Ai Che Lưng Cho Bạn

Bước 2: Tìm mối quan hệ cứu sinh



Hãy nhớ lại những gì tôi đã nói trước đây – rằng ba người mà bạn đang nghĩ là mối quan hệ cứu sinh có thể cuối cùng không nằm trong vòng tròn tin cậy của bạn?

Cách đây vài tháng, tôi đang tập thể dục tại New York với một huấn luyện viên tên là Sandy. Những lúc nghỉ giữa hai bài tập tạ, chúng tôi ngồi nói chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của cô. Tôi nhanh chóng nhận thấy cô ấy chưa tìm được đam mê của đời mình trong lĩnh vực công việc. “Này, Sandy,” tôi hỏi, “vậy cô nói chuyện với ai mỗi ngày?”

“À,” Sandy nói, “tôi nói chuyện với mẹ tôi. Và với người bạn thân Janet, chúng tôi quen nhau từ hồi trung học”.

“Vậy thì cô nói về chuyện gì?”

“Với mẹ tôi thì hầu như bà giành nói hết, và tất cả những gì tôi nghe được là ‘Chừng nào con mới lấy chồng?’ Tôi yêu bà ấy, nhưng bà ấy làm tôi cảm thấy rất tệ”.

“Còn cô bạn Janet?”

“Nghĩ kỹ lại, cô ấy cũng thường giành nói hết. Janet cũng gặp vấn đề riêng của cô ấy. Tôi không muốn kể chuyện gì bởi vì tôi biết thế nào cô ấy cũng nói ‘Cậu nghĩ thế là tồi tệ ư? Thử chịu đựng những gì tôi đã trải qua hôm qua mà xem!’”

“Nghe này, Sandy,” cuối cùng tôi nói. “Tôi nghĩ cô xứng đáng được trải nghiệm với một nhóm hỗ trợ thật sự. Để tôi nói cho cô nghe – chỉ cần tìm một người mới mà cô kính trọng và đưa họ vào danh sách gọi điện hàng ngày của cô. Mà này, cô cứ gọi điện cho tôi vài lần mỗi ngày trong vòng vài tuần để tạo thành thói quen cũng được!”

Tôi khuyến khích Sandy tìm thêm vài người (không phải là mẹ cô và Janet) và định kỳ gặp họ đến khi cô tìm được một người bạn và cố vấn thật sự, một người quan tâm đến Sandy và tương lai của cô. “Sau đó thì giữ quan hệ bằng cà phê hàng tuần,” tôi nói thêm. “Xem nó giống như hẹn hò vậy, nhưng là để tìm một người thổ lộ khác”.

Nhìn xa khỏi vòng tròn trực tiếp

Với hai mối quan hệ chủ đạo mang tính tiêu cực trong đời, Sandy có vẻ như là một ví dụ hơi cực đoan. Nhưng có thật thế không? Trong hàng trăm cuộc phỏng vấn mà chúng tôi đã thực hiện cho quyển sách này, hơn phân nửa số người chúng tôi trao đổi cho biết họ không có bất cứ ai thật sự, đúng nghĩa là người che đỡ phần lưng cho họ – bạn bè, gia đình, đối tác, hay bạn đời.

Một số người tôi biết thường rất e ngại khi phải gọi điện mời bạn thân vào nhóm hỗ trợ. Họ dễ dàng kể cho một người lạ nghe về ước mơ và những cuộc chiến họ phải trải qua hơn là với một người thân trong gia đình hay một người bạn thân. Vì sao ư? Bởi vì như thế sẽ ít rủi ro hơn. Một người xa lạ từ chối bạn sẽ không mang đến nhiều điều tồi tệ bằng bị từ chối bởi một thành viên trong gia đình, một người bạn cũ, hay một đồng nghiệp (một số người lo ngại rằng bạn bè trong công việc sẽ tiết lộ bí mật trong công ty hay trong ngành). Một người nào đó nằm ngoài mạng lưới trực tiếp sẽ đỡ rủi ro hơn.

Năm 1787, vị tướng nước Nga Grigori Aleksandrovich Potemkin quyết định tạo ấn tượng với Nữ hoàng Catherine II bằng cách cho xây dựng những ngôi làng giả mà giống như thật dọc theo con sông Dneiper – chúng thật sự là một sân khấu tuyệt đẹp. Mục đích của ông là nâng cao vị thế của mình bằng cách khoe với nữ hoàng những chiến thắng mới nhất. Và nữ hoàng thật sự đã bị chinh phục.

Theo kinh nghiệm của tôi, đa số chúng ta đều muốn bảo vệ và gìn giữ ngôi làng Potemkin của mình! Chúng ta đều lo ngại rằng những thành quả của mình không được đánh giá đúng mức – rằng thành công của chúng ta nhìn không mấy ấn tượng từ phía sau cánh gà. Chúng ta lo lắng không muốn để người khác nhìn vào, vì sợ rằng họ sẽ làm ta thất vọng. Tuy nhiên, đây mới chính là lúc cần phải mời người khác vào cuộc sống của mình, để chúng ta không bị mờ mắt bởi những thành công ảo tưởng.

Một vấn đề có thể nảy sinh với bạn bè hay gia đình thân thuộc là họ đã có cảm nhận riêng về bạn. Mối quan hệ của bạn với họ bị đè nặng bởi những tình cảm trong quá khứ, những vấn đề dang dở chưa giải quyết, hay những kỷ niệm cũ. Bạn nên cân nhắc đưa một người hoàn toàn không thành kiến vào trong nhóm để giúp bạn đủ tự tin bắt đầu một việc mới.

