Thật Đơn Giản - Phỏng Vấn Tuyển Dụng

7. Các câu hỏi phỏng vấn thường gặp



Một số câu hỏi thường được đưa ra trong hầu hết các cuộc phỏng vấn, vì vậy bạn có thể chuẩn bị trước câu trả lời cho chúng. Có những điều mà nhà tuyển dụng chắc chắn muốn biết về bạn và chúng được thể hiện trong các câu hỏi này. Chúng thường được đưa ra trong nửa đầu cuộc phỏng vấn, đó là các câu hỏi chung mà nhà tuyển dụng sẽ hỏi tất cả các ứng viên.

Chúng ta sẽ lần lượt xem xét kỹ danh sách các câu hỏi phỏng vấn thường gặp, nên bạn có thể cân nhắc câu trả lời tốt nhất cho mỗi câu hỏi. Tất nhiên, có một số nguyên tắc chung có thể áp dụng cho mọi câu trả lời. Hãy nghiên cứu chúng trước. Chúng ta đã phân tích những điểm chính về phong cách trả lời phỏng vấn trong chương trước, chương này là sự cụ thể hóa các điểm chính. Những điểm chính cần ghi nhớ khi trả lời bất kỳ câu hỏi nào là:

• Câu trả lời phải gắn liền với công việc mà bạn đang ứng tuyển: Khi nhà tuyển dụng yêu cầu bạn nêu ra những điểm mạnh, không nên liệt kê một danh sách dài. Hãy nêu một hoặc hai điểm mạnh chính, những điểm mạnh mà nhà tuyển dụng đưa ra trong yêu cầu công việc.

• Hãy lắng nghe câu hỏi và tập trung trả lời câu hỏi: Không lảng tránh trả lời các câu hỏi khó. Nhà tuyển dụng sẽ ngay lập tức nhận ra bạn đang lảng tránh trả lời và họ không thích điều đó.

• Chỉ trả lời các câu hỏi được đưa ra: Không đưa ra những thông tin không liên quan đến vấn đề đang đề cập. Trả lời ngắn gọn nhưng không bỏ sót bất kỳ điều gì liên quan. 

Lời khuyên hữu ích

Điều gây khó chịu nhất cho hầu hết các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp là ứng viên “không lắng nghe câu hỏi” và đưa ra câu trả lời không liên quan đến câu hỏi.

Các câu hỏi thường gặp

Trong chương sau, chúng tôi sẽ đề cập các câu hỏi phỏng vấn khó. Trong chương này, chúng tôi sẽ đề cập các câu hỏi thường gặp nhất.

Các câu trả lời được giới thiệu ở đây không phải là câu trả lời hoàn chỉnh cho ứng viên mà là sự gợi ý để bạn biết cách trả lời nhằm gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Bạn cần diễn đạt chúng bằng lời của mình và đưa ra những ví dụ của chính mình.

Hãy nói về bản thân bạn

Đó không phải là lời đề nghị bạn kể về tiểu sử bản thân mình. Trên thực tế, bạn nên đề nghị nhà tuyển dụng nêu yêu cầu cụ thể hơn trước khi đưa ra câu trả lời. Vì vậy, hãy hỏi lại: “Anh muốn tôi nói về khía cạnh nào của bản thân?” Họ có thể yêu cầu bạn nói về mình trong công việc.

Bạn nên tập trung miêu tả mình là người như thế nào trong tối đa vài phút. Tập trung vào những điểm tích cực và gắn chúng với các nhiệm vụ chính của công việc mà bạn đang ứng tuyển. Ví dụ: “Tôi thuộc týp người hòa đồng – tôi thích làm việc với mọi người và trở thành thành viên của nhóm. Tôi luôn hăng hái với các dự án và thích nhìn thấy một dự án thành công từ khâu lập kế hoạch ban đầu đến giai đoạn cuối cùng”, v.v…

Nếu họ yêu cầu bạn kể về cuộc sống riêng tư, bạn nên đưa ra câu trả lời đã chuẩn bị trước liên quan đến công việc. Vì vậy, một lần nữa, nếu bạn muốn chứng tỏ mình là một thành viên tốt trong nhóm, bạn có thể trả lời: “Tôi thuộc týp người hòa đồng. Tôi có rất nhiều bạn bè và luôn dành thời gian cho họ. Tôi chơi rất nhiều môn thể thao như bóng đá, bóng rổ”.

