Émile Hay Là Về Giáo Dục

QUYỂN HAI P1



Đấy là thời kỳ thứ hai của cuộc đời, và là thời kỳ mà tuổi thơ chấm dứt; bởi các từ infans (thơ ấu) và puer (nhi đồng) không đồng nghĩa. Từ thứ nhất được bao gồm trong từ sau, và có nghĩa người không nói được: Bởi thế mà trong Valère Maxime[44] ta thấy puerum infantem. Nhưng tôi tiếp tục dùng từ này theo tập quán ngôn ngữ của chúng ta, cho đến độ tuổi mà nó mang những tên gợi khác.

Khi trẻ em bắt đầu nói, chúng khóc ít hơn. Bước tiến này mang tính tự nhiên: Ngôn ngữ nọ thay thế cho ngôn ngữ kia. Chúng có thể nói được bằng lời rằng chúng đau, thì tại sao chúng lại nói điều ấy bằng tiếng kêu khóc, trừ khi cái đau quá gay gắt thành thử lời lẽ không diễn tả được? Nếu vào thời gian đó trẻ vẫn tiếp tục khóc, thì đó là lỗi của những người xung quanh chúng. Một khi Émile nói được rằng: Con đau, thì phải có những đau đớn hết sức gay gắt mới buộc được nó phải khóc.

Nếu đứa trẻ yếu ớt, nhạy cảm, tự nhiên kêu khóc chẳng vì cái gì hết, thì bằng cách khiến cho những tiếng kêu khóc ấy thành vô bổ và không hiệu quả, tôi làm cạn kiệt ngay ngọn nguồn của chúng. Nó còn khóc, tôi còn không đến với nó; nó vừa nín lặng là tôi chạy tới ngay. Chẳng bao lâu cách nó gọi tôi sẽ là nín lặng, hoặc cùng lắm là chỉ khóc lên một tiếng thôi. Trẻ xét đoán ý nghĩa các dấu hiệu của chúng qua hiệu quả thấy được của những dấu hiệu này, với chúng không hề có quy ước nào khác: dù đứa trẻ tự làm mình đau đến mấy, nếu ở một mình rất hiếm khi nó khóc, trừ phi nó hy vọng được mọi người nghe thấy.

Nếu nó ngã, nếu nó bị bươu đầu, nếu nó chảy máu cam, nếu nó bị đứt tay, thì thay vì rối rít quanh nó với vẻ hoảng hốt, tôi sẽ giữ bình tĩnh, ít ra một chút thời gian. Điều tệ hại đã xảy ra rồi, nó chịu đựng điều ấy là một tất yếu; tất cả sự sốt sắng của tôi chỉ có tác dụng làm nó hoảng sợ thêm và tăng tính mẫn cảm nơi nó. Kỳ thực, khi người ta làm mình bị thương, miếng đòn gây khổ não ít hơn là cái sợ. Ít ra tôi cũng tránh cho nó nỗi lo âu sau; bởi chắc chắn nó sẽ xét đoán về cái đau của mình như nó thấy tôi xét đoán về điều ấy; nếu nó thấy tôi lo lắng chạy vội đến, dỗ dành nó, thương xót nó, thì nó sẽ cho rằng mình nguy rồi; nếu nó thấy tôi vẫn giữ bình tĩnh, thì lập tức nó lấy lại được sự bình tĩnh, và nó sẽ cho là cái đau đã khỏi khi nó không cảm thấy đau nữa. Chính ở độ tuổi này người ta học những bài học đầu tiên về lòng dũng cảm, và, bằng cách chịu đựng không hoảng sợ những đau đớn nhẹ, người ta tập chịu đựng dần từng mức độ những nỗi đau lớn.

Chẳng chú ý tránh cho Émile khỏi bị thương, tôi còn rất phiền lòng nếu nó không bị thương bao giờ, và lớn lên mà không biết cái đau. Đau đớn là điều đầu tiên Émile phải học, và là điều nó sẽ cần hiểu biết hơn cả. Dường như trẻ em chỉ bé nhỏ và yếu ớt để học những bài học quan trọng này mà không bị nguy hiểm. Nếu đứa trẻ ngã, nó sẽ không làm mình gãy chân, nếu nó tự đánh bằng gậy, nó sẽ không làm mình gãy tay; nếu nó tóm lấy một miếng sắt sắc cạnh, nó sẽ chẳng xiết chặt lắm, và sẽ không làm mình bị cứa sâu. Tôi không biết có bao giờ người ta thấy trẻ em để tự do thoải mái mà tự làm mình chết, què quặt, hay bị đau rất nhiều, trừ phi ta vô ý để trẻ trên những chỗ cao, hoặc một mình bên lửa, hoặc có những dụng cụ nguy hiểm trong tầm tay của nó. Biết nói gì đây về những kho máy móc mà người ta tập hợp quanh một đứa trẻ để trang bị cho nó đủ thứ chống lại cái đau, cho đến khi là người lớn, nó vẫn ở dưới quyền định đoạt của cái đau, không có kinh nghiệm không có lòng dũng cảm, bị chích một cái đã tưởng mình chết và ngất đi khi nhìn thấy giọt máu đầu tiên của mình?

Cái tật giáo huấn và thông thái rởm của chúng ta là luôn luôn dạy cho trẻ những điều mà tự chúng học lấy tốt hơn nhiều, và quên mất những điều mà chỉ có chúng ta mới dạy bảo được cho chúng. Còn gì ngu ngốc hơn là nhọc công dạy cho chúng đi, cứ như đã từng thấy ai đó, do vú nuôi sao nhãng, mà lớn lên không biết đi? Ngược lại ta đã thấy bao người có dáng đi xấu suốt đời, vì người ta đã dạy họ đi không đúng cách!

Émile sẽ không có mũ trùm nhồi bông, không có vòng tập đi, không có xe tập đi, không giải buộc để dắt; hoặc ít ra, ngay từ khi nó bắt đầu biết đặt bàn chân nọ lên trước bàn chân kia, thì người ta sẽ chỉ đỡ nó ở những chỗ có lát đá, và người ta chỉ đi vội qua những chỗ đó mà thôi[45]. Thay vì để nó bị giam hãm trong không khí tù đọng của một căn phòng, hãy dẫn nó hàng ngày ra giữa cánh đồng. Ở đó, cho nó chạy, nó nô đùa nhảy nhót, cho nó ngã hàng trăm lần mỗi ngày, càng hay; nó sẽ học được sớm hơn cách đứng dậy. Trạng thái khoan khoái dễ chịu khi được thoải mái tự do bù đắp được rất nhiều thương tích. Học trò của tôi sẽ nhiều khi bị trầy da chảy máu; bù lại, nó sẽ luôn vui vẻ. Nếu học trò của các vị ít trầy da chảy máu hơn, thì chúng lại luôn bị ngăn trở, luôn bị bó buộc, luôn buồn bã. Tôi không chắc cái lợi ở về phía chúng.

Một bước tiến nữa khiến trẻ bớt cần than vãn: Đó là sự tăng tiến của sức lực chúng. Tự bản thân có thể làm được nhiều điều hơn, chúng bớt thường xuyên cần người khác giúp. Cùng với sức lực, là sự phát triển của tri thức khiến chúng có thể điều khiển sức lực ấy. Chính ở cấp độ hai này, cuộc sống của cá nhân mới thực sự bắt đầu; chính lúc đó cá nhân mới ý thức được chính mình. Ký ức mở rộng cảm nhận về tính đồng nhất bản ngã ra mọi khoảnh khắc của cuộc đời; cá nhân thực sự trở thành chỉ có một, cùng là một người, và do đó đã có khả năng hạnh phúc hay khốn khổ. Vậy điều quan trọng là ở đây cần bắt đầu coi cá nhân ấy như một hữu thể tinh thần.

Mặc dù người ta xác định kỳ hạn gần như dài nhất của đời người và xác suất đến gần được kỳ hạn này ở mỗi độ tuổi, song chẳng có gì bấp bênh vô định bằng thời gian mỗi đời người nói riêng; rất ít người đạt được kỳ hạn dài nhất nọ. Những hiểm nguy lớn nhất của cuộc sống ở vào bước đầu của nó; càng sống chưa lâu bao nhiêu, hy vọng được sống lại càng ít bấy nhiêu. Trong số trẻ em sinh ra, nhiều lắm là một nửa đến được tuổi thanh niên; và học trò các vị có thể không đạt tới tuổi của người trưởng thành.

