Nam Việt Lược Sử
CHƯƠNG VIII: NƯỚC LANG SA CHIẾM XỨ NAM KỲ
Tự Đức, 1847 – 1883 = 36 năm. – Vua Thiệu Trị băng, có di chiếu lập ông Hoàng Nhậm là con thứ. Ông hoàng Nhậm lên ngôi, hiệu là Tự Đức, cũng cầu phong bên Trung Quốc như các đời vua trước vậy. Mà lần này hoàng đế Đạo Quang lại sai sứ qua tới đế đô Huế mà ban ấn sắc.
Ông hoàng Bảo cũng là con Thiệu Trị, mà dòng chánh, bất bình bèn khởi loạn, bị vua Tự Đức bắt cầm ngục mà thác.
Đời này việc cấm đạo lại càng nhặt hơn khi trước; mấy ông cha Lang sa và Espagnols bị hành khổ chém giết, làm cho hoàng đến Napoleon III và nước Espagne phải hiệp binh mà trừ sự tàn bạo ấy.
Phá cửa Hàn (Tourance). – Năm 1856, ông de Montigny phụng chỉ hoàng đế Napolenon III trẩy sang qua An Nam mà lập tờ hòa ước. Ông de Montigny sai quan thủy binh Lelieur de Viller-sur-Arce ngồi tàu le Catinat đến cửa Hàn đem dưng trước cho vua Tự Đức một phuông thơ kể đại ý của nước Pháp Tàu tới nơi, quan giữ đồn đã không chịu lãnh thơ, mà lại nói nhiều lời xúc bang. Ông Lelieur de Viller-sur-Arce bèn xỏ súng lên đồn, rồi độ binh lên phá hư 60 khẩu súng, đổ hết thuốc đạn xuống biển. Khi ấy quan giữ đồn mới chịu nhận thư mà dưng cho vua.
Năm sau , ông de Montigny đến tại Huế, vua Tự Đức tự quyết không chịu nghị về việc giao hòa. Ông de Montigny phải trở về. Cũng một năm ấy có hai ông giám mục Espagnols, ông Diaz và ông SanPedro bị xử trảm. Trong chỉ truyền bắt đạo vua Tự Đức có nói nhiều lời nhục mạ nước Lang sa.
Lấy đồn Tiên-chà (Tourance). – Một đạo chiến thuyền 13 chiếc, có chiếc la Némésis, le Primauguet, l’Avalanche về quan Thủy sư Rigault de Genouilly quản thống, đến đậu tại cửa Hàn ngày 31 Aou 1858. Quan Thủy sư kỳ cho quân An Nam trên đồn trong hai giờ phải giao thành lũy thì khỏi bị hại. Quá hai giờ, mà trên thành im lìm, ông Rigault de Genouilly truyền lịnh bắn một hồi, rồi độ binh lên hãm thành, chiếm hết đồn lũy nơi Tiên-chà.
Lấy Sài Gòn (17 Février 1859) . – Quan Thủy sư Rigault de Genouilly nghĩ đường sông từ cửa Hàn cho tới đế đô Huế hiểm trở; bất tiện, bèn quyết định đi lấy Nam kỳ. Ngày 2 Février 1859, người để lại Tiên-chà một toán binh và 4 chiếc tàu, còn bao nhiêu thì trở xuống Vũng Tàu, thắng chí vô Sài Gòn.
Qua ngày 17 Février 1859, binh Lang sa hãm thành Sài Gòn, lấy đặng nhiều đồ binh khí cùng lương thảo. Quan Thủy sư Rigault de Genouilly trí quân giữ Sài Gòn, rồi trở ra Tourance giải vây cho cơ binh ở tại Tiên-chà. Khi ấy quan phó Thủy sư Page ở bên Tây mới qua thế cho ông Rigault de Genouilly.
Đánh trận Chí Hòa (24 Février 1861). – Binh An Nam bị thất thành Sài Gòn rồi, dồn lên phía trên Thuận Kiều, nơi làng Chí Hòa, lập đồn lũy, lo cự địch, có Tôn Thất Hiệp quản đốc. Binh Lang sa, một phần kiên thủ thành mới lấy đặng, còn bao nhiêu thì chiếm chùa Khải Tường (pagoda Barbet), miễu Hội đồng, chùa Kiếng Phước (pagoda de Clochetons, chỗ dinh Tham biện Chợ Lớn bây giờ) và chùa Cây Mai.