Tôi không khuyên bạn nói dối. Bạn có rất nhiều thời gian suy nghĩ về câu hỏi này trước cuộc phỏng vấn, cho nên hãy chuẩn bị trước những câu trả lời trung thực và phù hợp về cuộc sống riêng tư và công việc của mình. 

 Năm câu nói của ứng viên mà nhà tuyển dụng thích nghe

1. “Hãy cho tôi biết thêm thông tin về công ty”. Nhà tuyển dụng hiểu rằng bạn thật sự quan tâm đến công ty chứ không chỉ là việc công ty có thể làm gì cho bạn.

2. “Cơ hội thăng tiến của tôi trong công việc này là gì?” Điều này thể hiện bạn là người cầu tiến và mong muốn hoàn thành xuất sắc công việc – cả hai điều này đều mang tính tích cực.

3. “Tôi thật sự muốn được thử thách”. Một lần nữa, điều này thể hiện sự nhiệt tình của bạn đối với công việc, thậm chí cả khi nó diễn ra không suôn sẻ.

4. “Tôi nhận thấy xu hướng trong ngành công nghiệp này là…” Điều đó chứng tỏ bạn thật sự tìm hiểu kỹ lưỡng và quan tâm đến bối cảnh rộng hơn vượt ra ngoài khuôn khổ công việc và thậm chí ngoài công ty.

5. “Tôi có thể đưa ra ví dụ được không”. Càng đưa ra ví dụ minh họa cho câu trả lời của mình bằng các câu chuyện hoặc từ kinh nghiệm của bạn, hình ảnh của bạn trong con mắt nhà tuyển dụng càng tuyệt vời hơn. Đó cũng là điều họ muốn nghe.

 Bạn thích điều gì nhất trong công việc hiện tại?

Đây có thể là câu hỏi mẹo. Nhà tuyển dụng đang nhử để bạn lộ ra những điều bạn không thích trong công việc hiện tại. Bởi như vậy, có lẽ cũng sẽ có những điều bạn không thích trong công việc mà bạn đang ứng tuyển điều này không thật sự mang lại cho bạn kết quả khích lệ. Vì vậy, câu trả lời duy nhất bạn có thể đưa ra là nói rằng bạn thích mọi thứ trong công việc hiện nay.

Nếu bạn cảm thấy câu trả lời đó nghe có vẻ không hợp lý, bạn có thể nêu ra một hoặc hai phần việc mình đặc biệt yêu thích, đảm bảo rằng chúng cũng quan trọng đối với công việc mà bạn đang ứng tuyển. Do đó, bạn có thể nói: “Tôi thật sự may mắn. Tôi không thể tìm ra bất kỳ điều gì khiến tôi không thích trong công việc hiện nay. Nhưng tôi cho rằng điều tôi thích nhất là được giao lưu trực tiếp với khách hàng. Đó là lý do tại sao tôi nộp đơn xin vào vị trí này, vì tôi muốn được làm công việc yêu thích”.

Câu trả lời đó cũng trả lời luôn cho câu hỏi: “Bạn thích mọi thứ, tại sao bạn lại kiếm việc khác?” 

Lời khuyên hữu ích

Nhà tuyển dụng khuyên ứng viên nên trả lời bằng cách:

• Đi thẳng vào vấn đề

• Luôn đưa ra ví dụ minh họa cho câu trả lời

• Khi đã trả lời xong, không được nói tiếp

Thách thức lớn nhất trong công việc mà bạn phải đối mặt là gì?

Đây là câu hỏi rất thú vị. Bạn cần chuẩn bị câu trả lời cho câu hỏi này để có được kết quả tốt nhất. Câu trả lời không chỉ liệt kê những thách thức mà phải kể lại cả quá trình bạn đương đầu với chúng như thế nào. Do đó, bạn phải đưa ra ví dụ minh họa.

