Người Giàu Nhất Thế Gian

CHƯƠNG 3. Hoạt động tạo ra thành công phi thường



Ở đâu không có tầm nhìn, dân chúng phóng túng.

– CHÂM NGÔN 29:18 –

Tôi vừa nhận được phần thưởng là một chuyến du hành trên tàu hàng không mẫu hạm John C.Stennis của hải quân Mỹ. Ngay khi bước lên tàu, tôi rất kinh ngạc vì kích cỡ đồ sộ của nó. Tàu dài gấp ba sân bóng, và thật sự là một thành phố nổi, chứa được hơn 5.000 binh sỹ. Tàu hoạt động nhờ hai lò phải ứng hạt nhân đẩy tàu đi trên nước với quãng đường hơn 30 hải lý. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất là việc chiếc tàu không cần nạp thêm nhiên liệu mà vẫn có thể trụ lại trên biển bao lâu cũng được. Những chiếc chiến hạm truyền thống cần được cung cấp nhiên liệu thường xuyên. Trong khi tàu Stennis chỉ cần nạp thêm nhiên liệu một lần trong suốt 26 năm. Thật đáng kinh ngạc khi chỉ cần một ít nhiên liệu là bạn có thể nhận được rất nhiều năng lượng phóng ra.

Solomon chỉ ra nguồn năng lượng cá nhân để thúc đẩy chúng ta thực hiện những ước mơ xa vời, khó thành hiện thực. Trong chương này tôi tập trung nói đến năng lượng. Năng lượng có thể làm thay đổi hoàn toàn một lĩnh vực trong cuộc sống. Năng lượng có tác dụng đến mức:

– Nó giúp cho một người bỏ học ngay từ bậc tiểu học nhận được nhiều bằng sáng chế hơn bất kỳ ai trong lịch sử, gồm cả những bằng sáng chế cho thu âm, quay phim, tạo ra điện năng và tất nhiên cả bóng đèn điện.

– Năng lượng có thể biến một phụ nữ tật nguyền trở thành một trong những nhà văn và nhà diễn thuyết nổi tiếng nhất trong thế kỉ XX.

– Năng lượng khiến một thương gia 52 tuổi từ bỏ công việc bán máy đánh sữa để xây dựng hệ thống nhà hàng nhượng quyền thành công nhất trên thế giới.

– Năng lượng giúp hai sinh viên bỏ học biến một công ty phần mềm vô danh thành một trong những công ty được định giá cao nhất trên thế giới.

– Năng lượng cũng biến một người bán sách chỉ kiếm được 10 xu một giờ trở thành người đàn ông giàu có và quyền lực nhất trên thế giới.

Tôi có thể kể thêm nhiều câu chuyện về những con người đã đạt được giấc mơ xa vời nhờ nguồn năng lượng mà Solomon nói đến. Điều đó chứng tỏ sức thuyết phục của việc mang nguồn năng lượng này vào bất kỳ lĩnh vực quan trọng nào của cuộc sống. Nhưng nguồn lực này không chỉ tạo ra động lực mà còn là kim chỉ nam. Kim chỉ nam là gì? Nguồn lực của Solomon chính là tầm nhìn và nhiên liệu của ông chính là hy vọng. Nhưng đừng bị đánh lừa bởi tính đơn giản của các từ ngữ đó. Bạn sẽ phát hiện ra những nguồn lực tổng hợp giống như nguồn năng lượng khi cho nổ một quả bom hạt nhân.

Nguồn lực không ngờ tới của tầm nhìn và hy vọng

Quan niệm của Solomon về tầm nhìn và hy vọng hoàn toàn khác với quan niệm hiện tại của chúng ta. Khi nghe đến từ “tầm nhìn”, chúng ta hình dung một cái gì đó trừu tượng như một giấc mơ huyền bí. Khi nghe từ “hy vọng”, chúng ta lập tức nghĩ về một ước mơ hay khát vọng. Tiếc thay, quan niệm hiện tại này không đạt tiêu chuẩn theo những quan niệm của Solomon.

