Ai Che Lưng Cho Bạn

Không gian an toàn



Bạn có bao giờ quan sát bọn trẻ con khi chúng khám phá thế giới bên ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ không? Chúng thăm dò vài bước cách xa Cha và Mẹ, sau đó chập chững quay lại, chỉ để kiểm tra, để biết chắc mọi thứ vẫn an toàn. Lần sau, chúng bước thêm vài bước xa hơn – luôn thử nghiệm và mở rộng những gì chúng làm được và đi được bao xa, mỗi lần như vậy lại củng cố thêm sự tự tin để khám phá thế giới chưa biết. Ai cho bọn trẻ sự tự tin để làm như thế? Tận sâu thẳm, chúng cảm thấy an toàn, và vì thế, chúng sẵn sàng chấp nhận rủi ro khám phá thế giới xung quanh. Nếu không có được cái nền ấy, cái chính sách bảo hiểm ấy, chúng sẽ giảm đi rất nhiều cơ hội rủi ro trong cuộc sống. (Mỉa mai thay, chúng sẽ dành phần lớn cuộc đời tránh xa rủi ro và chỉ làm khi chắc chắn).

Kinh nghiệm bản thân đã thuyết phục tôi rằng chìa khóa mở toang tiềm năng cá nhân và chuyên môn cao nhất là phải tạo được một phiên bản người lớn của không gian an toàn đó, nơi chúng ta cho và nhận sự hỗ trợ chân tình, thành thật cho những vấn đề xuất hiện dù lớn hay nhỏ. Đó là nơi chúng ta có thể phạm sai lầm mà không e ngại hoặc lo mất thể diện; đó là nơi chúng ta có thể thử nghiệm những ý tưởng mới (cho dù đó là những ý tưởng chán òm) và củng cố sự tự tin theo thời gian.

Để tìm đến với người khác trong một môi trường chuyên nghiệp và chấp nhận rủi ro đi kèm khi thiết lập một mối quan hệ cởi mở, chân thật, quan tâm với một người khác, trước hết chúng ta cần phải cảm thấy an toàn. Chúng ta cần biết rằng chúng ta có thể tranh luận tối mắt tối mũi với người mà ta đã chọn hỏi ý kiến và xin hỗ trợ, biết rằng sau đó mối quan hệ sẽ không hề suy suyễn, hoặc sẽ quay lại như cũ, hoặc càng được củng cố thêm. Sự an toàn này đến từ sự tin cậy và tôn trọng dành cho người đó. Nó đòi hỏi phải được xây dựng trong một thời gian dài thông qua nhiều trải nghiệm lặp đi lặp lại.

Tôi đang nói điều gì thế nhỉ? Để xây dựng một vòng tròn các mối quan hệ khăng khít với vài người chính yếu trong sự nghiệp hay đời sống riêng – nên nhớ, bạn chỉ cần ba người thôi – bạn cần phải tạo được một không gian an toàn cho người khác, cho phép họ được chấp nhận rủi ro và thành thật không lo ngại sẽ làm hỏng đi mối quan hệ với bạn.

Vấn đề là gì? Đa số các công ty kêu gọi nhân viên “Hãy thẳng thắn,” “Hãy chấp nhận rủi ro để sáng tạo,” và “Yêu cầu những người trong nhóm phải chịu trách nhiệm”. Nhưng điều này là không thể. Nó giống như đặt cái cày đi trước con trâu. Trước tiên bạn phải tạo ra nền móng tin cậy và tôn trọng!

Không gian an toàn là một môi trường tinh thần – không phải môi trường vật chất – trong đó từ hai cá nhân trở lên có thể cảm thấy hoàn toàn tự do để chấp nhận rủi ro. Đây là một môi trường mà chúng ta cảm thấy hoàn toàn thoải mái cho và nhận phê bình; chúng ta thoải mái khi biết rằng những phản hồi chúng ta nhận được là từ những người quan tâm đến ta; chúng ta biết chắc rằng người kia tôn trọng ta, tin tưởng ta, và chỉ muốn điều tốt nhất cho ta.

Xây dựng một không gian an toàn cho hai người cùng chí hướng là một việc đơn giản. Khó khăn là khi chúng ta không chắc liệu người kia có sẵn sàng tham gia hành động theo hướng này không.

Khi tôi trao đổi với đội ngũ bán hàng, hoặc huấn luyện mọi người cách tranh luận nảy lửa tại nơi làm việc, một cách khởi đầu để xây dựng không gian an toàn là đưa người ta ra khỏi bàn làm việc hoặc ra khỏi sân nhà. Để khuyến khích mọi người hạ bức chắn bảo vệ, bạn phải đưa họ ra khỏi môi trường mà họ đã quen che chắn (hoặc bị xua đuổi). Mời người ta đi uống nước hay uống cà phê, hay ăn tối. Trong gia đình, nếu bạn cần phải thảo luận với cô con gái đang tuổi thiếu niên? Hãy yêu cầu con bước ra khỏi phòng ngủ và ra khỏi nhà! Hãy cùng đi dạo hay lái xe đi đâu đó.

Mỗi chúng ta có trách nhiệm phải tạo không gian an toàn xung quanh mình. Tôi sẽ lặp lại một lần nữa vì đây là một điều quan trọng: Mỗi chúng ta có trách nhiệm phải tạo không gian an toàn xung quanh mình. Đây là một quyết định có chọn lựa của chúng ta để tạo ra một môi trường mời gọi mọi người. Điều này có nghĩa là đặt sự an toàn của người khác lên hàng đầu và nói rõ ý định của mình.

Bạn phải sẵn sàng cho bước chân đầu tiên, dù điều này có thể mang theo một chút rủi ro cho bản thân. Hãy bắt đầu thật chậm – đầu tiên là quảng đại, đặc điểm tư duy thứ nhất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.