Vậy phải nghĩ gì đây về sự giáo dục man rợ hy sinh hiện tại cho một tương lai vô định, sự giáo dục bắt đứa trẻ mang đủ loại xiềng xích, và khởi đầu bằng việc làm nó thành khốn khổ, để chuẩn bị từ xa cho nó một thứ hạnh phúc gì chẳng biết mà có lẽ nó sẽ chẳng bao giờ thụ hưởng? Dù tôi có cho sự giáo dục này là hợp lý ở mục tiêu của nó, thì cũng làm sao khỏi công phẫn khi nhìn những kẻ bất hạnh tội nghiệp phải mang cái ách không chịu nổi, bị buộc làm việc liên miên như tù khố sai, mà không được chắc chắn rằng bao nhiêu chăm sóc ấy liệu có khi nào hữu ích cho chúng! Tuổi của sự vui tươi trôi qua giữa những khóc lóc, trừng phạt, dọa nạt, tình trạng nô lệ. Người ta làm khó kẻ bất hạnh vì điều tốt cho hắn; và người ta không nhìn thấy cái chết mà người ta vời gọi, và nó sắp tóm lấy hơn giữa bộ máy buồn thảm nọ. Ai biết được bao nhiêu trẻ em bị tiêu vong, là nạn nhân của sự khôn ngoan điên cuồng vô lý ở một người cha hay một người thầy? Sung sướng vì thoát khỏi sự tàn ác của người đó, điều lợi duy nhất chúng rút được từ những nỗi nhọc nhằn họ đã bắt chúng chịu là chết đi không nuối tiếc cuộc đời mà chúng chỉ biết có dằn vặt khổ đau mà thôi.

Hỡi những con người, xin hãy nhân đạo, đó là bổn phận đầu tiên của các vị; xin hãy nhân đạo với mọi thân phận, với mọi lứa tuổi, với tất cả những gì không xa lạ với con người. Có sự khôn ngoan nào cho các vị ngoài tính nhân đạo? Hãy yêu mến tuổi thơ; hãy ủng hộ các trò chơi của nó, các niềm vui của nó, bản năng dễ thương của nó. Ai trong các vị chẳng đôi khi từng tiếc nuối cái tuổi mà tiếng cười luôn ở trên môi, mà tâm hồn luôn an bình? Tại sao các vị lại muốn tước đi của những đứa bé ngây thơ ấy sự thụ hưởng khoảng thời gian hết sức ngắn ngủi đang tuột khỏi chúng, và thụ hưởng điều tốt lành hết sức quý giá mà chúng không thể lạm dụng? Tại sao các vị lại muốn làm tràn đầy cay đắng và đau khổ những tháng năm đầu tiên qua đi rất nhanh, sẽ không bao giờ trở lại với chúng cũng như không thể trở lại cho các vị? Hỡi các ông bố, các ông có biết được thời khắc cái chết chờ đợi con cái mình hay không? Đừng chuẩn bị cho mình những hối tiếc khi tước đi của con cái những khoảnh khắc ít ỏi mà thiên nhiên ban tặng chúng: Ngay khi chúng vừa có thể cảm nhận niềm vui được tồn tại, xin hãy làm sao cho chúng thụ hưởng điều đó; xin hãy làm sao cho đến giờ khắc Chúa gọi, chúng không chết đi mà chưa từng được thưởng thức sự sống.

Biết bao tiếng nói sẽ cất lên chống lại tôi! Tôi nghe thấy từ xa những lời la lối của sự khôn ngoan sai lầm nó không ngớt khiến chúng ta phát điên, nó luôn coi hiện tại chẳng ra gì, và do không ngừng theo đuổi một tương lai mà ta tiến lên đến đâu nó lại lẩn tránh đến đó, do cứ ra sức đem chúng ta đến nơi mà ta không tồn tại, sự khôn ngoan này đang đem chúng ta đến nơi mà ta sẽ không bao giờ tồn tại.

Các vị sẽ trả lời tôi rằng, đó chính là thời gian để sửa chữa những khuynh hướng xấu của con người; chính trong tuổi thơ, khi các nỗi khổ sở ít được cảm thấy nhất, cần gia tăng các nỗi khổ, để tránh được chúng trong tuổi biết nghĩ. Nhưng có ai bảo các vị rằng tất cả sự sắp đặt này là tùy ở các vị, rằng tất cả những học vấn đẹp đẽ mà các vị dồn lên đầu óc yếu ớt của một đứa trẻ một ngày nào đó sẽ không tai hại cho nó hơn là hữu ích? Ai đảm bảo với các vị là các vị tránh được điều gì đó nhờ bao nhiêu ưu sầu mà các vị đem lại cho đứa trẻ? Tại sao các vị lại cho nó nhiều nỗi khổ hơn những nỗi khổ mà tình trạng của nó kham được, trong khi chẳng biết chắc là những nỗi khổ hiện tại gánh đỡ cho tương lai? Và làm thế nào các vị chứng tỏ được cho tôi rằng những khuynh hướng xấu mà các vị bảo là chữa khỏi cho nó lại không từ những chăm sóc bị hiểu lầm của các vị mà ra, hơn là tự nhiên? Sự lo xa tai hại, khiến một sinh thể khốn khổ trong hiện tại, với niềm hy vọng thích đáng hay bất thích đáng là một ngày kia khiến nó hạnh phúc! Nếu những nhà lý luận thông tục này lẫn lộn sự phóng túng với tự do, lẫn lộn đứa trẻ được làm cho hạnh phúc với đứa trẻ được nuông chiều, thì ta hãy dạy cho họ phân biệt những điều ấy.

Để không chạy theo những ảo ảnh hão huyền, ta đừng quên những gì phù hợp với thân phận chúng ta. Nhân loại có vị trí của nó trong trật tự của sự vật; tuổi thơ có vị trí của nó trong trật tự của đời người: Phải xem xét người lớn trong người lớn, và xem xét đứa trẻ trong đứa trẻ. Chỉ định cho mỗi người vị trí của người ấy và xác định cho người ấy ở đó, chỉnh đốn các đam mê của con người theo thể chất của con người, đó là tất cả những gì ta có thể làm cho sự an lạc của họ. Điều còn lại tùy thuộc những nguyên nhân bên ngoài không hề nằm trong quyền hạn của ta.

Chúng ta không biết thế nào là hạnh phúc hay bất hạnh tuyệt đối. Mọi sự đều hòa trộn trong cuộc đời này; ở đó người ta không nếm trải một cảm giác nào thuần túy, người ta không ở hai khoảnh khắc trong cùng một trạng thái. Các tình cảm của tâm hồn chúng ta, cũng như những biến đổi của thân thể chúng ta, ở tình trạng biến chuyển liên miên. Cái tốt và cái xấu là chung cho tất cả chúng ta, nhưng với những mức độ khác nhau. Người sung sướng nhất là người cảm thấy ít buồn khổ nhất; người khốn khổ nhất là người cảm thấy ít niềm vui nhất. Bao giờ đau khổ cũng nhiều hơn lạc thú: Đó là điều khác biệt chung cho tất cả. Vậy hạnh phúc của con người nơi trần thế này chỉ là một trạng thái phủ định; phải ước lượng hạnh phúc ấy bằng số lượng ít nhất những nỗi khổ mà con người chịu đựng.

Mọi cảm giác buồn khổ đều không tách rời mong muốn tự giải thoát khỏi nó; một ý niệm về lạc thú đều không tách rời mong muốn hưởng thụ nó; mọi mong muốn đều giả định rằng có sự thiếu thốn, và tất cả những thiếu thốn mà ta cảm nhận thấy đều nặng nề; vậy nỗi khốn khổ của ta là ở tình trạng bất tương xứng giữa mong muốn và khả năng của ta. Một sinh thể có cảm giác mà khả năng ngang với mong muốn sẽ là một sinh thể tuyệt đối hạnh phúc.

Vậy sự khôn ngoan của con người hay bước đường dẫn tới hạnh phúc thực sự là gì? Chắc chắn đó không phải là giảm bớt mong muốn ở chúng ta; bởi, nếu mong muốn thấp hơn sức mạnh của ta, thì một phần năng lực của ta sẽ nhàn rỗi, và ta sẽ không hưởng dụng hết bản thể của mình. Cũng không phải là khuếch trương năng lực của chúng ta, bởi nếu mong muốn của ta đồng thời cũng khuếch trương với tỷ lệ lớn hơn, thì ta chỉ càng trở nên khốn khổ hơn thôi: mà con đường đó chính là giảm bớt sự thái quá của mong muốn đối với khả năng, là khiến cho sức mạnh và ý muốn hoàn toàn ngang bằng nhau. Chỉ lúc ấy một sức lực mới đều hoạt động, mà tâm hồn vẫn an bình, và con người sẽ hoàn toàn cân bằng.

Thiên nhiên, vốn làm mọi điều đều mỹ mãn, thoạt tiên đã tạo lập con người như vậy. Thiên nhiên chỉ trực tiếp cho con người những mong muốn cần thiết cho việc bảo tồn nó và những năng lực đủ để thỏa mãn các mong muốn này. Thiên nhiên đã để mọi mong muốn khác như thể dự trữ trong đáy tâm hồn con người, để chúng phát triển lên ở đó khi cần. Chỉ trong trạng thái nguyên sơ này mới gặp được sự cân bằng giữa mong muốn và có thể, và con người mới không khổ sở. Ngay khi những năng lực ở dạng tiềm thế của con người vừa bước vào hoạt động, là trí tưởng tượng, năng lực tích cực nhất trong mọi năng lực, liền thức tỉnh và vượt lên được các năng lực khác. Chính trí tưởng tượng mở rộng cho chúng ta phạm vi những điều có thể, hoặc về cái tốt hoặc về cái xấu, và do đó, kích thích và nuôi dưỡng các mong muốn bằng hy vọng thỏa mãn được chúng. Nhưng mục tiêu mới đầu có vẻ như trong tầm tay lại trốn chạy nhanh hơn mức ta có thể đuổi theo; khi ta tưởng mình đạt tới nó, nó liền biến hình và lấp ló xa xa phía trước ta. Vì không còn nhìn thấy miền đất đã đi qua được rồi, chúng ta chẳng coi nó ra gì; miền đất còn phải đi cứ lớn lên, trải rộng ra không ngừng. Cứ như vậy người ta kiệt sức mà không đi tới đích; và ta càng được về sự hưởng thụ, thì hạnh phúc càng xa chúng ta.

