Émile Hay Là Về Giáo Dục

QUYỂN NĂM P2



Ta hiểu rõ rằng các bé trai mà còn không có khả năng tự hình thành một ý tưởng thực sự nào về tôn giáo, huống chi là với các bé gái, ý tưởng ấy quá cao so với nhận thức của các cô: Vì chính điều đó mà tôi sẽ muốn nói về chúng với các cô sớm hơn; bởi vì nếu cứ phải đợi đến lúc các cô đủ trưởng thành để có khả năng tranh luận đâu ra đấy về các vấn đề sâu sắc này thì ta sẽ có nguy cơ không bao giờ nói với các cô về điều đó. Lý lẽ của đàn bà là một lý lẽ thực tế làm cho họ rất khéo léo tìm ra được phương tiện để đạt tới một mục đích định sẵn, nhưng cái lý lẽ ấy không làm cho họ tìm ra được cái mục đích này. Mối quan hệ xã hột giữa hai giới thật đáng để ý. Từ sự liên kết ấy sinh ra một con người tinh thần mà người đàn bà là con mắt, người đàn ông là cánh tay, nhưng lại có một sự phụ thuộc biết bao giữa người này với người kia đến mức do người đàn ông mà người đàn bà mới biết mình phải nhìn cái gì, và do người đàn bà mà người đàn ông mới biết được mình phải làm gì. Nếu người đàn bà lại có thể đi tới tận ngọn nguồn cũng y như người đàn ông, và nếu người đàn ông lại cũng có đầu óc về chi tiết y như người đàn bà thì đàn ông và đàn bà chẳng bao giờ còn phụ thuộc gì vào nhau nữa, họ sống trong sự cãi cọ vĩnh cửu, và một liên kết của họ không tài nào có thể còn tồn tại được. Nhưng trong sự hoà hợp đang ngự trị giữa họ với nhau, mọi chuyện đều hướng tới một mục đích chung, người ta không rõ người nào góp phần mình vào đó nhiều nhất; mọi người theo xung động của người kia; ai cũng tuân thủ, và cả hai đều làm chủ.

Đó chính điều đó mà hành vi của người đàn bà bị phụ thuộc vào dư luận chung, lòng tin của họ phải phục tùng quyền uy. Mọi cô gái đều phải theo tín ngưỡng của mẹ mình, và mọi người vợ theo tín ngưỡng của chồng mình. Khi tín ngưỡng ấy là sai, thì tính nhu thuận dễ bảo khiến người mẹ và gia đình phục tùng trật tự của tự nhiên xoá bỏ trước Thượng đế cái tội của sai lầm. Không có khả năng tự mình phán xét, họ phải chấp nhận quyết định của cha và của chồng cũng như quyết định của Nhà thờ.

Không thể tự mình rút ra những quy tắc cho niềm tin của mình, đàn bà chỉ có thể tự giới hạn điều đó trong phạm vi của sự hiển nhiên và lẽ phải; nhưng vì tự để cho mình bị cuốn theo hàng ngàn kích động của người ngoài, họ bao giờ cũng cứ ở mấp mé bên này hay bên kia sự thật. Bao giờ cũng cực đoan, họ sống hoàn toàn phóng đãng hoặc hoàn toàn ngoan đạo; người ta chẳng hề thấy họ biết kết hợp sự khôn ngoan với lòng kính tín. Cội nguồn của cái xấu không chỉ là ở tính cách quá đáng của giới họ, mà còn ở quyền uy được điều chỉnh tồi của tính cách chúng ta: Tính phóng đãng trong phẩm hạnh làm cho họ bị xem thường, nỗi sợ hãi phải hối hận biến họ thành ra chuyên chế và thế là người ta làm cho tính cách ấy bao giờ cũng quá đáng hoặc lại là bất cập.

Chính vì quyền uy phải điều chỉnh được tín ngưỡng của người đàn bà, nên chẳng cần phải giảng giải nhiều về các lý lẽ làm cho người ta tin, mà chỉ cần nói rõ ta tin cái gì: Bởi vì lòng tin mà người ta dành cho những ý tưởng khó hiểu là cội nguồn đầu tiên của sự cuồng tín, và niềm tin mà người ta đòi hỏi cho những chuyện phi lý dẫn đến sự điên khùng hay sự vô tín ngưỡng. Tôi không rõ việc giảng giáo lý của chúng ta đưa tới điều gì nhiều nhất, trở thành báng bổ hoặc cuồng tín; nhưng tôi biết rất rõ rằng tất yếu việc đó tạo ra hoặc cái này hoặc cái kia.

Trước hết, muốn dạy tôn giáo cho các cô thiếu nữ thì đừng bao giờ biến việc đó thành một đối tượng buồn chán và gò bó cho các cô, đừng bao giờ biến nó thành nhiệm vụ hay bổn phận, tóm lại là đừng có bao giờ bắt các cô phải học thuộc lòng điều gì trong việc này, ngay cả những bài kinh cầu nguyện. Quý vị hãy vui lòng đọc kinh đều đặn trước mặt các cô, tuy chẳng cần buộc các cô phải tham dự vào đó. Xin hãy cầu nguyện ngắn gọn, theo lời dạy của Jésus-Christ. Luôn luôn cầu nguyện với sự tĩnh tâm và lòng tôn kính thích đáng; xin hãy nghĩ rằng cầu xin Thượng đế quan tâm lắng nghe chúng ta, điều đó tốt hơn là ta chỉ quan tâm đến điều ta sắp nói với Người.