Cũng có một số ẩn ý đằng sau câu hỏi này: nhà tuyển dụng muốn biết bạn coi điều gì là thách thức. Vì vậy, hãy suy nghĩ kỹ về ví dụ mà bạn định đưa ra. Đó là một quyết định khó khăn? Một tình huống khó khăn? Hay một hệ thống cần nâng cấp để nâng cao năng suất? Như thường lệ, bạn cần lựa chọn kỹ lưỡng một điều gì đó liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển.

Hãy ghi nhớ: đưa ra ví dụ về những rắc rối với đồng nghiệp là rất nguy hiểm. Nó có thể tạo ấn tượng rằng bạn coi việc hòa thuận với người khác là một thách thức lớn. 

 Mẹo phỏng vấn

Bạn cần chuẩn bị trước câu trả lời, nhưng học thuộc lòng câu trả lời không phải là một ý kiến hay. Bạn không nên học thuộc lòng theo kiểu cứng nhắc. Chỉ cần vạch ra những điểm chính mà bạn muốn nói.

 Tại sao bạn muốn từ bỏ công việc hiện tại?

Nếu lý do thật sự khiến bạn bỏ việc là bạn không thể làm việc với ông chủ hiện nay hoặc mức lương quá thấp thì cũng không nên nói ra điều đó. Nhà tuyển dụng đang tìm kiếm một lý do tích cực để bạn tiến lên chứ không phải là một lý do tiêu cực để bạn tránh một việc mà mình không cảm thấy vui khi làm.

Câu trả lời duy nhất cho câu hỏi này là: “Vì tôi muốn trau dồi thêm kinh nghiệm và tôi nghĩ mình có thể thực hiện được điều đó tốt hơn ở công ty mới”. Nếu kinh nghiệm đó liên quan đến công việc đang ứng tuyển, bạn có thể trau dồi trong một thời gian ngắn. Ví dụ, nếu công việc đòi hỏi bạn phải thường xuyên giao tiếp với mọi người, bạn có thể nói: “Cụ thể, tôi thích giao tiếp với mọi người và tôi có năng khiếu giao tiếp. Nhưng không may, chỗ làm hiện tại của tôi không có nhiều cơ hội để phát triển kỹ năng này”. 

Cảnh báo!

… Người phỏng vấn bạn rất thân thiện và dễ mến. Anh ta hỏi bạn tại sao bạn lại tìm kiếm công việc khác. Bạn quyết định nói toàn bộ sự thật. Bạn nói rằng bạn quyết định như vậy là vì người ta đã không đề bạt bạn vào vị trí mà bạn tin là mình xứng đáng, và bạn phải làm việc dưới quyền một người ít kinh nghiệm hơn mình. Nhà tuyển dụng mỉm cười đồng cảm và hình dung chính xác tình huống tương tự xuất hiện nếu họ tuyển dụng bạn.

Ông chủ hiện tại của bạn là người thế nào?

Không bao giờ được chỉ trích bất kỳ ông chủ nào. Nhà tuyển dụng có thể trở thành ông chủ tương lai của bạn và ông ấy muốn bạn trung thành với các ông chủ khác cả khi bạn ở sau lưng họ. Vì vậy, hãy luôn nói tốt về họ bất kể họ là người như thế nào. Chỉ nên trả lời kiểu như: “Tôi may mắn có một ông chủ rất tốt”.

Vấn đề không chỉ là nhà tuyển dụng muốn biết bạn là người trung thành, mà họ còn hiểu rằng: họ không thể biết được mặt trái của câu chuyện. Những lời phàn nàn về ông chủ của bạn là đúng, nhưng đối với nhà tuyển dụng, chúng có thể khiến người ta nghĩ bạn là kẻ soi mói, và bạn cũng sẽ nói về họ tương tự nếu bạn được tuyển dụng. 

Lời khuyên hữu ích

Đây là lời khuyên hữu ích của Phil Doyle, giám đốc điều hành công ty Ramsey Hall (công ty tuyển dụng nhân sự cao cấp): “Hãy nhắc lại câu hỏi trong phần đầu của câu trả lời. Điều đó giúp nhà tuyển dụng có thể nhắc lại câu hỏi nếu bạn hiểu sai”.

Bạn nghĩ vai trò của (bất kỳ điều gì trong công việc hiện nay của bạn)… là gì?