Năm 1860, có giặc bên Tàu, Quan Thủy sư Page phải bỏ cửa Hàn mà rút bớt binh ở Sài Gòn, đem đi đánh Bắc Kinh mà trợ lực với nước Hồng Mao. Quan Thủy sư Charner quản thống đạo binh đi đánh Tàu. Ông quan năm d’Ariès lãnh giữ thành Sài Gòn.
Giặc Tàu dẹp yên rồi, quan Thủy sư Charner trở lại Sài Gòn nhằm ngày 7 Février 1861, qua ngày 24 khởi đánh trận Chí Hòa. Quan Kinh lược Nguyễn Tri Phương cầm binh An Nam bị đạn, quân lính đổ lần lên Tây Ninh, Biên Hòa. Biên đạo binh Lang sa, ông quan năm Testard và ông quan hai Lareynière bị thương mà thác.
Dưới sông thì quan Thủy sư Page đi lấy các đồn lũy, lên tới Thủ Dầu Một. Qua đến ngày 25, 26 Février 1861, cả tỉnh Gia Định đều quy phục nhà nước Lang sa.
Lấy Mỹ Tho (12 Avril 1861). – Ông quan năm thủy binh Bourdais phụng linh quan thủy sư Charner độ binh đi theo rạch Vũng Gù (Arroyo de la Poste). Đường đi hiểm trở, có nhiều khúc cạn, có nhiều chỗ hàn, lại thêm đồn lũy An Nam đóng dài theo hai bên mé. Tiền đạo nỗ lực phà hàn; sông đặng thông thương, binh hậu đạo mới tiếp theo. Ngày 10 Avril, còn lấy một cái đồn nữa thì đến Mỹ Tho, rủi cho ông Bourdais bị một viên đạn mà bỏ mình. Qua ngày 12, binh Lang sa đồn tại Trung Lương, rạng ngày 13 kéo đi lấy thành. Té ra thành trông trơn, binh An Nam đã rút ra đi trước rồi, mà không có làm hại cho những người có đạo.
Quan phó thủy sư Page trí binh giữ Mỹ Tho, rồi truyền lịnh đi lấy luôn Cái Bè, Chợ Gạo, Gò Công.
Lấy Biên Hòa (14-16 Deesceembre 1861). – Lúc này quan phó Thủy sư Bonard lãnh cầm binh thế cho ông Charner về Tây.
Thành Biên Hòa gốc là của ông quan năm Ollivier xây năm 1789, đời Gia Long. Tướng soái là Nguyễn Bá Nghi liệu bề cự không nổi, bèn truyền lịnh rút binh về Bình Thuận. Những kẻ có đạo bị cầm trong ngục bị đốt chết hết nhiều, binh Lang sa nhập thành cứu đặng một phần.
Quan Thủy sư Bonard thừa thắng độ binh đi lấy Bà Rịa cho luôn cuộc; khi ấy mới hay rằng có thuyền vận lương đậu tại Phan Rí, người bèn sai ông quan năm Lespès đi thọ thám. Vừa tới nơi quả gặp một đoàn ghe, ông Lespès bắn phá một hồi, thảy đều tiêu hủy.
Khởi loạn (1861-1864). – Lúc thất đồn Chí Hòa rồi, binh An Nam rút qua Biên Hòa, thì quan tướng soái là Nguyễn Bá Nghi có sai người đem thơ cho quan Thủy sư Charner mà xin nghị hòa. Việc tính chưa xong thì nhiều nơi đã khởi loạn, khiến cho dân chúng phải khốn khó. Những tướng sĩ thất trận trở về làng, kẻ thì xưng chánh cơ, phó vệ, kẻ thì xưng soái, phụng chỉ vua Tự Đức đi mộ binh mà chống cự với Lang sa.
Khi thì bắt người, khi thì đoạt của, làm cho bá tánh náo động.
Mỹ Tho thì Phủ Cậu, thiên hộ Dương tụ đánh phá đồn Lang sa. Phủ Cậu bị bắt, bị chết treo. Gò Công thì huyện Toại và quản Định chiêu tụ tàn binh nơi đầm Tháp Mười, rồi kéo xuống lấy tỉnh thành. Huyện Toại bị một mũi súng mà vong mạng; còn quán Định thoát khỏi, sau bị quan Lãnh binh Tấn bắt đặng (20 Aout 1864).
