Ai Che Lưng Cho Bạn

Bước 5: Thiết lập bánh xe thành công cá nhân



Mỗi năm đến tháng 12 tôi đều dành một tuần nghỉ phép cho một mục đích duy nhất là đánh giá lại chiến lược cuộc đời tôi, và đặt lại những mục tiêu cụ thể mà tôi đã đề ra cho cuộc sống mà tôi muốn. Nắm chắc mục tiêu dài hạn của mình là một công việc cũng đáng dành thời gian đấy chứ. Bởi vì tất cả những gì tôi làm trong năm đều hoặc là mang tôi đến gần hoặc là đẩy tôi ra xa khỏi chúng – vì vậy tôi nên biết chúng là gì.

Công việc đặt mục tiêu của tôi bắt đầu tương đối rộng. Đầu tiên, tôi thiết lập bảng tổng hợp mục tiêu học tập và mục tiêu kết quả tôi muốn đạt trong sáu lĩnh vực khác nhau của cuộc đời mình: cá nhân, sự nghiệp, tài chính, sức khỏe, tri thức, tâm linh, và đóng góp xã hội. Tôi sắp xếp chúng thành hình ảnh đại diện bằng một Bánh xe Thành công Cá nhân, bạn có thể tải về trên trang web KeithFerrazzi.com. Tôi dùng nó làm bản kế hoạch quyết tâm của cá nhân. Mặc dù tôi chưa tìm ra được một lĩnh vực nào trong cuộc đời ngoài sáu lĩnh vực này, bạn vẫn có thể sáng tạo riêng những lĩnh vực khác cho bản thân.

Đây là một phiên bản căn bản; tôi thường điều chỉnh độ lớn của từng lĩnh vực riêng lẻ tương ứng với tỉ lệ phần trăm trọng tâm trong năm sắp tới của mình. (Tôi vẫn phải luôn nhắc nhở mình rằng mỗi ngày tôi chỉ có cố định bấy nhiêu đó thời gian mà thôi!)

Phát triển sự nghiệp và thành công tài chính có thể tự nó đã đủ nghĩa. Đối với những lĩnh vực khác:

• Tâm linh có thể trải rộng từ việc đi lễ nhà thờ đến leo núi hay tập yoga. Điều chủ yếu là nó kéo tôi về mặt đất và giúp tôi tập trung vào những mối quan tâm khác bên ngoài cuộc sống cá nhân.

• Phát triển tri thức chỉ bất cứ thứ gì tôi muốn học hỏi hoặc trải nghiệm, có thể là tấn công vào chồng sách vốn chất đầy trên bàn trong phòng ngủ, hay học cách chơi bản nhạc của Scott Joplin trên đàn piano, hay quay lại trường để học nâng cao, hay du lịch đến một đất nước mà tôi chưa từng ghé qua.

• Sức khỏe thể chất bao gồm chăm sóc cơ thể như ăn uống hợp lý, tập thể dục hàng ngày, uống vitamin, v.v.

• Mối quan hệ sâu đậm bao gồm gia đình, bạn bè, mạng lưới hỗ trợ tin cậy, và mối quan hệ tình yêu.

• Đóng góp xã hội chỉ những hoạt động từ thiện của chúng ta – những gì chúng ta có thể làm để đóng góp một cách rộng rãi đến những người khác trong cộng đồng và trên thế giới.

