Người Giàu Nhất Thế Gian

CHƯƠNG 10. Hãy biến kẻ thù nguy hiểm nhất trở thành người bạn tốt nhất



Ai khước từ giáo huấn, khinh bỉ linh hồn mình, nhưng người nghe lời quở trách được thêm sự hiểu biết.

− CHÂM NGÔN 15:32

Trong một lần xuất hiện trên Đài Truyền hình PBS, tôi đã hỏi khán giả trong trường quay rằng: “Có bao nhiêu người trong số các bạn thích bị phê bình?” Không có cánh tay nào giơ lên. Cuối cùng, tôi hỏi: “Có bao nhiêu người trong số các bạn có thể nhớ một lời phê bình, chỉ trích của bố mẹ, thầy cô, bạn bè, hay bất cứ một ai khác đã thật sự làm tổn thương bạn trong thời thơ ấu?” Hầu hết mọi người đều giơ tay lên ngay lập tức. Thậm chí có những khán giả ở tuổi 70 vẫn có thể hồi tưởng được lời phê bình gây tổn thương họ trong thời trẻ. Điều đó cho thấy lời phê bình có thể làm tổn thương con người đến mức nào.

Nhìn chung, hầu hết mọi người đều không thích bị phê bình và xem nó như là một kẻ thù đáng sợ. Họ làm bất cứ điều gì để tránh bị phê bình, và khi bị phê bình thì họ phản kháng, biện hộ trước lời phê bình đó, chạy trốn hoặc tấn công người chỉ trích mình.

Cũng như mọi người, tôi cũng từng rất ghét bị phê bình. Tuy nhiên, tôi đã phải nghe rất nhiều lời phê bình trong đời. Tôi từng bị bạn bè, ông chủ và thậm chí cả vợ tôi phê bình. Tôi đã cố đối mặt với các lời chỉ trích đó bằng những cách thông thường nhất: phớt lờ, chạy trốn, phủ nhận, cãi lại, đưa ra lý do biện hộ, và nhất là đổ lỗi cho một người khác hoặc công kích lại người đã chỉ trích mình.

Tốt hơn cả tình yêu thương kín đáo

Khi nghiên cứu sách Châm Ngôn, tôi phát hiện rằng cách chúng ta phản ứng lại lời phê bình có thể còn gây hại hơn rất nhiều so với chính lời phê bình đó. Quan điểm duy nhất và độc đáo nhất của Solomon về những lời phê bình nằm ở Châm ngôn 27:5. Thay vì phản ứng với lời phê bình bằng thái độ thù địch, ông nói rằng chúng ta nên xem nó như “một tình yêu kín đáo” − “Thà quở trách công khai tốt hơn là yêu thương kín đáo.” Hãy suy ngẫm về câu nói đó. Bạn có còn nhớ cảm giác yêu lần đầu tiên không? Bạn có nhớ đã từng nhận những tin nhắn yêu thương từ người yêu không? Cảm giác đó cũng như cảm giác khi quan sát kim đồng hồ chạy từng giây cho đến ngày hẹn? Bạn có nhớ cảm giác lần đầu tiên được người yêu cầm tay hay trao cho bạn nụ hôn đầu không? Những cảm giác thật tuyệt vời. Nhưng Solomon cho rằng lời phê bình, chỉ trích còn có giá trị hơn thế.

