Ai Che Lưng Cho Bạn

Đặc điểm tư duy 3 – Thẳng thắn



Khi còn học đại học Yale, tôi đăng ký vào một lớp kinh tế của James Tobin, học giả theo trường phái Keynes và đã từng đoạt giải Nobel, nay đã quá cố. Tôi đã thuyết phục mình tham gia lớp học này mặc dù tôi còn xa mới đủ tiêu chuẩn theo học, bởi vì thật ra tôi chỉ muốn được học với một người thông thái như thế. Không có gì ngạc nhiên khi lớp học vượt quá sức tôi; tôi bị chấm điểm C trừ, và ngay cả đến thế cũng đã khiến tôi phải cắn răng hết sức. Tin tốt là tôi được chia sẻ ý tưởng của mình với một người từng đoạt giải Nobel và chơi bài poker cùng với ông. Ông thường xuyên thắng tôi; tôi luôn về nhà với một cái túi rỗng nhưng bù lại là một cái đầu đầy câu hỏi và ý tưởng.

Từ Tobin tôi học được rằng trong một thị trường chứng khoán lý tưởng, tất cả những người tham gia cuộc chơi đều có thông tin đầy đủ và như nhau về những cổ phiếu họ sẽ trao đổi – Tobin gọi đây là “thông tin hoàn hảo”. Đối nghịch với thông tin hoàn hảo – một nhóm người mua bán cổ phiếu dựa trên những thông tin mà đa số chúng ta không biết đến – được gọi là giao dịch thông tin nội bộ. Đây là một điều không tốt.

Không có thứ gì luôn luôn hoàn hảo, dĩ nhiên rồi, nhưng điều tôi muốn nói là để cho cả hệ thống làm việc hiệu quả, mọi người phải đồng ý với nhau trên nguyên tắc thông tin trung thực, thẳng thắn và toàn vẹn. (Warren Buffett đưa ra những quyết định đầu tư một phần dựa trên cảm nhận của ông liệu lãnh đạo công ty đó có gian dối và che đậy vấn đề không). Liệu bạn có dám đầu tư vào thị trường chứng khoán của một nước đang phát triển khi bạn nghi ngờ con số báo cáo của các công ty là hoàn toàn bịa đặt? Dĩ nhiên không.

Cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của chúng ta cũng phải, hay nên, vận hành theo nguyên tắc này. Phản hồi quý báu từ những người chúng ta tôn trọng, những người quan tâm đến chúng ta và sự nghiệp của ta (cấp trên, bạn bè, đồng nghiệp, bạn đời, hoặc các nhà liệu pháp hay nhà huấn luyện), có thể giúp chúng ta ý thức được vị trí của mình, hiểu được những gì chúng ta phải làm khác đi, những gì phải ngừng làm, và làm thế nào để thể hiện năng lực tốt hơn. Nhà thơ Robert Burns từng nói một cách đúng đắn: “Nếu ta nhìn được ta như người khác thấy! Ta sẽ tránh được bao nhiêu là lỗi lầm khờ khạo”.

Mở lòng mình đón nhận phản hồi thường không mang theo nhiều rủi ro. Bởi vì cho dù những bạn đồng nghiệp có nghĩ gì, thì họ cũng đã nghĩ rồi! Sự thành thật của họ không khiến điều đó thay đổi. Tích cực mà nói, nó còn mở ra cho ta nhiều cơ hội mà ta chưa nhìn thấy.

Vậy thẳng thắn nghĩa là gì? Thẳng thắn là khả năng thực hiện những phê bình tích cực, quan tâm và có mục đích – đối nghịch lại với những trận chiến ồn ào, xoi mói, hay thậm chí đơn giản là quay lưng lại và không thèm nhắc đến vấn đề. Đối với tôi, thẳng thắn là món quà tuyệt vời nhất mà bạn có thể cho đi nếu quả thật nó xuất phát từ một nơi mà bạn đủ quan tâm đến người kia đến mức muốn họ hoàn thiện hơn. Ngoài ra nó cũng là một con đường hai chiều – bạn cần phải nói sự thật với người khác, và được nhận lại cũng sự thật.

Tuy nhiên có một vấn đề lớn nhất mà tôi thường gặp phải khi làm việc với khách hàng trên khắp thế giới là sự vắng bóng của quá trình giao tiếp cởi mở, trung thực, tôn trọng và nghiêm túc. Trong thế giới kinh doanh, thiếu vắng sự thẳng thắn chính là nguyên nhân dẫn đến kết quả tệ hại mà tôi biết – và cũng là thủ phạm chính đứng sau một thứ được gọi là “chính trị trong nơi làm việc”. Thiếu thẳng thắn và cởi mở đưa đến oán giận và những hành vi tấn công thụ động.

Vậy tại sao chúng ta không muốn lắng nghe sự thật? Vì nó làm ta đau đớn!

Chúng ta lo lắng nếu nghe một điều gì đó đi ngược lại với hình ảnh mà chúng ta đã dày công xây dựng. Tương tự như vậy, chúng ta sợ phát khiếp sẽ làm phật lòng ai đó nếu phải nói sự thật. Kết quả là chúng ta cứ im lặng, không bình luận, che giấu ý kiến của mình, nói giảm nói tránh trong những lời phê bình hay phản hồi, rào trước đón sau bằng một bối cảnh tích cực hơn (và đôi khi chúng ta thậm chí còn nói dối). Thẳng thắn với nhau có thể làm chúng ta mất đi lòng tự trọng, mất việc, hay mất bạn bè. Thẳng thắn quả thật đầy rủi ro!

Nhưng đây đều là những nỗi sợ có thể hiểu được.

