Nam Việt Lược Sử

CHƯƠNG VI: GIA LONG PHỤC QUỐC



I. Định vương lâm tay giặc

Nguyễn Ánh lánh Tây Sơn

Nói về chúa Định vương bỏ đế đô Huế, vô Nam kỳ mộ binh mà cự với Tây Sơn (1774). Cách ít lâu con là Mục vương cũng tìm theo. (Coi lại bài 26 và bài kế đó). Định vương ở tại Saigon, chiêu tập binh mã, có cháu là Nguyễn Ánh trợ lực.

Nguyễn Anh là con Hiếu khương vương bị gian thần Trương Phước Man cầm ngục mà thác. Hiếu khương vương là anh Định vương, cả hai là con Võ Vương; Nguyễn Anh kêu Định Vương bằng chú.

Năm 1777, Nguyễn Văn Nhạc thừa lúc Trịnh Sum thâu binh về Hà Nội, bèn xưng vương hiệu là Thái đức, rồi sai em là Huệ đuổi theo Định vương và đánh lấy xứ Nam kỳ (Basse-Cochinchine). Định vương thế yếu, ngăn chống không nổi, phải thối lần tới Long Xuyên. Huệ chặn đường, bắt đặng cả hai cha con đem về Sài Gòn giết đi (1777).

Định vương và con là Mục vương thác rồi, chi diệp nhà Nguyễn bây giờ chỉ còn một mình Nguyễn Ánh. Lúc này Nguyễn Ánh bị giặc đuổi theo rất gấp, chạy tới Cà Mau, rồi xuống thuyền ra cù lao Thổ Châu nơi Vịnh Xiêm la mà tị nạn.

II. Nguyễn Ánh thế cùng cầu Xiêm Quốc

Đức cha vì nghĩa chịu viện binh Tây Sơn chiếm đặng xứ Nam kỳ, nhưng mà mắc đương lo cự địch cùng chúa Trịnh ngoài Bắc, nên phải rút bớt binh về. Lúc này Nguyễn Ánh đã được 17 tuổi; những tướng sĩ theo phò người lấy hiệu Đông Sơn, tôn người làm Đại nguyên soái, rồi dấy động quân chúng đuổi Tây Sơn, thâu Bình Thuận. Từ năm 1777 tới 1786, đã đánh ba trận, giành xứ Nam kỳ lại ba lần, mà ba lần phải thất, vì Tây Sơn thế còn đương mạnh.

Năm 1783, Nguyễn Ánh bỏ Gia Định, chạy ra Phú Quốc, tính lần qua nước Xiêm mà cầu cứu. Thời may lại gặp đức cha d’Adran, bị bắt đạo, cũng ở tại đó mà tị nạn. Nguyễn Ánh bèn thuật hết các nỗi gian nguy, xin người chiếu cố. Đức cha khuyên phải viện binh Lang sa thì trừ mới yên giặc Tây Sơn. Nguyễn Ánh chịu, gởi gắm đông cung Cảnh khi ấy mới lên 5 tuổi. Năm 1784, Đức cha lìa cõi Nam, qua thành Pondichéry, rổi trẩy sang nước Lang sa, đến năm 1787 mới tới Lorient.

Đức cha đi rồi, thì Nguyễn Ánh qua nước Xiêm. Vua Xiêm tên là Chatri, lúc trước có mang ơn Nguyễn Ánh, bèn giúp binh và chiến thuyền. Năm 1786, Nguyễn Ánh đánh lấy đặng ít chỗ, rồi cũng bị thua mà trở về Bangkok, mất hết một tên danh tướng là Châu Văn Tiếp. Từ ấy chúa tôi ở nước Xiêm, lo mộ binh, đóng tàu chờ ngày khôi phục.

III. Nguyễn Ánh thâu Gia Định

Binh pháp tới Nam kỳ

Nguyễn Ánh từ ngày thất Nam kỳ, trở lại ở Bangkok, cũng có ý trông vua Xiêm giúp binh một lần nữa. Nhưng mà đợi càng ngày càng vắng, người bèn thông tin cho chư tướng hay, rồi lén đê điệu gia quyền đem để ngụ tại hòn Phú Quốc. Cách ít lâu, những trang hào kiệt như: Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Nguyễn Văn Thiềng, Lê Văn Duyệt hiệp quân sỹ lại được đông đủ, khí giới sẵn sàng. Nguyễn Ánh truyền lịnh kéo đi lấy Gia Định (1787). Vua Tây Sơn Nguyễn Văn Lữ hay đặng, lui về Bình Thuận, để một mình Lê Văn Ngạn ở lại thủ thành. Binh Tây Sơn bị Võ Tánh đi tiền đạo đánh thối lui; Lê Văn Ngạn phải bỏ Gia Định chạy ra Bình Thuận.

Nguyễn Ánh thâu đặng Gia Định, vỗ an bá tánh, lo đắp đồn lũy mà kiên thủ. Việc yên rồi, người cho đi rước gia quyến về (1788).

Năm 1789, Đức cha d’Adran viện đặng binh Lang sa, trở qua Sài Gòn, có đem súng đồng, khí giới cùng thuốc đạn. Các quan Lang sa theo Đức cha qua giúp vận nhà Nguyễn: ông Chaigneau, Vannier, de Forcant, Dayot, Ollivier, Le Brun, Despiaux, đều là người trí dũng, mưu lược. Kẻ thì lo tập luyện binh lính, kẻ thì đóng tàu, kẻ thì lập đồn lũy thành trì. Không đầy một năm binh bộ thủy đã thành thục, chiến thuyền đã sẵn sàng. Nguyễn Ánh sai ông Dayot và ông Vannier đi đàng biển phá cửa Thị nại (tỉnh Quy Nhơn); còn binh bộ thì đánh Bình Thuận, Phú Yên (1791). Mới trận đầu, Tây Sơn hao binh tổn tướng rất nhiều, một đạo chiến thuyền đều tiêu hủy. Từ ấy về sau, mỗi năm, hễ tới mùa gió thuận, thì Nguyễn Ánh đi đánh Tây Sơn, qua mùa gió nghịch thì nghi binh, làm như vậy đã hơn mười năm, mới thâu phục đặng Quy Nhơn.

