Người Giàu Nhất Thế Gian

CHƯƠNG 5. Chìa khóa mở mọi cánh cửa



Lòng khôn ngoan dạy dỗ miệng mình và làm cho đôi môi tăng sự thuyết phục.

– CHÂM NGÔN 16:23 –

 

Năm ngoái, Shannon, vợ tôi, mua một chiếc ôtô mới có nhiều tính năng mà chúng tôi chưa từng thấy. Chiếc xe này khá tiện lợi. Chúng tôi không cần sử dụng chìa khóa điện tử để mở cửa hay khởi động xe. Cửa sẽ tự động mở khi vợ tôi bước đến. Khi ngồi vào xe, vợ tôi chỉ cần đặt chân lên bàn đạp phanh và nhấn nút ở bảng vào số, ôtô lập tức khởi động. Tất cả sự kỳ diệu này là do hệ thống nhận biết và chuyển tín hiệu được thiết lập bên trong chìa khóa. Khi vợ tôi chạm tay vào cánh cửa hay ngồi ở ghế lái, ôtô phát ra tín hiệu và chìa khóa nhận được tín hiệu đó. Sau đó, chìa khóa chuyển một tín hiệu được mã hóa vào ổ khóa ở cửa xe hoặc bộ phận khởi động. Bạn có thấy nó thật sự là một chiếc chìa khóa tuyệt vời không?

Dù chiếc chìa khóa đó có tuyệt vời như thế nào cũng không thể so sánh với chìa khóa của Solomon. Chìa khóa của Solomon có thể mở mọi cánh cửa và khởi động bất cứ thứ gì trên đời. Nó có thể mở cửa tâm trí ông chủ hoặc những khách hàng tiềm năng của bạn. Nó có thể mở cửa kho ngân hàng và ví của những nhà đầu tư. Nó có thể mở cửa trái tim và tâm trí của người bạn đời và con cái bạn. Tôi đang nói về chiếc chìa khóa giao tiếp hiệu quả của Solomon.

Giao tiếp không hiệu quả – vấn đề hàng đầu trong kinh doanh và cuộc sống

Trong công việc hay trong cuộc sống gia đình, các ý kiến bị bỏ qua hay phản đối hầu hết không phải vì đó là những ý kiến tồi mà vì chúng không được truyền đạt một cách thuyết phục và hiệu quả. Kết quả một cuộc khảo sát các chủ doanh nghiệp và CEO của các tập đoàn cho thấy, giao tiếp không hiệu quả là vấn đề hàng đầu cần quan tâm trong kinh doanh. Còn Tiến sỹ Smalley cho rằng đây là vấn đề nghiêm trọng nhất trong các mối quan hệ. Khi bạn làm chủ những kỹ năng giao tiếp mà Solomon đưa ra, bạn sẽ thành công trong công việc và vượt xa những người thiếu kỹ năng này.

Trong gia đình, giao tiếp kém hiệu quả còn mang lại hậu quả nghiêm trọng hơn. Mọi người thường mắc sai lầm là nói những điều không nên vào thời điểm không thích hợp. Điều tồi tệ như vậy cũng có thể xảy ra khi cả vợ và chồng không nói gì. Hầu hết phụ nữ hoạt động nghiêng về não trái (bộ phận cảm giác của não), còn nam giới hoạt động nghiêng về não phải (bộ phận phân tích và thực tế của não) dẫn đến rào cản giao tiếp giữa hai phái.

Theo các chuyên gia về giao tiếp, trong khi phụ nữ nói trung bình từ 25 − 50 nghìn từ một ngày thì nam giới chỉ nói 12 − 25 nghìn từ. Đặc điểm này càng tạo ra nhiều “sự hiểu nhầm” hơn. Theo Tiến sỹ Smalley, một trong những nhu cầu lớn nhất của phụ nữ là “cảm thấy gắn bó”. Nếu không có giao tiếp hiệu quả từ hai phía, sự gắn bó của một cặp đôi sẽ dần bị giảm sút. Không lâu sau, họ sẽ không còn cảm thấy gắn bó với nhau nữa.

Điều chúng ta nói và cách chúng ta nói có thể làm thay đổi cuộc sống của những người khác.

