Émile Hay Là Về Giáo Dục

QUYỂN BA P2



Tôi nói tiếp: Kia là rượu vang nguyên chất ta có thể uống được, còn đây là rượu giả mạo gây nhiễm độc. Điều này được phát hiện nhờ chính những tri thức mà em đã hỏi thầy về tính hữu ích: Người nào hiểu rõ mực được làm ra như thế nào thì cũng biết được các rượu vang pha.

Tôi rất mãn nguyện về thí dụ của mình, và trong khi ấy tôi nhận thấy đứa trẻ không hề xúc động vì điều đó. Tôi phải mất đôi chút thời gian mới cảm nhận được rằng mình chỉ làm một chuyện ngu xuẩn: Vì, chưa nói đến việc một đứa trẻ ở tuổi mười hai không thể nào hiểu được sự giải thích của tôi, thì tính hữu ích của thí nghiệm ấy cũng không đi vào trí óc nó, vì đã nếm hai thứ rượu, và thấy cả hai đều ngon, nó không liên kết một ý niệm nào với cái từ giả mạo mà tôi cho rằng mình đã giảng rất kỹ cho nó. Những từ khác có hại, chất độc, thậm chí chẳng có một nghĩa nào với nó; về chuyện này nó ở vào trường hợp nhà viết sử của ông thầy thuốc Philippe: Đó là trường hợp của mọi đứa trẻ.

Các quan hệ của những kết quả và những nguyên nhân mà chúng ta không nhận thấy mối liên lạc, những điều hay và những cái hại mà chúng ta không hề có một ý niệm nào, những nhu cầu mà chúng ta chưa bao giờ cảm thấy, là vô giá trị đối với chúng ta; không thể nào nhờ những điều ấy mà khiến ta quan tâm làm bất cứ một điều gì liên quan đến chúng. Ở tuổi mười lăm người ta nhìn hạnh phúc của một hiền nhân, như ở tuổi ba mươi người ta nhìn niềm cực lạc của thiên đường. Nếu không hiểu rõ hạnh phúc và niềm cực lạc, người ta sẽ làm ít ỏi để đạt được những điều đó; và ngay cả khi hiểu rõ, người ta vẫn sẽ làm ít ỏi nếu người ta không mong muốn những điều đó, nếu người ta không cảm thấy những điều đó thích hợp với mình. Chứng minh cho một đứa trẻ phải tin rằng những gì người ta muốn dạy nó là hữu ích thì dễ: Nhưng chứng minh cho nó phải tin cũng chẳng có nghĩa gì, nếu không biết thuyết phục nó. Lý tính bình thản khiến ta tán thành hay chê trách cũng vô hiệu; chỉ có say mê mới khiến ta hành động và làm thế nào say mê vì những lợi ích mà ta chưa hề có?

Đừng bao giờ chỉ ra cho đứa trẻ cái gì mà nó không thể nhìn thấy. Trong khi nhân loại hầu như xa lạ với nó, thì do không thể nâng nó lên địa vị người lớn, xin hãy vì nó mà hạ người lớn xuống địa vị trẻ em. Trong khi nghĩ đến những gì có thể hữu ích cho nó ở một tuổi khác, xin hãy chỉ nói với nó về những gì mà nó nhìn thấy tính hữu ích ngay từ bây giờ. Vả chăng, ngay khi nó bắt đầu suy luận, thì không bao giờ so sánh với các trẻ khác, không hề có địch thủ, không hề có kẻ cạnh tranh, ngay cả trong việc chạy; tôi thích gấp trăm lần nếu nó không học những gì có lẽ nó chỉ học vì ghen tức hay vì khoe khoang. Có điều năm nào tôi cũng sẽ ghi dấu cẩn thận những tiến bộ nó đạt được; tôi sẽ so sánh những điều này với các tiến bộ nó đạt được năm sau; tôi sẽ bảo nó: Em đã cao lên chừng này phân; đây là cái hố trước đây em đã nhảy qua, vật nặng em đã vác; đây là khoảng cách em đã ném một hòn sỏi, đường đua mà em đã chạy hết một mạch, v.v…; nào xem bây giờ em sẽ làm những gì. Như vậy tôi kích thích nó mà không khiến nó ghen tị với ai hết. Nó muốn tự vượt mình, nó phải làm điều ấy; tôi không thấy một bất lợi nào trong việc nó thi đua với chính nó.

Tôi ghét sách vở; chúng chỉ dạy người ta nói về những gì mà người ta không biết. Người ta bảo rằng Hermès[135] khác các nguyên lý khoa học lên những cây cột, để tránh cho các phát kiến của mình khỏi nạn hồng thủy. Giá như Hermès ghi sâu những điều đó vào đầu óc những con người, chúng sẽ được bảo tồn ở đó nhờ truyền thống. Những bộ óc được chuẩn bị chu đáo là những đền đài tại đó các tri thức của nhân loại được khắc ghi chắc chắn nhất. Không có cách nào hòa hợp bao nhiêu bài học rải rác trong bao nhiêu sách vở, tụ họp các bài ấy dưới một đề mục chung có thể nhìn thấy dễ dàng, theo dõi thú vị, và có thể dùng để kích thích, ngay cả ở lứa tuổi này sao? Nếu có thể sáng tạo ra một tình thế ở đó tất cả các nhu cầu tự nhiên của con người được phô bày một cách rõ rệt với một đứa trẻ, và ở đó các phương kế để cung ứng cho chính các nhu cầu ấy lần lượt phát triển cũng với sự dễ dàng như vậy, thì chính qua bức tranh sống động và mộc mạc của trạng thái này mà ta cần cho trí tưởng tượng của trẻ tập dượt bài đầu tiên.

Hỡi triết gia nhiệt thành, tôi đã thấy trí tưởng tượng của ông bốc lửa rồi. Xin đừng mất công.; tình thế trên đã được tìm ra, nó đã được miêu tả, và, chẳng làm tổn hại đến ông, song nó được miêu tả hay hơn chính ông miêu tả rất nhiều, ít ra thì cũng chân thực hơn và giản dị hơn. Bởi chúng ta nhất thiết cần có sách, thì có một cuốn, theo tôi, cung cấp khảo luận hay nhất về sự giáo dục theo tự nhiên. Cuốn đó sẽ là cuốn sách đầu tiên mà Émile của tôi đọc trong một thời gian dài một mình nó sẽ là toàn bộ tủ sách của Émile và nó sẽ mãi mãi giữ một vị trí đặc biệt trong tủ sách. Nó sẽ là văn bản mà tất cả các cuộc đàm thoại của chúng tôi về các môn khoa học tự nhiên chỉ dùng để bình luận. Nó sẽ dùng để thử thách trình độ phán đoán của chúng tôi trong những bước tiến triển; và, chừng nào thị hiếu của chúng tôi chưa bị hư hỏng, thì việc đọc nó vẫn sẽ luôn khiến chúng tôi thích thú. Cuốn sách kỳ diệu ấy là cuốn nào vậy? Aristote[136] chăng? Pline[137] chăng? Buffon[138] chăng? Không; đó là Robinson Crusoé[139].

Robinson trên hòn đảo của mình, đơn độc, không có sự giúp đỡ của đồng loại và không có dụng cụ của mọi nghề mọi kỹ năng, thế mà vẫn cung ứng được cho sinh hoạt của mình, cho việc tự bảo tồn, và còn tạo ra cho mình một thứ an lạc nữa, đó là một đề tài thú vị cho mọi lứa tuổi, và người ta có hang ngàn cách để làm cho đề tài ấy được trẻ em thích thú. Chúng tôi hình dung hoang đảo mà thoạt tiên tôi dùng để so sánh như thế đó. Tôi thừa nhận rằng tình trạng ấy không phải là tình trạng của con người xã hội; hẳn đó cũng không phải là tình trạng của Émile: Nhưng chính căn cứ vào tình trạng này mà nó phải đánh giá tất cả các tình trạng khác. Phương sách hữu hiệu nhất để nâng mình lên trên các thành kiến và để sắp xếp các phán đoán của mình về những quan hệ thực sự của các sự vật, là đặt mình vào địa vị một con người cô độc và phán đoán mọi sự như chính con người ấy ắt phải phán đoán, xét theo lợi ích của bản thân người ấy.

Cuốn tiểu thuyết, gạt bỏ mọi sự lộn xộn của nó, khởi đầu lúc Robinson bị đắm tàu gần hòn đảo của chàng, và kết thúc khi con tàu đến đưa chàng ra khỏi đảo, sẽ vừa là trò vui vừa là sự học tập của Émile trong suốt thời kỳ được bàn đến ở đây. Tôi muốn nó say mê những điều đó, muốn nó không ngừng chăm lo đến lâu đài của nó, những con dê của nó, những nơi trồng trọt của nó; muốn nó học hỏi chi tiết tất cả những gì cần phải biết trong trường hợp tương tự, không phải học trong sách vở, mà qua các sự vật; muốn nó nghĩ mình chính là Robinson; muốn nó thấy mình mặc da thú, đội một chiếc mũ to, mang một thanh gươm lớn, toàn bộ trang phục kỳ dị của nhân vật, trừ cây lọng mà nó sẽ không cần đến. Tôi muốn nó lo lắng về các biện pháp cần áp dụng, nếu đột nhiên nó bị thiếu thứ này hay thứ khác, muốn nó quan sát cách xử sự của vị anh hùng của nó, muốn nó tìm xem liệu người đó có bỏ sót điều gì không, liệu có phải làm điều gì hay hơn không; muốn nó chăm chú ghi dấu những lỗi lầm của nhân vật anh hùng, và lợi dụng điều này để bản thân không rơi vào những lỗi lầm ấy trong trường hợp tương tự vì xin các vị đừng hồ nghi việc nó dự định đi thực hiện một sự lập nghiệp giống như vậy; đó thực sự là mộng tưởng của cái tuổi hạnh phúc ấy, cái tuổi mà người ta không biết hạnh phúc nào khác ngoài đô nhu yếu và tự do.

Niềm say mê này là cả một phương sách đối với một người khôn khéo, biết làm say mê nảy sinh chỉ để sử dụng nó thật ích lợi! Đứa trẻ, vội vã thu thập một kho dự trữ cho hòn đảo của nó, sẽ nhiệt thành học hỏi hơn là ông thầy nhiệt thành giảng dạy. Nó sẽ muốn biết tất cả những gì hữu ích, và chỉ muốn biết những điều đó mà thôi; các vị sẽ không cần hướng dẫn nó nữa, các vị chỉ phải kìm giữ nó mà thôi. Vả chăng, ta hãy gấp rút gây dựng cho nó tại hòn đảo ấy, trong khi nó còn giới hạn hạnh phúc tối đại của nó ở đây; vì đang gần đến cái ngày mà, nếu nó còn muốn sống ở đấy, thì nó sẽ không muốn sống một mình nữa, và lúc ấy thì Thứ Sáu[140], giờ đây chẳng khiến nó động tâm mấy, sẽ không thỏa mãn nó lâu dài.

Sự ứng dụng các kỹ năng tự nhiên, mà riêng một người cũng có thể làm được dẫn đến việc tìm tòi các kỹ năng công nghệ, cần sự hợp lực của nhiều nhân công.. Các kỹ năng tự nhiên có thể do những người cô độc, những người hoang dã thực hiện; nhưng các kỹ năng công nghệ chỉ có thể phát sinh trong quần thể, và khiến cho quần thể thành cần thiết. Chừng nào người ta chỉ biết có nhu cầu vật chất, thì mỗi người tự cung ứng đủ cho bản thân; việc du nhập cái thừa thãi vô dụng khiến sự chia cắt và phân phối lao động thành thiết yếu; vì, tuy một người lao động đơn độc chỉ kiếm đủ sống cho một người, song một trăm người hợp lực lao động sẽ kiếm đủ sống cho hai trăm người. Vậy ngay khi một bộ phận trong những con người nghỉ ngơi, thì sự tụ hội nhân lực của những người lao động phải bù cho sự nhàn rỗi của những người không làm gì cả.

Nỗi lo toan lớn nhất của các vị là phải gạt khỏi trí óc học trò mình tất cả những khái niệm về các quan hệ xã hội không vừa với tầm hiểu biết của nó; nhưng khi mối liên lạc giữa các tri thức buộc các vị phải chỉ ra cho nó sự phụ thuộc lẫn nhau của các con người, thì, thay vì chỉ ra cho nó điều ấy về phương diện tinh thần, các vị hãy hướng trước hết toàn bộ sự chú ý của nó đến công nghệ và các kỹ năng cơ giới, khiến cho người nọ thành hữu ích với người kia. Trong khi dẫn nó đi từ xưởng này sang xưởng khác, đừng bao giờ để nó nhìn thấy một công việc nào mà tự nó không bắt tay vào làm, cũng đừng để nó ra khỏi nơi ấy mà không biết được trọn vẹn lý do của tất cả những gì đang thực hiện ở đó, hoặc ít ra là của tất cả những gì mà nó đã quan sát. Muốn thế, xin bản thân các vị hãy lao động, hãy làm gương cho nó ở khắp nơi; để khiến nó thành thợ cả, xin hãy làm người học việc ở khắp nơi, và hãy tin rằng một giờ lao động sẽ dạy nó được nhiều điều hơn là những gì nó nhớ được từ một ngày giảng giải.

Có một sự quý trọng của công chúng đối với những kỹ năng khác nhau, theo tỷ lệ ngược với tính hữu ích thực sự của chúng. Sự quý trọng này được đánh giá trực tiếp bằng chính tính vô dụng của chúng, và điều này ắt phải như vậy. Các kỹ năng hữu ích nhất là những kỹ năng kiếm được ít lợi nhất, vì con số thợ thuyền tương xứng với nhu cầu của một người, và lao động cần thiết cho hết thảy mọi người tất nhiên phải giữ ở một giá mà người nghèo có thể trả được. Ngược lại, những kẻ quan trọng mà người ta không gọi là thợ thủ công, mà là nghệ sĩ, chỉ làm việc duy nhất cho những người ăn không ngồi rồi và những người giàu có, đặt một giá võ đoán cho các thứ đồ chơi của họ; và, bởi giá trị của những công việc vô bổ ấy chỉ ở dư luận mà thôi, nên bản thân giá tiền của chúng cũng tham gia giá trị này, và người ta đánh giá chúng tương xứng với số tiền tốn kém cho chúng. Sự trọng thị của người giàu đối với chúng không phải do chúng hữu dụng, mà do người nghèo không thể chi trả chúng. Nolo habere bona nisi quibus populus inviderit[141].

