Émile Hay Là Về Giáo Dục

QUYỂN HAI P2



Đừng dạy học trò mình bất kỳ loại bài học nào bằng lời lẽ; nó chỉ được nhận bài học từ trải nghiệm: Đừng bắt nó chịu bất kỳ loại hình phạt gì, vì nó không biết thế nào là mắc lỗi: Đừng bao giờ bảo nó phải xin tha thứ, vì nó không biết xúc phạm các vị. Do chẳng có một khái niệm đạo đức nào trong các hành động, nó không thể làm điều gì sai về mặt đạo đức, nên chẳng đáng phạt hay đáng quở trách.

Tôi đã thấy người đọc hoảng sợ đang xét đoán đứa trẻ này dựa trên các trẻ em của chúng ta: Người đọc ấy lầm. Tình trạng tù túng triền miên trong đó các vị cầm giữ học trò kích thích sự hăng hái của chúng; càng gượng gạo bó buộc dưới mắt các vị, thì lúc thoát ra chúng càng nghịch ngợm hiếu động; chúng rất cần tự đền bù khi có thể về tình trạng ép buộc khắc nghiệt mà các vị cầm giữ chúng trong đó. Hai học trò thành phố sẽ gây nhiều tổn hại tại một địa phương hơn là thanh thiếu niên cả một làng. Các vị hãy nhốt một chú bé công tử và một chú bé nông thôn trong một gian phòng; công tử bé sẽ đánh đổ hết, làm vỡ hết mọi thứ trước khi chú bé nông thôn ra khỏi chỗ của mình. Tại sao như thế, nếu không phải người này thì gấp gáp lợi dụng một khoảnh khắc được buông tuồng phóng túng trong khi người kia, luôn tin chắc ở sự tự do của mình, nên chẳng bao giờ vội sử dụng nó? Tuy nhiên con cái của những người dân quê, thường được chiều nịnh hoặc bị ngăn trở, hãy còn rất xa với trạng thái mà tôi muốn mọi người giữ các em trong đó.

Ta hãy xác định như một phương châm không thể chối cãi rằng những động thái đầu tiên của tự nhiên bao giờ cũng chính trực: Không hề có sự tà ác tiên thiên trong lòng con người; chẳng một thói hư tật xấu nào ở đó mà ta lại không thể nói được nó vào từ đâu và theo cách nào. Đam mê tự nhiên duy nhất ở con người là lòng yêu bản thân, hoặc lòng tự ái hiểu theo nghĩa rộng. Lòng tự ái này trong bản thân nó hoặc trong tương quan với chúng ta là tốt và hữu ích; và, bởi nó không hề có quan hệ tất yếu với người khác, nên về phương diện này nó trung lập một cách tự nhiên; nó chỉ thành tốt hoặc xấu do sự ứng dụng của ta và do các quan hệ ta đem lại cho nó. Vậy cho đến khi nào điều hướng dẫn lòng tự ái, là lý trí, có thể nảy sinh, thì điều quan trọng là một đứa trẻ đừng làm một điều gì vì nó được mọi người nhìn thấy hay nghe thấy, tóm lại là đừng làm một điều gì do liên quan đến người khác, mà chỉ làm những gì do tự nhiên đòi hỏi nó; như thế nó sẽ chỉ làm điều tốt mà thôi.

Tôi không có ý nói rằng nó sẽ không bao giờ gây tổn hại, sẽ không hề làm mình bị thương, rằng có lẽ nó sẽ không làm vỡ một đồ vật giá trị nếu vật ấy ở trong tầm tay nó. Nó có thể gây ra nhiều cái hại song không làm điều xấu, bởi hành động xấu xa tùy thuộc chủ ý làm hại, còn nó sẽ không bao giờ có chú ý đó. Nếu nó có chủ ý đó chỉ một lần thôi, là mọi sự đã hỏng hết rồi; nó sẽ độc ác hầu như vô phương cứu chữa. Có điều mọi tính keo kiệt cho là xấu, song lại không xấu dưới một lẽ phải. Trong khi để cho trẻ hoàn toàn tự do làm những điều dại dột của chúng, nên để ra xa chúng tất cả những gì có thể khiến sự dại dột thành tốn kém, và đừng để trong tầm tay chúng cái gì mỏng manh và quý giá. Hãy trang bị nơi chúng ở bằng những đồ đạc thô mộc và chắc chắn; không gương, không đồ sứ, không vật dụng xa xỉ. Còn về Émile của tôi mà tôi nuôi dạy ở thôn quê, thì phòng của nó sẽ chẳng có gì khác biệt với căn phòng của một dân quê. Trang trí cho căn phòng hết sức công phu để làm gì, bởi nó rất ít phải ở trong đó? Nhưng tôi lầm; Émile sẽ tự trang trí lấy, và chúng ta sẽ sớm thấy trang trí bằng cái gì.

Nếu như, mặc dù các vị cẩn thận phòng ngừa, đứa trẻ vẫn gây một sự lộn xộn nào đó, vẫn làm vỡ một đồ vật hữu ích nào đó, xin đừng phạt nó vì sự sơ ý của các vị, xin đừng mắng nó; sao cho nó không nghe một tiếng trách móc nào, thậm chí đừng để nó thoáng thấy rằng nó đã làm các vị buồn phiền; hãy hành động hệt như đồ vật tự nó gãy hỏng; rốt cuộc các vị hãy tin rằng các vị đã làm được rất nhiều nếu các vị có thể không nói gì hết.

Liệu tôi có dám trình bày ở đây quy tắc quan trọng nhất, hữu ích nhất của mỗi nền giáo dục hay không? Đó không phải là tranh thủ thời gian, đó là mất thời gian. Bạn đọc thông thường, xin hãy tha thứ cho các nghịch lý của tôi: Cần phải nêu ra những nghịch lý khi ta suy nghĩ; và, dù các vị có thể nói gì chăng nữa, tôi vẫn thích làm con người của nghịch lý hơn là con người của thành kiến. Quãng nguy hiểm nhất của đời người là quãng đời từ lúc sinh ra đến tuổi mười hai. Đó là thời gian nảy mầm của các lầm lạc và thói hư tật xấu, mà ta còn chưa có được một phương tiện nào để tiêu diệt chúng; và khi phương tiện đến, thì rễ đã ăn rất sâu thành thử không còn là lúc nhổ chúng nữa. Nếu trẻ em nhảy vọt một bước từ khi còn bú sang tuổi biết lẽ phải, thì sự giáo dục mà người ta đang đem lại cho chúng có thể hợp với chúng; nhưng, theo bước tiến triển tự nhiên, thì chúng cần một sự giáo dục hoàn toàn ngược lại. Cần để trẻ không làm gì đến tâm hồn chúng cho tới khi tâm hồn có được mọi năng lực của nó; bởi khi còn mù lòa thì tâm hồn không thể nhận thấy ngọn đuốc các vị giơ ra cho nó, và trong dải đồng bằng mênh mông của các ý tưởng, nó không thể đi theo con đường mà lý trí vạch ra còn hết sức mờ nhạt trước cả những con mắt tinh tường nhất.

Vậy sự giáo dục đầu tiên cần mang tính chất thuần túy tiêu cực. Sự giáo dục này không lo dạy dỗ đức hạnh hay chân lý, mà lo bảo đảm cho tấm lòng khỏi mắc thói hư tật xấu và trí óc khỏi lầm lạc. Nếu các vị có thể không làm gì hết và không để cho làm gì hết; nếu các vị có thể dẫn dắt học trò mình lành mạnh và khỏe khoắn đến tuổi mười hai, mà nó chẳng phân biệt được bàn tay phải với bàn tay trái, thì ngay từ những bài học đầu tiên của các vị, đôi mắt của trí năng nơi nó sẽ mở ra với lẽ phải; không có thành kiến, không mắc thói quen, ở nó sẽ không có một cái gì ngăn trở hiệu quả những sự chăm sóc của các vị. Chẳng bao lâu trong tay các vị nó sẽ thành con người hiền minh nhất; và khởi đầu bằng việc không làm gì hết, các vị sẽ làm được một kỳ tích về giáo dục.

Xin cứ làm trái hẳn với lệ thường, và các vị hầu như sẽ luôn làm đúng. Bởi người ta không muốn làm cho một đứa trẻ thành đứa trẻ, mà thành một nhà uyên bác, nên các ông bố và các ông thầy chẳng bao giờ quở mắng, chấn chỉnh, khiển trách, nịnh nọt, dọa dẫm, dạy bảo, nói lý nói lẽ đủ sớm. Các vị hãy làm tốt hơn: Hãy hợp lý, và đừng biện luận với học trò, nhất là để bắt nó tán thành điều nó không thích; vì bao giờ cũng dẫn lý lẽ ra như vậy ở những chuyện khó chịu, chỉ làm cho lý lẽ thành đáng chán, và sớm mất tín nhiệm trong một trí óc còn chưa đủ sức hiể được nó. Hãy rèn luyện thân thể nó, các khí quan, các giác quan của nó, các sức lực của nó, nhưng hãy giữ cho tâm hồn nó nhàn hạ lâu hết mức có thể. Hãy e sợ mọi cảm nghĩ có trước sự phán đoán nó đánh giá những cảm nghĩ ấy. Hãy kìm lại, ngăn lại những ấn tượng xa lạ và, để cản trở cái xấu nảy nở, xin đừng hấp tấp làm cái tốt; vì cái tốt chỉ tốt khi lý trí soi sáng nó. Hãy coi mọi sự trì hoãn như những lợi thế tiến đến hạn giới mà không mất gì chính là được rất nhiều: Hãy để tuổi thơ chín dần trong trẻ thơ. Rốt cuộc, có bài học nào trở nên cần thiết với chúng chăng? Các vị hãy tránh dạy chúng bây giờ, nếu có thể hoãn đến ngày mai mà không hại gì.

Một lý do khác khẳng định ích lợi của phương pháp trên, đó là lý do về tinh anh riêng của đứa trẻ, mà ta cần hiểu rõ để biết chiều hướng tinh thần nào phù hợp với nó. Mỗi trí óc có hình thái đặc biệt riêng của nó, và cần được dưỡng dục theo hình thái ấy, và điều quan trọng để những sự chăm sóc của ta thành công là nó được dưỡng dục bằng hình thái ấy chứ không phải một hình thái khác. Hỡi con người thận trọng, xin hãy dò xét lâu dài tự nhiên, hãy quan sát kỹ học trò trước khi nói với nó tiếng đầu tiên; thoạt tiên hãy để cho mầm mống của tính cách nó phô bày hoàn toàn tự do, đừng bó buộc nó trong bất cứ điều gì, đặng thấy được rõ hơn toàn bộ con người nó. Các vị nghĩ rằng thời gian tự do ấy phí hoài với nó ư? Ngược hẳn lại, thời gian đó sẽ được sử dụng tốt nhất; vì chính như vậy các vị sẽ học được cách không hoài phí một khoảnh khắc nào trong một thời gian quý báu hơn: Thay vì, nếu các vị bắt đầu hành động trước khi biết điều cần phải làm, các vị sẽ hành động gặp chăng hay chớ; do dễ lầm lẫn, các vị sẽ phải quay trở lại; các vị sẽ xa mục tiêu hơn là nếu như bớt hấp tấp đạt mục tiêu. Vậy đừng làm như kẻ biển lận bị mất rất nhiều vì không muốn mất gì hết. Hãy hy sinh ở tuổi thơ ban đầu một thời gian mà các vị sẽ lấy lại được với lời lãi gấp bội ở độ tuổi lớn hơn. Người thầy thuốc khôn ngoan chẳng khinh xuất thoạt nhìn đã kê đơn thuốc, mà đầu tiên ông ta nghiên cứu thể chất bệnh nhân trước khi chỉ định bất cứ thứ gì; ông ta bắt đầu chậm việc chữa trị, nhưng ông ta chữa khỏi cho bệnh nhân, trong khi người thầy thuốc quá hấp tấp lại làm chết bệnh nhân.