Không cần lắm phải để các thiếu nữ sớm biết về tôn giáo của mình mà chỉ cần cho các cô biết rõ về tôn giáo đó, và nhất là các cô yêu tôn giáo đó. Khi quý vị làm cho tôn giáo trở thành nặng nề với các cô, khi quý vị luôn mô tả Chúa không hài lòng với các cô, khi quý vị nhân danh Chúa mà áp đặt cho các cô hàng ngàn bổn phận mà các cô lại không bao giờ thấy quý vị thực hiện thì các cô có thể nghĩ gì, trừ phi biết rằng việc giảng đạo và cầu nguyện Chúa của mình là những bổn phận của các thiếu nữ còn bé, và mong muốn sao cho mau lớn để được giống như các vị mà thoát khỏi mà sự bó buộc ấy? Gương mẫu! Gương mẫu! Không có cái đó thì ta chẳng đạt tới được gì hết ở trẻ con.

Khi quý vị giảng cho các cô những tín điều, xin hãy chọn lối giảng trực tiếp, và đừng dùng cách hỏi đáp. Các cô bao giờ cũng nên chỉ trả lời điều các cô đang nghĩ, chứ không phải điều người ta đã bảo các cô. Mọi câu trả lời trong học giáo lý đều tác dụng ngược cả, chính là học trò giảng cho ông thầy thậm chí các câu trả lời ấy còn là điều dối trá ở miệng trẻ con, chính vì trẻ con giảng giải điều mà chúng chẳng hiểu gì hết, và khẳng định điều mà chúng không đủ khả năng để tin. Trong số những người thông minh nhất, xin mọi người hãy giới thiệu với tôi những người không nói dối trong khi đọc giáo lý cương yếu của mình.

Tôi thấy câu hỏi đầu tiên trong vấn đề của chúng ta là câu hỏi sau đây: Ai tạo ra cô và đặt cô vào thế giới này? Cô bé biết rõ ràng đó là mẹ mình, thế mà lại cứ nói chẳng do dự gì hết đó là Chúa. Ở đây duy có điều cô bé thấy rõ, đó là với một câu hỏi mà cô chẳng hiểu mấy thì cô đáp bằng một câu trả lời mà cô không hiểu gì hết.

Tôi muốn có một người biết rõ diễn trình trong tâm hồn trẻ nhỏ và muốn dạy giáo lý cho chúng. Có thể đó sẽ là cuốn sách hữu ích nhất mà chẳng bao giờ người ta viết ra được, và theo tôi thì đó sẽ chẳng phải là cuốn sách đem lại ít vinh quang nhất cho tác giả của nó. Có điều rất chắc chắn là nếu cuốn sách ấy tốt thì nó chẳng có gì giống với những cuốn sách của chúng ta.

Việc dạy giáo lý như vậy sẽ chỉ tốt được khi dựa trên những câu hỏi, đứa trẻ sẽ tự mình đưa ra các câu trả lời mà không học thuộc chúng; đành rằng đôi khi đến lượt mình đứa trẻ có khi sẽ nêu câu hỏi. Để làm rõ điều tôi muốn nói, phải cần đến một loại mô hình làm mẫu, và tôi cảm nhận rõ cái tôi còn thiếu để vẽ nó ra. Tôi sẽ thử ít ra là để đưa ra một vài ý tưởng nhỏ.

Vậy nên tôi tưởng tượng rằng, để đề cập tới câu hỏi đầu tiên trong việc dạy giáo lý của chúng ta, sẽ cần phải mở đầu như thế này:

Vú em: Con có nhớ thời con gái của mẹ con không?

Cô bé: Không, vú ơi.

Vú em: Tại sao lại không, chẳng phải là con có trí nhớ tốt đấy sao?

Cô bé: Chính là vì con chưa ra đời.

Vú em: Vậy chẳng phải con vẫn luôn sống?

Cô bé: Không.

Vú em: Con sẽ luôn luôn sống chứ?

Cô bé: Vâng.

Vú em: Con trẻ hay già?

Cô bé: Con trẻ.

Vú em: Thế bà con trẻ hay già?

Cô bé: Bà con già.

Vú em: Bà con đã từng trẻ tuổi chứ?

Cô bé: Vâng.

Vú em: Tại sao bà con không còn trẻ nữa?

Cô bé: Chính là vì bà con đã già đi.

Vú em: Con sẽ già đi giống như bà con ư?

Cô bé: Con không biết[276]

Vú em: Những chiếc áo năm ngoái của con đâu?

Cô bé: Người ta đã tháo ra cả rồi.

Vú em: Thế tại sao lại tháo ra?

Cô bé: Bởi vì đối với con chúng quá nhỏ.

Vú em: Thế tại sao chúng lại quá nhỏ so với con?

Cô bé: Bởi vì con đã lớn lên.

Vú em: Con còn lớn lên nữa chứ?

Cô bé: Vâng.

Vú em: Thế các cô gái lớn sẽ ra sao?

