Người Giàu Nhất Thế Gian

CHƯƠNG 11. Xóa bỏ các yếu tố phá hoại mối quan hệ



Cơn thịnh nộ thì tàn ác, cơn giận như nước lụt.

− CHÂM NGÔN 27:4A −

 

Gần đây, nhiều người bị kích động cao độ khi nghe tin một cô gái 23 tuổi bị sát hại tàn nhẫn. Cô đang ngồi trên xe ôtô tại bãi đỗ xe cùng chị gái và cô con gái ba tuổi thì người bạn trai cũ tiến về phía cô. Họ bắt đầu cãi nhau, và người bạn trai tức giận đến mức rút súng ngắn và bắn chết cô.

Sáng nay, tôi lại đọc được câu chuyện về một người cha do quá tức giận đã dùng chiếc gậy bóng chày tấn công huấn luyện viên bóng chày của con gái mình.

Tuy những ví dụ này có vẻ là ngoại lệ, nhưng các sự việc tương tự (hoặc ít nghiêm trọng hơn) vẫn diễn ra hàng ngày, trong hàng nghìn mối quan hệ, đem lại những hậu quả khôn lường. Một người bạn của tôi mới kết hôn được bốn tháng, đã hỏi chồng mình một câu hỏi mà cô nghĩ là vô hại. Chồng cô ngay lập tức trở nên giận dữ và trong cơn phẫn nộ đã ghì cô xuống đất và đè đầu gối lên cổ họng cô. Trước đó, chồng cô chưa hề có hành vi bạo lực nào. Anh ta không chỉ là một bác sỹ thành đạt mà còn là một giáo viên.

Không ai trong những người kể trên nghĩ rằng họ sẽ làm điều gì khủng khiếp có thể làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của mình. Người bạn trai cũ của cô gái 23 tuổi đơn giản chỉ định đề nghị cô giao cho mình chiếc xe mà họ đã chung tiền mua. Người cha chỉ định yêu cầu huấn luyện viên cho con gái mình trở lại đội bóng. Và chồng cô bạn tôi chỉ đơn giản đi làm về và dự định có một buổi tối bình thường với vị hôn thê mới.

Tại sao lại có hàng triệu người đưa ra các quyết định ngu ngốc có thể lấy đi của họ tất cả những gì họ trân trọng? Solomon biết câu trả lời cho câu hỏi này. Đó là họ chưa từng học cách kìm nén cơn giận dữ như hàng triệu người khác. Ông đã nói trong Châm ngôn 14:17 rằng: “Người nóng tính hành động ngu dại, và kẻ mưu mô sẽ bị ghét.”

Nếu bạn không thể kiểm soát được cơn giận, bạn sẽ hủy hoại hạnh phúc cá nhân trong một giây phút hay thậm chí là cả cuộc đời. Cơn giận của bạn có thể phá vỡ những mối quan hệ gia đình cũng như công việc của bạn. Thực tế, chuyên gia về hôn nhân gia đình − Tiến sỹ Gary Smalley − đã nói giận dữ là nguyên nhân hàng đầu của các vụ ly dị và là yếu tố phá hoại những mối quan hệ dưới mọi hình thức.

Sức mạnh của cơn giận

Cơn thịnh nộ thì tàn ác, cơn giận như nước lụt.

− CHÂM NGÔN 27:4A −

Solomon đã mô tả sức mạnh phá hủy của cơn giận giống như cơn mưa rào hay cơn lũ, rất “dữ dội và mạnh mẽ”. Bạn đã bao giờ gặp một cơn mưa rào đột ngột chưa? Năm ngoái, khi tôi đang lái xe trên đường cao tốc thì một cơn mưa rào bất chợt ập đến. Tôi phải dừng lại giữa đường và đợi mưa tạnh. Một học sinh năm cuối trong trường trung học của tôi không may mắn như vậy. Cô bị mất tay lái, đâm vào một bức tường xi măng và cô tử nạn ngay lập tức.