Tôi có những người bạn thân buộc tôi phải chịu trách nhiệm trong đời sống riêng, nhưng tôi không có được những mối quan hệ cứu sinh trong công việc kinh doanh. Tôi lo sợ không dám hạ bức tường phòng thủ; tiền bạc và thành công trong sự nghiệp là những chủ đề không an toàn đối với tôi. Ngay từ khi còn là một cậu bé, tôi đã cảm nhận giá trị của mình dựa trên đánh giá của người khác về thành công của tôi, và tôi ghét phải phơi bày một điểm yếu nào trong bộ áo giáp của mình, ngay cả với những đồng nghiệp thân thiết nhất.

Tuy nhiên, nếu các mối quan hệ cứu sinh tiềm ẩn một chút rủi ro cũng là một điều tốt. Lấy ví dụ như Greg. Khi tôi nỗ lực củng cố kỹ năng quản lý của mình, nếu trong nhóm làm việc có một người tôi không muốn làm thất vọng cũng giúp ích khá nhiều. Nhờ có Greg trong nhóm, tôi có nhiều khả năng giữ lời hứa với ông, và với bản thân.

Tôi không có ý nói là bạn không thể tạo được những mối quan hệ cứu sinh với bạn bè thân thiết, gia đình, hay đồng nghiệp. Tốt nhất, đây chính là đích đến của bạn – khi bạn sẵn sàng, và giả thiết rằng những người trong đời bạn sẵn sàng đảm nhận vai trò này. Tôi cũng đã từng chứng kiến những ví dụ tuyệt vời.

Mehmet và Lisa Oz mà tôi giới thiệu ở trên, đã kết hôn với nhau được 25 năm và là một cặp thành đạt nhất mà tôi được biết. Sự hỗ trợ mà họ dành cho nhau vượt xa khỏi sự động viên tinh thần vốn có của một người bạn đời. Do họ làm việc trong những lĩnh vực khác nhau, ban đầu họ không có nhiều thời gian bên nhau. Chính vì vậy họ quyết định tìm thời gian bên nhau bằng cách hợp tác trong những dự án chung, và trao cho nhau không chỉ tình yêu mà cả ý kiến, kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn.

“Rất nhiều người tin rằng làm việc chung không mang đến một mối quan hệ hạnh phúc,” Lisa nói, “nhưng đối với chúng tôi điều đó thật tuyệt”.

Lisa miêu tả chồng mình là một người “hướng tới kết quả” và “biết đặt trọng tâm”. Bà tự nhận mình là người biết sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên, nhìn vấn đề một cách khách quan, và luôn nhìn vào bức tranh toàn cảnh. Công việc của bà, bà nói đùa, là “kéo Mehmet lại, bởi vì nếu để ông ấy tự do, ông ấy sẽ làm mọi thứ”.

“Khi bạn kết hôn với một ai đó, đầu tiên bạn sẽ ủng hộ họ về mặt tình cảm và tinh thần,” Lisa nói tiếp. “Vì vậy nếu người kia tự làm mình đau khổ do luôn muốn vượt lên hàng đầu, điều đó không tốt đối với họ. Thành công không đơn giản là sự nghiệp

– đó còn là thành công cá nhân của Mehmet, thành công của cả hai chúng tôi, và thành công của cả gia đình. Một phần trong những gì chúng tôi mang đến cho nhau là kéo nhau về thực tại. Tuy nhiên,” Lisa nói thêm, “một điều luôn phải có trong mối quan hệ của chúng tôi là sự tôn trọng lẫn nhau, và sự quyết tâm gắn bó làm một cặp”.

Tất cả những cặp vợ chồng nên ao ước được hỗ trợ nhau trọn vẹn như Mehmet và Lisa. Dĩ nhiên, mức độ hòa hợp về mặt sự nghiệp có thể không phải lúc nào cũng đạt được như họ đối với mọi mối tình. Chị tôi là một trong những người thân trong gia đình mà tôi gần gũi nhất. Bất cứ khi nào tôi cần tình thương, sự động viên, chia sẻ, tôi đều tìm đến chị. Chị cũng có thể đóng vai người bạn trách nhiệm rất tuyệt vời cho tôi. Nhưng Karen là một người xây dựng gia đình – chị không biết nhiều về điều hành công ty, giúp tôi huấn luyện đội ngũ bán hàng, hay giữ cho khách hàng hài lòng. Khi tôi cần một lời khuyên hay hỗ trợ cụ thể trong nghề nghiệp, tôi đã học được cách tìm đến người khác, những người giàu kinh nghiệm có thể cho tôi những lời khuyên thực tiễn.

Amir Tehrani, doanh nhân

Khi Amir Tehrani đang học lớp ba, có một cảnh sát Los Angeles đến trò chuyện với lớp. “Ông ấy nói rằng nếu bạn chơi với chung quanh là những người tốt, bạn sẽ thành công trong cuộc sống,” Amir nhớ lại. Chà, cuộc đời đơn giản thế thôi sao? Amir còn nhớ mình đã tự nhủ như thế. Và mặc dù bản thân chỉ là một học sinh trung bình, ông bắt đầu làm quen và chơi với những đứa bạn thông minh hơn. Không lâu sau, điểm số của ông cũng tăng dần lên.

Amir không bao giờ quên lời khuyên này, và theo thời gian đã áp dụng nó vào một cấp độ cao hơn; ông luôn luôn cố gắng giữ quanh mình không chỉ là những người tốt mà còn là những nhà cố vấn tin cậy. Nhưng trong khi tham gia học tại Trường quản trị Anderson thuộc UCLA, ông gặp phải tình thế khó khăn: “Tôi biết mình muốn trở thành một nhà doanh nghiệp, nhưng đa số các bạn học đều nhắm đến công việc trong các công ty danh tiếng như McKinsey, Goldman Sachs, hay Toyota”.

Chiến lược vượt lên của ông đã gặp một ngõ cụt tạm thời. Vì vậy nhờ vào sự giúp đỡ của một bạn học khác, Amir vươn ra đi tìm những người có máu doanh nhân khác. Cuối cùng hai người lập nên một nhóm hỗ trợ mà họ đặt tên là Billionaire’s Club.