Khi đọc câu châm ngôn này, tôi chợt nghĩ “Solomon muốn nói gì đây?” Mặc dù vậy, tôi vẫn quyết định thử làm theo lời khuyên của ông. Khi bị ai đó chỉ trích, tôi trân trọng lời phê bình đó thay vì phản ứng tiêu cực. Tôi đã làm việc vất vả nhiều ngày để hoàn thành bản thảo cho chương trình bán hàng trên truyền hình quy mô lớn đầu tiên của mình. Sau khi hoàn thành, tôi chạy ngay đến nhà ông chủ để đưa cho ông đọc. Khi ông bắt đầu đọc chương trình, tôi mong chờ ông sẽ nở một nụ cười. Thay vào đó, ông lại nhăn mặt lại. Ông nhìn tôi và nói đầy thất vọng: “Cũng tạm được, nhưng không hấp dẫn.” Tôi cảm thấy suy sụp nghiêm trọng bởi thay vì nhận được một khen tôi lại bị phê bình. Nhưng ngay lúc đó, tôi nhớ đến câu châm ngôn của Solomon và quyết định coi lời nhận xét của ông chủ như là bằng chứng của một tình yêu kín đáo. Cho nên, thay vì tranh cãi về bản thảo, tôi trân trọng lời phê bình của ông và chỉ hỏi: “Ông nói hấp dẫn có nghĩa là sao?” Ông giải thích sự hấp dẫn là như thế nào, tại sao nó quan trọng và cần phải hấp dẫn ngay từ phần đầu chương trình. Sau vài phút, tôi viết lại phần mở đầu và đọc cho ông nghe. Phản ứng của ông đã hoàn toàn thay đổi. Ông cười lớn và nói: “Đây chính là sự hấp dẫn!”

Vì trân trọng lời phê bình của ông chủ, tôi không chỉ thay đổi cách viết mà còn tạo ra sự hấp dẫn, lôi cuốn ngay từ đầu của chương trình bán hàng trên truyền hình. Nhờ đó, công ty chúng tôi đã thu được doanh số lên đến một triệu đô la mỗi tuần. Và trong suốt 29 năm, nó liên tục tạo ra doanh số hàng tỷ đô la cho công ty.

Bây giờ, hãy để tôi hỏi bạn một câu. Nếu như một người lạ đưa cho bạn hàng triệu đô la, bạn sẽ coi anh ta là kẻ thù hay người bạn tốt? Lời phê bình của ông chủ tôi chính là người lạ đó. Xét cho cùng, Solomon là một người khôn ngoan. Trên thực tế, học cách ứng xử đúng đắn nhất với lời phê bình khiến cho cuộc sống cũng như công việc của tôi tốt đẹp hơn nhiều so với những gì tôi từng mơ ước.

Giải quyết lời phê bình bằng cách nào?

Bạn có luôn bảo vệ bản thân hay các hành động của mình không? Bạn có cảm thấy bị xúc phạm và chỉ trích người đã phê bình mình không? Bạn có ngay lập tức đổ lỗi cho người khác và vạch ra sai lầm của họ không? Bạn có phủ nhận lời phê bình bằng cách tự biện hộ cho mình hoặc chạy trốn nó bằng cách lánh xa người chỉ trích bạn không? Nếu bạn đã đối mặt với lời phê bình theo những cách thức kể trên thì cũng đừng trách cứ bản thân. Chúng là những phản ứng rất tự nhiên. Nhưng thật sai lầm khi làm vậy. Nếu bạn quay lưng lại với những lời phê bình, bạn có thể sẽ phải gánh chịu hậu quả khôn lường.

Hậu quả của phản ứng tiêu cực trước lời phê bình

Bất hạnh, không cảm thấy thỏa mãn, và tồi tệ hơn thế. Trong Châm ngôn 15:32, Solomon đã viết: “Ai khước từ sự giáo huấn, khinh bỉ linh hồn mình, nhưng người nghe lời quở trách được thêm sự hiểu biết.” Tất nhiên, “quở trách” đồng nghĩa với phê bình. Theo tiếng Do Thái, “sự giáo huấn” có nghĩa là “sự chỉnh sửa”, hoặc cũng có thể là những chỉ dẫn mang tính nguyên tắc. Theo ngôn ngữ hiện đại, chúng ta có thể gọi đó là lời phê bình mang tính xây dựng. Solomon muốn nói với chúng ta rằng, người không nghe lời phê bình mang tính xây dựng cũng sẽ làm tổn thương bản thân nghiêm trọng. Ngược lại, người lắng nghe và phản ứng hợp lý với những lời nhận xét và phê bình sẽ nâng cao tầm hiểu biết của mình.