Sức mạnh của những cơn lũ thậm chí còn khủng khiếp hơn. Chúng có thể phá hủy mọi thứ: đường sá, cầu cảng, nhà cửa và sinh mạng. Đây cũng chính là bản chất của sự tức giận. Nó có thể bắt đầu như một cơn mưa nhỏ, và biến thành một trận mưa rào dữ dội. Như một trận sóng thần, nó có thể cuốn đi bất cứ thứ gì trên đường đi của nó. Vậy sự nóng nảy của bạn thì sao? Bạn có thể nghĩ rằng: “Đúng là tôi có chút nóng nảy, nhưng đó không phải là vấn đề gì to tát.” Nhưng thực tế, một chút nóng nảy trong khoảnh khắc cũng có thể biến thành một trận mưa rào hay một cơn lũ và khiến bạn mất tự chủ.

Bạn cảm thấy thế nào khi một người gần gũi với mình bỗng trở nên giận dữ? Dù bạn bỏ chạy hay chống lại cơn giận đó, thì cũng không dễ chịu khi trở thành mục tiêu trong cơn giận của người khác. Bạn cảm thấy thế nào khi đang tức giận một ai đó? Liệu bạn có thể bình tĩnh trong cả ngày hôm đó không? Liệu cơn giận của bạn có trở nên dữ dội hơn không? Nó có tác động đến suy nghĩ và cảm xúc của bạn không? Hầu hết mọi người đều không thích phải tức giận hay trở thành mục tiêu trong cơn giận của người khác.

Hậu quả của sự tức giận

Sự tức giận gây ra bất hòa. Solomon nói “kẻ nóng tính gây sự xung đột”. Nếu có quá nhiều xung đột trong cuộc sống của bạn, thì có nhiều khả năng đó không phải là hậu quả từ cách cư xử của những người khác. Có thể bạn đã có những cơn giận chưa được nguôi ngoai thỏa đáng.

Sự tức giận khiến người khác tránh xa chúng ta. Solomon đã nói với chúng ta rằng: “Chớ làm bạn với người nóng tính, đừng kết giao với kẻ hay giận dữ.” Xu hướng tự nhiên của mọi người là tránh xa người đang tức giận. Nhưng khi cơn giận bột phát của họ qua đi, chúng ta thường có xu hướng giải thích thái độ của họ và khôi phục mối quan hệ. Solomon khuyên chúng ta không nên quan hệ với một người chất chứa đầy rẫy những cơn giận chưa được giải quyết. Hãy nghĩ về điều này: hàng năm, có hàng nghìn người bị vợ/chồng, bạn trai, bạn gái của họ giết hại và hàng triệu người bị ngược đãi về thể chất chỉ vì những người kia không thể kiểm soát được cơn giận đang sôi sục.

Sự tức giận hạ thấp sự tự tôn của chúng ta và người khác. Solomon nói “người nóng tính hành động ngu dại”. Bạn từng làm việc gì khiến chính bạn hay những người xung quanh bạn cảm thấy ngu ngốc hay chưa? Một người dễ nổi giận sẽ hành động ngốc nghếch vì sự tức giận làm lu mờ tầm nhìn của họ. Sự tức giận có thể làm thay đổi quan điểm của chúng ta về các tình huống xảy ra cũng như về khả năng nhìn nhận và đánh giá lời nói hay hành động của người khác một cách sáng suốt. Vì vậy, chúng ta thường phản ứng thái quá (thay vì xử sự hợp lý) trước một tình huống thực tế.

Phần thưởng cho việc kiềm chế được bản thân

Bạn sẽ có được sức mạnh để chiến thắng xung đột hay sự bất hòa. Trong Châm ngôn 15:18, Solomon khẳng định: “Kẻ nóng tính gây sự xung đột, nhưng người chậm nóng giận làm nguôi cuộc cãi vã.” Kiểm soát được tâm trạng của mình sẽ giúp bạn giữ được thái độ khách quan dù bạn đang ở trong cuộc tranh luận hay cãi vã. Cách xử sự của bạn không chỉ ảnh hưởng đến cuộc tranh luận, mà quan điểm rõ ràng và chính xác của bạn về tình huống sẽ cho phép bạn đưa ra giải pháp mà những người đang tức giận không thể có được.