Năm 1976, tôi xây dựng chương trình truyền hình trả lời trực tiếp đầu tiên. Đó là chương trình bán hàng trực tiếp cho khách hàng. Nó cung cấp số điện thoại không tính cước cuộc gọi, địa chỉ hoặc tên trang web miễn phí, giúp khách hàng có thể đặt hàng ngay sau khi chương trình diễn ra mà không cần phải đến cửa hàng bán lẻ. Nhưng bán hàng theo phương thức này không hề đơn giản. Bạn chỉ có từ một đến hai phút để thu hút sự chú ý của người xem, tạo sự tò mò về sản phẩm, mô tả sản phẩm, khác biệt hóa sản phẩm với các sản phẩm trên thị trường,

vượt qua sự hoài nghi của người xem và những lý do khiến họ không mua sản phẩm, thúc đẩy họ đặt hàng và ghi nhớ (hay ghi lại) số điện thoại. Tỷ lệ thành công của hình thức bán hàng này thường chỉ đạt xấp xỉ 1/100. Tuy nhiên, trong mười năm đầu kinh doanh của chúng tôi và những chương trình thương mại mà tôi đã viết, tỷ lệ thành công chiếm hơn 70%. Chúng tôi đã nhận được hơn 25 triệu cuộc gọi đặt hàng hóa và dịch vụ. Điều này cho thấy sức mạnh không ngờ của việc giao tiếp hiệu quả và thuyết phục.

Dù rất ấn tượng nhưng điều này cũng không thể bằng sức mạnh mà Solomon nói đến trong việc giao tiếp với người khác. Ông nói về mọi khía cạnh trong giao tiếp: ngôn từ, giọng nói, cử chỉ, biểu hiện của nét mặt, thần thái, thời gian và những ký hiệu giao tiếp không dùng lời nói.

Cách bạn giao tiếp có thể làm cơn giận tan biến hoặc trở nên trầm trọng hơn.

Lời đáp dịu dàng làm nguôi cơn giận, còn lời nói sỗ sàng gây ra tức giận.

– CHÂM NGÔN 15:1 –

Khi chúng ta giận dữ hay đối mặt với một ai đó đang giận dữ, chúng ta phải chọn một trong hai: làm tăng cơn giận, thêm dầu vào lửa, hoặc làm giảm cơn giận và dập tắt những đám cháy. Xu hướng tự nhiên của chúng ta là luôn chọn con đường ít trở ngại nhất. Nếu đang giận dữ, tôi thường có xu hướng không kiểm soát được cơn giận. Nếu gặp ai đó đang tức giận, chúng ta thường có xu hướng phản ứng lại như vậy. Nếu họ lên giọng hay la hét, chúng ta sẽ càng to tiếng hơn. Thật không may, theo Solomon, lấy giận dữ để phản ứng giận dữ chỉ làm tăng thêm sự phá hoại. Chúng ta không nên làm theo xu hướng tự nhiên. Chúng ta có thể “dội nước lạnh” vào cơn giận của mình hay bất cứ ai chỉ đơn giản bằng những lời tử tế, giọng nói nhẹ nhàng, cử chỉ và âm điệu hòa nhã.

Vợ và các con tôi nói rằng tôi hay mất bình tĩnh. Vì thế, tôi đã tập cho mình thói quen là khi phát hiện điều gì đang xảy ra, tôi nhớ đến châm ngôn của Solomon: “Lời đáp dịu dàng làm nguôi cơn giận, còn lời nói sỗ sàng gây ra tức giận.” (Châm ngôn 15:1) Lúc đó, tôi nghĩ: Tiếp tục nói những lời khó nghe và làm tăng cơn giận hay chọn những từ ngữ ôn hoà, giọng nói nhẹ nhàng và cử chỉ lịch thiệp hơn? Và lần nào cũng vậy, cơn giận lập tức biến mất khi tôi trở nên mềm mỏng. Nhờ đó, khi cảm thấy tức giận, tôi hầu như tôi trở nên bình tĩnh ngay được. Khi ai đó nổi giận với tôi, tôi có thể phải mất một phút hay một nỗ lực tương đương để họ bình tĩnh trở lại. Ví dụ nếu gặp đối tác rất giận dữ với tôi khi thảo luận trên điện thoại thì thay vì la hét, tôi hạ giọng, trả lời ôn hòa và nhẹ nhàng trước những lý lẽ của anh ta. Ngay lập tức anh ta cũng hạ giọng, thay đổi ngữ điệu, lắng nghe và không còn phản bác tôi nữa.