Học trò của các vị sẽ thành như thế nào, nếu các vị để chúng đi theo thành kiến ngu xuẩn ấy, nếu bản thân các vị ủng hộ nó, nếu học trò nhìn thấy các vị bước vào cửa hiệu của một nhà kim hoàn chẳng hạn với thái độ nể trọng hơn vào cửa hiệu của một người thợ khóa? Chúng sẽ phán đoán thế nào về công trạng thực sự của các kỹ năng và giá trị đích thực của các sự vật, khi chúng sẽ nhìn thấy khắp nơi giá tiền theo ý ngông mâu thuẫn với giá trên do tính hữu ích thực tế, và vật càng đắt tiền lại càng ít đáng giá? Vào khoảnh khắc đầu tiên các vị để cho những ý tưởng này đi vào đầu óc chúng, xin hãy bỏ đi tất cả phần còn lại của việc giáo dục chúng; bất kể ý muốn của các vị chúng sẽ được giáo dưỡng như tất cả mọi người; các vị đã mất không mười bốn năm chăm sóc.

Émile đang nghĩ ngợi về việc tìm đồ đạc cho hòn đảo của mình sẽ có những cách nhìn khác. Robinson chắc sẽ trọng thị cửa hiệu của một người làm dao kéo hơn mọi vật tầm phào của Saide[142]. Chắc Robinson sẽ coi người thứ nhất là một người rất đáng kính, còn người kia là một gã lường gạt tầm thường.

“Con trai tôi được tạo ra để sống trong xã hội; nó sẽ không sống với các bậc hiền nhân, mà với những kẻ điên; vậy nó cần phải biết những sự điên rồ của họ, bởi lẽ họ muốn được dẫn dắt bằng những sự điên rồ ấy. Hiểu biết thực sự các sự vật có thể là tốt, nhưng hiểu biết các con người và các phán đoán của họ còn đáng giá hơn; vì, trong xã hội loài người, phương tiện quan trọng nhất của con người là con người, và người khôn ngoan nhất là người sử dụng giỏi nhất phương tiện ấy. Có ích lợi gì việc đem lại cho trẻ ý niệm về một trật tự tưởng tượng ngược hẳn lại với trật tự mà chúng sẽ thấy là đã được thiết lập, và chúng phải căn cứ vào trật tự ấy mà tự điều chỉnh? Trước hết tin hãy dạy chúng những bài học để mà khôn ngoan, rồi sau đó sẽ dạy chúng những bài học để xét đoán xem những kẻ khác điên rồ ở chỗ nào. “

Đó là những phương châm tốt đẹp bề ngoài mà sự cẩn trọng sai lầm của các ông bố dựa vào để luyện con cái mình thành nô lệ cho những thành kiến mà họ giáo dưỡng chúng, và bản thân chúng thành đồ chơi cho bọn người hèn hạ mà chúng tưởng dùng làm phương tiện cho các đam mê của chúng. Để đi tới chỗ hiểu biết được con người, cần phải hiểu biết bao nhiêu là sự vật trước đã! Con người là môn học cuối cùng của hiền nhân, thế mà các vị lại định làm thành môn học đầu tiên của một đứa trẻ! Trước khi dạy bảo nó về các cảm nghĩ của chúng ta, xin hãy bắt đầu bằng việc dạy nó đánh giá những cảm nghĩ ấy. Có phải là hiểu biết một sự điên rồ hay không, khi coi sự điên rồ ấy là lẽ phải! Để khôn ngoan thì phải phân biệt được cái gì không khôn ngoan. Làm thế nào con các vị hiểu biết được con người, nếu nó không biết phán đoán những phán đoán của họ cũng không biết khám phá những sai lầm của họ? Hiểu biết họ nghĩ gì là một sự tai hại, khi không biết những gì họ nghĩ là đúng hay sai. Vậy trước hết xin hãy dạy nó sự vật là gì ở bản thân sự vật, và sau đó các vị sẽ dạy chúng sự vật là gì ở trong mắt chúng ta; như vậy nó sẽ biết so sánh dư luận với sự thật, và tự nâng mình lên trên cái tầm thường; vì người ta không hề biết các thành kiến khi người ta đi theo chúng, và người ta không hề dẫn dắt dân chúng khi người ta giống dân chúng. Nhưng nếu các vị bắt đầu bằng việc dạy nó về ý kiến của công chúng trước khi dạy nó đánh giá ý kiến công chúng, thì xin hãy tin chắc rằng, dù các vị có thể làm gì chăng nữa, thì ý kiến ấy cũng sẽ thành ý kiến của nó, và các vị sẽ không thể phá hủy được ý kiến ấy nữa. Tôi kết luận rằng, để làm cho một thanh niên thành giỏi phán đoán, rất cần đào tạo phán đoán của cậu ta, thay vì truyền bảo cho cậu các phán đoán của chúng ta.

Các vị thấy rằng cho đến lúc này tôi chưa hề nói với học trò mình về con người, có lẽ nó có quá nhiều lương tri thành thử sẽ chẳng hiểu tôi; các quan hệ của nó với đồng loại còn chưa đủ rõ rệt đối với nó để nó có thể qua mình mà xét đoán những người khác. Về con người thì nó mới biết có một mình nó mà thôi, và thậm chí còn lâu nó mới tự biết mình; nhưng nếu nó ít xét đoán về bản thân, thì ít ra nó chỉ có những xét đoán đúng. Nó không biết vị trí của những người khác thế nào, nhưng nó cảm nhận vị trí của mình và nó ở vững đó. Thay vì các luật lệ xã hội mà nó không thể biết được, chúng ta đã câu thúc nó bằng những ràng buộc của tính tất yếu. Nó hầu như vẫn chỉ là một sinh thể vật chất, ta hãy tiếp tục đối xử với nó như thế.

Nó phải đánh giá tất cả các vật thể của tự nhiên và tất cả các công trình của con người qua mối quan hệ rõ rệt của chúng với lợi ích của nó, tình trạng an toàn của nó, việc bảo tồn nó, sự an lạc của nó. Như vậy trước mắt nó, sắt phải có giá trị lớn hơn vàng rất nhiều, và pha lê giá trị lớn hơn kim cương; cũng như vậy, nó tôn trọng một người thợ giày, một người thợ nề hơn rất nhiều so với một Lempereur, một Leblanc[143] và tất cả những người bán đồ châu báu ở châu Âu; đặc biệt trong mắt nó một người làm bánh ngọt là một người rất quan trọng, và nó sẽ đổi cả Viện Hàn lâm khoa học lấy cửa hàng mứt kẹo nhỏ bé nhất ở phố Lombards. Các nhà kim hoàn, thợ khoe, thợ thếp vàng, thợ thêu, theo ý nó chỉ là những kẻ lười nhác chơi nghịch những trò hoàn toàn vô bổ; nó cũng không thật trọng thị ngay cả nghề làm đồng hồ. Thằng bé hạnh phúc vui hưởng thời gian mà không làm nô lệ cho thời gian: Nó lợi dụng thời gian và không biết giá của thời gian. Trạng thái an tĩnh của các đam mê, khiến sự nối tiếp thời gian đối với nó bao giờ cũng bình ổn, là phương tiện để nó đàn ông lường thời gian khi cần[144]. Khi tôi giả định Émile có một chiếc đồng hồ, cũng như khi làm nó khóc, là tôi cho mình một Émile tầm thường, để mình hữu ích và để mọi người hiểu tôi; vì, về phần Émile đích thực, thì một đứa trẻ khác biệt những trẻ khác đến thế có lẽ sẽ không làm thí dụ cho điều gì cả.

Có một thứ tự không kém tự nhiên và còn chí lý hơn, qua đó người ta xem xét các kỹ năng tùy theo những quan hệ về tính tất yếu ràng buộc chúng, đặt lên hàng đầu những kỹ năng độc lập nhất, và ở hàng cuối những kỹ năng phụ thuộc vào nhiều kỹ năng khác nhất. Thứ tự này, cung cấp những lý do quan trọng về thứ tự của xã hội nói chung, cũng giống như thứ tự trước, và cũng bị đảo ngược như thế trong sự quý trọng của mọi người; thành thử việc sử dụng các nguyên liệu được thực hiện trong những nghề không vinh dự, hầu như không lợi lộc, và nguyên liệu càng chuyển qua nhiều bàn tay, thì nhân công càng tăng giá và trở nên vinh dự. Tôi không khảo sát xem có đúng là công nghệ quan trọng hơn và đáng được thưởng hơn trong các kỹ năng tỉ mỉ đem lại hình dạng cuối cùng cho các nguyên liệu, so với lao động đầu tiên cải biến nguyên liệu cho sự sử dụng của con người hay không: Nhưng tôi bảo rằng ở mỗi sự vật, kỹ năng nào mà việc sử dụng là thông thường nhất và thiết yếu nhất thì rõ ràng là kỹ năng đáng được quý trọng nhất, và kỹ năng nào cần đến ít các kỹ năng khác, lại càng đáng được quý trọng vượt lên các kỹ năng phụ thuộc hơn, vì nó tự do hơn và gần với sự độc lập hơn. Đó là những quy tắc đích thực để đánh giá các kỹ năng và công nghệ; tất cả những gì còn lại đều là võ đoán và tùy thuộc vào dư luận.

Nghề quan trọng và đáng kính nhất trong tất cả các nghề là nghề nông: Tôi sẽ đặt nghề rèn vào hàng thứ hai, nghề móc vào hàng thứ ba, và kế tiếp như vậy. Đứa trẻ nào không bị các thành kiến tầm thường cám dỗ sẽ phán đoán đúng như thế. Biết bao nhiêu suy nghĩ quan trọng mà Émile của chúng ta sẽ rút ra về vấn đề này, từ chàng Robinson của nó! Nó sẽ nghĩ gì khi thấy các kỹ năng chỉ tự hoàn thiện bằng cách chia nhỏ ra, bằng cách gia tăng vô hạn các khí cụ của kỹ năng này kỹ năng nọ? Nó sẽ tự nhủ: Tất cả những người đó tài giỏi một cách ngu dại: Cứ như thế họ sợ cánh tay và ngón tay của họ dung được vào việc gì, nên mới sáng chế ra bao nhiêu là khí cụ để khỏi cần đến chúng. Để thực hành một kỹ năng, họ phải lệ thuộc hàng ngàn kỹ năng khác; cần một thành phố cho mỗi người thợ. Về phần bạn tôi và tôi, thì chúng tôi đặt tài năng của mình vào sự khéo léo; chúng tôi làm cho mình những dụng cụ có thể mang theo mình khắp mọi nơi. Tất cả những người hết sức tự hào vì tài cán của họ ở Paris sẽ chẳng biết gì ở hòn đảo của chúng tôi, và đến lượt họ sẽ là những người học việc của chúng tôi.

Hỡi độc giả, xin đừng chỉ nhìn thấy ở đây việc luyện tập thân thể và sự khéo léo nơi bàn tay của học trò chúng ta; mà hãy xem xét phương hướng chúng ta đem lại cho những điểm hiếu kỳ trẻ thơ của nó; hãy xem xét lương tri, đầu óc sáng tạo, sự lo xa tính trước; hãy xem xét chúng ta sẽ đào tạo cho nó một đầu óc như thế nào. Trong tất cả những gì nó sẽ nhìn thấy, trong tất cả những gì nó sẽ làm, nó sẽ muốn hiểu hết, nó sẽ muốn biết lý do của mọi điều; từ khí cụ này sang khí cụ khác, nó sẽ luôn muốn ngược trở lại khí cụ đầu tiên; nó sẽ không chấp nhận một điều gì qua giả định; nó sẽ không chịu học điều gì đòi hỏi phải có trước một tri thức mà nó không có: Nếu nó nhìn thấy người ta làm một cái lò xo, nó sẽ muốn biết thép được lấy ra từ mỏ như thế nào; nếu nó nhìn thấy người ta ghép các bộ phận của một chiếc rương, nó sẽ muốn biết cái cây được đốn như thế nào; nếu bản thân nó lao động, thì khi dùng moi dụng cụ nó không quên tự nhủ: Nếu mình không có dụng cụ này, mình sẽ làm thế nào để tạo ra mà dụng cụ tương tự hay để không cần đến nó?

Vả chăng, một sai lầm khó tránh trong những công việc mà ông thầy say mê là luôn coi đứa trẻ có cùng sở thích ấy: Các vị hãy coi chừng, khi cái vui của việc làm lôi cuốn mình, trong lúc đó đứa trẻ buồn chán mà không dám tỏ bày với các vị. Đứa trẻ phải toàn tâm toàn ý với sự vật; còn các vị lại phải toàn tâm toàn ý với đứa trẻ, quan sát nó, rình nó không ngơi nghỉ và không lộ ra, đoán trước mọi cảm nghĩ của nó, và phòng ngừa những cảm nghĩ mà nó không nên có, cuối cùng khiến nó bận rộn sao cho nó chẳng những cảm thấy mình hữu ích mà còn thích thú do hiểu rõ điều mình làm dùng được vào việc gì.

Hội đoàn các nghề gồm những sự trao đổi công nghệ, hội đoàn thương nghiệp là trao đổi các sự vật, hội đoàn các ngân hàng là trao đổi ký hiệu và tiền bạc: Tất cả những ý niệm này có quan hệ với nhau, và các khái niệm sơ đẳng đều đã nắm được; chúng ta đã đặt nền tảng cho tất cả những điều đó từ tuổi ấu niên, nhờ bác làm vườn Robert. Giờ đây ta chỉ còn phải khái quát hóa cũng những ý niệm ấy, và mở rộng chúng ra nhiều thí dụ hơn, để làm cho trẻ hiểu sự vận động của thương mại trong bản thân nó, và được cụ thể hóa bằng những chi tiết về vạn vật học liên quan đến các sản phẩm đặc biệt của từng xứ sở, bằng các chi tiết về nghệ thuật và khoa học liên quan đến hàng hải, cuối cùng, bằng trở ngại lớn nhất hay nhỏ nhất của việc vận chuyển, tùy theo sự xa cách của các địa điểm, tùy theo tình thế của các miền đất, các biển, các song ngòi, v.v…

Không một xã hội nào có thể tồn tại mà không có trao đổi, không sự trao đổi nào có thể tồn tại mà không có đơn vị đo lường chung, và không đơn vị đo lường chung nào có thể tồn tại mà không có sự bình đẳng. Như vậy, xã hội nào cũng có định luật đầu tiên là một sự bình đẳng nào đó theo quy ước, hoặc ở các con người, hoặc ở các sự vật.

Sự bình đẳng theo quy ước giữa các con người, rất khác biệt sự bình đẳng tự nhiên, khiến cho nhân định pháp, tức là chính thể và các luật, trở nên cần thiết. Các kiến thức về chính trị của một đứa trẻ phải rõ ràng và hạn hẹp; về chính thể nói chung nó chỉ nên biết những gì liên quan đến quyền sở hữu, mà nó đã có được vài ý niệm rồi.

