiện những điều trên, bạn vẫn có thể gây ấn tượng đầu tiên sâu sắc. Nhưng hãy ghi nhớ những điều này cho cuộc phỏng vấn sau.

Trang phục

Trang phục mặc khi đi phỏng vấn đã không còn bị bó hẹp như trước. Có một thời, bạn chỉ cần mặc bộ com lê sang trọng nhất và đeo chiếc cà vạt đẹp nhất, hoặc bộ váy áo diện nhất. Nhưng bây giờ mọi việc không đơn giản như vậy. Một bộ đồ lịch lãm, sang trọng sẽ không phù hợp với một công ty mà tất cả nhân viên đều mặc quần jeans và áo phông. Nhà tuyển dụng sẽ nghĩ rằng: “Quá lịch sự. Vì vậy, họ không phù hợp với nơi này.” 

Bạn có biết?

Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp thay thế nhân sự là vì nhân viên không phù hợp với văn hóa doanh nghiệp chứ không phải vì không đủ khả năng hay thiếu kinh nghiệm làm việc. Vì vậy, nhà tuyển dụng muốn biết liệu bạn có phù hợp với môi trường làm việc không. Tất nhiên, trang phục chỉ là một phần, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ấn tượng ban đầu cho nhà tuyển dụng rằng bạn có phải “người của chúng tôi” hay không.

Vì vậy, bạn cần biết quy định về trang phục của công ty mình đang dự tuyển. Nhờ đó, bạn có thể lựa chọn trang phục phù hợp. Bạn có thể phỏng đoán khá dễ dàng vì quy tắc ăn mặc trong một ngành thường khá giống nhau. Các công ty thiết kế và truyền thông thường mặc trang phục thông thường và thoải mái, còn các công ty kế toán thường ăn mặc trang trọng. Nếu bạn thay đổi công việc trong cùng ngành thì bạn đã có lợi thế khi hiểu rõ quy định về trang phục của họ.

Nhưng nếu bạn xin việc trong một ngành hoàn toàn mới thì sao? Bạn có thể biết qua:

• Xin lời khuyên của những người quen đang làm việc trong công ty đó – hoặc đơn giản hơn, họ có thể là nhà cung cấp hoặc khách hàng.

• Quan sát cách ăn mặc của những người ra vào công ty vào giờ nghỉ trưa hoặc giờ tan tầm.

• Quan sát cách ăn mặc của ban giám đốc và nhân viên trong các tờ rơi quảng cáo và báo cáo thường niên.

Nếu bạn không có điều kiện để làm những việc trên, bạn vẫn có thể biết bằng cách gọi điện cho nhà tuyển dụng (trợ lý hay thư ký của họ), hỏi về quy định trang phục của công ty. Họ không những không cảm thấy phiền khi bạn hỏi như vậy mà còn bị ấn tượng trước sự chủ động tìm hiểu của bạn.

Vậy rốt cuộc bạn phải mặc gì? Bạn không phải mặc giống như nhân viên công ty họ, bởi xét cho cùng, bạn chưa phải là nhân viên của công ty: bạn là ứng viên hứa hẹn sẽ trở thành một nhân viên luôn nỗ lực hết mình. Vì vậy, hãy ăn mặc lịch sự hơn vài bậc so với nhân viên của họ. Điều đó có nghĩa là,

 

Trang phục đối với nữ có phần đơn giản hơn. Xét ở khía cạnh nào đó thì đúng như vậy, vì trang phục nam có nhiều nấc thang so sánh hơn. Nhưng phong cách ăn mặc của nam và nữ là như nhau, nghĩa là bạn phải mặc chỉn chu hơn 1 hoặc 2 bậc so với nhân viên công ty. Nếu họ không ăn mặc trang trọng thì bạn phải ăn mặc sao cho phù hợp với họ, không nên mặc lễ phục. 

 Mẹo phỏng vấn

Bạn không nên mua một bộ đồ mới để diện trong cuộc phỏng vấn nếu không có thời gian mặc thử. Bạn cần thật sự thoải mái và thư giãn, tập trung vào cuộc đối thoại, chứ không phải chú ý đến cái phéc-mơ-tuya khiến bạn đau đớn, hoặc cái thắt lưng mà bạn thử vừa khi ở cửa hàng, nhưng giờ lại trở lên quá chật chội khi bạn ngồi. Hãy lựa chọn trang phục sạch sẽ, lịch sự và còn mới những trang phục mà bạn biết là sẽ tạo cảm giác thoải mái và không có vấn đề gì.

 Dưới đây là một số lời khuyên:

• Đừng để hình thức lấn át tính cách. Bạn có thể mặc đồ sáng màu, nhưng đừng mặc những trang phục khác thường gây sự chú ý. Ứng viên cho công việc này là bạn chứ không phải trang phục của bạn.

• Không mặc những bộ đồ lòe loẹt.

• Không dùng nước hoa và nước cạo râu có mùi nồng nặc.

• Không đeo quá nhiều đồ trang sức hoặc đồ trang sức quá to.

• Không mặc những trang phục có hoa văn lớn, sáng màu, trừ những vật nhỏ như cà-vạt hay khăn.

• Trang phục tối màu khiến bạn trông sang trọng hơn trang phục nhạt màu.