Đồng nghiệp của tôi tại Greenlight Research, Tiến sĩ Mark Goulston, nói: “Một phần lý do tại sao chúng ta không muốn nghe sự thật là vì chúng ta sợ rằng nó sẽ ảnh hưởng lan truyền đến toàn bộ cuộc đời ta. Như thể nếu tôi sai về một điều, tôi có thể sai về toàn bộ mọi thứ! Thực tế, mỗi người đều có một số điều sai và một số điều đúng. Mỗi người đều giỏi về một số mặt, và không giỏi lắm về một số mặt khác. Một khi chúng ta thừa nhận rằng những điểm yếu sẽ không phủ định những điểm tốt của mình, chúng ta có thể phân loại các chỉ trích và không để nó xâm chiếm toàn bộ con người mình”.

Giá trị của thông tin toàn diện

Để có thể nghe được sự thật từ mọi người, những hành động, hành vi của chúng ta phải thể hiện thái độ tìm đến người khác để hình thành một hội đồng cố vấn tin cậy.

Thứ nhất, điều quan trọng là chúng ta phải biết được thực tế, để từ đó chúng ta có cơ hội thay đổi hành vi của mình nếu đang hành xử một cách không đúng đắn hay chưa hợp lý.

Thứ hai, cuối cùng thì sự thật cũng không đi đâu cả. Nếu bỏ qua, nó sẽ quay lại cắn bạn. Đè nén nó, chắc chắn thế nào nó cũng thoát ra hay bùng phát – thường lại vào lúc tệ hại nhất – khiến cho kết quả làm việc của bạn về lâu dài chỉ đạt mức tầm thường. Rất nhiều người làm việc với giả định rằng nếu cứ câm nín, tránh xa những chỗ dầu sôi lửa bỏng, che đậy cảm nghĩ thật của mình, thì mọi thứ rồi sẽ đâu vào đó. Nhưng xin lỗi, vấn đề chỉ tồi tệ hơn mà thôi khi ta bọc kín chúng.

Thứ ba, không dám thẳng thắn là đặt dấu chấm hết cho thành công về lâu dài của chúng ta. Những nghiên cứu thực hiện từ thập niên 1970 cho thấy những người tránh xa xung đột phá hỏng cả mối quan hệ và thành công của họ. Thẳng thắn đòi hỏi phải tham gia vào những tranh luận thật sự, căng thẳng, và thể hiện quan tâm. Những nhân viên tránh né sự thẳng thắn chân chính có thể bị tách biệt về mặt xã hội với những người xung quanh.

Thiếu minh bạch có thể ảnh hưởng xấu đến mọi khía cạnh trong đời sống của bạn, từ công việc đến gia đình, dù đó là một anh chàng đi ngủ mà vẫn bực tức với vợ hoặc một người mẹ làm ngơ khi con gái mình liên tục không tuân theo quy định gia đình.

Ngược lại, những người chấp nhận minh bạch:

Tạo điều kiện thuận lợi để hiểu được quan điểm của mọi người. Họ lắng nghe chăm chú, không chỉ biết đợi đến lượt mình mới nói, và thường là người điều tiết cuộc trò chuyện nhờ hiểu rõ nhu cầu, mong muốn, lo ngại của các bên. Họ không sợ phải thể hiện quan điểm của mình, vì vậy họ nêu lên một cách trung thực những gì đã nghe, cảm nhận cá nhân và suy nghĩ ẩn ý sau những lời nói này.

Có khả năng triển khai những giải pháp chất lượng cao hơn. Họ nói thẳng nói thật (không che giấu thông tin hay làm chính trị trong văn phòng), nên những người khác tin tưởng rằng họ sẽ đưa ra những giải pháp cân bằng, không thiên vị.

Có nhiều khả năng xây dựng và giữ mối quan hệ vững bền. Người ta không lo lắng những người này nghĩ gì về họ hay ý kiến của họ – và vì thế, người ta dễ dàng xây dựng mối quan hệ tin cậy với họ mà không e ngại có gì ẩn ý bên dưới bề mặt.

Có năng lực và được tôn trọng hơn. Người ta tôn trọng sự thật mặc dù người ta có thể không thích nghe. Điều thú vị là những người minh bạch thường không mất nhiều thời gian lòng vòng, thay vào đó họ đi thẳng vào vấn đề cần giải quyết.

Cách đúng và sai để thẳng thắn trong công việc

Những tổ chức và nhà lãnh đạo mà FG tư vấn thường đánh giá cao sự thẳng thắn; tuy nhiên họ tiếp cận nó không đúng hướng.

Hướng sai lầm

Đầu tiên là “phỏng vấn thôi việc”, một hành động quen thuộc trong tổ chức. Khi một nhân viên thôi việc, anh ta ngồi trước bàn của nhân sự và được khuyến khích đưa ra đánh giá trung thực về công việc của anh ta vì lợi ích bản thân mà cũng vì lợi ích của công ty. Giả định, dĩ nhiên, là khi người làm công không còn gì để mất, họ sẽ nói thẳng suy nghĩ của mình mà không sợ bị trả thù. Nhưng cách làm này có hiệu quả không?

Khi công ty đợi đến khi nhân viên thôi việc (hoặc bị đuổi) để lắng nghe họ thật sự cảm nhận và nghĩ như thế nào, lúc này đã quá trễ để sửa chữa vấn đề đối với nhân viên này. Khi nhân viên ra đi không đưa ra một thông tin xây dựng nào trong cuộc phỏng vấn thôi việc, điều này cũng không có gì lạ. Họ không quan tâm nữa (họ thấy chẳng có lý do gì phải nói với công ty những gì họ nghĩ nữa), họ chọc tức chơi (và dùng buổi phỏng vấn thôi việc để trả thù), hoặc họ không muốn làm phật lòng đồng nghiệp (vì họ đã được dạy là không nên qua cầu rút ván – biết đâu họ lại làm chung với nhau một ngày nào đó).