Bạn sẽ có hiểu biết sâu sắc hơn. Solomon nói: “Người chậm nóng giận có nhiều sáng suốt, nhưng người hay nóng tính bày tỏ sự điên rồ.” Vì quan điểm của bạn không bị cơn giận làm lu mờ hoặc che lấp hoàn toàn, nên khả năng bạn hiểu rõ về tình hình thực tế của tình huống sẽ tăng lên.

Phần thưởng của bạn sẽ tăng lên. Trong Châm ngôn 16:32, Solomon đã viết: “Chậm nóng giận thắng hơn một dũng sỹ; tự chủ tâm thần tốt hơn chiếm lấy một thành.” Có những người không thể kiểm soát được cảm xúc của mình nhưng cũng có những người duy trì được sự kiểm soát đó và có lợi thế rất lớn. Họ không chỉ đạt được thành công lớn hơn trong công việc mà còn có thể xây dựng được một gia đình hạnh phúc.

Bạn sẽ được người khác tôn trọng hơn. Solomon đã viết: “Người hiểu biết chậm nóng giận và vì sự vinh hiển của mình, người bỏ qua sự xúc phạm.” Ryan, con trai tôi, là hậu vệ trong đội bóng. Trong một trận đấu, một cầu thủ đối phương đã cố ý phạm lỗi từ phía sau Ryan và tôi nhận thấy con mình vô cùng đau đớn. Khoảng năm phút sau, đội bạn có bóng và Ryan đã khéo léo cướp được bóng từ chân của chính cầu thủ đã phạm lỗi với nó lúc trước. Khi cầu thủ đó nằm trên sân bóng, tôi thấy Ryan cúi xuống và hỏi thăm anh ta có sao không. Sau đó, nó còn đưa tay ra giúp anh ta đứng dậy. Khoảnh khắc này khiến tôi tự hào về Ryan hơn bất kỳ thành tích nào cậu đạt được trong suốt mùa thi đấu. Hành động đó đã phản ánh chính xác lời khuyên của Solomon về việc “bỏ qua sự xúc phạm”.

Làm thế nào để đối phó hiệu quả với cơn giận của bản thân và của những người khác

Theo Tiến sỹ Gary Smalley, tức giận là cảm xúc gây ra vì nỗi đau, cảm giác thất bại, nỗi sợ hãi chưa được giải quyết hay sự kết hợp những cảm xúc này. Khi tức giận, chúng ta nên giải quyết bằng cách bắt đầu từ nguồn gốc thật sự của cơn giận, nó sẽ dần tiêu tan. Chúng ta cũng có thể phản ứng bằng cách thể hiện sự tức giận của mình hoặc kìm nén và giữ chặt nó. Hầu hết mọi người đều làm theo hai cách: thể hiện cơn giận (thường gây ra hậu quả tiêu cực, làm tổn thương bản thân và người khác); giữ chặt cơn giận và tự mình làm tiêu tan nó. Cách thứ hai này cũng không phải là hướng giải quyết hay hơn. Nó gây ra sự phẫn nộ, cay đắng, và cuối cùng sẽ hủy hoại tư tưởng của chúng ta. Sớm hay muộn, chúng ta cũng sẽ không thể nào kìm nén sự phẫn nộ của mình và sẽ ở trong trạng thái nóng giận cao độ có thể bùng phát chỉ vì những sự quấy rầy nhỏ nhất.

Cách duy nhất để làm nguôi cơn giận hiệu quả là giải quyết từ nguyên nhân gốc rễ của nó. Chúng ta phải đấu tranh với nỗi đau đớn tinh thần, sự thất bại và nỗi sợ hãi chúng ta thường gặp phải. Chúng ta làm bằng cách nào? Theo gợi ý của Gary Smalley, giải quyết từng trạng thái tâm lý này tuy đơn giản nhưng không hề dễ dàng. Bởi mỗi trạng thái tâm lý này đều khởi nguyền từ nguyên nhân duy nhất: những kỳ vọng không được thỏa mãn của chúng ta.