Trong chương đầu tiên của sách Châm Ngôn, Solomon đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng nhất đối với những ai không thể chấp nhận lời phê bình rằng: “Không theo lời ta khuyên, khinh bỉ mọi điều quở trách của ta, cho nên chúng sẽ phải ăn nuốt hậu quả của đường lối chúng, và no nê với những mưu chước mình, vì sự lầm lạc giết kẻ ngây ngô, còn sự vô tâm của kẻ ngu dại hủy diệt chính chúng nó.” Nói cách khác, khi bạn phủ nhận lời góp ý hay phê bình, bạn sẽ đi theo con đường của bạn nhưng cuối cùng thế nào nó cũng sẽ dẫn bạn đến sự thất bại.

Những vấn đề không thể giải quyết. Trong Châm ngôn 10:17, Solomon nói rằng: “Ai nghe lời giáo huấn ở trên đường dẫn đến sự sống, nhưng kẻ khước từ sự quở trách sẽ bị lầm lạc.” Nghĩa là, khi chúng ta phản ứng lời phê bình không đúng cách, chúng ta sẽ đi chệch khỏi con đường dẫn đến cuộc sống đầy mãn nguyện. Mặc dù ban đầu, việc đi chệch hướng có thể không có tác động nào đáng kể, nhưng sau một thời gian, nó có thể gây ra hậu quả khôn lường. Trong Châm ngôn 29:1, ông cảnh báo rằng: “Một người thường bị quở trách nhưng vẫn cứng đầu, sẽ bị hủy diệt thình lình không phương cứu chữa.” Tôi thấy câu châm ngôn này rất đúng với nhiều người, nhiều cuộc hôn nhân, với các mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, và thậm chí với cả lĩnh vực kinh doanh.

Sự nghèo khổ và nhục nhã. Trong Châm ngôn 13:18, Solomon cảnh báo: “Kẻ bỏ qua lời giáo huấn sẽ bị nghèo khổ và nhục nhã. Nhưng người chịu nghe lời quở trách sẽ được tôn trọng.” Đối tác kinh doanh, cố vấn tài chính và vợ tôi đều cho tôi những lời phê bình mang tính xây dựng khi cảnh báo tôi không nên đầu tư vào một lĩnh vực. Tôi đã bỏ qua những lời đó để đầu tư hàng triệu đô la vào lĩnh vực mà tôi tin sẽ là một cơ hội “không thể thất bại”. Cuối cùng, tôi lại gặp thất bại và mất tất cả. Thảm cảnh này đã diễn ra ngay trước mắt những người quan trọng nhất đối với tôi. Thật tồi tệ! Dùng từ “rất xấu hổ” cũng chỉ thể hiện được một phần tâm trạng của tôi lúc đó.

Sự ngu ngốc. Solomon đã tóm tắt hậu quả của việc bỏ qua những lời phê bình trong Châm ngôn 12:1 như sau: “Ai ghét sự quở trách là kẻ ngu dại.” Tôi đã từng không lắng nghe lời phê bình, lời giáo huấn của người khác. Hậu quả của mỗi lần hành động như thế thật khôn lường.

Khi nhìn lại, từ duy nhất và chính xác nhất mà tôi có thể dùng để mô tả hành động và cảm giác của mình là “sự ngu ngốc”. Và tôi tin chắc rằng những ai chứng kiến quá trình đó cũng sẽ nói về hành động của tôi như vậy.

Tin tốt lành…

Hãy tưởng tượng bạn bị ốm và bác sĩ kê một đơn thuốc mới. Ông nói rằng ba ngày sau bạn phải trở lại để gặp ông. Nếu khi bạn quay lại, ông lo lắng nhìn bạn và nói cơ thể của bạn đang “phản ứng” thuốc, bạn có lý do để lo lắng. Trái lại, nếu ông cười và nói bạn đang phản ứng rất tốt với thuốc, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm. Đó là ví dụ về sự khác nhau giữa phản ứng và phản hồi. Phản ứng lời phê bình sẽ mang hậu quả tiêu cực đến cuộc sống của bạn. Nhưng các phản hồi hợp lý có thể mang lại cho bạn những lợi ích không ngờ tới.