Cô bé: Họ sẽ trở thành đàn bà.

Vú em: Thế các bà rồi sẽ ra sao?

Cô bé: Họ sẽ già đi.

Vú em: Vậy thì con cũng sẽ già đi ư?

Cô bé: Khi con sẽ thành người mẹ.

Vú em: Thế rồi những người già sẽ ra sao?

Cô bé: Con không biết.

Vú em: Ông con rồi sẽ ra sao?

Cô bé: Ông đã chết[277].

Vú em: Thế tại sao ông lại chết?

Cô bé: Tại vì ông con đã già.

Vú em: Vậy những người già sẽ ra sao?

Cô bé: Họ sẽ chết.

Vú em: Thế còn con, khi con sẽ già đi thì…

Cô bé ngắt lời bà vú

Ồ! Vú ơi, con không muốn chết.

Vú em: Con ơi, chẳng có ai muốn chết cả mà mọi người đều chết.

Cô bé: Sao! Thế mẹ con cũng sẽ chết ư?

Vú em: Cũng như mọi người. Các bà cũng già đi như các ông, và sự già nua dẫn tới

cái chết.

Cô bé: Thế thì phải làm gì đề già đi thật chậm?

Vú em: Sống ngoan ngoãn khi ta còn trẻ!

Cô bé: Vú ơi, con sẽ luôn luôn sống ngoan ngoãn.

Vú em: Càng tốt cho con. Nhưng cuối cùng con có tin rằng sẽ sống mãi được không?

Cô bé: Khi con sẽ thật già, thật già…

Vú em: Thì sao?

Cô bé: Cuối cùng, khi ta đã thật già, vú bảo rằng đúng là phải chết.

Vú em: Vậy thì con sẽ chết một lần?

Cô bé: Chao ôi! Vâng.

Vú em: Ai là người đã từng sống trước con?

Cô bé: Cha con và mẹ con.

Vú em: Ai là người đã sống trước họ?

Cô bé: Cha họ và mẹ họ.

Vú em: Ai là người sẽ sống sau con?

Cô bé: Các con của con.

Vú em: Ai sẽ sống sau chúng?

Cô bé: Các con của chúng, và v.v…

Bằng cách theo con đường này, do những suy diễn dễ cảm nhận, ta thấy ở loài người có một khởi đầu và một kết thúc, giống như tất cả mọi vật, nghĩa là một người cha và một người mẹ mà họ lại không có cả cha lẫn mẹ, và những đứa con lại sẽ chẳng có con cái[278].

Thế là chỉ sau một chuỗi dài những câu hỏi như thế mà yêu cầu đầu tiên của việc học giáo lý đã được chuẩn bị đầy đủ. Nhưng từ đó cho đến câu trả lời thứ hai, điều có thể nói là định nghĩa về bản thể của thần linh, thật là một bước nhảy lớn lao biết bao! Khi nào thì khoảng cách ấy sẽ được lấp đầy? Chúa là một vị thần linh! Và thế nào là một vị thần linh? Phải chăng là tôi sắp dẫn linh hồn một đứa trẻ vào cái siêu hình tăm tối mà những người lớn phải khó khăn lắm mới thoát ra được? Không phải việc để cho một cô bé giải đáp các câu hỏi này, mà nhiều nhất là để cho cô bé đề ra những câu hỏi đó. Lúc đó tôi sẽ trả lời rất đơn giản: Con hỏi ta Chúa là gì; đó là điều không dễ gì mà nói ra được: Ta không thể nghe thấy, trông thấy, sờ mó thấy Chúa; ta chỉ biết người qua các tạo phẩm của người. Đề xét đoán người là ai, hãy chờ xem người đã làm điều gì.