Với câu hỏi này, tôi không thể gợi ý câu trả lời cho bạn, vì tôi không biết bạn đệ đơn vào vị trí nào. Nhưng câu trả lời của bạn nên dựa vào bức tranh lớn:

• Mục tiêu tổng thể của công việc

• Các nhiệm vụ chính

Bạn có thể có được những manh mối quan trọng từ tài liệu mô tả công việc hoặc kinh nghiệm của chính mình.

Đôi khi câu hỏi này là nhằm mục đích kiểm tra. Khi đó, nhà tuyển dụng sẽ ngắt lời thể hiện sự không đồng tình với bạn. Mục đích của họ là muốn biết liệu bạn có thể bình tĩnh bảo vệ quan điểm của mình một cách thuyết phục hay không, vì vậy, đừng nản chí trước sự ngắt lời của họ. Hãy lịch sự hỏi lại họ để chứng minh những khẳng định của họ rằng sự mô tả về vai trò của… là sai (Dựa vào điều gì mà anh có thể nói như vậy?). Sau đó, bạn bình tĩnh trình bày những lý lẽ của mình. 

Bạn biết gì về công ty của chúng tôi?

 Mẹo phỏng vấn

Nếu bạn vừa tốt nghiệp đại học và đang xin việc, nhà tuyển dụng sẽ muốn biết về quá trình học của bạn và nó giúp bạn đáp ứng công việc này như thế nào. Từ các cuốn sách bạn đọc cho đến các chương trình học ngoài giờ của bạn, các câu hỏi thường gặp là:

• Tại sao bạn lựa chọn chuyên ngành đó?

• Những kiến thức bạn thu được liên quan đến công việc này như thế nào?

• Bạn đã tham gia những dự án nào? 

• Bạn đã tham gia những hoạt động ngoại khóa nào?

 Đây là cơ hội tốt để bạn thể hiện những gì bạn đã chuẩn bị trước. Hãy bám vào những đặc điểm liên quan đến công việc như quy mô, doanh thu, lĩnh vực kinh doanh, sự phát triển và đặc điểm công ty (ví dụ: “Tôi biết công ty này là một doanh nghiệp trẻ, đang phát triển, có uy tín trong lĩnh vực phát triển con người”). Hãy trả lời ngắn gọn, nhưng bổ sung thêm một hoặc hai điều thể hiện bạn đã nghiên cứu sâu chứ không chỉ đơn thuần là đọc báo cáo hàng năm của công ty. Ví dụ: “… và thông qua các tờ báo thương mại, tôi được biết công ty vừa ký kết một số hợp đồng lớn ở Đông Âu”.

Tại sao bạn muốn có công việc này?

Với kiểu câu hỏi này, cố gắng không nói dông dài về các thách thức cũng như viễn cảnh. Hãy nói về những lợi ích và nêu ra cụ thể loại thách thức nào mà bạn cảm thấy hứng thú. Ví dụ: “Tôi là một nhà tổ chức giỏi, và tôi đang tìm kiếm một vị trí tạo cho tôi cơ hội lập kế hoạch và tổ chức” hoặc “Tôi rất muốn được làm việc trong một nhóm thành công, và công việc này dường như sẽ cần một người có khả năng hòa đồng nhanh với nhóm”.

Đây cũng là cơ hội tốt để thể hiện bạn đã tìm hiểu kỹ về công ty, bạn nên nói ngắn gọn và chỉ nói những gì có liên quan. Bạn có thể nói kiểu như: “Tôi nhận thấy các công ty đang phát triển có một môi trường năng động, sôi nổi và tôi biết trong bốn năm gần đây, tăng trưởng bình quân của công ty các anh là 6%”.

Bạn có những khả năng gì để đảm đương công việc?

Thêm một câu hỏi nữa cho bạn có cơ hội tỏa sáng. Bạn cần gắn kết những kinh nghiệm hoặc kỹ năng của bạn với yêu cầu công việc. Vì vậy, hãy nêu khoảng ba điểm mạnh chính có lợi cho bạn có liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển. Ví dụ: “Tôi rất giàu kinh nghiệm giao tiếp với khách hàng, thậm chí với cả những khách hàng rất khó tính. Tôi rất dễ hòa đồng với người khác nên làm việc nhóm rất tốt. Tôi vốn là người ngăn nắp nên có thể dễ dàng đảm nhiệm những công việc giấy tờ và phù hợp với bất kỳ hệ thống nào. Theo tôi hiểu, đây là những kỹ năng quan trọng đối với công việc này”.