Tầm nhìn không phải một điều gì đó mơ hồ hay vô hình. Hy vọng cũng không đơn thuần chỉ là ước mơ hay khát vọng. Đối với Solomon, tầm nhìn và hy vọng đều hữu hình và chính xác. Hiểu được ngụ ý của Solomon khi sử dụng các từ này, bạn sẽ đạt được những điều kỳ diệu trong cuộc đời.

Đối với đa số mọi người, từ “tầm nhìn” không liên quan nhiều đến cuộc sống thường ngày. Trong định nghĩa của Solomon, hầu hết mọi người đều không có tầm nhìn về những gì mong muốn trong cuộc đời, hoặc nếu có thì cũng không rõ ràng và quá trừu tượng (ví dụ như thành công hơn, giàu có hơn,…). Solomon cho rằng một tầm nhìn thật sự không hề trừu tượng. Có một tầm nhìn đúng đắn cũng giống như có một tấm bản đồ chỉ đường, nghĩa là phải rõ ràng về điểm đến cuối cùng và chi tiết đường đi đến đó.

Sau khi tốt nghiệp, tôi đã thất bại nhiều lần trong công việc bởi chưa có một tầm nhìn rõ ràng và chính xác về mục tiêu của mình. Thế nên, cũng không ngạc nhiên khi những công việc đó kéo dài chưa đầy một năm và mang lại cho tôi một khoản thu nhập hết sức khiêm tốn. Nhưng đến công việc thứ 10, tôi đã xây dựng một tầm nhìn rất chính xác. Tôi tạo ra một bản đồ chi tiết về các mục tiêu và trên cơ sở đó vạch ra những bước đi, những nhiệm vụ phải hoàn thành. Kết quả là trong sáu tháng kể từ khi bắt đầu công việc, doanh số của chúng tôi tăng vượt bậc từ một nghìn đô la tới hơn một triệu đô la mỗi tuần.

Tuy nhiên, cuộc đời tôi không phải là ví dụ duy nhất về một cuộc sống thay đổi hoàn toàn nhờ có tầm nhìn rõ ràng và chính xác. Thomas Edison đã bỏ học từ khi còn học tiểu học. Ông được mẹ dạy học ở nhà. Mẹ ông còn dạy ông sách Châm Ngôn. Cho nên, ngay từ khi còn trẻ, Edison đã biết tầm quan trọng của việc phải có một tầm nhìn rõ ràng về điều mình muốn thực hiện và kế hoạch chi tiết để hoàn thành nó. Ông sử dụng “quá trình lập bản đồ tầm nhìn” để theo đuổi mọi phát minh. Quá trình này như một nguồn lực sáng tạo, kiên nhẫn và có sức mạnh giúp ông trở thành nhà sáng chế có nhiều phát minh nhất và thành công nhất trong lịch sử.

Có được một tầm nhìn rõ ràng và chính xác giúp John D.Rockefeller từ một nhân viên kế toán chỉ kiếm được 10 xu một giờ trở thành người giàu có nhất thế giới. Tầm nhìn giúp Helen Keller từ một thiếu nữ bất hạnh trở thành một trong những nhà diễn thuyết, nhà văn nổi tiếng nhất mọi thời đại. Tầm nhìn trở thành động lực khiến Ray Kroc chú ý đến một nhà hàng nhỏ bé ở San Bernardino, California và biến nó thành hệ thống 25 nghìn nhà hàng nhượng quyền mà ngày nay gọi là McDonald’s.

TẦM NHÌN: là mục tiêu được hoạch định rõ ràng, chính xác với kế hoạch chi tiết và thời gian biểu để đạt được mục tiêu đó.