Lấy Vĩnh Long (lần đầu 20 Mars 1862). – Quan Thủy sư Bonard tính phải lấy luôn Vĩnh Long thì mới trừ yên mối loạn. Ngày 20 Mars 1862, tàu độ binh và chở súng xuống đậu xa thành ít dặm. Quan Tổng đốc Vĩnh Long là Trương Văn Huyễn truyền bắn chiến thuyền Lang sa. Khi ấy dưới thuyền cũng bắn trả lên, còn ông quan năm Rebboul dẫn binh lên bờ. Hai đàng giáp chiến, cách ít giờ thì thành bị hãm.
Binh Lang sa nhập thành, phá ngục cho những người có đạo ra. Quan Thủy sư Bonard lo kiên trí đồn lũy mà giao cho ông d’Ariès trấn thủ, rồi trở về Sài Gòn.
Tờ nghị hòa (5 Juin 1862). – Lúc nầy triều nhà Nguyễn đương bối rối: ngoài Bắc Lê Phụng xưng là dòng dõi nhà Lê, khởi loạn (1862), chiếm nhiều tỉnh phía đông; trong Nam thì cửa Hàn bị tàu Lang sa giữ chặt, dứt đường vận lương vào đế đô. Vua Tự Đức sai ông Nguyễn Tri Phương đi dẹp giặc Bắc, đánh đã 3 năm mà chưa bình phục được.
Lối tháng năm 1862, chiếc tàu Forbin tuần tại cửa Hàn được tin triều Huế muốn nghị hòa. Quan Thủy sư nguyên soái Bonard sai đem thơ hạn trong tám ngày sứ phải đến Sài Gòn. Sứ thần là ông Phan Thanh Giảng và ông Lâm Duy Hiệp thay mặt cho vua Tự Đức, quan Thủy sư nguyên soái Bonard thay mặt cho hoàng đế Napoleon III, ông quan năm Palanca thay mặt cho bà hoàng hậu nước Espagne, ngày 5 Juin 1862, tại Trường Thi (Camp des Lettrés), đồng đứng lập tờ giao hòa ba nước. Y theo tờ nầy thì vua Tự Đức phải cho phép giảng đạo thong thả, phải nhượng ba tỉnh phía đông: Gia Định (Sài Gòn), Biên Hòa, Mỹ Tho và đồn Côn Nôn cho hoàng đế Napoleon III làm chủ, phải khai cửa Hàn, cửa Ba Lạc, cửa Quảng An cho tàu Lang sa và Espagnols tới lui thương mãi và phải bồi thường sở tổn là bốn triệu bạc cho nước Lang sa và nước Espagne. Còn tỉnh Vĩnh Long mới chiếm, nếu sau mà không còn loạn lạc thì nhà nước
Lang sa sẽ giao lại cho An Nam. Tờ giao hòa ký xong rồi, sứ thần mỗi nước lãnh một bổn đem về dưng cho vua châu phê.
Pháp quốc bảo hộ nước Cao Man. – Từ đời Gia Long, năm 1813, xứ Cao Man chịu quyền bảo hộ của nước An Nam. Qua đến đời Thiệu Trị gây việc chiến tranh với nước Lang sa, thì vua Cao Man dứt đường giao tiếp cùng nước Nam, ý muốn quy phục nước Xiêm La.
Lúc quan Thủy sư Charner đi đánh Mỹ Tho (1861), thì có sai ông quan ba Lespès đem thơ cho vua Norodom, tỏ ý nước Lang sa muốn kết lân hảo cùng xứ Cao Man. Vua Norodom tiếp rước ông Lespès rất trọng hậu và gởi nhiều vật quí mà dâng cho quan Thủy sư Charner.
Đến sau tĩnh Vĩnh Long bị chiếm rồi (1862), quan Thủy sư Bonard, nhân dịp đi tuần vãng đồn thủ, thẳng đường lên viếng vua Norodom. Từ ấy hai đàng càng quyến thích nhau.
Lúc này quan Thủy sư de la Grandière phụng chỉ qua thế cho ông Bonard về Tây (Mai 1863). Ông de la Grandière sai ông quan ba Doudart de Lagree lên ở tại Ô-đông mà thăm dọ tình hình. Cách ít lâu đặng tin vua Norodom muốn qui thuận nước Lang sa, quan Thủy sư de la Grandière bèn thân hành đến mà ra mắt vua. Hai đàng trò chuyện thì có ông Giám mục Miche làm thông ngôn. Qua ngày 11 Aout 1863, vua Norodom lập tờ chịu quyền bảo hộ của nước Lang sa. Từ ấy đến này nước Cao Man hằng giữ lòng thành tín với nước Đại Pháp.