Những điều bạn có thể mong đợi khi phản hồi hợp lý lời phê bình

Cuộc sống hiệu quả hơn và thỏa mãn hơn. Trong Châm ngôn 10:17, Solomon nói với chúng ta rằng người nghe lời phê bình sẽ đi đúng con đường dẫn đến cuộc sống đầy đủ và mãn nguyện.

Kiến thức và sự khôn ngoan. Theo Châm ngôn 15:32, người nghe lời phê bình sẽ có thêm sự hiểu biết. Khi có sự hiểu biết, bạn sẽ được hưởng tất cả lợi ích mà nó mang lại. Và trong Châm ngôn 15:31 và 29:15, chúng ta biết rằng, lắng nghe lời phê bình sẽ có được sự khôn ngoan. Vậy sự hiểu biết và sự khôn ngoan thật sự đáng giá như thế nào? Thông qua sách Châm Ngôn, người giàu nhất thế gian gửi đến chúng ta thông điệp: kiến thức và sự khôn ngoan còn đáng giá hơn cả bạc, vàng, trang sức quý giá hay bất cứ một khoản tiền nào.

Nguồn vui bất tận. Solomon đã xem lời phê bình còn tốt hơn cả tình yêu đầu tiên. Trong Châm ngôn 27:9, ông nói rằng lời khuyên ngọt ngào của tình bạn đáng giá hơn biệt thuốc hay hương liệu quý. Sau đó, ông còn cho rằng đối với những người trân trọng và làm theo các lời khuyên thì một lời chỉ trích khôn ngoan còn tốt hơn cả một viên ngọc quý.

Sự tôn trọng. Trong Châm ngôn 13:18, Solomon nói rằng người chịu nghe lời quở trách sẽ được tôn trọng trong suốt cả cuộc đời. Đó chính là thứ mà tiền không thể mua được. Tại một buổi biểu diễn piano, cậu con trai chín tuổi của tôi đã chơi bản nhạc “Phantom of the Opera” một cách say mê và không hề có sự hỗ trợ. Khi bản nhạc kết thúc, tất cả các bậc phụ huynh của những thí sinh khác nhìn tôi kinh ngạc. Những tràng vỗ tay nồng nhiệt hướng về phía con trai tôi. Nhưng có một điều khán giả không thể thấy. Đó là những lời phê bình và hướng dẫn mang tính xây dựng của người giáo viên hướng dẫn con tôi trong suốt các tuần luyện tập chuẩn bị cho buổi độc tấu.

Sự sắc sảo. Trong suốt quá trình làm việc của mình, tôi đã đi hàng nghìn chuyến bay. Trong những lần chu du đó, tôi ngồi cạnh rất nhiều người, đa số họ đều rất bình thường, một số cũng khá thú vị, và một số thì vô cùng sắc sảo. Tôi ấn tượng với trí thông minh, khả năng nắm bắt vấn đề nhanh chóng và sự thông tuệ của họ. Nếu là một người sắc sảo, họ sẽ thể hiện giá trị của mình khi lên tiếng.

Quá trình gọt giũa rất khó nhọc, khổ công và cần có nhiệt huyết lớn của cả người rèn giũa và người được rèn giũa. Những người bạn tốt nhất của tôi cũng là những người phê bình tốt nhất, và nhờ có họ mà tôi đã sắc sảo hơn, chín chắn hơn.

Trải qua quá trình đó không hề đơn giản chút nào. Nhưng kết quả cuối cùng luôn thật giá trị.

Trong Châm ngôn 27:6, Solomon nói rằng: “Thương tổn do người thương mình gây ra còn đáng tin hơn vô số cái hôn của kẻ thù ghét mình.” Nói cách khác, nhận được lời phê bình có ích từ bạn bè sẽ tốt hơn một cái vỗ vai thân mật của người không thật sự quan tâm đến bạn. Khi chúng ta phản ứng hợp lý với lời phê bình của một người bạn, họ sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn, có hành trang vững vàng hơn để đối phó với những trở ngại của cuộc sống.