Nếu các tín điều của chúng ta đều bắt nguồn từ cùng một chân lý, mọi tín điều ấy không phải vì thế mà có cùng một tầm quan trọng như nhau. Thật chẳng quan hệ gì đến danh sáng của Chúa khi danh sáng ấy được chúng ta biết đến trong mọi việc; nhưng điều quan hệ là xã hội loài người và hết thảy mọi thành viên của nó cần biết và hoàn thành những bổn phận mà luật của Chúa định ra cho họ trong việc đối xử với đồng loại và với chính mình. Đấy là điều mà chúng ta phải không ngừng rao giảng cho mình, người này giảng cho người kia, và nhất là những điều mà cha và mẹ phải dạy dỗ cho con cái của họ. Sao một nữ đồng trinh lại là mẹ của người tạo ra mình, lại sinh hạ ra Chúa, hay đó chỉ là một người đàn ông mà Chúa nhập vào, bản thể của cha và con trai là một, hay chỉ là tương tự, thánh linh do tự một trong hai người mà lại cùng là một người, hay cùng do tự cả hai người, tôi không thấy việc quyết định những vấn đề, bề ngoài có vẻ cơ bản này quan trọng với loài người nhiều hơn là biết ngày nào trong tháng là ngày làm lễ Phục sinh, có phải đọc kinh tay lần tràng hạt, nhịn ăn, kiêng thịt, nói tiếng Latin hay tiếng Pháp trong nhà thờ, trang hoàng các tranh ảnh lên tường nhà, làm lễ hay dự lễ Misa, không được gần gũi với đàn bà… Ai muốn nghĩ thế nào về những điều nói trên thì tuỳ thích: Tôi thì không hiểu điều đó thu hút được mọi người ở cái gì; về phần tôi thì điều đó chẳng đáng thu hút tí nào. Nhưng điều làm tôi quan tâm, cả tôi và mọi người khác, đó là ai cũng biết rằng có một trọng tài cho thân phận con người, tất cả chúng ta đều là con cái của người, người quy định cho mọi người chúng ta phải công bằng, phải yêu mến lẫn nhau, phải sống có thiện tâm và biết xót thương, phải giữ lời hứa của mình với tất cả mọi người, ngay cả với kẻ thù và những người thân; điều quan tâm của tôi và mọi người khác là cái hạnh phúc bề ngoài nhìn thấy được ở cuộc đời này chẳng là gì hết; là có một cuộc đời khác sau đó kia, trong đó Thượng đế sẽ là người ban thưởng cho những người tốt và là phán quan của những kẻ ác. Những tín điều này và những tín điều tương tự là những gì cần phải thuyết giảng cho giới trẻ và cần thuyết phục tất cả mọi công dân. Rõ ràng là ai bác bỏ các tín điều này đều đáng bị trừng phạt; hơn là kẻ gây rối trật tự và là kẻ thù của xã hội. Ai bỏ qua các tín điều ấy, và muốn chúng ta phục tùng những ý kiến riêng của họ là đi tới cùng một điểm ấy, chỉ khác là bằng một con đường ngược lại mà thôi; đề thiết lập trật tự theo cách của hắn, hắn phá rối sự bằng yên; trong cái kiêu căng liều lĩnh của hắn, hắn tự coi mình là người thuyết giải Thần linh, hắn nhân danh thần linh mà đòi mọi người phải kính trọng và tôn sùng, hắn tự mình làm Đức Chúa thay vào chỗ của Người chừng nào hắn có thể: Người ta sẽ phải trừng phạt hắn như một kẻ phạm thánh khi người ta không trừng phạt hắn như một kẻ hẹp hòi cố chấp.

Vậy xin hãy bỏ qua tất cả những tín điều huyền bí ấy vì đối với chúng ta chúng chỉ là những từ ngữ không mang một ý tưởng nào, hãy bỏ qua mọi thứ học thuyết kỳ cục nọ mà kẻ nào lao vào nghiên cứu nó cứ tưởng là vì đức hạnh mà hoá ra uổng công và hão huyền, và chẳng mấy chốc mà việc nghiên cứu này làm cho họ hoá rồ hơn là thành người tốt. Xin hãy gìn giữ con cái của quý vị trong cái vòng chật hẹp của những tín điều nào gắn bó chặt chẽ với đạo đức. Xin hãy thuyết phục chúng bằng được cho chúng hiểu rằng chúng có gì hữu ích cho chúng ta hơn là biết rõ điều gì dạy cho chúng ta hành động đúng. Xin đừng có làm cho các cô con gái của quý vị thành các nhà thần học và các bà hay lý sự; chi dạy cho các cô những chuyện trên trời khi câu chuyện ấy phục vụ cho đạo lý của con người; xin hãy làm cho các cô quen cảm nhận rằng mình luôn ở trong tầm nhìn của Chúa, có Chúa chứng giám cho hành động, cho tư tưởng, cho đức hạnh, cho các thú vui của các cô, để làm điều tốt mà không phô trương, bởi vì Người yêu điều thiện; để chịu đựng nỗi đau mà không than vãn, bởi vì Người sẽ đền bù cho các cô việc đó; rốt cuộc là các cô sống suốt đời mình sao cho các cô hoàn toàn thanh thản vì đã sống như thế vào lúc mà các cô trình diễn trước mặt Người. Đó là tôn giáo chân chính, đó là tôn giáo độc nhất không dễ mà lạm dụng được, mà báng bổ được, mà cuồng tín được. Người ta cứ việc giảng chừng nào người ta muốn những tôn giáo cao thượng hơn; đối với tôi, tôi không chấp nhận tôn giáo nào khác với tôn giáo này.

Vả lại, nên chú ý rằng cho đến tận lứa tuổi mà lý trí bừng sáng, và tư tưởng hình thành làm cho lương tri tỏ rõ, thì cái gì là tốt hay xấu đó với những cô gái trẻ tuổi là những gì mà mọi người quanh các cô đã quyết định như thế! Điều mà người ta yêu cầu các cô là tốt, điều mà người ta ngăn cấm các cô là xấu, các cô chẳng được biết gì nhiều hơn: Do đó, người ta thấy tầm quan trọng lớn, với các cô nhiều hơn với các cậu, của việc lựa chọn những người phải tiếp cận các cô và có uy tín đến mức nào đó với các cô. Rốt cuộc là đến lúc các cô bắt đầu tự mình xét đoán lấy các sự việc, và đó là lúc để thay đổi kế hoạch giáo dục các cô.