Với bốn đứa trẻ trong gia đình thì một ngày của chúng tôi hiếm khi trôi qua mà không có ít nhất một trận cãi vã. Tôi ngạc nhiên khi thấy bọn trẻ nhanh chóng trở nên ôn hòa khi tôi hạ giọng xuống. Khi bạn bắt đầu sử dụng kỹ năng này, đừng nản chí nếu thái độ ôn hòa của bạn không mang lại hiệu quả ngay lập tức. Đôi khi, một người có thể giận dữ đến mức bạn có thể sẽ cần phải nhẹ nhàng với họ vài phút trước khi họ bắt đầu bình tĩnh trở lại.

Lưu ý rằng nếu bạn làm điều gì khiến người khác cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, họ sẽ coi những ngôn từ nhẹ nhàng và giọng điệu ôn hòa của bạn như một cử chỉ hạ mình hay chối bỏ trách nhiệm. Vì vậy, bạn phải cho họ thấy bạn hiểu mức độ xúc phạm trong lời nói của mình và rất chân thành sửa chữa sai lầm.

Cách bạn giao tiếp có thể gây tổn thương hay chữa lành vết thương cho người khác.

Lời nói thiếu suy nghĩ như lưỡi gươm đâm thủng, nhưng lưỡi người khôn ngoan chữa lành.

– CHÂM NGÔN 12:18 –

Những ông bố, bà mẹ mà tôi biết đều mong ước tạo ra tinh thần lành mạnh và sự tự tôn ở con cái. Tuy nhiên, tôi từng chứng kiến nhiều bậc cha mẹ nói những lời cay độc với con mình. Đôi khi những lời nói, giọng điệu đó như vết dao ngấm ngầm cứa vào lòng chúng và có thể để lại những vết thương lòng vĩnh viễn. Cha mẹ thường nghĩ, những lời lẽ cay độc này sẽ không ảnh hưởng đến con cái mình hoặc trẻ sẽ mau quên đi. Họ biện hộ rằng họ “chỉ nói sự thật” và nếu sự thật làm trẻ đau lòng thì hãy chấp nhận sự thật đó. Chương tiếp theo của cuốn sách này sẽ cho bạn thấy có hàng nghìn cách chỉ trích sai lầm. Nhưng theo Solomon, chỉ có một cách chỉ trích đúng đắn. Các cách chỉ trích sai lầm gây nên những vết thương tận đáy lòng trong khi cách phê bình đúng đắn thường không làm tổn thương người khác.

Trong những lần xuất hiện trên kênh truyền hình PBS, tôi đã hỏi khán giả: “Khi còn nhỏ, bạn đã bị bố mẹ chỉ trích bao nhiêu lần và những lời chỉ trích đó có làm bạn đau lòng không?” Gần như mọi cánh tay trong khán phòng đều giơ lên. Thậm chí, nhiều người cao tuổi cũng có thể nhớ lại những lần họ bị chỉ trích khi còn trẻ. Đó chính là sức mạnh gây tổn thương của ngôn từ. Dấu ấn của chúng trong tâm trí con người có thể không bao giờ xóa mờ được.

Solomon nói rằng, người khôn ngoan dùng cách giao tiếp để chữa lành vết thương và mang lại sự khỏe khoắn cho người khác. Trong Châm ngôn 16:24, ông viết: “Lời nói dịu dàng như mật ong, ngọt ngào cho tâm hồn và lành mạnh cho xương cốt.” Trước đó, trong Châm ngôn 12:25, ông nói: “Lo lắng làm cho lòng người mệt mỏi nhưng lời lành khiến lòng dạ người ta vui mừng.” Những lời lẽ tán dương, đánh giá cao, khuyến khích, sự thấu hiểu có thể thâm nhập vào tâm trí và chữa lành vết thương lòng của con người.

Nếu bạn còn hoài nghi về tác động của những lời khuyến khích đối với sức khỏe thể chất, tờ USA Today (Nước Mỹ ngày nay) có đăng hai nghiên cứu chỉ ra rằng sự suy sụp, căng thẳng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Một trong hai nghiên cứu đó chứng minh là mối quan hệ càng bền chặt, càng khiến một người hạnh phúc hơn, nhờ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Hãy nhớ, Solomon nói những lời lẽ êm dịu khiến con người khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.