Ngoài ra, ngay chính cái ý tưởng này về phỏng vấn thôi việc cũng đã một cách vô thức ngăn cản sự thẳng thắn trong công ty. Quy trình này cho rằng nhân viên chỉ nói thật lòng khi họ không có gì e ngại. Nó hoàn toàn đi ngược lại với đặc điểm tư duy thẳng thắn, cổ vũ việc xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn, thân thiết hơn trong vòng tròn các nhà cố vấn.

Một ví dụ tiêu biểu khác thể hiện sự sai lầm trong hiểu biết về thẳng thắn là đánh giá 360 độ, trong đó nhân viên phản hồi ẩn danh cho đồng nghiệp. Vấn đề ở đây là sự bí mật. Nhân viên khi không có ai ngồi trước mặt sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi chỉ trích, trong khi về phía người nhận thường lại quá phòng thủ khi bị nhận món quà không ai muốn. Thay vì khuyến khích chỉ trích sau lưng, chúng ta nên hướng đến phản hồi trung thực và mang tính xây dựng trực tiếp mặt đối mặt; cách này sẽ tạo nên một đội ngũ vững mạnh hơn. Chúng tôi cố gắng đạt đến mức độ cởi mở này tại FG và với khách hàng.

Một số công ty ủng hộ sự bình đẳng và một sân chơi ngang hàng cho nhân viên lẫn nhà quản lý. Trong nền văn hóa này, mỗi ý kiến đóng góp đều được trân trọng, và sự thẳng thắn thường thấy hơn. Một số công ty khác lại có cơ chế cấp bậc trong đó quyền lực và thông tin không được chia sẻ công bằng – điều này không khuyến khích hình thành thẳng thắn. Nhân viên trong những công ty này có thể cảm thấy không thể nói thẳng nói thật vì e ngại rằng mình “không phù hợp” và có thể làm cấp trên tức giận.

Thành thật mà nói, tôi thấy lối suy nghĩ này không có lợi cho công ty và các đối tác. Nghiên cứu cho thấy những công ty có sự thẳng thắn (và tôi nghĩ trong gia đình cũng vậy) sẽ hưởng lợi – thậm chí phát đạt – từ những ý tưởng và hiểu biết được chia sẻ thông qua giao tiếp cởi mở. Trong quyển sách bán chạy Winning, Jack Welch, CEO huyền thoại của General Electric, và vợ, Suzy, đã dành hẳn một chương để nói lên tầm quan trọng của sự thẳng thắn. Ngay cả trong một công ty truyền thống như General Electric, hai vợ chồng Welch vẫn trân trọng, theo đuổi, và khuyến khích sự thẳng thắn và minh bạch trong toàn bộ tổ chức.

Hướng đúng đắn

Tôi không có ý nói bạn phải thẳng thắn với tất cả mọi người ngay từ đầu. Hãy thử nghiệm với những người bạn tin tưởng và trong những môi trường không có quá nhiều bất lợi, ví dụ như hỏi cấp trên đánh giá thế nào về kết quả làm việc của bạn trong một công việc hay dự án cụ thể (bạn nên làm việc này một cách thường xuyên).

Chìa khóa là thật sự mong muốn trở thành một nhân viên tốt hơn – bắt nguồn từ khát khao cá nhân luôn muốn được vượt lên hàng đầu. Yêu cầu phản hồi từ cấp trên, và hãy tạo điều kiện cho cấp trên đáp lại. Gửi email trước hỏi xem bạn nên tập trung trước mắt vào một điểm duy nhất nào để nâng cao hiệu quả công việc. Ngoài ra, cũng nên yêu cầu cấp trên đưa ra thước đo cụ thể về hiệu quả, và liên tục cập nhật tiến triển của bạn trên những thang đo này bằng email (hoặc nói miệng trực tiếp). Thêm vào đó, tìm hiểu xem định hướng nghề nghiệp của bạn có phù hợp và liệu những kỳ vọng trong công ty có thay đổi vì một lý do nào đó – bởi vì ai cũng biết là thời thế hay thay đổi, và cứ giả định sẽ rất nguy hiểm.

Chuyện gì xảy ra nếu bạn trượt chân? Hãy là người đầu tiên thú nhận. Bạn sẽ được thưởng xứng đáng vì sự trung thực và can đảm nếu bạn chủ động đề nghị giải pháp giải quyết vấn đề. Nên nhớ xin lỗi về sai lầm, đưa ra hành động chỉnh sửa hay giải pháp để giảm nguy cơ lặp lại sai lầm này. Vấn đề bây giờ là hãy làm đúng với lời hứa!

Nào hãy thẳng thắn

Nếu chúng ta muốn cho đi và nhận về sự thẳng thắn, thì chúng ta phải hành động để nó xảy ra. Nếu người mà bạn quan tâm không thẳng thắn hay đang che giấu sự thật về chính bạn hay hành động của bạn, chắc hẳn phải có lý do. Có thể vì bạn thể hiện bên ngoài cho họ thấy rằng bạn không thật sự muốn lắng nghe sự thật. Vâng, đó là vấn đề của bạn.

Khoan, bạn tự nhủ . Tại sao lại là vấn đề của tôi nếu người ta không trung thực hay thẳng thắn với tôi? Họ mới là người che giấu mà. Có thể đúng là thế, nhưng thường có lý do tại sao bạn bè của bạn lại chỉ rót vào tai bạn những lời đường mật và che giấu sự thật.