Lấy Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (20-24 Juin 1867). – Quan Phan tạ thế. Tờ giao hòa ngày 5 Juin 1862 đã có vua ba nước châu phê rồi, quan Nguyên soái de la Grandière trả tĩnh Vĩnh Long lại cho vua Tự Đức. Ông Phan Thanh Giảng thay mặt cho triều đình, lãnh thành quách ngày 25 Mai 1863, để cho quan Tổng đốc Trương Văn Huyễn trấn thủ mà trở về Huế. Qua đến năm 1866, người phụng chỉ vô ngồi Kinh lược ba tỉnh phía tây.
Từ đây quan Nguyên soái de la Grandière tưởng đã được yên; những kẻ làm nghịch với Tân Trào sẽ bỏ khí giới mà an cư lạc nghiệp. Ai dè tĩnh Vĩnh Long vừa mới giao lại cho vua Tự Đức, thì loạn lạc nổi lên khắp ba châu đã chịu quyền Pháp quốc. Côn đồ tụ đảng, mượn cớ mộ binh mà bắt người cướp của. Hễ nghe có binh Tân trào đi dẹp, thì rút vô rừng núi tĩnh Bình Thuận, phần nhiều lại đồn trú nơi tĩnh Vĩnh Long.
Quản Định xây đồn lũy khắp nới đằm Tháp Mười, bị quan Lãnh binh Tân bắn thác năm 1864. Còn dư đảng qua năm 1866, binh Tân trào mới trừ tuyệt.
Khi ấy mới yên được ít tháng, kế giặc Cao Man dấy lên, láng xuống tới Tây Ninh, thì cũng có người An Nam theo đốc sức. Ông quan ba Larclauze và ông quan năm Marchaisse đinh đánh trận này, bị thương mà thác (1866).
Lúc này ông Phan Thanh Giảng vô ngồi Kinh lược ba tĩnh phía Tây. Người cũng hết sức khuyên dụ nhân dân, sợ đổ máu vô ích, rốt cuộc cũng phải mất nước. Sau quả y như lời.
Qua năm 1867, binh Tân trào xuống lấy Vĩnh Long. Quan Phan nghĩ có ra chống cự thì uổng mạng sanh linh, bèn viết thơ cho quan Nguyên soái de la Grandière mà giao thành quách, và tư tờ cho hai vị Tổng đốc An Giang và Hà Tiên hay rằng tỉnh Vĩnh Long đã qui phục Pháp quốc.
Việc xong rồi người uống á phiện mà thác (1867), hưởng thọ được 74 tuổi.
Quan Nguyên soái de la Grandière thấy người nghĩa khí, bèn cho tàu đệ quan cửu về làng Bảo Thạnh (tĩnh Bến Tre) mà an táng, có quan quân đưa đón nên rất trọng thể.
Từ đây cả Lục châu thuộc về Pháp quốc, dân ba tỉnh phía Tây thấy nhà nước Tân trào khoan nhơn, thì lần lần quen bề ăn ở, lo việc nông thương, không còn nghi sợ như buổi Cựu trào nữa.
Phép chánh trị của Cựu trào. – Từ đời Minh Mạng, xứ Nam kỳ chia ra làm sáu tĩnh, kêu là Nam kỳ lục tĩnh. Sáu tĩnh xứ Nam kỳ là:
1- Gia định tĩnh thành Sài Gòn
2- Đông Nai “ Biên Hòa
3- Định Tường “ Mỹ Tho
4- Long Hồ “ Vĩnh Long
5- An Giang “ Châu Đốc
6- Cần Cao “ Hà Tiên
Tĩnh lớn, dân số đông thì có một quan Tổng đốc cai trị, tỉnh nhỏ có một quan tuần phủ, tùng quyền quan Tổng đốc. Lúc binh Lang sa mới vào lấy Sài Gòn, thì xứ Nam kỳ phân ra ba quận có Tổng đốc:
1- Tổng đốc quận Định Biên gồm tỉnh Gia Định, Biên Hòa
2- “ Long Tường “ Long Hồ, Định Tường
3- “ An Hà “ An Giang, Hà Tiên
Mỗi tĩnh có một quan bố chánh hay việc chính trị và thuế khóa; một quan án sát hay việc xử đoán; một quan đốc học để kiểm sát việc học hành; một quan lãnh binh để coi việc binh lính.