Cách đúng đắn để đáp lại lời phê bình

Qua nhiều năm trải nghiệm, tôi nhận ra rằng chỉ có một cách duy nhất và đúng đắn để đáp lại những lời phê bình. Đầu tiên, hãy xem xét cẩn thận nguyên nhân của lời phê bình. Thứ hai, xác định tính chính xác của lời phê bình. Cuối cùng, bạn phải thay đổi thái độ và hành động của mình trước những lời phê bình mà bạn cho là đúng. Chắc chắn rằng khi đáp lại lời phê bình theo cách này, bạn sẽ không bị tổn thương.

Xem xét nguyên nhân

Người phê bình bạn có đủ kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá bạn không? Tầm nhìn của họ có thông suốt và chính xác không, hay là bị méo mó và không chính xác?

Khi sa thải tôi, ông chủ thứ ba nói: “Anh sẽ chẳng bao giờ thành công trong lĩnh vực marketing.” Nhưng ông ta thật sự không đủ trình độ để đánh giá hay dự đoán như vậy bởi ông ta chỉ là chuyên gia marketing, không phải là nhà tiên tri.

Với những lời phê bình đến từ những người không đủ trình độ để phê bình người khác, bạn có thể bỏ ngoài tai.

Khi ông chủ thứ mười nhận xét chương trình bán hàng trên truyền hình của tôi không hấp dẫn, ông ta có thừa trình độ để đưa ra lời phê bình. Và tôi đã trân trọng nó.

Xem xét tính chính xác của lời phê bình

Khi ông chủ đầu tiên của tôi nói với tôi: “Anh chính là điều thất vọng lớn nhất trong quá trình làm việc của tôi”, tôi đã chán nản trước lời phê bình này. Nhưng đêm đó, tôi xem xét lại. Không hề có lý do nào để nói rằng tôi là sự thất vọng lớn nhất trong quá trình làm việc của ông ta vì tôi không quan trọng đối với ông ta đến mức như vậy. Ông ta là phó giám đốc marketing của một công ty lớn. Tôi chỉ là giám đốc hỗ trợ phát triển sản phẩm − một vị trí rất thấp. Tôi chắc chắn rằng trong quá trình làm việc lâu dài của mình, ông ta đã phải đối mặt với nhiều điều thất vọng lớn hơn một người quản lý cấp thấp như tôi.

Khi tôi nhận ra lời nhận xét của ông chỉ là sự phóng đại và ông ta chủ tâm làm tổn thương tôi thì tôi không bận tâm nữa. Nếu bạn xem xét lời phê bình của người khác đối với mình, bạn sẽ thấy rất nhiều trong số đó thật sự không chính xác như bạn tưởng.

Hãy xem lời phê bình như một lời khuyên và quyết định cách ứng xử đúng đắn

Bước cuối cùng là bước quan trọng nhất. Nó xảy ra khi bạn quyết định không phản ứng ngay mà cần “xem xét, cân nhắc” lời phê bình. Bạn sẽ có đủ thời gian để phân tích lời phê bình, cân nhắc, xem xét nguyên nhân và tính chính xác của nó, sau đó quyết định cách ứng xử thích hợp nhất.

Gần San Diego có một bãi biển. Khi tôi nằm trên bờ biển hưởng một chút nắng ban mai, con trai tôi nghĩ rằng sẽ rất thú vị nếu múc một xô nước biển và hắt vào mặt tôi nhằm tạo sự bất ngờ. Nhận một lời phê bình cũng giống như việc nhận một xô nước bất thình lình dội vào mặt vậy. Mặc dù nó sẽ gây sốc nhưng cũng không hề nguy hiểm cho bạn.

Nếu chúng ta không chạy trốn hay công kích người phê bình, lời phê bình cũng chỉ là nước. Hãy lấy vòi hoa sen và rửa sạch chúng khỏi mặt bạn. Nước ở trong lời phê bình thường là phần vô giá trị − phần phóng đại, suy xét quá đà hay những chuyện tầm phào. Tuy nhiên, giống như xô nước ở bãi biển San Diego, lời phê bình luôn chứa đựng một ít cát và có thể bay vào mắt bạn. Nó làm bạn nhức nhối, ảnh hưởng đến tầm nhìn và không thể chú ý đến những gì xung quanh.