Kết hợp, đừng cân bằng

Những lĩnh vực bạn thấy trên Bánh xe Thành công Cá nhân không phải là những lãnh địa hay thái ấp đơn lẻ. Chúng nên, và chắc chắn, sẽ lấp chồng lên nhau! Đối với tôi, tôi hoàn thành một phần lớn trong lĩnh vực đóng góp xã hội qua những công việc tôi làm bên ngoài công ty, bằng số tiền từ thiện, hay những công việc phi lợi nhuận khác. Tôi tin vào việc chuyển đồng nghiệp và khách hàng thành bạn bè, nên tôi quản lý phần lớn mối quan hệ cá nhân dựa trên bối cảnh phát triển chuyên môn. Tôi cũng biến nhiều hoạt động rèn luyện sức khỏe thành cơ hội tạo sự gắn bó xã hội, từ những buổi tập nặng đến câu lạc bộ thể thao hay chạy bộ buổi tối. Thêm vào đó tôi giải trí thường xuyên đến mức gia đình, khách hàng và bạn bè tất cả đều trộn lẫn không còn ranh giới. Tôi đã chọn cuộc sống của mình là sự hòa trộn. Nếu bạn muốn đạt tối đa trong mọi lĩnh vực của Bánh xe Thành công Cá nhân, bạn có thể phải cân nhắc thực hiện tương tự.

Tôi sẽ giải thích ngắn gọn cách tôi sử dụng Bánh xe Thành công Cá nhân.

1. Đầu tiên, tôi đề ra mục tiêu tổng quá cho mỗi lĩnh vực. Sau đó tôi đi vào cụ thể. Ví dụ, tôi chia mục tiêu nghề nghiệp thành những nhóm nhỏ hơn: phát triển nhóm, xuất bản sách, huấn luyện và đào tạo, vân vân.

2. Bước tiếp theo là lập hạn định. Tôi tự hỏi bản thân tôi phải làm gì trong vòng ba năm tới để tiến gần hơn đến mục tiêu cuộc đời, và rồi sau đó là những gì cần làm trong vòng một năm, và cuối cùng là những gì cần đạt được trong vòng 60 ngày sắp tới (hai danh sách sau cùng này được bạn bè tôi gọi là mục tiêu xách-đít- đi-làm-ngay). Ví dụ, cách đây vài năm một mục tiêu ba năm của tôi là thiết lập Big Task Weekend cho FG (BigTaskWeekend.com), một hội nghị thượng đỉnh hàng năm do tôi khởi xướng để tạo liên minh giữa những công ty lớn nhằm tìm kiếm và phát triển vì xã hội, bắt đầu là sức khỏe của người dân Mỹ – ví dụ như Kaiser Permanente và Safeway liên kết đưa thông tin dinh dưỡng quan trọng đến các khách hàng của Safeway tại các cửa hàng của họ. Ý tưởng này là một thành công lớn, và tôi muốn mở rộng ra thành một cộng đồng những người có ảnh hưởng được công nhận trên toàn thế giới biết đặt trọng tâm vào những lợi ích xã hội có lợi cho tất cả các bên, tăng trưởng giá trị cổ đông, và phát triển cá nhân cho bất cứ ai tham gia. Mục tiêu một năm của tôi là xác định rõ thông điệp giá trị của những mối quan tâm mà chúng tôi sẽ tham gia và phục vụ. Cuối cùng, mục tiêu 60 ngày của tôi là lập danh sách một nhóm cố vấn và phát triển một chương trình lãnh đạo tương lai nhằm xác lập mối quan tâm và kỹ năng cần thiết cho thế hệ kế tiếp. (Trên trang web KeithFerrazzi.com bạn sẽ tìm thấy một bảng tính, bạn có thể in ra để điền mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của mình).

3. Rồi, tiếp theo tôi sẽ đi vào chi tiết hơn nữa. Tôi sắp xếp cho mỗi mục tiêu một tỉ lệ thời gian sao cho mọi người trong vòng tròn của tôi (cũng như trong công ty của tôi) đều biết thứ tự ưu tiên và giúp tôi chịu trách nhiệm. Nhóm hỗ trợ giúp tôi đảm bảo tôi dành đủ thời gian cho mỗi lĩnh vực. Ví dụ, trợ lý của tôi biết rằng mỗi ba tháng tôi sẽ đi ẩn dật cho tâm linh vào cuối tuần. Và mỗi năm hai lần tôi dành trọn một tuần để đọc sách, trong thời gian này tôi chú tâm vào những tạp chí hay quyển sách nào có thể giúp tôi phát triển tri thức. Mục tiêu của tôi đã là một phần của kế hoạch làm việc – tôi không còn phải nghĩ ngợi về chúng, cũng như tôi không phải nghĩ đến việc đi tập thể dục mỗi ngày, ăn tối hàng tuần với bạn bè, hay những bữa ăn tối thịnh soạn tôi tổ chức cho khách hàng. Quyết định đã được đưa ra rồi!