Có thể là đến đây, tôi đã nói quá nhiều về chuyện đó. Chúng ta sẽ chèn ép phụ nữ đến đâu, nếu chúng ta chỉ dùng những thành kiến của công chúng làm luật lệ cho họ? Xin đừng hạ thấp đàn bà là người đang cai quản chúng ta xuống tận điểm này, và họ sẽ tôn vinh chúng ta khi chúng ta không làm giảm giá trị của họ. Đối với toàn thể loài người có một quy tắc đến trước cả dư luận. Chính khuynh hướng cứng rắn của quy tắc này được áp dụng vào các quy tắc khác: Quy tắc ấy phán xét ngay cả các tiền lệ; chỉ chừng nào sự quý trọng của mọi người phù hợp với quy tắc ấy thì sự quý trọng đó mà có quyền uy với chúng ta.

Quy tắc này là tình cảm nội tâm. Tôi sẽ không nhắc lại nữa điều đã nói ở phần trên về chuyện này; tôi chỉ cần lưu ý rằng nếu hai quy tắc này không giúp vào việc giáo dục phụ nữ thì việc giáo dục đó sẽ luôn luôn khiếm khuyết. Tình cảm mà không có dư luận sẽ không tạo ra được cho phụ nữ sự tế nhị của tâm hồn, vốn tô điểm cho phẩm hạnh tốt bằng sự tán dương của mọi người; và dư luận mà không có tình cảm thì bao giờ cũng chỉ sẽ tạo nên được những người đàn bà dối trá và không chính trực, họ lấy sự biểu hiện bề ngoài thay thế cho đức hạnh.

Vậy nên cần phải trau dồi cho họ một năng lực dùng làm trọng tài cho hai nhân tố hướng dẫn hành vi ấy, năng lực này không làm lạc hướng lương tâm, và nó sửa lại những sai sót của tiền lệ. Năng lực này là lý trí. Nhưng về từ này có biết bao nhiêu câu hỏi được nêu lên! Các bà liệu có đủ sức để lập luận vững vàng không? Các bà liệu có cần phải trau dồi sự lập luận không? Các bà sẽ trau dồi nó có kết quả tốt không? Việc trau dồi ấy liệu có ích gì cho các chức năng mà các bà phải đảm nhiệm không? Liệu việc trau dồi này có tương thích với sự giản dị phù hợp với các bà không?

Các cách xem xét và giải đáp khác nhau cho các câu hỏi này đi vào những sự quá khích trái ngược nhau làm cho những người này thì giới hạn người vợ trong việc khâu vá và kéo sợi ở trong nhà với các cô hầu, và như thế là làm cô hầu hạng nhất cho ông chủ; những người khác thì không chỉ giữ vững các quyền của người vợ mà còn làm cho vợ lấn quyền của chúng ta; bởi vì để cho vợ hơn hẳn chúng ta trong những phẩm chất riêng thuộc giới của họ và làm cho vợ bình đẳng với chúng ta trong tất cả những gì còn lại, thế thì có khác gì là chuyển giao cho người vợ cái quyền tối cao mà tự nhiên ban cho người chồng?

Lý trí đưa người đàn ông đến sự hiểu biết các bổn phận của mình thật không quá phức tạp; nó đưa người đàn bà đến sự hiểu biết các bổn phận lại còn đơn giản hơn. Sự vâng lời và lòng trung thành với chồng mà cô phải có, sự trìu mến và chăm sóc đối với các con là những kết quả thật tự nhiên và thật nhạy bén của hoàn cảnh của cô, thành thử cô không thể, nếu không có tâm địa xấu, xử sự trái với tình cảm nội tâm vốn hướng dẫn cô, cũng không thể không biết đến bổn phận trong khuynh hướng còn chưa bị hư hỏng.

Tôi không trách cứ mà không có sự phân biệt việc một người đàn bà bị bó hẹp chỉ vào độc có những công việc của giới mình, và việc người ta bỏ mặc cô ta đắm chìm trong sự ngu tối về tất cả những gì còn lại; nhưng muốn thế thì sẽ cần phải có những tập quán chung rất giản dị, rất lành mạnh hoặc là một lối sống rất ẩn dật. Trong các thành phố lớn và giữa những người đàn ông hư hỏng, người đàn bà này sẽ rất dễ bị quyến rũ; thường thì chỉ là ngẫu nhiên mà họ giữ được đức hạnh mà thôi. Trong cái thế kỷ của triết lý này, người đàn bà cần có dịp thử thách; cô ta phải biết trước cả điều mà người ta có thể nói với cô lẫn điều mà cô phải suy nghĩ về chuyện này.