Cụm từ “tỉ phú” (billionaire) lúc này chỉ mang tính thể hiện tham vọng mà thôi. Nhưng Amir không hề sợ phải nhắm cao trên trời. Ông cho rằng thành công hiện tại phần lớn nhờ vào những buổi họp trách nhiệm của nhóm, khi họ gặp nhau mỗi hai tuần trong một quán cà phê. “Bạn không muốn quay lại gặp nhóm và làm họ thất vọng,” Amir nói.

Công việc kinh doanh của ông là gì? Amir biết rõ ngay từ thời ở UCLA rằng ông muốn tạo ra một sản phẩm để bán được cho những cửa hàng khổng lồ như Wal-Mart hay Target. “Tôi nhìn thấy xu hướng phát triển rất mạnh của nhóm người gốc Mỹ La tinh tại Mỹ,” ông kể. Sau khi bàn bạc với nhóm và được họ khuyến khích hành động nhanh chóng, ông nhảy ngay lên chuyến bay tiếp theo và tìm đến với văn hóa Mexico. Khi tham dự một trận đá bóng chuyên nghiệp của người Mexico, Amir đã không thể ngờ được sự ủng hộ cuồng nhiệt của người hâm mộ. Nếu so sánh với họ, một trận bóng rổ trên sân nhà của đội Lakers thật im ắng như bãi tha ma. “Một ý tưởng ập đến,” ông nói. Ông gọi điện cho nhóm hỗ trợ để thảo luận và nhanh chóng mua lại quyền bán hàng hóa tại Mỹ của Liên đoàn Bóng đá Mexico.

Lần sau bạn vào Target và nhìn thấy một dãy áo thun mang biểu tượng của Chiapas Jaguares, hãy nhớ đến Amir và nhóm hỗ trợ của ông. Họ chính là người đã mang chúng đến đây. Những thành viên khác trong nhóm cũng có những câu chuyện thành công tương tự. Họ đều cho rằng tài sản hiện nay đa phần đều đến từ nhóm hỗ trợ. Cộng sự đồng sáng lập Billionaires’ Club cũng mới vừa kêu gọi được trên một triệu đô la để thành lập một trang web giáo dục có tầm lan tỏa cao.

Kể từ khi thành lập công ty kinh doanh trong mơ của mình, Amir đã trở thành một người ủng hộ hết mình cho các doanh nghiệp, kêu gọi những doanh nhân khác hãy thiết lập nhóm hỗ trợ đồng đẳng của riêng họ. “Chúng tôi phát hiện ra rằng rất nhiều doanh nhân ngoài kia cũng đang gặp những vấn đề tương tự như chúng tôi,” Amir nói. Nguyện vọng của mọi người được gia nhập nhóm tha thiết đến mức họ phải tổ chức phỏng vấn để chọn lọc từ hàng trăm ứng cử viên.

Thiết lập mối quan hệ cứu sinh hiệu quả để giúp đỡ những nỗ lực trong sự nghiệp của nhau đòi hòi một dạng tình cảm nghiêm khắc mà gia đình và bạn thân không phải lúc nào cũng làm được. (Mặc dù nếu bạn mang những nguyên tắc trình bày trong quyển sách này chia sẻ với họ, một điều tôi khuyên bạn nên làm, họ có thể đủ bản lĩnh để đảm nhận vai trò này nhiều hơn bạn nghĩ!) Nói chung, thành viên trong gia đình hay bạn bè thân thiết khó có thể bắt chúng ta phải chịu trách nhiệm, hoặc buộc chúng ta phải hoàn tất nhiệm vụ nếu chẳng may chúng ta thất bại. Họ có mặt là để yêu thương chúng ta, bất kể chúng ta ra sao. Đó là một điều ai trong chúng ta cũng cần đến trong đời. Nhưng đó lại không phải là hình thức hỗ trợ hay trách nhiệm mà chúng ta cần để vượt qua những gì đang cản lối mình.

Trong bối cảnh quan hệ hỗ tương, sự quan tâm phải bao gồm những yếu tố như trung thực (ngay cả khi phải nói điều đau lòng), thẳng thắn, phản hồi, và phê bình. Thật đáng buồn là những người thân yêu đã quen chịu đựng bản thân chúng ta vốn không mấy hoàn hảo. Thỉnh thoảng, chúng ta cần được thay máu và nhìn vấn đề từ những góc độ khác nhau, được thoát ra khỏi những cái quen thuộc, như cộng sự Morrie Shechtman của tôi vẫn thường nói.

Trong phần trước của quyển sách, tôi đã nhắc đến nhu cầu cần thiết phải kiến tạo một không gian an toàn cho người khác. Nhưng hãy cẩn thận không lẫn lộn giữa an toàn và dễ dãi, quen thuộc. Đây là những tính chất rất khác biệt. Trong một mối quan hệ, dễ dãi và quen thuộc ám chỉ những người bạn đã cùng chia sẻ quá khứ và cảm thấy thoải mái khi ở bên họ – và điều này có thể khiến họ làm ngơ khi cần phải phản hồi và áp đặt trách nhiệm, thay vào đó họ chìu chuộng bạn và để những thói quen xấu tiếp diễn.

Cách tốt nhất là bạn nên tìm đến những người có chung những giá trị với bạn về ước mơ và mục tiêu. Chúng ta đều có những người bạn chúng ta yêu quý, nhưng không phải tất cả họ đều đồng tình với quyết tâm vượt lên trong sự nghiệp, hay cải thiện sức khỏe bản thân, hay phát triển tâm linh như chúng ta. Họ vẫn mãi là bạn tốt, nhưng họ có thể không phải là đối tác thích hợp để giúp chúng ta vươn lên và phát huy hết tiềm năng.