Sự bình đẳng quy ước giữa các sự vật đã khiến tiền tệ được tạo ra; vì tiền tệ chỉ là một vế so sánh về giá trị của các sự vật thuộc các loại khác nhau; và theo nghĩa này thì tiền tệ là mối liên hệ thực sự của xã hội; nhưng mọi thứ đều có thể là tiền tệ; xưa kia gia súc là tiền tệ, ngày nay vỏ sò ốc vẫn còn là tiền tệ ở nhiều dân tộc; sắt từng là tiền tệ ở Sparte, da từng là tiền tệ ở Thụy Điển, vàng và bạc là tiền tệ đối với chúng ta.

Kim loại, vì dễ vận chuyển hơn, thường được chọn làm trung hạng cho mọi sự trao đổi; và người ta đã cải hoán những kim loại này thành tiền tệ, để tránh phải cân hay đo mỗi khi trao đổi: Bởi dấu hiệu của tiền chỉ là một sự xác nhận rằng đồng tiền được đánh dấu như thế thì cân nặng chừng ấy; và chỉ riêng Quốc vương có quyền đúc tiền, vì chỉ riêng ông có quyền đòi hỏi sự làm chứng của mình có uy lực với cả một dân tộc.

Việc sử dụng phát minh này, được giải thích như vậy, khiến kẻ ngu ngốc nhất cũng cảm nhận được. Rất khó so sánh trực tiếp các sự vật có bản chất khác nhau, chẳng hạn như dạ với lúa mì; nhưng khi người ta đã tìm ra một đơn vị đo lường chung, là tiền tệ, thì nhà chế tạo và nhà nông dễ dàng quy giá trị của những vật họ muốn trao đổi ra đơn vị đo lường chung đó. Nếu số lượng dạ chừng này đáng giá số tiền chừng này và số lượng lúa mì chừng này cũng đáng giá cùng số tiền ấy, thì người bán hàng, khi nhận chỗ lúa mì đó cho chỗ dạ của mình, đã thực hiện một sự trao đổi công bằng. Như vậy, chính nhờ tiền tệ mà các tài sản thuộc các loại khác nhau trở nên cùng đơn vị và có thể so sánh được với nhau.

Xin đừng tiến xa hơn điều ấy, và đừng đi vào giải thích các hậu quả tinh thần của chế định này. Ở mọi điều, cần trình bày kỹ các sự sử dụng trước khi chỉ ra các sự lạm dụng. Nếu các vị định giải thích cho trẻ làm thế nào mà các ký hiệu khiến người ta bỏ qua sự vật, làm thế nào mà từ tiền tệ lại sinh ra mọi điều hão huyền của dư luận, làm thế nào mà các nước giàu tiền bạc ắt phải nghèo mọi thứ, thì các vị đối xử với những đứa trẻ này chẳng những như những trí giả, mà còn như những hiền nhân, và các vị định làm cho chúng hiểu những gì mà thậm chí ít trí giả từng quan niệm được rõ.

Như vậy ta có thể hướng niềm hiếu kỳ của học trò sang biết bao nhiêu đề tài thú vị, mà không bao giờ xa rời các quan hệ thực tế và vật chất vừa tầm hiểu biết của nó, cũng không để nổi lên trong trí óc nó một ý tưởng nào mà nó không thể hiểu được! Nghệ thuật của ông thầy là không bao giờ để cho các nhận xét của học trò sa vào những điều vụn vặt chẳng liên quan đến cái gì hết, và là không ngừng đưa nó gần lại các quan hệ lớn lao mà một ngày nào đó nó phải biết để phán đoán được đúng về trật tự tốt và trật tự dở của xã hội dân sự. Cần phải biết phối hợp những cuộc trò chuyện làm nó vui với chiều hướng suy nghĩ mà ta đã đem lại cho nó. Có vấn đề thậm chí không thể chạm lướt đến sự chú ý của một đứa trẻ khác, lại khiến Émile băn khoăn dằn vặt sáu tháng trời.

Chúng tôi đến dự bữa tối tại một gia đình giàu có; chúng tôi thấy những sự sửa soạn cho một đại tiệc, rất nhiều khách mời, rất nhiều người hầu, rất nhiều món, một sự phục vụ thanh nhã và tinh tế. Toàn bộ thiết bị tráng lệ cho yến hội và hoan lạc này có cái gì đó gây say sưa, kích thích đầu óc, khi người ta không quen. Tôi dự cảm được tác động của tất cả những điều đó đến cậu học trò non trẻ của mình. Trong khi bữa tiệc kéo dài, trong khi các món nối tiếp nhau, trong khi quanh bàn ăn hàng ngàn lời trò chuyện ồn ào, tôi ghé bên tai nó, và bảo nó: Em ước lượng xem tất cả những gì em nhìn thấy trên bàn này đã đi qua bao nhiêu bàn tay trước khi đến được đó? Với số từ ngữ ít ỏi ấy tôi làm thức dậy trong óc nó biết bao nhiêu là ý tưởng! Lập tức mọi chếnh choáng của cơn mê sảng xẹp đi. Nó mơ màng, nó suy nghĩ, nó tính toán, nó băn khoăn. Trong khi các trí giả, vui vì rượu, có thể vì các nữ thực khách ngồi bên, lải nhải những điều lẩm cẩm và làm trò trẻ, thì kìa, nó đang suy tư đơn độc trong xó của mình; nó chất vấn tôi; tôi từ chối trả lời, tôi hẹn nó lúc khác; nó sốt ruột, nó quên ăn quên uống, nó nóng lòng muốn ra khỏi bàn ăn để thỏa thích trò chuyện cùng tôi. Thật là một đề tài cho sự hiếu kỳ của nó! Thật là một bài học để giáo dục nó! Với một óc phán đoán lành mạnh mà chưa điều gì đã có thể làm hư hỏng, nó sẽ nghĩ thế nào về sự xa hoa, khi nó thấy ra rằng tất cả mọi miền trên thế gian đã phải chịu phần gánh vác, rằng hai chục triệu bàn tay có lẽ đã lao động trong thời gian dài, rằng hàng ngàn người có thể đã mất mạng, và tất cả để long trọng bày ra cho nó vào giữa trưa những gì mà buổi tối nó sẽ đem cất vào tủ áo?

Các vị hãy cẩn thận rình những kết luận âm thầm trong lòng nó, được nó rút ra từ tất cả những nhận xét trên. Nếu các vị đã trông nom gìn giữ nó không kỹ như tôi giả định, thì có thể nó định chuyển các suy nghĩ của nó theo một chiều hướng khác, và tự coi mình như một nhân vật quan trọng đối với thiên hạ, vì thấy bao nhiêu là sự lo toan hợp lực lại để chuẩn bị bữa tiệc tối cho mình. Nếu các vị dự cảm thấy lập luận này, các vị có thể dễ dàng cảnh báo nó trước khi nó suy luận như vậy, hoặc ít ra cũng xóa đi tức khắc ấn tượng của lập luận. Mới chỉ biết chiếm hữu sự vật qua một thụ hưởng vật chất, nên nó chỉ có thể phán đoán về tính thích đáng hay không thích đáng đối với mình qua những tương quan rõ rệt mà thôi. Việc so sánh một bữa tối đơn giản và quê mùa mộc mạc, mà gia vị là cái đói, là sự tự do, là niềm vui, với bữa tiệc thật huy hoàng và thật câu nệ, sẽ đủ để nó cảm thấy tất cả sự tráng lệ của bữa tiệc chẳng đem lại cho nó một lợi ích thực sự nào, và khi ra khỏi bàn ăn của người dân quê mà dạ dày nó cũng thỏa mãn y như khi ra khỏi bàn ăn của nhà tài chính, thì chẳng có cái gì của người này mà nó có thể thực sự gọi là của mình hơn là của người kia.

Ta hãy tưởng tượng trong trường hợp như vậy một ông thầy có thể bảo nó: Em hãy nhớ lại cho rõ hai bữa ăn đó, và tự em hãy quyết định xem em đã ăn bữa nào với nhiều thích thú hơn; ở bữa nào em đã nhận xét thấy nhiều niềm vui hơn? Ở bữa nào mọi người đã ăn ngon miệng hơn, uống rượu vui vẻ hơn, cười đùa hết lòng hơn? Bữa nào đã kéo dài hơn mà không buồn chán, và không cần được đổi mới bằng những món khác? Trong khi đó em hãy xem sự khác biệt: Bánh mì nâu mà em thấy rất ngon, được làm từ lúa mì do người nông dân ấy gặt hái; rượu vang của bác đen và thô, nhưng lành và giải khát, được làm từ nho mà bác trồng; khăn bàn khăn ăn được làm từ đay gai mà vợ bác, các con gái bác, cô đầy tớ nhà bác kéo sợi vào mùa đông; không có bàn tay nào khác ngoài những bàn tay của gia đình soạn sửa bữa ăn nhà bác; cối xay gần nhất và khu chợ lân cận là hạn giới của vũ trụ đối với bác. Vậy em đã thực sự thụ hưởng những gì từ tất cả những thứ mà miền đất xa xăm và bàn tay bao con người đã cung cấp thêm trên bàn học kia? Nếu tất cả những cái đó không đem lại cho em một bữa ăn ngon hơn, thì em đã được gì từ sự phong phú ấy? Ở đó có cái gì được tạo ra cho em hay không? Giả sử em là chủ nhà, ông thầy có thể nói thêm, thì tất cả những thứ đó còn xa lạ với em hơn nữa: Vì mối lo toan để phô trương trước mặt những người khác sự vui hưởng của mình tước đi nốt của em niềm vui hưởng ấy: Phần em là lo buồn, còn phần những người khác là lạc thú.

Bài diễn văn ấy có thể rất hay; nhưng nó chẳng có giá trị gì với Émile, vì nó vượt quá tầm hiểu biết của em, và với Émile người ta không hề truyền phán các suy nghĩ của mình. Vậy các vị hãy nói với nó một cách giản dị hơn. Sau hai thử thách trên, một buổi sáng nào đó các vị bảo nó: Hôm nay ta dùng bữa tối ở đâu nhỉ? Quanh những đồ bạc chất ngất như núi phủ kín ba phần tư bàn ăn, quanh những vườn hoa giấy được người ta dọn ra trên những tấm gương lúc dùng thức tráng miệng, bên những phụ nữ mặc váy phồng đối xử với em như với con rối, muốn em đã nói điều mà em chẳng biết; hay ở ngôi làng cách đây hai dặm, tại nhà những người trung hậu tiếp đón chúng ta thật vui vẻ và cho chúng ta ăn món kem thật ngon? Sự lựa chọn của Émile không có gì phải hồ nghi; vì nó không bẻo lẻo không phù phiếm; nó không chịu được sự ngượng ngùng bứt rút, và tất cả những món màu mè tinh tế của chúng ta không hề làm nó thích: Nhưng nó luôn luôn sẵn sàng đi lang thang ở vùng quê, và nó rất ưa quả ngon, rau ngon, kem ngon, và những người trung hậu[145]. Trong khi đi đường, suy nghĩ tự nó đến. Tôi thấy số người đông đảo làm lụng cho những bữa đại tiệc kia thật mất công vô ích, hoặc là họ chẳng mấy nghĩ đến những niềm vui thú của chúng tôi.

Các thí dụ của tôi, có lẽ thích hợp với một số vấn đề, sẽ là dở đối với ngàn vấn đề khác. Nếu người ta lấy tinh thần của những thí dụ ấy, thì người ta sẽ biết đa dạng hóa chúng khi cần; sự lựa chọn gắn với việc nghiên cứu tinh hoa riêng của mỗi người, và việc nghiên cứu này gắn với những cơ hội ta tạo ra cho chúng để chúng tự phô bày. Mọi người sẽ không tưởng tượng rằng, trong khoảng ba hay bốn năm mà chúng ta sử dụng ở đây, chúng ta lại có thể đem đến cho đứa trẻ có thiên tư xuất sắc nhất một ý niệm về tất cả các nghệ thuật và các khoa học tự nhiên, đủ để một ngày kia nó tự học lấy; nhưng bằng cách cho lướt qua trước nó tất cả những đối tượng mà nó cần biết, chúng ta đặt nó vào tình huống có thể phát triển thị hiếu của nó, tài năng của nó, có thể đi những bước đầu tiên về phía đối tượng mà tinh hoa của nó hướng nó tới, và chỉ ra cho chúng ta con đường cần mở ra trước nó để giúp sức cho bản tính thứ hai của nó.

Một cái lợi nữa của sự liên lạc tiếp nối những tri thức hạn hẹp nhưng đúng đắn, là chỉ ra cho đứa trẻ những tri thức ấy qua những sự kết hợp, những mối quan hệ của chúng, là đặt tất cả những tri thức ấy vào vị trí của chúng trong niềm quý trọng của nó, và phòng ngừa được ở nó những thiên kiến mà phần lớn mọi người có đối với những tài riêng mà họ vun trồng, chống lại những tài nghệ mà họ sao lãng. Người nào nhìn thấy rõ trật tự của tổng thể thì nhìn thấy vị trí mà một bộ phận phải ở vào; người nào nhìn thấy rõ một bộ phận và hiểu biết cặn kẽ bộ phận ấy, có thể là một người thông thái: Người kia là một người biết phán đoán; và các vị nhớ rằng điều chúng ta nhằm đạt tới là óc phán đoán hơn là kiến thức.

Dù sao đi nữa, phương pháp của tôi độc lập với các thí dụ của tôi; phương pháp này dựa trên việc ước lượng các năng lực của con người ở các độ tuổi khác nhau của người ấy, và trên sự lựa chọn những công việc phù hợp với các năng lực đó. Tôi cho rằng có lẽ người ta sẽ dễ dàng tìm ra một phương pháp khác, với phương pháp ấy người ta sẽ có vẻ làm được tốt hơn; nhưng nếu phương pháp ấy ít thích hợp hơn với phẩm hạng, với tuổi, với giới, thì tôi nghi ngờ nó cũng thành công như vậy.

Khi bắt đầu thời kỳ thứ hai này, chúng ta đã lợi dụng tình trạng dư thừa sức lực của ta đối với nhu cầu để đưa ta ra bên ngoài bản thân ta; chúng ta đã lao mình lên bầu trời; chúng ta đã ước lượng mặt đất; chúng ta đã thu thập các định luật của tự nhiên, nói tóm lại chúng ta đã đi khắp cả hòn đảo: giờ đây ta trở lại với mình; ta dân dã về gần nơi ta ở. Quá hạnh phúc, khi trở về thấy nơi ấy còn chưa thuộc sở hữu của kẻ địch đang đe dọa ta và chuẩn bị chiếm lấy nó.