Jeremy House và Michael McDermott, môi giới tín dụng nhà đất

Jeremy House và Michael McDermott, một nhóm môi giới tín dụng nhà đất hai người đến từ Arizona, kể cho tôi nghe về quy trình thiết lập mục tiêu hàng ngày mà họ gọi là “Day-righting”. Đó là lúc họ chụm đầu lại với nhau và xác định cụ thể những gì cần làm trong ngày để thành công.

Jeremy và Michael lập ra “Day-righting” khi đến một lúc họ cảm nhận rằng ngày làm việc của mình thiếu cân bằng và đi chệch hướng. “Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng chúng tôi phát hiện ra rằng nguồn gốc của vấn đề là do chúng tôi đi tập thể dục buổi tối,” Michael kể với tôi. “Nó tăng thêm áp lực cho ngày làm việc và không mang đến một kế hoạch phù hợp hay cân bằng cần thiết. Vì thế chúng tôi chuyển thời gian tập thể dục sang buổi sáng sớm, tiếp theo đó là buổi thảo luận ý tưởng để cho dòng chảy sáng tạo được thông suốt”.

Sau khoảng một tháng làm theo lịch mới, cả hai cho tôi biết họ thấy được sự cải thiện rõ rệt trong công việc và trong đời sống riêng. “Buổi thảo luận sáng giúp chúng tôi định ra mục tiêu và rào cản, và sự hỗ trợ giúp chúng tôi tiến lên phía trước”.

Yếu tố con người

Như vậy đó là toàn bộ những gì liên quan đến “cái gì” và “khi nào”, đồng thời cũng chấm dứt phần lập kế hoạch. Tiếp theo, tôi đưa ra danh sách những người thiết yếu để giúp tôi đạt mục tiêu. Yếu tố cuối cùng này – tôi gọi là yếu tố con người – cực kỳ quan trọng! Và rất ít người làm đến bước này. Thực tế, ngay cả những công ty lớn nhất cũng bỏ qua bước này trong quá trình hoạch định chiến lược. Trong một phần hoạch định chiến lược của các công ty lớn, chúng tôi hỏi họ: “Ai được xem là nằm trong một ngàn người quan trọng nhất đóng góp vào sự thành công của kế hoạch chiến lược?”

Đối với các công ty, danh sách này được chia nhỏ thành nhiều nhóm: khách hàng và khách hàng tiềm năng; đối tác; những người tác động chính như nhà phân tích, nhà nghiên cứu, các thành viên truyền thông; và dĩ nhiên là những người bên trong công ty. Đối với bản thân, chúng ta nên dành thời gian chọn số người phù hợp – bất cứ con số nào có vẻ hợp lý với bạn. 25 người? 250 người? Những nhóm người nào bạn cần lưu ý?

Bây giờ, đối với mỗi mục tiêu một năm, hãy liệt kê một danh sách cụ thể (hoặc ít nhất cũng là nhận dạng) người bạn cần tìm đến để đạt mục tiêu. Chúng tôi gọi đây là Kế hoạch Hành động Mối Quan hệ. Làm thế nào bạn lên kế hoạch đạt mục tiêu nếu bạn không tính đến những người sẽ giúp bạn biến nó thành hiện thực? Đây phải được xem là một bước thiết yếu của quá trình hoạch định chiến lược của mọi người hay mọi công ty. Đây cũng là một vấn đề mà những đối tác hỗ trợ có thể giúp ích được rất nhiều – khi trao đổi về danh sách này, hoặc ngay cả khi kết nối bạn với những người bạn cần gặp. (Để biết thêm nên liên kết với ai để giúp bạn đạt mục tiêu, hãy đọc quyển Đừng bao giờ đi ăn một mình).