Bạn sẽ nhận biết ngay khi bạn tìm được một người có cùng mục tiêu phát triển cá nhân tương tự như của bạn. Lena West, người sáng lập Convengine, cho biết câu nói yêu thích trong nhóm cô ấy là: Bạn là đại diện cho thương hiệu điên khùng của tôi. “Điều này có nghĩa là người đó hoàn toàn quyết tâm phát triển cá nhân và sống đúng với tiềm năng của mình,” cô ấy kể với tôi. “Đi cùng với nó là một sự thật rằng đôi khi bạn phải nghe những thứ bạn không thích. Nhưng những phản hồi này thật tuyệt vời”.

Kết luận: Nếu bạn muốn nhảy vọt trong sự nghiệp chuyên môn hay phát triển cá nhân, bạn có thể phải mở rộng vòng tròn của mình. Bạn bè, đồng nghiệp, gia đình có thể yêu quý bạn không điều kiện, nhưng họ có thể thiếu kiến thức hay kinh nghiệm để giúp bạn trong công việc hay trong đời sống riêng. Mục tiêu cuối cùng của bạn khi muốn tìm được ba người để giúp bạn thay đổi cuộc sống là xây dựng những mối quan hệ cứu sinh đáng tin cậy và tôn trọng.

Giờ đây bạn đã nhận thấy nhu cầu phải vươn xa hơn vòng tròn những người thân yêu, bạn bè, gia đình để thiết lập một nhóm cố vấn vững mạnh, bạn sẽ tập trung tìm kiếm nơi đâu?

Trong công việc

Văn phòng là một nơi hợp lý để gặp gỡ những người mới, có tiềm năng trở thành cộng sự hỗ trợ nhau. Bởi vì dẫu sao đồng nghiệp chính là những người chúng ta tiếp xúc nhiều nhất hàng ngày! Và chúng ta không biết một tí gì về đa số đồng nghiệp – quá khứ của họ, niềm đam mê của họ, cuộc sống riêng của họ, thú vui của họ, tham vọng của họ và mục tiêu của họ. Vấn đề nằm ở chỗ: Trong công việc, chúng ta có khuynh hướng giao tiếp với nhau dựa trên những gì họ có thể làm cho ta, và vì thế chúng ta giữ khoảng cách với họ. Một sai lầm lớn.

Nhưng tôi không thể nào tin tưởng những người cùng làm, bạn sẽ nghĩ như thế. Họ có thể làm tổn thương tôi! Thực tế, chúng ta có thể tin tưởng vào người khác nhiều hơn chúng ta vẫn nghĩ. Đáng ngạc nhiên là khi ta tiếp cận một người mà mình vốn nghi ngờ, sự gắn bó của họ dành cho ta tăng lên. Người ta dễ dàng nói sau lưng một người nếu họ không biết hay không quan tâm đến người đó. Vậy thì tại sao chúng ta không tìm đến một đồng nghiệp tiềm năng? Hãy nhớ lời tôi: Nếu bạn không tìm được một hay hai người để tiếp cận, vấn đề là chính bạn, chứ không phải họ.

Tái bút: Đừng quên những đồng nghiệp cũ. Họ có thể không xuất hiện trong cuộc đời bạn ngay bây giờ, nhưng một người đồng nghiệp cũ thích hợp biết đâu có thể trở nên không thể thiếu đối với thành công của bạn. Tôi đã tìm đến với Greg Seal, và hãy nhìn xem kết quả tôi đạt được! Vì vậy, hãy nhớ đến bạn cũ, thầy giáo cũ, cấp trên hay người đỡ đầu trước đây.

Trong trường học

Cho dù bạn đang theo học đại học chính quy, tại chức, khóa huấn luyện lãnh đạo, lớp MBA hay trường luật, trường học là một nơi cũng rất tốt để gặp gỡ đối tác tiềm năng lâu bền.

Ngay cả khi bạn đã tốt nghiệp từ lâu, những mối liên lạc với trường vẫn có thể giúp ích. Sao bạn không thử gọi đến cho hội cựu sinh viên hay một bạn học cũ? Dĩ nhiên, nếu bạn vẫn giữ liên lạc từ đó đến nay thì tốt quá; nhưng ngay cả khi bạn không giữ liên hệ, bạn cũng chỉ cần gọi điện hay email là đã tìm đến được với nhau để thiết lập mối quan hệ. Những người bạn cũ đã từng yêu quý và tôn trọng bạn có thể sẽ rất vui được gặp lại bạn. Nếu tìm đúng người có thể họ còn rất hào hứng được tham gia vào nhóm của bạn. Một trong những người bạn thân nhất của tôi tại Yale là Ray Gallo; chúng tôi gặp nhau trong một lớp thực hành quản lý mối quan hệ rất đặc biệt do Ella Bell giảng dạy, một tác giả nổi tiếng và đứng đầu giới phụ nữ trong kinh doanh. Ray và tôi là hai anh chàng da trắng duy nhất trong lớp gồm 12 người – như một cặp người Ý – và chúng tôi kết thân với nhau ngay lập tức. Ray đã nhiều năm làm luật sư biện hộ cho tôi; và với tư cách là cố vấn thân thiết nhất, anh ấy giúp tôi nhiều hơn là chỉ những vấn đề luật pháp.

Tại các sự kiện, hội thảo

Greg Hartle tha thiết mong muốn được mở doanh nghiệp nên đã bỏ qua đại học mà đi làm ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông – và đây là một vấn đề khi cần tìm một mạng lưới hỗ trợ vững chắc. Giải pháp của Greg là gì? Anh bắt đầu tham gia vào các sự kiện hay hội thảo, tìm kiếm sự nối kết với những chủ doanh nghiệp khác. Khi nào Greg gặp được một người thú vị, anh sẽ theo đuổi bằng email, hỏi xem họ có muốn tham gia một nhóm hỗ trợ mà anh đang thiết lập hay không. Anh cũng kêu gọi sự tham gia của một anh bạn chơi bóng rổ ngày xưa và một anh chàng thú vị anh tình cờ gặp trên bãi biển. Khi Greg đã tìm đủ người, anh thiết kế cuộc họp qua điện thoại – và thế là họ đã khởi hành. (Hiện nay, nhóm cố vấn của Greg bao gồm một kỹ sư, một nhà môi giới bảo hiểm nhân thọ, và một người làm ngân hàng).