Nhưng ta sẽ đặt đứa trẻ ấy ở đâu để nuôi dạy nó như một sinh thể vô cảm, như một người máy như vậy? Ta sẽ giữ nó trên mặt trăng, ở một hoang đảo sao? Ta sẽ tách nó khỏi mọi con người sao? Nó sẽ chẳng liên tục thấy trong thế giới này cảnh tượng và tấm gương của những đam mê nơi người khác hay sao? Nó sẽ không bao giờ gặp những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi với nó sao? Nó sẽ không gặp cha mẹ, láng giềng, vú nuôi, cô dạy trẻ, người hầu hay sao, gặp ngay cả thầy giáo của nó, dù thế nào cũng chẳng phải một thiên thần?

Điều phản bác này mạnh và vững chắc. Nhưng tôi có bảo các vị rằng một nền giáo dục tự nhiên là một sự nghiệp dễ dàng đâu? Ôi những con người! Có phải lỗi tại tôi chăng nếu các người đã làm cho tất cả những gì tốt trở thành khó khăn? Tôi cảm thấy những khó khăn đó, tôi đồng ý: Có thể những khó khăn ấy không sao khắc phục nổi; nhưng điều bao giờ cũng chắc chắn là khi chuyên tâm phòng ngừa khó khăn thì người ta phòng ngừa được chúng đến một mức độ nào đó. Tôi chỉ ra mục tiêu mà ta cần tự đề xuất: Tôi không bảo rằng ta có thể đạt tới đó, nhưng tôi bảo rằng ai đến gần được mục tiêu nhiều hơn sẽ là người thành công hơn cả.

Các vị hãy nhớ rằng trước khi dám bắt tay vào đào tạo một con người, bản thân mình phải tự làm người đã; phải tìm thấy ở mình tấm gương cần để xuất. Trong khi đứa trẻ còn chưa hiểu biết, ta có thì giờ chuẩn bị tất cả những gì tiếp cận nó, sao cho những cái nhìn đầu tiên của nó chỉ xúc động vì những đối tượng thích hợp để nó nhìn thấy. Các vị hãy khiến cho mình được tất cả mọi người tôn trọng, hãy bắt đầu bằng việc khiến cho mọi người yêu mến mình, để ai nấy đều tìm cách làm vui lòng các vị. Các vị sẽ không bao giờ là thầy đứa trẻ, nếu các vị không là thầy của tất cả những gì bao quanh nó; và uy quyền ấy sẽ không bao giờ đủ, nếu nó không dựa trên niềm quý trọng đối với đức hạnh. Vấn đề không phải là dốc cạn túi, và ban phát rộng rãi tiền bạc; tôi chưa bao giờ thấy tiền bạc làm cho ai được yêu mến hết. Không nên keo kiệt và khắc nghiệt, cũng không nên phàn nàn cho nỗi khốn cùng mà mình không thể làm vơi bớt; nhưng các vị tha hồ mở rương hòm, nếu các vị không mở cả tấm lòng mình, thì tấm lòng những người khác sẽ vẫn đóng kín với các vị. Thứ cần đem cho, chính là thời gian của các vị, là những sự chăm lo, là niềm thương mến, là bản thân các vị; vì, dù các vị có thể làm gì chăng nữa, người ta vẫn luôn cảm thấy tiền bạc của các vị không hề là các vị. Có những bằng chứng về sự quan tâm và hảo ý lại tác động nhiều hơn, và thực sự hữu ích hơn một tặng vật: Biết bao nhiêu kẻ bất hạnh, bao nhiêu người đau ốm, cần an ủi hơn là bố thí! Biết bao nhiêu kẻ bị áp bức mà sự che chở giúp đỡ được hơn là tiền bạc! Các vị hãy hòa giải những người đang bất hòa với nhau; hãy phòng tránh những vụ kiện cáo; hãy hướng những đứa con đến bổn phận, những ông bố đến sự khoan dung; hãy ủng hộ những cuộc hôn nhân hạnh phúc; hãy ngăn cản những việc gây phiền nhiễu; hãy sử dụng, hãy dùng rộng rãi tín nhiệm của phụ huynh học trò mình để giúp cho kẻ yếu bị người ta từ chối sự công bằng, bị kẻ quyền thế đày đọa. Hãy đường hoàng tuyên bố mình là người bảo vệ những kẻ bất hạnh. Hãy công bình, nhân ái, nghĩa hiệp. Đừng chỉ bố thí, hãy làm phúc; các việc làm từ thiện giảm nhẹ được nhiều nỗi đau hơn là tiền bạc; hãy yêu mến những người khác, và họ sẽ yêu mến các vị; hãy phục vụ họ và họ sẽ phục vụ các vị; hãy là anh em của họ, và họ sẽ là con cái các vị.

Đây còn là một lý do nữa khiến tôi muốn nuôi dạy Émile ở thôn quê, xa đám đầy tớ bất lương, những người hèn hạ nhất sau các chủ nhân của chúng; xa những phong tục đen tối nơi thành thị, mà lớp sơn bóng bẩy che phủ bên ngoài khiến chúng trở nên hấp dẫn và dễ truyền nhiễm sang trẻ em; trong khi các thói xấu của dân quê, chẳng màu mè và với toàn bộ sự thô lậu của chúng, làm người ta chán ghét hơn là cám dỗ, khi người ta chẳng có lợi ích gì mà bắt chước.

Ở làng quê, một ông thầy sẽ làm chủ được những đối tượng mà ông muốn đưa ra cho đứa trẻ hơn ở thành phố rất nhiều; tiếng tăm của ông, lời lẽ của ông, tấm gương ông nêu, sẽ có một uy quyền không thể có tại thành phố; vì ông hữu ích với tất cả mọi người, nên ai nấy sẽ sốt sắng làm vui lòng ông, muốn được ông quý trọng, sốt sắng tự phô bày với học trò như ông thầy muốn họ thực sự là thế, và nếu hệ không sửa được tật xấu, thì họ cũng sẽ tránh tai tiếng; đó là tất cả những gì chúng ta cần cho mục tiêu của chúng ta.

Xin đừng trách cứ người khác về những lỗi lầm của chính các vị: Cái xấu mà trẻ nhìn thấy làm chúng hư hỏng ít hơn cái xấu mà các vị dạy chúng. Luôn thuyết giáo, luôn nói đạo đức, luôn lên mặt mô phạm, trong khi cho những đứa trẻ một ý tưởng mà các vị ngỡ là hay, thì đồng thời các vị lại cho chúng hai chục ý tưởng khác chẳng có giá trị gì: Đầy ắp những điều đang diễn ra trong đầu óc mình, các vị chẳng thấy được tác động mình gây ra trong đầu óc chúng. Trong bao lời lẽ dài dòng mà các vị không ngừng khiến trẻ mệt lử, các vị nghĩ không có một lời nào bị chúng hiểu sai ư? Các vị nghĩ chúng không bình luận theo cách của chúng những điều giảng giải lờ mờ của các vị, và không tìm được ở đó cái gì để tự tạo nên một hệ thống vừa với trình độ của chúng, mà chúng sẽ đem đối lập với các vị khi gặp dịp hay sao?

Xin hãy lắng nghe một chú bé vừa được thuyết giáo; hãy để chú huyên thuyên, chất vấn, nói lung tung thoải mái, và các vị sẽ ngạc nhiên vì các lập luận của mình đã mang một dáng dấp kỳ lạ trong đầu óc chú bé: Chú lẫn lộn hết, chú đảo ngược hết, chú làm các vị sốt ruột, đôi khi làm các vị buồn phiền vì những phản bác bất ngờ; chú buộc các vị phải im tiếng, hoặc phải bảo chú im tiếng; và chú ta có thể nghĩ gì về sự thinh lặng ở một người lớn thích nói đến như vậy? Nếu vạn nhất chú bé giành được lợi thế đó, và lại nhận thấy điều này, thì vĩnh biệt giáo dục; mà sự chấm dứt kể từ lúc ấy, chú ta không tìm cách học hỏi nữa, chú ta tìm cách phản bác các vị.

Hỡi các ông thầy hăng hái, xin hãy giản dị, kín đáo, từ tốn: xin chỉ vội vã hành động để ngăn những người khác hẳnh động mà thôi; tôi sẽ không ngừng nhắc lại điều này, hãy hoãn lại một sự giáo dục tốt, nếu có thể, vì sợ ban phát một sự giáo dục xấu. Trên Trái đất này, lẽ ra được tự nhiên tạo thành thiện đường đầu tiên cho con người, hãy sợ rằng mình thực hiện vai trò của kẻ cám dỗ, khi muốn cho sự ngây thơ hiểu biết về cái thiện và cái ác; vì không thể ngăn đứa trẻ học hỏi ở bên ngoài qua các tấm gương, xin hãy giới hạn toàn bộ niềm cảnh giác của các vị ở việc khắc ghi những tấm gương ấy vào đầu óc trẻ dưới hình ảnh thích hợp với nó.

Các mối đam mê dữ dội gây một tác động to lớn đến đứa trẻ chứng kiến những đam mê ấy, vì chúng có những dấu hiệu rất cụ thể làm trẻ xúc động và buộc nó phải chú ý. Đặc biệt sự giận dữ thật là ầm ĩ trong những khích động của nó, thành thử không thể không nhận thấy khi nó ở trong tầm mắt. Không nên hỏi liệu đấy có phải là dịp để một nhà sư phạm mở đầu một bài diễn văn hay ho hay không. Này! Không diễn văn hay ho, không gì hết, một tiếng cũng không. Cứ để đứa trẻ đến: Ngạc nhiên vì cảnh tượng, thế nào nó cũng hỏi han các vị. Câu trả lời đơn giản; nó được rút ra từ chính các đối tượng làm xúc động giác quan đứa trẻ. Nó nhìn thấy một bộ mặt bừng bừng, những con mắt nảy lửa, một cử chỉ đe dọa, nó nghe thấy những tiếng la thét; tất cả đều là dấu hiệu cho thấy thân thể đang bất ổn. Các vị hãy từ tốn bảo nó, không bí mật gì: Con người tội nghiệp ấy bị ốm, ông ta đang lên cơn sốt. Các vị có thể nhân dịp cung cấp cho đứa trẻ, nhưng ít lời thôi, một ý niệm về bệnh tật và các tác động của bệnh tật; vì điều này cũng thuộc tự nhiên, và đó là một trong những ràng buộc của sự tất yếu mà đứa trẻ phải cảm thấy mình phụ thuộc.

Có thể là từ ý niệm ấy, một ý niệm không sai, mà đứa trẻ sớm mang một mối gờm tởm nào đó với việc buông mình vào những thái quá của đam mê, mà nó sẽ coi như bệnh tật. Và các vị cho rằng một khái niệm như vậy, được cung cấp đúng lúc, sẽ không gây một tác động cũng bổ ích như bài thuyết giáo chán ngán nhất về đạo đức hay sao? Nhưng hãy xem các ảnh hưởng của khái niệm này trong tương lai: Thế là các vị được phép, nếu có ngày buộc phải làm điều đó, đối xử với một đứa trẻ ương bướng như một đứa trẻ ốm; được phép nhốt nó trong phòng, trong giường nó nếu cần, bắt nó ăn kiêng, khiến chính nó hoảng sợ vì những thói xấu mới nảy sinh của mình, làm cho những thói xấu ấy thành khả ố và dễ sợ đối với nó, mà không bao giờ nó có thể coi sự nghiêm khắc có lẽ các vị buộc phải sử dụng để chữa khỏi cho nó là một hình phạt. Nếu như bản thân các vị, trong một khoảnh khắc nóng nảy nào đó, mất đi sự bình tĩnh và ôn hòa mà các vị phải dạy dỗ, thì xin đừng tìm cách ngụy trang lỗi lầm của mình; mà hãy thẳng thắn bảo nó, với một sự trách móc âu yếm: Em ạ, em đã làm thầy đau.