Một vấn đề sống còn

Tầm nhìn quan trọng như thế nào trong cuộc sống riêng tư cũng như trong sự nghiệp của bạn? Solomon cho rằng tầm nhìn quan trọng đến mức nếu thiếu nó, năng lực của chúng ta sẽ bị hao mòn. Chúng ta sẽ không có niềm vui trong cuộc sống mà chỉ tồn tại một cách đơn thuần cho qua ngày. Bạn đi từ niềm vui đến sự tồn tại, chán nản và cuối cùng là thất vọng. Đó không phải là cuộc sống mà chúng ta mong muốn. Chúng ta ai cũng muốn cuộc sống tràn ngập hạnh phúc và thành công trong công việc và trong gia đình. Nhưng như Solomon nói “Ở đâu không có tầm nhìn, dân chúng phóng túng.”

Đó là câu châm ngôn có thể áp dụng cho tất cả các lĩnh vực của đời sống. Mọi người thường bắt đầu công việc hay sự nghiệp với một ý tưởng hay tầm nhìn chung chung về những gì họ hy vọng đạt được. Nếu bất kỳ ai nói với tôi rằng họ cảm thấy không hạnh phúc trong công việc hay trong hôn nhân, tôi chỉ cần hỏi họ tầm nhìn trong công việc và hôn nhân của họ là gì. Và vấn đề căn bản của họ lập tức được phơi bày. Rõ ràng, họ không hề có tầm nhìn. Nếu bạn có được một tầm nhìn rõ ràng và chính xác, bạn có thể biến ước mơ thành hiện thực và đổi mới cuộc đời của mình.

Tầm nhìn mang lại sự khác biệt

Năm 1897, Jamess Ritty, chủ một khách sạn tại Dayton, Ohio đã nhận bằng sáng chế cho phát minh máy tính tiền. Ritty thành lập một công ty nắm giữ bằng sáng chế đó và bán máy tính tiền cho những doanh nhân khác. Thật không may, ông ta chỉ bán được vài trăm chiếc. Khi một doanh nhân khác ở Dayton là John Patterson muốn mua lại công ty và phát minh đã được cấp

bằng sáng chế của Ritty với giá 6.500 đô la, ông ta vui vẻ đồng ý. Ritty và cộng đồng doanh nghiệp ở Dayton không thể tin có người trả nhiều tiền như vậy cho một phát minh được tiêu thụ quá ít trong vòng năm năm kể từ khi được tung ra thị trường. Nhưng Patterson có thứ mà James Ritty và những doanh nhân khác ở Dayton không có, đó là tầm nhìn. Trước khi qua đời, Patterson bán được hơn 22 triệu chiếc máy tính tiền, và công ty của ông đã trở thành một trong những công ty kinh doanh và marketing có ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại. Ông đã đặt tên công ty là National Cash Register (NCR) . Theo thăm dò, tính đến năm 1984, cứ sáu CEO thì có một người được đào tạo ban đầu tại Công ty NCR, trong đó có Thomas Watson – người sáng lập hãng IBM.

Làm thế nào để có được tầm nhìn cho những ưu tiên hàng đầu?

Mục tiêu trong sự nghiệp hay công việc kinh doanh của bạn là gì? Mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn của bạn thế nào? Mối quan hệ của bạn với người bạn đời và con cái ra sao? Nếu như bạn chưa vạch rõ ước mơ của mình trong từng lĩnh vực trên, tôi có thể cam đoan, bạn gần như không thể biến chúng thành hiện thực. Tôi đã đề cập đến quá trình lập bản đồ tầm nhìn trong phần trước của chương này. Trong mục “Từ kiến thức đến sự khôn ngoan” dưới đây, tôi sẽ giải thích và minh họa chi tiết hơn. Sử dụng quy trình đơn giản này, bạn sẽ có một tầm nhìn rõ ràng và chính xác về tất cả những ước mơ quan trọng trong đời. Bạn sẽ biết cách biến mỗi tầm nhìn thành những mục tiêu, tiến trình và nhiệm vụ cụ thể. Kết quả là bạn sẽ có được một tầm nhìn rõ ràng với một tấm bản đồ chi tiết và kế hoạch để đạt mục tiêu đó.