Trên mạng

Chưa bao giờ bạn có thể dễ dàng tìm đến làm quen những người bên ngoài vòng tròn thân thiết của mình như lúc này, nhờ vào sự phổ biến của các trang web kết nối xã hội như Facebook hay LinkedIn. Tôi muốn nói rằng những cơ hội tiếp cận là gần như không giới hạn. Và bạn cũng đừng tự bảo mình: Không, tôi già quá rồi! Đa số mọi người trên Facebook sẽ “làm bạn” với bạn không chút ngại ngần. Một khi bạn đã trở thành một phần của mạng lưới và có thể xem qua danh tính của nhiều người khác nhau, bạn sẽ biết thêm về đời sống riêng tư của họ chỉ trong hai phút thay vì phải mất nhiều tuần liền ăn trưa với nhau. Khi bạn tìm được một người nào đó có vẻ tiềm năng, hãy cân nhắc gửi lời nhắn công khai trên hình đại diện của họ trên Facebook. Sau đó bạn có thể trò chuyện với họ trên diễn đàn chung mà trang web cung cấp (gọi là Wall). Tiếp theo, thử trao đổi riêng, và cuối cùng là chuyển sang gửi email, gọi điện thoại, và – dám lắm chứ – một cuộc gặp mặt trực tiếp.

Một cách tiếp cận khác trên mạng nữa là tìm đến những người trong những cộng đồng nhỏ hơn xoay quay một ngành nghề hay một sở thích chung. Ví dụ, GreenlightCommunity.com của tôi là một nơi cần đến nếu bạn muốn gặp những người có trình độ cùng chia sẻ niềm tin rằng mối quan hệ chính là chìa khóa thành công. Thực tế bất cứ chủ đề gì bạn nghĩ đến cũng có những cộng đồng mạng tồn tại phục vụ nó. (Bạn có thể tìm danh mục một số thông qua trang web Ning.com, diễn đàn mà tôi phát triển dựa trên nền tảng này). Và nếu bạn không tìm thấy một cộng đồng phục vụ mối quan tâm của bạn, hãy mở ngay một cộng đồng!

Công nghệ đã giúp cho việc giữ liên lạc với những người hỗ trợ ở xa được dễ dàng hơn. Hanif Rehman, một nhà tư vấn Internet làm việc tại Yorkshire, cách London khoảng 200 dặm về phía bắc, khởi xướng một nhóm hỗ trợ qua điện thoại với 5-6 người sống tại London, sử dụng công nghệ miễn phí Skype hay Dimdim. Nhóm liên lạc với nhau mỗi tuần một lần, và mỗi người có 15 phút để thảo luận về tiến độ đạt mục tiêu của họ, tiếp theo sau là phản hồi từ các thành viên khác.

Những người hoàn toàn xa lạ

Và cũng đừng quên tìm đến những người xa lạ. Tôi không bao giờ ngần ngại trao đổi thẳng thắn với những người tôi mới gặp – trên máy bay, trong nhà hàng, tại sự kiện thể thao – có lẽ vì tôi luôn hào hứng đẩy cuộc trò chuyện đi xa hơn những chủ đề đường sá hay thời tiết. Nhìn chung, bạn không dễ gặp người tâm đầu ý hợp mỗi lần bạn tiếp xúc với một người lạ. Nhưng mỗi cuộc gặp gỡ như vậy có thể phát triển thành một mối quan hệ hỗ trợ tuyệt vời, người mà một ngày nào đó sẽ giúp bạn viết tiếp những điều chưa nói, và ngược lại.

Nhưng làm thế nào tôi gặp người lạ? Lúc nào tôi cũng phải làm việc. Cuối tuần thì tôi ở nhà với gia đình. Đây là con người sợ hãi, hay lười biếng, hay cả hai đang lên tiếng. Câu trả lời của tôi: Hãy sáng tạo! Từ phòng tập thể dục đến quán cà phê hay khu tập thể láng giềng, nếu bạn muốn gặp gỡ mọi người, bạn sẽ làm được. Tổ chức một buổi picnic ngoài trời với hàng xóm láng giềng. Tham gia một cuộc chạy bộ từ thiện. Hay tham gia trò chơi ném bóng rổ hàng tuần. (Để biết thêm cách tận dụng mọi cơ hội hàng ngày cho mục đích xây dựng mối quan hệ, hãy đọc quyển sách Đừng bao giờ đi ăn một mình).

Huấn luyện viên chuyên nghiệp

Chúng ta mỗi người đang ở những giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp và trong cuộc sống. Có thể bạn vào thời điểm này chưa sẵn sàng để cởi mở và chịu tổn thương với những người trong cuộc đời của mình. Nếu bạn là một người sùng đạo, bạn có thể tìm đến đức cha, đức thầy, hay những thành viên trong giáo đoàn để nhờ giúp đỡ. Nếu đây không phải là một chọn lựa của bạn, tôi thành thật khuyên bạn nên thuê một huấn luyện viên hướng nghiệp hay một nhà trị liệu để giúp bạn bằng những phản hồi trung thực và buộc bạn phải chịu trách nhiệm đúng như những gì bạn đang cần.

Làm thế nào bạn biết được liệu một người có tiềm năng làm phao cứu sinh?

Giờ đây bạn đã biết phải tìm mối quan hệ cứu sinh nơi nào, bạn sẽ chú trọng đến những phẩm chất nào? Một điểm khởi đầu thích hợp là Bốn Đặc điểm tư duy mà chúng ta đã đề cập trong phần trước.