Ngược lại, con người càng gần với điều kiện tự nhiên của mình, thì sự khác biệt giữa năng lực và mong muốn của anh ta càng nhỏ, và do đó anh ta càng ít xa với hạnh phúc. Khi anh ta có vẻ như không có tất cả mọi thứ là khi anh ta ít khốn khổ hơn bao giờ hết; bởi nỗi khốn khổ không ở sự thiếu thốn các thứ, mà ở nhu cầu cảm thấy đối với các thứ đó.

Thế giới hiện thực có những giới hạn của nó, thế giới tưởng tượng là vô tận; vì không thể mở rộng được thế giới nọ, thì ta hãy thu hẹp thế giới kia; bởi chỉ từ sự khác biệt giữa hai thế giới mà nảy sinh mọi nỗi khổ khiến chúng ta thành bất hạnh thật sự. Hãy trừ đi sức lực, sự khỏe mạnh, chứng cứ tốt đẹp về bản thân, thì mọi điều hay của cuộc đời này đều ở sự kiến giải; hãy trừ đi những đau đớn của thân thể và những ân hận của lương tâm, thì mọi nỗi khổ của chúng ta đều do tưởng tượng. Mọi người sẽ bảo rằng, nguyên lý này là thông thường; tôi đồng ý như thế; nhưng sự thực hành ứng dụng lại không thông thường; mà ở đây chỉ bàn duy nhất về sự thực hành.

Khi người ta bảo rằng con người yếu đuối, người ta muốn nói lên điều gì? Cái từ yếu đuối chỉ một quan hệ, quan hệ của sinh thể được người ta áp dụng từ này. Sinh thể mà sức lực vượt quá nhu cầu, dù đó là một cô n trùng, một con sâu là một sinh thể mạnh; sinh thể mà nhu cầu vượt quá sức lực, dù đó là một con voi, một con sư tử, dù đó là một nhà chinh phục, một anh hùng, dù đó là một vị thần, đó là một sinh thể yếu. Thiên thần nổi loạn không nhận ra bản chất thật của mình yếu đuối hơn con người trần thế hạnh phúc sống an bình theo bản chất của anh ta. Con người rất mạnh khi bằng lòng là cái mình là; anh ta rất yếu khi muốn vươn lên trên nhân loại. Vậy xin các vị đừng hình dung rằng khi khuếch trương các năng lực của mình là các vị khuếch trương sức mạnh; trái lại, các vị giảm đi sức mạnh, nếu lòng kiêu ngạo của các vị khuếch trương nhiều hơn những sức mạnh ấy. Hãy ước lượng bán kính của phạm vi quyền hạn chúng ta, và hãy ở vào giữa như con cô n trùng ở giữa mạng lưới của nó; ta sẽ luôn đủ cho ta, và sẽ không hề phải phàn nàn về sự yếu đuối của mình, bởi ta sẽ chẳng bao giờ cảm thấy nó.

Tất cả các động vật đều có đúng những năng lực cần thiết để tự bảo tồn. Chỉ riêng con người là có năng lực thừa. Có hết sức lạ lùng chăng khi sự dư thừa ấy lại là điều gây nên nỗi khốn khổ của con người? Ở mọi xứ sở, sức lực hai cánh tay con người đều có giá trị nhiều hơn cơm áo sinh nhai của anh ta. Nếu đủ khôn ngoan để chẳng đếm xỉa đến số dư này, anh ta sẽ luôn có được những thứ cần dùng, bởi anh sẽ chẳng bao giờ có cái gì thừa. Favorin bảo rằng các nhu cầu lớn nảy sinh từ những tài sản lớn; và nhiều khi cách tốt nhất để đem lại cho mình những thứ mình thiếu là bỏ đi những thứ mình có. Vì cứ ra sức tự hành hạ để gia tăng hạnh phúc của mình mà ta biến hạnh phúc ấy thành sự khốn khổ. Bất kỳ người nào chỉ muốn sống mà thôi, sẽ sống hạnh phúc; do vậy người ấy sống nhân hậu; bởi độc ác thì anh ta được lợi gì nào?

Nếu như chúng ta bất tử, chúng ta sẽ là những sinh thể rất khốn khổ. Chết đi, chắc hẳn là tàn khốc; nhưng thật êm dịu khi hy vọng rằng ta sẽ không sống mãi mãi, và một cuộc đời tốt đẹp hơn sẽ kết thúc những nhọc nhằn của cuộc đời này. Nếu người ta tặng cho chúng ta sự bất tử trên trần gian, ai là người[46] muốn nhận món quà đáng buồn ấy chứ? Phương kế nào, hy vọng nào, niềm an ủi nào sẽ còn lại với chúng ta, để chống với những khác nghiệt của số phận và những bất công của người đời? Kẻ dốt nát, chẳng dự liệu gì hết, ít cảm nhận thấy giá trị của cuộc sống, và ít sợ mất nó; người sáng suốt nhìn thấy những điều tốt đẹp có giá trị lớn hơn, được người đó ưu ái hơn cái giá trị kia. Chỉ có sự hiểu biết nửa vời và sự khôn ngoan sai lầm, kéo dài tầm nhìn của chúng ta đến cái chết, mà không vượt xa hơn nó, mới khiến cho cái chết trở thành tai hoạ tệ hại nhất đối với ta. Với người hiền minh, việc tất yếu phải chết chỉ là một lý do để chịu đựng những cực khổ của cuộc sống. Nếu ta không chắc chắn sẽ có ngày mất đi sự sống, thì việc duy trì nó sẽ quá tốn công lao.

Những nỗi khổ tinh thần của ta đều ở trong sự kiến giải cả, trừ một điều duy nhất, là tội ác; và điều này tùy thuộc ở ta: Những nỗi khổ vật chất tự tiêu hủy hoặc tiêu hủy ta. Thời gian hoặc cái chết là phương thuốc của ta; nhưng ta càng ít biết chịu đau đớn thì lại càng đau đớn nhiều hơn; và chúng ta tự hành hạ để chữa khỏi bệnh tật của mình nhiều hơn là bị hành hạ khi chịu đựng bệnh tật. Hãy sống theo tự nhiên, hãy kiên nhân, và hãy đuổi thầy thuốc đi; anh sẽ không tránh được cái chết, nhưng anh sẽ chỉ cảm thấy nó một lần thôi, trong khi các thầy thuốc ngày nào cũng đem cái chết đến cho ta tưởng tượng bị rối loạn nơi anh, và y thuật dối trá của họ, thay vì kéo dài những ngày tháng cho anh, lại tước đi của anh sự thụ hưởng những ngày tháng đó. Tôi luôn hỏi xem nghệ thuật ấy đã làm được cho con người điều tốt lành thực sự nào. Trong những người được nghệ thuật ấy chữa khỏi, một vài người sẽ chết, đúng thế; nhưng hàng triệu người mà nghệ thuật ấy làm hại vẫn sẽ sống. Hỡi con người biết lẽ phải, đừng chơi trò xổ số ấy, ở đó có quá nhiều cái rủi đối với anh. Hãy đau, hãy chết hoặc khỏi; nhưng cần nhất là hãy sống cho đến giờ phút cuối của mình.

Tất cả chỉ là điên rồ và mâu thuẫn trong các thể chế của loài người. Đời sống của chúng ta càng mất đi giá trị, ta càng áy náy lo lắng vì nó nhiều hơn. Những người già tiếc đời hơn đám trẻ; họ không muốn uổng phí những soạn sửa đã thực hiện để thụ hưởng cuộc sống; ở tuổi sáu mươi, thật ác nghiệt nếu chết trước khi bắt đầu sống. Người ta tưởng con người thiết tha yêu mến việc tự bảo tồn, và điều này có thật; nhưng người ta không thấy rằng sự yêu mến ấy, như ta thường cảm nhận, phần lớn là công trình của con người. Con người vốn chỉ lo tự bảo tồn chừng nào các phương kế bảo tồn thuộc quyền hạn của mình; ngay khi các phương kế này vừa tuột khỏi tầm tay, anh ta liền an lòng và chết đi mà không tự dằn vặt một cách vô bổ. Luật đầu tiên của sự nhẫn nhục đến với chúng ta từ tự nhiên. Người hoang dã, cũng như các con thú, rất ít giãy giụa chống lại cái chết, và chịu đựng nó hầu như không than thở. Luật này bị hủy diệt, thì một luật khác hình thành, đến từ lý trí; nhưng ít người biết rút luật đó ra từ ý tứ, và sự nhẫn nhục giả tạo này không bao giờ hoàn toàn và trọn vẹn như sự nhẫn nhục đầu tiên.