Khi mới sinh ra, 100% nhu cầu của chúng ta được người khác thỏa mãn. Khi bước sang thời thơ ấu, những người khác lại tiếp tục thỏa mãn hầu hết mọi nhu cầu của chúng ta. Thậm chí khi bước sang tuổi vị thành niên, chúng ta vẫn kỳ vọng những người khác thỏa mãn đa số nhu cầu của mình. Kết quả là chúng ta tự xây dựng cảm giác phi thực tế rằng chúng ta có những đặc quyền. Cảm giác này trở thành rào cản chính khiến chúng ta khó đạt được hạnh phúc. Nó tạo ra những kỳ vọng mà chúng ta áp đặt lên người khác. Chúng ta kỳ vọng người khác sẽ làm những việc khiến mình được hạnh phúc và thỏa mãn. Chúng ta kỳ vọng được họ trân trọng và đánh giá cao. Trong mọi mối quan hệ, chúng ta đều xây dựng một chuỗi kỳ vọng mù quáng như vậy.

Bất cứ khi nào có ai đó không đáp ứng kỳ vọng hoặc làm việc gì đó trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng của chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy mình thất bại và tổn thương. Và một người càng không đạt được kỳ vọng trong một thời gian dài thì càng thêm lo sợ rằng sẽ không bao giờ được thỏa mãn nó. Những nỗi đau, cảm giác thất bại và nỗi sợ hãi không được giải quyết này lại tiếp tục tạo ra sự tức giận.

Làm thế nào để thỏa mãn sự kỳ vọng của mình? Trước tiên, hãy xác định rõ những kỳ vọng đó. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy bị tổn thương, thất bại hay sợ hãi, hãy tự hỏi xem có kỳ vọng nào bị lãng quên hay từ chối. Khi bạn xác định rõ những kỳ vọng đó, bạn sẽ có một trong hai lựa chọn: giữ chặt cảm xúc xung quanh kỳ vọng đó hoặc dùng sức mạnh tinh thần để giải phóng nó. Chúng ta thường có xu hướng giữ chặt kỳ vọng, nhưng làm thế sẽ chỉ khiến sự đau đớn, cảm giác thất bại, hay nỗi sợ hãi thêm mạnh mẽ, gây ra sự tức giận, thù hận, và cay đắng. Hoặc bạn có thể chọn cách giải phóng kỳ vọng, để cho nó thoải mái và chuyển động cùng vòng quay cuộc đời. Bằng cách đó, tâm hồn bạn sẽ được thanh thản và bạn sẽ chiến thắng hoàn toàn sự tức giận.

Loại bỏ cơn giận chưa được giải quyết

Gary Smalley nói rằng tất cả chúng ta đều giữ trong tim mình một “chiếc cốc tức giận”. Đối với một số người, chiếc cốc của họ đầy đến tận miệng. Có thể nó chứa đầy những cơn giận dữ trong suốt cuộc đời của họ, hoặc cũng có thể chỉ là cơn giận trong một ngày. Chỉ cần nhỏ thêm một lượng rất nhỏ sự phiền nhiễu vào chiếc cốc thôi cũng đủ khiến cho sự tức giận trào ra và bắn vào bất cứ người nào đã gây ra sự phiền nhiễu đó. Chỉ cần một sự việc nhỏ nhặt – một người vượt qua họ trên đường, hoặc phớt lờ, từ chối kỳ vọng duy nhất của họ – cũng có thể kích động một người mang một chiếc cốc chứa đầy giận dữ. Nó có thể biểu hiện bằng một cơn nóng nảy bất ngờ, một sự bùng phát cảm xúc, sự ăn miếng trả miếng hay một cuộc tấn công trực tiếp. Hoặc nó có thể nén lại bên trong rồi gây hại cho người đón nhận bằng sự cay đắng, ngờ vực, thù hận, hay những suy nghĩ và cảm giác thất vọng.

