Thật Đơn Giản - Phỏng Vấn Tuyển Dụng

12. Các trung tâm đánh giá



Các trung tâm đánh giá là công cụ mà nhà tuyển dụng đôi khi vẫn áp dụng – bên cạnh các cuộc phỏng vấn và các bài kiểm tra tinh thần để đánh giá các ứng viên. Đây là một hình thức kiểm tra nhằm đánh giá ở mức độ thực tế. Bạn phải làm một số dạng bài tập như bài tập thảo luận nhóm, bài tập đóng vai hoặc bài tập dự án nhóm (nếu bạn cũng phải làm các bài kiểm tra tinh thần thì bạn sẽ phải làm ở trung tâm đánh giá). Một người giám khảo hoặc một ban giám khảo sẽ quan sát bạn trong suốt quá trình bạn làm bài tập.

Bạn có biết?

Thuật ngữ “trung tâm đánh giá” thường bị hiểu sai lệch. Nó không phải là một vị trí vật lý, mà là một quy trình.

Giống như bài kiểm tra đánh giá khả năng và năng khiếu, các trung tâm đánh giá là một trong những công cụ dự báo chính xác nhất thành tích tương lai của bạn. Nó cũng được coi là phương pháp đánh giá ứng viên công bằng và khách quan. Nếu bạn thật sự là người phù hợp nhất đối với công việc mà bạn ứng tuyển, bạn và có thể tin tưởng rằng, phương pháp đánh giá này sẽ chỉ ra được điều đó.

Nhà tuyển dụng có thể yêu cầu bạn làm một số dạng bài tập khác nhau. Điều quan trọng bạn cần nhớ là ngay cả khi bài tập này chú ý đến một kết quả cuối cùng, như cần đưa ra quyết định, thì cách bạn thực hiện bài tập cũng quan trọng như kết quả cuối cùng của bạn. Điều này có nghĩa là bạn phải đảm bảo:

• Ban giám khảo có thể thấy được sự chuẩn bị của bạn và lưu ý những điểm nổi bật.

• Chỉ ra cách bạn đến được kết luận cuối cùng như thế nào.

Các bài tập của trung tâm đánh giá gồm rất nhiều. Dưới đây là một số chỉ dẫn ngắn gọn về các dạng bài tập chính mà bạn có thể gặp:

Khay đựng thư và công văn đến

Dạng bài tập này cũng giống như tên gọi của nó. Nhà tuyển dụng sẽ giao cho bạn một khay giả thiết là đựng công văn đến của người mà bạn sẽ tiếp quản công việc của anh ta. Bạn phải xem xét tất cả mọi thứ trong khay và đánh dấu vào mỗi lá thư là bạn sẽ giải quyết như thế nào và bạn sẽ có những hành động gì từ các thông tin trong đó. Vì ban giám khảo sẽ dựa vào những lời chú giải này để đánh giá, nên bạn cần chắc chắn rằng mình đã đánh dấu bất kỳ điều gì có thể có ích hoặc có liên quan đến công việc.

Nghiên cứu trường hợp

Với dạng bài tập này, người ta đưa cho bạn rất nhiều thông tin căn cứ vào thực tế về một vấn đề kinh doanh và bạn phải đưa ra quyết định. Những thông tin này có thể có vài điểm không rõ ràng. Bạn phải đánh giá và đi đến quyết định, sau đó gửi quyết định đó đến ban giám khảo hoặc bằng báo cáo hoặc thuyết trình ngắn gọn. Mặc dù việc đưa ra quyết định là quan trọng, nhưng cách tiếp cận vấn đề của bạn cũng quan trọng không kém.

Thảo luận nhóm

Dạng bài này rất giống với dạng bài nghiên cứu tình huống ngoại trừ việc bạn phải đưa ra quyết định cùng với các ứng viên khác trong một nhóm. Đôi khi mỗi ứng viên được giao đóng một vai cụ thể, nhưng cũng có thể tất cả các ứng viên cùng được cung cấp một thông tin như nhau.

Đóng vai phỏng vấn

Với dạng bài tập này, bạn được cung cấp một bản tóm tắt về một cuộc họp. Bạn phải sử dụng bản tóm tắt này để lập kế hoạch cho cuộc họp – cách bạn lập kế hoạch là một phần quan trọng trong việc đánh giá toàn bộ. (Bạn sẽ có 30 phút chuẩn bị). Cuộc họp sẽ bao gồm hoặc thảo luận một vấn đề với người đóng vai, hoặc qua họ để giúp bạn lựa chọn những thông tin về vấn đề đó, như bản tóm tắt đã nêu. Có thể bạn phải sử dụng những thông tin đó hoặc kết quả của cuộc thảo luận để đi đến quyết định về vấn đề bạn đang xem xét. 

 Mẹo phỏng vấn

Cũng giống như cuộc phỏng vấn, tất cả các bài kiểm tra và bài tập là một phương pháp khác để tìm hiểu về bạn. Mục đích của chúng không phải là tra khảo, gài bẫy hay buộc bạn phải chịu đựng thử thách cam go, mà đơn giản là muốn xem liệu bạn có phải là ứng viên phù hợp nhất với công việc hay không. Vì vậy, cách tiếp cận tốt nhất của bạn là dễ dàng vượt qua các bài tập đó. Hãy là chính mình và làm những bài tập đó trung thực nhất có thể.