Cách giao tiếp của bạn có thể làm sống lại tinh thần của một người.

Lưỡi hiền lành là cây sự sống.

– CHÂM NGÔN 15:4 –

Trong tiếng Do Thái, khỏe mạnh có nghĩa là “có tác dụng làm lành” hay “có tác dụng cứu chữa”. Theo Solomon, một cái lưỡi hiền lành là “cây sự sống”. Tôi thích cách biểu cảm này, bởi cây không chỉ sống mà còn mang lại sự sống cho con người. Lá cây cung cấp oxy để chúng ta thở, trái cây là nguồn thực phẩm của chúng ta và rễ cây giữ đất mà ta đang sống. Người nói ra những ngôn từ có tác dụng chữa vết thương lòng cũng như vậy. Cách giao tiếp khuyến khích của một người không chỉ cải thiện cuộc sống của bản thân anh ta mà còn cải thiện cuộc sống của những người xung quanh.

Tuy nhiên, điều ngược lại cũng đúng. Solomon cho rằng sự giao tiếp ác ý có thể phá hoại tinh thần của con người. Ông viết trong châm ngôn: “Lưỡi gian tà làm tinh thần suy sụp.” Nếu giao tiếp không trung thực hay có những ngôn từ ác ý, chúng ta sẽ làm suy sụp tinh thần của người khác. Khi đó, không những mối quan hệ của chúng ta với người đó bị hủy hoại mà còn khiến người đó có thể mang vết thương lòng mãi mãi.

Nhiều năm trước, một người bạn thân của tôi kể, cô bị chồng hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần. Điều khiến tôi bất ngờ nhất là với cô ấy, chính lời nói chứ không phải hành động vũ phu của chồng cô đã làm cô đau đớn hơn. Sau khi ly dị nhiều năm, cô vẫn nói với tôi rằng: “Những vết thương thân thể có thể lành sau vài ngày, nhưng nỗi đau và vết thương tinh thần đến giờ tôi vẫn chưa quên được.”

Trong cuộc sống, chúng ta có rất nhiều cơ hội giao tiếp, hoặc là theo cách chữa lành vết thương và mang lại sự khỏe khoắn, hoặc là tạo ra vết thương lòng cho người khác. Phần lớn mọi người không có ý niệm nào về sức mạnh lời nói của họ và cách họ nói. Hãy lựa chọn ngôn từ và cách diễn đạt thật khôn ngoan.

Lời nói của bạn có thể cứu sống một người nhưng cũng có thể lấy đi cuộc sống của người đó.

Sống chết ở trong tay của lưỡi, kẻ nào yêu mến nó sẽ ăn bông trái của nó.

CHÂM NGÔN 18:21 –

Một trong những ví dụ điển hình nhất về “sức mạnh của cái lưỡi” có thể cứu sống con người phải kể đến sự việc xảy ra vào tháng 3 năm 2005 ở Atlanta, Georgia. Brian Nichols, kẻ giết hại một vị quan tòa và ba người khác, đã bắt cóc và uy hiếp cô Ashley Smith. Hầu hết người Mỹ đều biết phần kết của câu chuyện. Những lời lẽ đầy hy vọng, tầm nhìn và mục đích của Ashley Smith và những lời cô đọc từ cuốn sách The Purpose Driven Life (Sống đúng mục đích) đã tạo ra sự thay đổi không ngờ trong trái tim và suy nghĩ của kẻ sát nhân. Những lời nói đó không chỉ cứu sống bản thân cô mà còn cứu sống kẻ sát nhân và có thể nhiều người khác nữa nếu kẻ sát nhân không tự thú.

Người bạn thân nhất của tôi, Jim Shaughnessy, gần như cả đời mình đã sử dụng ngôn từ để cứu rỗi những người khác. Mỗi khi Jim xuất hiện, mọi người vui hẳn lên. Anh biết cách nói để mọi người, dù trẻ con hay người lớn, cũng đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Anh được mọi người đánh giá cao. Nhờ vậy, anh có nhiều mối quan hệ hơn bất kỳ ai mà tôi biết.

Lời nói của bạn có thể mang niềm vui đến cho người khác.

Lời nói đúng lúc khác nào trái táo vàng để trên đĩa bạc.