Bạn hy vọng sẽ làm việc ở công ty này bao lâu?

Nhà tuyển dụng không muốn tuyển dụng một người sẽ từ bỏ công ty khi đã khai thác hết giá trị của nó. Vì vậy, hãy thể hiện rằng bạn muốn làm việc ở công ty trong thời gian dài. “Tôi muốn làm việc, trưởng thành và phát triển tại đây. Tôi sẽ làm việc trong một thời gian dài, không ngừng tiến bộ và có những đóng góp nhất định cho công ty”. 

 Mẹo phỏng vấn

Hãy chuẩn bị cho tình huống nhà tuyển dụng đưa ra những câu hỏi không nằm trong số các câu hỏi trên. Họ có thể hỏi: “Bạn có kinh nghiệm gì để ứng phó với những khách hàng khó tính?”, hay “Hãy kể về một khách hàng khó tính mà bạn từng gặp. Bạn đã ứng phó thế nào?”, hoặc “Bạn có bí quyết gì để ứng phó với những khách hàng xảo trá hoặc nóng tính?”. Chúng là các dạng khác nhau của cùng một câu hỏi ‒ bạn sẽ phải nhận ra chúng chính là sự gợi ý cho câu trả lời mà bạn đã chuẩn bị.

 Những điểm mạnh nhất của bạn là gì?

Đây là một câu hỏi lý tưởng. Bạn chỉ cần trả lời xoay quanh các nhiệm vụ chính của công việc để khẳng định những điểm mạnh liên quan đến công việc. Hãy nhớ, không nói dài dòng, chỉ nêu từ một đến hai điểm mạnh chính, quan trọng đối với công việc này.

Những điểm yếu nhất của bạn là gì?

Câu hỏi này cũng sẽ xuất hiện ở chương sau. Nó thật sự khó. Nó buộc bạn nói những điều không tốt của bản thân. Cách phòng thủ tốt nhất là:

• Nói kiểu hài hước

• Kể một điều về bản thân không liên quan đến công việc (Tôi không rành việc nhà như thay bóng đèn hay lắp vòi nước).

• Kể về một sự việc đã xảy ra từ rất lâu mà bạn đã rút ra được một bài học (Mười lăm năm trước, tôi luôn bị la mắng về việc để giấy tờ lộn xộn, nhưng tôi đã học được cách dành 30 phút đầu tiên mỗi ngày cho công việc này. Bây giờ, tôi nghĩ là tôi làm công việc này tốt hơn bất kỳ đồng nghiệp nào).

• Nói về một điều mà nhà tuyển dụng coi là điểm mạnh (“Tôi rất sợ phải dừng lại giữa chừng. Tôi thường ở lại công ty cho đến khi hoàn thành công việc, ngay cả khi gia đình tôi luôn phàn nàn rằng tôi thường xuyên về nhà muộn”). 

Các cách trả lời đó sẽ giúp bạn không để lộ những điểm yếu thật sự của mình và tránh việc thể hiện mình quá hoàn hảo ‒ điều mà nhà tuyển dụng không hề thích.

Bạn hình dung mình sẽ ở vị trí nào sau 5 năm nữa?

Hãy thận trọng khi trả lời câu hỏi này bởi nếu bạn đưa ra một mục tiêu cụ thể và nhà tuyển dụng hiểu rằng họ không thể đáp ứng, họ sẽ không lựa chọn bạn. Vì vậy, hãy để ngỏ câu trả lời, nhưng nên nhớ, họ cần biết bạn sẽ nỗ lực và không ngừng làm gia tăng giá trị cho họ. Hãy trả lời kiểu như: “Tất nhiên, tôi là một người tham vọng. Tôi thích sự tiến bộ và phát triển. Nhưng các anh không thể khiến một công việc phù hợp với một danh sách điều kiện. Tôi cho rằng điều nên làm là để công việc đưa anh tiến lên phía trước”.

