Émile Hay Là Về Giáo Dục
QUYỂN NĂM P4
Cũng giống như chỉ có những bệnh nặng mới tạo nên được sự gián đoạn trong trí nhớ, thì hầu như chỉ những đam mê lớn mới làm được thế trong phong hóa. Cho dù thị hiếu và thiên hướng của chúng ta có thay đổi, thì sự thay đổi này, đôi khi quá đột ngột, thường bị làm dịu đi bởi thói quen. Trong sự tiếp nối liên tục của các khuynh hướng của ta, giống như trong sự làm phai nhạt dần các màu sắc, người nghệ sỹ có tài phải làm cho các chỗ chuyển màu sao cho không nhận ra được, phải hòa trộn các sắc màu và để làm cho không có một màu nào là nổi bật, phải trải rộng rất nhiều màu trên toàn bộ tác phẩm của mình. Quy tắc này đã được kinh nghiệm xác nhận; những con người không biết tiết chế mình, luôn thay đổi các sự cảm mến, các thị hiếu, các tình cảm và chỉ có mỗi một sự kiên định là thói hay thay đổi; nhưng con người đúng mực luôn luôn trở lại với các cách hành xử cũ của mình, và ngay cả khi về già vẫn không mất hứng thú với những thú vui họ ưa thích lúc còn nhỏ.
Nếu quý vị làm cho thanh niên khi chuyển sang một độ tuổi mới đừng coi thường chút nào cái họ đã có trước kia, và khi nhiễm các thói quen mới, họ vẫn không rời bỏ những thói quen cũ; và bao giờ họ cũng vẫn muốn làm điều tốt; chỉ như vậy thì quý vị mới cứu được tạo phẩm của mình, và quý vị sẽ vững tin ở họ mãi đến cuối đời họ; bởi vì cuộc nổi loạn đáng sợ nhất là ở độ tuổi mà bây giờ quý vị đang coi sóc. Vì người ta cứ tiếc nuối cái thời ấy mãi, sau này người ta khó mất được những thị hiếu đã từng giữ được từ thời ấy; thay vì chúng có bị gián đoạn, thì suốt đời người ta không phục hồi lại nữa.
Phần lớn các thói quen mà quý vị tưởng rằng tập nhiễm được cho trẻ con và cho thanh niên đều không phải những thói quen thật sự, bởi vì chúng chỉ nhiễm các thói quen ấy vì ép buộc, và vì bất đắc dĩ, chúng chỉ đợi có dịp để thoát khỏi những thói quen ấy mà thôi. Người ta chẳng bao giờ hứng thú gì với việc ở tù vì bị bắt phải ở đó; thế thì thói quen không những không làm giảm sự chán ghét mà lại làm tăng nó thêm lên. Émile thì không như vậy, anh ta, trong thời thơ ấu của mình vì chẳng hề làm gì mà không tự nguyện và không ham thích, nên trong khi tiếp tục làm y như vậy khi trưởng thành, chỉ có thêm sức chi phối của thói quen vào những ngọt ngào, êm ái trong tự do của mình. Cuộc sống năng động, lao động chân tay, thể dục, vận động, đã trở thành cần thiết cho anh ta đến nỗi anh không thể nào từ bỏ được những điều đó mà không khó chịu. Bất thình lình mà rút anh ta về một cuộc sống ẻo lả và ở lì trong nhà sẽ là cầm tù anh ta, áp chế anh ta, giữ anh ta trong một trạng thái quá khích và bị câu thúc; tôi không nghi ngờ gì về việc tính tình và sức khỏe của anh ta cũng nhân đó mà bị hư hại đi. Anh ta thật khó có thể cảm thấy thoải mái được trong một căn phòng cửa đóng then cài; anh cần có sự thoáng đãng, vận động và việc nặng nhọc. Ngay cả khi phải lòng Sophie, anh cũng không thể nhịn được đôi khi phải liếc qua cánh đồng và thèm muốn được băng qua đó cùng cô. Dù sao thì anh vẫn ở lại khi cần; nhưng anh bồn chồn và bị kích động; anh có vẻ phải vật lộn với mình; anh ở lại vì anh đang bị cùm. Quý vị sẽ nói, đấy nhé, đó là những nhu cầu mà tôi đã khiến cho anh ta phục tùng, những bó buộc mà tôi đã đem lại cho anh ta: Và mọi chuyện này đều có thật; tôi đã buộc anh ta phải thành người đàn ông.
Émile yêu Sophie; nhưng những sức hấp dẫn đầu tiên nào đã gắn bó anh ta? Đó là tính đa cảm, đức hạnh, lòng yêu mến những việc lương thiện. Vì yêu lòng yêu mến ấy trong người yêu của mình, liệu anh có đánh mất đi trong chính mình không? Đến lượt mình, Sophie sẽ đặt cho mình giá trị nào? Ở giá trị của mọi tình cảm mang tính tự nhiên trong lòng người tình của cô: Sự tôn trọng những việc thiện thực sự, sự thanh đạm, sự giản dị, sự vô tư cao thượng, sự xem thường thói khoa trương và của cải. Émile đã có những phẩm hạnh ấy từ trước khi tình yêu đòi hỏi anh phải có. Vậy thì Émile đã thực sự thay đổi ở cái gì? Anh ta có những lý do mới để được là chính mình; đó là điểm duy nhất mà anh ta khác trạng thái anh ta đã từng sống.
Tôi không tưởng tượng được rằng trong khi có đôi chút quan tâm để đọc cuốn sách này, có ai lại có thể cho rằng mọi điều kiện của tình huống mà anh ta lâm vào đều có thể tập hợp xung quanh anh ta một cách ngẫu nhiên. Liệu có phải là ngẫu nhiên khi trong các thành phố có vô số thiếu nữ đáng yêu, thì cô thiếu nữ làm cho anh yêu thích lại chỉ ở tận cùng một vùng hẻo lánh xa xôi? Liệu có phải là ngẫu nhiên mà họ lại hợp nhau? Có phải là ngẫu nhiên mà họ không thể cư trú ở cùng một vùng? Có phải là ngẫu nhiên mà anh chỉ tìm được nơi trú ngụ ở nơi quá xa cô như thế có phải là ngẫu nhiên mà anh chỉ gặp gỡ cô quá ít, mà anh buộc phải trả giá cho niềm vui sướng được thỉnh thoảng gặp cô bằng bấy nhiêu nỗi cực nhọc không? Quý vị bảo rằng anh ta hóa ra nhu nhược. Trái lại, anh ta cứng rắn lên; cần phải để anh ta mạnh mẽ như là tôi đã rèn cho anh ta để chịu đựng được những khó nhọc mà Sophie bắt anh phải gánh vác.
Anh ngụ ở nơi cách xa cô hơn hai dặm đường. Khoảng cách này là cái bễ của lò rèn; chính là nhờ nó mà tôi đem tôi luyện những mũi tên của tình yêu. Nếu như họ cư ngụ ở sát nhau, hay anh ta lại có thể đến gặp cô thật khoan khoái trong một cỗ xe tốt, anh sẽ yêu cô tùy thích, anh sẽ yêu cô theo kiểu người đàn ông Paris. Léandre[303] liệu có muốn chết cho Héro chăng, nếu biển khơi không ngăn cách anh ta với cô? Quý vị độc giả xin hãy cho tôi kiệm lời; nếu quý vị đã sẵn lòng để hiểu tôi, quý vị sẽ theo dõi đầy đủ những quy tắc trong các giải trình chi tiết của tôi.
Những lần đâu mà chúng tôi đến gặp Sophie, chúng tôi đã dùng ngựa để đi cho nhanh, chúng tôi thấy cái phương tiện ấy thật tiện lợi, và lần thứ năm đến thăm chúng tôi vẫn dùng ngựa. Chúng tôi đã được đón; từ nơi cách nhà hơn nửa dặm đường, chúng tôi thấy có người trên đường cái. Émile quan sát, trái tim làm anh rộn ràng; anh đến gần, anh nhận ra Sophie, anh vội nhảy xuống ngựa, anh chạy đi, anh bay, anh quỳ trước gia đình lịch sự ấy. Émile thích những con ngựa đẹp; con ngựa của anh lại hăng, nó cảm thấy được thả lỏng, nó lồng lên qua cánh đồng; tôi đuổi theo nó, tôi khó nhọc mới bắt kịp nó, tôi đưa nó trở lại. Thật không may Sophie lại sợ ngựa, tôi chẳng dám đến gần cô. Émile chẳng nhận ra điều gì; nhưng Sophie ghé vào tai báo cho anh biết là anh đã để cho ông bạn lớn của mình bị cực nhọc. Émile rất xấu hổ chạy tới, giữ lấy những con ngựa, ở lại phía sau: Cho công bằng thì mỗi người đến lượt mình phải chịu khó nhọc. Anh ra đi đầu tiên để đưa đám ngựa đi khỏi chúng tôi. Vì phải bỏ Sophie lại đằng sau mình, anh không còn thấy con ngựa là một sự chuyển vận tiện lợi như thế nữa. Anh quay về thở hổn hển, và gặp chúng tôi ở nửa đường.
Trong chuyến thăm viếng sau, Émile không còn muốn đi ngựa nữa. Sao vậy? Tôi bảo anh thế, chúng ta chỉ cần có một gia nhân để lo chuyện này. Ai! Anh nói, liệu chúng ta có vì thế mà làm cho gia đình đáng kính này mang thêm gánh nặng không? Thầy biết rõ là gia đình này muốn đãi đằng cả người và ngựa. Tôi đáp, đúng là như vậy, họ có tính hiếu khách cao quý của sự nghèo khó. Những nhà giàu thì keo kiệt trong sự tráng lệ của họ, chỉ cho các bạn mình trú ngụ thôi; nhưng những người nghèo thì cho trú ngụ cả những con ngựa của bạn bè họ. Anh ta bảo rằng chúng ta hãy đi bộ; thầy có gan làm chuyện ấy không, thầy là người hết sức vui lòng chia sẻ với đứa con của thầy các ý thích gây mệt nhọc mà? Tôi đáp ngay là rất vui lòng: Cũng đúng là tình yêu, theo như tôi hiểu, không muốn được hình thành với bấy nhiêu sự ồn ào.
Khi gần tới, chúng tôi gặp bà mẹ cùng cô con gái lại còn ở chỗ xa hơn lần trước. Chúng tôi lao tới như tên bắn. Émile mồ hôi đầm đìa: một bàn tay yêu dấu hạ cố đưa một chiếc khăn tay lau má cho anh. Dù có rất nhiều ngựa ở đời này, từ nay còn lâu chúng tôi mới muốn dùng đến ngựa.
Trong khi ấy, ác thay là chẳng bao giờ có thể qua buổi tối cùng nhau. Mùa hè đến, ngày bắt đầu ngắn lại. Cho dù chúng tôi có nói đến thế nào thì cũng chẳng bao giờ người ta lại cho phép chúng tôi trở về vào ban đêm; và khi chúng tôi không đến từ buổi sáng, thì hầu như là phải ra về ngay sau khi vừa mới tới. Do cứ phàn nàn cho chúng tôi và lo lắng cho chúng tôi, nên bà mẹ sốt ruột phải nghĩ đến một thực tế là nếu không lưu giữ chúng tôi trong nhà được một cách hợp lẽ, thì người ta cũng có thể tìm được cho chúng tôi một chỗ nghỉ trọ trong làng để thỉnh thoảng đến đó ngủ lại. Được những lời này, Émile vỗ tay, sướng run lên; còn Sophie, tuy không nghĩ đến mình làm việc ấy, nhưng hôm mà bà mẹ tìm ra giải pháp này cô hôn mẹ hơi nhiều hơn một khi.
Dần dà sự dịu ngọt của tình bạn, tình thân mật của sự trong trắng được hình thành và thắt chặt giữa chúng tôi. Những ngày viếng thăm được ấn định bởi Sophie hay mẹ cô, tôi thường đến cùng anh bạn của mình, thỉnh thoảng tôi cũng để anh ta đi một mình. Lòng tin nâng cao tâm hồn, và người ta không thể đối xử với một người đàn ông như với trẻ con được nữa; và làm sao mà tôi đạt được điều đó, nếu học trò của tôi không xứng đáng với sự quý trọng của tôi? Cũng có khi tôi tới mà không có anh ta; lúc đó anh ta buồn rầu nhưng không hề phàn nàn gì: Những lời phàn nàn của anh ta phỏng có ích gì? Và rồi thì anh ta hiểu rõ rằng tôi không đi làm tổn hại cho lợi ích của anh ta. Vả chăng, chúng tôi có đi cùng hay đi riêng thì người ta cũng hiểu rằng chẳng có thời tiết nào giữ chân chúng tôi được, hoàn toàn đắc ý được tới nơi trong một tình trạng có thể được xót thương. Khốn thay, Sophie lại cấm không cho chúng tôi được hưởng vinh dự ấy, và ngăn cản không cho đến thăm khi thời tiết xấu. Đó là lần độc nhất mà tôi thấy cô làm ngược với các quy tắc mà tôi kín đáo truyền cho cô.
Một hôm anh đi một mình, và tôi thì chỉ đợi anh về ngày hôm sau, thế mà tôi lại thấy anh về ngay tối hôm ấy, và tôi nói trong khi ôm lấy anh: Sao! Émile thân yêu, con trở về với ông bạn của con ư! Nhưng đáng lẽ đáp lại những cử chỉ trìu mến của tôi, thì anh ta bảo tôi và tỏ vẻ hơi khó chịu: Xin đừng tưởng rằng con về sớm là theo ý mình, con bất đắc dĩ phải đến đấy thôi. Cô ấy đã muốn rằng con đến đấy; con đến đấy vì cô ấy chứ không phải vì thầy. Cảm động vì sự ngây thơ ấy, tôi ôm chầm lấy anh ta một lần nữa và bảo anh: Con người ngay thật, người bạn chân tình, đừng lấy đi của ta cái thuộc về ta. Nếu con đến đấy vì cô ấy thì vì ta mà con nói lên điều đó: Việc con trở về là thành tựu của cô ấy, nhưng sự ngay thẳng của con là thành tựu của ta. Hãy gìn giữ mãi mãi lòng chân thành cao quý ấy của những người có tâm tính cao đẹp. Ta có thể để cho những kẻ vô tình suy nghĩ thế nào tùy thích; nhưng sẽ là có tội khi chịu để cho một người bạn coi việc mà chúng ta không làm vì họ là một công lao của ta.
Tôi cố giữ đừng làm giảm bớt giá trị của lời thú nhận này dưới mắt anh ta, bằng cách tìm thấy ở đó nhiều tình yêu hơn là sự cao thượng, và bằng cách nói với anh rằng anh muốn làm giảm giá trị của việc trở về ấy ít hơn là muốn gán giá trị này cho Sophie. Nhưng đây là anh bộc lộ với tôi đáy lòng mình mà không đắn đo gì: Nếu anh ta tự ý đến đấy, để thủng thẳng, và vừa đi vừa mơ về những giấc mộng tình của mình, thì Émile chỉ là người tình của Sophie mà thôi; nếu anh ta rảo bước, hăng hái, dù hơi gắt gỏng, thì Émile là người bạn của Mentor[304] của anh ta.
Ta thấy rằng qua những cách xếp đặt như vậy, chàng trai của tôi đúng là còn xa mới sống gần gũi với Sophie được và còn lâu mới muốn gặp cô bao nhiêu lần tùy ý. Một hay hai chuyến viếng thăm hằng tuần là giới hạn cho phép mà anh nhận được; và những chuyến viếng thăm của anh thường chỉ có nửa ngày, ít khi kéo dài sang ngày hôm sau. Anh dùng nhiều thì giờ để mong mỏi được gặp cô, hoặc là để mừng rỡ vì đã được gặp cô hơn là thời gian được gặp cô thực sự. Ngay cả khoảng thời gian mà anh dành cho các chuyến đi thì thời gian anh ở gần cô cũng ít hơn thời gian để đến hay để đi về. Những niềm vui chân thật, trong sạch, tuyệt vời của anh, tưởng tượng nhiều hơn là có thực, kích động tình yêu ở anh mà không làm mềm yếu trái tim anh.
Những ngày không được gặp cô, anh chàng ở không và ngồi lì trong nhà. Những ngày ấy anh vẫn còn là Émile: Anh không hề thay đổi chút nào. Thông thường nhất là anh đi dạo trên các cánh đồng phụ cận, anh theo đuổi việc nghiên cứu tự nhiên; anh quan sát, anh xem xét kỹ các loại đất, những sản vật của chúng, cách trồng trọt các sản vật ấy: Anh so sánh những việc lao động mà anh thấy với những gì anh biết; anh tìm ra lý do của những khác biệt: Khi anh xét thấy có những phương pháp khác tốt hơn so với các phương pháp đang dùng ở vùng này, anh truyền đạt chúng cho những người làm ruộng; nếu anh đưa ra một hình thức tốt hơn cho cái cày, thì anh thể hiện nó ra trên các hình vẽ của mình; nếu anh tìm thấy một mỏ đất sét lẫn vôi thì anh dạy cách sử dụng nó cho người làm ruộng vì kỹ thuật ấy chưa được biết đến trong vùng; thường là anh tự mình bắt tay vào việc; họ rất ngạc nhiên thấy anh sử dụng các công cụ của họ thoải mái dễ dàng hơn là bản thân họ sử dụng, đánh những luống sâu hơn và thẳng hơn những luống của họ, gieo hạt đều hơn họ và điều khiển các tấm chắn gió để gieo hạt một cách thông minh hơn họ. Họ không chê cười anh như một anh hay nói trạng về nông nghiệp: Họ thấy rằng anh thực sự biết về nghề nông. Tóm lại, anh mở rộng nhiệt tình và những chăm sóc của mình cho tất cả những gì có ích lợi đầu tiên và cơ bản; thậm chí anh không tự hạn chế mình ở đó: Anh đến thăm các gia đình nông dân, tìm hiểu rõ về tình trạng của họ, của gia đình họ, về số con của họ, về diện tích đất trồng trọt của họ, về tính chất của sản phẩm, về nơi tiêu thụ, về các năng lực của họ, về các gánh nặng cho họ, về nợ nần của họ, v.v… Anh cho tiền ít thôi vì biết rằng thông thường là đồng tiền được sử dụng không tốt, nhưng anh tự mình chỉ dẫn việc dùng tiền ấy và làm cho đồng tiền trở nên có ích cho họ dù rằng họ cũng có. Anh cung cấp cho họ những người thợ, và thường thì anh trả cho họ tiền công của những công việc lao động mà họ cần đến! Với người này thì anh cho dựng lại và lợp lại căn nhà tranh sắp đổ; với người kia anh cho phục hóa miếng đất bị bỏ hoang của họ vì họ thiếu phương tiện; với người nọ anh cấp cho một con bò cái, một con ngựa, những gia súc đủ loại để thay thế cho những con đã bị mất, hai người láng giềng mà sắp sửa kiện nhau, anh thuyết phục được họ, anh dàn hòa cho họ; một nông dân ngã bệnh, anh bảo người nhà chăm sóc, anh tự mình chăm sóc cho người ấy[305]; một người nông dân khác bị người láng giềng có thế lực nhũng nhiễu, anh bảo vệ anh ta và gửi gắm anh ta; những thanh niên nghèo tìm đến nhau, anh giúp cho họ dựng vợ gả chồng; một người đàn bà lương thiện bị mất đứa con yêu, anh đến thăm bà, an ủi bà, anh ngồi lâu trò chuyện với bà chứ không về ngay; anh không hề coi khinh những kẻ bần cùng, anh không vội vã ra về khi gặp nhưng người khốn khó, anh thường ăn cơm ở nhà những người nông dân mà anh giúp đỡ, anh cũng nhận lời mời dùng cơm ở nhà những người nông dân không cần đến sự giúp đỡ của anh; trong khi trở thành ân nhân của một số người này và thành bạn bè của một số người khác, anh luôn luôn xử sự như người đồng đẳng với họ. Tóm lại anh dùng con người của chính mình để làm việc tốt cũng y như dùng tiền của mình vậy.