Vả chăng, điều cần thiết là tất cả những sự khờ khạo có thể có ở một đứa trẻ do tính ngây ngô chất phác của các ý niệm nơi nó, không bao giờ được nêu lên trước mặt nó, cũng không được kể ra thế nào để nó biết được. Một tiếng cười rộ thô lỗ có thể làm hỏng công lao sáu tháng trời, và gây một tổn hại suốt đời không thể bù đắp. Tôi không sao nói đi nói lại cho đủ rằng muốn làm thầy đứa trẻ, cần phải làm thầy của chính mình. Tôi hình dung chú bé Émile của tôi vào lúc cuộc đánh lộn giữa hai bà láng giềng đang dữ dội, vừa tiến về phía bà điên giận nhất, vừa bảo bà ta với giọng thương cảm: Bác ơi, bác ốm rồi, cháu rất buồn về điều đó. Chắc chắn, câu nói lý thú này không phải sẽ không tác động đến những người xem, và có thể đến các nữ đương sự. Không cười, không mắng, không khen, tôi đưa nó đi dù nó đồng ý hay miễn cưỡng, trước khi nó có thể nhận thấy tác động ấy, hoặc ít ra là trước khi nó nghĩ đến tác động ấy, và tôi vội vã làm nó khuây lãng vì những đối tượng khác khiến nó nhanh chóng quên đi điều đó.

Tôi không có ý định đi vào mọi chi tiết, mà chỉ trình bày những phương châm khái quát, và cung cấp thí dụ trong những trường hợp khó khăn. Tôi coi là bất khả thi, việc dẫn dắt một đứa trẻ đến tuổi mười hai, ở trong lòng xã hội, mà không cung cấp cho nó ý niệm nào đó về các quan hệ giữa người với người, và về tính đạo đức của các hành động của con người. Chỉ cần ta chuyên tâm khiến cho các khái niệm này thành cần thiết với nó muộn hết mức có thể, và khi chúng trở nên không tránh khỏi, thì ta giới hạn chúng ở tính hữu ích hiện tại cốt để cho nó đừng nghĩ rằng mình làm chủ mọi sự, và đừng làm điều xấu cho người khác mà không áy náy và không biết. Có những tính cách hiền dịu và bình thản có thể dẫn đi xa trong trạng thái thơ ngây ban đầu mà không nguy hiểm; nhưng cũng có những bản tính dữ dội mà sự hung tợn sớm phát triển, mà ta phải vội vã làm thành người lớn, để khỏi buộc phải chế ngự chúng.

Các bổn phận đầu tiên của chúng ta là đối với chúng ta; các tình cảm nguyên sơ của chúng ta tập trung vào bản thân chúng ta; mọi động thái tự nhiên của chúng ta trước hết quy vào việc tự bảo tồn và sự an lạc của chúng ta. Như vậy cảm nghĩ đầu tiên về sự công bình không đến với ta từ sự công bình ta phải có, mà từ sự công bình mọi người phải có với ta; và một trong những sự ngược chiều của các cách giáo dục thông thường là ở chỗ, khi mọi người trước tiên nói với trẻ em về bổn phận của chúng, chứ không bao giờ nói về quyền lợi của chúng, chính là mọi người bắt đầu bằng việc bảo chúng những gì ngược lại với điều cần thiết, những gì chúng không sao hiểu được, và không thể khiến chúng quan tâm.

Vậy nếu tôi phải dẫn dắt một trong những đứa trẻ mà tôi vừa giả định, thì tôi sẽ tự nhủ: một đứa trẻ không công kích những con người[56], mà công kích các sự vật; và chẳng bao lâu, qua kinh nghiệm nó sẽ học tôn trọng ai vượt nó về tuổi tác và sức mạnh; nhưng sự vật thì không tự chống cự. Vậy ý niệm đầu tiên cần đem lại cho đứa trẻ là ý niệm về sở hữu hơn là về tự do; và, để có được ý niệm này, nó cần phải có đồ vật gì đó riêng của mình. Kể ra cho nó áo quần của nó, bàn ghế của nó, đồ chơi của nó, là chẳng nói gì với nó hết; bởi lẽ, mặc dù nó được tùy ý sử dụng những đồ vật ấy, song nó không hiểu vì sao và như thế nào mà nó có các đồ vật ấy. Nói với nó rằng nó có vì người ta đã cho nó, là cũng không làm được hơn gì mấy; vì, muốn cho thì phải có đã: Vậy đó là một vật sở hữu có trước sở hữu của nó; mà ta lại muốn giải thích cho nó về nguyên tắc của sở hữu; chưa kể rằng sự trao tặng là một quy ước, và đứa trẻ còn chưa thể biết được thế nào là quy ước[57] xin các độc giả hãy chú ý, ở thí dụ này và trăm ngàn thí dụ khác, rằng do cách nào mà khi nhồi vào đầu trẻ em những từ ngữ không có một ý nghĩa nào vừa tầm hiểu biết của chúng, người ta lại cứ tưởng rằng đã dạy dỗ chúng hết sức chu đáo.

Vậy vấn đề là đi ngược lên nguồn gốc của sở hữu; vì chính từ đó mà ý niệm đầu tiên về sở hữu phải phát sinh. Đứa trẻ, sống ở thôn quê, sẽ có một khái niệm nào đó về công việc đồng áng; muốn thế chỉ cần có mắt, có thì giờ nhàn rỗi, và nó sẽ có cả hai. Vào bất kỳ tuổi nào, nhất là vào thời nó, ai cũng muốn sáng tạo, bắt chước, sản xuất, biểu lộ sức mạnh và sự hoạt động. Nó sẽ chẳng cần nhìn đến hai lần người ta cày bừa một mảnh vườn, gieo hạt, nhìn thấy rau mọc và lớn lên, là đã muốn đến lượt mình cũng làm vườn.

Do các nguyên tắc được xác lập trên đấy, tôi không hề chống lại ham muốn của nó; ngược lại, tôi ủng hộ ham muốn ấy, tôi chia sẻ sở thích của nó, tôi làm việc cùng nó, không phải vì sự thích thú của nó, mà vì sự thích thú của tôi; ít ra nó cũng tin như thế, tôi trở thành người làm vườn của nó; trong khi chờ đợi nó có sức lực, tôi cày xới đất giúp nó; nó chiếm hữu chỗ đất này bằng cách trồng lên đó một cây đậu; và chắc chắn sự chiếm hữu này thiêng liêng hơn và đáng trọng hơn sự chiếm hữu xưa kia của Núnez Balboa[58] đối với Nam Mỹ nhân danh nhà vua Tây Ban Nha, bằng cách cầm cây cờ của nhà vua lên các bờ biển phía Nam.

Ngày nào chúng tôi cũng đến tưới những cây đậu, chúng tôi vui mừng nhìn thấy chúng mọc lên. Tôi tăng thêm niềm vui mừng ấy bằng cách bảo nó: Cái đó thuộc về em; và bấy giờ trong khi giải thích cho nó cái từ thuộc về, tôi khiến nó cảm nhận rằng nó đã bỏ vào đấy thì giờ của nó, lao động của nó, sự vất vả của nó, tóm lại là con người của nó; rằng trong đất ấy có một cái gì đó của bản thân nó mà nó có thể đòi hỏi đối với bất kỳ ai, cũng như nó có thể rút cánh tay mình khỏi bàn tay một người nào khác muốn giữ cánh tay ấy lại bất kể ý muốn của nó.

Một ngày kia nó sốt sắng đến, bình tưới cầm trong tay. Ôi cảnh tượng! Ôi đau đớn! Tất cả các cây đậu đều bị nhổ lên, cả mảnh đất bị xáo trộn, ngay cả địa điểm cũng không còn nhận ra được nữa. A! Việc làm của tôi, công trình của tôi, kết quả ngọt ngào của công lao chăm sóc và mồ hôi của tôi đã ra sao rồi? Ai đã cướp đoạt của cải tôi? Ai đã lấy những cây đậu của tôi? Trái tim non trẻ ấy nổi giận; ý thức đầu tiên về sự bất công đến rót vào đó vị đắng ưu sầu nó; nước mắt tuôn như suối; đứa trẻ đau buồn rền rĩ la khóc vang trời. Người ta chia sẻ nỗi phiền muộn của nó, sự công phẫn của nó; người ta tìm kiếm, người ta dò hỏi, người ta lục soát. Cuối cùng người ta khám phá ra rằng bác làm vườn đã gây nên chuyện ấy: Người ta gọi bác đến.

Nhưng chúng tôi ở quá xa dự đoán. Biết được người ta phàn nàn về điều gì, bác làm vườn bắt đầu phàn nàn còn lớn tiếng hơn chúng tôi. Thế nào! Thưa các ngài, chính các ngài đã làm hỏng công trình của tôi như thế này đây! Tôi đã gieo ở đó giống dưa xứ Malte mà hạt được người ta tặng cho tôi như một báu vật, và tôi hy vọng đãi các ngài khi dưa chín; thế mà, để trồng vào đó các cây đậu tồi tàn của các ngài, các ngài đã phá hoại những cây dưa đã mọc lên hết của tôi, và tôi sẽ không bao giờ thay thế được nữa. Các ngài đã gây cho tôi một tổn hại không thể bù đắp, và đã tự tước đi của bản thân cái thú được ăn những quả dưa ngon tuyệt.

Jean-jacques: Robert tội nghiệp, hãy tha lỗi cho chúng tôi. Bác đã để vào đó lao động của bác, sự khó nhọc của bác. Tôi thấy rõ là chúng tôi đã sai vì làm hỏng công trình của bác, nhưng chúng tôi sẽ nhờ mang đến cho bác hạt giống khác của đảo Malte, và chúng tôi sẽ không cày xới đất nữa, trước khi biết được liệu có ai đã bắt tay vào làm ở đó trước chúng tôi hay không.

Robert: Ồ! Được, vậy thì các ngài có thể nghỉ ngơi, vì không còn mấy đất bỏ hoang nữa. Tôi thì tôi làm mảnh đất mà cha tôi đã cải tạo; người nào cũng làm như thế về phần họ, và tất cả các mảnh đất mà các ngài thấy đều được chiếm lĩnh từ lâu.

Émile: Ông Robert ơi, vậy thì hạt dưa hay bị mất lắm.

Robert: Xin lỗi cậu em; vì chúng tôi không hay gặp những cậu bé dại dột vô ý như cậu. Chẳng ai động chạm đến vườn của láng giềng; mỗi người đều tôn trọng công việc của những người khác, để cho công việc của mình được an toàn.

Émile: Nhưng tôi thì tôi chẳng có mảnh vườn nào.

Robert: Điều đó can hệ gì đến tôi? Nếu cậu làm hỏng vườn của tôi, tôi sẽ không để cậu dạo chơi ở đấy nữa; vì, cậu thấy đó, tôi không muốn hoài phí công lao khó nhọc của mình.

Jean-jacques: Liệu có thể đề nghị một sự dàn xếp với bác Robert tốt bụng hay không nhỉ. Giá bác ấy thuận cho anh bạn nhỏ của tôi và tôi, một góc vườn của bác ấy để trồng trọt, với điều kiện là bác sẽ được một nửa số thu hoạch.

Robert: Tôi thuận cho các ngài góc vườn ấy vô điều kiện. Nhưng xin nhớ rằng tôi sẽ đến đào xới những cây đậu của các ngài, nếu các ngài động vào dưa của tôi.

Trong sự thể nghiệm cách ghi khác vào tâm trí trẻ em những khái niệm nguyên sơ này, ta thấy bằng cách nào ý niệm về sở hữu có gốc gác một cách tự nhiên từ quyền của người chiếm hữu đầu tiên bằng lao động. Điều này sáng tỏ, rõ ràng, đơn giản, và luôn vừa tầm hiểu biết của đứa trẻ. Từ đó đến quyền sở hữu và đến các sự trao đổi chỉ còn một bước nữa thôi, sau đó ta phải dừng hẳn lại.