– CHÂM NGÔN 25:11 –

Đã bao giờ bạn ngẩn ngơ trước một bức tranh đẹp? Hãy tưởng tượng cung điện của Solomon tràn ngập những tuyệt tác đến mức khó tin. Khi đọc câu châm ngôn trên, tôi nhớ Solomon có một tác phẩm nghệ thuật rất đặc biệt, đã mang lại cho ông và những vị khách của ông niềm thích thú. Đó là một bức tranh, đúng hơn là một bức chạm trổ mạ bạc, được điểm xuyết bởi một trái táo vàng. Theo Solomon, những lời nói đúng lúc cũng đẹp và giá trị như những bức tranh đó. Hơn nữa, khi một người nói hoặc viết đúng lúc, người đó sẽ được mọi người đánh giá cao. Tôi rất may mắn khi xung quanh mình có những người biết nên nói điều gì, nói như thế nào và khi nào nên nói. Khi tôi gặp phải chuyện buồn hay thất vọng, vợ tôi và những người bạn tốt nhất của tôi: Jim và Patty Shaughnessy, Tom, Marlene Delnoce, gia đình Smallley, những đối tác của tôi Bob, John, và Dave Marsh luôn nói những lời mà tôi xem chúng như các trái táo trong bức tranh phủ bạc. Đó là những lời nói có sức mạnh giúp tôi thoát khỏi nỗi đau và nâng đỡ tâm hồn và tinh thần tôi. Trong những lúc như vậy, tôi càng đánh giá cao và yêu quý họ hơn.

Tất cả chúng ta đều có khả năng nói những lời yêu thương, khích lệ, tử tế và khôn ngoan.

Dưới đây Solomon đưa ra cho chúng ta nhiều cách để tăng sức mạnh của ngôn từ và giao tiếp.

Bí quyết giao tiếp của Solomon

Những bí quyết của Solomon nhằm phát huy tối đa sức mạnh của giao tiếp thoạt đầu nghe có vẻ chung chung, nhưng thực tế, chúng rất thông dụng và là kiến thức chung cho mọi người trong thời đại ngày nay.

  1. Hãy nói theo cách khiến mọi người muốn nghe

Lưỡi người khôn ngoan truyền rao tri thức, nhưng miệng kẻ ngu dại tuôn ra điều ngu xuẩn. – CHÂM NGÔN 15:2 –

Với hầu hết mọi người, nói đơn giản chỉ là nói ra bất cứ điều gì họ muốn. Họ nói ra những gì họ nghĩ và không quan tâm đến tính xác thực và giá trị của chúng. Khi muốn người khác hiểu rõ và thông cảm, bạn cần phải nói theo cách dễ nghe, dễ hiểu. Một người khôn ngoan sẽ tìm mọi cách để người khác dễ tiếp thu lời nói của mình.

  1. Học cách trở nên thuyết phục hơn

Lòng khôn ngoan dạy dỗ miệng mình và làm cho đôi môi tăng sự thuyết phục.

– CHÂM NGÔN 16:23 –

Solomon dùng từ “dạy” (theo tiếng Do Thái) trong Châm ngôn 16:23 để chỉ sự chỉ dẫn hay hướng dẫn có cân nhắc. Nói cách khác, bạn đừng nói năng tùy tiện mà hãy kiểm soát những gì bạn nói. Hãy học khi nào nên nói, khi nào không và nên nói cái gì trước. Đối với một số người, điều này thật dễ dàng. Nhưng đối với những người khác, nó có thể rất khó khăn. Một lợi ích dễ dàng nhận thấy là, khi không nói, bạn có thể lắng nghe. Bạn sẽ hiểu rõ hơn cách nhìn nhận của người khác và quan điểm của họ.

Phần huấn thị thứ hai của Solomon trong châm ngôn này ngụ ý rằng bạn nên tăng thêm tính thuyết phục trong lời nói của mình. Đôi khi người ta thường đồng nhất sự thuyết phục với mánh khóe. Nhưng đó là sai lầm. Không gì rõ ràng hơn sự thật. Mánh khóe là sử dụng bất cứ điều gì, kể cả sự lừa gạt để thuyết phục ai đó làm điều trái với lợi ích của họ. Sự thuyết phục cho phép bạn thể hiện rõ ràng quan điểm của mình, khuyến khích ai đó làm những gì bạn tin là tốt nhất đối với họ và vì lợi ích chung.

  1. Hãy nghe trước khi nói

Trả lời trước khi nghe, ấy là sự ngu xuẩn và hổ thẹn.