Nên đến sớm vài phút trước khi phỏng vấn và nhờ lễ tân chỉ chỗ để bạn chỉnh trang lại ngoại hình. Chải tóc gọn gàng và kiểm tra lại trang phục, đặc biệt chú ý đến:

• Răng (nhất là khi bạn vừa ăn xong)

• Mũi

• Trang sức (đặc biệt là khuyên tai đối với nữ)

• Phéc-mơ-tuya và cúc áo (đặc biệt là vạt cài cúc đối với nam)

• Sơ-mi hoặc áo cánh (phải sơ vin)

• Trang điểm

Điều quan trọng nữa: nếu là nữ giới thì bạn nên mang theo một đôi tất dự trữ (nếu bạn đi tất), nếu là nam giới thì bạn nên mang theo một chiếc cà-vạt dự trữ phòng khi chiếc đang đeo bị dính thức ăn hoặc đồ uống.

Lời chào hỏi đầu tiên của bạn

Giống như hình thức bề ngoài, cách chào hỏi của bạn cũng là một phần quan trọng trong việc gây ấn tượng ban đầu đối với nhà tuyển dụng. Vì vậy, hãy sẵn sàng biểu lộ sự nhiệt tình và tự tin ngay khi bạn gặp họ. Đây là những điểm chính cần ghi nhớ:

• Mỉm cười

• Nhìn vào mắt nhà tuyển dụng

• Chìa tay ra bắt ngay khi nhà tuyển dụng tự giới thiệu về mình.

• Nói “Chào anh/chị”, “rất vui được gặp anh/chị”…

• Bắt tay thật chặt với tất cả mọi người nếu ở đó có nhiều người (bạn có thể luyện tập bắt tay với một người bạn).

• Chưa ngồi xuống nếu họ chưa mời ngồi. 

 Mẹo phỏng vấn

Nhiều nhà tuyển dụng muốn có sự đánh giá khách quan các ứng viên từ một hoặc nhiều thành viên trong nhóm (sau đó, họ sẽ xem xét là lựa chọn ai). Do đó, họ có thể yêu cầu một thành viên trong nhóm chào đón bạn ở bàn lễ tân, mời bạn một tách cà phê, hoặc hướng dẫn bạn đến phòng phỏng vấn và sau đó từ phòng phỏng vấn về bàn lễ tân. Nói cách khác, bạn cần gây ấn tượng ban đầu sâu sắc với bất kỳ người nào bạn gặp, trong đó có cả nhân viên lễ tân, bởi bạn không biết ai sẽ là người bỏ lá phiếu quyết định lựa chọn bạn.

 Nhà tuyển dụng sẽ hỏi chuyện bạn trong 1-2 phút đầu cuộc phỏng vấn để giúp bạn bớt căng thẳng. Hãy sẵn sàng đáp lại, nhưng nên nhớ, bạn và nhà tuyển dụng có mặt ở đây không phải để trò chuyện. Vì vậy, khi họ hỏi bạn về hành trình đến nơi phỏng vấn không có nghĩa là họ muốn nghe bạn kể chi tiết, tỉ mỉ về nó. Một câu trả lời ngắn gọn nhưng thân mật sẽ khiến họ hài lòng. Và nếu hành trình của bạn thật sự khủng khiếp, hãy kể lại với giọng điệu hài hước chứ không nên than vãn.

 Bốn điều có thể nói trên đường đến phòng phỏng vấn

Đôi khi nhà tuyển dụng hay người trợ lý sẽ ra đón bạn. Khi đó, bạn phải nói chuyện lịch sự với họ suốt dọc hành lang tới phòng phỏng vấn. Bạn sẽ nói gì? Đây là một số điều bạn cần lưu ý:

• Nếu họ hỏi: “Anh đi đến đây có vất vả lắm không?”, hãy đưa ra câu trả lời mang tính tích cực (ngay cả khi hành trình đó thật khủng khiếp). Không được trả lời cộc lốc “Có” hoặc “Không”. Bạn có thể trả lời: “Ồ, không, cảm ơn anh/chị, đường rất dễ đi, nhanh hơn nhiều so với tôi nghĩ và bãi đỗ xe cũng rất thoáng”.

• Nếu họ không hỏi gì, hãy tự kể về hành trình của bạn: “Đường đến đây rất dễ đi. Sơ đồ đường mà các anh gửi cũng rất rõ ràng”, hoặc “Họ định làm gì ở cuối phố kia vậy? Tôi bị tắc đường ở đó một chút và tôi nhìn thấy dự án xây dựng một vài tòa nhà lớn khi tôi đi qua”.

• Hãy hỏi họ: “Anh/chị đã làm ở công ty này bao lâu rồi?” Mọi người thường thích bạn quan tâm đến bản thân họ.

• Hãy đưa ra những nhận xét tích cực về một thứ gì đó mà bạn nhìn thấy: “Cửa sổ này có tầm nhìn đẹp quá!” hoặc “Tòa nhà này rất hiện đại và sạch sẽ. Nó được xây dựng bao nhiêu năm rồi?”.

 Ghi nhớ

Trước cuộc phỏng vấn, hãy gây ấn tượng sâu sắc với nhà tuyển dụng bằng một hồ sơ xin việc trình bày chuyên nghiệp, thư mời phỏng vấn và thể hiện rằng bạn mong chờ đến cuộc phỏng vấn.

Lựa chọn trang phục phù hợp với văn hóa công ty, lịch sự hơn 1 2 bậc so với trang phục của nhân viên công ty. Thể hiện lời chào hỏi nồng ấm, thân thiện và tự tin với nhà tuyển dụng và bất kỳ người nào bạn gặp trong công ty.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.