Quy trình lập bản đồ tầm nhìn rất thú vị. Nó bắt đầu mang lại thành công thật sự khi bạn hoàn thành những nhiệm vụ nhằm đạt được tầm nhìn. Bản đồ tầm nhìn sẽ tạo ra kim chỉ nam và sức mạnh giúp bạn có được động lực hoàn thành cuộc hành trình. Solomon tiếp thêm cho bạn sức mạnh và niềm hy vọng để thực hiện được những ước mơ của mình. Tuy nhiên, những quan niệm của Solomon về hy vọng hoàn toàn khác cách chúng ta thường nghĩ. Trong chương tới, chúng ta sẽ khám phá giá trị thật sự của hy vọng.

Quy trình lập bản đồ tầm nhìn không chỉ có ích cho bạn mà cho cả những người xung quanh bạn: nhân viên, bạn đời và con cái của bạn. Bạn có thể giúp họ xác định những ước mơ và hành động để hiện thực hóa các ước mơ đó cũng như gia tăng mức độ thỏa mãn và động lực thúc đẩy họ.

Khi Carol, con gái lớn của tôi, tròn 11 tuổi, Michael Landon hỏi nó lớn lên muốn làm gì, nó trả lời: “Cháu muốn trở thành nữ tuyển thủ đầu tiên trong đội bóng chày Philadelphia Phillies.” Mike cười lớn và thúc vào khuỷu tay tôi. Tôi bảo Carol nói cho anh ta biết cô bé dự định thực hiện như thế nào. “Bố bảo rằng, khi có một ước mơ, chúng ta cần biến nó thành những mục tiêu cụ thể. Vì vậy, mục tiêu của con là trở thành người chặn bóng và đánh bóng giỏi nhất trong đội bóng. Bố bảo rằng, sau đó, con sẽ phải biến những mục tiêu thành kế hoạch cụ thể. Kế hoạch của con sẽ là thực hành chặn bóng mỗi ngày và đánh bóng mỗi tuần một lần. Bố bảo rằng, tiếp theo, con phải biến kế hoạch đó thành những nhiệm vụ. Vì vậy, bố phải trở về nhà vào lúc sáu giờ để chơi bắt bóng với con và đưa con đến chỗ đánh bóng chày vào các ngày thứ bảy.” Mặc dù không bao giờ được tham gia vào đội bóng Phillies nhưng Carol đã tiến bộ đáng kể khi thực hiện các yêu cầu của huấn luyện viên. Cô bé truyền đạt lại những yêu cầu đó cho các bạn trong đội và cùng thực hiện đúng như chỉ dẫn. Kết quả là, từ một đội chơi tồi nhất ở mùa giải đầu tiên, đội của Carol trở thành đội thắng tất cả các trận và giành chức vô địch trong mùa giải sau đó. Đó chính là sức mạnh của quy trình lập bản đồ tầm nhìn, ngay cả với đứa trẻ 11 tuổi.

Từ kiến thức đến sự khôn ngoan

SỬ DỤNG QUY TRÌNH LẬP BẢN ĐỒ TẦM NHÌN ĐỂ THIẾT LẬP LỘ TRÌNH HIỆN THỰC HÓA ƯỚC MƠ

Lập bản đồ tầm nhìn là quy trình thực hiện mục tiêu giúp bạn tăng năng suất và mức độ hoàn thành mỗi công việc, dự án hay lĩnh vực nào đó. Trước tiên, lập bản đồ tầm nhìn giúp bạn tạo ra tầm nhìn rõ ràng, chính xác cùng lộ trình chi tiết để đạt được tầm nhìn một cách nhanh chóng và hiệu quả. Nó truyền năng lượng vào bất kỳ lĩnh vực nào mà bạn quan tâm.

