Ai Che Lưng Cho Bạn

Hậu quả của cuộc sống ngoài bộ tộc



Mọi cơ thể sống duy trì sự thăng bằng nội tại, sự hòa hợp và trật tự thông qua khả năng điều chỉnh và tiến hóa từ phản hồi nó nhận được. Trong thế giới tự nhiên, luôn có một vòng tròn phản hồi giữa các sinh vật và môi trường để từ đó các sinh vật duy trì được sự ổn định, tự điều chỉnh khi phát sinh tình huống mới. Đây là cơ chế năng động luôn biến đổi – sự phản hồi càng hiệu quả, sinh vật càng điều chỉnh hợp lý, và cơ hội sinh tồn càng cao.

Điều này cũng đúng đối với thế giới loài người. Nhận được phản hồi hiệu quả từ người khác giúp chúng ta nhận biết rõ ràng hơn về những gì chúng ta đang làm tốt và những gì chưa tốt, từ những vấn đề thực tế (đánh giá điểm mạnh và điểm yếu) đến vấn đề tâm linh (những thứ làm chúng ta hạnh phúc).

Một nguyên nhân đưa đến sự tiến hóa của các bộ tộc là khả năng hỗ trợ hiệu quả các mối quan hệ. Trong quyển sách The Psychology of Helping and Altruism xuất bản năm 1995, David Schroeder và những đồng nghiệp nghiên cứu đã chứng minh rằng khái niệm giúp đỡ lẫn nhau – mà các tác giả gọi là “quy tắc trao đổi có qua có lại” – tồn tại trong mọi xã hội trên thế giới.

Nói cách khác, khái niệm giúp đỡ hỗ tương thật sự là một phần trong máu thịt của chúng ta.

Năm 2008 các nhà nghiên cứu tại Living Links Center thuộc Emory University đã thực hiện bài trắc nghiệm rất hay trên bốn cặp khỉ mũ cái; họ nhận thấy các nàng khỉ cảm thấy được thỏa mãn khi chia sẻ thức ăn cho nhau. Thí nghiệm như sau: Các nhà nghiên cứu cho mỗi con khỉ trong mỗi cặp được chọn một đồng xu có giá trị tương đương hoặc (a) thưởng cho con khỉ có đồng xu một món ngon hoặc (b) thưởng cho cả hai con khỉ trong cặp một món ngon. Các nàng khỉ nhất quán lựa chọn cơ hội chia sẻ nếu đối tác của nó là một nàng khỉ nó quen, nó nhìn thấy, và được chia phần thưởng ngang nhau. Nói cách khác, nhìn thấy con khỉ kia được nhận phần ăn đã là một phần thưởng đối với chúng.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng các nàng khỉ có khuynh hướng chia sẻ cao hơn khi chúng cảm thấy có mối dây liên kết gắn bó; họ kết luận rằng “tình cảm tăng lên khi gần gũi về mặt xã hội trong cả loài khỉ lẫn loài người”.

Nhìn xa hơn, con người trên khắp thế giới, từ Tennessee đến Timbuktu, đều có một nhu cầu căn bản giống nhau là được nối kết tình cảm. Nhưng mặc dù tìm đến nhau và kêu gọi sự hỗ trợ của nhau là một điều kiện tự nhiên, quá trình tiến hóa xã hội đã đưa chúng ta đi lệch đường. Các yếu tố văn hóa đã tạo dựng bức tường ngăn cách, giữa các quốc gia và giữa các cộng đồng trong một quốc gia, trong khi chúng ta vẫn cố gắng mở rộng vòng tròn những người chúng ta tin cậy.

Tôi vẫn thường bị kết tội là làm cho người Mỹ cư xử theo kiểu người Italia (vì gốc gác gia đình tôi là từ Italia). Người Italia đặt mối quan hệ – và Bốn Đặc điểm tư duy mà tôi sẽ đề cập trong phần này – lên trên hết trong mọi giao dịch kinh doanh. Hãy thử nhìn lại thế giới kinh doanh tại Mỹ. Mặc dù người Mỹ xã giao thoải mái và cởi mở hơn, trong mắt thế giới chúng ta lại là một nhóm người rời rạc và ít khi có những mối quan hệ sâu sắc như các đối tác tại Châu Âu hay Châu Á. (Nên nhớ chúng ta không thảo luận về những gì diễn ra bên trong gia đình hay với bạn bè thân thiết, mà là trong cái vòng tròn lớn – với hàng xóm, với công ty, v.v). Trong kinh doanh, người Mỹ được xem là lúc nào cũng vội vã làm cho xong nghị trình.