Chúng ta nói với bản thân rằng bạn bè làm thế vì không muốn chúng ta đau đớn, nhưng điều này không hoàn toàn trung thực. Sự thật là bạn bè chúng ta không muốn nói ra một điều gì có thể làm hỏng mối quan hệ của họ với chúng ta. Nói cách khác, đa số trường hợp là họ không muốn chấp nhận rủi ro nói ra một điều đớn đau hoặc một điều làm họ thấy không thoải mái. Họ sợ. Và đó chính xác là vấn đề của chúng ta – trách nhiệm của chúng ta.

Đưa thẳng thắn lên một tầm mức mới

Vậy là bạn đã tạo ra một không gian an toàn bằng cách cởi mở bản thân với mọi người, đầu tiên là quảng đại, rồi sau đó là chấp nhận tổn thương. Bây giờ làm thế nào để trở nên thẳng thắn hơn với bạn bè và cộng sự? Hãy bắt đầu bằng một cuộc điện thoại hay một tách cà phê hay một buổi tối nhẹ nhàng. Bạn cũng có thể làm việc này qua mạng. Nhưng quan trọng hơn hết, bạn muốn bạn bè mình hiểu rằng thẳng thắn là một giá trị bạn trân trọng và đánh giá cao – và rằng họ hoàn toàn an tâm gửi đến bạn sự thẳng thắn.

Tôi có lần gửi email đến một số bạn thân, yêu cầu họ phản hồi một cách trung thực về những lần họ cảm thấy đã bị tôi làm thất vọng. Khi các bạn tôi làm lơ lá thư này, tôi gửi tiếp một email khác nhắc nhở, lần này ghi ngay vào dòng tiêu đề “Tôi nói thật lòng đấy! Đây là giúp tôi! Đừng e ngại – tôi cần được các bạn giúp!”

Và thế là chiếc đập bị tràn – mặc dù không phải theo hướng tôi kỳ vọng. Một người bạn viết trả lời: “Email của anh theo tôi là của một anh chàng bận rộn không thật sự quan tâm đến ai bất cứ lúc nào. Không lời mào đầu, không lời chào hỏi, không một câu cho thấy chúng tôi có ý nghĩa đối với anh, không yêu cầu một cách lịch sự để chúng tôi dành thời gian và suy nghĩ cho anh, không một lời giải thích để biết mục đích của những câu chuyện này sẽ giúp anh như thế nào, không một lời Cám ơn”.

Anh ta nói đúng – và sự thật quả là đau đớn. Đôi khi tôi sử dụng BlackBerry, đọc hàng trăm email mỗi ngày trên máy bay, taxi, hay khi đi bộ trên đường, tôi luôn dùng những từ viết tắt để trao đổi mà chắc không bao giờ được điểm khi thi ứng xử. Tôi không có

ý thô lỗ hay thiếu tôn trọng, chỉ là muốn đạt hiệu quả – và email vốn dĩ không được biết đến với khả năng thể hiện các sắc thái tình cảm, như đa số chúng ta chắc hẳn đã có kinh nghiệm đau thương. Tuy thế, điều này cũng không có nghĩa là cách cư xử của tôi như vậy là được chấp nhận.

Từ sau lần đó, tôi thề với lòng sẽ cẩn thận hơn khi viết email, và đó là một việc tôi vẫn cần phải cố gắng nhiều cho đến tận hôm nay. Tôi chắc hẳn đã tiến bộ nhiều, vì cả đồng nghiệp và khách hàng của tôi đều nói với tôi rằng nỗ lực thay đổi phong cách viết email của tôi đã giúp tôi (a) thể hiện tốt hơn và (b) thể hiện sự tôn trọng người nhận hơn.

J. P. Kelly, giám đốc điều hành tại công ty tôi, thừa nhận rằng ban đầu ông cũng hơi nghi ngờ khi tôi lần đầu tiên đặt vấn đề thẳng thắn trong công ty. “Nó giống như một vụ đầu tư lớn về thời gian, và chúng tôi luôn phải chịu áp lực đạt doanh thu và đảm bảo khách hàng được phục vụ hợp lý,” ông nói. “Tôi nghĩ rằng tâm lý căng thẳng là một điều nguy hiểm. Nhưng thực tế, nó giúp chúng tôi tạo ra một không gian trung thực và thẳng thắn”.

Để cho và nhận sự thẳng thắn trở thành một phần lớn hơn trong cuộc đời bạn, sau đây là danh sách một số điều phải lưu tâm.

1. Tìm những người mình tôn trọng

Chúng ta không thể thẳng thắn với tất cả mọi người – mà chúng ta cũng không muốn như thế. Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải chọn lọc những người xung quanh mà mình tôn trọng ý kiến của họ. Nếu nghĩ kỹ, chúng ta tôn trọng người khác vì sự tử tế, sự thân thiện, sự thông thái, kinh nghiệm, và động lực. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra người mình tôn trọng ngay cả trước khi có ý định trao đổi trung thực với họ. Tôn trọng nghĩa là gì? Đó là thừa nhận sự độc đáo, giá trị, quan điểm, và sự thông thái của người khác. Nếu bạn không tôn trọng người khác, thì hãy tin tôi, họ sẽ cảm nhận được, và hoàn toàn không thể nào kiến tạo không gian an toàn giữa hai người.

Thế còn những người có thể không có được tố chất kinh doanh mà bạn muốn thấy ở một nhà cố vấn, nhưng bạn thật sự tôn trọng họ về mặt cá nhân thì sao? Những người này có thể là những chiếc phao cứu sinh tuyệt vời trong cuộc đời bạn, nhưng có thể họ không phải là người sẽ tư vấn cho bạn về những vấn đề kinh doanh cụ thể đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn. Hãy nhớ bạn cần hỏi đúng câu hỏi với đúng người –

nhưng trong tất cả mọi trường hợp, bạn đều cần đến cái cốt lõi là sự tôn trọng lẫn nhau.