Thỉnh thoảng anh hướng chuyến đi của mình sang phía thôn trang hạnh phúc: Anh có thể hy vọng được lén lút nhìn thấy Sophie, thấy cô đi dạo mà không bị cô nhìn thấy; nhưng Émile bao giờ cũng không có thủ đoạn gì trong cách hành xử của mình, anh không biết cách và anh không muốn lừa dối. Sự tinh tế đáng yêu của anh khuyên dụ và nuôi dưỡng lòng tự tôn về chứng cứ lương hảo của bản ngã. Anh tuân thủ nghiêm ngặt lệnh cấm, và không bao giờ đến khá gần để có được nhờ ngẫu nhiên cái điều mà anh chỉ muốn chịu ơn Sophie. Để bù lại, anh rất thích đi lang thang ở vùng phụ cận nơi Sophie ở để tìm kiếm dấu chân người tình, mủi lòng vì những vất vả mà cô đã chuốc lấy và vì những đoạn đường mà cô sẵn lòng đi để chiều ý anh. Hôm trước ngày anh đến thăm cô, anh tới một trang trại láng giềng nào đó để đặt một bữa ăn nhẹ cho ngày hôm sau. Cuộc đi dạo được lái về phía ấy mà anh không để lộ ra chuyện có hoa quả, bánh ngọt, và kem sữa. Cái cô Sophie ưa của ngọt chẳng thờ ơ với những mối quan tâm ấy, và có ý ngợi khen sự chuẩn bị trước của chúng tôi; bởi vì bao giờ tôi cũng có phần của mình trong lời khen tặng ấy, dù tôi chẳng có phần nào trong việc khiến cho có lời khen ấy: Đó là cái mánh của cô gái nhỏ để đỡ phải lúng túng trong khi cảm ơn. Người cha và tôi cùng nhau ăn bánh ngọt và uống rượu vang: Nhưng Émile thì ăn theo suất của đàn bà, luôn luôn rình rập để thó vài đĩa kem mà Sophie đã dùng thìa vào rồi.
Nhân lúc đang ăn bánh ngọt, tôi nói với Émile về những cuộc tập chạy của anh ta ngày trước. Người ta muốn biết những cuộc chạy đó là thế nào, tôi giải thích và mọi người đều cười, mọi người hỏi liệu anh còn biết chạy nữa không. Anh ta trả lời là còn giỏi hơn bao giờ hết và tôi sẽ rất buồn nếu đã quên mất. Người nào đó trong bốn rất muốn xem anh chạy và không dám nói ra; người nào khác đảm nhận nêu ra đề nghị này; anh ta nhận lời: Người ta cho gọi đến hai hay ba thanh niên ở quanh đó; người ta treo giải thưởng, và để cho giống hơn với các trò chơi thuở trước, người ta đặt một cái bánh ngọt ở đích. Mọi người đều đã sẵn sàng dự cuộc đua, người ta phát hiệu lệnh bằng cách vỗ tay. Chàng Émile nhanh nhẹn, rẽ không khí và đã tới cuối chặng đường trong khi ba chàng bị thịt của tôi vừa mới bắt đầu chạy được một quãng. Émile nhận giải trong tay Sophie, và, hào hiệp chẳng kém gì Énée, anh chia quà cho mọi người thua cuộc.
Ngay giữa ánh hào quang của thắng lợi, Sophie dám thách thức cả người thắng cuộc, và khoe rằng cô chạy cũng chẳng kém gì anh. Anh không hề từ chối tham gia vào cuộc đua với cô; và trong khi cô chuẩn bị vào đường đua, xắn hai bên áo dài lên và chú ý phô ra một cặp chân mảnh mai trước mắt Émile còn hơn là thắng anh trong cuộc đua này, cô ngắm xem những chiếc váy của cô đã đủ ngắn chưa, anh ghé tai người mẹ nói một lời gì đó; bà mỉm cười ra dấu tán thưởng. Lúc đó anh bước lại đứng cạnh cô đối thủ của mình và dấu hiệu xuất phát chẳng mấy chốc được phát ra, người ta thấy cô xuất phát như một con chim.
Đàn bà không phải được sinh ra để chạy; khi họ chạy trốn, chính là để bị tóm. Cuộc chạy không phải là việc duy nhất họ làm một cách vụng về, mà đó là việc độc nhất họ làm một cách bất đắc dĩ: Khuỷu tay của họ đưa về phía sau áp sát vào người tạo nên một tư thế nục cười, và họ lại lênh khênh trên những chiếc giày cao làm cho họ giống hệt như những con cào cào chỉ muốn chạy mà lại không chịu nhảy.
Émile không sao tưởng tượng được rằng Sophie lại chạy nhanh hơn những người đàn bà khác, anh không thèm rời khỏi chỗ của mình, và nhìn cô xuất phát với một nụ cười chế giễu. Nhưng Sophie nhẹ cân và mang giày gót thấp; cô chẳng cần đến mẹo vặt để tỏ ra có bàn chân nhỏ, cô vượt lên trước với một sự nhanh nhẹn đến mức để đuổi cho kịp cái cô Atalante[306] đời nay này anh chỉ còn vừa đủ thời gian cần thiết nhận ra khi cô đã quá xa trước anh. Vậy là đến lượt anh xuất phát, giống như con đại bàng lao theo con mồi; anh đuổi theo, đuổi sát gót, rồi bắt kịp cô lúc đó đã thở hổn hển, anh nhẹ nhàng quàng tay trái quanh mình cô, nâng cô lên nhẹ như một cái lông chim, và ép cái vật nặng ngọt ngào ấy vào trái tim mình, cứ thế anh chạy cho hết quãng đường đua và làm cho cô chạm đích đầu tiên, tiếp đó anh hô to Sophie chiến thắng! Anh quỳ một gói xuống đất trước mặt cô thừa nhận mình là kẻ thua cuộc.
Thêm vào những việc bận rộn đa dạng này, là các công việc làm nghề mà chúng tôi đã học được. ít nhất là một ngày trong tuần, và tất cả những ngày thời tiết xấu không cho phép chúng tôi ra ngoài cánh đồng, thì Émile và tôi, chúng tôi đến làm việc ở nhà một người thợ cả. Chúng tôi không làm việc ở đó cho ra vẻ, theo kiểu những người ở bên trên địa vị ấy, mà là làm thật sự và như những người thợ thực thụ. Ông bố của Sophie đến thăm chúng tôi, thấy chúng tôi đang thật sự làm, và không quên kể lại với sự ngưỡng mộ cho bà vợ và cho cô con gái điều ông đã thấy. Ông nói, hãy đến mà xem anh chàng trai trẻ này ở xường thợ, và mẹ con nhà bà sẽ thấy rõ là anh ta có khinh rẻ cảnh nghèo nàn không! Ta có thể hình dung được Sophie nghe lời nói đó với nỗi vui sướng đến thế nào! Người ta cứ nhắc lại chuyện này mãi, người ta muốn bất ngờ gặp anh trong khi đang làm việc. Người ta cứ làm ra vẻ không để ý gì mà hỏi tôi; và sau khi đã biết chắc chắn một trong những ngày của chúng tôi làm ở đó, bà mẹ và cô con gái dùng một chiếc xe ngựa nhẹ đi ra thành phố ngay hôm đó.
Trong khi bước vào xường thợ, Sophie thấy ở đầu xưởng bên kia có một thanh niên mặc áo ngắn, tóc tai buộc lại một cách sơ sài, và quá bận rộn với việc đang làm nên anh ta không trông thấy cô: Cô dừng lại và ra hiệu cho mẹ. Émile một tay cầm cái đục còn tay kia cầm dùi đục, đang hoàn thành một lỗ mộng; sau đó anh cưa một tấm ván và đặt một mảnh xuống dưới cái chặn của bàn thợ mộc để bào cho nhẵn. Cảnh tượng này không hề làm cho Sophie cười; anh làm cô cảm động, anh thật đáng trân trọng. Đàn bà, hãy tôn vinh người chủ của mình; chính anh ta lao động vì cô, anh ta kiếm cơm cho cô, anh ta nuôi dưỡng cô: Đó là người đàn ông.
Trong khi hai mẹ con đang chú ý quan sát anh ta, tôi nhận ra họ, tôi kéo tay áo Émile; anh ta quay lại, trông thấy họ, anh vứt cả đồ nghề của mình và lao tới với một tiếng reo mừng. Sau chính rung cảm đầu tiên xâm chiếm long mình, anh mời họ ngồi và quay về với công việc. Nhưng Sophie không thể ngồi yên; cô đứng phắt ngay dậy, đi khắp xưởng thợ, xem xét các đồ nghề, sờ mặt bóng của các tấm ván gỗ, nhặt những vỏ bào dưới đất, nhìn những bàn tay của chúng tôi, và rồi bảo rằng cô yêu cái nghề này bởi vì nó sạch sẽ. Cô bé nghịch ngợm, thử bắt chước cả Émile. Bằng bàn tay trắng trẻo và yếu đuối của cô, cô đẩy một cái bào trên mặt ván; cái bào trượt đi mà không ăn vào gỗ chút nào. Tôi tưởng như nhìn thấy thần ái tình trong không trung đang cười và vỗ cánh; tôi tưởng như nghe có tiếng reo hoan hỉ nói rằng: Hercule đã được trả thù[307].
Trong khi đó thì bà mẹ hỏi han người thợ cả. Thưa ông, ông trả công cho các cậu này bao nhiêu? Thưa bà, tôi trả cho mỗi cậu hai mươi xu một ngày và tôi cho họ ăn, nhưng nếu chàng trai kia muốn làm, anh ta sẽ kiếm được nhiều hơn, bởi vì đó là người thợ khéo nhất vùng này. Hai mươi xu một ngày và ông nuôi cơm cho họ! Bà mẹ nói trong khi bùi ngùi nhìn chúng tôi. Ông thợ cả nhắc lại: Thưa bà, là như vậy đó. Nghe nói thế, bà liền chạy lại chỗ Émile, ôm lấy anh, ghì anh vào ngực mình trong khi những giọt lệ nhỏ xuống người anh, bà chẳng nói được gì khác ngoài việc lặp đi lặp lại nhiều lần: Con trai tôi! Ôi con trai tôi!
Sau khi đã nói chuyện với chúng tôi một lúc mà không hề làm chúng tôi bỏ công việc, bà bảo con gái: Ta về thôi; đã muộn rồi, không nên để mọi người phải chờ chúng ta. Thế rồi đến gần Émile, bà vỗ nhẹ lên má anh và bảo anh rằng: Này anh thợ giỏi, có muốn về với chúng tôi không? Anh trả lời bằng một giọng thật buồn: Con đã cam kết rồi, xin bà hỏi ông thợ cả. Người ta hỏi ông thợ cả rằng ông có định không cần đến chúng tôi hay không. Ông ta trả lời rằng ông không thể. Ông bảo là vì công việc gấp mà ông phải giao hàng vào ngày kia. Vì trông cậy ở các ông này nên tôi đã từ chối những người thợ đến xin việc; nếu tôi không có các ông ấy, thì tôi không còn biết kiếm được thợ khác ở đâu, và tôi không thể giao hàng vào ngày đã hứa. Bà mẹ không phàn nàn gì hết; bà đợi cho Émile nói. Émile cúi đầu và lặng im. Bà bảo anh vì hơi ngạc nhiên về sự im lặng ấy: Anh không có gì để nói về việc này à? Émile âu yếm nhìn cô gái và chỉ trả lời bằng mấy lời này: Bà biết rõ là con cần phải ở lại mà. Thế là hai mẹ con ra đi và để chúng tôi lại. Émile tiễn họ ra tận cửa, nhìn theo họ cho đến lúc họ đi khuất, thở dài, rồi quay về làm việc mà không nói một lời.
Đọc đường, bà mẹ bực mình, nói chuyện với cô con gái về sự kỳ cục của cái cách đối xử ấy. Bà nói: Sao! Làm vừa lòng ông thợ cả mà chẳng bắt buộc phải ở lại khó khăn đến thế ư? Và chàng trai thật hoang phí này, anh ta chi tiền khi chẳng cần thiết, anh ta không còn biết tìm ra tiền trong những điều kiện thỏa đáng hay sao? Ô mẹ ơi! Sophie trả lời, cầu Chúa cho Émile đừng cho đồng tiền nhiều sức mạnh đến thế, đừng cho anh ta dùng tiền để hủy bỏ một hứa hẹn riêng, để vi phạm lời hứa của mình mà không can gì, và làm cho lời hứa của người khác bị vi phạm. Con biết rằng anh ấy sẽ dễ dàng đền bù cho người thợ vì sự thiệt thòi đôi chút do anh ấy nghỉ việc; nhưng trong khi ấy thì anh ta sẽ bắt tâm hồn mình làm nô lệ cho của cải, anh ta sẽ quen với việc đem của cải thay thế cho các nghĩa vụ của mình, và tin rằng người ta được miễn trừ mọi thứ miễn là người ta chi tiền. Émile có những lối suy nghĩ khác, và con mong rằng con không phải là nguyên nhân làm anh thay đổi. Mẹ có tin rằng anh ấy không phải trả giá gì hết cho việc ở lại đó không? Mẹ ơi xin mẹ đừng lầm, đó là vì con mà anh ở lại; con đã thấy rõ điều đó trong mắt anh.
Đó không phải là vì Sophie rộng lượng đối với những mối quan tâm thực sự của tình yêu; trái lại cô thật là kiêu sa, đòi hỏi cao; cô thà thích không được yêu chút nào còn hơn là được yêu một cách vừa phải. Cô có lòng tự tôn cao quý của niềm giá trị tự cảm nhận được, tự coi trọng và muốn được tôn trọng như nó tự tôn trọng. Cô sẽ coi khinh một tấm lòng chẳng cảm nhận được hết giá trị của tấm lòng cô, chẳng yêu cô do đức hạnh của cô cũng ngang với hoặc còn nhiều hơn là do những nét duyên dáng của cô; một tấm lòng mà chẳng ưa thích bổn phận của bản thân mình hơn cô, và chẳng ưa thích cô hơn mọi thứ khác. Cô không hề muốn có một người tình chỉ biết coi luật lệ của cô làm luật lệ của mình, cô muốn có thế lực với một người đàn ông mà cô không hề làm anh ta biến chất đi. Chính là như thế mà khi làm giảm được giá trị các chiến hữu của Ulysse, Circés[308] khinh rẻ họ, và chỉ hiến thân cho riêng một mình chàng, người mà cô không tài nào làm thay đổi được.
Nhưng cái quyền bất khả xâm phạm và thiêng liêng này được tách riêng ra, rồi, bo bo giữ chặt lấy mọi quyền của mình, Sophie dò xét xem Émile tôn trọng những quyền đó cẩn thận kỹ càng như thế nào, xem anh thực hiện các ý muốn của cô hăng hái như thế nào, đoán ra các ý muốn này khéo léo như thế nào, anh có tới đúng hẹn không; cô không muốn anh đến chậm cũng chẳng muốn anh đến sớm; cô muốn rằng anh thật đúng giờ. Đến sớm tức là coi trọng bản thân mình hơn cô; đến muộn là coi thường cô. Coi thường Sophie! Điều đó sẽ không xảy ra hai lần. Điều nghi kỵ vô căn cứ một lần đã suýt làm mất hết; nhưng Sophie công minh và biết rõ cách sửa chữa những lầm lẫn của mình.
Một buổi chiều chúng tôi được chờ đón; Émile đã nhận được lệnh. Người ta đi đón chúng tôi mà chúng tôi lại không tới. Thầy trò họ ra sao rồi? Họ đã gặp phải tai họa gì? Họ không cử ai đến ư? Buổi tối trôi đi trong sự mong đợi chúng tôi. Cô Sophie tội nghiệp cứ tưởng là chúng tôi đã chết rồi; cô lo buồn, cô dằn vặt; cô khóc lóc suốt đêm. Ngay từ chiều người ta đã sai một người đi để được biết tin tức về chúng tôi và đem tin trở về cùng với một người của chúng tôi để chuyển lời xin lỗi miệng của chúng tôi và nói rằng chúng tôi vẫn khỏe mạnh bình thường. Một lúc sau, chính chúng tôi xuất hiện. Lúc đó cảnh trí thay đổi liền; Sophie lau nước mắt, hay là, nếu cô có rơi lệ, thì đó là những giọt lệ giận dữ. Trái tim kiêu hãnh của cô đã không được lợi khi yên tâm rằng chúng tôi còn sống; Émile thì còn sống, và làm cho người ta mong mỏi một cách vô ích.
Lúc chúng tôi đến, cô muốn vào phòng riêng tự nhốt mình lại. Người ta muốn cô ở lại; thì phải ở lại: Nhưng cô quyết định tức thì, tỏ một vẻ bình thản và hài lòng đánh lừa những người khác. Người cha đến trước mặt chúng tôi và nói với chúng tôi rằng: Các vị đã làm cho các bạn của mình lo buồn trong số đó có những người không dễ dàng tha thứ cho quý vị. Sophie bảo: Ai vậy thưa cha? Cô vừa nói vừa mỉm một nụ cười duyên dáng nhất mà cô có thể tạo ra được. Người cha đáp: Can gì đến con, miễn là không phải con? Sophie không đối đáp gì, cúi đầu nhìn xuống việc mình đang làm dở trên tay. Bà mẹ tiếp chúng tôi bằng một thái độ lạnh lùng và nghiêm nghị. Émile bối rối không dám đến gần Sophie. Cô nói với anh trước, hỏi thăm sức khỏe của anh ra sao, mời anh ngồi, và vờ vĩnh khéo đến nỗi anh chàng tội nghiệp, hãy còn chưa hiểu tí gì về ngôn ngữ của các niềm đam mê mãnh liệt, bị lừa vì cái vẻ điềm tĩnh này, và chính anh lại gần như sắp nổi khùng.
Để làm cho anh ta tỉnh ngộ, tôi đến cầm lấy tay Sophie, tôi muốn hôn lên bàn tay ấy như thỉnh thoảng tôi có làm thế: Cô rút phắt tay về-với một tiếng Thưa ông được thốt lên quá khác thường đến mức cái hành vi không chủ ý này làm lộ cô ngay lúc đó dưới cặp mắt của Émile.
Chính Sophie, khi thấy mình đã bị lộ, bớt gò ép đi. Vẻ điềm tĩnh bề ngoài của cô chuyển thành một vẻ coi thường khinh khỉnh. Cô trả lời tất cả mọi người với giọng điệu nhát gừng từng tiếng một chậm rãi và thiếu tự tin, dường như sợ rằng để lộ quá rõ sắc thái phẫn nộ của mình. Émile, sợ hãi đến dở sống dở chết, nhìn cô đau đớn, và cố gắng động viên cô nhìn vào mắt anh cho cô hiểu rõ những tình cảm thực của anh. Sophie lại càng bị lòng tự tin của anh làm cho kích động hơn, đưa sang anh một ánh mắt làm cho anh mất sạch cả ý muốn nài xin một cái nhìn thứ hai. Émile cuống cuồng, run sợ, chẳng còn dám nói, dám nhìn cô, nhưng thật may mắn thay cho anh bởi vì dù chẳng phải anh là thủ phạm, song nếu như anh chịu đựng được sự phẫn nộ của cô, thì không khi nào cô lại có thể tha thứ cho anh được.