Cuối cùng, tôi lập ra thước đo thành công và ngân sách về mặt thời gian lẫn tiền bạc – luôn phải có đối với mục tiêu kinh doanh, và thường xuyên có đối với mục tiêu cá nhân. Ngoài ra nhóm còn có thể buộc tôi phải chịu trách nhiệm bằng những cách nào khác? Ngân sách tài chính cho mục tiêu cá nhân có thể bao gồm số tiền bạn chi trả cho những buổi ẩn dật, tham gia câu lạc bộ thể dục, thuê huấn luyện viên hay nhà trị liệu, và những đóng góp bằng tiền cho nhà thờ, đền chùa, hay những tổ chức khác.

Trong mỗi bước thiết lập lịch trình chiến lược, tôi đều kêu gọi sự tham gia của các bạn bè hỗ trợ – và bạn cũng nên làm theo như thế. Đôi khi chúng tôi gặp nhau một cách chính thức trong phòng họp để đánh giá các bản dự thảo; đôi khi chúng tôi nói chuyện qua điện thoại để tìm ý tưởng; và đôi khi chúng tôi gặp nhau ăn tối để lập chiến lược cho những ý tưởng lớn hơn. Những cuộc họp này bao gồm cả người bên trong và bên ngoài công ty – không chỉ là những cố vấn ngang hàng như Greg hay Doug, mà còn là những người mà tôi đánh giá cao sự đóng góp của họ, như những tác giả đương thời, và những người mà tôi cho là có thể đóng vai cố vấn tuyệt vời trong tương lai. Thật là một cách tuyệt vời để khám phá liệu các bạn có thể giúp đỡ lẫn nhau, bằng cách đi chung một chuyến đò với nhau!

Có một lần tôi tụ họp một nhóm các bạn thân cho chuyến ẩn dật hoạch định mục tiêu. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy chỉ có một người duy nhất có quyết tâm đặt kế hoạch như tôi mong muốn. Vì thế mặc dù chúng tôi vẫn là bạn tốt của nhau, tôi chưa bao giờ thêm một lần mời họ vào vòng tròn cố vấn của mình.

Trợ lý hành chính của tôi đóng một vai trò rất quan trọng về vấn đề trách nhiệm trong đời tôi. Bởi vì cô ấy quản lý lịch làm việc của tôi, cô là người biết rõ nhất để phân tích thời gian hàng ngày hay hàng tuần mà tôi dành cho từng mục tiêu đã đề ra. Nếu tôi dành 50% thời gian cho các hoạt động chính trị và phi lợi nhuận, thay vì phát triển công việc kinh doanh, cô sẽ nhắc nhở tôi. Tôi và cô ấy cũng đánh giá hàng năm lịch làm việc của tôi so với năm trước để biết liệu tôi có làm đúng theo sự phân chia thời gian hay không.

Điều này cũng không khác biệt so với những hỗ trợ đồng đẳng hay thiết lập kế hoạch bên ngoài văn phòng. Thật ra, có những gia đình chọn làm cùng lúc hai việc này mỗi năm một lần. Họ lập ra cuộc họp gia đình hàng tháng để đánh giá kế hoạch và tiến độ của từng thành viên trong gia đình (ngoại trừ con chó). Tôi biết một cặp vợ chồng đã cùng làm việc này nhiều năm liền; và khi cô con gái chín tuổi của họ yêu cầu được tham gia, họ cũng làm cho cô một phiên bản đơn giản.