Tuy nhiên, một số người lại có những chiếc cốc tức giận vơi đến 90%. Họ có thể phải trải nghiệm những sự phiền nhiễu và những kỳ vọng không được thỏa mãn mà không làm tràn chiếc cốc. Còn chiếc cốc của bạn thì sao? Nó có đầy đến tận miệng hay không? Nó có đầy đến ¾ hay không? Hay nó gần như cạn? Không cần biết có bao nhiêu cơn giận chứa trong chiếc cốc giận dữ của bạn, điều quan trọng là tập trung vào việc bạn có thể làm để cho chiếc cốc cạn hoàn toàn – và giữ cho nó luôn luôn như thế.

Trong seri video Bí quyết để có những mối quan hệ tốt đẹp, Tiến sỹ Smalley đã tiết lộ bảy bước mà chúng ta nên tuân theo để có thể làm cạn cơn giận đang chất chứa bên trong chúng ta. Bạn có thể sử dụng những bước này bất cứ khi nào cảm thấy mình đang tức giận vì bất cứ lý do gì. Tuân theo những bước này sẽ giữ cho chiếc cốc tức giận của bạn luôn luôn cạn và ngăn không cho sự phẫn nộ hay cay đắng hủy hoại nhân cách của bạn. Đây chính là hàm ý của Solomon khi nói về “sự tức giận kìm nén”.

Các bước loại bỏ sự tức giận của Gary Smalley

Xác định sự bực bội bằng cách viết ra. Chúng ta bực bội thường là vì ai đó hoặc vừa làm giảm khả năng thành công của chúng ta hoặc vừa làm tăng khả năng thất bại của chúng ta. Chúng ta cảm thấy bị xúc phạm. Hãy viết cụ thể điều người đó đã làm và thứ người đó đã lấy đi của bạn. Điều đó gây cho bạn sự mất mát vĩnh viễn hay đó chỉ là sự mất mát sẽ tan biến dần theo thời gian? Nó có ảnh hưởng đến lòng tự tôn hay làm tổn thương những cảm xúc của bạn hay không? Trong phút giây nóng giận, những cảm xúc của chúng ta có thể khiến mọi thứ vượt quá giới hạn. Khi bạn viết ra cụ thể việc người khác đã gây bực bội cho bạn như thế nào, bạn sẽ nhìn nhận việc đó bằng một quan điểm thực tế hơn.

Hãy để mình được đau buồn vì mất mát. Đôi khi bạn phải chịu đựng một nỗi mất mát lớn lao. Tôi đã từng tin một người đến mức quyết tâm đầu tư khoản tiết kiệm mà mình đã dành dụm cả cuộc đời theo lời khuyên của người đó. Nhưng anh ta đã nói dối tôi về những tổn thất và trong vòng một vài tháng đã làm tiêu tan 95% số tiền tiết kiệm của tôi. Không cần phải nói cũng biết tôi đã tức giận thế nào. Một trường hợp khác, sau khi cha tôi mất, tôi trở nên kém kiên nhẫn với các con, vợ, các nhân viên của tôi và tôi không hiểu lý do tại sao. Sau này, tôi mới nhận ra rằng tôi đã che giấu cơn giận đằng sau cái chết của cha mình. Trong mỗi tình huống, Gary Smalley đều nhắc nhở tôi phải viết ra nỗi mất mát của mình và để mình được đau buồn vì nỗi mất mát đó. Đó là vì một nỗi đau không được giải quyết có thể làm cho sự tức giận chất chứa bên trong con người chúng ta.