2. Tạo cơ hội

Để mở đầu đối thoại với một người khác và yêu cầu anh ta phản hồi thẳng thắn, bạn có thể phải sắp đặt từ trước khi gặp gỡ bằng một email, để anh ta có thời gian suy nghĩ sẽ nói gì với bạn. Sau đây là một ví dụ: “Jim – Tôi hy vọng anh sẽ giúp tôi một thứ. Anh biết là tôi rất muốn được thăng chức vào vị trí đó. Thành thật mà nói, tôi cần lời khuyên của tất cả mọi người. Tôi thật sự tôn trọng ý kiến đánh giá của anh. Anh là người tiếp xúc với tôi hàng ngày – anh có thể lúc nào đó dành cho tôi chừng nửa giờ để đánh giá thật trung thực về những gì tôi làm tốt, chưa tốt, theo quan điểm của anh? Tôi thật sự trân trọng những gì anh nói”.

Nếu bạn cần sự phản hồi trung thực của ai đó, hãy cho họ biết bạn đang tìm kiếm sự phê bình thẳng thắn, khách quan – không phải là những lời khen hay chê nửa vời. Để làm được việc này, trước hết bạn phải thẳng thắn với bản thân mình. Hãy tự hỏi mình: Tại sao tôi lại tìm đến người này? Với mục đích gì?

3. Thể hiện rõ rằng mỗi phản hồi đều là một món quà

Thể hiện sự biết ơn của bạn mỗi khi được nhận phản hồi. Bạn đang đòi hỏi được nhận một món quà – thời gian, sự thẳng thắn, và phản hồi sâu sắc. Sau đây là một ví dụ: Ngay cả khi giao tiếp với Greg Seal, đôi khi tôi cũng phải nhắc nhở ông rằng tôi cần những phản hồi trung thực, khách quan. Khi ông phản hồi đúng như thế, tôi luôn thể hiện sự biết ơn rằng lại thêm một lần nữa ông cho tôi thấy ý nghĩa của tình bạn thật sự.

4. Thừa nhận khuyết điểm

Đừng cố gắng giả làm một người nào không phải là mình. Đa số chúng ta đều biết, tận trong sâu thẳm, điều gì ngăn cản bản thân mình. Nếu chúng ta thừa nhận mình còn nhiều thứ phải giải quyết, chúng ta tạo điều kiện dễ dàng cho người khác thẳng thắn với mình. Bạn có thể bắt đầu như sau: “Nghe này, tôi biết tôi còn nhiều thứ phải hoàn

thiện, nhưng tôi hy vọng anh có thể giúp tôi chỉ ra một vài thứ tiêu biểu để tôi tập trung trước mắt”. Bằng cách thừa nhận ngay từ đầu rằng bạn không phải là hoàn hảo (có ai lại không như thế?), bạn đã lót đường cho người kia trao đổi thẳng thắn với bạn.

5. Nói cho người kia biết kế hoạch hành động dựa trên lời khuyên của họ

Bạn không yêu cầu cho lời khuyên chỉ với mục đích làm người khác căng thẳng, hay để “trắc nghiệm” họ. Bạn phải chắc chắn sẽ không nổi giận hay phòng thủ quá đáng. Bạn chỉ là đang thu thập thông tin. Hãy nói với người kia thẳng thắn: “Tôi đang hy vọng thu thập phản hồi từ nhiều người mà tôi tôn trọng, để lập danh sách ưu tiên những thứ tôi phải tập trung cải thiện. Tôi sẽ thông tin lại với anh về vấn đề này nếu anh muốn. Tôi sẽ trân trọng bất cứ thứ gì anh nói với tôi. Đừng e ngại – hãy cứ nói chính xác những gì anh nghĩ”.

6. Đừng nói với họ những gì bạn muốn nghe

Lời khuyên của tôi là hãy bắt đầu một cách chung chung và chờ cho người kia chủ động đưa ra một vấn đề cụ thể. Nếu họ ho húng hắng, hay là từ chối không đưa ra lời phản hồi một cách cụ thể, bạn có thể nói ví dụ như: “Thật mà, tôi thật sự muốn thế. Tôi rất trân trọng phản hồi của bạn”. Sau đó ngừng lại. Thời gian chờ là một cách rất hiệu quả để khuyến khích người khác trả lời – đa số mọi người đều cố làm một cái gì đó để tránh sự im lặng bao trùm.

Nên nhớ không bắt đầu bằng cách dẫn dắt người khác – bằng cách nói ra khuyết điểm của mình và yêu cầu họ khẳng định lại. Bạn đang cần phản hồi trung thực, chứ không phải là tiếng vang lặp lại. Hãy chờ đợi sự ngạc nhiên.

7. Đặt câu hỏi cụ thể

Sau khi người kia đã cho phản hồi, lúc này bạn có thể đưa ra một số ví dụ cụ thể về bản thân mà bạn muốn hỏi ý kiến. Ví dụ, bạn có thể nói: “Tôi nghĩ người ta có thể nhìn vào và bảo rằng tôi hơi hung hăng. Anh có nghĩ thế không? Anh có nhớ trường hợp nào cụ thể không?”

8. Chấp nhận hay bỏ qua – nhưng chọn hướng an toàn

Nên nhớ rằng yêu cầu được phê bình không có nghĩa là bạn phải chấp nhận nó. Bản chất của phê bình vốn dĩ là phản hồi trung thực từ những người mà bạn tôn trọng và quan tâm đến ý kiến của họ. Dĩ nhiên, chính bạn mới là người quyết định sử dụng hay hành động như thế nào đối với phản hồi này. Khi tôi không đồng ý với quan điểm của ai đó, tôi chỉ cần nói “Cám ơn,” hoặc “Tôi trân trọng những gì anh chia sẻ”. Nếu tôi còn chưa rõ, tôi sẽ yêu cầu được nói thêm – trước khi cám ơn họ một lần nữa! Nên nhớ, bạn không có gì để mất – bạn là người nắm quyền quyết định hoàn toàn.

