Nam Việt Lược Sử
CHƯƠNG VII
VI. Nhà Nguyễn (tới vua Khải Định) 12 đời (1802….)
Gia Long, 1802 – 1820 = 18 năm. Gia Long lên làm chúa một cõi choán cả gánh Đông Dương từ Nam chí Bắc:
Xứ Nam kỳ (Basse Cochinchine), 6 tỉnh: Gia Định (Phan Yên), Trấn Biên (Biên Hòa), Định Tường (Mỹ Tho), Long Hồ (Vĩnh Long), An Giang (Châu Đốc), Hà Tiên.
Xứ Nam trung (Cochinchine), 8 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang, Bình Thuận.
Xứ Bắc kỳ (Tonkin), 12 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn Nam (Nam Định, Hưng Yên), Kinh Bắc (Bắc Ninh), Hải Dương, Sơn Tây, Hà Giang, Thái Nguyên, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng.
Đế đô lập tại Huế (tỉnh Quảng Đức), có lục bộ: bộ lại, bộ hộ, bộ lễ, bộ binh, bộ hình, bộ công, gồm các việc chánh trị cùng binh nhung trong ba xứ.
Mỗi tỉnh có một tổng đốc, 1 bố chánh, 1 án sát, 1 đốc học, 1 chánh phó lãnh binh, có tri huyện, tri phủ.
Xứ Nam kỳ có đặt một quan Khâm sai quản thống, trấn tại Sài Gòn.
Xứ Bắc kỳ cũng do theo việc chánh trị đời nhà Lê, có một quan Tổng trấn gồm hay các việc lục bộ.
Vua Gia Long ở cùng người Lang sa – Các quan Lang sa theo giúp vận nhà Nguyễn, có công khai quốc, đều được phong quân tước rất cao sang. Vua cấp cho mỗi người là 50 tên lính để mà hầu hạ, lại miễn lễ triều bái, khỏi lạy 5 lạy như quan An Nam. Ông Emmanuel và ông Dayot đã tử trận có sắc tặng để thờ nơi Miếu Công Thần.
Rốt lại sau, chỉ còn ông Chaigneau và ông Vannier ở tại triều, vua Gia Long cũng hậu đãi như xưa, lại thường dạy con phải nhớ công ơn các quan Lang Sang đã giúp mình lập nên nghiệp cả
Lúc này có tàu ở Pháp quốc qua lại thương mại, vua dạy miễn thuế nhập cảng, lại chỉ cho mà biên những hàng hóa người bổn quốc hay dung, dặn sau chở qua mà bán. Từ khi ấy có tàu tới lui thường, dân Nam thấy tàu Lang sa mua những vật thổ sản mà đem về, thì lại nong ná việc canh nông kị nghệ hơn buổi trước.
Năm 1819, sẵn dịp có tàu buôn, ông Chaigneau từ tạ vua Gia Long mà về quê ít năm rồi sẽ qua.
Vua Gia Long trị nước – Phàm trị dân thì phải có người tài đức, vậy nên vua truyền khai khoa tuyển sĩ, lại dạy lập nhà trường khắp nơi, giao cho đốc học kiểm sát.
Hàng phẩm các quan văn võ phân định rành rành; việc thăng cấp, giáng cấp thì cứ phép công, dầu cho hoàng thân quốc thích thì cũng do nơi sự cần cán, mẫn trực mà phong thưởng.
Vua dạy tu bổ đồn lũy thành trì và lập thêm nhiều chỗ. Mỗi tỉnh thì phải có đường sá thông thương, cuộc bờ đê nơi xứ Bắc kỳ thì sửa lại bền chắc, kinh rạch vét lại sâu cho ghe thuyền đi thong thả.
Mỗi tỉnh đều có lập kho tàng để mà tích trữ lúa gạo phòng khi thất mùa; còn dài theo đường sứ thì có cất nhà trạm để đem tờ công văn và để cho kẻ lỡ chơn trái bước đỗ nhờ.
Vua cũng châm chế các sắc thuế, cấm làng không đặng bán công điền, công thổ, phải để mà cho dân mướn lấy tiền bỏ vô công nho công ích.
Vua truyền chỉ điểm dượt những luật lệ dùng thuở nay mà ban hành trong nước, gọi là Luật Gia Long.
Vua Gia Long ở cùng ngoại bang – Vua Gia Long lấy đặng Hà Nội rồi, có sai Trịnh Hoài Đức qua Trung Nguyên dâng lễ vật cho triều Thanh mà cầu phong. Hoàng đế Gia Khánh hạ chỉ cho một vị đại thần đem ân sắc mà ban cho vua.
Khi vua Gia Long mới tức vị, có nước Xiêm và nước Cao Man sai sứ đến triều cống. Từ năm 1813, nước Cao man chịu quyền vua bảo hộ. Vua mấy nước nhỏ ở ngoài biên cảnh cũng đến mà cầu phong.