Ta lại thấy rằng một sự giải thích mà tôi bao hàm trong hai trang viết ở đây có lẽ về thực hành sẽ là công việc của một năm; vì, trong sự vận hành của các ý niệm đạo đức, không thể tiến lên quá chậm chạp, cũng không thể cứ mỗi bước lại củng cố quá vững. Tôi xin các thầy giáo trẻ hãy nghĩ đến thí dụ trên, và hãy nhớ rằng ở bất cứ điều gì, bài học của các thầy phải bằng hành động nhiều hơn bằng lời lẽ; vì trẻ em dễ dàng quên những gì chúng đã nói và những gì người ta đã nói với chúng, chứ không quên những gì chúng đã làm và những gì người ta đã làm với chúng.

Như tôi đã nói, những điều dạy dỗ như thế cần được đưa ra sớm hơn hay muộn hơn, tùy bản tính thuần hòa hay hiếu động của học trò thôi thúc hay trì hoãn nhu cầu dạy dỗ; việc sử dụng những điều dạy dỗ đó hết sức hiển nhiên; nhưng để không bỏ sót một điều quan trọng nào trong những sự việc khó khăn, chúng ta lại đưa thêm một thí dụ.

Đứa trẻ hay cáu của các vị phá hỏng tất cả những gì nó đụng đến: xin đừng giận dữ, hãy để ngoài tầm với của nó những gì nó có thể phá hỏng. Nó làm gãy đồ đạc nó dùng; đừng vội cho nó đồ đạc khác; cứ để nó cảm nhận sự bất lợi của tình trạng thiếu thốn. Nó đập vỡ kính cửa sổ phòng nó; cứ để gió thổi vào nó suốt đêm ngày và đừng lo gì bệnh cảm; vì thà nó bị cảm còn hơn là điên khùng. Đừng bao giờ than phiền về những điều bất tiện nó gây ra cho các vị, nhưng hãy làm thế nào để nó cảm thấy những bất tiện ấy đầu tiên. Cuối cùng các vị cho sửa lại kính, mà vẫn không nói năng gì hết. Nó lại đập vỡ nữa? Lúc đó các vị hãy thay đổi phương pháp; hãy nói với nó một cách lãnh đạm, nhưng không tức giận: Cửa sổ là của tôi; chúng được lắp đặt do tôi lo toan; tôi muốn đảm bảo cho chúng. Rồi các vị nhốt nó trong bóng tối ở một nơi không có cửa sổ. Trước biện pháp thật mới mẻ này nó bắt đầu bằng việc la hét, làm rầm rĩ; không ai nghe nó hết. Chẳng bao lâu nó chán và đổi giọng; nó than vãn, nó rên rỉ: một gia nhân xuất hiện, thằng bé bướng bỉnh yêu cầu người này thả nó. Chẳng kiếm cớ để không làm gì hết, người hầu bảo: Tôi cũng có những cửa kính cần giữ gìn, rồi bỏ đi. Cuối cùng, sau khi thằng bé ở trong đó nhiều giờ đồng hồ, đủ lâu để buồn chán và để nhớ, ai đó sẽ gợi ý cho nó đề nghị với thầy một thỏa thuận, nhờ thỏa thuận này thầy sẽ trả lại tự do cho nó, còn nó sẽ không đập vỡ kính nữa. Nó sẽ không đòi hỏi gì hơn. Nó nhờ mời thầy đến gặp nó: Các vị sẽ đến; nó đề nghị, còn các vị sẽ lập tức chấp nhận và bảo nó: Nghĩ vậy rất hay; cả hai thầy trò ta đều được lợi, sao em không có ý hay này sớm hơn nhỉ! Rồi, không hề yêu cầu nó cự tuyệt hay khẳng định lời hứa, các vị vui mừng ôm hôn nó và dẫn ngay nó về phòng của nó, coi thỏa thuận trên là thiêng liêng và bất khả vi phạm như đã qua thề nguyện. Các vị nghĩ với biện pháp ấy nó sẽ có ý niệm như thế nào về tính chân thành của các giao ước và về ích lợi của giao ước? Tôi thất vọng nếu trên Trái đất này có một đứa trẻ nào, chưa bị hư hỏng, qua thử thách của cách xử sự trên, mà sau đó dám cố tình đập vỡ kính. Hãy theo dõi mối liên lạc của toàn bộ những điều trên. Thằng bé tinh quái chẳng mấy nghĩ rằng, khi đào một cái hố để trồng cây đậu của mình, là nó tự đào một ngục kín mà kiến thức của nó sẽ sớm nhốt nó vào[59].

Thế là chúng ta đang ở trong thế giới đạo đức, thế là cánh cửa đang mở ra với thói hư tật xấu. Cùng với các quy ước và các bổn phận cũng nảy sinh sự lừa gạt và dối trá. Ngay từ khi người ta có thể làm điều không nên, là người ta muốn giấu điều mình không nên làm. Ngay từ khi một mối lợi khiến người ta hứa, là một mối lợi lớn hơn có thể khiến người ta vi phạm lời hứa; không còn là chuyện vi phạm mà vô can nữa: Phương kế thật là tự nhiên; người ta trốn tránh và người ta nói dối. Do không thể phòng ngừa thói hư tật xấu, giờ đây chúng ta đã ở tình thế phải phạt nó. Đó là những khốn khổ của đời người, khởi đầu cùng với những sai lầm của đời người.

Tôi đã nói khá nhiều để làm mọi người hiểu rằng không bao giờ nên trừng phạt trẻ em với tư cách hình phạt, mà sự trừng phạt bao giờ cũng phải đến với chúng như một hậu quả tự nhiên của hành vi xấu nơi chúng. Như vậy các vị sẽ không hề lớn tiếng công kích sự dối trá, các vị sẽ không phạt trẻ chính vì chúng đã nói dối; mà các vị sẽ làm thế nào để mọi hậu quả xấu của lời nói dối, như không hề được tin khi mình nói sự thật, như bị kết tội, dù có chối cãi, vì điều xấu mà mình không hề làm, đều dồn cả lên đầu chúng khi chúng đã nói dối. Nhưng chúng ta hãy giải thích xem đối với trẻ em thế nào là nói dối.

Có hai loại nói dối: Nói dối thực sự liên quan đến quá khứ, nói dối đương nhiên liên quan đến tương lai. Loại nói dối thứ nhất xảy ra khi người ta chối là không làm điều mình đã làm, hoặc khi người ta khẳng định là đã làm điều mình không làm, và nói chung khi người ta cố ý nói ngược lại sự thật của sự vật. Loại nói dối sau xảy ra khi người ta hứa điều mà mình không định giữ lời, và nói chung khi người ta phô bày một chủ ý trái với chủ ý mình có. Hai điều nói dối đó đôi khi có thể tập hợp trong cùng một điều[60]; nhưng ở đây tôi xem xét chúng ở những gì khác biệt.

Người nào cảm nhận được nhu cầu về sự giúp đỡ của người khác, và không ngừng cảm thấy hảo tâm của mọi người, thì chẳng có một lợi ích gì mà lừa dối họ; trái lại, anh ta có một lợi ích rõ rệt khi mọi người nhìn sự vật đúng như chúng tồn tại, vì sợ họ lầm lẫn mà thiệt hại cho mình. Vậy rõ ràng nói dối thực sự không phải là tự nhiên ở trẻ em; mà chính luật vâng lời tạo ra sự cần thiết phải nói dối, bởi việc vâng lời thì khó nhọc, người ta ngấm ngầm tự miễn việc đó cho mình nhiều hết mức có thể, và bởi lợi ích hiện tại là tránh được hình phạt hay sự quở trách thắng được lợi ích xa xôi là trình bày sự thật. Vậy trong cách giáo dục tự nhiên và tự do, tại sao đứa trẻ của các vị lại nói dối các vị chứ? Nó có gì mà giấu các vị? Các vị không hề trách mắng nó, các vị chẳng phạt nó vì cái gì hết, các vị chẳng đòi hỏi gì ở nó hết. Tại sao nó lại không nói với các vị tất cả những gì nó dã làm một cách cũng ngây thơ như nói với thằng bé bạn nó? Nó không thể thấy ở lời thú nhận ấy nhiều nguy hiểm ở phía này hơn ở phía kia.

Điều nói dối đương nhiên còn ít tính tự nhiên hơn nữa, bởi các lời hứa sẽ làm hay không làm là những hành vi giao ước, ra khỏi trạng thái tự nhiên và vi phạm tự do. Còn hơn thế nữa: Tất cả những lời ước hẹn của trẻ em đều vô giá trị ở bản thân chúng, xét vì tầm nhìn hạn hẹp của chúng không thể mở rộng ra bên ngoài hiện tại, trong khi ước hẹn, chúng không biết điều chúng làm. Đứa trẻ chỉ có thể nói dối chút ít khi ước hẹn; vì, chỉ nghĩ đến thoát vòng khó khăn trong thời điểm hiện tại, nên bất kỳ phương tiện nào không có một kết quả hiện tại với nó cũng đều được hết; trong khi hứa hẹn cho một thời gian tương lai, nó chẳng hứa gì hết, và trí tưởng tượng hãy còn thiếp ngủ của nó không hề biết trải rộng con người nó trên hai thời gian khác biệt. Nếu có thể tránh ngọn roi hay có thể được một túi kẹo hạnh nhân bằng cách hứa lao mình qua cửa sổ vào ngày mai, nó sẽ hứa ngay lập tức. Đó là lý do vì sao các đạo luật không đếm xỉa gì đến những điều ước hẹn của trẻ em, còn khi các ông bố và các ông thầy nghiêm khắc hơn đòi hỏi chúng làm tròn những điều ước hẹn đó, thì chỉ là về những gì đứa trẻ cần phải làm, dù nó không hứa chăng nữa.

Đứa trẻ, vì không biết mình làm gì khi ước hẹn, vậy là không thể nói dối trong khi ước hẹn. Sự thể không giống như vậy khi nó không làm tròn lời hứa, điều này còn là một loại nói dối có hiệu lực trở về trước: Vì nó nhớ rất rõ là đã nói lời hứa ấy; nhưng điều nó không thấy, đó là tầm quan trọng của việc phải giữ lời. Không đủ sức hiểu được tương lai, nó không thể đoán trước hậu quả của sự vật; và khi vi phạm điều ước hẹn, nó không làm gì trái với lý trí của lứa tuổi nó.

Theo đó thì những lời nói dối của trẻ em đều là tác phẩm của các ông thầy, và việc muốn dạy cho chúng nói sự thật chẳng là gì khác ngoài việc dạy cho chúng nói dối. Trong niềm sốt sắng đưa trẻ vào khuôn phép, dạy dỗ chúng, giáo dục chúng, người ta chẳng bao giờ thấy mình đủ phương tiện để thành công.. Người ta muốn tạo cho mình những cách nắm bắt mới với trí óc trẻ, nhờ những châm ngôn thiếu cơ sở, nhờ những quy tắc không luận cứ, và người ta thích trẻ thuộc bài và nói dối hơn là nếu chúng vẫn dốt nát và thành thật.

Đối với chúng tôi, là những người chỉ cho trẻ các bài học thực hành và thích trẻ trung hậu hơn là giỏi giang, chúng tôi không hề đòi hỏi ở chúng sự thật, e chúng thay hình đổi dạng sự thật chăng, và chúng tôi không bắt trẻ hứa điều gì mà chúng có thể xiêu lòng không giữ được. Nếu trong khi tôi vắng mặt, có điều gì dở mà tôi không biết ai làm, tôi tránh không buộc lỗi cho Émile, hoặc bảo nó: Có phải em không[61]? Bởi hỏi như vậy thì tôi có làm gì khác, nếu không là dạy nó chối cãi? Nếu nó vốn khó tính khiến tôi buộc phải có quy ước nào đó với nó, tôi sẽ xử trí thật khéo sao cho đề nghị bao giờ cũng do nó, không bao giờ do tôi; sao cho, khi nó đã ước hẹn, thì bao giờ nó cũng có một lợi ích hiện tại và cụ thể để làm tròn điều ước hẹn; và nếu có khi nào nó không giữ lời, thì sự dối trá ấy gây cho nó nhiều tai hại mà nó thấy là từ chính trật tự của sự vật mà ra, chứ không từ sự trả thù của thầy giáo. Nhưng, chẳng cần phải nhờ cậy những mưu chước tàn nhẫn đến như thế, tôi gần như chắc chắn rằng Émile sẽ biết rất muộn thế nào là nói dối, và khi biết điều đó nó sẽ rất ngạc nhiên, vì không thể hiểu nói dối có thể giúp được cái gì. Điều rất rõ ràng là tôi càng làm cho sự an lạc của nó không phụ thuộc, hoặc vào các ý muốn, hoặc vào các phán xét của người khác, thì tôi càng chặn đứng trong nó mọi lợi hại để nói dối.