Sự lo xa! Sự lo xa không ngừng đem chúng ta vượt lên phía trước chúng ta, và thường đặt ta ở nơi mà ta sẽ chẳng hề đến được, đó là nguồn gốc thực sự mọi khốn khổ của chúng ta. Một sinh thể phù du tạm bợ như con người lại có cái thói thật kỳ là luôn nhìn ra xa về một tương lai rất hiếm khi tới, và sao nhãng hiện tại mà mình biết chắc! Cái thói càng ác hại hơn bởi nó không ngừng gia tăng cùng tuổi tác, và các cụ già, luôn đa nghi, lo xa, hà tiện, thích nhìn hôm nay những gì cần thiết hơn là một trăm năm sau thiếu những gì vô dụng. Chúng ta thiết tha với một thứ như vậy, chúng ta bám víu lấy mọi thứ như vậy; các thời gian, các nơi chốn, các con người, các sự vật, tất cả những gì đang tồn tại, tất cả những gì sẽ tồn tại, quan trọng với mỗi kẻ trong chúng ta; cá nhân chúng ta chỉ còn là một phần nhỏ tí của bản thân chúng ta. Có thể nói là mỗi người trải rộng mình ra trên toàn Trái đất, và trở nên nhạy cảm trên toàn bộ diện tích lớn lao này. Có gì là lạ khi các nỗi khổ của ta nhân lên gấp bội ở tất cả những điểm mà mọi người có thể làm ta tổn thương? Bao ông hoàng sầu não vì mất một xứ sở mà họ chưa từng nhìn thấy! Bao thương gia mà người ta chỉ cần động chạm đến Ấn Độ là đủ để họ kêu la lên ở Paris!

Có phải tự nhiên đem con người đi xa bản thân họ đến thế hay không? Có phải tự nhiên muốn cho con người biết được số phận mình qua các người khác, và đôi khi là kẻ biết cuối cùng, thành thử có người chết đi hạnh phúc hay khốn khổ mà chẳng biết chút gì về điều đó hay không? Tôi nhìn thấy một người tươi tắn, vui vẻ, cường tráng, khỏe mạnh; sự hiện diện của người ấy khơi gợi niềm vui; mắt người ấy biểu lộ sự hài lòng, niềm an lạc; người ấy mang theo mình hình ảnh của hạnh phúc. Một lá thư từ bưu điện đến; con người hạnh phúc nhìn bức thư, nó được gửi cho người ấy, người ấy mở ra, đọc thư. Lập tức thần sắc người ấy thay đổi; người ấy tái mặt đi, ngất xỉu. Tỉnh lại, người ấy khóc lóc, giãy giụa, rền rĩ, dứt tóc, kêu gào vang dội, người ấy như bị co giật. Kẻ điên cuồng mất trí! Mảnh giấy kia đã làm hại gì anh thế? Nó đã làm mất của anh cái chân cái tay nào? Nó đã khiến anh phạm tội ác gì? Rốt cuộc nó đã thay đổi gì trong bản thân anh để đẩy anh vào tình trạng mà tôi đang thấy đây?

Giả sử lá thư bị thất lạc, giả sử một bàn tay nhân ái ném nó vào ngọn lửa, thì số phận con người vừa hạnh phúc vừa bất hạnh đồng thời kia, dường như là một vấn đề lạ lùng. Các vị sẽ bảo rằng nỗi bất hạnh của anh ta có thực. Rất đúng, nhưng anh ta không cảm thấy nó. Vậy nó ở đâu? Hạnh phúc của anh ta là tưởng tượng. Ý tôi muốn nói sức khỏe, sự vui tươi, niềm an lạc, sự hài lòng trong tâm trí, chỉ còn là những ảo ảnh. Chúng ta không còn tồn tại ở nơi ta đang hiện hữu, chúng ta chỉ tồn tại ở nơi ta không hiện hữu. Miễn sao những gì chúng ta đang sống vẫn còn đấy, thì có bõ công sợ hãi cái chết đến thế hay không?

Hỡi con người! Hãy thu hẹp sự tồn tại của anh vào bên trong anh, thế là anh sẽ không khốn khổ nữa. Hãy ở lại chỗ mà tự nhiên chỉ định cho anh trong chuỗi quan hệ của các sinh thể, sẽ chẳng điều gì làm được cho anh ra khỏi đó; đừng chống lại quy luật khắc nghiệt của tất yếu, và đừng làm kiệt quệ, vì cứ muốn cưỡng lại quy luật ấy, những sức lực mà trời ban cho anh không phải để mở rộng hoặc kéo dài sự tồn tại của anh, mà chỉ để bảo tồn nó theo như ý trời và được bao nhiêu tùy trời. Tự do của anh, quyền lực của anh, chỉ trải ra xa rộng ngang tầm sức lực tự nhiên của anh, mà chẳng vượt quá; mọi thứ còn lại chỉ là tình trạng nô lệ, ảo tưởng, dụ hoặc. Ngay sự thống trị cũng mang tính nô lệ khi nó coi trọng dư luận; bởi anh phụ thuộc vào thiên kiến của những kẻ mà anh chỉ huy bằng các thiên kiến. Để điều khiển họ xử sự theo ý anh, anh phải xử sự theo ý họ. Họ chỉ cần thay đổi cách nghĩ, thế là anh sẽ buộc phải thay đổi cách hành động. Những kẻ tiếp cận anh chỉ cần biết chỉ huy ý kiến của dân chúng mà anh tưởng là mình chỉ huy, hoặc ý kiến của những người được sủng ái chỉ huy anh, hoặc ý kiến của gia đình anh, hoặc ý kiến của chính anh: Các đại thần, các triều thần, các linh mục, các binh sĩ, các ả lắm lời, cho đến cả những đứa trẻ, giả sử anh là một Thémistocle[47] về tài năng[48], sẽ chỉ đạo anh, như chính anh là một đứa trẻ, giữa những quân đoàn của anh. Đó anh có làm gì đi nữa, uy quyền thực sự của anh không bao giờ đi xa hơn các năng lực thực sự nơi anh. Ngay khi vừa mới phải nhìn bằng con mắt của kẻ khác, là phải muốn theo ý muốn của họ. Anh tự hào bảo rằng, dân chúng là thuộc hạ của tôi. Được. Nhưng anh thì anh là gì? Là thuộc hạ của các thượng thư của anh. Và đến lượt các thượng thư, họ là gì? Là thuộc hạ của các nhân viên của họ, của các nhân tình của họ, là người hầu của những người hầu họ. Anh hãy chiếm lấy mọi thứ, hãy thoán đoạt mà thứ, rồi vung tiền bạc rủng rỉnh; hãy lập những phân đội đại bác; hãy dựng những giá treo cổ, những xa hình; hãy ra các đạo luật, các pháp lệnh; hãy gia tăng bọn do thám, các binh lính, các đao phủ, các nhà tù, xiềng xích tất cả những cái đó giúp gì cho các anh, những con người bé nhỏ tội nghiệp? Các anh chàng vì thế mà được phục vụ tốt hơn, mà bị ăn cắp ít hơn, bị lừa ít hơn, mà chuyên chế tuyệt đối hơn. Các anh vẫn cứ bảo: Chúng tôi muốn; thế mà các anh vẫn sẽ làm những gì mà kẻ khác muốn.

Người duy nhất làm theo ý muốn của mình là người, để làm điều ấy, không cần đến cánh tay của một người khác nối vào cánh tay mình: Theo đó thì điều tốt lành đầu tiên của mọi điều tốt lành không phải uy quyền, mà là tự do. Con người thực sự tự do chỉ muốn điều gì anh ta có thể, và làm điều gì anh ta thích. Đó là phương châm cơ bản của tôi. Vấn đề chỉ là áp dụng phương châm ấy cho tuổi thơ, và mọi quy tắc giáo dục sẽ suy từ đó ra.

Xã hội đã làm con người thành yếu đuối hơn, không chỉ bằng cách tước đi quyền của con người đối với sức lực của chính anh ta, mà đặc biết bằng cách khiến cho những sức lực ấy thành không đủ cho anh ta. Chính đó là điều khiến cho các mong muốn của con người gia tăng cùng với sự yếu đuối của anh ta, và chính đó là điều làm nên sự yếu đuối của tuổi thơ, so sánh với tuổi trưởng thành. Nếu người trưởng thành là một sinh thể mạnh, và nếu đứa trẻ là một sinh thể yếu, thì không phải vì người lớn có nhiều sức lực tuyệt đối hơn đứa trẻ, mà đó là vì người lớn có thể tự túc một cách dĩ nhiên, còn đứa trẻ thì không thể như vậy. Vậy người lớn ắt phải có nhiều ý muốn hơn, còn đứa trẻ nhiều ý ngông hơn; tôi hiểu ý ngông là mọi mong muốn không phải nhu cầu thực sự, và chỉ thỏa mãn được nhờ sự giúp đỡ của người khác.