Sự khác biệt giữa văn hóa các nước Viễn Đông (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) và văn hóa phương Tây là rất lớn về khía cạnh độc lập và tương thuộc, theo nghiên cứu của Shinobu Kitayama, Hazel Markus, và Dick Nisbett tại Đại học Michigan.

Người Châu Á vùng Viễn Đông thường có tính tương thuộc trong tư duy và giá trị so với người phương Tây. Điều này có nghĩa là họ nhận biết rõ về sự phụ thuộc lẫn nhau, và có khuynh hướng hiểu về “cái tôi” trong mối tương quan với người khác và được xác định bởi người khác. Ngược lại, ở phương Tây, chúng ta có khuynh hướng độc lập mạnh mẽ và chú trọng nhiều hơn đến quyền lợi và khả năng của cá nhân.

Sự khác biệt giữa hai nền văn hóa này được thể hiện ngoài thực tế dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng ở phương Tây chúng ta có khuynh hướng rơi vào sai lệch quy kết nền tảng (fundamental attributional error)

– chúng ta giả định rằng hành động của con người chịu tác động chủ yếu của nhân cách và phương pháp tư duy, thay vì các tác động của xã hội và môi trường.

Trong một cuộc nghiên cứu nổi tiếng năm 1967, những người tham gia được yêu cầu đọc các bài luận đưa ra luận cứ ủng hộ và chống đối nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro. Thực tế, người viết những bài luận này đã tự tung đồng xu để chọn xem mình sẽ viết luận cứ ủng hộ hay chống đối. Tuy nhiên khi những người tham gia được cho biết rằng người viết luận đã được giao trách nhiệm phải chứng minh cho lập trường nhất định, họ vẫn tin rằng nhìn chung những người viết bài ủng hộ về căn bản có cảm tình với Castro hơn.

Lối tư duy thiên vị này ở phương Tây có tác động nhất định đến công việc kinh doanh. Ví dụ, nếu một nhân viên bán hàng không thể thuyết phục một khách hàng mới, phản ứng tự nhiên của chúng ta là đổ lỗi cho người bán hàng – anh ta làm việc không tốt rồi phải không? Một người khác thuộc văn hóa Viễn Đông, ngược lại, có thể cân nhắc tác động mạnh của những yếu tố như nền kinh tế suy thoái, hoặc quyết định của người khách hàng, hoặc thế mạnh của đối thủ.

Nisbett và các đồng nghiệp cho rằng tầm nhìn khác biệt này bắt nguồn từ thời của những nền văn minh Hy Lạp và Trung Hoa. Trong khi nền văn minh Hy Lạp ủng hộ tính cá nhân, lý luận, lối tư duy phân tích, nền văn minh Trung Hoa lại nhấn mạnh đến lối tư duy biện chứng, tổng quan, và canh tác tập thể.

Chúng ta không khó khăn gì để tìm thêm những ví dụ văn hóa chứng minh ý kiến này. Từ bức tượng cưỡi ngựa nổi tiếng của Hoàng đế Marcus Aurelius tại Campidoglio ở Rome đến Tuyên Ngôn Độc Lập của người Mỹ, người phương Tây luôn coi trọng chủ nghĩa anh hùng cá nhân, phát minh, và thành tựu. Ngược lại, người Nhật có câu nói: “Cây đinh tòi ra sẽ bị đóng lại ngay”. Trong xã hội Nhật Bản, một cá nhân đứng riêng lẻ không được xem là một điều tích cực mà là một thứ cần điều chỉnh.

Tôi tin rằng đã đến lúc người phương Tây chúng ta quay lại với ADN cộng đồng. Các giá trị văn hóa của chúng ta đã chuyển dịch quá xa hướng về sự cô lập, và trong nhiều trường hợp, đã làm tê liệt khuynh hướng tự nhiên của những cá thể xã hội.

Tôi phát hiện ra rằng, rất nhiều khi chúng ta bị tách biệt khỏi nhau, ở nhà lẫn trong công việc (mà minh chứng là bản thân tôi!) Rất nhiều người luôn muốn tự mình làm. Tôi có thể hiểu được tại sao. Trong văn hóa hôm nay, chúng ta đã nhấn mạnh quá mức đến tính cá nhân, bỏ qua tinh thần đoàn kết, làm việc nhóm. Giới truyền thông mang đến cho chúng ta liên tục những câu chuyện về các ngôi sao trong kinh doanh hay thể thao hay chính trị – những siêu nhân dường như đạt đến đỉnh cao bằng chính nỗ lực của bản thân và một tầm nhìn tuyệt vời nhưng đơn độc. Rất thường xuyên, chúng ta bị cái cảm giác đè nặng rằng những người tìm đến ta để giúp đỡ là những người yếu đuối, thiếu tự tin, hoặc thiếu khả năng. Kết quả là rất nhiều người trong chúng ta mất phương hướng, vấp ngã, khuỵu chân trên con đường leo đến đỉnh.