Khi ta không hề vội vã dạy dỗ, thì ta không hề vội vã đòi hỏi, và ta thung dung lựa cơ hội để chỉ đòi hỏi đúng lúc. Thế là đứa trẻ tự tu dưỡng, chính ở chỗ nó không hề hư đi. Nhưng, khi một gia sư dại dột khinh xuất, vì chẳng biết làm cách nào, nên cứ mỗi lúc lại bảo nó hứa điều này hay điều nọ, không phân biệt, không chọn lựa, không chừng mực, thì đứa trẻ, chán ngán, bị mang quá nặng tất cả những lời hứa ấy, sao nhãng chúng, quên chúng, rốt cuộc là khinh thường chúng, và coi chúng như chừng ấy công thức hão huyền, lấy việc hứa và vi phạm lời hứa làm một trò chơi. Vậy nếu các vị muốn nó trung thành giữ lời hứa, xin hãy kín đáo tế nhị trong việc đòi hỏi lời hứa.

Chi tiết tôi vừa trình bày về sự nói dối có thể áp dụng ở nhiều trường hợp cho mọi bổn phận khác, mà khi quy định cho trẻ người ta chỉ khiến những bổn phận ấy chẳng những thành đáng ghét, mà còn bất khả thi. Để ra vẻ thuyết giáo trẻ về đức tính, người ta khiến chúng ưa thích mọi thói hư tật xấu; bằng cách cấm trẻ có thói hư tật xấu, người ta đem lại cho chúng những tật xấu ấy. Muốn làm chúng trở nên kính tín, người ta đưa chúng đến nhà thờ để mà buồn chán; bằng cách bắt chúng không ngừng lầm rầm cầu nguyện, người ta buộc chúng ngưỡng vọng hạnh phúc là không phải cầu nguyện Chúa nữa. Đế khơi gợi lòng bác ái trong chúng, người ta bảo chúng bố thí, như thế người ta chẳng buồn tự mình bố thí. Này! Không phải đứa trẻ cần cho đâu, đấy là thầy giáo: dù quyến luyến học trò đến mấy, ông thầy vẫn phải tranh với trò vinh dự ấy; ông phải làm nó xét đoán rằng ở tuổi nó người ta chưa hề xứng với vinh dự này. Bố thí là một hành vi của người lớn biết giá trị những gì mình cho, và biết nhu cầu của đồng loại. Đứa trẻ, không biết gì về tất cả những điều ấy, không thể có công trạng gì mà cho; nó cho mà không có lòng bác ái, không có sự từ thiện; nó gần như xấu hổ khi cho, vì, dựa trên thí dụ của nó và của các vị, nó tưởng chỉ trẻ con mới cho, và lớn rồi thì người ta không bố thí nữa.

Xin hãy chú ý là bao giờ người ta cũng chỉ để trẻ cho những thứ mà nó không biết giá trị, những đồng kim loại nó có trong túi, và chỉ dùng vào việc ấy. Một đứa trẻ có thể cho một trăm đồng louis[62] hơn là một cái bánh ngọt. Nhưng hãy khuyên kẻ phân phát không tiếc của ấy đem cho những thứ thân thiết với nó, đồ chơi, kẹo, bữa quà giữa chiều của nó, và chúng ta sẽ biết ngay liệu các vị đã khiến nó thành người thực sự rộng rãi hay chưa.

Người ta còn tìm ra một mưu mẹo về việc này, đó là trả lại thật nhanh đứa trẻ những gì nó đã đem cho, làm sao để nó quen đem cho tất cả những gì mà nó biết rõ là sẽ trở lại với mình. Tôi hầu như chỉ thấy ở trẻ em hai loại hào hiệp: Cho những thứ chẳng được việc gì với chúng, hoặc cho những thứ mà chúng biết chắc người ta sẽ trả lại mình. Locke bảo hãy làm thế nào để chúng tin chắc qua trải nghiệm rằng kẻ rộng rãi nhất bao giờ cũng là kẻ được chia phần nhiều nhất. Như thế là khiến một đứa trẻ thành rộng rãi bề ngoài và bủn xỉn thực sự. Locke nói thêm rằng như vậy trẻ em sẽ nhiễm thói quen rộng rãi. Phải, một sự rộng rãi có lãi, cho một quả trứng để có con bò. Nhưng, khi vấn đề là cho thực, thì vĩnh biệt thói quen; khi người ta thôi không trả lại chúng, chúng sẽ lập tức thôi đem cho. Cần phải quan tâm đến thói quen của tâm hồn hơn là thói quen của bàn tay. Tất cả những đức tính khác người ta dạy cho trẻ đều giống với đức tính trên. Và chính vì thuyết giáo cho chúng những đức tính vững vàng ấy mà người ta làm những năm tháng non trẻ của chúng mỏi mòn trong u buồn? Chẳng phải đó là một sự giáo dục uyên bác hay sao!

Thưa các ông thầy, xin bỏ lại những bộ tịch giả dối, xin hãy đức hạnh và nhân hậu, sao cho những tấm gương của các vị khắc ghi trong trí nhớ học trò, trong khi chờ đợi những tấm gương ấy có thể đi vào lòng chúng. Thay vì vội vã đòi hỏi ở học trò mình những hành vi bác ái, tôi thích thực hiện những hành vi này trước mặt nó hơn, và thậm chí tước đi của nó phương tiện để bắt chước tôi trong việc ấy, như một vinh dự không thuộc lứa tuổi nó; vì điều quan trọng là nó đừng quen nhìn các bổn phận của người lớn chỉ như bổn phận của trẻ em. Nếu, nhìn thấy tôi giúp đỡ người nghèo, nó hỏi han tôi về chuyện đó, và đã đến lúc trả lời nó[63] tôi sẽ bảo nó: “Em ạ, đó là vì, khi người nghèo đã vui lòng muốn có người giàu, thì người giàu đã hứa nuôi tất cả những ai không có gì để sinh sống, nhờ của em cũng không mà nhờ lao động cũng không”. “Vậy thầy cũng đã hứa như vậy sao?” nó sẽ hỏi tiếp. “Hẳn thế, thầy chỉ làm chủ của cải đi qua tay mình với cái điều kiện gắn liền với việc sở hữu của cải ấy.”

Sau khi đã nghe những lời lẽ này, và ta đã thấy bằng cách nào ta có thể đặt một đứa trẻ vào trạng thái nghe được chúng, một đứa trẻ khác không phải Émile có lẽ sẽ toan bắt chước tôi và cư xử như người giàu; trong trường hợp ấy, ít ra tôi sẽ ngăn để việc làm đó đừng phô trương; tôi thích hơn nếu nó lấy trộm quyền của tôi và giấu giếm mà cho. Đó là một sự gian trá thuộc lứa tuổi nó, và là sự gian trá duy nhất mà tôi sẽ tha thứ cho nó.

Tôi biết rằng tất cả những đức tính do bắt chước này là những đức tính giả, và một hành vi tốt chỉ tốt về phương diện đạo đức khi người ta thực hiện nó như nó vốn thế, chứ không phải vì những người khác thực hiện nó. Nhưng, ở một tuổi mà lòng còn chưa cảm thấy gì hết, rất cần cho trẻ bắt chước những hành vi mà người ta muốn chúng có thói quen, trong khi chờ đợi chúng có thể thực hiện những hành vi đó do nhận rõ phải trái và do yêu điều thiện. Con người hay bắt chước, ngay con vật cũng hay bắt chước; sở thích bắt chước là bản tính được cấu tạo bình thường; nhưng trong quần thể nó thoái hóa thành tật xấu. Khỉ bắt chước con người mà nó sợ, và không bắt chước những con vật mà nó khinh thường; nó coi những gì mà một sinh thể giỏi hơn nó làm là tốt. Trái lại, trong chúng ta, những gã hề đủ loại bắt chước cái tốt đẹp đẽ hủy hoại nó, để làm nó thành lố bịch đáng cười; họ tìm trong ý thức về sự thấp hèn của mình cách để ngang bằng những gì giá trị hơn họ; hoặc, nếu họ cố bắt chước những gì họ ngưỡng mộ, thì ta thấy trong việc lựa chọn các mục tiêu, thị hiếu sai lạc của những kẻ bắt chước: Họ muốn đánh lừa người khác hoặc khiến người ta tán thưởng tài của mình hơn rất nhiều, so với việc muốn làm cho mình giỏi hơn hay hiền minh đức độ hơn. Nền tảng của sự bắt chước trong chúng ta là do ước muốn luôn đưa mình ra ngoài bản thân. Nếu tôi thành công trong kế hoạch của tôi, thì chắc chắn Émile sẽ không có ước muốn đó. Vậy chúng ta phải không cần đến điều tốt đẹp bề ngoài mà ước muốn này có thể sản sinh.

Xin hãy nghiên cứu sâu mọi quy tắc giáo dục của các vị, như vậy các vị sẽ thấy tất cả các quy tắc đó đều vô lý, nhất là về những gì liên quan đến đức tính và phẩm hạnh. Bài học đạo đức duy nhất thích hợp với tuổi thơ, và là bài học quan trọng hơn cả với mọi lứa tuổi, là không bao giờ làm điều hại cho ai hết. Ngay cả quy tắc làm điều thiện, nếu không phụ thuộc vào quy tắc trên đây, cũng là nguy hiểm, sai lạc, mâu thuẫn. Ai mà không làm điều thiện? Tất cả mọi người đều làm, kẻ ác cũng như những người khác; kẻ đó làm cho một người sung sướng để thiệt hại cho một trăm người khốn khổ; và mọi tai ương của chúng ta từ đó mà ra. Các đức tính cao cả nhất đều tiêu cực: Đó cũng là những đức tính khó khăn nhất, bởi chúng không phô trương, và ở trên cả niềm vui thật ngọt ngào cho lòng người, là đưa một người khác hài lòng vì chúng ta đến với niềm vui. Ôi thật là điều tốt lành biết mấy mà một người tất nhiên làm được cho đồng loại, nếu như có một người như thế, người không bao giờ làm điều hại cho họ! Không phải bằng cách lý luận về phương châm trên, mà bằng cách cố gắng thực hành nó, người ta mới cảm nhận được rằng thành công trong việc này lớn lao và cực nhọc biết bao nhiêu[64].

Đó là vài ý tưởng kém cỏi về những sự thận trọng mà tôi những muốn mọi người chú ý khi dạy bảo trẻ những điều đôi khi không thể khước từ chúng mà không khiến chúng gặp phải nguy cơ làm hại bản thân hoặc người khác, và nhất là nguy cơ nhiễm những thói quen xấu mà sau đó ta sẽ phải vất vả uốn nắn: Nhưng chúng ta hãy tin chắc rằng sự cần thiết này hiếm khi xuất hiện đối với những trẻ được nuôi dạy như cần được nuôi dạy, vì chúng không thể trở nên khó bảo, tai ác, dối trá, tham lam, khi người ta không gieo vào lòng chúng những thói hư tật xấu khiến chúng thành ra như thế. Như vậy những gì tôi đã nói về điểm này giúp ích cho các ngoại lệ hơn là cho các quy tắc; nhưng những ngoại lệ ấy thường gặp hơn khi trẻ dần dần có nhiều dịp hơn để ra khỏi trạng thái của mình và dễ nhiễm các tật xấu của người lớn. Với những trẻ được nuôi dạy giữa xã hội, tất nhiên cần những sự dạy bảo sớm hơn là những trẻ nuôi dạy ở nơi ẩn dật. Vậy sự giáo dục cô quạnh này có lẽ đáng chuộng hơn, dù nó chỉ cho tuổi thơ thời gian để chín chắn dần.