Ta còn những gì cần làm sau khi đã quan sát tất cả những gì bao quanh ta? Cần cải hoán cho sự sử dụng của mình tất cả những gì mình có thể chiếm lĩnh, và lợi dụng lòng hiếu kỳ ở mình để có lợi cho niềm an lạc của mình. Cho đến lúc này chúng ta đã gom nhặt đủ loại phương tiện, mà chẳng biết mình sẽ cần đến những phương tiện nào. Các phương tiện của chúng ta có thể vô dụng với bản thân ta song có thể sẽ giúp được người khác; và có thể, đến lượt mình, chúng ta sẽ lại cần những phương tiện của họ. Như vậy tất cả chúng ta sẽ đều được lợi trong những sự trao đổi ấy: Nhưng để thực hiện trao đổi cần phải biết các nhu cầu của nhau, mỗi người cần biết người khác có những gì để mình sử dụng, và những gì mình có thể tặng lại họ. Ta hãy giả định mười con người, mỗi người có mười loại nhu cầu. Mỗi người, vì sự cần dùng của mình, phải chuyên chú vào mười loại công việc; nhưng, vì tinh hoa và tài năng khác biệt nhau, nên người này sẽ ít thành công ở một việc nào đó trong những công việc ấy, người kia ít thành công ở một việc khác. Tất cả, vì thích hợp riêng với những điều khác nhau, sẽ làm những điều giống nhau, và sẽ đều được phục vụ kém. Ta hãy tạo một hội đoàn từ mười người ấy, và mỗi người chuyên chú, cho riêng mình và cho chín người kia, vào loại công việc thích hợp với mình hơn cả; mỗi người sẽ lợi dụng được tài năng của những người khác như thể riêng mình có tất cả những tài năng ấy; mỗi người sẽ hoàn thiện tài năng của mình do liên tục luyện tập; và kết quả sẽ là, cả mười người, được cung ứng hoàn hảo, lại còn dư thừa cho những người khác nữa. Đó là nguyên lý hiển nhiên của mọi thiết chế của chúng ta. Việc xem xét những hậu quả của điều đó không thuộc đề tài của tôi ở đây: Tôi đã làm việc đó trong một bài viết khác[146].

Trên nguyên tắc này, thì một người muốn tự coi mình như một sinh thể đơn độc, chẳng hề liên quan đến cái gì hết và tự mình đủ cho mình, chỉ có thể khốn khổ mà thôi. Thậm chí với người đó việc mưu sinh cũng bất khả thi; vì, thấy toàn thể mặt đất được phủ kín những gì là của anh và của tôi, còn anh ta chỉ có cái thân xác của anh ta, vậy anh ta lấy ở đâu ra thứ mình cần dùng? Khi ra khỏi trạng thái thiên nhiên, chúng ta buộc đồng loại của chúng ta cũng phải ra khỏi trạng thái ấy; không ai có thể cứ ở lại đó bất chấp ý muốn của người khác; và muốn ở lại đó trong tình trạng không thể sống được trong đó, thì chính là ra khỏi đó thực sự, vì định luật đầu tiên của thiên nhiên là sự lo toan tự bảo tồn.

Như vậy trong đầu óc đứa trẻ hình thành dần dần những ý niệm về các quan hệ xã hội, trước cả khi nó có thể thực sự là thành viên tích cực của xã hội. Émile thấy rằng, để có các phương tiện cho mình sử dụng, nó còn phải có cả các phương tiện cho người khác sử dụng, nhờ những phương tiện ấy nó có thể đổi được những thứ nó cần song lại thuộc quyền của người khác. Tôi dễ dàng dẫn nó đến chỗ cảm nhận được nhu cầu trao đổi như vậy, và tự chuẩn bị để lợi dụng được những sự trao đổi ấy.

Thưa ngài tôi cần phải sống, một tác giả châm biếm khốn khổ nói với vị Bộ trưởng đang quở trách ông ta về sự xấu xa của nghề đó.-Tôi không thấy điều này cần thiết, con người có địa vị lạnh lùng đáp lại[147]. Câu trả lời ấy, hay đối với một Bộ trưởng, sẽ là dã man và sai ở miệng bất kỳ người nào khác. Người nào cũng cần phải sống. Lập luận này, mà mỗi người coi là có nhiều hay ít sức mạnh tùy theo người đó có nhiều hay ít lòng nhân đạo, đối với người lập luận như vậy về bản thân mình, tôi thấy dường như không thể cãi lại. Bởi lẽ, trong tất cả những mối oán ghét mà thiên nhiên đem lại cho chúng ta, mối oán ghét mạnh nhất là ghét cái chết, do đó mọi điều đều được mối oán ghét ấy cho phép, với kẻ không có cách nào khác để sống. Những nguyên tắc mà con người có đạo đức dựa vào để tập coi khinh sự sống của mình và hy sinh sự sống ấy cho bổn phận hết sức xa vời với tính đơn giản nguyên sơ nọ. Hạnh phúc thay những dân tộc ở đó người ta có thể tốt mà không cần cố gắng và công minh chính trực mà không cần đức tính! Nếu có một quốc gia khốn khổ nào trên thế gian ở đó mỗi kẻ không thể sống được nếu không làm điều ác và ở đó các công dân đều gian manh vì bất đắc dĩ, thì cần treo cổ không phải kẻ bất lương, mà kẻ buộc hắn phải trở thành bất lương.

Ngay khi Émile vừa biết được thế nào là sự sống, thì mối lo toan đầu tiên của tôi sẽ là dạy cho nó biết bảo tồn sự sống ấy. Cho đến giờ tôi chưa hề phân biệt các địa vị, các đẳng cấp, các tài sản; và sau này tôi cũng không phân biệt nhiều hơn là mấy, vì con người vẫn là như thế ở mọi địa vị; vì người giàu chẳng có dạ dày to hơn người nghèo và chẳng tiêu hóa tốt hơn người nghèo; vì ông chủ chẳng có cánh tay dài hơn cũng như mạnh hơn cánh tay người nô lệ của mình; vì một người quyền quý chẳng cao quý hơn một người bình dân; và cuối cùng do các nhu cầu tự nhiên ở khắp nơi đều giống nhau, nên các phương sách để cung ứng cho những nhu cầu ấy ắt phải như nhau ở khắp nơi. Hãy làm cho sự giáo dục con người phù hợp với con người, chứ không phải với cái gì không hề là anh ta. Các vị không thấy rằng trong khi ra sức đào tạo con người chỉ chuyên cho một địa vị, là các vị khiến cho anh ta thành vô dụng với bất kỳ địa vị nào khác, và nếu như tùy vận rủi may, là các vị chỉ ra sức khiến cho anh ta thành bất hạnh? Còn gì lố bịch đáng cười hơn một nhà quyền quý trở nên đói rách, mà trong cảnh khốn khổ vẫn mang những thành kiến của dòng dõi mình? Còn gì hèn hạ hơn một người giàu có bị bần cùng, vì nhớ lại niềm khinh bỉ cần phải có đối với sự nghèo khổ, mà cảm thấy mình thành kẻ thấp kém nhất trong những con người? Một kẻ chỉ còn mỗi phương kế là nghề gian manh công khai, kẻ kia là nghề nô bộc đê tiện với câu nói hay ho này: Tôi cần phải sống.

Các vị tin cậy vào trật tự hiện hành của xã hội mà không nghĩ rằng trật tự ấy phải chịu những cuộc biến động không sao tránh khỏi, rằng các vị không thể nào thấy trước cũng như phòng ngừa trước cuộc biến động có thể liên quan đến con cái mình. Quý nhân trở thành tầm thường, người giàu thành người nghèo, quốc vương thành thần dân; các đòn của số phận hiếm hoi đến mức các vị có thể trông mong mình được miễn trừ hay sao? Chúng ta đang đến gần tình trạng khủng hoảng và đến gần thời đại của những cuộc biến động[148].

Ai dám bảo đảm với các vị rằng lúc đó các vị sẽ trở thành như thế nào? Tất cả những gì con người đã làm nên, con người có thể phá hủy đi: Chỉ có những cốt cách do thiên nhiên ghi khắc là những cốt cách không thể xóa bỏ, mà thiên nhiên không hề tạo ra vua chúa, người giàu, đại quý tộc. Vậy cái vị vương hầu mà các vị chỉ nuôi dạy cho sự quyền quý sẽ làm gì trong cảnh thấp hèn? Nhà tài chính chỉ biết sống với hoàng kim sẽ làm gì trong cảnh nghèo khổ? Cái gã ngu đần xa hoa không hề biết sử dụng bản thân, và chỉ đặt con người mình vào những gì xa lạ không phải của mình, khi mất sạch mọi thứ sẽ làm gì? Hạnh phúc thay người nào khi đó biết rời bỏ cái địa vị đang rời bỏ mình và vẫn là con người bất kể số phận! Người ta cứ việc tha hồ ca ngợi ông vua bị đánh bại muốn điên cuồng tự chôn vùi dưới những mảnh vụn ngai vàng của mình; còn tôi thì tôi coi thường ông ta; tôi thấy ông ta chỉ tồn tại nhờ vương miện của ông ta, và ông ta chẳng là gì hết nếu không là vua: Nhưng ông vua mất vương miền và không cần đến nó thì khi đó ở cao hơn vương miện. Từ địa vị nhà vua, mà một kẻ hèn nhát, một kẻ độc ác, một kẻ điên rồ đều có thể làm được như ai khác, ông ta bước lên địa vị con người, mà rất ít người biết làm trọn. Khi đó ông ta chiến thắng vận mệnh rủi may, ông ta khinh thường nó, ông ta chi nhờ vào riêng mình, và khi chỉ còn phải phô bày chính mình, thì ông ta không hề vô giá trị; ông cũng là cái gì kha khá. Phải, tôi thích nhà vua Syracuse[149] làm thầy giáo ở Connthe, và nhà vua Macédoine[150] làm lục sự ở Rome, gấp trăm lần so với một Tarquin[151] khốn khổ, chẳng biết thành ra thế nào nếu không trị vì, so với kẻ thừa người sở hữu vương quốc[152], làm bung xung cho ai dám miệt thị sự khốn cùng của mình, lang thang từ triều đình này sang triều đình khác, tìm kiếm sự giúp đỡ ở khắp nơi, vì chẳng biết làm gì khác ngoài một cái nghề không còn thuộc quyền mình nữa.

Con người và công dân, dù là gì đi nữa, đều không có tài sản khác để đưa vào xã hội ngoài bản thân mình; tất cả những tài sản khác của anh ta đều ở trong xã hội ngoài ý muốn của anh ta; và khi một người giàu có, thì hoặc anh ta không hưởng thụ sự giàu có của mình, hoặc công chúng cũng hưởng sự giàu có ấy. Trong trường hợp thứ nhất, anh ta cướp đi của người khác những gì mà anh ta không cho mình; còn trong trường hợp thứ hai, anh ta chẳng cho người khác cái gì hết. Như vậy món nợ xã hội vẫn còn nguyên đối với anh ta chừng nào anh ta chỉ trả bằng tài sản của mình mà thôi. Nhưng cha tôi, trong khi kiếm ra tài sản, đã phục vụ xã hội…Được, ông đã trả món nợ của ông, chứ không phải món nợ của anh. Anh mắc nợ những người khác nhiều hơn so với nếu anh sinh ra không tài sản, vì anh sinh ra đã được ưu đãi. Những gì một người đã làm cho xã hội lại miễn trừ được cho một người khác những gì người ngày nợ xã hội, là không chính đáng; vì mỗi người, phải nhờ hoàn toàn vào bản thân, chỉ có thể trả nợ cho mình mà thôi, và không một người cha nào có thể truyền lại cho con trai mình quyền được vô dụng với đồng loại; thế mà lại là điều ông làm, theo anh, khi truyền lại cho con ông của cải của ông, chúng là bằng chứng và là cái giá của lao động. Kẻ nào ăn trong cảnh nhàn rỗi những gì mà bản thân mình không kiếm ra là ăn trộm những thứ đó; và trong mắt tôi, một người hưởng niên kim lợi tức do nhà nước chi trả để không làm gì chẳng khác là mấy một tay cường đạo sống nhờ vào khách qua đường. Ở bên ngoài xã hội, con người cô lập, chẳng nhờ ai cái gì, có quyền sống như anh ta thích; nhưng trong xã hội, nơi mà tất nhiên anh ta phải sống nhờ vào những người khác, anh ta mắc nợ họ bằng lao động cái giá của sự nuôi dưỡng anh ta; điều này không có ngoại lệ. Vậy lao động là một nghĩa vụ cần thiết với con người xã hội. Giàu hay nghèo, quyền thế hay yếu đuối, bất kỳ công dân nào ăn không ngồi rồi đều là một kẻ gian manh.

Mà trong tất cả những công việc có thể cung ứng kế sinh nhai cho con người, thì công việc khiến anh ta gần với trạng thái thiên nhiên hơn cả là lao động chân tay: Trong tất cả các thân phận, thì thân phận ít phụ thuộc hơn cả vào may rủi và vào những con người là thân phận của người thợ thủ công.. Người thợ thủ công chỉ phụ thuộc vào lao động của mình; anh ta tự do, tự do yêu như người nông dân bị nô dịch; vì người nông dân liên quan đến đồng ruộng của anh ta, mà thu hoạch lại do người khác định đoạt. Kẻ địch, vị vương công, một láng giềng quyền thế, một vụ kiện, có thể lấy mất của anh ta cánh đồng ấy; qua cánh đồng ấy người ta có thể sách nhiễu anh ta theo hàng ngàn kiểu; nhưng ở bất cứ nơi nào mà người ta muốn sách nhiễu người thợ thủ công, thì anh ta lập tức thu dọn hành lý; anh ta mang theo những cánh tay của mình và ra đi. Tuy nhiên, nông nghiệp là nghề đầu tiên của con người: Đó là nghề lương thiện nhất, nghề hữu ích nhất, và do đó là nghề cao quý nhất mà con người có thể làm. Tôi không bảo Émile: Hãy học nghề nông; nó biết nghề nông. Mọi việc quê mùa đồng áng đều quen thuộc với nó; nó đã khởi đầu bằng những công việc ấy, nó không ngừng trở lại với chúng. Vậy tôi bảo nó: Hãy giữ gìn bồi đắp di sản của cha ông mình. Nhưng nếu em mất đi di sản ấy, hoặc nếu em không hề có di sản, thì làm gì đây? Hãy học lấy một nghề.