Tôi đã nói lý do của tình trạng yếu đuối này. Tự nhiên bổ khuyết cho tình trạng ấy bằng tình quyến luyến của các ông bố bà mẹ: Nhưng sự quyến luyến ấy có thể có tính chất thái quá của nó, khuyết điểm của nó, những sự lạm dụng của nó. Các bậc cha mẹ sống trong trạng thái dân sự thường đem con mình vào trạng thái này trước tuổi. Trong khi cho con nhiều nhu cầu hơn những nhu cầu có ở đứa con, họ không giảm bớt mà gia tăng sự yếu đuối của nó. Họ còn gia tăng hơn nữa sự yếu đuối ấy bằng cách đòi hỏi ở đứa con điều mà tự nhiên không đòi hỏi, bằng cách bắt chút sức lực ít ỏi mà đứa con có được để phục vụ ý muốn của nó phải phục tùng ý muốn của họ, bằng cách biến đổi sự phụ thuộc tương hỗ mà đứa con phải chịu do sự yếu đuối của nó và cha mẹ phải chịu do niềm quyến luyến của họ thành tình trạng nô lệ của bên này hay bên kia.

Người khôn ngoan biết ở lại vị trí của mình; nhưng đứa trẻ chẳng biết ở vị trí của nó, vì không biết vị trí ấy. Đứa trẻ có hàng ngàn lối nơi chúng ta để ra khỏi đó; những người dạy dỗ nó phải giữ nó ở lại đấy, và nhiệm vụ này không dễ dàng. Nó phải không là thú vật không là người lớn, mà là trẻ thơ; cần để nó cảm thấy sự yếu đuối của nó chứ không đau khổ vì sự yếu đuối ấy; cần để nó tùy thuộc chứ không khuất phục; cần để nó yêu cầu chứ không ra lệnh. Nó chỉ phục tùng người khác vì nhu cầu của nó, và bởi họ thấy rõ hơn nó cái gì hữu ích với nó, cái gì có thể trợ giúp hoặc phương hại cho việc bảo tồn nó. Không người nào, kế cả người cha, có quyền ra lệnh cho đứa trẻ điều chẳng ích lợi gì cho nó.

Trước khi các thành kiến và các thể chế của loài người làm biến chất những thiên hướng tự nhiên ở chúng ta, thì hạnh phúc của trẻ thơ cũng như của người lớn là sử dụng tự do của mình; nhưng tự do nơi trẻ thơ bị giới hạn bởi sự yếu đuối của chúng. Ai làm điều mình muốn là người hạnh phúc, nếu người ấy tự túc được cho bản thân; đó là trường hợp của con người sống trong trạng thái tự nhiên. Ai làm điều mình muốn là người không hạnh phúc, nếu nhu cầu của người ấy vượt quá sức lực người ấy: Đó là trường hợp của đứa trẻ cũng ở trong trạng thái tự nhiên. Ngay trong trạng thái tự nhiên, trẻ thơ cũng chỉ được hưởng một tự do không trọn vẹn, giống như tự do mà người lớn được hưởng trong trạng thái dân sự. Mỗi người trong chúng ta, do không thể không cần đến những người khác, nên lại trở thành yếu đuối và khốn khổ về phương diện này. Chúng ta được cấu tạo để là người lớn; luật lệ và xã hội dìm lại chúng ta vào tuổi thơ. Những người giàu có, những người cao sang, những bậc vua chúa đều là những đứa trẻ, thấy người ta sốt sắng giảm bớt nỗi khốn khổ cho mình, liền rút ra từ chính điều này một sự tự cao tự đại ấu trĩ, và tất thảy đều kiêu hãnh vì những chăm sóc mà mọi người sẽ chẳng dành cho họ nếu họ là người trưởng thành.

Các khảo sát này quan trọng, và giúp giải quyết mọi mâu thuẫn của hệ thống xã hội. Có hai loại phụ thuộc: Tình trạng phụ thuộc sự vật, nó là của tự nhiên; tình trạng phụ thuộc con người, nó là của xã hội. Tình trạng phụ thuộc sự vật, vì không có một ý nghĩa đạo đức nào, nên không hề phương hại đến tự do, và không sinh ra các thói xấu; tình trạng phụ thuộc con người vì lộn xộn vô quy tắc[49] nên sinh ra mọi thói xấu, và chính do sự phụ thuộc này mà chủ nhân và nô lệ làm hư hỏng lẫn nhau. Nếu có phương kế nào đó chữa trị cái xấu này trong xã hội, thì đó là đem luật lệ thay cho con người, và trang bị cho các ý muốn chung một sức mạnh thực sự, cao hơn hành động của bất kỳ ý muốn riêng tư nào. Nếu luật lệ của các quốc gia, giống như luật lệ của tự nhiên, có được một tính sắt đá mà không một sức mạnh nào của con người có thể đánh bại, thì lúc đó tình trạng phụ thuộc con người sẽ lại trở thành tình trạng phụ thuộc sự vật; trong nền cộng hòa người ta ta sẽ liên kết được mọi lợi ích của trạng thái tự nhiên với các lợi ích của trạng thái dân sự, người ta sẽ kết hợp sự tự do vốn giữ cho con người không mắc các thói xấu với tính đạo đức vốn nâng con người lên tới đức hạnh.

Hãy giữ cho đứa trẻ chỉ phụ thuộc các sự vật, các vị sẽ tuân theo trật tự của tự nhiên trong bước tiến triển của việc giáo dục nó. Bao giờ cũng chỉ làm cho các ý muốn vô chừng mực của nó gặp những trợ lực vật chất hoặc những trừng phạt nảy sinh từ chính các hành động, và nó sẽ nhớ lại khi có dịp; đừng cấm đoán nó làm điều đó, chỉ can ngăn cản nó làm điều đó là đủ. Chỉ có kinh nghiệm hoặc sự bất lực mới được là luật lệ đối với trẻ. Trước mong muốn của nó, đừng chấp nhận điều gì vì nó đòi điều ấy, mà chỉ chấp nhận vì nó cần điều ấy. Làm sao cho nó không biết thế nào là tuân phục khi nó hành động, cũng không biết thế nào là thống trị khi người ta hành động vì nó. Làm sao cho trong hành động của nó cũng như trong hành động của các vị, nó đều cảm nhận được sự tự do của nó. Hãy bổ khuyết cho sức lực mà nó thiếu, vừa đúng như nó cần để được tự do chứ không đủ hống hách; làm sao cho khi nhận sự giúp đỡ của các vị với một thứ khiêm nhường, nó mong mỏi khoảnh khắc mà nó có thể không cần đến sự giúp đỡ ấy, mà nó sẽ có vinh dự tụ phục vụ bản thân.

Để làm cho thân thể mạnh lên và nảy nở, thiên nhiên có những phương kế mà ta không bao giờ được ngăn trở. Không nên ép một đứa trẻ ở lại khi nó muốn đi, cũng không nên ép nó đi khi nó muốn ở yên tại chỗ. Khi ý muốn của trẻ không bị hư hỏng vì lợi của chúng ta, thì chúng chẳng muốn điều gì vô ích hết. Cần để chúng nhảy, chúng chạy, chúng la hét, khi chúng muốn thế. Mọi động tác của chúng đều là những nhu cầu của thể chất đang tìm cách tự tăng cường; nhưng ta phải phòng ngừa những điều chúng mong muốn mà không thể tự làm lấy, mà người khác buộc phải làm cho chúng. Lúc đó cần phân biệt cẩn thận nhu cầu thực sự, nhu cầu tự nhiên, với nhu cầu do ý ngông bắt đầu nảy sinh, hoặc với nhu cầu chỉ do dư thừa sức sống mà tôi từng đề cập.

Tôi đã phát biểu những gì cần làm khi một đứa trẻ khóc để có cái này cái nọ. Tôi sẽ chỉ bổ sung rằng từ khi nó biết nói để yêu cầu điều nó muốn, và, để đạt được điều đó nhanh hơn hoặc để thắng được một sự từ chối, nó trợ giúp lời yêu cầu bằng cách khóc lóc, thì các vị phải dứt khoát không cho. Nếu nó nói do nhu cầu, thì các vị phải biết như thế và thực hiện ngay điều nó yêu cầu; nhưng nhượng bộ vì nước mắt của trẻ, chính là khuyến khích nó khóc lóc, chính là dạy cho nó nghi ngờ thiện chí của các vị, dạy cho nó tin rằng sự quấy rầy có tác dụng đối với các vị hơn là hảo tâm. Nếu nó không cho rằng các vị tốt nó sẽ sớm thành độc ác; nếu nó cho rằng các vị yếu đuối, nó sẽ sớm thành khăng khăng ngoan cố; rất cần chấp nhận ngay từ dấu hiệu đầu tiên điều ta không muốn từ chối. Đừng từ chối quá nhiều, nhưng đã từ chối thì đừng bao giờ đổi ý.