Ngoài ra, vì phải thuần phục trước những phán xét của những người đàn ông, cô phải xứng đáng với sự quý trọng của họ; nhất là cô phải có được sự quý trọng của chồng mình; cô không được làm cho anh ta yêu riêng có con người cô, mà phải làm cho anh ta tán thành hạnh kiểm của cô; cô phải chứng tỏ được trước công chúng rằng anh ta đã lựa chọn đúng và làm cho người chồng được vinh dự vì vinh dự mà người ta đem lại cho người vợ. Thế thì cô làm thế nào được tất cả những chuyện ấy, nếu cô không biết các thể chế của chúng ta, nếu cô không biết gì về các tập quán của chúng ta, về những lề thói xã giao của chúng ta, nếu cô không biết cả nguồn gốc của những phán đoán của con người cũng như những đam mê đã định hình ra chúng? Khi cô vừa phụ thuộc vào lương tâm của mình vừa vào các ý kiến của những người khác, cần phải để các cô học cách so sánh hai quy tắc ấy, học cách kết hợp chúng với nhau, và chỉ chú trọng hơn đến quy tắc thứ nhất khi các quy tắc ấy chống đối nhau. Cô trở thành người phán xét những người phán xét cô, quyết định khi nào cô phải chịu khuất phục và khi nào thì cô phải tuyên bố không thừa nhận phán xét ấy. Trước khi vứt bỏ hoặc chấp nhận những thiên kiến của họ, cô phải cân nhắc chúng; cô học cách truy ngược đến tận ngọn nguồn của chúng, đề phòng chúng, khiến chúng thành thuận lợi cho mình, cố thận trọng để không bao giờ chuốc lấy sự trách cứ khi bổn phận của cô giúp cho cô tránh được nó. Chẳng có một điều gì trong tất cả các chuyện này lại có thể làm tốt được nếu không trau dồi tâm hồn và lý trí của cô.

Tôi luôn luôn trở về với sự khởi phát, và nó cung cấp cho tôi cách giải quyết mọi khó khăn. Tôi nghiên cứu cái đang tồn tại, tôi tìm tòi nguyên nhân gây ra điều đó, và cuối cùng tôi thấy rằng cái gì đang tồn tại được đều tốt. Tôi bước vào trong những ngôi nhà ân cần cởi mở mà ông chủ và bà chủ cùng tiếp đãi khách khứa. Cả hai đều được giáo dục như nhau, cả hai đều lịch sự ngang nhau, cả hai cùng có tâm hồn và thị hiếu như nhau, cả hai đều vồn vã bởi cùng một ham muốn được tiếp đãi chu đáo bạn bè của mình, và để lúc tiễn khách thì ai cũng hài lòng về vợ chồng họ. Người chồng không hề bỏ sót một lo toan ân cần nào để chú ý đến mọi điều: Ông đi đi lại lại, đi vòng quanh, tự nguyện nhận vô số vất vả; ông muốn hết sức quan tâm chú ý. Người vợ ngồi yên một chỗ, mọi người tụ tập quanh bà thành một nhóm nhỏ, và gần như đám tụ hội này che khuất phần còn lại của cử toạ với bà; ấy thế mà không có gì xảy ra mà bà không nhận thấy, không có ai ra khỏi đó mà không từng được bà tiếp chuyện, bà không bỏ sót một điều gì có thể khiến mọi người quan tâm hứng thú; bà không hề nói với ai một điều mà người ấy không ưa; và không hề đảo lộn trật tự, người thấp kém nhất trong bọn cũng không bị lãng quên như người cao sang nhất. Bữa ăn đã được bày ra, người ta ngồi vào bàn. Ông chồng biết rõ những người hợp nhau, xếp họ ngồi theo như ông biết; người vợ tuy chẳng biết gì, nhưng cũng sẽ không lầm đâu; bà ta đã đọc được qua các con mắt, qua tư thái, mọi sự phù hợp với nhau và ai cũng thấy mình được xếp vào chỗ như ý mình muốn. Tôi không nói gì về việc phục vụ bàn, không có ai bị bỏ quên. Ông chủ nhà đi quanh bàn ăn đã có thể thấy không quên ai, nhưng bà vợ đoán ra món mà người ta nhìn với sự thích thú và tiếp món ấy cho bạn; trong khi nói chuyện với người ngồi bên cạnh thì bà để mắt đến tận cuối bàn; bà nhận ra ai không ăn gì vì họ chưa đói, và ai là người ngại không dám lấy thức ăn hay yêu cầu phục vụ vì họ vụng về hay nhút nhát. Khi ra khỏi bàn ăn, ai cũng tin rằng bà chủ nhà chỉ nghĩ đến riêng mình; mọi người cứ nghĩ rằng bà ta chẳng có thì giờ để mà ăn lấy một miếng thôi; nhưng sự thực là bà ta ăn nhiều hơn bất cứ ai.

Khi mọi người đã ra về, người ta nói về sự việc đã xảy ra. Ông chồng nhắc lại điều người ta đã nói với ông, điều mà người ta nói và làm khi ông ta tiếp họ. Nếu người vợ không luôn chính xác hơn trong việc đó, thì trái lại bà ta còn trông thấy những gì được nói rất khẽ ở đầu phòng đàng kia, bà biết người này đã nghĩ gì, câu nói như thế và cử chỉ như thế dính líu đến chuyện gì; một động tác biểu cảm chỉ vừa phác ra là bà đã có cách thuyết giải sẵn sàng, và hầu như bao giờ cũng phù hợp với sự thực.