Lúc đó thấy rằng đã đến lượt mình, và đã đến lúc phải giải thích, tôi quay lại với Sophie. Tôi lại cầm lấy tay cô, cô không còn rút tay về nữa, vì cô đã bắt đầu thấy khó ở. Tôi dịu dàng bảo cô: Sophie thân quý, chúng tôi không may; nhưng con biết điều và công bằng, con sẽ không kết tội chúng ta mà không nghe chúng ta nói; xin con hãy nghe chúng ta. Cô không trả lời gì hết, và tôi nói như thế này:
“Chúng tôi ra đi hôm qua từ bốn giờ sáng; chúng tôi đã được bảo là phải đến nơi lúc bảy giờ và bao giờ chúng tôi cũng dành nhiều thì giờ hơn mức cần thiết nhằm mục đích nghỉ ngơi một chút khi đến gần nơi đây. Chúng tôi đã đi được ba phần tư chặng đường thì chợt nghe có tiếng than khóc vẳng tới từ khe đồi cách chúng tôi chẳng bao xa. Chúng tôi chạy tới nơi có tiếng kêu la: Chúng tôi thấy một người nông dân khốn khổ vừa ra tỉnh về có trong chút rượu vang trên lưng ngựa, và đã bị ngã nặng đến nỗi anh ta bị gãy chân. Chúng tôi cũng kêu cứu, nhưng chẳng có ai đáp lời; chúng tôi thử đặt người bị thương lên lưng ngựa của anh ta, nhưng không thành công: Chỉ hơi cử động một chút là con người bất hạnh ấy phải chịu những cơn đau khủng khiếp. Chúng tôi đành quyết định buộc con ngựa vào cánh rừng gần đó; rồi dùng tay mình làm cáng, đặt người bị thương vào, và cùng anh ta đi sao cho càng nhẹ nhàng càng tốt, rồi đi theo sự chỉ dẫn của anh ta để về nhà anh ta. Hành trình thật là dài; chúng tôi phải nghỉ lấy sức nhiều lần. Cuối cùng thì chúng tôi cũng tới nơi, mệt rã rời; chúng tôi nhận ra với sự ngạc nhiên cay đắng là chúng tôi đã biết ngôi nhà này, và con người khốn khổ mà chúng tôi đem về với biết bao khó nhọc lại chính là người đã từng tiếp đãi chúng tôi với biết bao thân tình vào ngày mà chúng tôi lần đau đặt chân đến vùng này. Do ai cũng bối rối nên chúng tôi vẫn không thể nhận ra nhau cho đến lúc ấy.
“Anh nông dân ấy chỉ có hai đứa con nhỏ. Vợ anh đang mang thai đứa con thứ ba, quá sửng sốt vì thấy anh trở về nên chị ta thấy đau dữ dội và vài giờ sau thì trở dạ. Trong tình thế ấy thì phải làm gì trong một ngôi nhà tranh ở một vùng hẻo lánh là nơi mà người ta không hy vọng được vào bất kỳ một sự cứu giúp nào? Émile nhận lấy việc đi lấy con ngựa mà chúng tôi đã để lại trong rừng, nhảy lên mình ngựa và phóng thật nhanh ra thành phố để tìm một nhà phẫu thuật. Anh trao ngựa cho nhà phẫu thuật, và không sao tìm được ngay một hộ lý, anh đi bộ: cùng với một đầy tớ, sau khi đã gửi đến quý vì một phái viên, trong lúc tôi bối rối, như các vị có thể hình dung được, giữa một người đàn ông gãy chân và một người đàn bà đang đau đẻ, tôi chuẩn bị trong nhà mọi thứ mà tôi dự tính là cần đến cho việc cấp cứu cả hai người.
“Tôi sẽ không nói chi tiết phần còn lại với các vị làm gì bởi vì đó không phải là vấn đề: Mãi đến tận hai giờ sáng cả hai chúng tôi đều không có lấy một lúc nào xả hơi. Cuối cùng chúng tôi đã trở về nơi trú ngụ gần đây trước khi trời sáng để ở đó mà chờ đến giờ các vị thức giấc để báo cho các vị biết tai nạn của chúng tôi”.
Tôi lặng im không nói gì thêm. Nhưng trước khi có người kịp nói, Émile đến gần người tình của mình, cất cao giọng và bảo cô với sự rắn rỏi hơn là tôi chờ đợi: Sophie, cô là người quyết định số phận của tôi, cô biết rõ điều đó. Cô có thể làm cho tôi chết vì đau khổ, nhưng cô đừng hy vọng làm cho tôi quên đi các luật lệ của lòng nhân đạo: Đối với tôi những luật lệ ấy thiêng liêng hơn những luật lệ của cô, tôi không bao giờ từ bỏ chúng vì cô.
Sophie đáng lẽ đáp lại những lời nói ấy, bèn đứng lên, quàng một cánh tay vít lấy cổ anh, trao cho anh một nụ hôn lên má, tiếp đó đưa bàn tay cho anh với sự duyên dáng không thể bắt chước được, cô nói với anh: Émile, hãy cầm lấy bàn tay này, nó thuộc về anh. Nếu anh muốn, anh hãy là người chồng của em và là ông chủ của em; em sẽ cố gắng để xứng đáng với vinh dự ấy.
Lúc cô vừa mới ôm hôn anh, thì người cha, mừng rỡ, vừa vỗ tay vừa kêu lên: Thêm lần nữa, thêm lần nữa, và Sophie không để giục giã, trao ngay cho anh hai nụ hôn lên má bên kia, nhưng, gần như đồng thời, cô khiếp sợ về những gì mình vừa làm, cô trốn vào đôi tay bà mẹ và rúc đầu vào ngực mẹ để che bộ mặt đỏ rực vì thẹn thùng.
Tôi sẽ không mô tả niềm vui chung của mọi người; mọi người đều phải nhận thấy niềm vui ấy. Sau bữa ăn chiều, Sophie hỏi liệu có quá xa để đến thăm những người bệnh tội nghiệp đó không. Sophie muốn thế và đó là một việc thiện. Người ta đến đó: Người ta thấy họ trong hai giường riêng biệt; Émile đã sai mang thêm một cái giường đến đây: Người ta thấy có nhiều người xúm quanh để an ủi họ: Émile đã thu xếp chuyện này. Nhưng vả chăng cả hai người đều ở trong cảnh rất lộn xộn nên họ phải chịu đựng sự khó chịu ngang với tình trạng sức khỏe của mình. Sophie quàng lên người mình một cái tạp dề của người đàn bà nhà quê, và đặt bà ta nằm lại cho thoải mái trong giường của bà; cô lại làm thế cho người chồng; bàn tay dịu dàng và nhẹ nhõm biết tìm cách lựa chiều mọi cái có thể làm đau họ, và đặt một cách êm ái hơn chân tay họ còn đang đau đớn. Cô vừa đến gần là họ đã cảm thấy được nhẹ người, cứ như thể cô đoán ra mọi thứ có thể làm họ đau. Cô gái thật tế nhị này không ghê sợ cả sự bẩn thiu lẫn mùi tanh tưởi, và biết cách làm mất cả cái nọ lẫn cái kia mà không phải cần đến ai giúp việc và cũng chẳng làm cho người bệnh phải chịu đau đớn. Cái cô mà người ta luôn luôn thấy quá nết na, và đôi khi lại quá khinh khỉnh, cái cô mà có được mọi thứ trên đời, cũng sẽ không chạm một đầu ngón tay vào giường một người đàn ông, lại xoay trở và đổi tư thế nằm cho người bị thương mà không hề ngần ngại, và đặt anh ta trong một tư thế thoải mái hơn để anh ta có thể nằm như vậy được lâu. Nhiệt tình của lòng từ thiện cao hơn cả sự nết na, việc cô làm thì cô làm thật nhẹ nhàng gần như chẳng ai nhận ra được là người ta đã động chạm tới mình. Cả bà vợ và ông chồng đều cùng cầu phúc cho cô gái đáng mến đã phục vụ họ, đã thương xót họ, đã an ủi họ. Đó là một thiên thần mà Thượng đế đã cử đến với họ, cô có bộ mặt và vẻ kiêu diễm của thiên thần, có sự dịu dàng và lòng tốt của thiên thần. Émile cảm động ngắm nghía cô trong im lặng. Hỡi người đàn ông, hãy yêu cô bạn đời của mình. Thượng đế ban cô ta cho anh để an ủi anh lúc khó khăn, để làm cho anh được dịu bớt những nỗi đau của mình: Đó là người vợ.
Người ta làm lễ đặt tên cho đứa bé mới sinh. Đôi tình nhân dâng bé lên, với khát vọng cháy bỏng tận đáy lòng rồi sắp tới sẽ có nhiều đứa bé của họ để người khác làm như thế. Họ mong đợi cái lúc khát khao ấy; họ ngỡ đạt tới gần nó: Mọi ngần ngại của Sophie đã được cắt bỏ, nhưng những ngần ngại của tôi lại kéo đến. Họ vẫn còn chưa đủ chín chắn như họ nghĩ: Ai cũng phải đến lượt của mình.
Một buổi sáng mà họ chưa được gặp nhau đã hai hôm rồi, tôi bước vào phòng Émile với một lá thư trong tay, và tôi bảo anh trong khi chăm chú nhìn anh: Con sẽ làm gì nếu được tin là Sophie đã chết? Anh ta thét lên, đứng bật dậy tay nọ đập vào tay kia, và không nói được lấy một lời, nhìn tôi với cái nhìn vô hồn. Tôi nói tiếp vẫn bình thản như trước: Hãy trả lời đi con. Lúc đó, bị kích động vì sự thản nhiên của tôi, anh lại gần, cặp mắt rực lửa hờn giận; và đứng sững lại với một thái độ gần như hăm dọa: Con sẽ làm gì…? Con chẳng biết nữa; nhưng điều con biết là suốt đời con sẽ không nhìn mặt lại người cho con biết tin này. Tôi mỉm cười trả lời anh ta: Con hãy yên tâm, cô ta đang sống, cô mạnh khỏe, cô nghĩ đến con, và chúng ta được mong đợi chiều nay.
Nhưng bây giờ chúng ta hãy cùng nhau đi dạo và nói chuyện với nhau. Nỗi đam mê đã ám ảnh không để anh đi vào những cuộc trò chuyện thuần lý như trước kia: Phải làm cho anh vì quan tâm đến chính nỗi đam mê ấy mà chú ý đến những bài học của tôi. Đó là điều tôi đã làm bằng cái lối mở đầu khủng khiếp ấy; bây giờ thì tôi tin chắc rằng anh sẽ nghe tôi.
“Émile thân yêu, phải có hạnh phúc, đó là mục tiêu của một sinh thể có ý thức, đó là ham muốn đầu tiên mà tự nhiên phú cho ta, và đó là ham muốn độc nhất không khi nào rời ta. Nhưng hạnh phúc ở đâu? Ai biết nó như thế nào? Ai cũng tìm kiếm nó, mà chẳng có ai tìm được. Người ta dùng cả đời để theo đuổi hạnh phúc mà đến chết vẫn không đạt được. Anh bạn trẻ của tôi ơi, khi con mới sinh ta đã bế con trên tay và xin Thượng đế chứng giám lời hứa mà ta dám cam kết, ta hiến đời ta cho hạnh phúc của gia đình con, liệu bản thân ta có biết rằng mình cam kết điều gì không? Không: Ta chỉ biết có mỗi một điều là khi làm cho con được hạnh phúc thì ta chắc chắn rằng mình hạnh phúc. Khi thực hiện cho con sự tìm tòi hữu ích này, ta đem nó làm của chung của cả hai ta.
“Chừng nào mà ta vẫn chưa biết rõ điều mình phải làm, sự khôn ngoan là ở chỗ giữ cho mình đừng hành động. Đó là câu châm ngôn mà con người cần đến nhiều nhất trong các câu châm ngôn, và là câu châm ngôn mà người ta biết noi theo ít nhất. Kiếm tìm hạnh phúc mà chẳng biết nó ở đâu thì có khác nào chuốc lấy việc lánh xa nó, có khác chi rước lấy bao rủi ro ngang trái nhiều ngang với bao lối để mà lầm lạc. Nhưng không phải là mọi người đều biết đừng nên làm gì. Sự khát khao được an lạc hãm chúng ta vào nỗi khắc khoải, trong đó chúng ta thích dối mình để theo đuổi hạnh phúc hơn là đừng làm gì để kiếm tìm nó: Và, sau khi đã ra khỏi nơi chốn mà chúng ta có thể biết hạnh phúc là gì, thì chúng ta lại không biết làm sao để trở lại đó được nữa.
“Với cùng một sự không biết như thế, ta đã thử tránh chính cái sai lầm như thế. Trong khi chăm lo cho con, ta đã quyết không làm một việc gì vô ích và quyết ngăn cản con làm điều đó. Ta giữ mình đi theo con đường do tự nhiên vạch ra, với sự mong mỏi rừng tự nhiên sẽ chỉ cho ta con đường hạnh phúc. Hóa ra con đường vẫn là đường ấy, và ta đã đi theo con đường ấy mà không nghĩ đến.
“Con hãy làm nhân chứng cho ta, hãy làm thẩm phán của ta; ta sẽ không bao giờ bác bỏ con. Những năm đầu đời của con đã không bị hy sinh cho các năm tiếp theo; con đã thụ hưởng mọi phúc lành mà tự nhiên đã ban cho con. Trong những nỗi đau mà tự nhiên buộc con phải chuốc lấy mà ta đã có thể tránh được cho con khỏi lâm vào, thì con đã chỉ cảm nhận những gì làm cho con cứng rắn hơn đối với những đau đớn khác. Con từng phải chịu một nỗi đau nào là chỉ để nhờ đó mà tránh được một nỗi đau lớn hơn. Con không từng biết cả hận thù lẫn tình trạng bị áp chế. Tự do và thỏa mãn, con vẫn cứ công bằng và thiện tâm; bởi vì cảnh khổ và thói xấu không tách rời nhau được, và bao giờ thì con người cũng chỉ trở thành độc ác khi họ bất hạnh. Hãy để cho kỷ niệm của tuổi ấu thơ của con kéo dài đến tận những ngày con già nua! Ta không sợ rằng có bao giờ trái tim thiên hảo của con nhớ lại thuở ấu thơ mà không có đôi lời cầu phước cho bàn tay đã chi phối thuở ấy.
“Khi con đã bước vào tuổi của lý trí, ta đã giữ cho con không bị dư luận của mọi người chi phối; khi trái tim con trở nên đa cảm, ta đã phòng ngừa cho con khỏi thế lực của những đam mê. Nếu như ta có thể giữ mãi cho con cái an bình nội tâm ấy đến tận cuối đời con, thì ta sẽ giữ cho con, tạo phẩm của ta được an toàn, và con sẽ luôn luôn hạnh phúc như một con người có thể được thế; nhưng Émile thân yêu, dù ta đã cố đem tôi luyện tâm hồn con trong dòng nước Hoàng tuyền, song ta chẳng thề làm được cho nó khỏi bị tổn thương ở bất kỳ chỗ nào, nơi nổi lên một địch thủ mới mà con vẫn chưa học được cách chế ngự, mà ta thì không thể cứu con được. Kẻ địch ấy là chính bản thân con đó. Tự nhiên và số phận đã để cho con được tự do. Con có thể chịu đựng được cực khổ, con có thể chống đỡ được những đau đớn thể xác, còn những nỗi đau của tâm hồn thì con chưa được biết. Con chẳng thiết cái gì ngoài thân phận của con người, còn bây giờ thì con lại tha thiết với mọi gắn bó mà con tạo nên cho mình; trong khi học biết ham muốn, con đã biến mình thành kẻ nô lệ của những ham muốn của con. Dẫu chẳng có gì thay đổi ở con, dẫu chẳng có gì xúc phạm đến con, dẫu chẳng có gì động chạm đến sự tồn tại của con, song bao nhiêu nỗi đau có thể xâm chiếm tâm hồn con! Con có thể cảm thấy bao đau đớn khi chẳng bệnh tật gì! Con vẩn có thể chịu bao cái chết tuy không chết! Một sự lừa lọc, một sai lầm, một nỗi hoài nghi có thể làm cho con thất vọng.
“Con đã thấy ở nhà hát các nhân vật bị lâm vào những nỗi đau cực điểm, hét vang sân khấu bằng những tiếng thét điên cuồng, sầu não như đàn bà, khóc lóc như trẻ con, và làm vậy mà xứng đáng với sự hoan hô của công chúng. Con có nhớ chăng con đã tức giận vì những lời than vãn ấy, những tiếng thét ấy, những tiếng rên rỉ ấy ở những người mà người ta chỉ nên mong đợi những hành vi kiên định và quyết đoán. Sao! Con đã rất công phẫn mà bảo rằng, đó là những tấm gương mà người ta nêu lên để chúng ta noi theo, những khuôn mẫu mà người ta đưa ra cho chúng ta bắt chước! Liệu người ta có sợ rằng con người lại không đủ nhỏ mọn, không đủ khổ sở, không đủ yếu mềm, nếu như người ta không tán dương thêm sự mềm yếu của con người dưới hình ảnh giả tạo của đạo đức? Anh bạn trẻ của ta, từ nay con hãy có thái độ khoan thứ hơn đối với sân khấu: Thế là con đã trở thành một trong những nhân vật của nó.
“Con biết đau đớn và chết: Con biết chấp nhận quy luật tất yếu trong những đau đớn về thể xác; nhưng con vẫn còn chưa áp đặt các luật lệ cho những thèm khát của lòng con; và chính là từ những cảm xúc của chúng ta, hơn là từ các nhu cầu, mà sinh ra khủng hoảng trong cuộc sống của chúng ta. Những thèm muốn của chúng ta thật vô cùng, mà sức mạnh của chúng ta thì hầu như không có. Con người bị bó buộc bởi các ước muốn đủ thứ, còn chẳng hề bị bó buộc bởi bản thân mình, ngay cả bởi chính cuộc sống của mình cũng không nốt; anh ta càng tăng thêm những mối gắn bó, anh ta lại càng tăng thêm những nỗi khổ cho mình. Tất cả đều chỉ trôi đi trên cõi nhân gian này: Tất cả mọi thứ mà ta yêu mến sớm muộn gì rồi cũng tuột khỏi chúng ta mà thôi, còn chúng ta thì cứ yên chí là nó phải bền lâu mãi mãi. Con đã sợ hãi đến thế nào vì mỗi một chút ngờ vực về cái chết của Sophie! Vậy con có cho rằng cô ta sống mãi không? Ở tuổi cô không có ai chết cô ta phải chết, con ơi, và có thể là chết trước con. Ai biết được liệu cô ta có còn sống thậm chí ngay trong lúc này? Tự nhiên chỉ chế định cho con có một lần chết, con lại phải chịu một lần chết thứ hai; thế là con lâm vào cảnh phải chết hai lần.