Có một loại ngoại lệ khác trái ngược, với những ai được một thiên tính may mắn nâng lên cao hơn lứa tuổi. Cũng như có những người lớn không bao giờ ra khỏi tuổi thơ, lại có những người khác có thể nói là không hề đi qua tuổi thơ, và gần như sinh ra đã là người lớn. Điều dở là ngoại lệ này rất hiếm hoi, rất khó nhận biết, và mỗi bà mẹ, khi tưởng tượng rằng mỗi đứa trẻ đều có thể là một thần đồng, không hề nghi ngờ con mình chẳng phải là thần đồng. Các bà còn làm hơn thế, các bà coi những chứng tích biểu thị trật tự quen thuộc là những chứng tích phi thường: Sự hoạt bát, những lời lẽ lý thú, tính khinh xuất, sự ngây thơ ý vị; tất cả đều là những đặc tính của lứa tuổi, và phô bày rõ nhất rằng một đứa trẻ chỉ là một đứa trẻ. Có lạ lùng gì đâu khi kẻ được người ta làm cho nói rất nhiều và được phép nói mọi điều, kẻ không bị ngại ngùng bởi một sự lưu tâm nào, một lễ mạo nào, ngẫu nhiên có được một ý tình cờ hay ho? Sẽ lạ lùng hơn nữa nếu kẻ ấy chẳng bao giờ có được một ý tình cờ như thế, cũng như sẽ lạ lùng nếu, cùng với ngàn điều dối trá, một nhà chiêm tinh chẳng bao giờ tiên đoán được một sự thật. Vua Henri IV từng bảo rằng họ sẽ dối trá nhiều đến nỗi cuối cùng họ sẽ nói thật. Ai muốn tìm ra vài lời hóm hỉnh chỉ cần nói rất nhiều điều ngu ngốc. Chúa phù hộ cho những người hợp thời thượng, họ chẳng có công trạng gì khác để được hoan nghênh!

Những ý nghĩ xuất sắc nhất có thể rơi vào óc trẻ em, hay đúng hơn những lời lẽ hay nhất có thể rơi vào miệng trẻ em, như những viên kim cương cao giá nhất rơi vào tay chúng, song vì thế mà ý nghĩ cũng như kim cương thuộc về chúng; không hề có sở hữu đích thực thuộc bất kỳ loại nào ở độ tuổi này. Những điều một đứa trẻ nói, đối với chúng không phải là những gì đối với chúng ta; nó không kết hợp vào các lời đó cùng những ý niệm như chúng ta.

Các ý niệm ấy, nếu như đứa trẻ có, thì trong đầu óc nó chẳng liên lạc chẳng tiếp nối: Trong tất cả những điều nó nghĩ không có gì cố định hết, không có gì chắc chắn hết. Xin hãy quan sát kẻ được bảo là thần đồng của các vị. Ở một số khoảnh khắc các vị sẽ thấy nó có một khí lục cực kỳ linh hoạt, một trí tuệ minh mẫn xuyên qua được các tầng mây. Thường xuyên hơn cả các vị thấy cũng đầu óc ấy có vẻ lỏng lẻo, dấp dính ướt, và như có sương mù dày đặc bao quanh. Lúc thì nó vượt lên trước các vị, lúc lại im lìm bất động. Có lúc các vị bảo: Đó là một thiên tài, và lúc sau: Đó là một thằng ngu. Các vị sẽ luôn lầm lẫn: Đó là một đứa trẻ. Đó là một chú chim ưng non rẽ không trung ra trong chốc lát, rồi lát sau lại rơi xuống tổ.

Vậy các vị hãy đối xử với nó tùy theo tuổi của nó bất kể các vẻ bề ngoài, và hãy sợ làm kiệt sức của nó vì đã muốn rèn tập các sức lực ấy quá nhiều. Nếu bộ não non trẻ đó nóng lên, nếu các vị thấy nó bắt đầu sôi sục, thì mới đầu các vị cứ để nó lên men thoải mái, nhưng đừng bao giờ kích thích nó, sợ rằng tất cả phát tán hết; và khi những tinh khí đầu tiên bốc hơi đi rồi, thì các vị hãy giữ lại hãy kìm nén những tinh khí khác, cho đến lúc cùng với năm tháng tất cả chuyển thành nhiệt tình đầy sinh khí và chuyển thành sức mạnh thực sự. Nếu không làm thế các vị sẽ uổng phí thời gian và công sức chăm lo, các vị sẽ phá hoại công trình của chính mình; và sau khi đã vô ý say sưa vì mọi hơi rượu để bốc cháy ấy, các vị sẽ chỉ còn lại một chất bã vô khí lực.

Những người lớn tầm thường từ những đứa trẻ dại dột khinh xuất mà ra, tôi chẳng thấy nhận xét nào khái quát hơn và chắc chắn hơn nhận xét trên. Không gì khó hơn việc phân biệt được ở tuổi thơ sự ngu độn thực sự, với sự ngu độn bề ngoài và dối lừa nó bảo trước những tâm hồn mạnh mẽ. Thoạt tiên có vẻ như kỳ lạ là hai cực lại có những dấu hiện giống nhau đến thế. Tuy nhiên điều ấy phải là như vậy; vì, ở một tuổi mà con người còn chưa có ý tưởng thực sự nào cả, thì toàn bộ sự khác biệt giữa người có tài và người không có, là người sau chỉ chấp nhận những ý tưởng sai lầm, còn người trước, vì chỉ thấy toàn những ý tưởng sai lầm, nên không chấp nhận một ý tưởng nào hết: Vậy người ấy giống như kẻ ngu độn ở chỗ một người thì không có khả năng làm gì hết, còn với người kia không có gì thích hợp hết. Dấu hiệu duy nhất có thể phân biệt họ phụ thuộc vào sự ngẫu nhiên, có thể đem lại cho một người vài ý tưởng vừa tầm với anh ta, trong khi người kia ở đâu cũng vẫn như vậy. Cậu thiếu niên Caton[65] suốt thời thơ ấu dường như là một kẻ ngu ngốc trong nhà. Cậu ta lầm lì ít nói và khăng khăng cố chấp, đấy là toàn bộ sự xét đoán của mọi người về Caton. Chỉ trong gian tiền sảnh nhà Sylla[66], ông chú của Caton mới học được cách hiểu cháu. Nếu Caton không bước vào gian tiền sảnh đó, có lẽ cậu bị coi như một đồ súc sinh thô lỗ cho đến tuổi biết nghĩ. Nếu như César không từng sống, có lẽ người ta mãi mãi coi như một kẻ ảo tưởng cũng chàng Caton thấu suốt thiên tài ác hại của César, và thấy trước mọi trù hoạch của ông ta từ rất xa. Ôi những người xét đoán quá hấp tấp về trẻ em sao mà dễ lầm lẫm! Nhiều khi họ còn trẻ con hơn là lũ trẻ. Tôi đã thấy vào một tuổi khá cao, một người mà tình thân làm vinh hạnh cho tôi, gia đình và bạn bè coi người đó như một đầu óc thiển cận: Trí tuệ ưu tú ấy thành thục dần một cách lặng lẽ. Đột nhiên, ông tự bộc lộ là một triết gia, và tôi tin rằng hậu thế sẽ dành cho ông một vị trí vẻ vang và đặc biệt trong số những nhà lý luận ưu tú nhất và những nhà siêu hình học sâu sắc nhất của thời đại ông[67].

Xin hãy tôn trọng tuổi thơ, và đừng vội vã xét đoán nó, dù hay dù dở. Hãy để cho các ngoại lệ tự biểu thị, tự chứng tỏ, tự xác nhận lâu dài trước khi dung những phương pháp đặc biệt đối với các ngoại lệ ấy. Hãy để tự nhiên hành động lâu dài, trước khi xen vào hành động thay cho tự nhiên, e rằng gây trở ngại cho các việc làm của tự nhiên. Các vị bảo là các vị biết giá trị của thời gian và không hề muốn uổng phí thời gian. Các vị không thấy rằng dùng thời gian không đúng là uổng phí thời gian hơn rất nhiều so với chúng làm gì hết, và một đứa trẻ dạy dỗ không đúng xa với sự hiền minh đức độ hơn đứa trẻ chưa hề được dạy dỗ gì. Các vị lo sợ thấy nó hao phí những năm đầu tiên mà chẳng làm gì hết. Sao vậy! Được hạnh phúc mà không là gì hết sao? Nhảy, chơi, chạy suốt ngày mà không là gì hết sao? Suốt đời nó sẽ chẳng bận rộn đến như thế. Platon, trong Cộng hòa, mà người ta tưởng là rất khắc khổ, chỉ giáo dưỡng trẻ em bằng hội hè, trò chơi, ca hát, tiêu khiển; cứ như thể ông đã làm hết mọi điều khi đã dạy kỹ cho chúng biết vui chơi; còn Sénèque, khi nói về thiếu niên La Mã xưa: Thiếu niên bao giờ cũng đứng, người ta chẳng dạy chúng cái gì phải ngồi mà học cả. Đến tuổi tráng niên, lớp thiếu niên ấy có kém giá trị chăng? Vậy xin các vị hãy ít sợ tình trạng bảo là nhàn rỗi ấy. Các vị sẽ nói sao về một người, để lợi dụng toàn bộ đời mình, nên không bao giờ muốn ngủ hết. Các vị sẽ bảo: Người này điên cuồng; anh ta không hưởng dụng thời gian của mình, anh ta tự tước đi thời gian; cứ trốn tránh giấc ngủ, anh ta đi nhanh đến cái chết. Vậy các vị hãy nghĩ rằng sự việc ở đây cũng vậy, và tuổi thơ là trạng thái ngủ của lý trí.

Sự dễ dàng bề ngoài trong việc học hỏi là nguyên nhân thất bại của trẻ em. Người ta không nhận thấy chính sự dễ dàng ấy là bằng chứng rằng chúng không học hỏi được gì hết. Trí óc trơn nhẵn và bóng của chúng dội chiếu lại như một tấm gương các đồ vật mà người ta bày ra trước nó; nhưng không gì còn lại hết, không gì thâm nhập hết. Đứa trẻ thì giữ lại từ ngữ, các ý tưởng thì phản chiếu; những ai nghe đứa trẻ nói thì hiểu các từ ngữ ấy, chỉ riêng nó không hề hiểu chúng.

Mặc dù trí nhớ và óc suy luận là hai năng lực khác biệt về bản chất, nhưng năng lực này chỉ thực sự phát triển cùng với năng lực kia mà thôi. Trước tuổi biết nghe đứa trẻ không tiếp nhận các ý tưởng, mà tiếp nhận các hình ảnh; và giữa thứ nọ với thứ kia, có sự khác biệt là hình ảnh chỉ là những bức họa tự lập của các sự vật hữu hình, còn ý tưởng là khái niệm về các sự vật, được quy định bởi những tương quan. Một hình ảnh có thể đơn độc trong trí óc đang hình dung nó; còn bất cứ ý tưởng nào cũng coi như tất phải có các ý tưởng khác. Khi ta tưởng tượng, ta chỉ thấy mà thôi; khi ta nhận thức, là ta so sánh. Các cảm giác của chúng ta đơn thuần thụ động, trong khi tất cả các tri giác hay ý tưởng của ta đều nảy sinh từ một căn nguyên chủ động biết phán đoán. Điều này sẽ được chứng minh sau đây.