Cùng một thần thái ấy làm cho một người đàn bà của giới thượng lưu xuất sắc trong nghệ thuật coi sóc việc nhà, làm cho một bà xuất sắc trong nghệ thuật làm đỏm phỉnh phờ biết bao nhiêu là gã si tình. Thủ pháp của thói làm đỏm đòi hỏi một sự suy xét còn tinh tế hơn của phép lịch sự: Bởi vì, miễn rằng một người đàn bà lịch sự nhã nhặn cư xử như thế với tất cả mọi người, thì bà ta đã luôn luôn cư xử đủ tốt; còn người đàn bà làm đỏm thì mau chóng mất đi quyền thống trị của mình do cái đơn điệu vụng về ấy; do cứ muốn làm ơn cho tất cả các nhân tình của mình, bà ta sẽ làm cho tất cả bọn họ chán ghét. Trong xã hội, cái cung cách mà người ta đem xử sự với tất cả mọi người chẳng khỏi khiến ai cũng thích hết; miễn là họ được đối xử tốt, họ sẽ không xét nét quá đến các sự ưu ái; còn trong tình yêu thì một sự sủng ái mà không phải là độc hữu lại là một sự lăng nhục. Một người đàn ông nhạy cảm sẽ thích gấp trăm lần thà riêng một mình bị ngược đãi còn hơn là được vuốt ve mơn trớn chung với tất cả những người đàn ông khác, và điều tệ hại có thể đến với anh ta là không hề được phân biệt. Vậy một người đàn bà muốn duy trì nhiều nhân tình phải thuyết phục mỗi người trong bọn họ rằng cô yêu anh hơn và phải thuyết phục anh ta về điều đó ngay trước mắt tất cả các nhân tình khác mà cô cũng đã từng thuyết phục họ như thế trước mắt anh ta.

Quý vị có muốn thấy một nhân vật bị bối rối thì hãy đem đặt một ông giữa hai bà mà ông ta đã từng có những quan hệ bí mật với cả hai, rồi xin hãy quan sát xem ông ta sẽ có bộ mặt thộn đến thế nào. Cũng trong trường hợp y như thế xin hãy đặt một bà giữa hai ông, và chắc chắn là tấm gương này sẽ chẳng phải là hiếm hơn đâu; quý vị sẽ phải thán phục đến kinh ngạc về sự khéo léo mà bà ta đem ra lừa cả hai người và làm cho người nọ sẽ chê cười người kia. Thế thì nếu người đàn bà ấy mà chứng tỏ với họ cùng một lòng tin và quan hệ với họ bằng cùng một mối thân tình thì làm thế nào mà họ lại bị cô ta lừa đảo trong chốc lát? Trong khi đối xử với họ như nhau thì cô ta chẳng tỏ cho họ thấy rằng họ có quyền như nhau với cô đấy ư! Cô ta xử sự còn hơn thế nhiều! Không những là không đối xử với họ theo cùng một cung cách, mà cô cố tình đặt giữa họ một sự bất bình đẳng; cô ta làm khéo đến nỗi anh chàng được cô phỉnh phờ tin rằng đó là sự âu yếm, còn anh chàng bị cô ngược đãi tin rằng đó là do hờn dỗi. Thế là mỗi anh đều bằng lòng với phận mình, coi như cô vẫn luôn luôn quan tâm đến mình, trong khi cô ta chỉ quan tâm đến có mỗi một mình cô ta thôi.

Trong cái khát vọng phổ biến là được yêu thích, thói làm đỏm gợi ra những cách tương tự nhau: Những ý thích thất thường sẽ chỉ làm cho người ta chán ngán, nếu chúng không được gìn giữ cho khéo, và chính là bằng cách phân phát những điều thất thường ấy một cách có nghệ thuật mà cô ta tạo ra được những xiềng xích vững chắc nhất cho các nô lệ của mình.

Usa og’n arte la donna, onde sia colte

Nella sua rete alain novello amante;

Né con tutti, né sempre volto

Serba; ma cangia a tempo atto e sembiante[279].

Toàn bộ nghệ thuật này gắn bó với cái gì nếu không phải là những quan sát tinh tế và liên tục làm cho cô thấy được ở mỗi lúc điều gì đang diễn ra trong lòng người đàn ông, và khiến cô rắp tâm đưa vào từng động thái thầm kín mà cô nhận ra cái sức mạnh cần thiết để chặn lại hoặc đẩy nhanh động thái thầm kín ấy? Thế thì cái nghệ thuật này có học được chăng? Không; nghệ thuật này đàn bà bẩm sinh đã có; mọi người đàn bà đều có, và chẳng bao giờ đàn ông có được nó ở ngang tầm với đàn bà. Đó là một trong những tính cách biệt hoá của giới. Sự nhanh trí, sự sáng suốt, những quan sát tinh tế đều là khoa học riêng của đàn bà; sự khéo léo để nhờ điều đó mà vượt trội là tài năng của họ.