“Như vậy là vì thuận theo những đam mê vô độ của mình mà con sẽ vẫn cứ phải than vãn mãi! Luôn luôn vì những thiếu thốn, vì những mất mát, vì những lo âu; thậm chí con không hưởng thụ được những gì sẽ còn lại cho con. Nỗi sợ hãi mất tất cả sẽ cản trở, làm cho con không có được gì hết; vì chỉ muốn theo đuổi những đam mê của mình, thì không bao giờ con có thể thỏa mãn được chúng. Con sẽ luôn luôn tìm kiếm sự an bình, nhưng nó luôn luôn trốn chạy trước mặt con, con sẽ khổ sở, và con sẽ trở nên độc ác. Và con sẽ có thể làm thế nào để khỏi lâm vào tình cảnh ấy khi con chỉ lấy những dục vọng vô độ của con làm quy luật! Nếu con không chịu đựng nổi những thiếu thốn không như ý, thì con sẽ chủ ý bởi mình chịu thiếu thốn như thế nào? Làm sao con biết hy sinh sự ham muốn của mình cho bổn phận và chống chọi với lòng mình để nghe theo lý trí? Con từng chẳng còn muốn nhìn mặt người đã báo cho con biết tin người yêu của con chết, thì làm thế nào con nhìn mặt kẻ muốn cướp cô đi lúc còn đang sống cho được, kẻ sẽ dám bảo con rằng: “Cô ta đối với anh là đã chết rồi, đức hạnh chia rẽ anh với cô ta đấy”? Nếu phải sống cùng cô ta dù có xảy ra chuyện gì đi nữa, dù Sophie có lấy chồng hay không, dù con có được tự do hay không, dù cô có yêu con hay ghét con, dù người ta có nhận gả cô cho con hay từ chối con, cũng chẳng sao, con muốn kết hôn với cô, phải có được cô với bất cứ giá nào. Vậy con hãy cho ta biết một kẻ chỉ lấy các ham muốn của lòng mình làm luật lệ, và không biết chống chọi với bất kỳ điều gì mà hắn thèm muốn thì hắn sẽ dừng chân ở tội ác nào?
“Con trai của ta, không hề có hạnh phúc nào là không cần lòng dũng cảm, không có đức hạnh nào là không cần sự phấn đấu. Từ đức hạnh là suy ra từ sức mạnh; sức mạnh là nền tảng của mọi đức hạnh. Đức hạnh chỉ thuộc về một sinh thể yếu đuối về bản chất và mạnh mẽ về ý chí; thế là chỉ bằng mỗi điều đó mà làm nên giá trị của con người chính trực; và dù rằng chúng ta gọi là Chúa lòng lành, mà không gọi là Chúa đức độ bởi vì Chúa không cần nổ lực gì để ban điều lành. Để giảng giải cho con cái từ quá mạo phạm này, ta phải đợi cho con đủ khả năng để hiểu ta. Chừng nào đức hạnh chẳng cần khó khăn gì cũng thực hiện được thì người ta ít có nhu cầu biết đến nó. Nhu cầu này xuất hiện khi những đam mê được thức tỉnh: Nhu cầu ấy đã đến với con.
“Khi giáo dục con trong tất cả sự giản dị của tự nhiên, thay vì thuyết giáo cho con về những bổn phận nặng nề, ta lại đã giúp con tránh được những thói xấu là cái làm cho các bổn phận ấy thành ra nặng nề; ta đã làm cho con thấy lời dối trá là vô ích hơn là khả ố, ta đã làm cho con biết rằng chỉ nên quan tâm đến cái gì thuộc về con hơn là trả lại cho một người cái thuộc về họ; ta đã đào tạo con có thiện tâm hơn là có đức hạnh. Nhưng ai mà chỉ có thiện tâm thôi thì cũng chỉ ở chừng mực như là anh ta có ý thích được như thế. Thiện tâm sẽ đổ vỡ và hủy hoại trong cuộc xung đột với dục vọng của con người; con người mà chỉ có thiện tâm thôi thì chỉ là có thiện tâm vì bản thân mình.
“Vậy thế nào là con người có đức hạnh? Đó là kẻ biết chế ngự những xúc cảm của mình: Bởi vì lúc đó anh ta tuân theo lý trí của mình, tuân theo lương tâm của mình; anh ta làm nghĩa vụ của mình, anh ta giữ vững vị thế của mình trong trật tự, và không có gì làm cho anh ta rời bỏ vị thế ấy. Cho đến bây giờ con vẫn chỉ được tự do về hình thức; con chỉ mới có được cái tự do bấp bênh của kẻ nô lệ mà người ta chưa sai bảo hắn phải làm gì. Bây giờ thì con hãy trở thành tự do trong thực tế, con hãy học cách trở thành người chủ của chính mình; hãy ra lệnh cho trái tim con, ôi Émile, và con sẽ có đức hạnh.
“Vậy đó là một bước rèn luyện sơ bộ khác phải làm, bước rèn luyện này còn khó khăn hơn trước đầu tiên: Bởi vì tự nhiên giải thoát chúng ta khỏi những khổ đau mà tự nhiên bắt ta phải chịu hay là dạy cho chúng ta biết chịu đựng chúng, nhưng tự nhiên không nói gì hết cho chúng ta về những khổ đau do chúng ta tự mình gây nên, tự nhiên bỏ mặc chúng ta với bản thân, tự nhiên kệ cho chúng ta, những nạn nhân của dục vọng của chính mình, không chống chọi nổi với những khổ đau hão huyền, và lại còn tự tán thưởng mình về những dòng lệ mà lẽ ra chúng ta sẽ phải lấy làm hổ thẹn.
“Đây chính là nỗi đam mê đầu tiên. Đó là đam mê độc nhất có thể là xứng đáng với con. Nếu con biết chi phối nó với tư cách người đàn ông, nó sẽ là nỗi đam mê cuối; con sẽ chế ngự được các đam mê khác và con sẽ chỉ vâng theo khát vọng đức hạnh.
“Nỗi đam mê ấy chẳng phải là tội lỗi, ta biết rõ điều đó, nó cũng trong sạch y như những tâm hồn cảm nhận được nó. Sự lương thiện tạo nên nó và sự trong trắng nuôi dưỡng nó. Sung sướng thay những kẻ đang yêu! Những lôi cuốn của đức hạnh chỉ tăng thêm những quyến rũ của tình yêu cho các bạn; và mối ràng buộc êm ái mà các bạn mong đợi đòi hỏi có sự khôn ngoan không kém gì sự gắn bó. Nhưng con hãy nói cho ta biết, hỡi người đàn ông chân chất, niềm đam mê trong sạch đến thế có bớt chinh phục con hay không? Con có bớt làm kẻ nô lệ của nó hay không? Và nếu như mai này niềm đam mê ấy không còn trong trắng nữa, liệu con có dập tắt nó ngay từ ngày mai không? Bây giờ là lúc thử thách các sức mạnh của con; khi đã phải dùng đến nó thì thời gian không còn đủ nữa. Các cuộc thử thách nguy hiểm này phải làm từ lúc còn lâu mới xảy ra tai họa. Người ta không tập luyện được gì trong cuộc đấu tranh trước kẻ thù, người ta phải chuẩn bị việc ấy trước cuộc chiến; người ta lâm trận khi đã chuẩn bị đầy đủ.
“Thật là sai lầm khi phân biệt các đam mê thành hai loại được phép và bị cấm, để lao vào loại thứ nhất và khước từ loại kia. Mọi đam mê đều tốt cả khi người ta còn làm chủ được chúng; đam mê nào cũng xấu xa khi người ta để cho chúng chinh phục. Điều mà tự nhiên cấm đoán chúng ta là đem sự gắn bó quyến luyến của chúng ta vươn ra quá xa so với sức mình: Điều mà lí trí cấm đoán chúng ta, đó là muốn cái chúng ta không thể đạt được; điều mà lương tâm cấm đoán chúng ta không phải là bị cám dỗ mà là để chúng ta bị xiêu lòng vì các cám dỗ. Có hay không những đam mê thì không tùy thuộc ở chúng ta, nhưng tùy thuộc ở chúng ta là việc chế ngự các đam mê ấy. Mọi tình cảm chi phối chúng ta đều tội lỗi chỉ còn những tình cảm mà chúng ta chế ngự được thì đều chính đáng; một người đàn ông yêu vợ người khác là vô tội nếu anh ta giữ được niềm đam mê đau khổ ấy cho thuận theo luật của nghĩa vụ; anh ta lại có tội vì yêu chính vợ mình đến để hy sinh tất cả cho tình yêu của mình.
“Đừng có mong đợi ở ta những bài giảng dài dòng về đạo đức; ta chỉ có một châm ngôn độc nhất cho con, và điều đó mọi người khác đều hiểu cả. Con hãy làm người đàn ông, hãy đặt lại trái tim con vào trong những hạn chế của hoàn cảnh. Con hãy tìm hiểu và hãy biết rõ những hạn chế ấy; dù nó có chật hẹp đến đâu thì người ta cũng chẳng đau khổ gì khi tự nhốt mình vào đó; người ta chỉ khổ sở khi muốn vượt ra ngoài những hạn chế đó; người ta chỉ khổ sở khi vì những ham muốn điên loạn của mình mà đem những điều không thể xếp vào hàng những điều có thể thực hiện được; người ta chỉ đau khổ khi người ta quên mất tình cảnh của con người để rèn giũa nó trong huyễn tưởng, để rồi bao giờ cũng lại từ tình trạng huyễn tưởng ấy rơi tõm trở lại vào tình trạng thực của mình. Chỉ những của cải mà người ta tưởng rằng có quyền sở hữu thì khi bị mất đi mới là đáng kể. Sự hiển nhiên không sao có được chúng giải thoát cho ta khỏi điều đó: Những ước muốn vô vọng chẳng hề làm cho ai đau khổ. Một kẻ nghèo hèn không hề bị giày vò bởi khát vọng làm vua; một ông vua chỉ muốn thành thần khi ông ta tin rằng mình không còn là người nữa.
“Những ảo tưởng của thói kiêu hãnh là nguồn gốc phát sinh ra những đau khổ lớn nhất của chúng ta; nhưng sự chiêm ngưỡng cảnh khổ của con người làm cho người khôn ngoan luôn luôn biết sống có chừng mực. Anh ta đứng vững ở vị thế của mình, không vùng vằng giãy cựa để vượt ra khỏi đó; anh ta không hề sử dụng nỗ lực của mình một cách vô ích để hưởng thụ những gì mà anh ta không thể gìn giữ được cho mình; và dùng mọi nỗ lực ấy vào việc sở hữu chắc chắn cái mà anh ta có, thực ra là anh ta mạnh và giàu hơn cả bởi anh thèm muốn ít hơn chúng ta. Là một con người phải chết và phải bị tiêu hủy, liệu ta có tạo ra cho mình những mối quan hệ vĩnh hằng trên Trái đất này, nơi mà tất cả đều đổi thay, nơi mà tất cả đều qua đi, mà ta cũng sẽ biến đi nay mai? Ôi Émile, ôi con trai ta! Khi mất con thì ta sẽ còn lại được gì? Và dù sao ta cũng phải học cách để mất con; bởi vì ai mà biết được khi nào thì con bỏ ta đi?
“Vậy con có muốn được sống hạnh phúc và khôn ngoan, thì hãy chỉ gắn bó trái tim con với sắc đẹp nào không tiêu tan được: Sao cho hoàn cảnh giới hạn những ham muốn của con, sao cho những bổn phận đi trước những dục vọng của con: xin hãy mở rộng quy luật về sự cần thiết tất yếu cho các sự việc đạo đức; hãy học cách chịu mất mát những gì mà con có thể bị lấy mất; hãy học cách từ bỏ mọi thứ khi đức hạnh đòi hỏi, để tự đặt mình cao hơn các sự việc, để giải thoát cho trái tim con khỏi bị các thứ đó vò xé, để có được dũng khí trong sự đối địch, nhằm không bao giờ lâm vào cảnh khốn khổ, để được quyết đoán trong nghĩa vụ của con, nhằm không bao giờ mắc tội lỗi. Lúc đó con sẽ hạnh phúc bất chấp số mệnh, và khôn ngoan bất chấp những đam mê. Lúc đó con sẽ thấy trong việc sở hữu ngay cả những tài sản mong manh nhất cũng có một khoái cảm mà không gì có thể làm vẩn đục được; con sở hữu các tài sản ấy mà không để cho chúng chiếm hữu con, và con sẽ cảm thấy rằng, con người mà mọi thứ đều tuột khỏi anh ta, chỉ hưởng thụ được từ cái mà anh ta biết để bị mất. Con sẽ không hề có ảo tưởng về những lạc thú hư ảo, đúng vậy; con cũng sẽ không hề có những đau khổ do những ảo tưởng ấy gây ra. Con được rất nhiều trong cuộc đổi chác này; bởi vì những đau khổ ấy là thường xuyên và có thực, còn những lạc thú kia lại hiếm hoi và hư ảo. Chế ngự được bấy nhiêu dư luận dối lừa ấy, con sẽ là kẻ chiến thắng cả cái dư luận vốn đem lại một giá trị quá cao cho cuộc sống. Con trải qua đời mình không hề bấn loạn và kết thúc đời mình không run sợ; con tự giải thoát cho mình khỏi cuộc đời cũng như khỏi tất cả mà sự. Mà những kẻ khác bị sự khiếp sợ xâm chiếm, lại nghĩ từ giã cõi đời là thôi tồn tại; do biết được sự hư vô của nó, con cho là mới khởi đầu. Cái chết là tận cùng cuộc sống của kẻ ác, và là sự khởi đầu của sự sống đối với người công chính”.
Émile nghe tôi nói với sự chăm chú pha lẫn lo âu. Anh ta sợ có một vài kết cục tai hại gì đó ở những lời mở đầu ấy. Anh ta dự cảm rằng trong khi vạch ra cho anh sự cần thiết phải có sức mạnh của tâm hồn, tôi muốn đưa anh vào cuộc rèn luyện khó khăn này; và giống như một kẻ bị thương run rẩy khi thấy nhà phẫu thuật đang tới, anh ta tưởng như đã cảm nhận được trên vết thương của mình cái bàn tay làm đau đớn mà cũng làm mau lành, ngăn không cho vết thương rơi vào trạng thái thối rữa.
Còn ngờ vực, bối rối, sốt ruột muốn biết tôi định đưa chuyện này đến đâu, đáng lẽ là trả lời thì anh ta lại hỏi tôi, nhưng có chút e ngại. Thưa, phải làm gì? Anh ta vừa nói với tôi vừa run rẩy và không dám ngước mắt lên. Tôi trả lời bằng một giọng dứt khoát: Điều phải làm là rời xa Sophie. Thầy nói gì? Anh ta kêu lên có vẻ bị kích động: Rời xa Sophie! Bỏ cô ta mà đi, lừa dối cô ta, làm kẻ phản bội, kẻ lừa đảo, kẻ bội ước!… Tôi ngắt lời anh ta. Sao! Đó là vì tôi mà Émile sợ bị đánh giá bằng những từ như vậy? Émile nói tiếp vẫn hăng như trước: Chẳng phải do thầy, cũng chẳng do một người khác; con sẽ biết, dù có trái ý thầy thì vẫn bảo tồn được tạo phẩm của thầy, con sẽ không bị đánh giá bằng những từ ấy.
Tôi đã chờ đón cơn thịnh nộ đầu tiên này; tôi để mặc cho nó qua đi mà không hề động tâm. Nếu tôi không có sự chừng mực mà thuyết giảng cho anh ta, thì tôi sẽ thật quá đẹp mặt khi đã thuyết giảng cho anh ta điều đó! Émile quá biết rõ tôi thành thử không tin tôi có thể đòi hỏi ở anh ta điều gì không tốt và anh ta thừa biết là rời bỏ Sophie thì sẽ không tốt đẹp gì theo cái nghĩa mà anh ta gán cho ngôn từ đó. Cho nên rồi anh ta cũng đợi cho tôi giải thích rõ. Lúc đó tôi mới nói tiếp:
“Émile thân yêu, con có tin được rằng một người đàn ông dù có ở vào một cảnh huống nào đi nữa, vẫn có thể hạnh phúc hơn con trong ba tháng vừa qua không? Nếu con tin điều đó thì hãy tỉnh ngộ đi. Trước khi thưởng thức những lạc thú ở đời, con đã làm cho hạnh phúc của những lạc thú ấy bị cạn kiệt. Ngoài điều mà con đã cảm nhận được thì chẳng có gì hết. Tột độ hạnh phúc của xác thịt là thoáng qua, ở đó bao giờ cũng vậy, trạng thái bình thường của tình yêu bị mất mát đi. Con đã hưởng thụ băng tưởng tượng nhiều hơn là sẽ được hưởng thụ trong thực tế. Sự tưởng tượng tô vẽ thêm cho cái mà người ta ham muốn song lại bỏ mặc nó khi đã chiếm hữu được. Ngoài cái sinh thể độc nhất tồn tại được bằng chính mình, thì chỉ có cái không tồn tại là tốt đẹp. Nếu trạng thái này luôn luôn có khả năng kéo dài, con sẽ tìm được hạnh phúc cực điểm. Nhưng tất cả những gì gắn với con người đều dễ tàn lụi; mọi thứ đều kết thúc, mọi thứ đều là thoảng qua trong đời người: Và khi trạng thái làm cho ta hạnh phúc cứ kéo dài không ngừng, thì thói quen được hưởng thụ nó lại sẽ tước bỏ mất hứng thú của chúng ta về sự hưởng thụ đó. Nếu ở ngoại giới chẳng có gì thay đổi, thì cõi lòng thay đổi, hạnh phúc từ bỏ chúng ta hoặc chúng ta từ bỏ hạnh phúc.
“Thời gian mà con sẽ chẳng đếm xỉa đến trôi đi trong suốt cơn mê sảng của con. Hạ qua, Đông tới. Giả sử chúng ta vẫn có thể tiếp tục cuộc hành trình của mình trong một thời tiết khắc nghiệt đến thế, thì mọi người cũng sẽ chẳng bao giờ chịu để như vậy. Đúng là phải thay đổi hẳn lối sống dù ta chẳng muốn thế, lối sống hiện nay không sao kéo dài them được nữa. Ta nhìn thấy trong cặp mắt nhớn nhác của con rằng khó khăn này chẳng làm cho con phải bối rối gì nhiều: Sự thú nhận của Sophie và những ham muốn của riêng con gợi ra cho con một phương sách dung dị để tránh khỏi tuyết lạnh và để không còn có những chuyến đến thăm Sophie nữa. Kế sách thì hẳn là thuận tiện: Nhưng mùa xuân đã tới, tuyết tan và đám cưới còn đó; phải nghĩ đến nó trong mọi thời tiết.
“Con muốn cưới Sophie, và con mới chỉ quen biết cô ta có năm tháng trời! Con muốn cưới cô ta không phải vì cô ta hợp với con, mà vì cô ta làm cho con ưa thích; cứ như là tình yêu chẳng bao giờ lầm lần về những điều tương hợp, và cứ như là những kẻ bắt đầu bằng yêu nhau thì chẳng bao giờ kết thúc bằng chán ghét nhau! Cô ta có đức hạnh, ta biết điều đó; nhưng như thế là đủ rồi sao? Là những con người có thiện tâm liệu có đủ để phù hợp được với nhau không? Không phải là ta ngờ vực gì về đức hạnh của cô ta, mà là chưa rõ về tính cách của cô. Tính cách của một người đàn bà có tự phơi bày ra trong ngày một ngày hai không? Con có biết rằng cần phải có bao nhiêu là tình huống gặp gỡ mới biết hết được tính nết họ? Bốn tháng quyến luyến nhau có đảm bảo được cho con về cả cuộc đời không? Có thể là vắng mặt hai tháng thôi sẽ làm cho cô ta quên con rồi, có thể một kẻ khác chỉ đợi có sự xa cách của con để xóa hết hình ảnh con trong trái tim cô ta; có thể là ngày con trở về, con sẽ thấy cô ta cũng lạnh nhạt ngang như con thấy cô ta đầy tình cảm cho đến tận lúc này. Tình cảm thì chẳng phụ thuộc vào những nguyên phát; cô ấy có thể vẫn còn thật chân thành và thôi không còn yêu con nữa. Cô ta sẽ thủy chung và trinh thục, ta thiên về tín điều đó; nhưng ai đảm bảo cho con về cô ta và ai đảm bảo cho cô ta về con; chừng nào các con chưa từng bị thử thách? Các con hãy chờ đợi xem liệu cuộc thử thách này có phải sẽ là vô ích cho các con không? Các con hãy chờ đợi, để hiểu được mình, để cho các con không sao còn xa cách nhau được nữa.