9. Trả ơn

Lý tưởng nhất là sự thẳng thắn phải hai chiều – nhưng không nhất thiết nếu người kia không quan tâm đến phản hồi trung thực của bạn. Đó là chọn lựa của họ. Nên nhớ, đa số người ta đã nhận được rất nhiều khi giúp đỡ người khác. Nếu bạn thật sự biết ơn vì những lời nhận xét của họ, họ cũng đã được đáp trả ngay lập tức bằng cảm giác tốt đẹp khi giúp đỡ bạn. Đối với tôi, đỉnh cao của quảng đại là cho phép người khác giúp đỡ bạn – đặc biệt là khi họ quan tâm đến chúng ta.

Trở thành người bắn thẳng

Thông thường vấn đề rõ ràng nhất – khối đá to đùng trong phòng, hay như một khách hàng của tôi gọi là “con cá ươn” – chính là vấn đề mà ai cũng biết nhưng không nói ra. Khi Peter Guber – và đôi khi là những đồng nghiệp khác – nhắc nhở tôi về sự thiếu tập trung, thật ra họ chỉ nói ra một điều mà ai cũng thấy.

Bob Kerrigan nhận thấy rằng một nửa cuộc chiến trung thực chỉ đơn giản là thừa nhận có khối đá (hay con cá) đang nằm đó. Đôi khi chỉ cần phản hồi với người khác theo đúng cảm nhận của mình có thể bật mở nhiều điều ngạc nhiên, nhưng nó cũng đồng thời là một cách cực kỳ hữu hiệu để làm vững chắc thêm cho mối quan hệ.

Tôi đã từng làm tư vấn cho một công ty quản lý rủi ro do một CEO bộc trực, thẳng tính điều hành. Đây là một anh chàng to lớn bề ngoài, và anh ta rõ ràng cũng thích thể

hiện sức mạnh của mình. Anh ta chính là khối đá trong phòng, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một đêm, trong buổi tiệc cocktail với nhóm lãnh đạo, tôi nghe anh ta khoe khoang đã nhiều lần vặn vẹo chủ tịch công ty về vấn đề này hay vấn đề khác mà rõ ràng anh chàng CEO đang nắm kèo trên. Anh ta đang rất hứng chí kể lại cho các bạn đồng nghiệp về niềm vui của anh ta trước nỗi khổ của vị chủ tịch.

Được một lúc, tôi nghiêng người về phía anh ta và bỏ nhỏ – như thể đây là một chuyện hết sức bình thường trên thế giới – “Nói nghe nè, hình như anh rất thích bắt bẻ người khác phải không?” Tôi vừa nói vừa mỉm cười, nhưng đồng thời, tôi cũng hoàn toàn thẳng thắn, và anh ta cũng hiểu.

Nhìn vẻ mặt của anh ta, tôi hiểu rằng chưa bao giờ có ai nói thẳng vào mặt anh ta điều này. Và cũng rõ ràng rằng anh ta thích thú trước sự quan sát và trân trọng sự can đảm nói ra điều này của tôi. Anh ta bật cười và vỗ vai tôi. Mặc dù thế, tôi vẫn chưa xong việc đâu. Tôi nghĩ mình đã thiết lập được một không gian an toàn với anh ta. Tôi mỉm cười và nghiêng người nói, giọng tỏ ra quan tâm và lo lắng. “Anh có thường đạt kết quả với chiến lược này không?” Tôi hỏi.

Lần này, anh chàng CEO nhăn mặt, nghiêng đầu suy nghĩ một chút, cuối cùng anh ta nhún vai, nhìn xuống đất, rồi ngẩng mặt lên nhìn tôi. “Tôi hiểu ý anh rồi,” anh ta nói. Tôi đã có câu trả lời, và anh ta cũng thế.

Tôi cảm thấy vào lúc đó, cũng như lúc này, rằng điều quan trọng đối với tôi là phải truyền đạt cho khách hàng biết rằng tôi không khiến họ bội thực. Tôi luôn nhận thấy rằng 50% công việc của tôi là phục vụ cho công ty đã thuê tôi, và 50% còn lại là phục vụ khách hàng, giúp cho bản thân họ thành công hơn. Đây là cách tôi thể hiện cho người CEO biết rằng tôi quan tâm – tôi gắn bó – nên tôi nói ra sự thật. Và trong những tuần sau đó, anh ta yêu cầu tôi giúp anh ta tập trung làm thế nào thay đổi phong cách, và tôi tin tưởng rằng anh ta thật lòng muốn thay đổi.

Khối đá đã tan biến!

Bắn thẳng, nhưng đừng bao giờ bắn khi giận dữ

Tất cả chúng ta đều có tội là đôi khi thiếu thành thật với bản thân mình. Nhưng nên nhớ, khi chúng ta tránh né sự thật – khi chúng ta nén cảm giác của mình vào lòng hay che đậy những gì trực giác muốn thể hiện – vấn đề không hề mất đi. Thay vào đó, chúng bị tích tụ cho đến khi chúng ta bùng nổ – và cuối cùng chúng ta trở thành một tên điên khi hành xử thái quá.

Tôi là một người cũng đã từng tránh xung đột với bản thân khi tôi còn trẻ, và kết quả là tính khí tôi rất thường bộc phát. Hiện nay tôi đã biết cách nhận ra những dấu hiệu van áp lực. Do tôi đưa vấn đề ra thảo luận ngay khi chúng xuất hiện, chúng không thể tích tụ tạo áp lực lên bản thân tôi nữa.