Vậy nghệ thuật ấy là cái gì, và ta đã thấy vì sao nó phải như thế. Người ta bảo chúng ta rằng những người đàn bà đều là giả dối. Họ tiến triển thành như thế. Thiên phú riêng của họ là sự khéo léo chứ không phải là tính giả dối: Trong những khuynh hướng thực của giới mình, ngay cả trong khi nói dối, họ cũng không hề giả dối. Tại sao quý vị lại xét nét cái miệng họ, trong khi chẳng phải là nó phải nói? Xin hãy kiểm tra cặp mắt họ, sắc da họ, nhịp thở của họ, thái độ e lệ của họ, sự chống đỡ yếu ớt của họ: Đấy mới là cái ngôn ngữ mà tự nhiên ban cho họ để giải đáp cho quý vị. Cái miệng thì luôn nói không, và phải nói thế; nhưng ngữ điệu gắn liền với lời nói ấy không phải bao giờ cũng như nhau, và cái ngữ điệu ấy thì không hề biết nói dối. Người đàn bà phải chăng là không có cùng những nhu cầu giống như của đàn ông, song không có quyền như đàn ông để mà biểu lộ ra? Số phận của họ thật là bạc bẽo, nếu như, ngay cả trong những ham muốn chính đáng, cô ta không có được một ngôn ngữ tương đương với ngôn ngữ mà cô ta không dám sử dụng. Có phải sự bẽn lẽn của cô khiến cô phải khổ sở không? Phải chăng cô không cần đến một nghệ thuật để truyền đạt các khuynh hướng của mình mà không làm lộ chúng ra? Phải chăng cô không cần đến một sự khéo léo như thế nào đó để làm cho người ta lấy trộm của cô cái mà cô nóng lòng muốn ưng thuận! Cô cần biết mấy việc học cách làm xúc động trái tim đàn ông mà không lộ vẻ nghĩ đến anh ta! Quả táo của Galateé[280] và sự Chạy trốn vụng về của nàng chẳng phải là những lời nói ý nhị biết mấy ư! Nàng còn phải thêm gì vào những điều ấy nữa? Liệu nàng có nói với chàng chăn cừu đang đi theo nàng giữa những cây liễu rằng nàng chỉ chạy trốn là để cố tình thu hút anh ta không? Có thể nói rằng nàng sẽ nói dối; bởi vì lúc ấy nàng sẽ không còn quyến rũ anh ta nữa. Một người đàn bà càng thận trọng thì lại càng phải có nghệ thuật, ngay cả với chồng mình. Vâng, tôi tán thành rằng khi giữ được thói làm đỏm trong giới hạn của nó, ta biến nó thành khiêm nhường và thực lòng, ta làm cho nó thành luật của phép lịch sự.

Một trong các đối thủ của tôi đã nói rất đúng rằng đức hạnh là một thể đơn nhất; ta không thể chia tách nó ra được để chấp nhận một phần còn thì vứt bỏ phần kia đi. Khi ta yêu mến nó, ta quý mến nó trong toàn bộ tổng thể của nó; và ta không yêu mến khi ta có thể, và bao giờ ta cũng không nói ra những cảm nhận mà ta không nên có. Chân lý đạo đức không phải là cái đang tồn tại mà là cái tốt; cái gì xấu không thể được coi là có đạo đức và không nên được bộc lộ ra, nhất là khi sự bộc lộ này cho một hậu quả mà nếu không bộc lộ thì làm gì có hậu quả ấy. Nếu tôi đã từng muốn ăn cắp, và bằng cách nói lên điều ấy tôi cám dỗ một người khác làm kẻ đồng loã với mình, thì nói rõ ý đồ của tôi chẳng phải là thất bại và không cưỡng nổi sự cám dỗ ấy sao? Tại sao quý vị lại nói rằng sự e lệ của người đàn bà biến cô ta thành ra giả dối? Những người đàn bà ít bẽn lẽn e lệ nhất liệu có thật thà hơn những người đàn bà khác chăng? Còn xơi mới được như thế, họ còn giả dối hơn đến hàng ngàn lần. Người ta chỉ đi đến mức hư hỏng này do các thói hư tật xấu, mà người ta không sao rời bỏ, và chúng chỉ ngự trị được, nhờ những mánh lới và sự dối trá[281]. Trái lại, những người đàn bà nào còn biết xấu hổ, không hề tự hào về lầm lỗi của mình, biết che giấu ham muốn của mình ngay với cả những người khêu gợi lên ham muốn ấy, những người đàn bà mà thú nhận các ham muốn của mình khó khăn nhất, kể ra thì họ là những người thật thà nhất, chân thành nhất, kiên định nhất trong mọi hứa hẹn của họ và nói chung là những người đàn bà có thể đáng tin cậy nhất.

Tôi chỉ biết có mỗi một mình cô de l’Enclos là ta có thể coi như một ngoại lệ rõ ràng cho các nhận xét này. Cho nên cô de l’Enclos đã được coi là một người phi phàm. Người ta bảo rằng cô xem thường các đức hạnh của nữ giới và gìn giữ những đức tính của chúng ta: Họ ca ngợi tính thật thà của cô, tính cương trực của cô, sự vững vàng trong giao lưu của cô, sự trung thành trong tình bạn; cuối cùng để hoàn tất bức tranh về danh tiếng của cô, người ta nói rằng cô đã được biến thành đàn ông. Tốt thôi. Nhưng với tất cả những danh tiếng tốt của cô, tôi sẽ không muốn người đàn ông này làm bạn trai của mình hơn là làm người tình của mình.

Dường như tất cả chuyện này không quá lạc đề. Tôi thấy các châm ngôn của triết học hiện đại hướng về đâu khi cười nhạo tính e lệ của nữ giới và sự giả dối mạo nhận của họ; và tôi thấy ảnh hưởng chắc chắn nhất của thứ triết học này sẽ là tước bỏ chút gì là danh dự còn lại của đàn bà ở thế kỷ chúng ta.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.