Hãy hỏi bản thân:

Người đó có sẵn sàng nói với bạn một cách thẳng thắn không?

Họ có đủ can đảm để nói sự thật mà bạn cần biết không? Họ có cho phép bạn cũng thẳng thắn với họ không?

Người đó có cởi mở và chịu tổn thương với bạn không? Liệu họ có hiểu về nỗi lo sợ hay những đấu tranh của bạn không?

Người đó có sẵn sàng buộc bạn phải chịu trách nhiệm để giúp bạn đạt mục tiêu của mình, và vượt qua những hành vi đang cản trở bạn hay không? Liệu họ có cho phép bạn làm ngược lại với họ?

Người đó có rộng lượng trong những việc họ làm cho bạn không? Liệu họ có đủ rộng lượng để cho phép bạn giúp họ không?

Câu trả lời cho những câu hỏi này không hẳn sẽ bật ra ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên, nhưng đây là những dạng câu hỏi bạn muốn đặt ra cho bản thân. Kiểm tra danh sách Bốn Đặc điểm tư duy với người mà bạn đang nhắm đến (một người bạn thật sự muốn xây dựng mối quan hệ sẽ không từ chối cùng ngồi thảo luận với bạn về chúng). Nếu người đó phản ứng không hay khi bạn đặt những câu hỏi này, họ có thể sẽ không giải quyết được những vấn đề khó khăn hơn về sau – vì vậy hãy cứ tiếp tục đi tìm.

Bốn chữ C

Dựa vào Bốn Đặc điểm tư duy chỉ mới là bước đầu tiên để đánh giá một thành viên tiềm năng cho nhóm. Sự hỗ trợ bạn cần từ những người cố vấn đòi hỏi bạn phải cân nhắc cẩn trọng hơn nữa, và tôi gọi đây là Bốn chữ C.

1. Tận tâm (Commitment)

Bạn sẽ cần đến những người đủ quảng đại để dành thời gian giải quyết những vấn đề phức tạp. Thoạt tiên, hãy tính đến việc gặp nhau – trên mạng, qua điện thoại, gặp trực tiếp – ít nhất mỗi tháng một lần, kéo dài vài giờ, nếu thường xuyên hơn càng tốt.

Giữa hai lần gặp nhau, bạn nên trao đổi bằng điện thoại hay email, nhất là khi bạn mới bắt đầu, hay nếu bạn gặp khó khăn.

Về mặt tinh thần, bạn cần những đối tác hay cố vấn có thể hỗ trợ bạn 24/7; theo thời gian, sự gắn bó giữa hai người càng phải vững chắc để vấn đề của hai bên luôn hiện diện trong tâm trí của cả hai người.

2. Thấu hiểu (Comprehension)

Cố vấn tin cậy của bạn không nhất thiết phải là chuyên gia trong lĩnh vực của bạn – rất khó – nhưng tốt hơn họ nên có kiến thức thực tiễn để giúp bạn đạt mục tiêu của mình. Một lần nữa, các thành viên trong vòng tròn của bạn ít nhất phải hiểu được về căn bản

– tức là hiểu được mối quan tâm, mục tiêu, vấn đề của bạn. Nói cách khác, điều quan trọng là bạn phải cảm thấy tôn trọng ý kiến của họ để nghe theo lời khuyên của họ ngay từ đầu.

Debbie Muller, nhà doanh nghiệp tại New Jersey mà tôi đã giới thiệu với bạn trong phần đặc điểm tư duy quảng đại, không đi tìm người cố vấn với kiến thức cụ thể về phần mềm bà cần thiết kế. Bà chỉ tìm những người có thể đóng góp kiến thức kinh doanh thực tiễn, từ công nghệ đến luật pháp. Nguyên tắc này cũng được áp dụng đối với hội đồng quản trị. Một hội đồng quản trị tiêu biểu bao gồm CEO đến từ nhiều loại công ty khác nhau. Hãy nghĩ thật kỹ xem bạn muốn gì, và điều chỉnh danh sách khách mời phù hợp.

3 và 4. Sự thu hút và Hiếu kỳ (Chemistry và Curiosity)

Tôi luôn luôn ngạc nhiên khi biết rằng thành viên các nhóm hỗ trợ thật sự quan tâm đến lo ngại của nhau – và rằng họ thật sự yêu quý và ngưỡng mộ lẫn nhau. Sự thu hút và hiếu kỳ này, theo tôi, chính là chìa khóa để thu nhận thông tin xoay chuyển từ trong nhóm. Sự thu hút lẫn nhau có thể do tự nhiên hoặc do xây dựng mà nên, từng bước một, nhưng điều chính yếu là cảm giác gắn bó.

Hiếu kỳ là một phẩm chất tuyệt vời của các đối tác hỗ trợ – những người này có thể nhanh chóng hiểu và trở thành chuyên gia về một chủ đề mà họ biết rất ít trước đó. Nhà tư vấn cũng có những kỹ năng này – khả năng tham gia vào tình huống, quan sát nhanh chóng và đóng góp, đưa ra đề nghị ngay tại chỗ.

5. Đa dạng (Diversity)

À, còn một tiêu chuẩn nữa cũng cần cân nhắc (và nó không bắt đầu bằng chữ C): Như Jim Whaley thuộc Siemens Foundation đã nói: “Tôi luôn muốn nhận được hỗ trợ từ nhiều người với kiến thức đa dạng – những người đã lớn lên trong một môi trường khác tôi, đi học ở những trường khác tôi, chịu tác động khác tôi. Và tôi cũng muốn những người thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Tôi nghĩ chúng ta thường luôn giả định rằng người lớn tuổi thì khôn ngoan hơn, nhưng tôi không tin. Tôi có một số cố vấn thân thiết trẻ hơn mình rất nhiều; họ có ít kinh nghiệm nhưng có cả bồ kiến thức, và họ mang đến những ý tưởng mới”.