Đặc biệt các vị nên tránh dạy trẻ những thể thức nói năng lịch sự rỗng tuếch, mà khi cần nó sẽ dùng làm thần chú để khiến tất cả những gì xung quanh nó phục tùng nó, và để đạt được tức thì điều nó thích. Trong lối giáo dục kiểu cách các con nhà giàu, bao giờ người ta cũng làm cho chúng thành hống hách một cách lịch sự, khi quy định cho chúng những từ ngữ chúng phải sử dụng để không ai dám cưỡng lại mình; con cái họ không hề có giọng điệu hay lối nói van nài; khi xin chúng cũng ngạo mạn như khi ra lệnh, thậm chí còn ngạo mạn hơn, như thế tin chắc hơn rằng mình được tuân phục. Trước hết ta thấy từ miệng chúng nên ông vui lòng có nghĩa tôi vui lòng, và tôi xin ông có nghĩa tôi ra lệnh cho ông. Phép lịch sự tuyệt vời, kết quả đối với trẻ chỉ là thay đổi nghĩa của các từ, và không thể nói năng cách nào khác ngoài cách nói oai quyền! Về phần tôi, tôi ít sợ Émile thô lỗ hơn là sợ nó cao ngạo, tôi thích hơn nhiều nếu nó nói ông hãy làm điều này đi khi nó xin, hơn là nó nói tôi xin ông khi ra lệnh. Với tôi, từ ngữ nó dùng không quan trọng, mà là ý nghĩa nó gán cho từ ngữ ấy.

Có một sự khắc nghiệt thái quá và một sự khoan dung thái quá, cần phải tránh cả hai. Nếu các vị để trẻ chịu cực, là các vị khiến cho sức khỏe của chúng, mạng sống của chúng bị nguy hiểm; các vị làm cho chúng hiện giờ khốn khổ; nếu các vị quá cẩn thận tránh cho chúng mọi loại khó chịu, là các vị chuẩn bị cho chúng những khốn khổ lớn; các vị khiến chúng thành yếu ớt, nhạy cảm, các vị đem chúng ra khỏi tình trạng con người mà một ngày nào đó chúng sẽ quay trở lại bất kể ý muốn của các vị. Để chúng khỏi gặp vài cái hại do tự nhiên, các vị lại tạo ra những cái hại mà tự nhiên không đem đến cho chúng. Các vị sẽ bảo rằng tôi đang rơi vào trường hợp những người cha xấu bị tôi trách là hy sinh hạnh phúc của con cái vì một thời gian xa xôi có thể chẳng bao giờ hiện hữu.

Không đâu: Bởi tự do mà tôi tặng học trò của tôi đền bù rộng rãi cho nó về những bất tiện nho nhỏ tôi để nó có thể gặp phải. Tôi nhìn thấy những đứa trẻ tinh nghịch chơi đùa trên tuyết, tím tái, lạnh run, chỉ hơi động đậy được các ngón tay. Việc đi sưởi ấm chỉ tùy thuộc ở chúng, song chúng chẳng làm gì hết; nếu ta bắt buộc chúng làm vậy, chúng sẽ cảm nhận sự khắc nghiệt của việc cưỡng ép gấp trăm lần sự khắc nghiệt của cái lạnh. Vậy các vị phàn nàn về điều gì chứ? Tôi có khiến con các vị khốn khổ hay không khi chỉ để nó có thể gặp những điều bất tiện mà nó rất muốn chịu? Tôi làm điều hay cho nó trong thời điểm hiện tại, khi để nó tự do; tôi làm điều hay cho nó trong tương lai, khi trang bị cho nó chống lại những cái không hay mà nó phải chịu đựng. Nếu nó được chọn làm học trò của tôi hay của các vị, các vị nghĩ nó có trù trừ cân nhắc một lúc nào không?

Các vị có quan niệm được một hạnh phúc thực sự nào đó có khả năng đến với một sinh thể ở bên ngoài thể chất của hắn hay không? Và chẳng phải là đưa con người ra khỏi thể chất của anh ta sao, khi muốn miễn trừ cho anh ta mọi tai ương của giống loài anh ta? Đúng, tôi khẳng định như vậy: Để cảm nhận những điều tốt lành lớn lao, anh ta phải biết những tai ương nho nhỏ; bản chất tự nhiên của anh ta là thế. Nếu vật chất quá tốt đẹp, thì tinh thần hỏng đi. Con người không biết đến đau đớn, sẽ không biết mọi cảm kích của tình nhân đạo, cũng chẳng biết sự êm dịu của lòng từ ái; trái tim anh ta sẽ chẳng xúc động vì cái gì hết, anh ta sẽ không chan hòa, anh ta sẽ là một quái vật giữa đồng loại.

Các vị có biết phương kế nào chắc chắn nhất để làm cho con các vị thành khốn khổ hay không? Đó là làm cho nó quen đạt được tất cả; mong muốn của nó không ngừng phát triển do dễ được thỏa mãn, nên chẳng chóng thì chầy tình trạng bất lực sẽ buộc các vị phải đi tới chỗ từ chối dù không muốn; và sự từ chối bất thường này sẽ khiến nó khổ sở hơn cả việc không có được điều nó muốn. Thoạt tiên nó muốn cây gậy chống các vị đang cầm; chẳng bao lâu nó sẽ muốn chiếc đồng hồ của các vị; sau đó nó sẽ muốn con chim đang bay; nó muốn ngôi sao mà nó thấy đang lấp lánh; nó sẽ muốn tất cả những gì nó nhìn thấy: Trừ phi là Chúa Trời, làm sao các vị làm hài lòng nó được?

Một khuynh hướng tự nhiên ở con người là coi tất cả những gì thuộc quyền mình như của mình. Theo nghĩa này thì nguyên lý của Hobbes[50] đúng đến một mức độ nào đó: Hãy gia tăng cùng với những mong muốn của chúng ta các phương kế thỏa mãn chúng, mỗi người sẽ làm cho mình thành chủ nhân của tất cả. Vậy đứa trẻ nào chỉ cần muốn là được, sẽ coi mình là chủ sở hữu vũ trụ; nó nhìn tất cả mọi người như nô lệ của mình: Và khi rốt cuộc người ta buộc phải từ chối nó điều gì đó, thì nó, vốn tưởng mọi thứ đều có thể khi mình ra lệnh, coi sự từ chối này như một hành vi phản loạn; mọi lý lẽ người ta đưa ra cho nó ở một độ tuổi không có khả năng suy luận, thì theo nó chỉ là những cái cớ; ở đâu nó cũng nhìn thấy ác ý: Cảm nhận về một điều nó cho là bất công khiến bản chất tự nhiên của nó thành hay tức tối, nó oán ghét tất cả mọi người, và chẳng bao giờ biết ơn khi được chiều lòng, nó lại công phẫn vì bất kỳ sự phản đối nào.

Làm sao tôi tưởng tượng được một đứa trẻ, bị chi phối bởi nỗi tức giận và bị nung nấu vì những đam mê bất trị nhất như vậy, lại có thể hạnh phúc? Nó mà hạnh phúc ư? Đó là một kẻ áp chế; đồng thời đó cũng là tên nô lệ hèn hạ nhất và là con người khốn khổ nhất. Tôi đã thấy những đứa trẻ được nuôi dạy theo cách đó, chúng muốn người ta hích vai một cái làm đổ ngôi nhà, muốn người ta cho chúng con gà nhìn thấy trên gác chuông, muốn người ta làm một đoàn binh sĩ đang hành quân dừng lại để nghe tiếng trống được lâu hơn, và hễ người ta chậm vâng lời chúng là chúng la hét inh ỏi, chẳng buồn nghe ai hết. Tất cả sốt sắng vô bổ để chiều lòng chúng; ham muốn của chúng do dễ đạt được nên càng kích thích, chúng ngoan cố đòi những điều không thể, và đâu đâu chúng cũng chỉ thấy phản đối, trở ngại, cực khổ, đau đớn. Lúc nào cũng la mắng, lúc nào cũng bướng bỉnh, lúc nào cũng giận dữ, suốt ngày chúng kêu gào, than vãn. Đó mà là những con người may mắn ư? Sự yếu đuối và sự áp chế liên kết lại chỉ sinh ra điên dại và khốn khổ. Hai đứa trẻ được nuông chiều, một đứa thì đập bàn, đứa kia đòi đánh biển cả; chúng còn phải đập phải đánh chán chê trước khi sống vui vẻ hài lòng. Nếu những ý tưởng chi phối và áp chế này khiến chúng khốn khổ từ khi còn thơ bé, thì sự thể sẽ ra sao khi chúng lớn lên, khi các quan hệ với những con người khác bắt đầu mở rộng và gia tăng? Quen thấy tất cả đều khuất phục mình, chúng sẽ kinh ngạc đến thế nào, khi gia nhập xã hội, thấy tất cả đều cưỡng lại mình, và thấy mình bị đè bẹp bởi sức nặng của thế giới mà chúng tưởng có thể làm chuyển động tùy ý chúng!