Quy trình lập bản đồ tầm nhìn gồm năm bước. Khi tiến hành quy trình này, bạn cần có một chiếc bút và quyển sổ để ghi chép. Hoặc bạn cũng có thể xem “bản đồ tầm nhìn” ở trang web của tôi (www.stevenkscott.com).

Hãy liệt kê những lĩnh vực trong cuộc sống mà bạn muốn đạt được các bước tiến quan trọng. Một số người chỉ liệt kê hai lĩnh vực (ví dụ như đời sống cá nhân và sự nghiệp) . Một số khác lại liệt kê nhiều hơn thế (Ví dụ như hôn nhân, con cái, sức khỏe, kinh doanh, dự án. Khi bạn đã xác định được những lĩnh vực quan trọng nhất trong cuộc đời mình, hãy viết chúng ra. Sau đó, hãy lập danh sách những ước mơ, khát vọng hay những dự án quan trọng nhất đối với mỗi lĩnh vực đó. Tiếp theo, sắp xếp thứ tự ưu tiên cho mỗi lĩnh vực, bắt đầu với ước mơ quan trọng nhất.

  1. Bắt đầu với ước mơ quan trọng nhất trong bất kỳ lĩnh vực nào, miêu tả chi tiết và chính xác ước mơ đó trong một vài câu nhưng không được quá một trang giấy.
  2. Lập mục tiêu cho ước mơ cụ thể đó. Hãy viết ước mơ của mình ngay ở đầu trang, sau đó lập danh sách những mục tiêu cụ thể, mục tiêu trung hạn cần đạt được để hiện thực hóa ước mơ.
  3. Lập một trang cho mỗi mục tiêu và đặt đầu đề “Từ mục tiêu tới các bước thực hiện”. Ở mỗi trang, liệt kê mục tiêu trung hạn của bạn và những bước cần thiết để thực hiện mục tiêu đó.
  4. Tiếp đó, tạo ra một trang có đầu đề “Từ các bước đến những nhiệm vụ cụ thể”. Liệt kê những nhiệm vụ cần hoàn thành để thực hiện bước đó.
  5. Bước cuối cùng trong quy trình là đưa ra thời gian cụ thể cần hoàn thành mỗi nhiệm vụ và mỗi bước. Làm xong bước này, bạn đã sẵn sàng để bắt đầu. Bạn có thể làm việc để đạt mỗi mục tiêu hoặc mỗi bước tại một thời điểm. Hoàn thành từng bước một cho đến khi bạn thực hiện được ước mơ của mình.

Quy trình này có thể có những nhiệm vụ hoặc những bước bạn không thể tự mình hoàn thành vì thiếu bí quyết hoặc thiếu nguồn lực. Đừng lo sợ! Trong Chương 6 sẽ có thêm một chiến lược hiệu quả nhất mà bạn có thể áp dụng để theo đuổi ước mơ và bạn có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này.

TÔI CÓ CẦN PHẢI VIẾT RA TẤT CẢ NHỮNG ĐIỀU TRÊN KHÔNG?

Đó là câu hỏi đầu tiên tôi nhận được khi chia sẻ quy trình này với khán giả. Câu trả lời là có. Hãy nhớ rằng, bạn muốn thiết lập một tầm nhìn rõ ràng và chính xác cho mỗi ước mơ, một lộ trình chi tiết và một thời gian biểu để thực hiện chúng. Đó là những gì quy trình này mang lại cho bạn. Trông nó có vẻ phức tạp nhưng không phải như vậy. Chỉ mất vài phút mỗi ngày để viết ra từng phần của quá trình. Bạn không phải làm mọi việc ngay một lúc. Hoàn thành bản đồ tầm nhìn là công việc cả đời. Bạn có thể áp dụng quy trình này với một ước mơ trong một tuần, một tháng, hoặc một năm. Quy trình đơn giản nhất này sẽ giúp bạn trải nghiệm những sức mạnh của chiến lược mà Solomon đưa ra nhằm đạt được và hiện thực hóa tầm nhìn. Từ đó, bạn sẽ đạt được ước mơ của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.