Một nghề cho con trai tôi! Con trai tôi là thợ thủ công.! Ông nghĩ thế sao, thưa ông? Thưa bà, tôi nghĩ đến điều ấy kỹ hơn bà là người muốn bắt cậu ấy chỉ có thể là một quý nhân, một hầu tước, một vương tước, và có thể một ngày nào đó chẳng là cái gì hết: Còn tôi thì tôi muốn cho cậu ấy một đẳng cấp mà cậu ấy không thể bị mất đi, một đẳng cấp làm vinh dự cho cậu ở mọi thời đại; tôi muốn nâng cậu lên địa vị con người; và, dù bà có thể nói gì về điều đó chăng nữa, thì cũng sẽ ít người sánh ngang được với cậu về danh hiệu ấy, so với tất cả những danh hiệu mà cậu sẽ thừa hưởng từ bà.

Đừng nên câu nệ nghĩa đen, phải xét theo ẩn ý. Vấn đề là học một nghề để đánh bại những thành kiến coi khinh nghề, hơn là để biết một nghề. Anh sẽ không bao giờ bị buộc phải lao động để sống. À! Mặc anh, mặc anh thôi! Nhưng chẳng hề gì; đừng lao động vì bất đắc dĩ, hãy lao động vì vinh quang. Hãy hạ mình xuống địa vị thợ thủ công, để ở cao hơn địa vị của mình. Để vận mệnh rủi may và sự vật phục tùng mình, hãy bắt đầu bằng việc làm cho mình không phụ thuộc vào sự vật và may rủi. Để thống trị bằng dư luận, hãy bắt đầu bằng thống trị dư luận.

Hãy nhớ rằng tôi không hề yêu cầu anh một tài nghệ: Đó là một nghề, một nghề thực sự, một kỹ năng thuần túy máy móc, ở đó bàn tay làm việc nhiều hơn trí óc, và nghề đó không dẫn đến giàu sang, nhưng với nó người ta có thể không cần đến giàu sang. Tại những gia đình ở rất cao bên trên nguy cơ thiếu miếng ăn, tôi đã thấy những ông bố đầy sự lo xa đến mức bên mối lo toan giáo dục con cái còn kết hợp cả mối lo toan cung cấp cho chúng những tri thức mà, gặp bất kỳ biến cố nào, chúng cũng có thể lợi dụng để sinh sống. Những ông bố lo xa ấy tưởng mình làm rất nhiều; song các ông chẳng lm gì hết, vì những phương kế mà các ông nghĩ rằng mình sửa soạn sẵn cho con lại phụ thuộc vào chính sự may rủi mà các ông muốn đặt con mình lên trên. Thành thử với tất cả những tài nghệ hay ho ấy, nếu người có những tài này không ở vào hoàn cảnh thuận lợi để sử dụng chúng, thì người ấy sẽ chết vì bần cùng như thế chẳng có một tài nào.

Hễ bàn đến chuyện thủ đoạn và mưu mô, thà dùng những trò ấy để duy trì sự phong lưu giàu có, còn hơn dùng chúng để giữa cảnh bần cùng kiếm lại được cái gì giúp trèo trở lên địa vị ban đầu. Nếu anh vun trồng những kỹ năng mà thành công là do tiếng tăm của nghệ sĩ, nếu anh khiến cho mình hợp với những chức vụ chỉ đạt được nhờ sự ưu ái, thì tất cả những cái đó sẽ giúp gì cho anh, khi mà, chán ghét xã hội một cách chính đáng, anh sẽ coi khinh những phương kế mà không có chúng người ta không thể thành công trong xã hội? Anh đã nghiên cứu chính trị và lợi ích của các vua chúa. Điều ấy được lắm, nhưng anh sẽ làm gì với những kiến thức ấy, nếu anh không biết cách đến được với các Bộ trưởng, với những phụ nữ chốn cung đình, với các chánh văn phòng; nếu anh không có được bí quyết làm vui lòng họ, nếu tất cả không thấy ở anh gã gian manh hợp với họ? Anh là kiến trúc sư hay họa sĩ: Được, nhưng phải làm mọi người biết tài năng của mình. Anh nghĩ cứ đường đột mang tác phẩm của anh đến bày ở Phòng Triển lãm ư? Sự thể chẳng như vậy đâu! Phải ở trong Viện Mỹ thuật; thậm chí tại đấy còn phải được che chở để có được một chỗ hèn mọn nào đó ở một góc tường. Anh hãy rời cái thước và cây bút vẽ; hãy lấy một cỗ xe thuê, và chạy từ cửa này sang cửa khác: Người ta đạt được sự nổi tiếng như thế đó. Mà anh phải biết rằng tất cả những cửa ấy đều có người gác hay người canh, họ chỉ nghe bằng cử chỉ và tai ác là ở bàn tay họ. Anh có muốn dạy những gì mình đã học, và trở thành giảng viên về địa lý, hay toán, hay ngoại ngữ, hay nhạc, hay họa? Ngay cả với việc ấy cũng phải tìm ra học trò, và do đó phải tìm ra những người tán dương. Hãy tin rằng phỉnh gạt cần hơn là có tài, và nếu về nghề nghiệp anh chỉ biết có nghề của mình thôi, thì mãi mãi anh sẽ chỉ là một kẻ dốt nát.

Vậy hãy xem tất cả những phương sách vẻ vang chói lọi ấy ít vững chắc biết mấy, và những phương sách khác cần thiết cho anh biết mấy để lợi dụng được những phương sách kia. Và rồi, anh sẽ thành ra như thế nào trong sự hạ mình hèn nhát ấy? Những rủi ro, chứng chỉ vẽ cho anh, mà làm anh hèn hạ đi; hơn bao giờ hết làm bung xung cho dư luận công chúng, anh làm thế nào nâng mình lên cao hơn các thành kiến, chúng định đoạt số phận anh? Anh làm thế nào khinh bỉ được sự thấp hèn và các thói hư tật xấu mà anh cần để sống còn? Trước kia anh chỉ phụ thuộc vào sự giàu có, còn giờ đây anh phụ thuộc vào những kẻ giàu có; anh chỉ khiến cho tình trạng nô lệ của anh tệ hại hơn và chất nặng thêm cho nó sự khốn cùng của anh. Thế là anh nghèo khó mà chúng tự do; đó là tình trạng tệ hại nhất mà một con người có thể rơi xuống.

Nhưng, để sinh sống, thay vì cầu viện những tri thức cao siêu được tạo ra để nuôi dưỡng tâm hồn chứ không phải thân thể, nếu như, khi cần, anh cầu viện đến hai bàn tay mình và cách sử dụng chúng mà anh biết, thì mọi khó khăn biến mất, mọi thủ đoạn thành vô ích; phương sách bao giờ cũng sẵn sang vào lúc dùng đến; đức chính trực, danh dự, không còn là trở ngại cho cuộc sống; anh không cần phải hèn nhát và dối trá trước những kẻ có thể lực, mềm dẻo và luồn cúi trước những kẻ gian manh, hèn hạ chiều lòng toàn thiên hạ, đi vay mượn hay trộm cắp, cũng gần giống nhau khi người ta chẳng có gì hết; ý kiến người khác chẳng hề động chạm đến anh; anh không phải nịnh hót ai, không có thằng ngu nào phải bợ đỡ, không có người canh cổng nào phải lấy lòng, không có ả giang hồ nào phải trả tiền và, tệ hơn nữa, phải tán dương. Dù những gã vô lại có điều khiển các công việc trọng yếu, cũng ít quan hệ đến anh; điều đó sẽ không ngăn cản anh, trong cuộc sống hàn vi của mình, là người lương thiện và có đủ ăn. Anh vào cửa hiệu đầu tiên của nghề mà anh đã học: Ông chủ, tôi cần việc làm. Anh thợ bạn, anh ngồi vào kia, làm việc đi. Chưa đến giờ ăn tối, anh đã kiếm được bữa tối của mình rồi; nếu anh siêng năng và chừng mực, thì chưa hết tám ngày, anh đã có đủ để sống tám ngày nữa: Anh sẽ sống tự do, lành mạnh, chân thực, cần mẫn, chính trực. Kéo dài thời gian như thế không phải là uổng phí thời gian.

Tôi nhất thiết muốn Émile học lấy một nghề. Các vị sẽ bảo, ít ra là một nghề lương thiện chứ? Cái từ này có nghĩa gì? Bất cứ nghề nào hữu ích cho công chúng chẳng lương thiện hay sao? Tôi không muốn nói làm thợ thêu, thợ thếp vàng, thợ quang dầu tráng men, như nhà quý tộc của Locke; tôi không muốn nó là nhạc sĩ, diễn viên, hay viết sách[153]. Trừ những nghề ấy và những nghề khác giống như thế, nó cứ theo nghề nào nó muốn, tôi không định ngăn trở gì nó hết. Tôi thích nó là thợ đóng giày hơn thi sĩ; tôi thích nó lát các con đường lớn hơn làm những bông hoa bằng sứ. Nhưng, các vị sẽ bảo, các cung thủ, gián điệp, đao phủ, là những kẻ hữu ích. Họ không hữu ích là chỉ tùy thuộc vào chính thể. Nhưng thôi; tôi đã sai lầm: Chọn một nghề hữu ích không đủ, còn cần nghề ấy không đòi hỏi ở những người làm nghề các phẩm chất tâm hồn khả ố và bất tương dung với nhân tính. Trở lại với từ ngữ đầu tiên, ta hãy kiếm lấy một nghề lương thiện; nhưng hãy luôn nhớ rằng không hề có sự lương thiện mà không có tính hữu ích.

Một tác giả nổi tiếng của thế kỷ này[154], mà các cuốn sách đầy những kế hoạch lớn lao và những kiến giải nhỏ hẹp, đã phát nguyện, như tất cả các tu sĩ thuộc giáo hội của ông, là không có vợ của riêng mình; nhưng, vì ông thận trọng hơn những người khác về chuyện ngoại tình, nên người ta bảo rằng ông quyết định có những đầy tớ gái xinh đẹp, cùng với họ ông ra sức bù đắp sự tổn hại ông đã gây ra cho giống loài bằng lời hứa liều lĩnh nọ. Ông coi như một nghĩa vụ công dân việc tặng cho đất nước những công dân khác, và với loại cống vật mà ông trả cho đất nước như vậy, ông làm cho tầng lớp thợ thủ công thêm đông đảo. Ngay khi những đứa trẻ này vừa đủ tuổi, là ông cho tất cả bọn chúng học một nghề hợp với sở thích của chúng, chỉ loại trừ những nghề tầm phào, phù phiếm hoặc theo thời thượng, thí dụ như nghề làm tóc giả, không bao giờ cần thiết, và có thể ngày trước ngày sau thành vô dụng, chừng nào thiên nhiên không cự tuyệt việc cho chúng ta có tóc.

Đó là tinh thần cần hướng dẫn chúng ta trong việc chọn nghề của Émile, hay nói cho đúng không phải chúng ta chọn, mà là Émile chọn; vì các phương châm nó thấm nhuần vẫn duy trì nơi nó niềm khinh thường tự nhiên đối với những điều vô ích, nên nó sẽ không bao giờ muốn tiêu phí thì giờ của mình vào những công việc không có giá trị gì hết, và về giá trị của sự vật thì nó chỉ biết có giá trị của tính hữu ích thực sự; nó cần một nghề có thể giúp cho Robinson trên hòn đảo của chàng.

Bằng cách xét duyệt trước một đứa trẻ các sản phẩm của tự nhiên và của nghệ thuật, bằng cách kích thích niềm hiếu kỳ ở nó, bằng cách theo nó đến nơi mà niềm hiếu kỳ đưa nó tới, ta có cái lợi là nghiên cứu được các sở thích của nó, các thị hiếu của nó, các thiên hướng của nó, và nhìn thấy ngời lên tia sang đầu tiên của tài năng nơi nó, nếu nó có một tài năng nào đó rất xác định. Nhưng một sai lầm thường thấy và các vị cần phòng ngừa, là gán tác động của thời cơ cho nhiệt tình của tài năng, và tưởng là một thiên hướng rõ rệt đối với nghệ thuật này nghệ thuật nọ, đầu óc bắt chước có ở cả người và khỉ, xui khiến một cách máy móc người cũng như khỉ muốn làm tất cả những gì nhìn thấy người khác làm, mà chẳng biết rõ lâm điều ấy có ích lợi gì. Xã hội đầy những thợ thủ công, và đặc biệt đầy những nghệ sĩ, chẳng hề có tài năng tự nhiên của nghệ thuật mà họ đang làm, song được người ta đẩy vào đó từ khi còn nhỏ tuổi hoặc do những điều thích đáng khác quyết định, hoặc do người ta bị lầm vì một sự hăng hái tích cực bề ngoài có lẽ cũng hướng họ như thế đến bất kỳ nghệ thuật nào khác, nếu họ sớm nhìn thấy nghệ thuật ấy được thực thi. Người này nghe đánh trống và ngỡ mình là tướng; người kia nhìn thấy xây dựng và muốn làm kiến trúc sư. Mỗi người đều bị cám dỗ bởi nghề mà mình nhìn thấy người ta làm, khi cho rằng nghề ấy được coi trọng.

Tôi từng biết một người hầu, thấy ông chủ vẽ tranh và đồ họa, bèn nghĩ rằng mình sẽ là họa sĩ và nhà đồ họa. Từ lúc có quyết định như thế, anh ta cầm lấy cây bút chì, mà anh ta chỉ rời ra để lại cầm lấy cây bút vẽ, mà suốt đời anh ta sẽ không rời ra nữa. Chẳng học hành và chẳng có quy tắc, anh ta bắt tay vào vẽ tất cả những gì rơi vào tay mình. Suốt ba năm trời anh ta dán người vào những trò bôi quệt của anh ta, không gì lôi được anh ra khỏi đó ngoại trừ công việc hầu hạ, và không bao giờ chán nản vì sự tiến bộ ít ỏi mà tố chất tầm thường kém cỏi để cho anh đạt được. Tôi đã thấy anh ta ròng rã sáu tháng của một mùa hè rất nóng bức, trong một gian sảnh nhỏ hướng nam, nơi mà người ta ngạt thở khi đi qua, suốt ngày ngồi, hay nói đúng hơn là đóng đinh vào chiếc ghế dựa, từ một quả cầu, vẽ quả cầu đó, vẽ lại nó, bắt đầu và bắt đầu lại không ngừng với một sự ngoan cố vô địch, cho đến khi anh ta miêu tả cái hình nối tròn tròn khá đạt để hài lòng về tác phẩm của mình. Cuối cùng, được ông chủ ủng hộ và được một nghệ sĩ hướng dẫn, anh ta đã đạt đến chỗ rời bỏ bộ chế phục gia nhân và sống bằng cây bút vẽ. Cho đến một hạn giới nhất định sự kiên trì bù được cho tài năng: Anh ta đã đạt đến hạn giới ấy và sẽ không bao giờ vượt qua nó. Sự bền bỉ và tinh thần ganh đua của chàng trai lương thiện ấy là đáng khen. Anh ta sẽ luôn khiến mình được quý trọng vì sự chuyên cần của mình, vì sự trung thành của mình, vì phẩm hạnh của mình nhưng mãi mãi anh sẽ chỉ vẽ những hình trang trí bên trên cửa ra vào mà thôi. Có ai mà không bị lầm vì sự hăng hái của anh và không tưởng anh là một tài năng thực sự có sự khác biệt lớn giữa thích thú một công việc và thích hợp với công việc ấy. Cần phải có những quan sát tinh vi hơn là người ta nghĩ để biết chắc được tài năng thực sự và sở thích thực sự của một đứa trẻ, nó thường phô bày những mong muốn của nó nhiều hơn là những thiên hướng của nó, và người ta bao giờ cũng xét đoán nó qua các mong muốn, vì không biết nghiên cứu các thiên hướng. Tôi những mong một người giỏi phán đoán cho chúng ta một khảo luận về nghệ thuật quan sát trẻ em. Hiểu biết nghệ thuật này là điều rất quan trọng: Các ông bố và các ông thầy còn chưa có được những nguyên lý của nghệ thuật ấy.