Hãy cố gắng hiểu rõ hơn người làm bạn bực bội. Tại sao người khiến bạn bực bội lại nói hoặc làm những việc làm tổn thương bạn? Liệu họ có biết họ đã làm bạn bị tổn thương không hay họ không thể thấy được điều đó? Liệu có phải đơn giản họ chỉ đối xử với bạn như cách họ đối xử với mọi người khác hoặc như cách người khác đối xử với họ? Họ chịu ảnh hưởng từ đâu? Liệu có phải chỉ vì họ chưa đủ trưởng thành? Mỗi người đều có các “điểm mù” và họ thường gây tổn thương cho người khác mà không hề dự tính những mất mát đã gây ra. Khi bạn nhận ra rằng một người vừa làm việc gì đó do bản tính, do sự thiếu trưởng thành hay thiếu hiểu biết của họ, thì cảm giác đau đớn của bạn sẽ không quá lớn. Trong nhiều năm liền, Shannon, vợ tôi, đã bị tổn thương sâu sắc vì những hành động của một người bạn. Khi cô ấy phát hiện ra người bạn đó cũng đối xử với mọi người theo cách này, và đó là do nền tảng giáo dục và tính cách của cô ta chứ không phải do chủ ý làm tổn thương người khác, thì Shannon đã hoàn toàn thoát khỏi trạng thái tức giận đã hình thành và ăn sâu trong tim cô ấy.

“Truy tìm kho báu” trong nỗi bực bội. Hãy tìm kiếm những điều tốt đẹp nảy sinh từ mỗi tình huống. Liệu nó có khiến bạn gắn bó hơn với những người khác không? Nó có phải là động lực khiến bạn đối xử với người khác không như họ đã đối xử với bạn? Một người bạn của tôi đã mất đứa con gái nhỏ trong một vụ tai nạn giao thông. Trước khi chuyện đó xảy ra, anh chưa từng đặt chân đến bệnh viện nhi. Anh có thể xem những tin tức về các sự việc tương tự mà không mảy may cảm thấy đau buồn hay thông cảm. Nhưng sau khi mất đi cô con gái, anh đã trở thành người đàn ông có trái tim giàu tình cảm nhất mà tôi được biết. Anh thường xuyên đến thăm bệnh viện nhi tại địa phương để chia sẻ và an ủi cha mẹ của những đứa trẻ bị ốm hay bị thương.

Một viên ngọc trai được hình thành từ những hạt cát bực bội. Khi chúng ta trải nghiệm một cuộc xung đột, các cơn bực bội hay phiền nhiễu, chúng thường tạo nên những viên ngọc trai ẩn giấu. Nhận ra những viên ngọc ẩn giấu này, bạn sẽ có cảm giác biết ơn có thể thay thế nỗi đau đớn và cơn giận mà bạn cảm thấy ban đầu.

Hãy viết một bức thư (nhưng đừng gửi đi). Tại sao vậy? Bởi vì cơn giận, sự phẫn nộ và cay đắng của bạn sẽ được giải phóng bằng ngòi bút hoặc bàn phím máy vi tính. Lưu ý là sự giải phóng đó diễn ra qua hành động viết chứ không phải hành động gửi thư. Bạn cần tỏ ra hết sức chân thành và mô tả một cách rất sinh động. Đừng chỉnh sửa lại. Mục đích của bạn là giải phóng tất cả mọi thứ và việc chỉnh sửa lại chỉ phá hỏng nó mà thôi.

Hãy giải phóng cho người khác khỏi những nỗi đau đớn mà họ phải trải qua và những kỳ vọng tương lai. Solomon đã nói với chúng ta rằng việc không nhận thấy giới hạn chính là vinh quang của một người. Theo tiếng Do Thái, “không nhận thấy” có nghĩa là gạt sang một bên và vượt lên trên” còn “sự tha thứ” có nghĩa là giải thoát. Để thật sự tha thứ cho một người, bạn phải giải thoát họ khỏi trách nhiệm về nỗi đau mà họ đã gây ra cho bạn. Sự tha thứ không phải là một cảm giác hay lời nói mà là một sự lựa chọn. Solomon nói rằng khi bạn lựa chọn theo cách đó, bạn sẽ nhận được vinh quang. Bằng cách giải thoát cho người khác và cho bất cứ kỳ vọng tương lai nào mà bạn đặt vào họ, bạn sẽ được giải thoát khỏi cơn giận và sự cay đắng của chính mình.