May là cát rất dễ rửa sạch. Và khi đã rửa chúng đi, bạn lại có thể tập trung sự chú ý vào những điều quan trọng xung quanh. Trong lời phê bình, cát là phần gây nhức nhối nhất − bao gồm tinh thần, cơn giận, lời nói cay nghiệt, sự ám chỉ và thậm chí cả động cơ của người phê bình bạn. Cách tốt nhất để rửa sạch chúng khỏi mắt bạn là viết ra chính xác lời phê bình đó. Tiếp theo, hãy đọc nó. Bạn sẽ không phải nghe giọng điệu hay ngôn ngữ cơ thể của người phê bình. Nhờ đó, nó sẽ loại ra phần dễ gây tổn thương nhất của lời phê bình khiến bạn phản ứng thiếu cẩn trọng.

Tiếp đó, hãy xem xét động cơ của lời phê bình. Nếu mục đích của người phê bình bạn là làm tổn thương bạn, bạn có thể cần phải cân nhắc mối quan hệ với họ trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, động cơ của lời phê bình thường là để chỉnh sửa, bảo vệ chúng ta hoặc chỉ cho chúng ta hướng đi có lợi. Trong trường hợp này, hãy hiểu động cơ của họ để giảm bớt sự khó chịu, chỉ trích và đón nhận lời phê bình khách quan hơn. Sự thật là dù động cơ của họ thế nào đi nữa thì khi chúng ta tiến hành bước cuối cùng trong quy trình này, lời phê bình của họ cũng không thể làm tổn thương bạn. Thậm chí nếu họ có động cơ xấu xa nhất, bạn cũng có thể sử dụng lời phê bình đó phục vụ cho lợi ích lâu dài của bản thân.

Đãi cát tìm vàng

Trong mỗi lời phê bình luôn có một ít vàng. Đó có thể là chút ánh vàng và cũng có thể là một thỏi vàng lớn. Khi ông chủ của tôi nói rằng chương trình thương mại của tôi cần hấp dẫn hơn, lời phê bình đó lại chứa một thùng đầy vàng. Trái lại, khi ông chủ thứ ba đuổi việc tôi, tôi đã phải tìm kiếm một chút ánh vàng trong những lời phê bình của ông. Khi ông ta nói rằng tôi là điều duy nhất và lớn nhất khiến ông ta cảm thấy rất thất vọng trong suốt quá trình làm việc của mình, tôi đã phải hỏi ông tại sao. Tại sao ông lại nói những lời không hề rộng lượng như vậy đối với một chàng trai 23 tuổi? Nhìn lại chín tháng làm việc cho ông ta, tôi nhận ra là mình đã nhàm chán với lịch trình làm việc lặp đi lặp lại. Vì vậy, tôi đã tìm một công việc làm thêm cho các chi nhánh khác của công ty. Ông ta nghĩ tôi không trung thành nên đã giận dữ và phê phán tôi. Tôi quyết định bỏ cách làm cũ và để thể hiện lòng trung thành với các ông chủ trong tương lai, tôi không làm thêm ở bên ngoài nữa. Điều này đã trả công tôi xứng đáng. Mặc dù mục đích của ông chủ cũ là làm tôi tổn thương nhưng lời phê bình của ông có tính xây dựng và rất cần thiết cho tương lai của tôi. Nếu như bạn khai thác những lời phê bình mà bạn nhận được, dù chúng làm bạn tổn thương hay bị thiệt hại, bạn cũng tìm thấy những mỏ vàng ẩn chứa bên trong có thể thay đổi bạn và cải thiện cuộc sống của bạn.

Cách đưa ra lời phê bình tốt nhất

Dù bạn là ông chủ trong công ty, là người vợ/chồng hay cha mẹ trong gia đình, bạn cũng không nên phê bình người khác. Hầu hết những lời phê bình mà chúng ta mang lại cho người khác đều không cần thiết. Chứng ta phải cân nhắc khi đưa ra lời phê bình. Solomon cảnh báo rằng, chỉ với một lời phê bình chúng ta có thể làm tổn thương hoặc gây hại đến tinh thần của người khác. Rõ ràng, nó có thể thay đổi cuộc sống của họ. Trong Châm ngôn 18:14, Solomon nói rằng: “Tinh thần của một người có thể chịu đựng bệnh tật; nhưng khi tinh thần sụp đổ thì ai có thể chịu đựng nổi bệnh tật.” Nghĩa là, chúng ta có thể có sức mạnh để đối mặt với bệnh tật nhưng khi tinh thần bị tổn thương thì không ai có thể chịu đựng nổi nó.