Nhưng ngày xưa, tôi là bậc thầy trong việc mà tôi gọi là “trung thực trong ấm trà”. Hãy tưởng tượng chiếc ấm trà trên bếp lửa. Nó đang sôi sùng sục, và những ngọn lửa xanh đang vây quanh dưới đáy ấm. Chiếc nắp có thể được gài chặt, nhưng cuối cùng thì hơi nước cũng phải bốc ra chứ, phải không? Vậy thì làm sao hơi nước thoát ra được? Trả lời: bằng một trong hai cách, từng đợt nhỏ (thông qua hành động công kích thụ động), hoặc bùng phát dữ dội và nổ tung.

Nhìn lại ngày xưa, thái độ trung thực trong ấm trà làm tôi thật xấu hổ. Nó chẳng giúp ích cho ai. Tôi tưởng tượng có một số người ngoài kia đã kềm chế để hơi nước không cách nào thoát ra được, và đó là những người phải chịu u xơ hay đau lưng! Vào thời đó, tôi không thể tưởng tượng được rằng có một chọn lựa khác, đó là cởi mở và thẳng thắn ngay từ đầu, tin tưởng vào trực giác trong quá trình làm việc khi nhận thấy có điều gì không đúng, hay khi tôi cảm thấy ai đó đang làm tôi thất vọng hoặc có một hành động mà tôi thấy không phù hợp.

Điều đáng ngạc nhiên là, khi ấm trà của tôi sôi sục hơi nước, tôi nghĩ mình đang trung thực hoàn toàn! Thực tế là tôi vẫn tránh né vấn đề thật sự; phong cách giao tiếp của tôi làm e ngại những người xung quanh và cản trở họ không thật sự gắn bó với tôi. Tôi vẫn tránh né những cuộc nói chuyện thật sự. Kết quả là tôi vẫn nhận về đúng những

gì tiềm thức tôi mong muốn – đó là tránh các cuộc nói chuyện căng thẳng. Nói ngắn gọn, phong cách giao tiếp của tôi hoàn toàn không mang lại năng suất, không có chỗ cho tranh luận hay thảo luận xây dựng. Tính khí bộc phát cho phép những người muốn tránh né xung đột thoát khỏi việc giải quyết tình cảm và vấn đề thật sự – tôi đã học được bài học này với giá đắt.

Cạm bẫy từ sự thẳng thắn

Thẳng thắn với người khác đôi khi không mang đến kết quả như mong đợi. Sau đây là một số điểm cần lưu ý.

Thẳng thắn dội ngược

Phản ứng đầu tiên của bạn trước những phản hồi thẳng thắn có thể là đáp trả với một thái độ mà tôi gọi là “thẳng thắn dội ngược” – sự thẳng thắn để trả đũa nhiều hơn là từ trái tim. Ví dụ, để đáp lại lời phê bình rằng tôi đang làm quá sức mình, tôi có thể đáp lại với các đồng nghiệp: “Nếu anh để ý hơn một chút đến công việc kinh doanh của mình, thì tôi đã không phải làm thế với chính mình, và tôi có thể tập trung và sắp xếp ưu tiên tốt hơn”. Đúng hay không chưa biết, nhưng bạn đã phản đối sự đóng góp của họ và xua đuổi họ.

Níu kéo chữ “nhưng”

Một cách rất tệ (nhưng thường xảy ra) khi luyện tập thẳng thắn được tôi gọi là “níu kéo chữ ‘nhưng’”. Với nỗ lực thật lòng muốn làm nhẹ bớt tin xấu, người ta thường chuẩn bị mở đầu bài phê bình bằng một loạt những lời khen: “Tôi thật sự thích cách anh điều hành các buổi họp, và anh rất giỏi trong việc kêu gọi sự tham gia của nhân viên vào các chương trình mới, và anh rất biết cách viết một bức thư chào hàng…”

Ai cũng biết cái gì lấp ló ở phía sau: nhưng. Nó làm cho người ta căng thẳng chờ đợi, bởi vì họ đang sợ tin xấu mà họ biết sẽ đập thẳng vào mặt mình. Cộng sự của tôi Morrie Shechtman, một trong những người huấn luyện có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời tôi và nhóm làm việc của tôi nhờ những bài giảng về sự thẳng thắn, gọi đây

là một cái bánh mì kẹp BS – miếng phê bình được kẹp giữa hai lát bánh mì tuyệt vời.

Thật ngạc nhiên là nhiều tổ chức đã thể chế hóa cách tiếp cận “níu kéo chữ nhưng”. Tại sao không đi thẳng vào giải quyết vấn đề? Đưa ra những lời động viên, dĩ nhiên, nhưng chỉ khi nào cần thiết. Đây không phải là vấn đề thẳng thắn. Không ai được hưởng lợi từ sự khen ngợi giả tạo. Lời phê bình tốt nhất phải đến từ một nơi có lợi cho tất cả mọi người. Sau khi mọi thứ đã được nói ra và thực thi, sự thẳng thắn ngay từ đầu là một món quà.

Thấy là tin

Một điểm nữa về thẳng thắn cần lưu ý: những khuyết điểm mà bạn cảm nhận của người khác chưa hẳn là khuyết điểm. Bạn có thể nhìn thấy hành động của họ theo cách này chỉ vì một thuộc tính hành vi bình thường của con người được gọi là thiên vị cá nhân.

Thiên vị cá nhân muốn nói đến khuynh hướng chủ quan hóa thành công của mình (xem việc chiến thắng là một điều tất yếu từ hoạt động của bản thân – “Tôi thắng cuộc đua thuyền buồm vì tôi là một thủy thủ tài giỏi”) và khách quan hóa thất bại của mình (xem việc thất bại là do những nguyên nhân khách quan – “Tôi thua cuộc đua thuyền buồm vì trời không có gió”).