Thái độ xấc xược của chúng, thói hợm hĩnh ấu trĩ của chúng, chỉ đem lại cho chúng những sự sỉ nhục, khinh thường, nhạo báng; chúng bị xúc phạm tới tấp; chẳng bao lâu các thử thách tàn nhẫn dạy cho chúng rằng chúng chẳng biết thân phận chẳng biết sức lực mình; do không thể đạt được tất cả, chúng cho rằng mình chẳng thể đạt được cái gì. Bao nhiêu là trở lực không quen khiến chúng chán nản, bao nhiêu là khinh miệt khiến chúng hèn đi: Chúng trở nên hèn nhát, sợ sệt, đê tiện, và trước kia chúng tự nâng cao mình lên trên bản thân bao nhiêu thì giờ đây càng rơi xuống thấp hơn bản thân bấy nhiêu. Ta hãy trở lại quy tắc nguyên sơ. Tự nhiên đã tạo ra trẻ em để chúng được yêu mến và cứu giúp; nhưng tự nhiên có tạo ra chúng để được vâng lời và sợ hãi hay không? Tự nhiên có cho chúng một vẻ oai quyền, một con mắt nghiêm khắc, một giọng nói thô lỗ và dọa dẫm, để làm mọi người khiếp hãi chúng hay không? Tôi hiểu rằng tiếng sư tử gầm khiến các con vật kinh hoàng, và những con vật run lên khi nhìn thấy cái đầu đáng sợ của sư tử, nhưng nếu có bao giờ người ta thấy một cảnh tượng thô tục, khả ố, đáng cười, thì đó là một đoàn pháp quan mặc lễ phục, do vị chỉ huy dẫn đầu, đang quỳ lạy trước một đứa trẻ quấn tã, họ diễn thuyết với nó bằng những lời lẽ hoa mỹ, còn nó chỉ kêu gào và nhỏ nước dãi để đáp lại.

Cứ xem xét tuổi thơ ở bản thân nó, thì trên đời có sinh thể nào yếu ớt, khốn khổ chịu sự chi phối của tất cả những gì xung quanh, và rất cần được thương xót, được chăm nom, được bảo vệ, hơn là một đứa trẻ? Có phải dường như nó chỉ phô ra một gương mặt thật hiền và một vẻ thật đáng cảm động để tất cả những gì lại gần nó đều quan tâm đến sự yếu đuối của nó và sốt sắng cứu giúp nó? Vậy có gì chướng hơn, trái với trật tự hơn, là nhìn thấy một đứa trẻ hống hách và ương bướng chỉ huy tất cả những gì vây quanh nó và trâng tráo lên giọng ông chủ với những người chỉ cần bỏ mặc nó là khiến nó tiêu vong?

Mặt khác, ai chẳng thấy sự yếu đuối của tuổi thơ ban đầu trói buộc đứa trẻ bằng rất nhiều cách, thành thử thật là man rợ khi thêm vào tình trạng lệ thuộc ấy sự lệ thuộc những ý thích bất thường của chúng ta, khi lấy mất của chúng cái tự do rất hạn chế mà chúng rất ít có thể lạm dụng, và nếu ta tước đi của chúng thì chẳng ích lợi gì mấy cho chúng cũng như cho ta? Nếu chẳng có đối tượng nào đáng cười nhạo hơn một đứa trẻ ngạo mạn, thì cũng chẳng có đối tượng nào đáng thương hại hơn một đứa trẻ sợ sệt. Bởi sự phục tùng mang tính công dân bắt đầu cùng với tuổi biết nghĩ, thì tại sao lại báo trước điều ấy bằng sự phục tùng riêng tư cá nhân? Chúng ta hãy bằng lòng cho một thời điểm của cuộc đời được miễn khỏi cái ách mà tự nhiên đã không bắt ta phải chịu, và hãy để cho tuổi thơ được hưởng quyền tự do tự nhiên, nó khiến tuổi thơ ít ra cũng lánh xa được trong một thời gian những thói hư tật xấu mà người ta tiêm nhiễm trong cảnh nô lệ. Vậy xin các thầy giáo nghiêm khắc, các ông bố lệ thuộc con cái, hãy đến với những lời phản bác tầm phào của họ, và trước khi khoe khoang phương pháp, hãy một lần học lấy phương pháp của thiên nhiên.

Tôi trở lại chuyện thực hành. Tôi đã nói rằng con các vị không được có cái gì do nó đòi hết, mà phải do nó có nhu cầu[51]. Và các vị đừng làm gì vì tuân phục, mà chỉ làm vì cần thiết. Như vậy các từ vâng phục và ra lệnh sẽ phải loại trừ khỏi từ vựng của nó; các từ bổn phận và nghĩa vụ còn phải loại trừ hơn nữa; nhưng các từ sức mạnh, sự cần thiết, sự bất lực và sự bó buộc phải giữ vị trí quan trọng trong từ vựng ấy. Trước tuổi biết nghĩ, người ta không thể có một ý niệm gì về các thực thể tinh thần cũng như về các quan hệ xã hội; vậy phải tránh đến hết mức có thể việc sử dụng các từ ngữ diễn tả những điều trên, sợ rằng mới đầu trẻ gắn cho các từ ngữ này những ý niệm sai lầm mà về sau ta sẽ không biết hoặc không thể diệt trừ. Ý tưởng sai lầm đầu tiên đi vào đầu óc trẻ là mầm mống của lầm lạc và thói hư tật xấu; cần phải đặc biệt quan tâm đến bước đi đầu tiên này. Hãy làm sao cho trẻ chỉ xúc động vì những sự vật hữu hình, và mọi ý tưởng của trẻ đều dừng lại ở cảm giác; làm sao cho trẻ chỉ nhận thấy xung quanh nó đâu đâu cũng là thế giới vật chất: Nếu không nó sẽ chẳng hề nghe các vị, hoặc nó sẽ tự tạo ra, về thế giới tinh thần mà các vị nói với nó, những khái niệm kỳ dị huyễn hoặc mà suốt đời nó các vị sẽ không xóa mờ được.

Nói lý lẽ với trẻ là phương châm lớn lao của Locke[52]; đó là phương châm thịnh hành nhất ngày nay; tuy nhiên tôi thấy thành công của phương châm này chẳng thích hợp lắm để khiến nó được trọng thị; còn với tôi thì tôi chẳng thấy gì ngớ ngẩn hơn là những đứa trẻ mà người ta nói lý nói lẽ nhiều với chúng. Trong một năng lực của con người, thì lý trí, có thể nói chỉ là sự phức hợp của tất cả các năng lực khác, chính là năng lực phát triển khó khăn nhất và muộn nhất; thế mà người ta lại muốn sử dụng nó để phát triển các năng lực kia! Kiệt tác của một nền giáo dục tốt là tạo nên một con người có lý trí: Thế mà người ta lại muốn giáo dục một đứa trẻ bằng lý lẽ! Như thế là khởi đầu bằng cứu cánh, là muốn dùng công trình làm công cụ. Nếu trẻ em hiểu lý lẽ, thì chúng chẳng cần phải được giáo dục; nhưng do cứ nói với chúng từ khi chúng còn bé một ngôn ngữ mà chúng không hiểu gì hết, ta làm chúng quen nói nhiều lời rỗng tuếch, quen kiểm soát mọi điều người ta nói với chúng, quen nghĩ mình cũng khôn như thầy, rồi trở thành bướng bỉnh và hay cãi; và tất cả những điều ta tưởng đạt được ở chúng nhờ những lý do hợp lẽ phải, thì bao giờ ta cũng chỉ đạt được nhờ những lý do thèm muốn, hoặc sợ hãi, hoặc khoe khoang, mà ta buộc phải kết hợp vào những điều đó.

Tất cả những bài học đạo đức mà người ta thường dạy và có thể dạy cho trẻ gần như có thể quy giản được vào công thức sau.

Ông thầy: Không nên làm điều đó.

Đứa trẻ: Thế tại sao lại không nên làm điều đó?

Ông thầy: Vì đó là điều xấu.

Đứa trẻ: Xấu! Cái gì là điều xấu?

Ông thầy: Điều mà mọi người cấm em.

Đứa trẻ: Làm điều mọi người cấm em thì có gì xấu?

Ông thầy: Mọi người sẽ phạt em vì không vâng lời.

Đứa trẻ: Em sẽ làm sao cho mọi người không biết gì hết.

Ông thầy: Mọi người sẽ rình rập em.

Đứa trẻ: Em sẽ ẩn nấp.

Ông thầy: Mọi người sẽ chất vấn em.

Đứa trẻ: Em sẽ nói dối.

Ông thầy: Không nên nói dối.

Đứa trẻ: Tại sao không nên nói dối?

Ông thầy: Vì đó là điều xấu v..v..

Đó là vòng tròn không tránh khỏi. Các vị ra khỏi vòng tròn, là đứa trẻ không hiểu các vị nữa. Chẳng phải đấy là những điều giáo huấn rất hữu ích hay sao? Tôi thật tò mò muốn biết người ta có thể thay thế cuộc đối thoại trên bằng cái gì. Bản thân Locke nếu phải làm điều này có lẽ cũng lúng túng. Biết cái tốt và cái xấu, cảm nhận được lý do của bổn phận con người, không phải việc của một đứa trẻ.