Bày tỏ thiện chí. Khi không có mối đe dọa hay nguy hiểm nào, việc bày tỏ thiện chí đối với người gây bực bội cho bạn có thể đem lại lợi ích to lớn cho cả hai bên. Hãy để tôi đưa ra một ví dụ cho bạn. Quan hệ của Jim (một đối tác của tôi) với cha anh rất tệ hại. Trong suốt thời thơ ấu của mình, cha anh luôn ngược đãi anh, em trai anh và mẹ anh về mặt thể chất. Sự ngược đãi rất tàn tệ và thành một thói quen của cha anh. Thậm chí ngay cả khi đã trưởng thành, Jim vẫn còn căm hận cha mình. Gary Smalley đã giúp Jim trải qua quá trình bảy bước mà tôi đã mô tả ở phần trên. Phần khó khăn nhất trong toàn bộ quá trình diễn ra vào ngày mà Jim phải bày tỏ thiện chí với cha mình. Kỳ diệu thay, chính vào ngày đó, hai cha con anh đã khởi đầu một mối quan hệ hoàn toàn mới. Mối quan hệ này không chỉ xóa đi cơn giận mà Jim chất chứa trong tim suốt thời gian qua mà còn thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cha anh. Họ trở thành những người bạn tốt nhất và có một mối quan hệ khó tin trong hai mươi năm cuối đời của cha Jim.

Đối phó với cơn giận của những người khác.

Khi đối phó với cơn giận của những người khác đối với mình, chúng ta thật sự đứng trước hai tình huống: làm dịu đi cơn giận của họ trong một hoàn cảnh cụ thể, và giúp họ giảm nhẹ cơn giận chất chứa trong tim họ đã lâu. Đây là những gợi ý của Solomon về cách làm dịu cơn giận trong một tình huống mất bình tĩnh cao độ.

Dùng sự mềm mỏng đáp lại sự cứng rắn. Solomon nói: “Một câu trả lời nhẹ nhàng sẽ làm dịu đi sự bực tức. Nhưng những lời nói gay gắt sẽ châm ngòi cho cơn giận.” Thay vì dùng sự lăng mạ đáp trả sự lăng mạ, hãy cố gắng trả lời bằng một giọng điệu và lời lẽ mềm mỏng hơn. Thông thường, cơn giận của đối phương sẽ nguôi ngoai dần.

Đừng đổ thêm dầu vào lửa. Solomon đã viết “nếu thiếu gỗ thì lửa sẽ tắt”. Rất nhiều lần chúng ta muốn nói lời cuối cùng. Khi chúng ta làm vậy, việc đó giống như ném một thanh củi lớn hay thậm chí là đổ thêm dầu vào lửa. Chúng ta có thể tránh đổ thêm dầu vào lửa bằng cách thừa nhận trách nhiệm (hoặc đổ tội cho người khác) về những việc chúng ta đã làm hay đã nói khiến người khác bị tổn thương, thay vì chỉ buộc tội hay công kích những lời nói hay hành vi của chúng ta.

Làm thế nào để ngăn chặn hậu quả do cơn giận gây ra?

Bất cứ khi nào bạn mất bình tĩnh trước một ai đó thì bạn mới làm họ tức giận. Nếu họ chín chắn hơn bạn, họ có thể lấy lại bình tĩnh ngay lập tức. Nhưng thông thường, cảm giác bị tổn thương không dễ dàng quên được và bạn cần phải chịu trách nhiệm ngăn chặn hậu quả do cơn giận gây ra. Việc này liên quan đến quá trình chúng ta loại bỏ cơn giận nhưng với một kết quả bất ngờ. Sau khi thực hiện những bước nhằm loại bỏ cơn giận mà tôi đã thảo luận ở phần trước, bạn nên:

Xác định nỗi bực tức của bạn với người khác. Bạn đã làm gì khiến họ tổn thương? Bạn đã chối bỏ hay phớt lờ những kỳ vọng của họ như thế nào? Bạn đã gây ra tổn thất hay làm mất đi lợi ích gì? Hãy xác định rõ bản chất và mức độ của nỗi bực tức.

Hãy nói với đối phương rằng bạn thật sự muốn xin lỗi họ. Hãy nói cụ thể và chi tiết về nỗi bực tức của bạn. Không ai đánh giá cao hay tin vào một lời xin lỗi chung chung. Chỉ lời xin lỗi cụ thể mới khiến người khác biết bạn thật sự hiểu việc bạn đã làm và mức độ tổn thương mà bạn gây ra cho họ.