“’Sophie còn chưa đầy 18 tuổi; con mới qua tuổi ấy ít nhiều, tuổi này là tuổi của tình yêu, nhưng không phải là 22, là tuổi của hôn nhân. Cha và mẹ gì trong gia đình lại trẻ thế! Này, muốn biết dạy dỗ trẻ con, ít ra hãy đợi cho mình thôi là trẻ con. Con có biết có bao nhiêu cô gái trẻ đã phải gánh chịu những mệt nhọc của thời kỳ trước tuổi làm suy yếu cả thể trạng, tàn phá cả sức khỏe, rút ngắn cả cuộc sống không? Con biết chăng có bao nhiêu đứa trẻ suy mòn và yếu đuối mãi, chỉ do không được nuôi dưỡng trong bụng một người mẹ đã được phát triển đầy đủ? Khi mà người mẹ và đứa con lại cùng nhau lớn lên, và do chất liệu cần thiết cho sự lớn lên của mỗi người trong hai mẹ con lại phải chia sẻ làm đôi, cả con lẫn mẹ cùng không có được cái mà tự nhiên dành cho mình: Làm sao mà cả hai mẹ con lại có thể không phải cùng chịu khổ vì điều đó? Hoặc là ta hiểu quá sai về Émile, hoặc là con sẽ thích sau này có một người vợ và những đứa con mạnh khỏe hơn là chiều theo sự nóng vội của mình làm phương hại đến cuộc sống và sức khỏe của vợ con mình.
“Chúng ta hãy nói về con. Trong khi mong mỏi được làm chồng và làm cha, hiện con đã nghĩ kỹ về những bổn phận chưa? Khi trở thành chủ gia đình, con sẽ trở thành thành viên của quốc gia. Và trở thành thành viên của quốc gia là như thế nào? Con biết điều đó chưa? Con đã nghiên cứu các bổn phận của mình khi làm người đàn ông, nhưng những bổn phận của người công dân, con đã biết chưa? Con đã biết chính phủ, luật pháp, tổ quốc là gì chưa? Con đã biết quốc gia phải trả giá đến mức nào cho con có thể sống được không? Và con có biết vì ai mà con phải chết? Con tưởng mình đã biết hết, và con vẫn còn chưa biết gì hết. Trước khi giữ một vị trí trong trật tự dân sự, con hãy học đế biết trật tự ấy và để biết con hợp với đẳng cấp nào ở đó.
“Émie, cần phải rời xa Sophie, ta không nói là bỏ cô ta; nếu con có thể làm được điều đó, thì cô ta sẽ rất sung sướng là chưa lấy con: Cần phải rời xa cô để rồi trở lại xứng đáng với cô. Đừng bao giờ quá huyễn hoặc để tin rằng đã xứng với cô. Còn bao nhiêu là việc cho con phải làm. Con hãy hoàn thành cái nhiệm vụ cao quý này; con hãy học cách chịu đựng sự xa cách; con hãy giành lấy giá trị của lòng chung thủy, sao cho khi trở về, con có thể có gì đó làm vinh dự cho con khi ở bên cô, và xin cầu hôn, không phải như một ân huệ, mà như một sự tưởng thưởng”.
Vẫn còn chưa từng được tập dượt để đấu tranh với bản thân mình, vẫn còn chưa từng quen với việc thèm khát một đàng lại muốn một nẻo, chàng trai không chịu quy thuận; anh ta chống lại, anh ta tranh luận. Tại sao cứ phải khước từ hạnh phúc đang đón đợi? Có phải sẽ là phỉ báng bàn tay chìa ra nhận lời anh cầu hôn nếu trì hoãn đón nhận bàn tay ấy không? Anh ta có cần phải xa rời cô ta mới học được cái mà anh ta phải biết không? Và nếu cứ cần phải có điều đó thì tại sao anh không để lại cho cô trong những ràng buộc không tháo gỡ nổi, cứ đảm bảo chắc chắn cho việc trở về của anh ta chứ? Anh ta mà được làm chồng của cô, thì anh ta sẵn sàng đi theo tôi; hai người mà được kết hôn rồi, thì anh ta xa rời cô mà chẳng e ngại gì… Émile thân yêu, các con kết hôn để rồi các con xa nhau, sao ngang trái đến thế! Một người yêu có thể sống thiếu vắng cô nhân tình thì được; nhưng một người chồng thì không bao giờ được rời xa vợ mình khi không cần thiết. Để khắc phục những ngần ngại của con, ta thấy rằng sự trì hoãn của con phải là không cố ý: Điều cần thiết là con có thể bảo Sophie rằng con xa rời cô ta ngoài ý muốn của mình. Này! Hãy bằng lòng đi, và vì con không nghe theo lẽ phải, thì con hãy nhận người khác làm thầy. Con không quên lời cam kết mà con đã hứa với ta chứ. Émile, cần phải rời xa Sophie, ta mong điều đó.
Nghe những lời này, anh ta cúi đầu, lặng im, trầm ngâm một lát, thế rồi nhìn tôi có vẻ tự tin, anh ta bảo tôi: Khi nào chúng ta đi? Tôi bảo anh là sau tám ngày nữa, cần phải chuẩn bị cho Sophie chấp nhận cuộc ra đi này. Đàn bà thì mềm yếu hơn, cần phải đối xử nhẹ nhàng với họ; và sự thiếu vắng này lại chẳng phải là một bổn phận đối với cô ta như là đối với con, nên để cho cô ta chịu đựng nó được nhẹ nhàng hơn.
Tôi rất muốn kéo dài chuyện tình của đôi bạn trẻ cho đến lúc họ xa cách nhau, nhưng tôi đã từ lâu lạm dụng lòng khoan dung của độc giả; chúng ta hãy rút ngắn câu chuyện để kết thúc một lần cho xong. Émile liệu có dám ăn nói với cô nhân tình của mình với cùng một sự tự tin mà anh ta vừa mới biểu lộ với ông bạn của mình không? Đối với tôi thì tôi tin điều đó; chính là do sự chân thật trong tình yêu mà anh ta phải có được lòng tự tin ấy. Anh ta sẽ thẹn thùng hơn trước cô ta, nếu như anh ít khổ tâm hơn vì rời xa cô; anh sẽ rời xa cô như có lỗi, và vai trò ấy bao giờ cũng gây khó xử cho một tấm lòng ngay thẳng: Nhưng sự hy sinh càng lớn đối với anh ta, thì anh ta lại càng lấy đó làm vinh dự trước một con người làm cho sự hy sinh ấy đối với anh là nặng nề. Anh ta không e sợ rằng cô để cho người ta lừa phỉnh về động cơ quyết định sự hy sinh đó. Anh ta có vẻ như thầm bảo cô qua từng ánh mắt: Ôi Sophie! Hãy hiểu cho lòng tôi, và xin hãy chung thủy; em không có một người yêu vô đạo đức đâu.
Còn về phần cô Sophie kiêu sa, cô cố gắng chịu đựng có phẩm cách miếng đòn bất ngờ giáng vào cô. Cô ráng tỏ ra vô cảm trong việc này; nhưng vì cô không được giống như Émile, vinh dự trong cuộc đấu tranh và trong thắng lợi, nên tính kiên định của cô cũng giảm sút. Cô khóc lóc, cô rên rỉ mặc dù cô không muốn thế, và nỗi khiếp sợ sẽ bị quên lãng làm bức bối thêm nỗi đau xa cách. Nhưng không phải cô khóc lóc trước mặt người yêu của mình, cũng không phải cô để cho anh thấy những nỗi khiếp sợ của mình; cô sẽ ngạt hơi còn hơn là để lọt ra một tiếng thở dài khi có mặt anh: Chính tôi mới là người tiếp nhận những lời than vãn của cô, là người thấy những dòng lệ của cô mà cô giả vờ coi như bạn tâm tình. Đàn bà thường khéo léo và biết cách giả đò: Càng thầm cằn nhằn chống lại sự chuyên chế của tôi thì cô lại càng quan tâm hơn để mơn trớn tôi; cô cảm thấy số phận của mình ở trong tay tôi.
Tôi an ủi cô, tôi làm cho cô yên tâm, tôi cam đoan với cô về người yêu của cô, hay đúng hơn là về chồng cô: Rằng cô chung thủy với anh ta y như là anh ta sẽ chung thủy với cô, và hai năm nữa anh sẽ là chồng cô, tôi thề như vậy. Cô đủ tôn trọng tôi để tin rằng tôi không muốn lừa dối cô. Tôi là người bảo đảm cho từng người trong đôi lứa, cho người nọ đối với người kia. Tấm lòng của họ, đức hạnh của họ, lòng thành của tôi, lòng tin của cha mẹ, tất cả đều làm họ yên tâm. Nhưng mà lý trí giúp gì được cho sự mềm yếu? Họ chia tay nhau như là họ sẽ không còn được gặp nhau nữa.
Chính lúc đó Sophie nhớ lại những nuối tiếc của Eucharis và thực sự coi mình ở vào địa vị của cô ta. Trong khi vắng mặt nhau, chúng ta không được để khơi dậy những mối tình kỳ khôi ấy. Một hôm tôi bảo Sophie, con hãy trao đổi sách với Émile. Con hãy tặng anh ta cuốn Télémaque để anh ta học được giống như nhân vật ấy; và anh ta sẽ tặng con cuốn Khán giả, mà con thích đọc. Con hãy tìm hiểu ở đó những bổn phận của người đàn bà đoan chính, và hãy nghĩ rằng sau hai năm nữa những bổn phận ấy sẽ là các bổn phận của con. Cuộc trao đổi này làm vui lòng cả hai, và tạo cho họ niềm tin. Thế rồi ngày buồn cũng đến, phải chia tay nhau.
Người cha xứng đáng của Sophie, người mà tôi cùng bàn tính mọi điều, ôm hôn tôi trong lúc nhận lời từ biệt của tôi; rồi kéo tôi riêng ra, ông nói với tôi những lời này với một giọng trang trọng và một ngữ điệu hơi nhấn mạnh: Tôi đã làm tất cả để chiều ý ông; tôi biết rằng tôi thương nghị với một con người trọng danh dự. Tôi chỉ còn một lời để nói với ông: Xin ông nhớ cho rằng học trò của ông đã ký hôn ước của anh ta lên miệng con gái tôi.
Thái độ của đôi tình nhân sao mà khác nhau đến thế! Émile thì hung hăng, dữ dội, kích động, không tự chủ được, thốt ra những tiếng thét, tuôn những dòng thác lệ lên đôi tay người cha, người mẹ, người con gái, ôm lấy tất cả mọi người trong gia đình với tiếng nức nở của mình, và lặp lại hàng ngàn lần cùng những chuyện ấy một cách lộn xộn mà trong mọi dịp khác ắt sẽ gây cười. Sophie thì ủ ê, tái xanh, mắt thất thần, ánh mắt u ám, không cử động gì, chẳng nói năng gì, chẳng hề khóc lóc, chẳng nhìn thấy một ai, kể cả Émile. Anh đã cầm tay cô, xiết chặt cô trong cánh tay mình; cô vẫn bất động, vô cảm trước những giọt lệ của anh, với những ve vuốt của anh, với mọi cử chỉ của anh: Với cô, anh đã ra đi rồi. Người này thật xúc động hơn biết bao so với sự than vãn khó chịu và tiếc nuối ầm ĩ của người tình của cô! Anh nhìn thấy điều đó, anh cảm nhận được điều đó, anh ngậm ngùi về chuyện ấy: Tôi phải khó khăn mới dẫn được anh đi; nếu tôi còn để thêm cho anh một lát thì anh sẽ không còn muốn ra đi nữa. Tôi thật nhẹ cả người vì anh mang theo mình cái hình ảnh buồn bã ấy. Nếu như có bao giờ anh muốn quên đi điều mình phải làm vì Sophie, trong khi nhắc lại cho anh về cô như anh đã thấy vào lúc anh ra đi, thì hơn là anh phải có một cõi lòng quá tha hóa cũng như tôi không đưa anh trở về được với cô.
NHỮNG CHUYẾN ĐI
Người ta hỏi rằng nếu thanh niên đi du lịch thì có tốt chăng, và người ta tranh luận rất nhiều về chuyện ấy. Nếu người ta hỏi một cách khác đi, rằng liệu có là tốt khi những người đàn ông đi du lịch, có thể là họ sẽ không tranh luận nhiều đến thế.
Sự lạm dụng sách vở giết chết khoa học. Vì tưởng rằng mình biết điều đã đọc, người ta cho là mình không cần phải học điều đó nữa. Đọc quá nhiều chỉ có tác dụng tạo ra những kẻ dốt nát mà tự phụ. Suốt mọi thời đại của văn chương, chẳng khi nào người ta đọc nhiều như ở thời đại này, và cũng chẳng có thời nào mà người ta lại ít thông thái hơn; ở tất cả các nước Âu châu, chẳng có ở đâu lại in ra những câu chuyện, những cuốn du ký nhiều đến như ở nước Pháp, chẳng có ở đâu người ta lại ít biết đến các bậc thiên tài và các phong tục của các nước khác như ở Pháp! Bao nhiêu là cuốn sách làm cho ta coi thường cuốn sách của thế giới; hoặc là nếu ta có đọc nó đi nữa, thì mỗi người chỉ gắn bó với cái trang mình thích. Giả sử tôi không biết câu nói Người ta có thể là người Ba Tư được chăng? Thì khi nghe nói lên câu ấy, tôi sẽ đoán rằng nó xuất xứ từ một nước mà ở đó các thành kiến dân tộc được lên ngôi hơn cả và từ cái giới truyền bá nó rộng nhất.
Một người Paris tưởng là biết về con người, thì anh ta chỉ biết có người Pháp mà thôi; ở thành phố của anh ta, lúc nào cũng đây người ngoại quốc, anh ta nhìn mỗi người ngoại quốc cứ như một hiện tượng dị thường chẳng có gì tương đồng với phần còn lại của thế giới. Phải được thấy tận mắt những nhà tư sản của cái thành phố lớn này, phải từng sống ở nhà họ, mới tin được rằng với bấy nhiêu trí tuệ mà con người ta có thể ngốc nghếch như vậy. Có điều kỳ cục là mỗi người trong bọn họ đã từng đọc dễ đến mười lần sự mô tả về một đất nước mà một cư dân của đất nước ấy sắp sửa làm cho họ lạ lùng kinh dị quá chừng.
Phải nhìn thấu những định kiến của các tác giả và của chúng ta để đi tới chân lý, thật là quá nhiều. Tôi đã suốt đời đọc các du ký và chưa bao giờ thấy được lấy hai cuốn mà cho tôi cùng một ý tưởng về cùng một dân tộc. Trong khi so sánh một số ít những điều quan sát của chính mình với những gì mà mình đã đọc, tôi đã kết thúc bằng cách bỏ mặc các du khách ở đó, và tiếc cho thời gian mà tôi đã bỏ ra học các bài viết của họ để học hỏi, hoàn toàn bị thuyết phục rằng xét về mặt những quan sát đủ loại thì không được đọc mà phải nhìn thấy. Điều đó sẽ là đúng trong dịp này, khi tất cả những du khách sẽ chân thành, khi họ chỉ nói ra điều họ đã tin, và khi họ chỉ che đậy sự thật bằng những màu sắc giả tạo mà sự thật đem lại cho mắt họ. Phải thế nào đây khi mà vẫn còn phải làm cho sự thật được sáng tỏ qua những lời do trá và ý đồ xấu của họ!
Vậy thì hãy bỏ mặc cái phương kế của các cuốn sách mà người ta tán tụng với anh cho những kẻ được sinh ra để bằng lòng với phương kế đó. Phương kế là tốt, cũng giống như tài năng của Raymond Lullé[309] để mà học được cách ba hoa về cái mà ta chẳng biết gì hết. Phương kế đó thật tốt để luyện cho những Platon mười lăm tuổi đời triết lý ở các cuộc họp mặt câu lạc bộ và để dạy cho một đám người biết các tập quán Ai Cập và Ấn Độ dựa trên niềm tin của Paul Lucas hay của Tavernier[310].
Tôi coi như phương châm không thể phản bác rằng ai đó đã chỉ thấy có một dân tộc thôi thì thay vì hiểu biết được con người, lại chỉ hiểu biết được những người mà anh ta đã cùng sống mà thôi. Vậy đây còn là một cách khác nữa để đặt lại cũng vấn đề du lịch ấy: một người có giáo dục chỉ biết các đồng bào của mình thôi thì đã đủ chưa hay là còn phải hiểu biết những con người nói chung? Ở đây, không còn phải tranh luận hay nghi ngờ gì nữa. Quý vị thấy rằng lời giải đáp cho một câu hỏi khó đôi khi lại tùy thuộc vào cách đặt câu hỏi đến chừng nào!
Nhưng, để nghiên cứu con người, có cần phải đi khắp nơi trên thế giới không? Có cần phải đi sang Nhật Bản để quan sát những người châu Âu không? Muốn hiểu biết chủng loại, có cần phải hiểu biết một cá thể không? Không; có những người giống nhau nhiều đến nỗi không cần phải tốn công nghiên cứu họ riêng biệt. Ai đã thấy mười người Pháp, thì đã thấy mọi người Pháp. Mặc dầu ta không thể nói như vậy với người Anh và vài dân tộc khác, song dẫu sao cũng chắc chắn là mỗi dân tộc có tính cách riêng và đặc thù của mình, được nhận ra bằng phép quy nạp, không phải từ sự quan sát một thành viên duy nhất của nước đó, mà từ nhiều thành viên. Ai đã so sánh được mười dân tộc thì hiểu được những con người, cũng giống như ai đã thấy mười người Pháp thì hiểu được một người Pháp vậy.
Đi khắp các nước để học hỏi vẫn chưa đủ; ta cần phải biết đi du lịch. Muốn quan sát, ta phải có mắt và phải hướng mắt về phía đối tượng mà ta muốn biết. Có nhiều người mà các cuộc du lịch còn dạy họ được ít hơn là các sách vở, vì họ không biết thuật suy nghĩ, vì, trong việc đọc sách, trí óc họ, ít ra, cũng được tác giả hướng dẫn, và vì, trong các cuộc du lịch của họ, họ không biết tự mình xem xét lấy một cái gì cả. Một số người khác chẳng học hỏi được gì, bởi vì họ không muốn học. Mục đích của họ khác đến nỗi mục đích không kích thích họ mấy; nếu người ta xem xét được chính xác mọi thứ mà người ta không hề quan tâm nhìn ngắm thì đó chỉ là việc cực kỳ ngẫu nhiên mà thôi. Trong tất cả các dân tộc trên thế giới thì người Pháp là người đi du lịch nhiều nhất; nhưng vì đem theo đầy rẫy những tập tục của mình, anh ta lẫn lộn tất cả những gì không giống với các tập tục ấy. Người Pháp có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Không hề có nước nào mà ở đó người ta tìm được nhiều người đã từng đi du lịch hơn nước Pháp. Tuy nhiên, dù có như thế thì trong tất cả các dân tộc của châu Âu, dân tộc đến thăm các dân tộc khác nhau nhiều nhất lại hiểu biết các dân tộc ấy ít nhất.