Mỗi tĩnh chia ra nhiều phủ, có tri phủ, hay về việc trị dân và việc xử đoán, có giáo thọ đốc việc học hành. Mỗi phủ chia ra nhiều huyện, có tri huyện, có huấn đạo.
Phần tổn thì có cai tổng, phó tổng; còn hương lý thì có hai chức phân ra hai hạng:
1 – Hương chức lớn: Hương cả, hương chủ, hương sư, hương trưởng, tham trưởng, hương lão, hương nhứt, hương nhì, hương chánh, hương lễ, hương văn, hương quan, hương ẩm, hương thân, hương hào, thủ bộ, thủ chí, thủ bổn, thủ khoán, cầu đường, cai đình, thôn trưởng.
2 – Hương chức nhỏ: Lý trưởng (phó thôn, phó xã), ấp trưởng, trùm dịch, cai thị, cai binh, ca thôn, trưởng.
Bật trên hết trong công việc chánh trị xứ Nam kỳ thì có quan kinh lược, (đời Gia Long kêu là Tổng trấn), gồm hay các việc binh dân, kiểm sát các tổng đốc, tuần phủ cùng cả thảy quan viên trong xứ.
Nơi đế đô thì có hoàng đế đứng cầm quyền bĩnh chánh, có Cơ mật viện, Đô sát viện, có lục bộ:
1- Lại bộ hay việc cấp bằng, thiên bổ quan viên;
2- Hộ bộ hay việc thuế khóa, thâu xuất,
3- Lễ bộ hay việc tế tự, thi cử;
4- Hình bộ hay việc hình chánh;
5- Binh bộ hay việc binh cơ;
6- Công bộ hay việc tạo tác, kiều lộ.
Mỗi bộ viện có một Thượng thơ làm đầu, hai Tham tri, hai Thị Lang, và một Biện lý, hiệp cùng nhau mà lo các việc ty thuộc về mình.
Cơ mật viện hay các việc kín nghiêm trọng trong nước, như việc binh cơ, việc tư của vua.
Đô sát viện hay việc kiểm sát phận sự các quan văn võ.
Tân trào lập phép chánh trị. – Mấy năm đầu, nhà nước Lang sa mới lấy ba tĩnh phía đông: Sài Gòn, Biên Hòa, Mỹ Tho, các quan đàng cựu đã bỏ mà đi hết; làng xã thì không hương chức, sổ bộ đều lạc mất. Có ít trò mà dòng biết tiếng La tinh theo làm thông ngôn cho quan binh, còn những người văn vật, hào phú, kẻ thì lánh đi xa, trong mấy xứ chưa bị chiếm; kẻ còn ở lại thì không chịu ra mà giúp việc làng, việc nước. Lần lần thấy người Lang sa có lòng đại độ, thì bá tánh mới an tâm, không còn nghi sợ. Khi ấy dân sự mới quy lại, hương thôn mới lập lại như xưa. Đời quan nguyên soái Charner, trong mỗi châu có đặt một quan Trấn, quyền hành như chức Tổng đốc, gồm việc binh dân, có hai quan tùng chánh hay ty bố, ty án. Nơi quận huyện cũng là quan Lang sa thế cho tri phủ tri huyện. Việc chánh trị cũng để y như buổi Cựu trào.
Năm 1861, quan Nguyên soái Bornard dụng người An Nam cho lãnh chức tri huyện tri phủ, tùng quyền các quan Lang sa. Nhưng mà phần nhiều không lo kham phận sự, làm đều vi phép, nên qua đến năm 1864, nhằm đời quan Nguyên soái de la Grandière, việc trị dân việc xử đoán đều giao lại cho các quan Lang sa. Cũng năm ấy lập tòa Thượng thơ (Direction de l’Intérieur), gồm hay các việc chánh trị trong 6 tĩnh, cho đến ngày 13 Mai 1879 có chỉ dụ cứ ông Le Myre de Vilers là quan văn lên làm Khâm mạng Thống đốc Nam kỳ. Từ khi ấy, quyền hành các quan văn võ mới phân biệt: quan án hay việc từ tụng, quan tham biện lo việc trị dân cùng việc thuế vụ, còn quan võ thì quản suất binh nhung.
Chỉ dụ ngày 17-20 Octobre 1887 lập Đông dương nhứt thống (Union Indochinoise). Đầu hết, ông Constants là Thân sĩ Hạ nghị viện được cử làm chức Đông dương Tổng thống toàn quyền đại thần.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.