Nhưng có lẽ ở đây chúng ta quá quan trọng hóa việc chọn một nghề. Bởi đó chỉ là một công việc chân tay, nên với Émile sự chọn lựa ấy chẳng là gì hết; và việc học nghề của nó đã xong được quá nửa rồi, nhờ những sự luyện tập mà chúng ta đã đó nó thực hiện cho đến bây giờ. Các vị muốn nó làm gì nào? Nó sẵn sàng cho mọi điều: Nó đã biết dùng mai, cuốc; nó biết sử dụng máy tiện, búa, bào, dũa; dụng cụ của mọi nghề đã quen thuộc với nó. Vấn đề chỉ còn là đạt tới chỗ sử dụng được khá nhanh nhạy, khá dễ dàng một dụng cụ nào đó trong số dụng cụ trên, để mẫn tiệp ngang với những người thợ giỏi; và về điểm này nó có một lợi thế lớn, đó là có thân hình lanh lẹ, tay chân mềm mại uyển chuyển, để giữ mọi loại tư thái mà không khó nhọc và kéo dài mọi loại động tác mà không phải gắng sức. Hơn nữa, nó có các khí quan chính xác và được tập luyện tốt; nó đã biết hết cơ giới học của các nghề. Để làm việc được như thợ cả, nó chỉ thiếu có tập quán, và tập quán chỉ có được cùng với thời gian. Nghề nào, mà ta còn phải chọn lựa, sẽ cho đủ thời gian để thành mẫn tiệp trong nghề? Vấn đề chỉ còn là điều ấy mà thôi.

Hãy cho người trưởng thành một nghề hợp với giới tính của người ấy, và cho chàng thanh niên một nghề hợp với tuổi của cậu ta: Bất cứ nghề gì chỉ luẩn quẩn mãi một chỗ không ra ngoài, khiến thân thể ẻo lả và nhu nhược đi, đều không được cậu ưa và không thích hợp với cậu. Không bao giờ một chàng trai trẻ lại tự mình ao ước làm thợ may; phải có kỹ xảo để mang trong cái nghề của phụ nữ giới tính mà nghề ấy chẳng phải được tạo ra cho nó[155]. Cây kim và thanh kiếm không thể được cùng những bàn tay sử dụng. Nếu tôi là quốc vương, tôi sẽ chỉ cho phép phụ nữ và những người què quặt buộc phải làm công việc như phụ nữ được may vá và làm những nghề kim chỉ. Giả định như các hoạn quan là cần thiết, tôi thấy những người Đông phương thật điên rồ khi cố tình tạo ra hoạn quan. Sao họ không thỏa mãn với những hoạn quan mà thiên nhiên đã tạo nên, với những đám người hèn nhát mà thiên nhiên đã hoạn đi trái tim? Họ sẽ có dư thừa cho nhu cầu. Bất kỳ người đàn ông nào nhu nhược, yếu ớt, sợ sệt, đều do thiên nhiên bắt buộc phải sống cuộc đời ru rú trong nhà; người đó được tạo ra để sống với phụ nữ hoặc sống theo kiểu của phụ nữ. Anh ta cứ làm một nghề nào đó hợp với phụ nữ, được thôi; nhưng nếu nhất thiết phải có những hoạn quan thực sự, thì xin hãy đưa vào thân phận đó những người đàn ông khiến giới mình bị ô nhục khi họ làm những việc không phù hợp với giới này. Sự lựa chọn của họ cho thấy sai lầm của thiên nhiên: Các vị hãy sửa chữa sai lầm ấy theo cách này hay cách khác, các vị sẽ chỉ làm điều tốt mà thôi.

Tôi cấm học trò mình làm những nghề không lành mạnh, nhưng không cấm những nghề nặng nhọc, thậm chí cả những nghề nguy hiểm. Những nghề này luyện tập cùng một lúc cả sức lực cả lòng can đảm; chúng chỉ thích hợp riêng với đàn ông; phụ nữ không hề có kỳ vọng đối với chúng: Sao mà những người kia lại không hổ thẹn khi lấn sang những nghề do phụ nữ làm chứ?

Luctantur paucae, comedant coliphia paucae

Vos la nam trahitis, calathisque perata refertis

Vellera…[156]

Ở nước Ý người ta không hề thấy phụ nữ trong các cửa hiệu; và không thể tưởng tượng được điều gì buồn bã hơn cái nhìn thoáng qua các phố phường của xứ sở ấy với những ai đã quen với phố xá ở Pháp và ở Anh. Nhìn những thương gia thời trang bán cho các bà những dải băng, những búp tơ, mạng lưới, tua ren, tôi thấy những đồ trang sức tinh tế ấy thật lố bịch trong những bàn tay to lớn, được tạo ra để kéo bễ lò rèn và để nện xuống đe. Tôi tự nhủ: Ở đất nước này, để trả thù, lẽ ra phụ nữ phải lập nên những hiệu đánh bóng gươm dao và cửa hàng vũ khí. Này! Mỗi người hãy làm và bán những vũ khí của giới mình. Để hiểu biết những vũ khí ấy, cần phải sử dụng chúng.

Hỡi chàng trai, hãy in dấu vào các công trình của anh bàn tay người đàn ông. Hãy học sử dụng rìu và cưa bằng một cánh tay cường tráng, hãy học đẽo một thanh xà, trèo lên một mái nhà, đặt nóc, làm vững nóc bằng những thanh chống và những xà ngắn; rồi hãy lớn tiếng gọi cô em gái đến giúp cho công việc của anh, giống như cô bảo anh thêu những mũi chữ thập của cô.

Tôi đang nói quá nhiều về chuyện này với những người cùng thời dễ thương của mình, tôi cảm thấy như vậy; nhưng đôi khi tôi để mình bị cuốn theo mãnh lực của các ảnh hưởng. Nếu bất kỳ ai đó mà thấy hổ thẹn khi làm việc trước công chúng với con dao lạng gỗ trong tay và trên người khoác chiếc tạp dề da, thì tôi chỉ còn thấy ở anh ta một tên nô lệ của dư luận, sẵn sàng đỏ mặt khi làm việc tốt, ngay khi mà thiên hạ cười nhạo những người lương thiện. Tuy nhiên ta hãy nhượng bộ thành kiến của những ông bố về tất cả những gì không thể làm hại đến óc phán đoán của trẻ. Không cần thiết phải làm một nghề hữu ích để tôn vinh tất cả các nghề ấy; chỉ đừng coi một nghề nào ở dưới mình là đủ. Khi ta được chọn và chẳng bị quy định bởi điều gì hết, thì sao ta lại không tham khảo sự thú vị, khuynh hướng, tính thích đáng giữa những nghề nghiệp cùng thứ hạng? Các nghề về kim khí rất hữu ích, và thậm chí hữu ích nhất trong các nghề; tuy nhiên, trừ phi một lý do đặc biệt hướng tôi đến việc đó, tôi sẽ không làm cho con trai các vị thành một thợ đóng móng ngựa, một thợ khóa, một thợ rèn; tôi không thích nhìn thấy cậu ta mang hình dạng thần khổng lồ độc nhỡn trong lò rèn của cậu. Tôi cũng không làm cho cậu thành thợ nề, càng không thành thợ đóng giày. Tất cả các nghề đều cần được làm; nhưng ai có thể lựa chọn thì nên lưu tâm đến sự sạch sẽ, vì ở đây không hề có chuyện dư luận; về điểm này các giác quan khiến chúng ta quyết định. Cuối cùng tôi không ưa những nghề ngu ngốc mà thợ thuyền, chẳng có kỹ xảo và gần như người máy, bao giờ cũng chỉ sử dụng bàn tay vào cùng một việc; những người thợ dệt, thợ làm bít tất, thợ cưa đá: Sử dụng những người có lương tri vào các nghề ấy để làm gì? Đó là một cỗ máy điều khiển một cỗ máy khác.

Nghĩ cho kỹ, cái nghề mà tôi cho là hợp với sở thích của học trò mình hơn cả, là nghề thợ mộc. Nghề ấy sạch sẽ, hữu ích, có thể thực hiện trong nhà; nghề ấy giữ đủ cho thân thể luôn hoạt động; nó đòi hỏi ở người thợ tài khéo léo và sự tinh xảo, và trong hình dạng các công trình do tính hữu ích quy định, vẻ thanh nhã và khiếu thẩm mỹ không bị loại trừ.

Nếu do ngẫu nhiên mà tài năng của học trò các vị hướng hẳn về các khoa học tư biện, thì khi đó tôi sẽ không chê trách việc người ta dạy nó một nghề hợp với thiên hướng của nó; chẳng hạn nó học làm các dụng cụ về toán học, các ống kính, các vịễn vọng kính v.v…

Khi Émile sẽ học nghề của nó, tôi muốn cùng học với nó; vì tôi tin chắc rằng bao giờ nó cũng sẽ chỉ học chu đáo những gì chúng tôi cùng nhau học mà thôi. Vậy cả hai chúng tôi sẽ đều bắt tay vào học nghề, và chúng tôi sẽ không hề kỳ vọng được đối xử như những quý ông, mà như những thợ học nghề thực thụ chứ không phải học nghề để đùa vui; tại sao chúng tôi lại không là thợ học nghề thực sự chứ? Sa hoàng Pierre từng là thợ mộc ở xưởng và là lính đánh trống trong chính quân đội của ông; các vị nghĩ rằng ông vua ấy không bằng các vị về dòng dõi hoặc về tài cán chăng? Các vị hiểu rằng tôi nói điều này không phải với Émile; chính là với các vị, dù các vị có thể là ai chăng nữa.

Tiếc thay chúng tôi không thể dùng hết thì giờ của chúng tôi ở bàn thợ. Chúng tôi không phải là những kẻ học nghề làm thợ, chúng tôi là những kẻ học nghề làm người; và việc học tập cái nghề sau vất vả hơn và dài lâu hơn nghề trước. Vậy chúng tôi sẽ làm như thế nào? Chúng tôi sẽ học mỗi ngày một giờ với ông thầy dạy bào, như người ta học với một ông thầy khiêu vũ chăng? Không đâu. Chúng tôi sẽ không phải là những người học nghề, mà là những đồ đệ; và tham vọng của chúng tôi để học lấy nghề mộc không bằng để nâng mình lên địa vị của người thợ mộc. Vậy tôi cho rằng tuần nào chúng tôi cũng đến ở cả ngày tại nhà ông thầy ít nhất là một hoặc hai lần, chúng tôi thức dậy cùng giờ với ông, chúng tôi bắt tay vào việc trước ông, chúng tôi ăn cùng bàn với ông, chúng tôi làm việc dưới sự chỉ huy của ông, và sau khi có vinh dự ăn tối cùng gia đình ông, chúng tôi trở về, nếu chúng tôi muốn, ngủ trên những chiếc giường cứng của mình. Nhờ cách ấy mà người ta học được nhiều nghề cùng một lúc, và nhờ cách ấy người ta luyện tập lao động chân tay mà không sao lãng việc học tập làm người.

Chúng ta hãy giản dị trong khi làm đúng. Ta đừng làm cho thói khoe khoang tái sinh do những sự lo toan của ta để chống thói khoe khoang. Tự kiêu tự mãn vì đã chiến thắng thành kiến, đó chính là phục tùng thành kiến. Người ta kể rằng, do một tập quán xưa của hoàng thất Thổ Nhĩ Kỳ, Hoàng đế buộc phải tự tay làm việc; và ai cũng biết rằng các tác phẩm của một bàn tay vương giả chỉ có thể là những kiệt tác. Vậy ngài phân phát một cách hào hoa các kiệt tác này cho những bậc quyền quý của triều đình; và tác phẩm được trả tiền theo phẩm cách của người thợ. Cái hại mà tôi thấy trong việc này không phải ở điều bảo là gây phiền nhiễu ấy; vì, ngược lại, nó là một điều hay. Bằng cách bắt ép những người quyền quý phải chia cho ông ta những thứ tước đoạt của dân chúng, nhà vua đỡ buộc phải trực tiếp cướp bóc dân chúng. Đó là một cách cần thiết giảm bớt sự chuyên chế, và không có sự giảm bớt này thì chính thể gớm guốc ấy không thể tồn tại.

Cái hại thực sự của một tập quán như thế là ý tưởng mà tập quán ấy đem lại cho con người tội nghiệp kia về tài cán của ông ta. Giống như vua Midas, ông ta thấy tất cả những gì mình đụng vào đều biến thành vàng, nhưng ông ta không nhận thấy điều đó làm mọc ra những cái tai như thế nào. Để giữ cho Émile của chúng ta những chiếc tai ngân, ta hãy phòng ngừa để các bàn tay nó khỏi bị cái tài quý hóa ấy; sao cho giá trị của những gì nó làm không phải là do người tàn, mà do công trình. Bao giờ chúng ta cũng chỉ chịu cho người ta đánh giá công trình của nó bằng cách so sánh với công trình của những thợ cả giỏi.

Sao cho việc nó làm được chuộng vì chính việc làm, chứ không phải vì nó làm. Hãy nói về cái gì được làm tốt: Cái này được làm tốt đấy; nhưng chớ nói thêm: Ai đã làm cái này thế? Nếu chính nó nói một cách tự hào và tự thỏa mãn: Em đã làm cái này đấy, xin hãy lạnh lùng nói thêm: Em hay một ai khác, có can hệ gì; đó vẫn là một công trình được làm tốt.