Người Anh cũng đi du lịch, nhưng bằng một cách khác; hẳn là hai dân tộc này trái ngược nhau về mọi việc. Quý tộc Anh hay đi du lịch, quý tộc Pháp thì không, bình dân Pháp hay đi du lịch, bình dân Anh lại không. Theo tôi, sự khác biệt này hình như làm vẻ vang cho dân tộc sau. Những người Pháp hầu như bao giờ cũng có một dự tính nào đó về quyền lợi trong khi họ đi du lịch; còn người Anh không hề đi tìm dịp làm giàu ở các quốc gia khác, nếu không phải bằng sự giao dịch và những bàn tay đầy tiền của; khi họ đi du lịch chính là để vung tiền ra ở các nước đó chứ không phải sống bằng thủ đoạn; họ quá tự phụ nên không đi luồn cúi chốn tha hương. Vì vậy, điều đó làm cho họ học hỏi ở ngoại quốc được nhiều hơn người Pháp mà đầu óc chứa đựng một mục đích hoàn toàn khác. Tuy nhiên, những người Anh cũng có các thành kiến quốc gia của họ, họ có thành kiến còn hơn bất cứ ai, nhưng các thành kiến này là do khát vọng nhiều hơn là do không hiểu biết. Người Anh có các thành kiến của tính kiêu hãnh còn người Pháp thì có các thành kiến của tính khoe khoang.
Cũng như những dân tộc ít học nhất thường là những dân tộc khôn ngoan nhất, những người du lịch ít nhất lại du lịch một cách ích lợi nhất; vì lẽ kém tiến bộ hơn chúng ta trong các cuộc nghiên cứu phù phiếm, và ít bận bịu hơn về các đối tượng của tính hiếu kỳ vô bổ, họ để tất cả sự chú ý của vào những gì thực sự hữu ích. Tôi hầu như chỉ biết có người Tây Ban Nha du lịch bằng cách ấy. Trong khi người Pháp chạy đến nhà một nghệ sỹ của một xứ nọ, trong khi người Anh thuê người nghệ sĩ ấy vẽ một món đồ cổ nào đó, và trong khì người Đức mang tập ảnh của mình đến nhà tất cả các nhà thông thái, thì người Tây Ban Nha âm thầm nghiên cứu chỉnh thể, các phong tục, cảnh sát, và anh ta là kẻ duy nhất trong bốn người mà khi hồi hương, mang về được trong những gì anh ta đã thấy, một vài nhận xét nào đó có ích cho xứ sở của mình.
Cổ nhân du lịch ít, đọc ít, viết sách ít, tuy nhiên người ta thấy rằng trong những sách mà họ để lại cho chúng ta, họ quan sát lẫn nhau chính xác hơn chúng ta quan sát người đương thời với chúng ta. Không xét đến các tác phẩm của Homère, thi sĩ duy nhất đem chúng ta đến các xứ sở mà ông miêu tả người ta không thể từ chối Hérodote cái vinh dự đã miêu tả phong tục trong các sách sử của ông, mặc dù các sách sử ấy chứa đựng nhiều bài bút ký nhiều hơn các điều suy tưởng: Ông mô tả một cách tài tình hơn tất cả các sử gia của chúng ta, trong sách các cuốn đầy rẫy những chân dung và tính tình của các nhân vật lịch sử. Tacite đã mô tả người Germains thời ông tài tình hơn bất cứ một nhà văn nào đã mô tả người Đức thời nay. Không thể chối cãi được rằng những người thạo cổ sử hiểu biết người Hy Lạp, người dân thành Carthage, người La Mã, người Gaulois cổ, người Ba Tư cổ, một cách tường tận hơn bất cứ một dân tộc nào ngày nay hiểu biết các dân tộc láng giềng của mình.
Phải thừa nhận rằng những tính cách đặc thù của các dân tộc, vì ngày một bị phai mờ đi, chính vì thế mà trở nên khó nắm bắt. Trong khi mà các chủng tộc hòa máu với nhau, và các dân tộc cũng thế, ta thấy dần dần biến mất những khác biệt dân tộc mà ngày xưa làm cho người ta nhận ra ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ngày xưa mỗi quốc gia còn tồn tại khép kín hơn trong lãnh thổ của mình; giao thông còn kém, du lịch ít, ít có lợi ích chung hoặc trái ngược hơn, ít có các quan hệ chính trị và dân sự giữa dân tộc này với dân tộc khác hơn, không hề có những phiền toái gọi là thương lượng ấy giữa các vương triều không hề có các sứ giả hay cơ quan thường trú về ngoại giao; các đường thủy đi xa rất hiếm; ít có trao đổi buôn bán với các xứ xa; và nếu như có đôi chút việc buôn bán thì hoặc là do chính ông hoàng tiến hành bằng cách dung người ngoại quốc, hoặc là do những kẻ tiện dân chúng gây ảnh hưởng gì được đến ai và không hề làm cho các quốc gia xích lại gần nhau. Hiện nay quan hệ giữa châu Âu và châu Á đã tăng gấp hàng trăm lần so với quan hệ giữa xứ Gaule và Tây Ban Nha ngày xưa: Chỉ riêng châu Âu đã phân tán nhiều hơn sự phân tán của toàn bộ Trái đất hiện nay.
Thêm vào đó, các dân tộc cổ đại, phần đông tự coi mình là người bản địa hay có nguồn gốc ở xứ sở của họ, đã chiếm cứ lãnh thổ ấy đủ lâu để quên mất ký ức về các thời đại xa xưa mà tổ tiên họ đã từng ở đó, và để cho khí hậu có thời gian tạo ra những ấn tượng dài lâu cho họ: Trong khi ở chỗ chúng ta, sau các cuộc xâm lược của người La Mã, những cuộc di dân gần đây của những người hoang dã đã pha trộn tất, đã lẫn lộn tất. Người Pháp ngày nay không còn là những người cao lớn tóc vàng da trắng của ngày xưa; người Hy Lạp không còn là những người đẹp đẽ sinh ra để làm mẫu cho mỹ thuật; chính biểu tượng của người La Mã cũng đã bị thay đổi về tính cách, kể cả bản chất của nó; những người Ba Tư có nguồn gốc từ người Tartare ngày một mất dần cái xấu xí nguyên thủy của họ do hòa trộn với dòng máu của người xứ Circassie; những người Âu không còn là người Gaulois, người Germains, người Ibérie, người Allobroge nữa; tất cả đều là những người Scythe được suy biến theo nhiều cách khác nhau mà thành, cả về hình dạng, và về mặt phong tục lại còn suy biến nhiều hơn nữa.
Đó là lí do vì sao mà những khác biệt thời cổ đại về chủng tộc, những phẩm chất của khí hậu của đất bản địa đã từng in dấu từ dân tộc này đến dân tộc khác lên những tính khí, những hình dáng, những phong tục, những tính cách, mạnh mẽ hơn là tất cả những điều này có thể in dấu ở thời đại chúng ta, cái thời đại mà tính dễ biến đổi của châu Âu không còn để cho một nguyên nhân tự nhiên nào có thời gian in dấu vết của nó, và là thời đại mà rừng rú bị đốn hạ, các đầm lầy bị khô cạn, đất đai được trồng cấy đồng nhất hơn, tuy trồng cây kém hơn, không còn để lại được, ngay cả về mặt cơ thể, sự khác biệt từ vùng đất này sang vùng đất khác, và từ nước này sang nước khác.
Có thể là, với những suy xét tương tự, ta sẽ chẳng vội vàng gì mà biến Hérodote, Ctésias, Pline thành trò cười, vì họ đã miêu tả những người dân của các nước khác nhau với những nét chỉ rõ nguồn gốc và những khác biệt rõ rệt mà nay ta không còn thấy được nữa. Phải thấy lại được chính những con người ấy để nhận ra ở họ cũng chính những hình ảnh ấy; như thế thì cần phải không có gì làm cho họ thay đổi để cho họ vẫn cứ còn là chính họ. Nếu chúng ta có thể đồng thời khảo sát tất cả mọi người như họ đã từng sống, liệu ta có thể e ngại rằng chúng ta lại không thấy họ thay đổi từ thế kỷ này qua thế kỷ khác nhiều hơn là ta không thấy họ ngày nay khác nhau từ nước này qua nước khác chăng?
Trong khi mà những quan sát trở nên khó khăn hơn, chúng cũng đồng thời được thực hiện một cách sơ suất hơn và kém cỏi hơn, đó là một lý do khác cho thành tựu ít ỏi trong các nghiên cứu của chúng ta về lịch sử tự nhiên của loài người. Những kiến thức rút ra từ các cuộc du lịch liên quan tới mục đích khiến người ta thực hiện chúng. Khi mục đích này là một hệ thống triết học thì người du hành bao giờ cũng chỉ thấy điều anh ta muốn thấy; khi mục đích này là quyền lợi, thì nó thu hút mọi sự chú ý của những người tham gia. Thương mại và nghệ thuật, làm cho các dân tộc lẫn lộn vào với nhau, cũng cản trở các dân tộc tìm hiểu nhau. Khi các dân tộc biết cái lợi mà họ có thể tạo ra được nhờ dân tộc nọ cùng làm với dân tộc kia, thì họ còn phải biết thêm gì nữa?
Biết được tất cả các nơi mà người ta có thể sống, để sau đó chọn những nơi mà người ta có thể sống một cách thuận lợi nhất, đó là việc hữu ích cho con người. Nếu mỗi người chính mình tự túc được, thì họ chỉ cần biết diện tích của xứ có thể nuôi sống họ mà thôi. Người hoang dã vì không cần đến ai và không thèm muốn gì ở đời cả, không biết và không tìm cách để biết xứ sở nào ngoài xứ sở của anh ta. Nếu anh ta bị bắt buộc mở rộng phạm vi của mình để sinh nhai thì anh ta lánh xa những nơi có người cư trú; anh ta chỉ muốn sinh chuyện với loài vật, và chỉ cần chúng để sống mà thôi. Nhưng đối với chúng ta là những kẻ mà đời sống dân sự là tất yếu, và là những kẻ không sao nhìn được việc ăn người[311], thì quyền lợi của mỗi người trong chúng ta là năng lui tới những xứ mà ở đó người ta tìm thấy nhiều người để khai thác nhất. Đấy là lý do tại sao mọi người đổ xô tới La Mã, tới Paris, tới Lon don. Luôn luôn chính ở các thủ đô, máu người được bán rẻ hơn. Như thế người ta chỉ biết đến các dân tộc hùng mạnh, và các dân tộc hùng mạnh đều giống nhau hết.
Người ta nói chúng ta có các nhà thông thái đi du lịch để học hỏi, nói thế là nhầm, các nhà thông thái đi du lịch vì quyền lợi cũng như những người khác. Những Platon, những Pythagore không còn tìm thấy được nữa hoặc nếu có thì họ ở thật xa chúng ta. Các nhà thông thái của chúng ta chỉ đi du lịch theo lệnh của triều đình mà thôi: Người ta phái họ đi, người ta đài thọ phí tổn cho họ, người ta trả công cho họ để xem xét đối tượng này, đối tượng nọ mà rất chắc chắn không phải là một đối tượng đạo đức. Họ phải để hết thì giờ của mình vào đối tượng độc nhất ấy: Họ là những người quá lương thiện, thành thử chẳng lấy không tiền bạc của họ. Nếu như ở bất kỳ nước nào, có những kẻ tò mò đi du lịch bằng phí tổn của họ, thì không bao giờ để nghiên cứu con người ở đó mà là để dạy dỗ họ. Cái mà họ cần không phải là khoa học mà là sự khoa trương. Làm sao mà họ lại học được cách dỡ bỏ cái ách của dư luận trong các cuộc du lịch của họ? Họ chỉ đi du lịch vì dư luận thôi mà.
Có sự khác biệt rõ rệt giữa du lịch để xem xét các xứ sở và du lịch để xem xét các dân tộc. Đối tượng thứ nhất luôn luôn là đối tượng của những kẻ hiếu kỳ, đối tượng kia đối với họ chỉ là phụ mà thôi. Đối với kẻ muốn bàn luận triết lý, đây hẳn là điều hoàn toàn trái ngược. Trẻ con quan sát các sự vật cho đến khi nó có thể quan sát con người. Người lớn bắt đầu quan sát các đồng loại của mình, và tiếp đó mới quan sát sự vật, nếu họ có thì giờ.
Vậy chính là lập luận sai khi kết luận rằng du lịch là vô ích, bởi chúng ta không biết cách du lịch. Nhưng khi ích lợi của du lịch được thừa nhận, thì có phải do đó mà các cuộc du lịch sẽ là thích hợp cho mọi người không? Còn xa lắm; các cuộc du lịch, trái lại, chỉ thích hợp với rất ít người thôi; các chuyến đi ấy chỉ thích hợp với những người khá cương quyết đối với chính mình để lắng nghe những bài học của sự nhầm lẫn mà không để mình bị quyến rũ, và để thấy gương của tật xấu mà không để mình bị cuốn theo. Các cuộc du lịch đẩy thiên tính đến cái dốc của nó, và hoàn tất việc làm cho con người thành thiện hay ác. Kẻ nào trở về sau khi đi khắp thế giới, thì tính nết anh ta lúc hồi hương như thế nào sẽ giữ mãi suốt đời: Trong những người trở về từ các cuộc du lịch đó có nhiều kẻ ác hơn người hiền, vì lúc ra đi, có nhiều kẻ thiên về điều ác hơn là những người thiên về điều thiện. Những thanh niên không được giáo dục và hướng dẫn tốt, nhiễm lấy mọi thói xấu của các dân tộc mà chúng đến thăm trong các cuộc du lịch ấy, mà không tập nhiễm được lấy một đức hạnh nào lẫn lộn trong mớ thói xấu ấy: Nhưng những thanh niên tốt số, những thanh niên đã được người ta trau dồi chu đáo thiên tính tốt đẹp và đi du lịch với ý định học hỏi thực sự, tất cả họ đều trở về tốt hơn và khôn ngoan hơn so với lúc họ chưa đi. Émile của tôi sẽ đi du lịch như thế! Chàng thanh niên này đã đi du lịch như thế, con người xứng đáng với một thời đại tốt đẹp, người mà châu Âu ngạc nhiên chiêm ngưỡng tài ba, người đã chết cho xứ sở mình trong tuổi hoa niên, nhưng là con người đáng được sống, và nấm mồ chỉ được trang hoàng bằng riêng đức hạnh của anh, đang chờ đợi, để được tôn vinh, một bàn tay xa lạ rắc hoa lên đó.
Tất cả những gì được hình thành bằng lý trí đều phải có những quy tắc của nó. Các chuyến du lịch, được lấy làm một phần của việc giáo dục, phải có những quy tắc của chúng. Du lịch để mà du lịch, đó là phiêu du, đó là đi lang thang; đi du lịch để học hỏi còn là một mục đích quá mơ hồ: Việc học tập mà không một mục tiêu xác định thì không nên cơm cháo gì. Tôi muốn làm cho chàng trai có hứng thú rõ rệt với việc học hỏi, và hứng thú này được lựa chọn đúng sẽ còn định rõ được tính chất của sự học hỏi. Bao giờ thì đó cũng là sự tiếp tục của phương pháp mà tôi đã cố áp dụng.
Thế thì, sau khi đã tự xem xét mình bằng cách tự so sánh với những người khác về mặt thể chất, về mặt tinh thần, anh ta còn phải tự xem xét qua những mối quan hệ dân sự với các đồng bào của mình. Muốn thế thì phải cho anh ta bắt đầu bằng việc nghiên cứu bản chất của chỉnh thể trên những nét đại cương, các hình thái chính thể khác nhau, và cuối cùng là cái chính thể nói riêng nơi anh ta được sinh ra, để biết được rằng nó có phù hợp với anh ta để mà sống ở đó không; bởi vì, theo một luật lệ mà không có gì có thể bãi bỏ đi được, là mỗi người, khi thành niên và làm chủ được bản thân, thì cũng tự chủ cả việc từ bỏ khế ước mà anh ta đã gắn kết với cộng đồng, bằng cách rời bỏ xứ sở đã thiết lập nên khế ước ấy. Chỉ do sự cư ngụ của anh ta tại xứ sở đó sau tuổi của lý trí, anh ta mới được coi như mặc nhiên chấp nhận sự cam kết của tổ tiên mình. Anh ta được quyền từ bỏ tổ quốc mình cũng như sự kế thừa của cha mình; kể cả nơi sinh vốn là món quà của tự nhiên, bỏ lại mọi thứ của mình trong khi từ bỏ nơi này. Do quyền lợi tuyệt đối, mọi người được tự do đối với những rủi ro mình phải gánh chịu ở nơi nào mình được sinh ra, trừ phi anh ta vui lòng tuân phục các luật lệ để đạt được cái quyền được bảo vệ khỏi những rủi ro đó.
Vậy thì tôi sẽ nói với anh ta, chẳng hạn như là: Cho đến nay con vẫn sống dưới sự chỉ dẫn của ta, con đã không có khả năng tự quản lấy chính mình. Nhưng con đang tới gần độ tuổi mà các quy luật dành cho con quyền sử dụng tài sản của mình, làm cho con thành chủ nhân ông của con người mình. Con sắp thấy một mình con trong xã hội, phụ thuộc vào mọi thứ, kể cả vào gia sản của mình. Con đã quan tâm đến việc hôn nhân, sự quan tâm đó là đáng khen, đó là một trong những bổn phận của người đàn ông; nhưng trước khi con kết hôn, thì con phải biết mình muốn trở thành một người như thế nào, con muốn làm gì trong đời mình, con muốn dùng những phương sách gì để đảm bảo cơm no áo ấm cho mình và gia đình mình; bởi vì, cho dù chẳng cần phải coi mối lo lắng như là công việc chủ yếu của mình, thì dù sao cũng có khi phải nghĩ tới nó. Liệu con có muốn dấn thân vào sự phụ thuộc vào những kẻ mà con coi rẻ không? Liệu con có muốn gây dựng sản nghiệp của mình, giữ vững vị thế của mình bằng những quan hệ dân sự luôn luôn đặt con vào thế bị người khác định đoạt, và con buộc phải thoát khỏi những kẻ bất lương bằng cách chính mình trở thành kẻ bất lương không?
Nhân đây tôi sẽ mô tả cho anh ta đủ mọi phương cách có thể để khai thác tài sản của mình, hoặc trong thương mại, hoặc trong chức vụ, hoặc trong công việc tài chính, và tôi sẽ chỉ rõ cho anh ta là chẳng có một việc nào lại không có rủi ro làm anh phải lo ngại, lại không đặt anh ta vào cái thế bấp bênh và phụ thuộc, lại không buộc anh phải điều chỉnh tính tình, tình cảm, hành vi của mình theo gương và theo định kiến của người khác.
Tôi sẽ nói với anh ta rằng, có một cách khác để sử dụng thời gian của mình và con người mình, đó là xung vào quân vụ, nghĩa là đem mình cho thuê với giá rẻ rúng để đi giết những người chẳng hề làm hại gì cho chúng ta. Cái nghề này được đàn ông đánh giá cao, họ coi những người chỉ giỏi giang trong nghề này thôi là một trường hợp dị thường, vả lại, đã không miễn cho anh những phương kế khác, nghề này lại chỉ làm cho anh thấy cần những phương kế ấy hơn; bởi vì trong vinh quang của cái địa vị xã hội này cũng bao gồm cả việc làm sạt nghiệp những kẻ nào tận tụy với nghề. Đúng là không phải mọi người đều sạt nghiệp, thậm chí thời trang trong nghề này vẫn cứ vô tình ngày càng phát đạt hơn giống như ở các ngành nghề khác; nhưng ta e rằng khi giải thích cho con những kẻ thành đạt làm thế nào để được như thế, thì ta lại làm cho con trở thành một kẻ hiếu kỳ mà đi bắt chước họ.