Hãy xin được tha thứ. Một lần nữa, hãy nói cụ thể về điều mà bạn mong nhận được từ người khác.

Hãy cố gắng duy trì mối quan hệ như trước kia. Hãy cho đối phương biết rằng bạn mong muốn được tôn trọng họ.

Sự khôn ngoan thật sự không bao giờ bị động mà luôn luôn chủ động. Solomon đã đưa ra các gợi ý cụ thể mà chúng ta có thể sử dụng để tránh khỏi nỗi đau, cảm giác thất bại, những kỳ vọng không được thỏa mãn và sự tức giận. Điều đó xảy ra khi chúng ta đối xử với những người chọc giận chúng ta theo cách đi ngược lại hoàn toàn xu hướng tự nhiên của con người.

Đừng bao giờ tìm kiếm hận thù. Trong Châm ngôn 24:29, Solomon đã viết: “Chớ nói rằng, tôi sẽ làm cho nó như nó làm cho tôi, tôi sẽ báo trả mỗi người tùy theo điều nó làm.” Ông phản đối sự trả thù dưới bất kỳ hình thức nào, như ông đã viết trong Châm ngôn 26:27: “Kẻ đào hố sẽ sụp xuống hố, kẻ lăn đá sẽ bị đá đè trở lại.”

Đừng bao giờ vui mừng khi người đã từng làm tổn thương bạn bị tổn thương. Trong Châm ngôn 24:17, Solomon nói: “Chớ vui mừng khi kẻ thù con bị ngã và đừng hớn hở trong lòng khi nó bị lật đổ.”

Hãy tìm kiếm cơ hội để đối xử tốt với những người làm bạn tổn thương. Solomon viết trong Châm ngôn 25:21: “Nếu kẻ thù con đói, hãy cho nó bánh ăn; nếu khát, hãy cho nó nước uống.” Điều này hoàn toàn trái ngược với bản tính của con người. Tuy nhiên, khi giúp đỡ những người đã làm chúng ta bực bội, thì chúng ta không chỉ rút nhiên liệu ra khỏi cơn giận của họ mà còn cho họ thấy rằng chúng ta cũng quan tâm đến người khác như chính mình.

Chiến thắng nỗi tức giận không phải là chiến thắng cá nhân

Trong suốt cuộc đời chúng ta phải đối mặt với sự tức giận nhiều lần. Nhưng chúng ta không nhất thiết phải trở thành nạn nhân của nỗi tức giận do chính mình hay người khác gây ra. Sự tức giận bắt đầu giống như một cơn mưa nhỏ. Song, nếu chúng ta không chú ý, nó có thể trở thành cơn lũ mà Solomon đã cảnh báo. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện các biện pháp để đảm bảo chắc chắn rằng nó không lấn át bạn hay hủy hoại những mối quan hệ của bạn. Bạn có thể giữ cho chiếc cốc tức giận của bạn cạn khô hoàn toàn.

Từ kiến thức đến sự khôn ngoan

CHIẾC CỐC GIẬN DỮ CỦA BẠN ĐẦY ĐẾN MỨC NÀO?

  1. Bạn có dễ bị tổn thương, cáu gắt và bực bội bởi những điều nhỏ nhặt không?
  2. Bạn có thường xuyên bực bội, tức tối không?
  3. Có sự đố kỵ hay xung đột nào đang xảy ra trong mối quan hệ của bạn không? Bạn có muốn thoát khỏi người nào không?
  4. Lần cuối cùng bạn rút lui trong giận dữ là khi nào?
  5. Điều gì khiến bạn thoát ra được?
  6. Với những gì bạn đã biết, bạn sẽ giải quyết tình thế sắp tới như thế nào?
  7. Lập danh sách bất cứ ai bạn cảm thấy có thể cải thiện được mối quan hệ với họ. Để có cái nhìn đúng, bạn cần phải hỏi ý kiến của gia đình, bạn bè và đối tác của mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.