– CHÂM NGÔN 18:13 –

Nếu trả lời một ai đó trước khi nghe họ bày tỏ quan điểm, chúng ta sẽ là những người thô lỗ và ngốc nghếch. Một trong những người bạn thân nhất của tôi luôn có thói quen nói trước khi tôi nói hết suy nghĩ của mình. Cứ như thể anh ta đang trình bày nốt quan điểm của tôi cho tôi nghe vậy. Đáng buồn là anh lại thường đưa ra những kết luận hoàn toàn sai lầm. Không thể nói anh ta là người thô lỗ nhưng rõ ràng anh đã mắc sai lầm trong cách đánh giá. Tôi cũng từng mắc phải sai lầm đó với bạn bè, đối tác và gia đình của mình. Mặc dù tôi không có ý thô lỗ hay bất lịch sự, mọi thứ chỉ xuất hiện trong đầu tôi ngay lúc đó. Tại sao lại mạo hiểm như vậy trong khi chúng ta chỉ cần kiên nhẫn một chút chờ người kia nói xong?

  1. Hãy nói chậm rãi và thận trọng với lời nói của mình

Con có thấy một người ăn nói hấp tấp không? Kẻ ngu dại còn có hy vọng hơn người đó.

– CHÂM NGÔN 29:20 –

Tại sao Solomon, người giàu nhất và khôn ngoan nhất thế gian, lại luôn khuyên bảo và cảnh báo chúng ta cần phải chú ý cái miệng của mình và “nói chậm lại”? Tôi cho rằng, là một vị vua, ông phải tiếp xúc với rất nhiều kẻ luôn giả vờ khôn ngoan. Nhưng lời nói của họ cho thấy họ là kẻ ngốc. Tôi chắc chắn Solomon từng chứng kiến nhiều kẻ nói rất nhanh và nói những điều

ngốc nghếch. Khi chúng ta đã thốt ra lời nói thì không bao giờ lấy lại được. Hơn bất kỳ ai, Solomon biết sức mạnh không ngờ tới mà ngôn từ mang lại. Trong Châm ngôn 13:3, ông viết: “Người nào gìn giữ môi miệng sẽ giữ linh hồn mình, còn hủy hoại sẽ đến với kẻ hay hở môi.” Tôi từng biết rất nhiều người đã phá hủy và làm tiêu tan sự nghiệp của mình chỉ vì lời nói thiếu khôn ngoan.

  1. Không bao giờ hạ thấp người khác, hãy nâng họ lên

Nói những điều gây đau lòng và làm tổn thương người khác rất dễ, dù là nói trước mặt hay sau lưng. Chúng ta thường biện hộ rằng những người khác cũng làm như thế. Solomon đã mô tả là “lời nói thiếu suy nghĩ như lưỡi gươm đâm thủng” (Châm ngôn 12:18) . Ông nói rằng, một người khôn ngoan sẽ sử dụng ngôn từ của mình để nâng người khác lên, chữa lành những vết thương và củng cố cái tôi của họ. Chúng ta thường có xu hướng tán gẫu nơi công sở, hoặc sử dụng những từ ngữ đầy nóng giận để phòng vệ khi bị tấn công. Solomon thúc giục chúng ta không nên làm như vậy. Ông cũng khuyên chúng ta nên thay thế các từ ngữ có tính tiêu cực bằng những từ có tính tích cực. Khi tán gẫu về người khác, thay vì phê phán, bạn hãy nói một cách tích cực. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy cuộc nói chuyện nhanh chóng chuyển từ tiêu cực sang tích cực.

  1. Hãy ngừng lại khi bạn đã nói xong

Hễ nhiều lời thì sẽ không thiếu vấp phạm, nhưng người khôn ngoan gìn giữ môi miệng mình. – CHÂM NGÔN 10:19 –

Có rất nhiều người khi đã mở miệng thì khó có thể ngừng lại. Tôi là một trong số đó. Solomon cảnh báo, khi đã trình bày xong quan điểm mà bạn vẫn tiếp tục nói, có thể bạn sẽ nói ra điều ngu ngốc. Tôi đã gặp chuyện này rất nhiều lần. Hãy trình bày ngắn gọn quan điểm của mình và sau đó im lặng. Như ý nghĩa của Châm ngôn 17:28, thậm chí một kẻ ngốc cũng được xem là khôn ngoan khi im lặng. Và người đưa ra quan điểm có sức hút mạnh mẽ chỉ gói gọn trong vài lời nói sẽ được đánh giá rất cao.