Lời phê bình mang tính xây dựng là một phần rất quan trọng và cần thiết trong cuộc sống. Mặc dù, chỉ nên phê bình ở mức tối thiểu nhưng khi cần thiết chúng ta cũng vẫn phải làm điều đó. Có hàng trăm cách sai lầm khi chỉ trích một ai đó. Chỉ có duy nhất một cách phê bình đúng đắn là không nên phê bình khi đang nóng giận. Nên nhớ rằng mục đích duy nhất và giá trị nhất khi phê bình một ai đó là mang lại sự thay đổi tích cực. Vì vậy, nếu bạn đang giận dữ, hãy chờ cho đến khi nguôi giận rồi quyết định bạn muốn nói gì và diễn đạt thế nào cho hiệu quả. Trên thực tế, có rất nhiều điều nên và không nên làm khi xảy ra xung đột.

Gary Smalley gợi ý một cách phê bình mà tôi đã áp dụng trong nhiều năm và luôn thu được những kết quả tích cực. Đó là phương pháp “bánh sandwich”. Mỗi chiếc bánh sandwich đều có một lát bánh mì ở mỗi bên, và phần ngon nhất (thịt, cá, chim hoặc bơ lạc) sẽ ở giữa. Với lời phê bình, mỗi “lát bánh mì” nên là sự khen ngợi hoặc nhận xét theo hướng tích cực.

Vì vậy, trước khi bạn tập trung vào phần “thịt” của lời phê bình, hãy đặt thêm vào đó một lát của sự tán dương và khuyến khích. Hãy thể hiện sự tôn trọng người khác bằng lời nói và ánh mắt dịu dàng.

Sau đó, hãy chuyển tới phần “thịt” của lời phê bình. Bạn hãy nói với họ rằng những gì họ đã hoặc đang làm là sai lầm và gợi ý cho họ cách sửa sai. Khi gợi ý, bạn hãy yêu cầu họ cố gắng. Hãy để họ thấy cách xử sự và lời khuyên của bạn là tốt cho họ, và mục đích bạn phê bình hoàn toàn vì muốn giúp đỡ họ.

Cuối cùng, hãy thêm vào lát bánh sự khuyến khích, khen ngợi, và một cử chỉ thân thiện nào đó.

Lời khuyên: Solomon nói rằng có những người bạn không bao giờ nên chỉ trích

Mục đích khi phê phán một ai đó là giúp đỡ họ. Solomon khuyên chúng ta không nên phê bình người phớt lờ hoặc phản ứng lời phê bình của bạn. Ông viết “ai sửa sai người nhạo báng chuốc lấy sỉ nhục cho mình”, và “ai quở trách người gian ác sẽ bị tổn thương”. Tất cả chúng ta đều biết những người như thế. Nếu chúng ta chỉ trích họ, họ sẽ căm ghét, xúc phạm hoặc thậm chí lợi dụng chúng ta. Tốt nhất là nên để họ gánh chịu những hậu quả vì không nghe lời phê bình. Solomon nói trong Châm ngôn 23:9 rằng “đừng nói vào tai kẻ ngu dại vì nó sẽ khinh bỉ lời khôn ngoan của con”.

Từ kiến thức đến sự khôn ngoan

Cách tốt nhất để bắt đầu thay đổi các thói quen là bạn phải xem lại kinh nghiệm và áp dụng những gì bạn đã học được. Điều này sẽ khuyến khích bạn thay đổi thói quen từ phản ứng gay gắt trước lời phê bình đến phản hồi nó một cách có hiệu quả. Nó cũng sẽ giúp bạn giúp đỡ những người khác hiệu quả hơn bằng các lời phê bình mang tính xây dựng.