Ngược lại, chúng ta có khuynh hướng chủ quan hóa thất bại của người khác (xem thất bại là do lỗi lầm của họ – “Anh thua cuộc đua thuyền buồm là vì anh không biết cách lèo lái”) và khách quan hóa thành công của họ (cảm nhận thành công là do những yếu tố khách quan, ví dụ như may mắn – “Anh chiến thắng là nhờ có ngọn gió tây nam rất mạnh”).

Tất cả chúng ta đều bị tác động bởi những thiên vị cá nhân dạng này. Chúng không chỉ củng cố thêm cái tôi của mình, chúng giúp ta không cảm thấy thua thiệt. Khi chúng ta chê trách người khác, thường chúng ta thật sự đổ lỗi cho họ và muốn nói thẳng thất bại là do lỗi của họ. Khi người khác chỉ trích chúng ta, theo trực giác chúng ta phản đối ngay những lời nói của họ (với niềm tin rằng thất bại hiếm khi do lỗi của

chúng ta) hoặc cảm thấy bị xúc phạm.

Điều này không có nghĩa hành vi cá nhân không phải là một vấn đề. Những lúc như thế, hãy cứ nói thẳng nói thật.

Bạn chỉ nói là bạn không muốn làm họ đau đớn

Nếu bạn chọn đứng sang một bên lề thẳng thắn để bảo vệ cảm nhận của người khác, thì cuối cùng, bạn chỉ là một kẻ nhút nhát. Bạn đang bảo vệ mình hơn là bảo vệ người khác – bạn chỉ đơn giản là không thể đối mặt với phản ứng tiêu cực có thể có từ người khác. Sự thiếu thẳng thắn của bạn không liên quan gì đến người khác, vấn đề chỉ là bạn mà thôi. Nếu đó là vấn đề của người khác, bạn cứ nói với họ, để họ được hưởng lợi và cải thiện.

Qua nhiều năm, tôi đã phát hiện ra rằng những người lo sợ xung đột thường lo lắng tìm cách gìn giữ mọi mối quan hệ mà họ có, bởi vì nghĩ rằng không thể nào tái tạo một mối quan hệ tương tự sau này. Điều này đặc biệt đúng với những mối quan hệ tình cảm lãng mạn. Có bao nhiêu người trong chúng ta từng lo lắng rằng sẽ không ai yêu mình nữa, hoặc rằng chúng ta sẽ không bao giờ gặp được người như anh ấy hay cô ấy? Toàn nhảm nhí – ngoài kia có hàng tá người dành cho bạn.

Hạ nhục

Khi chúng ta cảm thấy bất an hay giận dữ, chúng ta dễ đổ lên đầu người khác bằng cách làm cho họ cảm thấy xấu hổ. Nhưng sự phê bình dạng này không xuất phát từ mong muốn giúp đỡ thật sự một đồng nghiệp đang gặp vấn đề. Nó được hình thành để hạ nhục người khác. Hoặc nó là phản ứng của một cá nhân sợ hãi và không có một công cụ nào khác để sử dụng.

Tôi nhận thấy sự hạ nhục này thật kinh khủng. Nó đâm sâu vào tim con người, thường theo một cách ghê gớm, chẳng hề dễ chịu. Nó nói với người ta rằng họ không xứng đáng không chỉ vì những gì họ làm mà còn chính vì bản thân họ.

Chúng ta có thể tin tưởng người ta sẽ chính xác không?

Làm thế nào bạn có thể nhận định liệu nỗ lực thẳng thắn của người khác là tốt hay xấu? Bởi vì thực tế một số người có khả năng làm biến dạng thực tế. Người ta thường hay đặt vấn đề của mình vào người khác – nghĩa là họ kết tội chúng ta về những thứ họ căm ghét hay bản thân họ đang thể hiện. Lời khuyên của tôi? Đừng chỉ dựa vào một ý kiến duy nhất. Hỏi thật nhiều người xin lời khuyên. Và hãy cảnh giác thông qua những gì họ thể hiện bằng ngôn ngữ cơ thể hay nét mặt.

Nhưng nên nhớ: Đừng bao giờ phản đối hay tranh cãi với những gì người khác nói. Điều này sẽ làm nổ tung cái không gian an toàn mà bạn đã thiết lập – bùm – như một ngôi nhà làm bằng giấy bìa.

Công ty của tôi hiện nay đã trở nên trung thực và thẳng thắn hơn rất nhiều. Ngay cả J. P. Kelly, vị giám đốc điều hành ban đầu còn nhiều nghi ngờ, cũng ngạc nhiên trước lợi ích của sự thẳng thắn. “Quanh đây không có cảm giác căng thẳng,” ông nói. “Một nhân viên hành chánh có thể nói thẳng với CEO, ‘Tôi thấy ông đang áp dụng chiến thuật bánh mì kẹp BS,’ và anh ta không bị đuổi, ngược lại còn được tôn trọng hơn”.

Điều này dẫn đến một điểm cuối cùng mà tôi muốn nhắc đến: Thẳng thắn, hay chỉ trích trung thực, luôn mang đến kết quả nhiều hơn tổng của từng phần. Nói cách khác, khi những trao đổi thẳng thắn giữa mọi người gặp nhau, sự giao hòa này mang đến những kiến thức mới, ý tưởng mới, cách tiếp cận mới – mà chúng ta thường gọi chung là sáng tạo, nơi tạo ra giá trị – một điều có thể không bao giờ xảy ra nếu chúng ta hoạt động độc lập. Sự thẳng thắn cho chúng ta khả năng chấp nhận rủi ro, sẵn sàng chung sức giải quyết vấn đề – cả trong công việc lẫn trong đời sống riêng – với kết quả tốt hơn so với những gì chúng ta có thể đạt được một cách đơn độc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.