Con sẽ còn phải biết rằng, ngay trong cái nghề này, cũng chẳng phải dũng cảm hay giá trị gì, nếu đó không là chuyện ở bên cạnh các bà; mà ngược lại kẻ nào luồn cúi nhiều nhất, thấp hèn nhất, lệ thuộc vào người khác nhiều nhất, bao giờ cũng là kẻ có vinh dự hơn cả: còn nếu con lại có ý định muốn làm nghề của mình một cách thực sự thì con sẽ bị coi rẻ, bị chán ghét, chưa biết chừng còn bị thải hồi, chí ít là bị dồn tới tấp những điều bất công phi pháp và bị tất cả mọi bạn đồng ngũ lăm le chiếm chỗ, vì con đã thi hành công vụ ngoài chiến hào trong khi bọn chúng thi hành công vụ của chúng ở phòng trang điểm của phụ nữ.
E rằng tất cả những chỗ làm ấy sẽ không hợp thị hiếu của Émile. Anh ta bảo tôi: Cái gì vậy! Phải chăng con quên hết những trò chơi con trẻ của con? Con đã mất cánh tay rồi chăng? Sức lực con đã cạn kiệt rồi chăng? Con không biết lao động nữa ư? Những chỗ làm tốt của thầy và dư luận ngu ngốc của một người thì có can hệ gì đến con? Con không biết đến một vinh dự nào khác ngoài việc sống có thiện tâm và công bằng; con không biết đến một hạnh phúc nào khác ngoài việc sống độc lập cùng những gì mà ta yêu, để ngày ngày đều thấy ngon miệng và có sức khỏe do lao động. Tất cả mọi sự bế tắc mà thầy vừa nói với con chẳng mảy may làm con động lòng. Con chỉ mong muốn có một thửa đất nhỏ ở một nơi hẻo lánh nào đó làm toàn bộ tài sản của mình. Con sẽ sử dụng tất cả sự cần kiệm của mình để làm cho nó sinh lời, và con sẽ sống thoải mái không phải lo lắng gì. Có Sophie và đồng ruộng, con sẽ giàu có.
Được, anh bạn ạ, thế là đủ cho hạnh phúc của một hiền nhân có vợ và có ruộng đất thuộc về mình, nhưng những kho báu ấy, dù là khiêm nhường, không phải là quá hay gặp như con nghĩ đâu. Cái hiếm nhất đã được con tìm ra, ta hãy nói về cái kia.
Émile thân mến! Một cánh đồng thuộc về con! Và con sẽ chọn ở nơi nào vậy? Ở vùng hẻo lánh nào mà con sẽ có thể nói rằng: Ở đây tôi làm chủ mình và làm ông chủ của thửa đất thuộc quyền sở hữu của tôi? Người ta biết có những nơi dễ làm giàu, nhưng ai mà biết được ở đâu người ta có thể không cần phải giàu? Ai mà biết được ở đâu người ta có thể sống độc lập và tự do mà không cần phải làm hại bất kỳ một ai và chẳng sợ bị đối xử như thế? Con tưởng rằng tìm được một xứ sở mà ở đó luôn luôn cho phép con làm người lương thiện lại quá dễ dãng đến thế sao? Nếu như có cách nào đó hợp pháp và chắc chắn để tồn tại mà không cần phải mánh lới, không bị rắc rối, không phải chịu phụ thuộc, ta đồng ý như vậy, tức là sống bằng lao động của đôi tay mình, bằng cách trồng trọt trên mảnh đất của chính mình: Nhưng tìm đâu cho được một nhà nước mà ở đó ta có thể tự nhủ rằng; miếng đất dưới chân ta là của ta? Trước khi chọn cái vùng đất hạnh phúc ấy, liệu con có thật yên tâm rằng con tìm được sự yên bình ở đó chăng; hãy đề phòng một chính quyền tàn bạo, một tôn giáo bạo hành, những phong tục bại hoại chẳng để cho con yên thân. Liệu con có tránh được những khoản thuế má vô độ sẽ ngốn thành quả của những cực nhọc của con, những vụ kiện tụng liên miên không dứt sẽ tiêu hao hết vốn liếng của con chăng. Hãy làm sao cho khi sống ngay thẳng con chẳng hề phải xun xoe với các quan giám quận, với những kẻ thay thế họ, với các quan tòa, với các giáo sĩ, với các láng giềng mạnh thế, với những kẻ bất lương đủ mọi loại, cứ luôn luôn sẵn sàng làm cho con bị đảo điên nếu con không để ý đến bên họ. Nhất là con hãy tránh sao cho khỏi làm phật lòng những người tai to mặt lớn và những người giàu có; con hãy nghĩ rằng ở khắp nơi đất đai của họ đều có thể tiếp giáp với ruộng nho nhỏ của Naboth[312].
Nếu sự bất hạnh của con lại khiến cho một người địa phương mua hoặc xây nhà sát với ngôi nhà tranh của con, con có đảm bảo được rằng hắn sẽ chẳng tìm được cách nào, với một lý do nào, mà chiếm lấy phần đất của con để mở rộng ra, hay là con sẽ không thấy, có thể ngay từ hôm sau mọi tài sản của con bị thu hút vào một con đường rộng lớn? Còn nếu con duy trì cho mình thế lực để chống đỡ tất cả những phiền toái ấy, thì cũng ngang với việc duy trì cả tài sản của mình, bởi vì bảo vệ tài sản ấy cũng sẽ chẳng tốn kém hơn đâu. Tài sản và thế lực chống đỡ lẫn cho nhau, cái này luôn luôn không đứng vững được nếu thiếu cái kia.
Ta có nhiều kinh nghiệm hơn con, Émile thân mến ạ, ta thấy rõ hơn rằng dự định của con là khó khăn. Tuy nhiên nó thật đẹp, thật lương thiện, nó sẽ thực sự làm con sung sướng: Chúng ta hãy cố gắng thực hiện nó. Ta có một đề xuất với con: Chúng ta hãy dành hai năm mà chúng ta đã dự định cho ngày trở về để chọn một nơi cư trú ở châu Âu, nơi con có thể hạnh phúc cùng với gia đình riêng của mình, tránh được tất cả những nguy hiểm mà ta vừa nói với con. Nếu chúng ta thành công, con sẽ tìm được hạnh phúc thật sự mà bao nhiêu người khác tìm kiếm mất công vô ích, và con sẽ không phải tiếc thời gian con đã bỏ ra cho việc này. Nếu chúng ta không thành công, con sẽ được chữa khỏi căn bệnh hoang tưởng; con sẽ tự an ủi mình cho một vận rủi không tránh được, và con sẽ tuân theo quy luật của sự tất yếu.
Tôi không rõ nếu các độc giả có nhận ra cuộc tìm kiếm đã được đề xuất ấy sắp dẫn chúng tôi đi đến tận nơi nào; nhưng tôi biết chắc rằng nếu khi trở về sau các chuyến đi, được bắt đầu và tiếp tục theo quan niệm này mà Émile nhờ đó lại không thông thạo về mọi vấn đề của việc cai trị, phong tục của dân chúng, và các phương châm của nhà nước đủ mọi kiểu, thì anh ta hoặc tôi hẳn phải là người này thì chẳng có trí thông minh còn người kia thì chẳng có óc phán đoán.
Pháp luật chính trị vẫn còn cần phải ra đời, và cầm bằng như nó sẽ không bao giờ ra đời. Grotius, ông trùm của tất cả mọi nhà thông thái của chúng ta trong lĩnh vực này, lại chỉ là một đứa trẻ con, và, tệ hại nhất, hắn là một đứa bé có ác ý. Khi tôi nghe đề cao Grotius một cách trắng trợn và tới tấp chửi rủa Hobbes thì tôi thấy được có bao nhiêu người biết điều đọc hay là hiểu hai tác giả này. Thực ra những nguyên tác của họ là hoàn toàn giống nhau; họ chỉ khác nhau ở cách diễn đạt mà thôi. Họ cũng khác nhau về phương pháp. Hobbes dựa trên sự ngụy biện, còn Grotius dựa vào các nhà thơ, còn lại thì họ y hệt như nhau.
Người đương thời độc nhất có khả năng sáng tạo ra ngành khoa học lớn lao và vô ích này là ông Montesquieu trứ danh. Nhưng ông không hề có ý muốn luận giải về những nguyên tác pháp luật chính trị, ông chỉ luận giải về pháp luật thực định của các cách cai trị đã được thiết lập; và chẳng có gì ở đời này mà lại khác nhau như hai cuộc nghiên cứu ấy.
Song ai mà muốn phán xét cho xác đáng các chính quyền đúng như nó đang tồn tại thì buộc phải kết hợp cả hai: Việc nghiên cứu đó phải biết cái nên tồn tại để phán xét đúng cái đang tồn tại. Khó khăn lớn nhất để làm sáng tỏ những chủ đề quan trọng này là làm sao lôi cuốn được một tư nhân bàn luận về chúng, để trả lời cho hai câu hỏi: Cái gì liên quan đến tôi? Và tôi có thể làm gì trong việc này? Chúng ta đã đặt Émile vào thế có khả năng trả lời cà hai câu hỏi đó.
Khó khăn thứ hai bắt nguồn từ các thành kiến của tuổi thơ, từ những châm ngôn mà ở đó ta đã được nuôi dưỡng, nhất là từ tính thiên vị của các tác giả-những kẻ trong khi luôn luôn nói về chân lý mà họ chẳng quan tâm gì mấy, còn thì họ chỉ nghĩ về lợi ích của họ mà họ lại chẳng hề nói đến. Thế dân chúng chẳng cấp cho họ học hàm, cũng chẳng tiền trợ cấp, chẳng học vị: Người ta phải xét xem làm sao mà pháp luật của mình lại phải do những con người ấy lập ra! Tôi phải làm sao để cho khó khăn này không còn mảy may nào cản được Émile. Anh ta chỉ hơi biết được chính thể là cái gì; việc độc nhất đụng chạm đến anh ta là tìm ra chỉnh thể tốt đẹp nhất. Dự định của anh ta không phải là làm ra sách vở; và nếu có khi nào anh làm ra sách vở thì cũng sẽ không hề để xun xoe theo đuổi những kẻ có quyền thế, mà là vì muốn lập ra những pháp luật về nhân quyền.
Lại còn một khó khăn thứ ba, chỉ có mẽ ngoài hơn là vững vàng, và tôi thì chúng muốn cả giải đáp nó lẫn nêu nó ra: Chỉ cần nó đừng có làm nhụt lòng sốt sống của tôi là đủ: Chắc chắn là trong những cuộc nghiên cứu thuộc loại này, những tài năng lớn thì không cần thiết bằng một tình yêu chân thành đối với công lý và sự tôn trọng thực sự đối với sự thực. Vậy nếu như các vấn đề của sự cai trị lại có thể được luận giải một cách công minh chính trực, thì theo tôi, chính là lúc này đây hoặc chẳng bao giờ hết.
Trước khi nhận xét, phải định ra các quy tắc cho những nhận xét của mình: phải định ra một thang bậc để quy vào đó các đơn vị đo lường của chúng ta. Những nguyên tắc của chúng ta về pháp luật chính trị là cái thang bậc ấy. Những đơn vị đo lường của chúng ta là các luật chính trị của từng nước.
Các yếu tố cần biết của chúng ta sẽ rõ ràng, đơn giản, trực tiếp lấy ngay trong bản chất của sự việc. Chúng sẽ hình thành nên các vấn đề được đưa ra bàn luận giữa chúng ta, mà chúng ta chỉ sẽ chuyển đổi thành nguyên tắc khi nào chúng đã được giải đáp đầy đủ.
Ví dụ như, thoạt đầu hãy đi ngược lên bản chất của tự nhiên, chúng ta xét xem liệu con người sinh ra có phải là nô lệ hay tự do, liên kết với nhau hay độc lập; liệu họ có tự ý tập hợp lại hay do quyền lực, liệu có bao giờ quyền lực liên kết họ lại có thể tạo nên một pháp luật không đổi, theo đó cái quyền lực có trước này là bắt buộc, ngay cả khi nó bị một quyền lực khác vượt lên, thành thử từ đời vua Nembrod, khi quyền lực của ông ta, như người ta nói bắt các dân tộc mới hình thành phải khuất phục ông ta, thì tất cả những quyền lực khác đã hủy diệt nó lại thành ra bất công và tiếm quyền, và không còn ai là các nhà vua hợp pháp ngoài hậu duệ của Nembrod hay người được truyền ngôi của ông ta; hoặc là nếu cái quyền lực đầu tiên này sắp tàn, thì đến lượt quyền lực kế tục nó lại là bắt buộc và hủy diệt tính bắt buộc của quyền lực kia, thành thử người ta chỉ bắt buộc phải tuân phục theo chừng mực họ bị cưỡng ép, và người ta được miễn tuân phục ngay khi họ có thể kháng cự lại được: Pháp luật mà dường như chẳng thêm gì to tát cho quyền lực và sẽ như chỉ là một trò chơi chữ mà thôi.
Chúng ta hãy thử xét xem liệu người ta có không thể nói rằng mọi bệnh tật đều do Chúa cả không, và vì thế mà suy ra rằng việc mời thầy thuốc lại là phạm tội.
Chúng ta lại xét thêm rằng liệu người ta có buộc phải thành thực mà đưa túi tiền của mình cho tên cướp đường khi hắn đòi ta nộp, dù cho ta có thể giấu nó đi; bởi vì rốt cuộc khẩu súng lục trong tay hắn cũng là một quyền lực.
Liệu cái từ quyền lực trong trường hợp này có nghĩa khác với quyền lực hợp pháp, và do đó phải tuân thủ các luật lệ mà quyền lực đó duy trì được sự tồn tại của nó?
Giả sử rằng người ta vứt bỏ luật về quyền lực, và người ta chấp nhận quyền lực của tự nhiên hay phụ quyền như nguyên tắc của các xã hội, chúng ta sẽ nghiên cứu cái phương sách của quyền uy đó, nó được thiết lập trong tự nhiên như thế nào, liệu nó có nguyên do nào khác ngoài ích lợi cho đứa con, sự yếu đuối của đứa con và tình yêu tự nhiên mà người cha dành cho con; vậy nếu sự yếu đuối của đứa con sắp chấm dứt, và lý trí của nó sắp đến độ chín, nó lại không trở thành người thẩm định tự nhiên cho điều phù hợp với việc bảo tồn nó, tức là người chủ của mình, và không phụ thuộc gì vào người khác hết, ngay cả cha nó nữa; bởi vì việc đứa con tự yêu chính mình là điều mà chắc chắn hơn cả việc người cha yêu con.
Liệu nếu người cha chết đi, những đứa con có nghĩa vụ phải nghe lời người con cả hay người nào khác không có sự gắn bó tự nhiên về người cha đối với chúng; và liệu ở khắp các chủng tộc, bao giờ cũng sẽ có một gia trưởng duy nhất mà toàn bộ gia đình có nghĩa vụ phải tuân thủ. Trong trường hợp này, ta sẽ nghiên cứu làm thế nào mà quyền uy lại có lúc có thể chia sẻ được và theo luật pháp nào mà khắp Trái đất này lại không phải chỉ có một người cai trị cả loài người.
Giả sử rằng các dân tộc được hình thành do lựa chọn, thì khi đó chúng ta sẽ phân biệt rõ luật pháp với thực tế, chúng ta sẽ hỏi rằng nếu như chịu tuân phục những người anh, người chú, hoặc cha mẹ mà không bị ép buộc phải như vậy mà là vì mọi người hoàn toàn muốn thế, thì loại xã hội này có vẫn thuộc vào sự liên kết tự do và tự nguyện hay không.
Tiếp theo chúng ta chuyển sang luật pháp của sự nô lệ hóa, chúng ta sẽ xét xem liệu một người có thể bán mình một cách hợp pháp cho một người khác mà không có hạn chế nào, không ngoại trừ điều gì hết, không có bất kỳ một điều kiện gì; nghĩa là liệu anh ta có thể chối bỏ con người mình, cuộc đời mình, lý trí của mình, cái tôi của mình, toàn bộ tính đạo đức trong các hành động của mình, và tóm lại là chấm dứt tồn tại trước cái chết của mình, bất chấp cả tự nhiên đã giao phó trực tiếp cho anh ta sự bảo toàn chính mình, và bất chấp lương tâm và lý trí của mình chỉ bảo cho anh ta điều anh ta phải làm và điều mà anh ta phải tránh không.
Mà nếu như lại có một vài hạn chế, một vài sự giới hạn trong hành động nô lệ hóa, thì chúng ta sẽ bàn luận xem liệu hành động ấy có vì thế mà trở thành một khế ước thực sự không, trong khế ước này, mỗi người trong hai người kết ước, ở tư cách đó lại chẳng hề có bậc thượng cấp chung[313], vẫn cứ là kẻ thẩm định của chính mình về các điều kiện của khế ước, do đó mà mọi người được tự do ở bên ấy, và có quyền chủ động hủy bỏ nó ngay khi họ coi là mình bị thiệt hại.
Vậy nếu như một người nô lệ lại không thể tự bán mình không hạn chế với chủ nô, thì làm sao mà một dân tộc lại có thể tự bán mình không hạn chế cho thủ lĩnh của họ? Và nếu như người nô lệ vẫn còn được là kẻ tài phán cho việc tuân thủ khế ước qua chủ nô, thì làm sao mà một dân tộc lại không còn được làm người tài phán cho sự tuân thủ khế ước qua thủ lĩnh của mình?
Buộc phải quay trở lại và xét kỹ nghĩa của tập hợp từ dân tộc, chúng ta sẽ nghiên cứu xem, muốn tạo dựng quần thể ấy, liệu có cần một khế ước, dù chỉ là thỏa thuận ngầm trước khi có cái khế ước mà chúng ta cho là có.
Chính vì trước khi suy tôn một ông vua thì dân tộc vẫn là dân tộc, cái gì đã làm nên dân tộc ấy như thế nếu không phải là khế ước xã hội? Vậy nên khế ước xã hội là nền tảng của mọi xã hội dân sự, và chính là phải căn cứ vào bản chất của định ước này để tìm ra bản chất của xã hội mà định ước ấy tạo thành.
Chúng ta sẽ nghiên cứu xem nội dung của khế ước này như thế nào, và liệu người ta có thể diễn đạt nó gần đúng bằng cách biểu đạt này chăng: “Mỗi người trong chúng ta đều chung nhau mọi của cải của mình, con người mình, cuộc sống của mình, và mọi quyền lực của mình, cùng chịu sự điều khiển tối thượng của ý chí chung, và chúng ta thu nạp thành đoàn thể mỗi thành viên coi như một bộ phận không thể tách rời khỏi tổng thể”.