Vậy tôi nói rằng trẻ em, do không có khả năng phán đoán, nên không có trí nhớ thực sự. Chúng ghi nhớ các âm thanh, hình ảnh, cảm giác, hiếm khi ghi nhớ các ý tưởng, và những mối quan hệ giữa các ý tưởng thì lại càng hiếm hơn nữa. Khi phản bác tôi rằng trẻ em học được vài điều cương yếu về hình học, người ta tưởng chứng minh chống lại tôi; song hoàn toàn ngược lại, chính người ta chứng minh giúp tôi: Người ta chứng tỏ rằng, chẳng những không biết tự suy luận, mà thậm chí trẻ không biết ghi nhớ lập luận của người khác; vì, các vị hãy theo dõi các nhà hình học tí hon này trong phương pháp của chúng, các vị sẽ thấy ngay rằng chúng chỉ ghi nhớ đúng ấn tượng về hình và những lời chứng minh mà thôi. Trước một lời phản bác mới nhỏ nhặt, là chúng không còn hiểu nữa; hãy lật ngược hình, chúng không còn hiểu nữa. Toàn bộ sức hiểu biết của chúng đều ở cảm giác, chưa một điều nào đến được trí năng. Ngay cả ký ức của chúng cũng không hoàn hảo hơn các năng lực khác là mấy, bởi hầu như chúng luôn luôn phải học lại, khi trưởng thành, những sự vật mà chúng từng học tên gọi khi còn thơ ấu.

Tuy nhiên tôi không hề nghĩ rằng trẻ em không có một loại suy luận nào[68]. Trái lại, tôi thấy chúng lý luận rất hay trong tất cả những gì chúng hiểu biết và có liên quan đến lợi ích hiện tại và rõ ràng của chúng. Nhưng người ta lầm lẫn về chính các hiểu biết của chúng, khi gán cho chúng những hiểu biết mà chúng không có, khi bắt chúng lý luận về những gì chúng không thể hiểu được người ta còn lầm lẫn nữa khi muốn làm chúng chú ý đến những nguyên do không hề quan hệ đến chúng ở bất kỳ phương diện nào, như nguyên do về lợi ích sau này của chúng, về hạnh phúc của chúng khi là người lớn, về sự quý trọng mà mọi người sẽ dành cho chúng khi chúng trưởng thành; những lời lẽ, được nói với những kẻ không hề có chút lo xa nào, tuyệt đối không có nghĩa gì với họ. Mà, tất cả những sự học tập bắt buộc của những kẻ bất hạnh tội nghiệp này đều hướng về các mục tiêu hoàn toàn xa lạ với đầu óc chúng. Ta hãy xét đoán xem chúng có thể chú ý đến các điều đó như thế nào.

Các nhà giáo dục vẫn thường phô trương với chúng ta một cách hoành tráng những sự dạy dỗ của họ đối với môn đệ, là những người được nhận thù lao để nói theo cách khác: Tuy nhiên, qua cách cư xử của họ, ta thấy họ suy nghĩ đúng hệt như tôi. Vì rốt cuộc, họ dạy chúng gì chứ? Từ ngữ, lại từ ngữ, và vẫn là từ ngữ. Trong các môn khoa học khác nhau mà họ khoe là dạy cho đồ đệ, họ tránh kỹ không chọn những môn sẽ thực sự hữu ích cho chúng, vì đó sẽ là các khoa học về sự vật, và họ sẽ không thành công ở những môn ấy; họ chọn những môn mà người ta có vẻ hiểu biết khi biết được các từ ngữ của môn đó, huy chương học, địa lý, niên đại học, các ngôn ngữ, v.v…; đều là những môn học rất xa với con người, đặc biệt là xa với trẻ em, thành thử thật là một điều kỳ diệu nếu có cái gì trong tất cả những thứ ấy có thể hữu ích cho trẻ chỉ một lần trong đời.

Mọi người sẽ ngạc nhiên thấy tôi đặt việc học các ngôn ngữ trong số những điều vô ích của giáo dục: Nhưng mọi người sẽ nhớ rằng ở đây tôi chỉ nói về việc học tập ở tuổi ấu niên; và, dù người ta có thể nói gì chăng nữa, tôi không tin rằng, cho đến mười hai hay mười lăm tuổi, lại có đứa trẻ nào, trừ các thần đồng ra, có thể thực sự học được hai ngôn ngữ.

Tôi đồng ý rằng nếu việc học ngôn ngữ chỉ là học các từ, tức là các hình hay các âm thanh diễn đạt chúng, thì việc học này có thể thích hợp với trẻ em: Nhưng các ngôn ngữ, khi thay đổi các ký hiệu, cũng biến đổi các ý tưởng được các ký hiệu đại diện. Các trí óc hình thành qua ngôn ngữ, các tư tưởng mang sắc thái của ngôn ngữ các nước. Chỉ có lý trí là chung, còn tinh thần ở mỗi ngôn ngữ có hình thái riêng của nó; sự khác biệt có lẽ phần nào là nguyên nhân hay kết quả của các tính cách dân tộc; và, điều dường như khẳng định sự phỏng đoán trên đây là, ở mọi quốc gia trên thế giới, ngôn ngữ đi theo những thăng trầm của phong hóa, và duy trì hay biến chất cũng phong hóa.

Từ những hình thái khác nhau này tập quán đem lại cho đứa trẻ một hình thái, và đó là hình thái duy nhất nó giữ cho đến thời biết nghĩ. Để có được hai hình thái, đứa trẻ cần phải biết so sánh các ý tưởng; song làm thế nào nó có thể so sánh được, khi nó chỉ hơi hơi có thể lĩnh hội được các ý tưởng ấy? Với đứa trẻ mỗi sự vật có thể có hàng ngàn ký hiệu khác nhau; nhưng mỗi ý tưởng chỉ có thể có một hình thái mà thôi: Vậy nó chỉ có thể học nói một ngôn ngữ mà thôi. Thế mà nó học nhiều ngôn ngữ đấy, người ta bảo tôi thế: Tôi phủ nhận điều ấy. Tôi đã từng thấy các thần đồng tí hon này, chúng tưởng chúng nói năm hay sáu ngôn ngữ. Tôi đá từng nghe chúng nói tiếng Đức, liên tiếp bằng từ ngữ Latin, bằng từ ngữ Pháp, bằng từ ngữ ý; thực ra chúng sử dụng năm hay sáu cuốn tự điền, nhưng chúng chỉ luôn nói có tiếng Đức mà thôi. Tóm lại, các vị cứ cho trẻ bao nhiêu từ đồng nghĩa tùy ý: Các vị sẽ thay đổi các từ, chứ không thay đổi ngôn ngữ; bao giờ chúng cũng sẽ chỉ biết một ngôn ngữ mà thôi.

Chính để che giấu sự thiếu năng lực của trẻ trong việc này mà người ta thích luyện tập cho chúng các từ ngữ hơn, về các từ ngữ này chẳng còn các nhà phán xử mà ta không thể bác bỏ. Vì đã từ lâu các từ ngữ này không còn thong dụng, nên người ta đành lòng bắt chước những gì thấy viết trong sách, và người ta gọi việc này là nói các ngôn ngữ đó. Nếu tiếng Hy Lạp và tiếng Latin của các ông thầy là như thế, xin hãy đoán định về tiếng Hy Lạp và tiếng Latin của trẻ em! Chúng vừa học thuộc lòng xong các điều sơ bộ về những ngôn ngữ ấy, những điều mà chúng tuyệt nhiên không hiểu gì hết, là người ta dạy ngay chúng trước hết dịch một diễn ngôn tiếng Pháp ra tiếng Latin; rồi, khi chúng tiến bộ hơn, thì người ta dạy chúng chắp nối bằng văn xuôi những câu của Cicéron và bằng thơ những câu thơ lấy của Virgile. Thế là chúng tưởng mình nói được tiếng Latin: Ai sẽ đến cãi lại chúng?

Ở bất cứ môn học nào, nếu không có ý niệm về các sự vật được biểu thị, thì các ký hiệu biểu thị chẳng là gì hết. Vậy mà người ta luôn giới hạn đứa trẻ ở các ký hiệu ấy, mà không bao giờ có thể làm cho nó hiểu một sự vật nào do các ký hiệu biểu thị. Trong khi tưởng dạy nó sự miêu tả Trái đất, người ta chỉ dạy nó biết các bản đồ mà thôi; người ta dạy nó tên các thành phố, các xứ sở, các con sông, nó không quan niệm những cái này tồn tại ở nơi nào khác ngoài tờ giấy trên đó người ta chỉ cho nó xem. Tôi nhớ đã thấy ở đâu đó một cuốn địa lý mở đâu như sau: Địa cầu là gì? Đó là một quả cầu bằng giấy bồi. Đia lý của trẻ em đúng là như vậy. Tôi xin dẫn ra làm điều chắc chắn rằng sau hai năm học về Địa cầu và vũ trụ, chẳng có một đứa trẻ lên mười nào, căn cứ trên các quy tắc người ta đã dạy nó, mà biết được đường đi từ Paris đến Saint-Denis[69]. Tôi xin dẫn ra làm điều chắc chắn rằng chẳng có một đứa trẻ nào, dựa trên bản địa đồ khu vườn của cha mình, có thể lần theo các khúc quanh co trong vườn mà không lạc lối. Đấy là các nhà uyên bác biết rất đúng đâu là Bắc Kinh, Ispahan, Mexico, và mọi xứ sở trên Trái đất.

Tôi nghe nói dạy cho trẻ những môn học chỉ cần đến mắt thì thích đáng; có thể là như vậy nếu có môn học nào chỉ cần đến mắt; nhưng tôi không hề biết môn nào như thế.

Đó một sai lầm còn buồn cười hơn nữa, người ta cho trẻ học lịch sử: Người ta tưởng môn sử vừa với sức của chúng, vì nó chỉ là một bộ sưu tập các sự kiện. Nhưng người ta hiểu thế nào về cái từ sự kiện? Phải chăng người ta cho rằng những mối quan hệ quyết định các sự kiện lịch sử thật dễ lĩnh hội, rằng các ý niệm về điều đó hình thành chẳng khó khăn trong trí óc trẻ em? Phải chăng người ta cho rằng việc hiểu biết thực sự các biến cố có thể tách rời sự hiểu biết về các nguyên nhân của biến cố, sự hiểu biết về các hậu quả của biến cố, và lịch sử quan hệ với tinh thần ít đến nỗi có thể biết cái này mà không cần biết cái kia? Nếu các vị chỉ thấy ở hành động của con người những động thái bên ngoài và thuần túy vật chất, thì các vị học được gì ở lịch sử. Tuyệt nhiên không gì hết; và môn học này, do mất đi mọi thú vị, chẳng đem lại cho các vị nhiều vui thích hơn học thức. Nếu các vị muốn đánh giá những hành động này bằng các mối tương quan tinh thần của chúng, xin hãy thử làm cho học trò các vị hiểu được các tương quan đó, và bấy giờ các vị sẽ thấy liệu môn lịch sử có hợp với tuổi của chúng hay không.

Hỡi các độc giả, xin hãy luôn nhớ rằng kẻ đang nói với các vị không phải là nhà bác học, cũng không phải một triết gia, mà là một người bình thường, chuộng chân lý, không phe đảng, không môn phái; một người ẩn dật, vì ít sống với mọi người, nên có ít cơ hội hơn để tiêm nhiễm những thành kiến của họ, và có nhiều thời gian hơn để suy ngẫm về những gì khiến anh ta xúc động khi anh ta giao tiếp với họ. Các lập luận của tôi dựa trên sự kiện hơn là trên nguyên tắc; và tôi nghĩ không gì có thể giúp các vị xét đoán các lập luận đó hơn là thường xuyên kể lại với các vị vài thí dụ về các quan sát gợi cho tôi những lập luận này.