 Các bài kiểm tra theo nhóm

Nếu nhà tuyển dụng thật sự muốn biết bạn phù hợp với nhóm như thế nào, họ có thể yêu cầu bạn làm một số dạng bài kiểm tra theo nhóm. Thông thường, bài kiểm tra này kéo dài cả ngày hoặc thậm chí vài ngày, về bất kỳ thứ gì, từ việc đi bộ đường dài qua cánh đồng hoang đến việc xây dựng mô hình tháp Eiffel. Qua đó, nhà tuyển dụng sẽ quan sát và đánh giá bạn.

Một điểm tích cực mà bạn cần ghi nhớ là chi phí để tiến hành các bài kiểm tra dạng này rất cao, ông chủ tương lai của bạn sẽ không bỏ tiền ra nếu họ cảm thấy công việc mà bạn đang ứng tuyển không cần như thế hoặc bạn không đáng để đầu tư. Vì vậy, họ yêu cầu bạn thực hiện bài kiểm tra này để củng cố sự chắc chắn trong quyết định của họ.

Nếu bạn không nộp đơn xin làm nhân viên bảo vệ rừng, thì ông chủ tương lai của bạn cũng không cần biết bạn có thể đi bộ đường dài qua cánh đồng hoang hay không. Họ cũng không cần bạn phải xây dựng mô hình tháp Eiffel. Điều họ muốn biết là bạn hoạt động trong nhóm như thế nào. Bạn không nên cố thể hiện mình là một người hoàn toàn khác với con người thực của bạn và nếu có được việc làm nhờ đó, bạn cũng không cảm thấy vui khi làm việc. Bạn sẽ phải cố gắng đóng vai tốt trong suốt thời gian làm công việc đó ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

Vì vậy, bạn hãy quan tâm đến những gì bạn thể hiện trong nhóm chứ không phải là quan tâm đến dự án mà bạn tham gia. Hãy là chính mình, và làm theo những lời khuyên của người đánh giá:

• Không nên chính thức tiếp quản và trở nên quá hách dịch (dù nhóm thật sự chiều theo ý của bạn, coi bạn như là lãnh đạo của nhóm).

• Không quá kín đáo và dè dặt khiến người ta nghĩ rằng bạn không dồn hoàn toàn tâm trí vào công việc. Hãy chắc chắn rằng bạn có những đóng góp tích cực đủ để được đánh giá tốt.

• Không tranh cãi với các thành viên khác trong nhóm. Nếu xung đột xảy ra, hãy đóng vai một thuyết khách và cố gắng cải thiện tình hình.

• Đừng quyết định không tham gia hoặc từ chối chơi trò chơi và nói: “Điều này thật ngu ngốc! Xây dựng mô hình tháp Eiffel để làm gì?”

• Nếu có các nhóm khác thi đua với nhóm của bạn thì đó là một cơ hội tốt để thể hiện khả năng cạnh tranh của bạn, nhưng không được tàn nhẫn. Hãy chấp nhận câu châm ngôn: “Đó chỉ là một trò chơi, mọi thứ đều phải công bằng, chúng tôi muốn thắng trong trò chơi đó và chúng tôi sẽ cố gắng hết mình”. Bạn chưa chắc có được công việc mà bạn đang ứng tuyển khi nhóm của bạn là nhóm đầu tiên hoàn thành việc xây dựng mô hình. Mà cách bạn chơi như thế nào mới là thứ được xem xét. 

Ngoài việc đóng vai trò một thuyết khách, bạn có thể đóng các vai để gây ấn tượng tốt với ba giám khảo như:

• Giúp cả nhóm tập trung vào mục tiêu: “Này các bạn, việc chúng ta buộc các kẹp giấy với nhau thật sự quan trọng đúng không? Hãy tập trung vào việc xây dựng mô hình tháp – mỗi người có thể buộc chúng theo cách của mình”.

• Tổng kết theo từng giai đoạn kết quả mà nhóm làm được: “Chúng ta đã nghiên cứu cách xây dựng mô hình và chúng ta đã quyết định không mất thời gian cho việc kết hợp thành một thang máy hoạt động. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần suy nghĩ về việc phân phối những nhiệm vụ tiếp theo”.

 Bài tập

Các trung tâm đánh giá là một phương pháp công bằng và khách quan để đánh giá khả năng đảm đương công việc của bạn. Cách bạn tiếp cận các bài tập này cũng quan trọng như kết quả cuối cùng mà bạn đạt được hoặc như quyết định mà bạn đưa ra. Một số bài tập bạn phải thực hiện một mình, một số bài tập bạn phải thực hiện cùng một người đóng thế hoặc theo nhóm với các ứng viên khác.

Nếu nhà tuyển dụng yêu cầu bạn tham gia bài kiểm tra nhóm, đặc biệt là trong trường hợp bài tập đó không liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển, có nghĩa là nhà tuyển dụng muốn đánh giá khả năng làm việc trong nhóm của bạn. Vì vậy, việc nhóm của bạn hoàn thành bài tập như thế nào không quan trọng, quan trọng là bạn có ảnh hưởng qua lại với các thành viên khác trong nhóm như thế nào. Vì vậy, bạn hãy tuân thủ theo các nguyên tắc cơ bản sau:

• Không nên tiếp quản hoặc coi mình không liên quan

• Không nên tranh cãi; hãy giúp họ giải quyết những bất đồng đó 

• Giúp cả nhóm tập trung vào mục tiêu

• Tổng kết tiến trình làm việc của nhóm khi thấy cần.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.