Các đối tác hỗ trợ cũng có thể làm tương tự cho bạn – dùng kinh nghiệm và kiến thức của họ để đâm chọc vào mọi khía cạnh của mục tiêu, cũng như kế hoạch để đi đến đích. Bạn có thể tìm đến chỉ một hay hai người cố vấn, hoặc cả nhóm, nếu bạn có một nhóm đông đảo. Mỗi lần đánh giá – mức độ thường xuyên tùy vào bạn cần họ đến mức nào, và tôi khuyên bạn nên gặp nhau ít nhất mỗi tháng một lần – nên tập trung vào ba câu hỏi: Điều gì tốt? Điều gì không hiệu quả? Điều gì còn thiếu để đưa bạn trở lại đúng hướng? Nếu bạn không có trợ lý, hãy nhờ một người ‘bạn hỗ trợ’ định kỳ kiểm tra lịch trình làm việc hàng ngày (và bạn cũng làm ngược lại cho họ) để lên tiếng nếu cách quản lý thời gian của bạn không phù hợp với mục tiêu đã đề ra.

Bạn có thật sự muốn? Hay chỉ nghĩ mình nên muốn?

Giờ đây bạn đã có “cái gì”, “khi nào”, và “ai” trong mục tiêu, đã đến lúc bạn chuyển sang “tại sao”: Tại sao tôi muốn đạt mục tiêu này? Để giúp bạn tìm được câu trả lời, hãy thử tưởng tượng cuộc đời mình sẽ ra sao khi đạt được mục tiêu. Bạn nghĩ cuộc đời bạn sẽ có gì khác? Có gì không đổi? Hiểu rõ về những gì thành công mang đến sẽ giúp bạn hiểu tốt hơn động cơ của mình.

Để tôi đưa ra một ví dụ: Tại sao tôi lại muốn xây dựng một công ty phân nhánh? Đó là vì nó sẽ cho tôi thêm thu nhập và thời gian. Tại sao? Vì với thêm thu nhập và thời gian, tôi có thể làm những gì tôi muốn trong cuộc sống, ví như viết lách, suy nghĩ, và dành thời gian phát triển tâm linh. Tại sao? Vì tôi sẽ nghĩ ra được thêm nhiều cách để giúp đỡ mọi người. Tại sao? Vì tôi muốn để lại dấu ấn của mình trên thế giới này, và được phục vụ con người tốt hơn.

Bạn hiểu ý tôi rồi đó. Tiếp tục đặt ra câu hỏi cho bản thân, và rồi cuối cùng tự hỏi: Liệu mình có thể đạt được kết quả này bằng cách khác không? À, trong trường hợp của mình, có thể chuyển sang viết lách và suy nghĩ, thay vì tập trung xây dựng FG, nhưng như vậy tôi không thể tiếp cận được nhiều người bằng cách thông qua công ty. Rồi, tuyệt vời lắm. Mục tiêu có vẻ khá vững vàng.

Giờ đây, hãy bước thêm một chút nữa. Trong quyển sách Finding Your True North: A Personal Guide, cựu CEO Bill George mà tôi đã đề cập ở trên, có nhắc đến sự cân bằng giữa động cơ bên trong và bên ngoài khi thiết lập mục tiêu.

Động cơ bên ngoài diễn ra trong thế giới bên ngoài:

• Tôi muốn có điều kiện cho các con tôi một nền giáo dục hàng đầu.

• Tôi muốn cha mẹ tôi hạnh phúc.

• Tôi muốn có chiếc Mercedes để tạo ấn tượng với những người tôi gặp.

Động cơ bên trong xuất phát từ bên trong con người bạn:

• Tôi muốn hoàn thành những đam mê trong cuộc đời mình.

• Tôi muốn giúp đỡ người khác.

• Tôi muốn có thời gian bên cạnh người tôi thương yêu.

Hãy dành thời gian tự hỏi bản thân động cơ của bạn thuộc dạng nào. Cả hai hình thức động cơ này đều tốt; nhưng như Bill George đã chỉ ra, khi chúng ta càng thành công, chúng ta càng cần đến những động cơ bên trong: tiền bạc, địa vị, quyền lực, và vân vân. Và rất nhiều khi, như ai cũng biết, tất cả những thứ lòe loẹt, sáng chói, bề ngoài này có thể che khuất những khát khao thầm lặng sâu sắc hơn. Kết quả? Mục tiêu của chúng ta bỗng trở nên trống rỗng sau khi chúng ta đạt được; chúng ta bị mất đi điều được Bill gọi là “sao Bắc Đẩu thật sự”, một sứ mệnh chính trực giúp chúng ta có khả năng phát huy hết tiềm năng của một nhà lãnh đạo.