Chúng ta rất cẩn trọng khi mở lòng ra ngay cả với những người bạn thân thiết nhất, chứ đừng nói gì đến những đồng nghiệp trong văn phòng. Chúng ta nhìn nhận khả năng dễ bị tổn thương, và đôi khi là sự tử tế của mình, là dấu hiệu của sự yếu đuối. Chúng ta giữ riêng ý kiến của mình, bí mật của mình, những nỗi sợ của mình. Sự thành thật bị xem là quá rủi ro, một bãi mìn chi chít, một thứ mà người khác không biết phải đáp ứng như thế nào (trong khi đa số trường hợp chính chúng ta mới là người sợ hãi). Nên thay vì nói thẳng cho người khác biết cảm nhận của mình, chúng ta lại cứ nói lòng vòng trong nhóm.

Kết quả ra sao? Thay vì đưa ra những lời khuyên chân thành, chúng ta đàm tiếu, nói cạnh khóe, nói bóng gió, và sử dụng đồng nghiệp và bạn bè khác như là người đưa tin cửa sau. Chúng ta cư xử không khác gì khi còn học phổ thông! Chúng ta nhìn nhận sự quảng đại là một thứ lỗi thời cần phải ném trả về quá khứ vốn không còn tồn tại. Một vài người trong số chúng ta còn đi quá xa đến mức cho rằng khi ai đó đưa ra đề nghị giúp đỡ, người ta ắt hẳn phải có một động cơ bên trong: Người này muốn gì ở ta đây? Và thế là chúng ta lại cứ tiếp tục đơn độc.

Cùng lúc, đứng ở khía cạnh văn hóa, chúng ta than phiền về sự thiếu cân bằng trong cuộc sống – rằng chúng ta dành toàn bộ thời gian để làm việc, suy nghĩ về công việc, xả stress từ công việc, hay chuẩn bị cho công việc. Tuy nhiên theo hai nhà kinh tế Ellen McGrattan và Richard Rogerson, thời gian làm việc của ta trên thực tế gần như không thay đổi nhiều từ sau Chiến tranh Thế giới II. Thật ra một số nghiên cứu còn nhận định thời gian rảnh rỗi của chúng ta đã tăng lên. (Lỗi của ai nếu bạn cứ dính chặt với chiếc BlackBerry trong khi bạn đi nghỉ hè hay đi tập thể thao?)

Như vậy nếu chúng ta vẫn làm việc với cùng một số giờ như trước đây, thậm chí ít hơn, tại sao chúng ta lại cảm giác như mình phải gánh một trách nhiệm nặng nề hơn trong công việc và nhận về ít hơn so với nỗ lực của mình?

Tội đồ thật sự, như tôi đã phát hiện ra cho bản thân, là do chúng ta thiếu những mối quan hệ sâu sắc và thân thiết tại nơi làm việc cũng như trong cuộc sống riêng. Chúng ta có quá nhiều người quen gật đầu chào mà lại thiếu những cuộc gặp gỡ thân thiết làm phao cứu sinh.

Thật đáng buồn khi hầu hết những mối quan hệ của chúng ta đều vì mục đích đạt một nhiệm vụ hay dự án cụ thể, thay vì chỉ đơn giản là phát triển và nuôi dưỡng những mối quan hệ thân tình. Không may thay, đây lại là chọn lựa của chúng ta. Những giao dịch hàng ngày của chúng ta với đồng nghiệp hay khách hàng đa phần đều chỉ sượt trên bề mặt. Đa số chúng ta hài lòng chỉ cần lướt trên mặt nước. Kết quả là, trong công việc, sự trung thành ngày càng giảm đi trong số khách hàng, nhân viên và nhà tuyển dụng; chúng ta không đạt được tối đa tiềm năng của mình trong nghề nghiệp vì chúng ta quá e ngại không dám tìm xin lời khuyên, phản hồi, hay hỗ trợ từ người khác. Kết quả là, trong đời sống riêng, chúng ta cảm giác nặng nề nghĩ rằng cuộc sống mình phải có cái gì khác hơn chứ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.