Lúc vua Gia Long còn làm chúa đến khi lên ngôi trị nước 18 năm, thì người thường để cho các cha Lang Sa, Espagnols và Portugais giảng đạo, lập nhà thờ thong thả. Còn các đời vua trước hay bắt buộc cùng hành khổ những kẻ có đạo. Ông cha Lang Sa Alexandre de Rhodes tới xứ Bắc kỳ đầu hết, nhằm năm 1624, đời Lê Thần Tông (1619 – 1643). Chữ Quốc ngữ là của mấy thầy giảng đạo bày ra kể từ đời này.
Gia Long lập đông cung – Nguyễn Ánh thấy ông hoàng Đảm thông minh muốn lập làm đông cung để phòng sau kế nghiệp. Hai vị công thần khai quốc, ông Lê Văn Duyệt và ông Nguyễn Công Thiềng gián vua, xin chọn đông cung Cảnh là dòng chánh, thì mới thuận theo phép nước. Vua Gia Long phán rằng: “Phàm cha mắc nợ thì người ta đòi con, chớ không ai đòi cháu; trẫm đã tự quyết, các khanh chớ nghịch ý trẫm.” Ông hoàng Đảm sau lên ngôi, hiệu là Minh Mạng.
Vua Gia Long băng năm 1820,trị nước 18 năm.
Minh Mạng, 1820 – 1841 = 21 năm. – Ban đầu, vua Minh Mạng noi theo gương cha, cần can việc quốc chánh, hậu đãi người Lang sa, và không bó buộc việc giảng đạo. Ông Chaigneau ở bên Tây trở qua (1821), vua cũng tiếp rước tử tế và cho phục chức cũ. Lúc này, tại triều chỉ còn lại ông Chaigneau và ông Vannier; mấy thầy tây giảng đạo thì ở rải rác trong ba xứ: Bắc kỳ, An Nam và Nam kỳ.
Sau lần lần, vua đổi tánh, hay nghi kỵ, không ưa gần người Tây, không muốn cho kẻ ngoại bang đến nước mình. Ông Chaigneau và ông Vannier thấy vậy, tính ở lại không yên, bèn cáo thối mà về xứ (1824).
Năm sau, ông de Bougainville quản thống chiến thuyền la Thétis tới đậu tại cửa Hàn, xin dưng phuông thơ vua Charles X cầu mở mang việc thương mãi. Vua Minh Mạng sai đem lễ vật cho ông de Bougainville, mà không chịu lãnh thơ, nói rằng trong nước Nam không có ai đọc đặng. Từ ấy về sau hai nước dứt việc thông đồng cùng nhau.
Xứ Cao Man chịu quyền bảo hộ của nước Nam. Vua Minh Mạng canh cải việc cai trị lại xứ thuộc địa của mình, chia ra làm hai tĩnh: Nam Vang (Pnom Penh) và Gò sặt (Pursat), đặt quan tổng trấn để mà kiểm sát và lập trường mà dạy chữ nho, muốn cho người Cao Man bỏ phong tục mà theo người Nam.
Giặc Khôi (1833) – Ông Trung quân Nguyễn Văn Thiềng vì gián vua Gia Long trong vụ lập ông Đảm (Minh Mạng) làm đông cung, nên đã bị hại, thì nội trào chỉ còn có một mình quan Tả quân Lê Văn Duyệt là cựu thần mà thôi. Quan Tả quân tính thế ở lại thì hiểm nghèo, có ngày cũng mang họa như ông Thiềng vậy, bèn xin vua Minh Mạng đi trấn xứ Nam kỳ. Vua Minh Mạng hạ chỉ cho đi.
Quan Tả quân đến Nam kỳ năm 1822, nhằm lúc Cao Man tĩnh Trà Vinh nổi loạn. Ngài lo dẹp vừa yên, thì kế có lịnh truyền cấm đạo, phá nhà thờ. Ngài mến nghĩa đức cha d’Adran cùng các quan Lang sa giúp vua Gia Long khi trước, nên không thi hành chiếu chỉ ấy, để cho các cha giảng đạo thong thả cùng để cho tàu buôn nước Đại Pháp qua lại mà thương mãi như xưa.
Ngài trấn xứ Nam kỳ đến năm 1832 thì mất lộc. Vua Minh Mạng bỏ chức Tổng trấn, đặt mỗi tĩnh một Tổng đốc. Khi ấy có kẻ gian thần cáo rằng: Quan Tả quân lúc sanh tiền có ý phản, bộ hạ của người là vệ húy Lê Văn Khôi cũng đồng lõa. Vua Minh Mạng dạy quan Tổng đốc Gia Định và quan Bố chánh Bạch Xuân Nguyên tra xét vụ ấy. Khôi bị cách chức phải về kinh mà thọ tội. Khôi thấy bọn gian thần mạ nhục quan thầy mình, thì bất bình, thừa lúc canh khuya đến giết quan Tổng đốc và quan Bố chánh, mở ngục cho tù phạm ra, rồi luôn dịp khởi loạn (1833). Không đầy một tháng cả Lục châu về tay giặc.