Sai lầm trong quá trình đặt mục tiêu

Tờ New Yorker gần đây có hình minh họa một CEO đang phát biểu trong buổi họp hội đồng quản trị: “Mục tiêu của chúng ta là thiết kế một ứng dụng xuất sắc cho thời đại Web mới, và trong khi chờ đợi mục tiêu này đạt được chúng ta sẽ vẫn tiếp tục sản xuất hệ thống xử lý chất thải rắn tốt nhất thế giới”.

Hình biếm họa này là một nhắc nhở rằng nếu mục tiêu ngắn hạn và dài hạn không tương thích với nhau, mục tiêu của bạn sẽ kết thúc trong nhà vệ sinh. Nếu những gì bạn làm trong ngắn hạn không phục vụ mối quan tâm dài hạn, những người hỗ trợ

phải giúp bạn cân nhắc liệu có nên thôi không thực hiện nữa hay không.

Hãy xem ví dụ của Lena West tại Convengine. “Cách đây vài năm tôi giới thiệu một chương trình gọi là Technology Direct”, cô kể với tôi. “Đây là một chương trình học qua mạng dành cho những công ty nhỏ để giúp họ hiểu thêm về công nghệ Internet. Nó phát triển rất tốt, nhưng nó không thu hút được nhiều chú ý như mong muốn. Tôi không biết phải làm thế nào cho tốt hơn, và mọi người trong nhóm hỗ trợ khuyến khích tôi nên từ bỏ. Điều này không dễ dàng đối với tôi, tôi không muốn nghe nhắc đến điều này. Nhưng nhóm nhắc nhở tôi rằng tôi đã cam kết chỉ làm những gì đóng góp thêm cho công ty, và Technology Direct không làm được điều này. Và thế là tôi buông”.

Sau đây là một số lỗi thường gặp khi đặt mục tiêu và hướng dẫn các đối tác giúp bạn tránh lỗi.

Hãi hùng trước sứ mệnh

Vấn đề: Bạn mất trọng tâm, dành quá nhiều thời gian để theo đuổi những thứ không đóng góp cho mục tiêu dài hạn.

Giải pháp: Bạn và nhóm cùng đánh giá lịch trình chiến lược và thảo luận về mục tiêu cũng như động cơ đứng sau để tìm cách tái cam kết.

Lỗ hổng niềm tin

Vấn đề: Bạn không tin rằng bạn sẽ đạt được những gì mình muốn, dẫn đến thiếu động cơ hành động.

Giải pháp: Chia sẻ mục tiêu với đối tác để giúp bạn hiệu đính tầm nhìn của mình; nếu bạn tự nhủ đủ lâu, rồi bạn cũng sẽ tin tưởng!

Khoảng cách kỹ năng

Vấn đề: Mục tiêu đòi hỏi bạn phải học những kỹ năng mới, và điều này đang cản trở

hay gây khó khăn cho việc lập kế hoạch hành động.

Giải pháp: Nhóm có thể giúp bạn xác định và tìm cách lấp khoảng cách, thông qua những nguồn lực khác, hoặc qua đào tạo thêm.

Nỗi sợ hãi thất bại

Vấn đề: Động cơ của bạn sút giảm.

Giải pháp: Các bạn bè có thể động viên, hỗ trợ, và làm bạn thêm hăng hái. Họ có thể nhắc nhở vì sao bạn phải làm việc cật lực để đạt mục tiêu, và giúp bạn lấy lại tinh thần quyết tâm. Hoặc họ có thể giúp bạn nghỉ ngơi – ví dụ, một tuần chẳng hạn – để làm mới mình. Nhưng hết một tuần, họ sẽ lại xuất hiện để thúc đẩy bạn!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.