  1. Hãy chia sẻ sự khôn ngoan thật sự

Miệng của người công chính đem lại khôn ngoan.

– CHÂM NGÔN 10:31A –

Dù Solomon nhấn mạnh chúng ta nên nói ít đi thì vẫn có một lĩnh vực ông khuyến khích chúng ta nói nhiều hơn, đó là sự khôn ngoan. Mọi người nên chia sẻ những điều thật sự đáng giá. Các bậc ông bà, cha mẹ, những người hướng dẫn và các giám đốc nên hào phóng chia sẻ sự khôn ngoan từ kinh nghiệm của họ với con cái, cháu chắt, nhân viên, đối tác, đồng nghiệp,…

  1. Luôn nói sự thật

Kẻ che giấu lòng thù ghét là kẻ có môi giả dối và người buông ra lời nói hành là người ngu dại. – CHÂM NGÔN 10:18 –

Vừa qua, một nghiên cứu của các giám đốc nhân sự cho thấy tỷ lệ ứng viên ba hoa phóng đại hoặc nói dối trong hồ sơ rất cao. Trong lĩnh vực marketing cũng vậy. Các mục quảng cáo thường chứa rất ít thông tin thật. Chúng luôn phóng đại lợi ích và giảm thiểu rủi ro đối với khách hàng tiềm năng. Những quảng cáo phi thực tế dường như cũng tràn ngập tại những tập đoàn lớn nhất và nổi tiếng nhất của nước Mỹ.

Khi nói dối, người ta nghĩ rằng mình đang che mắt người khác. Theo Solomon, nói dối không phải là cách xử trí thông minh. Các giám đốc điều hành tại Tập đoàn Enron, Tyco và Worldcom từng nghĩ rằng họ đã rất khôn ngoan với “tài khoản sáng tạo của họ”. Nhưng họ chỉ làm giả được các con số. Những lời nói dối của họ đã khiến họ và các nhân viên, cổ đông của họ phải trả một giá rất đắt. Thậm chí, những lời nói dối “không đáng kể” cũng có thể mang lại hậu quả nặng nề, như Martha Stewart đã chứng minh.

Những lợi ích khi trở thành người giao tiếp có hiệu quả

Solomon hứa hẹn sẽ mang đến ba phần thưởng cho những ai giao tiếp có hiệu quả và thuyết phục.

  1. Thành công về vật chất

Môi miệng người công chính nuôi dưỡng nhiều người.

– CHÂM NGÔN 10:21 –

Steven Spielberg và tôi đã sát cánh bên nhau tại rất nhiều trận bóng đá ở trường. Không ai trong chúng tôi nổi bật khi còn đi học nhưng cả hai đều đạt được những “ước mơ tưởng chừng không thể” khi trưởng thành. Mười tám năm sau khi tốt nghiệp, khi gặp lại nhau, tôi phát hiện ra rằng cuộc sống của chúng tôi đều thay đổi do những nhân tố giống nhau. Chúng tôi cùng có một tầm nhìn rõ ràng và chính xác điều mình muốn đạt được, đều tìm được những đối tác và người hướng dẫn xuất sắc, đều học được cách giao tiếp hiệu quả và thuyết phục.

Nếu bạn nghĩ chúng tôi là những ngoại lệ thì bạn đã lầm. Giao tiếp không hiệu quả là một trong những vấn đề lớn nhất của con người. Giao tiếp hiệu quả mang lại cho bạn và những người hợp tác với bạn các lợi ích lớn đến mức không tưởng. Trong Châm ngôn 18:20, Solomon nói: “Nhờ kết quả của miệng, một người được no bụng, sản phẩm của môi giúp người no đủ.”

  1. Sự vui vẻ và thỏa mãn

Miệng đối đáp giỏi là niềm vui cho một người và lời nói hợp lúc tốt đẹp biết bao nhiêu. – CHÂM NGÔN 15:23 –

Khi bày tỏ điều gì đó với người mà tôi biết sẽ có lợi, tôi đều cảm thấy hài lòng. Mỗi khi lời nói của tôi giúp các con thoát khỏi sự tổn thương hay lo ngại, tôi cảm giác có một niềm vui bất tận trong sâu thẳm lòng mình.