Ông không đơn độc với ý kiến này. Jack Welch, cựu CEO huyền thoại của GE, đã yêu cầu những thành viên cấp cao trong ban lãnh đạo thu nhận các đối tác trẻ tuổi khi Internet lần đầu tiên xuất hiện trên bối cảnh kinh doanh. Nói cách khác, dù già hay trẻ, đừng bao giờ e ngại khi tìm người có kiến thức, bất kể tuổi tác hay kinh nghiệm.

Kirk Aubry, cựu CEO của Textron, cũng từng tham gia tích cực trong một tổ chức hỗ trợ đồng đẳng chính thức dành cho các nhà lãnh đạo gọi là CEO Project. Theo ý ông, người cố vấn hữu hiệu nhất khi họ không giống bạn. “Bạn cần làm việc với những người đã từng đến những nơi bạn chưa bao giờ đặt chân đến, để giúp bạn học hỏi từ những sai lầm họ đã trải qua và tìm kiếm cơ hội theo những cách khác bạn,” Kirk nói. “Một phần lớn tinh túy của nó là: Để tôi chia sẻ với bạn những gì tôi đã thấy mà bạn có thể chưa nhé”. Đây dĩ nhiên là một danh sách các phẩm chất tương đối khó tìm trong một con người duy nhất. Nếu bạn tự nhủ: Tôi không nghĩ mình biết ai có đủ hết những phẩm chất này, điều đó cũng không sao.

Tôi mới vừa miêu tả với bạn một anh chàng Siêu nhân về quan hệ hỗ tương, người lý tưởng. Nhưng bạn không cần đến một siêu anh hùng trong nhà mình; bạn chỉ cần một nhóm siêu đẳng. Mỗi người trong nhóm thân thiết của tôi có thể thiết sót ở nhiều khía cạnh, như bản thân tôi cũng không hoàn hảo đối với họ. Một người có thể thẳng thắn nhưng lại không mang đến cảm giác an toàn; người khác có thể tạo không gian an toàn nhưng lại không hiểu rõ hoàn toàn mục tiêu của tôi. Điều tôi muốn nói là những thành viên trong nhóm thân thiết này hiểu tôi rất rõ, đã từng nhìn thấy tôi thất bại, và hiểu điều gì đã làm tôi vấp ngã trong quá khứ (và ngược lại). Điểm cốt yếu là chúng tôi đang chung tay cùng xây dựng một nhóm tốt nhất mà chúng tôi có thể.

Nhóm đã hình thành rồi cũng sẽ thay đổi và tiến hóa

Khi thời gian trôi, một vài người trong nhóm sẽ dần rơi rụng hoặc không tham gia tích cực như trước. Điều này là bình thường. Người ta thay đổi thứ tự ưu tiên của các mối quan tâm. Hoàn toàn bình thường!

Khi các thành viên trong nhóm rơi rụng, có thể nhanh chóng hoặc sau một thời gian dài, tôi thích nghĩ rằng họ là một thành viên “đã tốt nghiệp”, không phải là một người ra đi. Hãy nghĩ đến thời gian bạn đã học hỏi từ nhau như một cơ hội học tập hỗ tương thật tuyệt, chấm hết. Chỉ cần lưu ý là bạn phải học được một điều gì đó, và hoàn thiện bản thân nhờ nó. Đừng e ngại phải tìm đến một người mới (mà đằng nào tôi cũng khuyến khích bạn luyện tập suốt 24/7 hành động này). Mối quan hệ của bạn với các cố vấn trong cuộc đời là mối quan hệ động, không hề tĩnh. Và nên nhớ, nếu một người không tham gia tích cực trong một thời gian không có nghĩa là người đó không thể quay lại đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của bạn trong tương lai.

Đừng e ngại khi thử nghiệm một người vào nhóm trong một khoảng thời gian. Nếu người này không phù hợp, thử nghiệm với một người khác. Thêm nữa, bạn không nhất thiết phải bắt đầu mối quan hệ bằng cách yêu cầu họ tham gia vào vòng tròn thân thiết của bạn. (Vì rằng bạn đâu có đi thẳng vào trong một quán bar và hỏi người đầu tiên bạn gặp ‘Em sẽ lấy anh chứ?’) Mối quan hệ cứu sinh tiến hóa theo thời gian, giống như mối quan hệ với người đỡ đầu. Tung một tấm lưới rộng, và đừng cho rằng công việc tuyển thành viên mới sẽ có lúc nào đó chấm dứt.

Dọn nhà

Nhà trị liệu của tôi, Joe Lay, có lần bảo tôi: “Keith, đừng tìm mua sữa trong cửa hàng điện tử nữa”. Tôi thích câu này ghê! Joe muốn nói là không phải ai cũng có thể cung cấp bất cứ thứ gì chúng ta cần từ họ. Thật hữu ích nếu bạn có thói quen “nhổ cỏ và vun gốc cho hoa” trong cuộc đời. Cỏ dại là những người kéo bạn xuống, chiếm công sức và thời gian của bạn mà không đóng góp được gì nhiều ngược lại. Hoa trong mối quan hệ của bạn là những người mang đến nét rực rỡ, màu sắc, ý tưởng, sự ủng hộ, và ý nghĩa cho cuộc đời bạn.

Đôi khi chúng ta cần giữ khoảng cách với những người đang cản trở chúng ta, ngay cả khi chúng ta yêu quý họ. Đôi khi dĩ nhiên chúng ta cảm thấy mình đang cho đi nhiều hơn là nhận về trong một mối quan hệ. Nhưng nếu mối quan hệ vẫn cứ tiếp tục một chiều hoặc độc hại, hãy tránh xa nó. Dành thời gian để nuôi dưỡng những mối quan hệ nào quan trọng và vững chắc trong đời bạn, dẹp bớt những mối quan hệ chiếm quá nhiều nguồn lực nhưng lại không cho nhiều quả ngọt.