Tôi từng về sống vài ngày ở miền quê tại nhà một bà mẹ hiền săn sóc rất chu đáo con cái và việc giáo dục chúng. Một buổi sáng tôi có mặt trong giờ học của cậu con trưởng, thầy giáo của cậu, đã dạy cậu rất kỹ về cổ sử, khi nhắc lại lịch sử của Alexandre, gặp câu chuyện nổi tiếng về ông thầy thuốc Philippe, đã được vẽ thành tranh, và chắc chắn rất đáng được bỏ công như vậy[70]. Thầy giáo, một người có giá trị, đưa ra nhiều suy nghĩ về sự dũng cảm của Alexandre, mà tôi không hề vừa ý, nhưng tôi tránh phản bác, để khỏi làm giảm tín nhiệm của ông trong trí óc học trò ông. Vào bàn ăn, theo cách thức của người Pháp, mọi người không quên gợi cho cậu bé nói huyên thuyên rất nhiều. Tính hăng hái tự nhiên của lứa tuổi, và việc chờ đợi một sự hoan nghênh chắc chắn, khiến cậu tuôn ra hàng ngàn điều ngu xuẩn, trong đó thỉnh thoảng bật ra vài lời thích đáng làm người ta quên đi phần còn lại. Cuối cùng đến câu chuyện về thầy thuốc Philippe: Cậu kể lại thật rõ ràng và rất duyên dáng. Sau phần cống nạp thông thường các lời ngợi khen mà bà mẹ đòi hỏi và cậu con chờ đợi, mọi người lý luận về những gì cậu đã nói. Phần đông chê trách sự táo bạo của Alexandre; vài người, theo gương thầy giáo, thán phục sự kiên quyết, lòng can đảm của Alexandre: Điều này khiến tôi hiểu rằng không một ai trong những người có mặt thấy được cái đẹp thực sự của câu chuyện là ở chỗ nào. Tôi nói với họ rằng, theo tôi, nếu như có một chút can đảm nào, một chút kiên quyết nào trong hành vi của Alexandre, thì hành vi ấy chỉ là một sự ngông cuồng. Thế là tất cả mọi người ta tập lại, và đồng ý rằng đó là một sự ngông cuồng. Tôi sắp trả lời và phát cáu, thì một phụ nữ ngồi cạnh tôi và chưa hề hé răng, ghé vào tai tôi nói với tôi rất khẽ: Im đi, Jean-jacques, họ sẽ không hiểu anh đâu. Tôi nhìn người ấy, tôi xúc động, và tôi im.

Sau bữa ăn, vì nghi ngờ qua nhiều triệu chứng rằng nhà uyên bác non trẻ của tôi chẳng hiểu gì hết về câu chuyện mà cậu đã kể lại rất hay, tôi bèn nắm lấy tay cậu, cùng đi với cậu một vòng quanh khuôn viên, và sau khi đã chất vấn cậu tùy thích, tôi thấy ra rằng cậu thán phục hơn ai hết sự can đảm được tán dương hết sức của Alexandre: Nhưng các vị có biết cậu ta nhìn thấy sự Cantin đảm đó ở chỗ nào không? Duy nhất ở chỗ đã uống một hơi một thứ thuốc mùi vị khó chịu, không do dự, không tỏ ra chút ghê tởm nào. Thằng bé tội nghiệp, mà mọi người cho uống thuốc cách đây chưa đầy mười lăm ngày và chỉ uống một cách vô cùng cực nhọc, hãy còn dư vị đang trong miệng. Cái chết, sự đầu độc trong óc nó chỉ như những cảm giác khó chịu mà thôi, và với nó, thì nó không quan niệm độc dược nào khác cây hòe. Tuy nhiên phải nhận rằng tính kiên quyết của vị anh hùng đã gây ấn tượng lớn lao với trái tim non trẻ của nó, và trước vị thuốc đầu tiên sẽ phải uống nó đã quyết tâm làm một Alexandre. Không đi vào những sự giải thích hiển nhiên là vượt quá sức nó, tôi làm vững thêm nơi nó những ý hướng đáng khen, và tôi vừa quay về vừa cười thầm về trí minh mẫn cao vời của các ông bố và các ông thầy nghĩ rằng đã dạy lịch sử cho trẻ em.

Tôi đoán trước là vài độc giả, không bằng lòng với cái câu Im đi, Jean-Jacques, sẽ hỏi rằng rốt cuộc thì tôi thấy điều gì đẹp đẽ đến như thế trong hành vi của Alexandre. Những con người bất hạnh! Nếu lại phải nói ra với các vị, thì làm sao các vị hiểu được điều ấy chứ? Đó là Alexandre tin ở đức hạnh; đó là ông lấy tính mạng mình, lấy sự sống của mình ra mà tin ở đức hạnh; đó là tâm hồn vĩ đại của ông được tạo ra để tin ở đức hạnh. Ôi cái bát thuốc nuốt vào ấy là một sự phát biểu cao cả đến như vậy. Nếu có một Alexandre hiện đại nào, xin mọi người hãy chỉ cho tôi qua những nét đặc sắc tương tự.

Nếu không hề có khoa học về từ ngữ, thì không hề có môn học thích đáng với trẻ em. Nếu chúng không có những ý niệm thực sự, thì chúng không hề có ký ức thực sự; vì tôi không gọi ký ức chỉ lưu giữ các cảm giác là ký ức thực sự. Ghi vào đầu óc trẻ một mục lục các ký hiệu chẳng diễn tả một cái gì hết đối với chúng thì ích lợi gì? Khi học các sự vật, chúng sẽ chẳng học các ký hiệu hay sao? Tại sao làm chúng nhọc công vô ích để học những điều ấy hai lần? Và trong khi đó người ta lại chẳng bắt đầu gây cho chúng bao nhiêu thành kiến nguy hiểm hay sao, bằng cách khiến chúng coi là khoa học những từ ngữ không có một nghĩa nào với chúng! Chính từ cái lời đầu tiên mà đứa trẻ dung một cách rỗng tuếch, chính từ cái điều đầu tiên nó học vì tin lời người khác, trong khi bản thân nó không thấy tính hữu ích của điều đó, là óc phán đoán của nó bị hỏng: Nó sẽ nổi bật rất lâu trước mắt những kẻ ngốc trước khi bù đắp được một sự mất mát đến như vậy[71].

Không đâu, nếu thiên nhiên ban cho trí não đứa trẻ sự mềm dẻo khiến nó có thể tiếp nhận đủ loại ấn tượng, thì không phải để người ta khác ghi vào đó tên các vị vua chúa, các niên hiệu, các danh từ về huy chương, về địa cầu, địa lý, và tất cả những từ ngữ chẳng có một nghĩa gì với tuổi nó và chẳng có một tính hữu ích gì với bất cứ tuổi nào, làm nặng nề tuổi thơ buồn bã và khô khan của nó; mà chính là để cho mọi ý tưởng mà trẻ có thể quan niệm được và hữu ích với nó, tất cả những ý tưởng liên quan đến hạnh phúc của nó và một ngày kia ắt phải soi sáng cho trẻ về các bổn phận của nó, sớm in vào trí não nó bằng những nét không bao giờ phai nhạt và giúp nó suốt đời cư xử một cách thích đáng với bản thể của mình và với các năng lực của mình.

Không học trong sách vớ, thì loại ký ức mà một đứa trẻ có thể có được chẳng vì thế mà vô công rồi nghề; tất cả những gì đứa trẻ thấy, tất cả những gì đứa trẻ nghe đều làm nó xúc động, và được nó ghi nhớ; nó ghi chép vào bản thân nó các hành động, các lời lẽ của người lớn; và tất cả những gì bao quanh nó là cuốn sách ở đó nó liên tục làm phong phú ký ức mà chẳng nghĩ mình làm như vậy, trong khi chờ đợi óc phán đoán của nó có thể lợi dụng ký ức này. Nghệ thuật thực sự vun trồng nơi đứa trẻ năng lực đầu tiên ấy chính là ở sự lựa chọn các vật thể đó, chính là ở sự thận trọng không ngừng đưa ra cho nó những thứ nó có thể biết và giấu đi những thứ nó không nên biết; và chính qua đó mà ta phải cố gắng tạo cho nó một kho kiến thức giúp cho việc giáo dục nó suốt thời niên thiếu, và giúp cho cách cư xử của nó trong mọi thời kỳ. Thực ra, phương pháp này không hề đào tạo các thần đồng tí hon và không làm nổi bật các cô dạy trẻ và các gia sư, nhưng lại đào tạo những con người giỏi phán đoán, cường tráng, lành mạnh về thể chất và trí năng, những con người khi non trẻ không làm mọi người thán phục nhưng lại làm mọi người tôn trọng khi trưởng thành.

Émile sẽ không bao giờ học thuộc lòng điều gì hết, ngay cả các bài ngụ ngôn, ngay cả các bài ngụ ngôn của La Fontaine, dù những bài ấy thật chân chất, thật dễ thương; vì lời lẽ của các bài ngụ ngôn đâu phải là ngụ ngôn, chẳng khác gì lời lẽ của môn sử đâu phải là lịch sử. Làm sao người ta có thể khá mù quáng để gọi các bài ngụ ngôn là luân lý của trẻ em, mà không nghĩ rằng ngụ ngôn dạy đời, trong khi làm trẻ vui, lại lừa dối chúng; rằng, bị lời nói dối quyến rũ, chúng để tuột mất sự thật, và những gì người ta làm dễ khiến việc dạy dỗ thành thú vị lại ngăn cản trẻ lợi dụng việc dạy dỗ đó? Các bài ngụ ngôn có thể dạy dỗ người lớn; nhưng cần phải nói sự thật trần trụi với trẻ em: Ta chỉ vừa mới che đậy sự thật bằng một tấm màn, là trẻ chẳng nhọc công vén tấm màn ấy lên nữa.

Người ta cho tất cả trẻ em học ngụ ngôn của La Fontaine, song không có lấy một đứa trẻ nào hiểu các bài ấy. Khi chúng hiểu, thì còn tệ hại hơn; vì luân lý của ngụ ngôn hết sức pha trộn và rất không phù hợp với tuổi của chúng, thành thử luân lý ấy hướng chúng đến thói hư tật xấu hơn là đến đức hạnh. Các vị sẽ bảo rằng đấy lại là những ý kiến ngược đời. Được; nhưng ta hãy xem liệu đó có phải là những sự thật chăng.

Tôi bảo rằng một đứa trẻ không hề hiểu các bài ngụ ngôn mà người ta bắt nó học, bởi dù người ta có cố gắng đến đâu để khiến các bài ấy thành giản dị, thì điều giáo huấn mà người ta muốn rút ra từ đó buộc phải đưa vào bài những ý tưởng mà đứa trẻ không sao hiểu được, và bởi lối viết của thi ca, trong khi làm cho các ý tưởng thành dễ nhớ hơn, lại khiến chúng thành khó lĩnh hội hơn, thành thử người ta mua sự thú vị bằng cách gây tổn hại cho sự sáng tỏ. Không kể vô số bài ngụ ngôn chẳng có gì dễ hiểu cũng chẳng có gì hữu ích với trẻ em, mà người ta bắt chúng học cùng với những bài khác một cách thiếu thận trọng, vì những bài này xen lẫn vào đó, ta hãy giới hạn ở những bài mà tác giả dường như đã đặc biệt viết cho trẻ em.

Trong toàn bộ tập thơ của La Fontaine tôi chỉ biết có năm hay sáu bài ngụ ngôn ở đó tính ngây thơ con trẻ ngời lên trác tuyệt; trong năm hay sáu bài này, tôi lấy làm thí dụ bài đầu tiên của tất cả[72], bởi đó là bài mà luân lý hợp với mọi lứa tuổi hơn cả, bài mà trẻ em hiểu rõ hơn cả, bài mà chúng học với nhiều thích thú hơn cả, rốt cuộc là bài mà chính vì các lý do trên tác giả đã ưu tiên để lên đầu cuốn sách của mình. Giả định bài này thực sự có mục tiêu là để trẻ em hiểu được, để trẻ thích thú và để dạy dỗ chúng, thì bài ngụ ngôn đó chắc chắn là kiệt tác của ông: Vậy hãy cho phép tôi theo dõi và khảo sát bài ấy qua ít lời.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.