Tự nhiên muốn trẻ em là trẻ em trước khi là người lớn. Nếu chúng ta muốn làm sai lạc trật tự ấy, chúng ta sẽ sản xuất ra những quả chín sớm, chẳng có độ thành thực cũng chẳng có hương vị, và sẽ hỏng sớm; chúng ta sẽ có những nhà bác học ít tuổi và những đứa trẻ già nua. Tuổi thơ có các cách nhìn, cách suy nghĩ, cảm nhận riêng thuộc về nó; không có gì kém hợp lý bằng việc muốn đem cách nghĩ của chúng ta thay cho những cách nghĩ ấy; và đòi đứa trẻ mười tuổi phải biết xét đoán khác gì đòi một đứa trẻ phải cao năm pied[53]. Quả thực, lý trí giúp gì cho nó ở tuổi ấy? Lý trí là máy hãm sức lực, mà trẻ con không cần máy hãm này.

Trong khi cố thuyết phục học trò mình về bổn phận phải vâng lời, các vị thường kết hợp với cái gọi là sự thuyết phục đó sức mạnh và những điều dọa dẫm, hoặc tệ hơn nữa là sự nịnh nọt và những lời hứa hẹn. Như vậy là, bị nhử vì lợi lộc hoặc bị ép buộc vì sức mạnh, trẻ vờ như được thuyết phục vì lẽ phải. Chúng thấy rất rõ vâng lời có lợi cho chúng, còn kháng cự thì có hại ngay khi các vị nhận ra chúng vâng lời hay kháng cự. Nhưng bởi cái gì mà các vị đòi hỏi chúng chẳng khó chịu với chúng, và làm theo ý muốn người khác bao giờ chẳng nặng nề, nên chúng ẩn náu để thực hiện những ý muốn của mình, tin chắc mình làm điều tốt nếu mọi người không biết là mình chẳng nghe lời, nhưng sẵn sàng nhận rằng mình làm điều xấu nếu bị phát hiện, vì sợ bị chuyện xấu hơn. Lý do của bổn phận không thuộc lứa tuổi chúng, nên chẳng ai trên đời làm cho chúng thực sự cảm nhận được lý do ấy; nhưng mọi người đòi hỏi thú nhận gì chúng cũng thú nhận hết, vì sợ bị trừng phạt, vì mong được tha thứ, thế là mọi người tưởng đã thuyết phục được chúng, trong khi chỉ làm chúng buồn bực hoặc sợ hãi mà thôi.

Từ đó dẫn đến cái gì? Thứ nhất, trong khi áp đặt cho chúng một bổn phận mà chúng không cảm nhận được, các vị khiến chúng bất mãn với sự chuyên chế của các vị và không yêu mến các vị; và các vị tập cho chúng thành vờ vĩnh, giả tạo dối trá, để kiếm chác phần thưởng, hoặc trốn tránh hình phạt; cuối cùng, do làm chúng quen luôn luôn che giấu một động cơ thầm kín bằng một động cơ bề ngoài, bản thân các vị cung cấp cho chúng phương kế để không ngừng lừa dối các vị, để các vị không biết được tính cách thực của chúng, để chỉ nói với các vị và những người khác những lời lẽ hão huyền vô bổ khi gặp dịp các vị sẽ bảo rằng, các luật lệ, dù với lương tâm là bắt buộc, song cũng sử dụng cách cưỡng ép như thế với người trưởng thành. Tôi đồng ý như vậy. Nhưng những người trưởng thành ấy là ai nào, nếu không phải là những đứa trẻ bị sự giáo dục làm hỏng? Đó chính là điều cần phòng ngừa. Hãy sử dụng sức mạnh với trẻ em và lý lẽ với người lớn, trật tự tự nhiên là như vậy; người hiền minh không cần luật lệ.

Hãy đối xử với học trò các vị theo lứa tuổi của nó. Trước hết hãy đặt nó vào chỗ của nó, và hãy giữ nó ở đấy thật vững, sao cho nó chẳng định tìm cách ra khỏi đó. Như vậy, trước khi biết thế nào là hiền minh đức độ[54], nó sẽ thực hành bài học quan trọng nhất về sự hiền minh đức độ. Đừng bao giờ ra lệnh cho nó điều gì hết, bất kể điều gì trên đời, tuyệt đối không một điều gì hết. Thậm chí đừng để nó tưởng tượng rằng các vị định có uy quyền gì với nó. Nó chỉ cần biết rằng nó yếu còn các vị mạnh; rằng do tình trạng của nó và tình trạng của các vị, tất nhiên nó tùy thuộc sự định đoạt của các vị; sao cho nó biết điều ấy, nó hiểu được điều ấy, nó cảm nhận điều ấy; sao cho nó sớm cảm nhận thấy trên mái đầu hiên ngang của nó cái ách khắc nghiệt mà tự nhiên áp đặt cho con người, cái ách nặng nề của sự tất yếu, cái ách mà bất kỳ sinh thể hữu hạn nào cũng cần phải khuất phục; sao cho nó nhìn thấy sự tất yếu ấy ở các sự vật chứ không bao giờ ở tính khí bất thường[55] của con người; sao cho bộ máy hãm kìm giữ nó là sức mạnh, chứ không phải uy quyền. Điều nó phải kiêng kỵ, thì các vị đừng cấm nó; hãy ngăn nó làm điều ấy, không giảng giải, không lý lẽ; điều các vị chấp nhận cho nó, hãy chấp nhận ngay từ lời đầu tiên của nó, không để nó nài xin, cầu khẩn, nhất là không điều kiện. Hãy vui lòng mà chấp nhận, chỉ miễn cường mới từ chối; nhưng sao cho mỗi lời từ chối của các vị đều không thể thay đổi; không một sự quấy rầy nào lay chuyển được các vị; sao cho tiếng không đã tuyên bố là một bức tường bằng đồng, mà đứa trẻ sẽ không dùng hết sức lực chống lại dăm sáu lần, mà nó sẽ không mưu toan xô đổ nữa.

Như vậy các vị sẽ khiến nó thành kiến nhẫn, bình tĩnh, chịu đựng, thuần hòa, ngay cả khi nó không có được điều nó muốn; bởi bản chất con người là kiên nhẫn chịu đựng tính tất yếu của sự vật, nhưng không chịu đựng ác ý của kẻ khác. Câu: Cái đó không còn nữa, là một câu trả lời mà chẳng đứa trẻ nào chống lại bao giờ, trừ phi nó cho rằng đấy là lời nói dối. Vả chăng, ở đây không hề có khoảng giữa; phải đừng đòi hỏi gì ở đứa trẻ hết, hoặc thoạt tiên buộc nó hoàn toàn phục tùng. Cách giáo dục tệ nhất là để nó bấp bênh, do dự giữa ý muốn của nó và ý muốn của các vị, và không ngừng tranh giành xem giữa các vị và nó ai sẽ là chủ; thà để nó luôn luôn làm chủ thì tôi còn thích hơn gấp trăm lần.

Thật lạ lùng là từ khi mọi người can thiệp vào việc dạy dỗ trẻ em, họ chẳng nghĩ ra phương tiện nào khác để dẫn dắt chúng ngoài sự ganh đua, ghen tị, đố kỵ, khoe khoang, lòng tham, sự sợ hãi hèn hạ, tất cả những đam mê nguy hiểm nhất, lên men nhanh nhất, và thích hợp nhất để làm hư hỏng tâm hồn, trước cả khi thân thể hình thành hẳn. Cùng với mỗi điều giáo huấn trước tuổi mà người ta muốn đưa vào đầu óc chúng, người ta lại gieo trồng một tính xấu ở đáy lòng chúng; những giáo viên ngu dại tưởng mình làm điều kỳ diệu khi biến chúng thành độc ác để dạy cho chúng thế nào là lòng tốt; thế rồi họ nghiêm trang nói với chúng ta: Con người là như thế đó. Phải, con người mà các anh đã đào tạo là như thế đó.

Người ta đã thử mọi phương tiện, trừ một phương tiện, chính là phương tiện duy nhất có thể thành công.: Đó là tự do đúng mực. Không nên can thiệp vào việc dạy dỗ một đứa trẻ khi ta không biết dẫn dắt nó đến nơi nào ta muốn chỉ bằng các luật lệ của sự có thể và không thể. Do trẻ không biết phạm vi của cả hai điều trên, ta có thể mở rộng, thu hẹp phạm vi đó xung quanh trẻ như ta muốn. Ta ràng buộc nó, ta thúc đẩy nó, ta cầm giữ nó, chỉ với mối dây duy nhất của sự tất yếu, mà nó không hề cằn nhằn: Ta khiến nó thành nhu thuận, dễ bảo chỉ bằng sức mạnh của sự vật, mà không một thói xấu nào có cơ hội nảy mầm trong nó; bởi đam mê mà vô hiệu quả thì chẳng bao giờ phấn khích.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.