Sandy, cô huấn luyện viên thể dục có người bạn thân lúc nào cũng muốn ganh ghét mỗi khi Sandy muốn kể về những vấn đề hay lo ngại của mình, gần đây đã cho tôi biết rằng cô chưa nói chuyện với “cô bạn thân” trong nhiều tháng, mà cô bạn thân ấy cũng không một lần tìm đến cô. Bạn có thể giữ những người như vậy làm bạn nếu bạn muốn hoặc đối với thành viên gia đình, bạn có thể vẫn tiếp tục dựa vào tình yêu của họ. Nhưng đừng tìm đến họ để xin lời khuyên, hay tâm sự với họ và hy vọng sẽ được phản hồi quý báu. Họ dường như không có khả năng đáp ứng yêu cầu dạng này. Chỉ cần nhận lấy những gì họ trao; nếu bạn đã cố gắng thay đổi mối quan hệ nhưng không thành công, hãy tìm phản hồi trung thực và hỗ trợ từ những mối quan hệ cứu sinh thật sự trong đời mình. (Trong nhiều trường hợp, khi bạn quyết định bỏ lại phía sau một “người bạn cũ”, bạn cũng không nhất thiết phải tuyên bố với họ; mối quan hệ này sẽ tự động rơi rớt).

Dưới đây là danh sách những câu hỏi giúp bạn quyết định liệu bạn có nên tách mình ra khỏi tình bạn hay không. Nếu bạn trả lời Có cho đa số các câu hỏi, đó là một dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn phải tiến tới.

• Mối quan hệ có cảm giác thiếu cân bằng không? Bạn có bao giờ cảm thấy mình bị lợi dụng?

• Bạn có cảm thấy những giá trị căn bản và thói quen của hai người không hợp nhau?

• Bạn đã từng liên tục thử áp dụng Bốn Đặc điểm tư duy để cải thiện mối quan hệ giữa hai người, nhưng không thành công?

• Có phải người kia chỉ đơn giản là gật đầu thay vì thật sự lắng nghe bạn?

• Người kia có nghiêm túc quan tâm đến mục tiêu của bạn không? Họ có hay quên không theo dõi để giúp bạn đi đúng hướng?

• Bạn có cảm thấy mình sẽ mạnh mẽ hơn, hạnh phúc hơn, hay thành công hơn nếu không có người này trong đời bạn?

Tin tốt cho bạn là, nếu được phép của bạn, một số những người bạn tiếp cận để đưa vào mạng lưới hỗ trợ có thể sẽ trở thành những người bạn thân mới. Tôi thường nói với mọi người rằng có nhiều khả năng họ vẫn chưa gặp được người bạn thân nhất. Người ta thường tròn xoe mắt nhìn tôi, nói thật tình, như thể tôi nói với họ rằng những người bạn hiện tại của họ là chưa đủ tốt. Nhưng thật ra tôi chỉ thể hiện suy nghĩ của mình theo một hướng tích cực nhất.

Những người sống lâu, thành công nhiều thường có khuynh hướng chia sẻ thái độ hướng đến tương lai về những người họ gặp gỡ. Một suy nghĩ giúp họ vui sống là niềm tin rằng những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời – trải nghiệm, con người – vẫn còn phía trước. Tôi hy vọng khi mình đến 80 tuổi, tôi vẫn mở lòng gặp gỡ những người bạn mới bước vào đời tôi đúng lúc và đúng mục đích. Cho dù bạn đang ở vị trí nào và bao nhiêu tuổi, tôi khuyên bạn nên cởi mở để trải nghiệm những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống, bao gồm cả những người tuyệt vời mà bạn chưa được gặp.

Đội ngũ trong mơ: Intellectual Ventures

Vậy là bạn vẫn chưa tin rằng những quan điểm khác nhau có thể mang đến thay đổi, sáng tạo, và kiến thức sâu sắc? Bạn không cần phải đi tìm câu trả lời đâu xa, hãy nhìn vào Intellectual Ventures của Nathan Myhrvold, một công ty có sản phẩm duy nhất là sáng tạo.

Myhrvold, nhà vật lý đã từng lãnh đạo bộ phận nghiên cứu của Microsoft, thành lập công ty riêng dựa trên một cảm hứng: Nếu ông tập họp những người tài năng từ những lĩnh vực khác nhau như hóa học, điện tử, thần kinh học vào những “buổi sáng tạo”, quá trình này sẽ cho ra những bằng sáng chế đầy tiềm năng. Tạp chí BusinessWeek đã viết: “Mục tiêu không phải là tiến bộ từng bước, mà là những ý tưởng hàng tỉ đô la có thể làm thay đổi thế giới”.

Được nạp nhiên liệu là caffeine, khô bò, tranh luận đa ngành, những ý tưởng bật ra sau những buổi sáng tạo này của Myhrvold đã phát triển vượt mong đợi. Myhrvold ban đầu hy vọng sẽ xin cấp 100 bằng sáng chế mỗi năm; thay vào đó, công ty đã nộp đến 500 đơn. Từ đó đến nay, Intellectual Ventures đã giới thiệu kính có pin, kỹ thuật mới để sản xuất chip vi xử lý, cải thiện động cơ phản lực, và một cách để điều chỉnh ống lưới mà các nhà giải phẫu thần kinh có thể sử dụng để chỉnh sửa động mạch bị phình to.

Hiện nay, Intellectual Ventures là một ví dụ sáng chói cho thấy chúng ta có thể khơi mào sáng tạo và thúc đẩy tiến bộ khoa học – không phải từ những thiên tài đơn lẻ bị ném táo vào đầu, mà từ nỗ lực tập thể của một nhóm những cá nhân có tầm nhìn và đam mê.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.