Theo Solomon, khi chúng ta nói những lời nên nói vào đúng thời điểm, chúng ta sẽ cảm nhận được cảm giác “thật tuyệt vời và dịu ngọt biết bao” như của Jackie Gleason (tài tử điện ảnh Mỹ) . Trong Châm ngôn 12:14, Solomon nói rằng “nhờ kết quả của môi miệng, một người được đầy đủ điều tốt lành”. Chúng ta sẽ hài lòng khi biết rằng nói ra những lời khôn ngoan không chỉ mang lại sự khác biệt tích cực cho cuộc sống của người khác mà còn mang lại sự hài lòng, vui vẻ và mãn nguyện hơn cho cuộc sống của chính mình.

  1. Tình bạn của những người xung quanh

 

Ai yêu mến tấm lòng trong sạch và môi miệng ân nghĩa sẽ được kết bạn với vua. – CHÂM NGÔN 22:11 –

Ai lại không muốn được người khác tôn trọng, đánh giá cao, trở thành bạn? Solomon hứa hẹn rằng những người yêu mến tấm lòng trong sạch và thể hiện sự tốt đẹp, duyên dáng trong lời nói sẽ có được nhiều điều giá trị, thậm chí được kết bạn với vua. Tôi chưa từng gặp vị vua nào, nhưng tôi thích kết bạn với những người kiệt xuất trong ngành giải trí, các nhà lãnh đạo trong kinh doanh và trong chính phủ.

Giống như mọi người, người có chức quyền cũng thích kết giao với những người họ tin tưởng. Sự trung thực và khả năng giao tiếp hiệu quả của bạn sẽ tạo nền tảng cho tình bạn ở mọi tầng lớp.

Cách tiếp thu kiến thức và làm cho lời nói của mình có sức thuyết phục hơn

Solomon khuyên chúng ta nên trở thành những người giao tiếp thuyết phục và sử dụng giao tiếp theo cách “tiếp thu kiến thức”. Câu hỏi đặt ra ở đây là: bằng cách nào? − làm thế nào để giao tiếp hiệu quả và thuyết phục? Hơn 30 năm qua, tôi đã sử dụng ba kỹ năng mang đến hiệu quả bất ngờ. Chúng giúp tôi thu được hàng triệu cuộc gọi đặt hàng từ những chương trình thương mại kéo dài hai phút của tôi và kiếm được doanh số hàng triệu đô la. Tôi đề cập đến kỹ năng này trong hai chương viết về giao tiếp trong cuốn sách Mentored by a Millionaire của tôi. Hoặc bạn có thể tìm thấy phần tóm tắt ba kỹ năng đó trên trang web www.stevenkscott.com.

Từ kiến thức đến sự khôn ngoan

Cách thức giao tiếp của chúng ta cho biết chúng ta là người như thế nào. Tuy nhiên, chúng ta thường ít chú ý đúng mức tới điều đó. Vào cuối ngày, bạn hãy nghĩ lại những gì bạn đã nói tại các thời điểm khác nhau để nhìn rõ bạn đã đúng, sai thế nào khi giao tiếp, dù ở cơ quan hay ở nhà. Hãy làm việc đó trong một tuần. Sau đó, viết ra phương pháp thay đổi những cách giao tiếp tiêu cực và tăng tính tích cực, hiệu quả trong giao tiếp.

BẢNG KIỂM TRA VIỆC GIAO TIẾP HÀNG NGÀY CỦA TÔI

Tôi có:

Sử dụng những câu trả lời “nhẹ nhàng” để giảm thiểu căng thẳng, sự tức giận và các cuộc tranh cãi không?

Dùng những lời nói cục cằn để hạ bệ ai không?

Sử dụng những lời nói khuyến khích để nâng đỡ ai không?

Nói những điều đúng đắn vào đúng thời điểm để khuyến khích hay hỗ trợ ai không?

Tìm cách tiếp thu kiến thức không?

Sử dụng sự thuyết phục thay vì dùng quyền lực, thế lực khi tranh luận với người khác không?

Lắng nghe cẩn thận trước khi nói hoặc trả lời trước khi nghe xong không?

Tôi có:

Nói chậm lại hay là vội vàng bày tỏ quan điểm của mình?

Chân thành, không phóng đại, hay là nói những lời dối trá?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.