Hỡi bà mẹ hiền, xin hãy đặc biệt phòng ngừa những lời dối trá mà người ta chuẩn bị đối với bà. Nếu con trai bà biết rất nhiều điều, xin hãy nghi ngờ tất cả những điều nó biết; nếu nó có cái rủi là được nuôi dạy tại Paris và là người giàu có, thì nó nguy rồi. Chừng nào ở đó còn những nghệ sĩ tài giỏi, thì nó sẽ có mọi tài của họ; nhưng xa họ, là nó sẽ không có những tài đó nữa. Tại Paris,

người giàu biết tất cả; chỉ có người nghèo là dốt nát. Kinh đô này đầy rẫy những nam nghệ sĩ tài tử, và đặc biết đây những nữ nghệ sĩ tài tử, họ tạo ra tác phẩm của họ như ông Guillaume sáng chế các màu của ông. Về điều này tôi biết ba ngoại lệ vẻ vang trong nam giới, có thể có nhiều hơn nữa; nhưng tôi không biết một ngoại lệ nào trong nữ giới, và tôi ngờ là không có. Thường thường, người ta đạt được một danh nghĩa trong nghệ thuật cũng như trong giới pháp quan; người ta thành nghệ sĩ và xét đoán các nghệ sĩ cũng như người ta thành tiến sĩ luật và quan tòa[157].

Vậy nếu xưa kia đã xác định rằng biết một nghề là tốt, thì con cái các vị sẽ biết ngay nghề mà chẳng phải học; chúng sẽ lên chức thợ cả, như các cố vấn ở Zurich. Không hề có thứ nghi lễ đó với Émile; không hề là bề ngoài, mà bao giờ cũng là sự thật. Mọi người chớ có nói là nó biết, mà nó hãy lặng lẽ học tập. Nó hãy luôn làm ra kiệt tác của nó, và không bao giờ lên chức thợ cả hết; nó chớ tỏ ra mình là thợ qua danh hiệu của mình, mà qua việc làm của mình.

Nếu cho đến giờ tôi đã làm mọi người hiểu tôi, thì mà người ắt quan niệm được bằng cách nào mà với thói quen rèn luyện thân thể và thói quen lao động chân tay, tôi dần dần đem lại cho học trò mình sở thích nghĩ ngợi và suy tư, để bù lại sự biếng nhác ở nó do thờ ơ với những phán đoán của mọi người và do trạng thái bình thản của các đam mê. Cần phải cho nó làm việc như nông dân và tư duy như trí giả, để đừng lười biếng như một người hoang dã. Bí quyết quan trọng của việc giáo dục là làm sao cho những sự luyện tập thân thể và luyện tập trí óc luôn luôn việc nọ dùng để giải lao cho việc kia.

Nhưng ta hãy tránh nói trước về những sự giáo huấn đòi hỏi một đầu óc chín chắn hơn. Émile sẽ không làm thợ lâu, mà không tự mình cảm nhận tính bất bình đẳng của các thân phận, điều mà thoạt tiên nó chỉ thoáng nhận thấy mà thôi. Dựa trên những phương châm mà tôi dạy nó và vừa với tầm hiểu biết của nó, nó muốn đến lượt nó quan sát tôi. Trong khi nhận tất cả mọi điều từ một mình tôi, trong khi tự thấy rất gần với địa vị của những người nghèo, nó sẽ muốn biết tại sao tôi lại xa với địa vị ấy đến thế. Nó có thể sẽ đặt ra cho tôi, bất thình lình, những câu hỏi gay go: “Thầy giàu có, thầy đã bảo em thế, và em thấy thế. Một người giàu cũng phải làm việc cho xã hội, bởi lẽ ông ta là người. Nhưng thầy, thì thầy làm gì cho xã hội vậy?” Một thầy giáo sẽ trả lời điều này thế nào đây? Tôi không biết. Có thể ông ta khá ngu dại để nói với đứa trẻ về những sự chăm lo của ông đối với nó. Về phần tôi, xưởng mộc giúp tôi thoát được: “Émile thân mến, đó là một câu hỏi hay; thầy hứa sẽ trả lời em về phần thầy, khi nào em có được cho em câu trả lời về phần em mà em thấy hài lòng. Trong khi chờ đợi, thầy sẽ chú ý trả cho em và những người nghèo thứ mà thầy có thừa, và sẽ làm mỗi tuần một cái bàn hay một cái ghế dài, để không hoàn toàn vô dụng chẳng được việc gì.”

Thế là chúng tôi trở lại với chính mình. Thế là đứa trẻ của chúng ta sẵn sàng thôi là đứa trẻ rút trở về trong bản thân nó. Thế là nó cảm thấy hơn bao giờ hết tính tất yếu gắn bó nó với sự vật. Sau khi đã khởi đầu bằng việc rèn luyện thân thể và các giác quan của nó, chúng ta đã rèn luyện trí óc và sự phán đoán của nó. Cuối cùng chúng ta đã kết hợp việc sử dụng tứ chi của nó với việc sử dụng các năng lực của nó; chúng ta đã tạo nên một thực thể hành động và tư duy; để hoàn tất con người, chúng ta chỉ còn phải tạo nên một thực thể giàu yêu thương và nhạy cảm, tức là hoàn thiện lý trí bằng tình cảm. Nhưng trước khi đi vào trật tự mới này của sự vật, ta hãy nhìn qua trật tự mà ta vừa ra khỏi và hãy xem, một cách chính xác hết mức có thể, ta đã đạt đến chỗ nào.

Thoạt tiên học trò của chúng ta chỉ có các cảm giác, giờ đây nó có những ý tưởng: Trước khi nó chỉ cảm thấy, giờ đây nó phán đoán. Bởi vì, do sự so sánh nhiều cảm giác liên tiếp hoặc đồng thời, và do sự phán đoán của ta về các cảm giác ấy, nảy sinh một thứ cảm giác hỗn hợp hoặc phức hợp, mà tôi gọi là ý tưởng.

Cách thức cấu tạo các ý tưởng là điều tạo nên một đặc tính cho trí óc của con người. Trí óc nào chỉ cấu tạo những ý tưởng của nó theo các mối tương quan thực sự là một trí óc vững vàng; trí óc nào thỏa mãn với những tương quan bề ngoài là một trí óc phiến diện; trí óc nào nhìn các tương quan đúng như chúng tồn tại là một trí óc chính xác; trí óc nào thẩm định chúng không đúng là một trí óc sai lầm; kẻ nào bịa đặt ra những tương quan tưởng tượng không có sự thực cũng không có bề ngoài là một gã điên rồ; kẻ nào không hề so sánh là một gã ngu đần. Khả năng nhiều hay ít để so sánh các ý tưởng và để tìm ra các mối tương quan là điều tạo nên ở con người nhiều hay ít trí tuệ, v.v…

Những ý tưởng đơn giản chỉ là những cảm giác so sánh. Trong những cảm giác đơn giản cũng như trong những cảm giác phức hợp có những phán đoán, mà tôi gọi là ý tưởng đơn giản. Trong cảm giác, sự phán đoán chỉ đơn thuần thụ động, nó khẳng định người ta có cảm thấy những gì người ta cảm thấy. Trong tri giác hay ý tưởng, phán đoán có tính chủ động; nó đối chiếu, so sánh, nó xác định các mối tương quan mà giác quan không xác định. Đó là toàn bộ sự, khác biệt; nhưng sự khác biệt này lớn lao. Không bao giờ thiên nhiên lừa dối chúng ta; bao giờ cũng là chúng ta tự lừa mình.

Tôi thấy người ta đến cho một đứa trẻ phô mai ướp lạnh; nó đưa cùi dìa lên miệng mà không biết đó là cái gì, và, sững sờ vì lạnh, kêu to: A! Cái này làm bỏng em! Nó có một cảm giác rất gay gắt; nó không hề biết cảm giác nào gay gắt hơn là cái nóng của lửa, và nó tưởng cảm thấy cái nóng ấy. Tuy nhiên nó tự lừa mình; sự sững sờ của cái lạnh làm nó khó chịu, nhưng không làm bỏng nó; và hai cảm giác ấy không giống nhau, vì những ai từng cảm thấy cả điều này lẫn điều kia không hề lẫn lộn chúng. Vậy không phải cảm giác đánh lừa nó, mà là phán đoán của nó về cảm giác.

Sự thể cũng như vậy với người lần đầu tiên nhìn thấy một tấm gương hoặc một dụng cụ quang học, hay người đi vào một hang sâu giữa mùa đông hay giữa mùa hè, hay người nhúng vào nước ấm một bàn tay rất nóng hoặc rất lạnh, hay người xoay xoay giữa hai ngón tay bất chéo một khối tròn nhỏ, v.v…Nếu người đó chỉ dừng ở chỗ nói lên điều mình nhận thấy, điều mình cảm thấy, thì do sự phán đoán của anh ta đơn thuần thụ động nên anh ta không thể lầm lẫn; nhưng khi anh ta phán đoán về sự vật qua bề ngoài, thì anh ta chủ động, anh ta so sánh, anh ta xác lập bằng sự quy nạp những mối tương quan mà anh ta không nhận thấy; khi đó anh ta lầm lẫn hoặc có thể lầm lẫn. Để chấn chỉnh hoặc để phòng ngừa sai lầm, anh ta cần kinh nghiệm.

Hãy chỉ cho học trò các vị vào ban đêm những đám mây trôi qua giữa Mặt trăng và nó, nó sẽ tưởng rằng Mặt trăng đang trôi theo hướng ngược lại và mây đang dừng. Nó sẽ tin như thế qua một sự quy nạp hấp tấp, bởi nó thường nhìn thấy những vật thể nhỏ chuyển động hơn là những vật thể lớn, và bởi nó thấy những đám mây có vẻ lớn hơn Mặt trăng mà nó không thể ước lượng được sự xa cách. Khi mà, ở trong một con thuyền đang đi trên mặt nước, nó nhìn bờ sông từ hơi xa, thì nó rơi vào sai lầm ngược lại, và tưởng nhìn thấy mặt đất chạy, bởi lẽ, không hề cảm thấy mình chuyển động, nó nhìn chiếc thuyền, mặt biển hay con sông, và toàn bộ chân trời của nó, như một tổng thể bất động, mà bờ sông nó nhìn thấy đang chạy dường như chỉ là một bộ phận.

Lần đầu tiên đứa trẻ nhìn thấy một cây gậy bị dìm một nửa dưới nước, thì nó thấy đó là một cây gậy gãy: Cảm giác này thực; và cảm giác đó chẳng khỏi sẽ như vậy mãi, dù chúng ta không sao biết được lý do của vẻ bề ngoài ấy. Vậy nếu các vị hỏi nó về điều nó thấy, nó bảo: Một cây gậy gãy, và nó nói thật, vì nó rất chắc chắn rằng nó cảm thấy một cây gậy gãy. Nhưng khi, bị nhầm lẫn vì phán đoán của mình, nó đi xa hơn, và sau khi đã khẳng định rằng mình nhìn thấy một cây gậy gãy, nó lại còn khẳng định nữa rằng cái nó nhìn thấy quả thực là một cây gậy gãy, thì lúc đó nó nói sai. Tại sao lại thế bởi lẽ lúc đó nó trở nên chủ động; và nó không còn phán đoán theo quan sát nữa, mà theo quy nạp, khi khẳng định điều mà nó không cảm thấy, vì biết rằng phán đoán mình nhận được do một giác quan sẽ được một giác quan khác xác nhận.

Bởi lẽ tất cả các sai lầm của chúng ta bắt nguồn từ các phán đoán của chúng ta, thì rõ ràng là nếu chúng ta không bao giờ cần phán đoán, chúng ta sẽ chẳng cần học hỏi gì hết; chúng ta sẽ không bao giờ ở vào trường hợp bị nhầm lẫn; chúng ta sẽ sung sướng với sự dốt nát của mình hơn là có thể sung sướng vì sự hiểu biết của mình. Có ai chối cãi rằng các nhà bác học biết ngàn điều đúng mà những người dốt nát sẽ không bao giờ biết được? Các nhà bác học có vì thế mà gần chân lý hơn không? Ngược hẳn lại, họ xa chân lý trong khi tiến lên; bởi lẽ, những hư ảo của phán đoán còn tiến nhanh hơn các chân lý, nên mỗi chân lý họ biết được chỉ đến cùng với một trăm phán đoán sai. Điều hết sức hiển nhiên là các hội đoàn uyên bác của châu Âu chỉ là những môn phái ngụy ngôn công khai; và điều rất chắc chắn là có nhiều sai lầm ở Viện Khoa học hơn là ở cả một tộc người Huron[158].

Bởi lẽ càng biết nhiều, con người càng lầm lẫn nhiều, nên phương sách duy nhất để tránh sai lầm là sự dốt nát. Đừng phán đoán, các vị sẽ không bao giờ sai. Đó là bài học của thiên nhiên cũng như của lý tính. Ngoài những quan hệ trực tiếp rất ít và rất rõ rệt của sự vật đối với chúng ta, dĩ nhiên chúng ta chỉ có một niềm dửng dưng sâu xa với mọi thứ còn lại mà thôi. Một người hoang dã sẽ chẳng động bàn chân để đi xem cỗ máy tốt nhất vận động và mọi kỳ tích của điện lực. Can hệ gì đến tôi? là câu nói quen thuộc nhất cho người dốt nát và thích hợp nhất cho hiền nhân.

Nhưng tiếc thay câu nói ấy không hợp với chúng ta nữa. Mọi sự đều can hệ đến ta, kể từ khi ta phụ thuộc mọi sự, và niềm hiếu kỳ của ta tất yếu mở rộng cùng với các nhu cầu của ta. Đó là lý do tại sao tôi đặt vào bậc trí giả một niềm hiếu kỳ rất lớn, và không hề đặt lòng hiếu kỳ ở người hoang dã. Người hoang dã không cần ai hết; bậc trí giả cần tất cả mọi người, và nhất là con người hâm mộ.

Người ta sẽ bảo là tôi ra khỏi thiên nhiên; tôi không nghĩ như vậy. Thiên nhiên chọn lựa các phương tiện của nó, và điều chỉnh chúng, không theo dư luận, mà theo nhu cầu. Mà các nhu cầu thay đổi tùy theo cảnh huống của những con người. Có sự khác biệt rất lớn giữa con người tự nhiên sống trong trạng thái tự nhiên, và con người tự nhiên sống trong trạng thái xã hội. Émile không phải một người hoang dã để đưa vào sống ở sa mạc, đó là một người hoang dã được tạo ra để sống tại các thành phố. Nó cần phải biết tìm ra ở thành phố thứ nó cần dùng, biết lợi dụng được các cư dân thành phố, và sống, nếu không giống như họ, thì ít ra là cùng với họ.