Năm 1792, ông hoàng Đảm sanh ra nơi chùa Khái Tường ở làng Tân Lộc, sau lên ngôi hiệu là Minh Mạng.

IV. Võ Tánh bị khốn liều mình

Nguyễn Ánh cử binh lấy Huế

Chúa Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ (Bắc Bình Vương) qua đời, con là Nguyễn Quang Toản lên thế vị. Lúc này phe Tây Sơn không phù hiệp nhau. Nhạc bại binh cầu cháu là Toản cứu; Toản mạnh thế, đánh giành nước, phế Nhạc, phong cho con Nhạc làm Hiếu công. Cách ít lâu Nhạc mất, còn Lữ (Đông bình vương) , Toản lại bắt mà giết đi. Cả xứ Nam và xứ Bắc nay về một tay Nguyễn Quang Toản.

Nguyễn Ánh đánh Quy Nhơn năm trận mới thâu được (1799). Người giao cho Võ Tánh và Lê Tùng Châu trấn thú, rồi trở về Gia Định. Qua năm sau (1880), quân Tây Sơn trở lại quây Quy Nhơn; Võ Tánh liền thông tin cho Nguyễn Ánh hay; rủi nhằm lúc gió nghịch, nên không thể mà cấp cứu đặng. Đến tháng tư (1801), Nguyễn Ánh độ binh đi giải vây; Nguyễn Văn Thiềng và Lê Văn Duyệt đánh bộ phá đồn lũy, còn dưới sông thì các quan Lang sa đốt chiến thuyền Tây Sơn. Thành Quy Nhơn gần về tay chúa Nguyễn, bỗng có tin trong Nam kỳ cho hay rằng đông cung Cánh đà mất lộc (1801). Nguyễn Ánh ngã lòng, bèn khiến Võ Tánh bỏ thành mà tìm ra Cù Mông là chỗ người đồn binh. Võ Tánh liệu thế Tây Sơn vây chặt Quy Nhơn, ắt là đế đô Huế phải mỏng binh, bèn khuyên Nguyễn Ánh thừa dịp đi đánh Tourance mà lấy Huế, còn mình thì tự quyết liều thác ở lại mà cầm cự với giặc.

Nguyễn Ánh y kế, truyền lịnh cho mấy đạo chiến thuyền thẳng ra cửa Hàn (Tourance); cách ít ngày thâu đặng đế đô Huế, Nguyễn Quang Toản đã trốn mất. Nguyễn Ánh vào thành vỗ an bá tánh, niêm phong cung điện kho tàng, rồi lập tức kéo binh đi giải vây Quy Nhơn.

Võ Tánh bị khốn gần một năm, lương phạn đã hết, quân sĩ đều thối chí. Nghĩ mạng sanh linh là trọng, người bèn bắn thơ cho tướng giặc xin chớ tàn hại binh dân, rồi mặc đồ triệu phục lên giàn thiêu mà tự tử; Ngô Tùng Châu uống thuốc độc cũng thác. Tướng Tây Sơn kéo vô thành, dạy chôn cất Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, rồi y như lời không đả động đến dân chúng.

Khi Nguyễn Ánh lấy đế đô Huế, dân binh tới Quy Nhơn, thì Tây Sơn đã đoạt thành rồi. Binh Nam kỳ và Tây Sơn lại và chận các nẻo vận lương. Cách ít lâu quân sĩ bị đói thét, lớp thì trốn qua Lào, lớp thì hàng đầu; từ đây mới thâu phục đặng thành Quy Nhơn. Nguyễn Ánh đặt tỉnh này lại là Bình Định.

V. Đức cha nửa chừng tạ thế,

Nguyễn Ánh tức vị xưng vương

Năm 1799, thành Quy nhơn thâu đặng rồi, nghiệp cả của nhà Nguyễn gần thành, Đức cha d’Adran đã quy thiên. Người mất tại Bình Định, nhăm ngày 9 October 1799. Nguyễn Ánh dạy tấn liệm, rồi đệ linh cữu về Gia Định mà an táng tại làng Tây Sơn, lập lăng mà thờ, lại chạm bia đá mà biểu danh trung nghĩa. Năm 1794, Nguyễn Ánh có dạy cất Miếu Công Thần, (tục kêu là Miễu hội đồng, tại Aux Mares), để mà thờ các quan Lang sa và An Nam có công khai quốc.

Năm 1802, Nguyễn Ánh xưng vương tại đế đô Huế, đặt niên hiệu là Gia Long. Khi ấy xứ Bắc kỳ chưa quét sạch đảng Tây Sơn; Gia Long truyền lịnh độ binh qua sông Linh Giang, nhắm Thăng Long tấn phát. Đi tới đâu bá tánh ra đón rước; quan quân khai thành nghinh tiếp; chưa đầy một tháng binh đã tới Hà Nội. Gia Long vào đế đô, thăng điện; con cháu nhà Lê, chúa Trịnh cùng các quan tới triều bái. Gia Long phong tước lộc, lại cấp cho ruộng đất để mà phụng tự. Còn quân giặc Tây Sơn, hạn năm ngày phải bỏ khí giới tới mà đầu thì tha giết. Khi ấy, Nguyễn Quang Toán và gia thuộc bị bắt, Gia Long dạy xử lăng trì.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.