Trong con mắt của đồng nghiệp, bạn là người như thế nào?

Đây là lời gợi ý để bạn nêu ra những điểm mạnh của mình, vì vậy, hãy chộp lấy cơ hội này. Hãy tập trung vào những điểm cộng của bạn như bạn thường xuyên giúp đỡ người khác, là một thành viên tốt trong nhóm, v.v… Với những câu hỏi kiểu này, bạn không nên đưa ra câu trả lời phóng đại. Bạn có thể bị phát hiện nếu họ kiểm tra lý lịch của bạn hoặc khi bạn bắt đầu công việc này. Vì vậy, nếu bạn là người ít nói nhưng hòa thuận với tất cả mọi người, bạn có thể trả lời: “Trong con mắt của họ, tôi là một thành viên trầm lặng của nhóm, được mọi người yêu mến và có thể tin cậy để cùng nhóm vượt qua bất kỳ thách thức nào”.

Trong con mắt của bạn bè, bạn là người như thế nào?

Câu hỏi này cũng tương tự như câu hỏi: “Trong con mắt của đồng nghiệp, bạn là người như thế nào?”. Không nên nói dối về bản thân, hãy nêu ra những điểm mạnh nhất liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển. Thông thường, điều đáng nói nhất là lòng trung thành và sự nhiệt tình giúp đỡ người khác của bạn.

Nhà tuyển dụng chỉ đơn giản muốn có một hình ảnh đầy đủ nhất về con người bạn để có thể đánh giá liệu bạn có phù hợp với những người mà bạn sẽ cùng làm việc hay không.

Sở thích ngoài công việc của bạn là gì?

Nhà tuyển dụng sẽ cố gắng tìm hiểu kỹ lưỡng về bạn. Những sở thích của bạn sẽ nói cho họ biết bạn là người đam mê thể thao, có tính ganh đua, thích mạo hiểm, thích làm việc một mình hay theo nhóm, v.v… Không nên bịa ra các sở thích (Bởi nhà tuyển dụng có thể hỏi: “Bạn thích nhảy cổ điển à? Tôi cũng vậy! Thế bạn thường tham gia câu lạc bộ nào? Bạn đã dự thi giải nghiệp dư bao giờ chưa?), mà hãy lựa chọn các sở thích và mối quan tâm cho thấy bạn chính là người mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.

Gần đây, bạn đã đọc và yêu thích tác phẩm nào?

Với câu hỏi này, bạn không nên bịa ra câu trả lời chạy theo mốt hoặc nêu tên một cuốn sách nổi tiếng mà bạn chưa hề đọc. Bạn có thể sẽ bị hỏi những câu hỏi xoay quanh câu trả lời của bạn. Bạn không nên đề cập đến cuốn sách gần nhất mà bạn đọc, hãy nêu tên cuốn sách mà bạn thật sự yêu thích có một chút khác thường ‒ bạn không giống như số đông khác. Có thể bạn cần nêu khác tên một cuốn sách kinh điển đặc sắc, một tác phẩm tiên phong hoặc một cuốn tiểu sử ‒ hãy nêu một điều gì đó để thể hiện rằng, nhà tuyển dụng cũng nên đọc cuốn sách đó.

Hãy kiểm tra xem bạn đã sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn chưa

Dưới đây là danh sách toàn bộ các câu hỏi được liệt kê trong chương này. Khi bạn đã chuẩn bị trước câu trả lời cho các câu hỏi đó, hãy ghi tóm tắt câu trả lời vào cột giữa. Ở cột bên phải, ghi chép những ví dụ điển hình nhất mà bạn có thể đưa ra để minh họa cho câu trả lời. Hãy đảm bảo bạn đã sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào.

 

 

 Trả lời

Hãy chuẩn bị trước câu trả lời cho các câu hỏi có khả năng sẽ được đưa ra nhất và hãy nhớ:

• Lắng nghe câu hỏi

• Trả lời vào trọng tâm câu hỏi

• Trả lời ngắn gọn nhưng không bỏ sót điểm nào có liên quan

• Hãy chuẩn bị các câu trả lời để thể hiện bạn là người phù hợp cho công việc đặc biệt này

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.