Qua năm 1835, triều đình sai tướng quân Trương Minh Giảng dẫn binh bộ thủy vô dẹp loạn. Thành bị vây, Khôi buồn rầu mà thác. Tổng Trắm lên thế quyền lo chống cự. Binh triều hãm đặng thành, bắt giết quân giặc, chôn lại một gò mả gần Trường đua, kêu là mả biền tru (mả Ngụy), bây giờ hãy còn.
Phạt mả quan Tả quân. – Ông Chaigneau lãnh chức Khâm phái trở qua An Nam (1832) . – Giặc Bắc kỳ (1834) . – Giặc Xiêm (1834). – Bắt đạo (1833 – 1838). – Vua Minh Mạng sai sứ qua Pháp quốc. – Vua Minh Mạng băng (1841).
Giặc Khôi dẹp yên rồi, vua Minh Mạng truyền lịnh phá thành của ông Ollivier đã xây hồi đời Gia Long, mà làm lại một cái nhỏ hơn chỗ trại lính Tây bây giờ.
Lúc quan Tả quân còn sanh tiền, vua Minh Mạng kiêng oai, không dám làm chi. Nay người đã qua đời, vua nhớ cừu xưa, bèn dạy phá mả người mà phạt 100 trượng. Đời Thiệu trị sửa san lại tử tế; từ nhà nước Lang sa chiếm trị xứ Nam kỳ tới bây giờ, có cất lăng tẩm nguy nga, mỗi năm làng thường quý tế.
Năm 1832, cháu ông Chaigneau phụng chỉ vua Louis – Philippe 1er đến lại Huế dưng cho vua một chương thương ước, xin mở cuộc giao thiệp của hai nước lại như xưa. Minh Mạng không khứng chịu, ông Chaigneau phải trở về Đại Pháp.
Lê Duy Lương xưng là tôn thất nhà Lê khởi loạn nơi xứ Bắc (1834), đánh phá tĩnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hưng Hóa, Hà Nội, Sơn Tây. Nùng Văn Vân, chúa tể xứ Bảo Lạc chiếm tĩnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn. Vua Minh Mạng sai binh đi dẹp, bắt đặng Lê Duy Lương đem về kinh, còn Nùng Văn Vân trốn vô rừng, sau bị đốt rừng mà chết thiêu.
Khôi bị vây tại Sài Gòn có viện binh Xiêm giúp. Binh Xiêm thừa dịp cướp phá nước Cao Man (1934). Vua Neăc-ăng-Chăn trốn xuống Vĩnh Long mà cầu binh An Nam cứu viện. Quan tướng Trương Minh Giảng phải đình việc dẹp giặc Khôi mà đi bình nước Cao Man, đánh đuổi quân Xiêm, rồi lập thành tại Nam Vang mà ngừa giặc, gọi là Trấn Tây Thành.
Lúc bình giặc Khôi, binh triều có bắt đặng ông cha Marchand. Từ ấy vua Minh Mạng nghi rằng người có đạo Thiên Chúa a ý cùng quân địch, nên truyền chỉ bắt giết người đạo và phá nhà thờ khắp nơi. Từ năm 1833 đến năm 1838, giết hết 7 thầy Lang sa giảng đạo.
Năm 1838, vua Minh Mạng làm thập điều truyền cho mỗi làng phải đọc giảng cho dân chúng nghe.
Ít năm trước khi băng, vua bớt sự bắt đạo, sai sứ qua Đại pháp xin giao hảo lại như xưa. Vua Louis – Philippe 1er không chịu tiếp rước, sứ phải trở về, thì vua Minh Mạng đã băng năm 1841.
Thiệu Trị, 1841 – 1847 = 7 năm – Nguyễn Phước Thì, con vua Minh Mạng lên nối ngôi, xưng hiệu là Thiệu Trị, cũng cầu phong cùng hoàng đế Trung Nguyên là Đạo Quang (1821 – 1851), triều Thanh.
Đời vua này có giặc Xiêm đánh phá nước Cao Man, bảy năm mới yên. Né ăc-ông-Duông nhờ có người nước Xiêm giúp sức được tôn lên ngôi.
Vua Thiệu Trị cũng noi theo ý chỉ của cha, cấm đạo và bắt giam cầm mấy thầy giảng đạo. Năm 1847, hai quan thủy binh, ông Lapierre và ông Rigault de Genouilly đến tại cửa Hàn (Tourane), dưng cho vua một phuông thơ mà phân trần lợi hại, xin vua bãi sự bắt đạo. Vua Thiệu Trị lập kế muốn sát hại hai quan thủy binh, bèn cho mời lên thành mà dự tiệc. May có người thông tin cho ông Lappierre và ông Rigault de Genouilly. Hai quan thủy binh liền bắn phá chiến thuyền An Nam tan hoang, rồi bỏ cửa Hàn mà đi.
Vua Thiệu Trị nổi giận, băng nhằm ngày 4 Novembre năm 1847.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.