Điều đó đã được giả định, để định nghĩa các thuật ngữ mà chúng ta cần phải dùng đến, chúng ta sẽ nhận xét rằng thay cho con người riêng lẻ của mỗi người chấp nhận khế ước, cái định ước của sự liên kết này sinh ra một thực thể tinh thần và quần thể, bao gồm bấy nhiêu thành viên có phiếu bầu trong hội đồng. Nhân vật công cộng này nói chung là mang tên thực thể chính trị, được các thành viên gọi là nhà nước khi nó thụ động, còn khi nó là chủ động thì gọi quyền lực tối cao, khi so sánh nó với những gì tương tự thì gọi là quyền lực. Còn về bản thân các thành viên, họ mang tên là dân chúng một cách hợp quần, và được gọi riêng từng người là công dân, với tư cách là thành viên của thành quốc hay những người tham gia vào quyền lực tối cao, và gọi là thần dân với tư cách là chịu khuất phục theo chính quyền lực đó.
Chúng ta lưu ý rằng điều khoản liên kết này hàm chứa một thỏa thuận hai chiều của công quyền và tư nhân, rằng mỗi cá thể, có thể nói là thỏa thuận với chính mình, để được tham gia vào một quan hệ kép, được biết đến như thành viên của quyền lực tối cao đối với các tư nhân và như là thành viên của nhà nước đối với quyền lực tối cao.
Chúng ta còn sẽ phải lưu ý rằng, vì những cam kết của người ta với chính mình thì chẳng có gì được tôn trọng nên quyết nghị chung có thể bắt buộc tất cả các thần dân đối mặt với quyền lực tối cao, do mỗi bên được xem xét dưới hai mối quan hệ khác nhau, không thể bắt buộc nhà nước đối mặt với bản thân nó. Qua đó thì người ta lại thấy rằng cũng chẳng thể có luật cơ bản nào khác theo đúng nghĩa của nó ngoài cái kết ước xã hội là độc nhất. Điều đó không có nghĩa là thực thể chính trị về một vài phương diện nào đó lại không thể giao ước với bên ngoài, bởi vì trong quan hệ với ngoại bang, nó trở thành một thực thể giản đơn, một cá thể.
Hai bên kết ước, tức là từng tư nhân với công quyền, do chẳng hề có thượng cấp chung có thể xét đoán các mối phân tranh của các bên, chúng ta sẽ xét xem liệu mỗi bên còn làm chủ được trong việc hủy bỏ khế ước khi nó thích, nghĩa là từ bỏ về phần mình ngay khi cho rằng bị xâm hại.
Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng ta lưu ý rằng, theo kết ước xã hội thì quyền lực tối cao chỉ có thể hành động theo ý chí cộng đồng và tổng quát, cho nên các hành động của nó chì được nhằm vào những mục tiêu chung và tồng quát; từ đó suy ra rằng một tư nhân sẽ không thể bị quyền lực tối cao trực tiếp làm tồn hại mà tất cả lại không cùng bị tổn hại, điều đó là không thể, vì rằng như thế sẽ là muốn tự gây ra cái hại cho chính mình. Như thế thì khế ước xã hội không bao giờ lại cần đến một đảm bảo nào khác hơn là quyền lực công, bởi vì sự tổn thương bao giờ cũng chỉ có thể xuất phát từ các tư nhân; và lúc đó họ sẽ không vì thế mà không còn bị ràng buộc bởi những cam kết của mình, mà bị trừng phạt vì đã vi phạm nó.
Muốn nhận định cho đúng tất cả những vấn đề tương tự, chúng ta phải lưu ý để luôn luôn nhớ rằng kết ước xã hội có một tính chất riêng biệt và riêng cho mình nó, trong việc dân chúng chỉ cam kết với chính họ, nghĩa là dân chúng được coi như một thực thể giống như quyền lực tối cao, với các tư nhân như là các thần dân: Đó là điều kiện để tạo nên mọi thủ đoạn và cách hành xử của bộ máy chính trị, và riêng một điều kiện ấy làm cho mọi hành xử trở nên hợp pháp, hợp lẽ phải và làm cho các giao ước không bị nguy hiểm mà nếu không có nó chúng sẽ trở nên phi lý, chuyên chế và không sao tránh khỏi những thói nhũng lạm ghê gớm nhất.
Các tư nhân chỉ phục tùng quyền lực tối cao, và quyền lực tối cao không phải cái gì khác với ý chí chung, chúng ta sẽ thấy làm sao mà từng người, trong khi tuân thủ quyền lực tối cao, lại chỉ tuân thủ chính mình, và làm sao mà họ lại được tự do hơn trong kết ước xã hội so với trong tình trạng tự nhiên.
Sau khi so sánh tự do tự nhiên với tự do dân sự xét về mặt con người, chúng ta sẽ so sánh xét về mặt tài sản, xem tự do về quyền sở hữu so với quyền của quyền lực tối cao, tự do về khu vực tư nhân với khu vực có quyền cao chức trọng. Nếu như quyền uy của quyền lực tối cao được xây dựng trên quyền sở hữu, quyền này là cái mà quyền lực tối cao phải tôn trọng hơn cả; quyền đó là bất khả xâm phạm và thiêng liêng đối với quyền lực tối cao trong chừng mực mà nó vẫn là một quyền tư nhân và cá nhân; ngay khi nó được coi như là chung cho mọi công dân, thì quyền đó phải tuân thủ ý chí chung và ý chí đó có thể thủ tiêu nó. Như vậy là quyền lực tối cao không có quyền gì được đụng đến tài sản của một tư nhân, kể cả nhiều tư nhân; nhưng nó có thể chiếm đoạt một cách hợp pháp tài sản của tất cả, giống như điều đó đã xảy ra ở Sparte vào thời của Lycurgue, trong khi việc Solon xóa nợ lại là một hành động phi pháp.
Chính vì không có gì bó buộc các chủ thể ngoài ý chí chung, khi chúng ta sẽ tìm hiểu xem ý chí này thể hiện ra như thế nào, người ta có thể nhận ra nó bằng những dấu hiệu nào, thế nào là một luật lệ và các tính chất thực sự của luật lệ là gì. Chủ đề này là hoàn toàn mới mẻ, việc định nghĩa về luật lệ vẫn còn phải làm tiếp.
Khi mà dân tộc coi một hay nhiều thành viên của mình là tư nhân, dân tộc bị chia tách ra. Giữa cái tổng thể và cái bộ phận của nó hình thành một mối quan hệ làm cho chúng thành hai thực thể riêng rẽ, trong đó bộ phận là một bên và cái tổng thể trừ bộ phận ấy ra là bên kia. Nhưng cái tổng thể lại trừ mất một bộ phận thì không phải là tổng thể; chừng nào mối quan hệ này còn tồn tại thì chừng đó chẳng còn tổng thể, mà chỉ còn hai bộ phận không ngang nhau.
Trái lại, khi toàn thể dân chúng quyết định về toàn thể dân chúng, nó chỉ tôn trọng có chính nó; và nếu hình thành nên một mối quan hệ, thì là quan hệ của đối tượng toàn vẹn xét theo một quan điềm với đối tượng toàn vẹn xét theo một quan điểm khác, không hề có sự chia tách nào của tổng thể. Lúc đó đối tượng được người ta quyết định là chung và ý chí chế định cũng là chung. Chúng ta sẽ xét xem liệu có một loại điều khoản nào khác có thể mang tên luật lệ không.
Nếu quyền lực tối cao chỉ có thể nói ra bằng các luật lệ, và nếu luật bao giờ cũng chỉ có thể có một đối tượng chung và liên quan đến mọi thành viên của nhà nước như nhau, điều đó dẫn tới chỗ quyền lực tối cao không bao giờ có quyền được chế định bất cứ điều gì cho một đối tượng tư nhân; và, trong khi đó, điều cần để duy trì nhà nước là nó cũng được định ra từ những sự việc đặc biệt, chúng ta sẽ tìm hiểu xem chuyện này có thể thực hiện như thế nào.
Những hành động của quyền lực tối cao chỉ có thể là những hành động của ý chí chung, là các luật lệ; tiếp theo phải là những hành động quyết định dứt khoát, những hành động của quyền lực hay của sự cai trị, để thực thi chính các luật lệ ấy và trái lại, các luật lệ này chỉ có thể có những đối tượng riêng biệt. Cho nên hành động của quyền lực tối cao quyết định rằng người ta sẽ bầu ra một thủ lĩnh là một đạo luật, còn hành động thực thi đạo luật là người ta bầu ra thủ lĩnh ấy lại chỉ là một hành động để cai trị.
Vậy đó là quan hệ thứ ba mà theo đó dân tộc được tập hợp lại có thể được coi như là trưởng quan hay là kẻ thực thi của đạo luật mà nó đã tôn lên như quyền lực tối cao[314].
Chúng ta hãy xét xem một dân tộc tự trút bỏ quyền tự chủ tối cao của mình để trao nó cho một người hay nhiều người thì có khả thi không; bởi vì hành động bầu cử không phải là một điều luật, và trong hành động này dân chúng không phải là tự chủ chính mình, người ta không hề thấy lúc đó làm thế nào dân chúng lại chuyển giao được một quyền lực mà mình không có. Bản chất của chủ quyền tối cao nằm trong ý chí chung nên người ta cũng không thấy được làm sao mà người ta có thể tin chắc tâng một ý chí riêng sẽ luôn luôn thuận theo cái ý chí chung ấy. Người ta cứ phải cho ngay là nó sẽ luôn luôn trái ngược nhau; bởi vì lợi ích tư nhân hướng về những ưu tiên, còn lợi ích công cộng lại hướng về sự bình đẳng; và khi sự thỏa thuận này mà đạt được, thì chỉ cần thỏa thuận ấy không phải là tất yếu và không thể hủy bỏ được để cho quyền tự chủ không thể được hình thành nên từ đó.
Chúng ta sẽ nghiên cứu xem, nếu như không vi phạm kết ước xã hội, liệu các thủ lĩnh của dân tộc, dù được bâu lên dưới bất kỳ một danh xưng nào đi nữa, có khi nào có thể là một cái gì khác hơn là những quan chức của dân tộc, dân tộc ra lệnh cho họ làm cho pháp luật được thực thi; liệu các thủ lĩnh này có phải trình báo với dân về sự quản lý của họ và bản thân họ có phải tuân thủ các luật pháp mà họ có trách nhiệm làm cho người khác phải tuân thủ hay không.
Nếu một dân tộc không thể bỏ mất quyền lực tối cao của mình, thì liệu dân tộc ấy có thể phó thác nó một thời gian không? Nếu dân tộc không thể cho mình một thủ lĩnh, liệu nó có thể cho mình những người đại biểu không? Vấn đề này là quan trọng và đáng bàn luận.
Nếu dân tộc không thể có cả quyền lực tối cao lẫn các đại biểu, chúng ta hãy xét xem làm sao mà dân có thể tự mình đưa ra những đạo luật của mình; liệu có cần phải có nhiều luật hay không; liệu có phải thay đổi các đạo luật luôn luôn không; liệu một dân tộc lớn là nhà lập pháp cho chính mình có dễ dàng hay không xu.
Liệu dân tộc La Mã có không phải là một dân tộc lớn không?
Liệu có các dân tộc lớn có là tốt không?
Từ những nhận xét kể trên mà suy ra rằng trong nhà nước có một thực thể trung gian giữa các thần dân và quyền lực tối cao; và chỉ thực thể trung gian này, được hình thành từ một hay nhiều thành viên; chịu trách nhiệm về hành chính công, về thực thi các đạo luật, và duy trì tự do dân sự và tự do chính trị.
Các thành viên của thực thể này gọi là trưởng quan hay là vua, nghĩa là người cai trị. Thực thể toàn vẹn, xét theo những người hợp thành thực thể ấy, gọi là vương triều, và xét theo hành động của nó thì gọi là chính quyền.
Nếu chúng ta xét kỹ hành động của thực thể toàn vẹn tác động lên chính mình, nghĩa là mối quan hệ của tổng thể với tổng thể, hay là của quyền lực tối cao với nhà nước, chúng ta có thể so sánh mối quan hệ này với mối quan hệ giữa hai cực của một trạng thái cân xứng liên tiếp, mà chính quyền là phần tử đứng giữa. Trưởng quan nhận lệnh từ quyền lực tối cao để truyền đạt cho dân; và tất cả được bù trừ, hiệu năng hay quyền lực của ông ta là ngang tầm với hiệu năng hay quyền lực của các công dân, mà họ một đàng là thần dân còn đàng kia là quyền lực tối cao. Người ta sẽ không sao làm biến chất được bất kỳ một phần tử nào trong ba phần tử đó mà không lập tức làm hủy hoại cả tỷ lệ. Nếu quyền lực tối cao muốn cai trị hay vương triều muốn ban hành các đạo luật hoặc thần dân lại từ chối việc tuân thủ, thì sự hỗn loạn tiếp ngay trên sau quy củ, và nhà nước bị giải thế rơi vào sự chuyên chế hoặc vào trạng thái và chính phủ.
Chúng ta hãy giả định rằng nhà nước gồm có mười nghìn công dân chẳng
hạn. Chủ quyền tối cao chỉ có thể được xem xét trong tính hợp quần và trong
đoàn thê, nhưng mỗi tư nhân, với tư cách thân dân lại có một sự tồn tại cá thể
và độc lập Như vậy quyền lực tối cao so với thần dân giống như mười nghìn so
với một, điều đó nói lên rằng mỗi thành viên của nhà nước về phần mình chỉ
Có một phần mười nghìn của quyền uy tối cao, cho dù thành viên chịu khuất
phục hoàn toàn đối với nhà nước. Nếu như dân chúng lại gồm có mười nghìn
người, thì tình cảnh các thần dân chúng thay đổi gì và một người vân cứ luôn
luôn phải gánh vác toàn bộ thế lực của các đạo luật, trong khi sự chấp thuận
của từng người rút xuống còn có một phần trăm nghìn, có ảnh hưởng kém hơn
mười lần trong việc khởi thảo kết ước. Như thế là thần dân vẫn cứ chỉ là một
người, mà tỷ số của quyền lực tối cao thì tăng lên theo số công dân. Do đó dán
đến tình trạng nhà lluue càng lớn lên thì tự do càng giảm đi.
Thế mà các ý chí riêng càng ít phù hợp với ý chí chung, nghĩa là các tập
quán càng ít phù hợp với các luật, thì sức mạnh chèn ép lại càng tăng lên. Mặt
khác, tầm vóc lớn của nhà nước trao cho người thụ nhiệm của công quyền
càng nhiều ham muốn và càng nhiều thủ đoạn để lạm dụng nó, chính quyền
lại càng có nhiều quyền lực để đè nén dân chúng, và đến lượt mình quyền lực
tối cao lại càng có nhiều sức mạnh đề chế ngự chính phủ.
Mối quan hệ kép này làm cho sự tương xứng liên tiếp giữa quyền lực tối
cao, vương triều và dân chúng không phải là một ý tưởng võ đoán mà là một
kết luận suy từ bản chất của Nhà nước. Nó còn dán tới một trong những thái
cực, tức là dân chúng, vốn tín định làm cho cử khi nào cái lý trí kép kia mạnh
lên hay giảm đi, thì cái lý trí đơn này tiến mạnh lên hay giảm theo ngay; điều
này không xảy ra được nếu không có sự thay đổi đúng bấy nhiêu lần của bậc
trung gian. Từ đó chúng ta có thể rút ra kết luận này: Không có một thề chế
chính quyền độc nhất và tuyệt đối, mà có bao nhiêu nhà nước lớn nhỏ khác
nhau thì phải có bấy nhiêu chính quyền khác nhau về tính chất.
Nếu dân chúng càng đông thì các phong tục càng ít phù hợp với luật pháp,
chúng ta thừ xét xem, liêu rằng bằng một phép loại suy khá hiển nhiên, ta có
thề nói rằng số lượng các nguyên thủ càng đông thì phải chăng Chính phủ sẽ
càng yếu đi không.
Muốn làm sáng tỏ châm ngôn này, chúng ta sẽ phân biệt ba ý chí khác
nhau về cơ bản trong con người của mỗi một trưởng quan: Đầu tiên là ý chí
riêng của cá nhân chỉ hướng tới lợi thế riêng của mình, thứ hai là ý chí chung
của các trưởng quan duy chỉ phù hợp với lợi ích của vương triều; là ý chí mà
người ta có thể gọi là ý chí của thực thể, ý chí này là chung đối với việc cai trị
của chính quyền, và là riêng đối với nhà nước mà chính quyền là một bộ phận;
thứ ba là ý chí của dân tộc hay ý chí của quyền lực tối cao, ý chí này là chung cả
đối với nhà nước được xem như tổng thể, cũng như đối với chính quyền được
coi là bộ phận của từng thẽ. Trong một pháp chế hoàn hảo, ý chí riêng và của
cá nhân phải hầu như không đáng kể; ý chí của thực thể riêng cho việc cai trị
rất bị phụ thuộc; và kết quả là ý chí chung và của quyền lực tối cao là quy
chuẩn của một cái khác. Trái lại, theo trật tự tự nhiên, các ý chí khác nhau này
trở nên năng động hơn khi chúng tập trung, ý chí chung luôn luôn yếu thế
nhất, thứ nhì là ý chí của thực thể, và ý chí riêng là trội hơn cả; sao cho mỗi
người trước hết là chính mình, rồi đến trường quan, rồi đến người công dân:
sụ, sắp xếp trái ngược hẳn với sự sắp xếp mà trật tự xã hội đòi hỏi.
Cứ cho là thế thì chúng ta sẽ giả định răng chính quyền nằm trong tay một
người duy nhất. Thế là ý chí riêng và ý chí của thực thể liên kết lại thật là hoàn
hảo, vì thế mà ý chí này có cường lực ở mức cao nhất có thể. Thế mà, vì việc sử
dụng quyền lực phụ thuộc vào mức độ này, nên quyền lực tuyệt đối của chính
quyền vốn luôn luôn là quyền lực của dân, không hề thay đổi gì, bởi vậy chính
quyền năng động nhất là chính quyền của một người duy nhất.
Trái lại, chúng ta hãy kết hợp chính quyền với quyền uy tối cao, hãy lập
quyền lực tối cao thành vương triều, và bao nhiêu công dân là bấy nhiêu
trưởng quan: Lúc đó ý chí của thực thể, hoàn toàn trùng khớp với ý chí chung,
sẽ không còn hoạt động nào ngoài nó, và sẽ để cho ý chí riêng trong toàn bộ
sức mạnh của nó. Như vậy chính quyền, bao giờ cũng với chừng ấy quyền lực
tuyệt đối sẽ lâm vào thế hoạt động ít nhất.
Các quy tắc này là không thể phản bác được, và các nhận xét khác chỉ
dùng để xác nhận chúng mà thôi. Chẳng hạn, ta thấy rằng các trường quan
năng động hơn trong cơ chế của họ so với người công dân trong cơ chế của
mình, và Bởi vậy mà ý chí riêng có nhiều ảnh hưởng hơn ở đây. Vì một trưởng
quan đều hầu như luôn luôn phải gánh vác một vài chức năng đặc biệt của
chính quyền; trong khi mỗi công dân xét riêng rẽ chẳng có bất kỳ chức năng
nào của quyền lực tối cao. Vả chăng, nhà nước càng bành trướng, quyền lực
thực sự của nó càng tăng thêm, cho dù quyền lực thực sự ấy tăng thêm theo sự
vươn rộng ra; nhưng do nhà nước vẫn nguyên như cũ, nên dù các trưởng
quan có đông lên nhiều nhưng chính quyền không vì thế mà đạt được một
quyền lực thực tế lớn hơn, bởi vì nó là kẻ thụ nhiệm của quyền lực nhà nước,
mà chúng ta giả định rằng bao giờ ván là ngang nhau. Cho nên, do tính đa
dạng này mà hoạt động của chính quyền giảm đi nhưng quyền lực của nó
không thể tăng lên.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.