Bởi lẽ, giữa bao nhiêu mối quan hệ mới mẻ mà nó sắp phụ thuộc, nó sẽ cần phải phán đoán dù nó không muốn, vậy ta hãy dạy nó phán đoán cho đúng.

Cách tốt nhất để học phán đoán đúng là cách thiên nhiều nhất về việc đơn giản hóa các thí nghiệm của chúng ta, và thậm chí có thể bỏ qua các thí nghiệm đó mà không rơi vào lầm lẫn. Do đó mà, sau khi đã kiểm tra trong một thời gian dài những mối quan hệ của các giác quan, bằng cách dùng giác quan nọ để kiểm tra giác quan kia, ta còn cần phải tập kiểm tra các quan hệ của mỗi giác quan bằng chính giác quan ấy, không cần nhờ đến một giác quan khác; lúc đó mỗi cảm giác sẽ trở thành một ý tưởng đối với ta, và ý tưởng này sẽ luôn phù hợp với chân lý. Đó là loại tri thức mà tôi đã cố gắng làm đầy lứa tuổi thứ ba này của đời người.

Cách hành động này đòi hỏi một sự kiên nhẫn và một sự thận trọng mà ít ông thầy có nổi, và nếu không có nó thì người học trò sẽ không bao giờ học được phán đoán. Nếu, thí dụ, khi cậu học trò ấy lầm lẫn về bề ngoài của cây gậy gãy, để chỉ ra cho nó sai lầm của nó, các vị vội vã rút cây gậy ra khỏi nước, thì có lẽ các vị sẽ làm nó khỏi lầm lẫn; nhưng các vị sẽ dạy cho nó được điều gì? Chỉ là điều mà chẳng bao lâu tự nó có lẽ sẽ biết ra được. Ồ! Đó không phải là việc nên làm! Vấn đề là chỉ ra cho nó cần làm như thế nào để luôn khám phá ra sự thật hơn là bảo cho nó biết một sự thật. Để dạy dỗ nó tốt hơn, không nên làm nó hết lầm lẫn quá sớm. Ta hãy lấy Émile và tôi làm thí dụ.

Trước hết, đối với câu thứ nhì của hai câu hỏi giả định, bất kỳ đứa trẻ nào được nuôi dạy theo lối thông thường sẽ không khỏi trả lời khẳng định. Nó sẽ bảo: Chắc chắn đó là một cây gậy gãy. Tôi chắc Émile không trả lời tôi như thế. Vì không hề thấy cần phải thông thái hoặc tỏ ra thông thái, nó không bao giờ vội phán đoán; nó chỉ phán đoán khi có sự hiển nhiên; và trong trường hợp này, còn rất xa nó mới tìm ra sự hiển nhiên ấy, nó là người biết rằng những phán đoán của chúng ta theo bề ngoài bị ảo giác chi phối biết chừng nào, dù chỉ trong viễn cảnh.

Vả lại, vì theo kinh nghiệm nó biết rằng những câu hỏi tầm phào nhất của tôi bao giờ cũng có một mục tiêu mà thoạt tiên nó không nhận ra, nên nó không hề có thói quen trả lời các câu hỏi ấy một cách khinh xuất; trái lại, nó nghi ngờ, nó chú ý, nó khảo sát rất cẩn thận các câu hỏi ấy trước khi trả lời. Không bao giờ nó trả lời tôi bằng những câu mà tự nó không hài lòng; và làm nó hài lòng cũng khó. Cuối cùng cả nó cả tôi đều không có kỳ vọng biết được chân lý của sự vật, mà chỉ kỳ vọng đừng mắc sai lầm mà thôi. Chúng tôi sẽ hổ thẹn hơn nhiều nếu đưa ra cho mình một lý lẽ không đúng so với không tìm ra một lý lẽ nào hết. Tôi không biết là một lời rất hợp với cả hai chúng tôi, và thường được chúng tôi lặp lại rất nhiều, thành thử cả người này lẫn người kia đều chẳng thấy cực nhọc gì hết. Nhưng, dù nó không mắc điều khinh xuất ấy, hoặc nó tránh điều đó bằng cái câu tiện lợi của hai thầy trò Tôi không biết, câu đáp lại của tôi vẫn thế. Nào, ta hãy xem xét.

Cây gậy mà một nửa dìm trong nước, được giữ chặt theo thế thẳng góc. Để biết nó có gãy hay không, như nó có vẻ thế, biết bao nhiêu điều ta cần phải làm trước khi rút nó ra khỏi nước hoặc trước khi đặt tay vào đó!

l) Trước hết, chúng ta đi xung quanh cây gậy và thấy rằng phần gãy quay theo chúng ta. Vậy chỉ con mắt ta làm thay đổi vị trí phân gãy đó, và những cái nhìn thì không lay chuyển được các vật thể.

2) Chúng ta nhìn thật thẳng góc vào đầu gậy ở bên ngoài nước; lúc đó cây gậy không cong nữa, đầu gậy gần mắt ta che khuất với ta đúng đầu kia[159]. Mắt ta đã dựng lại cây gậy chăng?

3) Chúng ta khuấy động mặt nước; chúng ta thấy cây gậy gấp lại thành nhiều đoạn, cử động ngoằn ngoèo, và theo những uốn lượn rập rờn của nước. Động thái khuấy nước của ta đủ để làm gãy, làm mềm, làm tan cây gậy như vậy sao?

4) Chúng ta cho nước chảy ra, và ta thấy cây gậy dựng thẳng lên dần dần, theo chừng nước rút xuống. Đó chẳng phải là quá đủ để làm sáng tỏ sự việc và tìm ra hiện tượng khúc xạ hay sao? Vậy cho rằng thị giác đánh lừa chúng ta là không đúng, bởi ta chỉ cần một mình thị giác để chấn chỉnh những sai lầm mà ta quy cho nó.

Giả định đứa trẻ khá ngu đần nên không nhận thấy kết quả của những thí nghiệm này; chính khi đó cần viện đến xúc giác để giúp thị giác. Thay vì rút cây gậy ra khỏi nước, hãy để y nguyên, và cho đứa trẻ đưa tay sờ cây gậy từ đầu này đến đầu kia, nó sẽ không nhận thấy một góc gãy nào; vậy cây gậy không gãy.

Các vị sẽ bảo tôi rằng ở đây không chỉ có các phán đoán, mà còn có những lý luận theo đúng thể thức. Quả thật như vậy; nhưng các vị không thấy rằng, một khi trí óc đạt được đến các ý tưởng, thì bất kỳ phán đoán nào cũng là một lý luận hay sao? Ý thức về bất kỳ cảm giác nào cũng là một mệnh đề, một phán đoán. Vậy, ngay khi ta so sánh một cảm giác này với một cảm giác khác, là ta đang lý luận. Kỹ năng phán đoán và kỹ năng lý luận đúng là một.

Émile sẽ không bao giờ biết môn quang tuyến khúc xạ, hoặc tôi muốn nó học môn đó xung quanh cây gậy này. Nó sẽ không giải phẫu các cô n trùng; nó sẽ không đếm các vết của Mặt trời; nó sẽ không biết thế nào là một kính hiển vi và một kính viễn vọng. Những cậu học trò uyên bác của các vị sẽ chế nhạo sự dốt nát của nó. Chúng sẽ không sai đâu, vì trước khi dùng những dụng cụ ấy, tôi muốn nó sáng chế ra dụng cụ, và các vị thấy rằng điều đó sẽ chẳng đến sớm được.

Đó là tinh thần của toàn bộ phương pháp của tôi trong phần này. Nếu đứa trẻ xoay xoay một khối tròn nhỏ giữa hai ngón tay bắt chéo, và nó ngỡ cảm thấy hai khối tròn, tôi sẽ không hề cho phép nó nhìn vào đó, trước khi nó tin chắc rằng chỉ có một khối mà thôi.

Tôi nghĩ rằng những sự giải thích đó đủ để đánh dấu rõ rệt bước tiến bộ mà trí óc của học trò tôi cho đến giờ đã đạt được, và con đường nó đã đi theo bước tiến ấy. Nhưng có lẽ các vị hoảng sợ về số lượng những điều tôi cho diễu qua trước nó. Các vị e tôi đè nặng trí óc nó dưới vô số kiến thức như thế. Ngược hẳn lại; tôi dạy cho nó không biết nhiều hơn là biết những điều đó. Tôi chỉ cho nó con đường của khoa học bình dị, để đi tới chân lý, nhưng dài dặc, bao la, phải đi chậm rãi. Tôi cho nó đi những bước đầu tiên để nó nhận ra lối vào, nhưng không bao giờ cho phép nó đi xa.

Buộc phải tự mình học hỏi, nó dùng lý trí của nó chứ không dùng lý trí của người khác; vì, để không nhượng bộ dư luận điều gì, thì không được nhượng bộ quyền uy điều gì; và phần lớn các sai lầm của chúng ta do chúng ta ít hơn là do người khác. Từ sự luyện tập liên tục ấy ắt phải đưa đến một sức mạnh tinh thần tương tự như sức mạnh người ta đem lại cho thân thể nhờ lao động và khó nhọc. Một điều lợi nữa là người ta chỉ tiến lên một cách tương xứng với sức lực của mình mà thôi. Trí óc, cũng như thân thể, chỉ mang được những gì nó có thể mang được. Nếu trí năng chiếm hữu lấy sự vật trước khi lưu chúng vào ký ức, thì những gì mà sau này nó rút ra từ đấy là của nó; thay vì cứ chất quá nặng ký ức mà không biết, thì người ta có nguy cơ không bao giờ rút ra được từ đó điều gì là của mình.

Émile có ít tri thức, nhưng những tri thức nó có là của nó thực sự; nó không biết điều gì nửa vời. Trong số ít những điều mà nó biết và biết rõ, thì điều quan trọng nhất là có rất nhiều điều mà nó không biết nhưng một ngày kia nó có thể biết, có nhiều điều hơn nữa mà những người khác biết còn nó suốt đời sẽ không biết, và vô số những điều khác mà không bao giờ có người nào sẽ biết được. Nó có một trí óc phổ quát, không phải do các kiến thức, mà do khả năng tiếp thu các kiến thức; một trí óc cởi mở, thông minh, sẵn sàng cho tất cả, và, như Montaigne nói, nếu không thông thái thì ít ra cũng dạy dỗ được. Nếu nó biết tìm ra cái có ích lợi gì ở mọi điều nó làm, và cái tại sao ở mọi điều nó tin, thì tôi thấy thế là đủ. Vì một lần nữa, mục tiêu của tôi không hề là dạy nó khoa học, mà là dạy nó tiếp thu khoa học theo nhu cầu, làm cho nó đánh giá khoa học đúng theo giá trị của khoa học, và làm cho nó yêu chân lý hơn hết thảy. Với phương pháp đó người ta tiến chậm, nhưng không bao giờ đi một bước vô ích, và không hề bị buộc phải lùi lại.

Émile chỉ có những tri thức tự nhiên và thuần túy vật lý. Thậm chí nó không biết cả danh từ lịch sử, cũng như thế nào là siêu hình học và đạo đức học. Nó biết các quan hệ chủ yếu giữa người và sự vật, nhưng không biết gì về các quan hệ tinh thần giữa người với người. Nó ít biết khái quát hóa các ý tưởng, ít biết trừu tượng hóa. Nó nhìn thấy những tính chất chung cho một số vật thể mà không suy luận về những tính chất ấy ở bản thân chúng. Nó biết khoảng rộng trừu tượng nhờ các hình của hình học; nó biết lượng trừu tượng nhờ các ký hiệu của đại số học. Các hình và các ký hiệu này là những trụ đỡ của các trừu tượng ấy, những trụ đỡ mà các giác quan của nó dựa vào. Nó không hề tìm cách để biết các sự vật qua bản chất chúng, mà chỉ qua các tương quan có liên hệ đến nó. Nó chỉ đánh giá những gì ở bên ngoài nó qua mối quan hệ với nó mà thôi; nhưng sự đánh giá ấy chính xác và chắc chắn. Ý ngông, quy ước không can dự chút gì vào sự đánh giá ấy. Nó coi trọng nhiều hơn những gì hữu ích cho nó hơn; và do không bao giờ bỏ cách thẩm định này, nên nó không nhượng bộ dư luận chút nào.

Émile cần mẫn, điều độ, kiên nhẫn, cương quyết, đầy can đảm. Trí tưởng tượng của nó, không hề được khêu dậy, không bao giờ phóng đại các hiểm nguy với nó; nó nhạy cảm với ít mối đau khổ và nó biết chịu đựng kiên nhẫn, vì nó đã không hề học tranh cãi với số mệnh. Đối với cái chết, nó chưa biết rõ đó là gì; nhưng, đã quen chịu đựng không kháng cự định luật của tất yếu, nên khi phải chết nó sẽ chết không than vãn không giãy giụa; đó là tất cả những gì thiên nhiên cho phép trong khoảnh khắc mà ai cũng gớm ghét ấy. Sống tự do và ít thiết tha với các sự vật nhân gian là phương sách tốt nhất để học chết.

Tóm lại, Émile có đức tính về tất cả những gì quan hệ đến bản thân nó. Để có cả các đức tính xã hội, nó chỉ còn phải hiểu biết các quan hệ đòi hỏi những đức tính ấy; nó chỉ còn thiếu những tri thức mà trí óc nó sẵn sàng tiếp nhận.

Nó tự xét mình mà không lưu tâm đến người khác, và thấy người khác không nghĩ đến mình là hay. Nó không đòi hỏi ai điều gì, và cho rằng mình không nợ ai cái gì. Nó đơn độc trong xã hội loài người, nó chỉ trông mong vào một mình nó. Nó cũng có quyền hơn một người khác trông mong vào bản thân nó, vì nó là tất cả những gì người ta có thể là, ở tuổi nó. Nó không hề có sai lầm, hoặc chỉ có những sai lầm mà ta không sao tránh khỏi; nó không hề có thói hư tật xấu, hay chỉ có những thói hư tật xấu mà không một người nào có thể phòng giữ được cho mình. Nó có thân thể lành mạnh, chân tay lanh lẹ, trí óc đúng đắn và không thành kiến, tâm hồn tự do và không đam mê. Lòng tự tôn, đam mê đầu tiên và tự nhiên nhất trong tất cả các đam mê, chỉ mới phấn khích đôi chút trong tâm hồn ấy. Không phá rối sự an tĩnh của ai hết, nó đã sống hài lòng, hạnh phúc và tự do, hết mức mà thiên nhiên cho phép. Các vị thấy một đứa trẻ đạt đến tuổi mười lăm như vậy có hoài phí những năm trước đấy của nó hay không?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.