NHẬN LỜI PHÊ BÌNH

  1. Lập danh sách những lời phê bình đáng nhớ mà bạn đã nhận được trong gia đình hay ở nơi làm việc.
  2. Sau mỗi lời phê bình, hãy đánh giá những người đã đưa ra lời phê bình đó. Viết chữ V cho những người có trình độ cao, chữ S cho những người có trình độ vừa phải và chữ N cho những người không hề có trình độ.
  3. Bên cạnh lời phê bình, hãy viết ra những lý do phê bình của người đó.

E: Dựa trên cảm tính.

PE: Dựa trên những kinh nghiệm hay thất bại trong quá khứ của bạn hay của người đó.

LU: Dựa trên sự thiếu hiểu biết hay không hiểu rõ những mục tiêu, ý định và tầm nhìn của bạn.

CT: Dựa trên lối suy nghĩ truyền thống thay vì lối suy nghĩ sáng tạo.

L: Dựa trên lôgíc.

RS: Dựa trên tính thực tiễn của vấn đề.

  1. Động cơ của người phê bình là gì? Có phải họ quan tâm đến bạn hoặc công việc của bạn? Họ có thật sự quan tâm đến người khác không? Hay họ phê bình bạn chỉ vì sự ích kỷ, ghen tỵ, lo sợ, thù địch, muốn làm tổn thương bạn, trút giận lên bạn, hoặc đó là sự thiếu chín chắn của họ?
  2. Hãy nhìn lại và xem xét tính chính xác của lời phê bình.
  3. Xác định phần “nước” trong lời phê bình − phần bị phóng đại, vô lý và vô nghĩa.
  4. Xác định phần “cát” trong lời phê bình − phần gây đau đớn nhất.
  5. Xác định phần “vàng” trong lời phê bình − phần sự thật có thể rút ra từ lời phê bình và có thể giúp chúng ta hoàn thiện hơn trong tương lai.
  6. Bạn sẽ phản ứng thế nào trước lời phê bình? Nóng giận, tự phòng vệ, từ chối, đổ lỗi, tấn công hay rút lui? Hoặc bạn lắng nghe, nhận thức, cảm ơn, giải thích cho người phê bình để giúp họ hiểu bạn và hành động của bạn hơn?
  7. Làm thế nào để phản ứng theo cách có ích cho bạn, cho sự phát triển của bạn và mối quan hệ với người phê bình bạn?
  8. Viết ra những cách tốt nhất bạn tin là mình có thể phản ứng trước lời phê bình trong tương lai.

ĐƯA RA LỜI PHÊ BÌNH

  1. Bạn nhanh nhạy hay chậm chạp trong việc đưa ra lời phê bình? (hãy hỏi những người thân trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của bạn)
  2. Bạn đã chuẩn bị kỹ cho những lời phê bình của mình chưa, hay chỉ đơn giản phản ứng trước các tình huống và “công kích người khác”?
  3. Bạn phê bình dựa trên quan điểm của một người nghĩ mình giỏi hơn người khác, hay với thiện chí của một người mong muốn giúp đỡ người khác?
  4. Những người bị bạn phê bình cảm thấy dễ chịu hơn hay tồi tệ hơn sau khi bị phê bình?
  5. Hãy liệt kê một số lời phê bình mà bạn dành cho người khác trong thời gian gần đây. Nếu bạn không thể nghĩ ra bất kỳ lời phê bình nào, hãy hỏi người bạn đời của mình, con cái, bố mẹ, anh chị em, hay đồng nghiệp (nếu họ không thể nhớ được bất cứ lời phê bình nào, thì bạn đã trở thành một vị thánh rồi đấy).
  6. Tiếp theo, sau mỗi lời phê bình, hãy mô tả lại cách bạn đưa ra lời phê bình đó, người khác đón nhận nó thế nào, và kết quả cuối cùng trong cuộc sống của người bị bạn phê bình.
  7. Hãy mô tả lại cách bạn biến mỗi lời phê bình thành một kinh nghiệm tích cực hơn.
  8. Hãy đưa ra một ví dụ về cách thức bạn đã sử dụng để đưa ra lời phê bình theo phương pháp chiếc bánh sandwich.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.