Ai Che Lưng Cho Bạn
Bước 9: Làm giả đến khi đạt thật – và giữ chặt nó
Bạn đã bao nhiêu lần đưa ra quyết tâm và quyết định thay đổi cuộc đời mình, để rồi sau đó nhận thấy mọi thứ vẫn đứng ì ra đó ngay khi bạn gặp trở ngại đầu tiên? Báo cáo của các trung tâm thể dục cho thấy thành viên mới thường đến tập hàng ngày trong vòng khoảng ba tháng đầu tiên ghi danh, sau đó sự hăng hái này giảm dần. Trong vòng sáu tháng, các thành viên chuyển sang đến mỗi tuần một lần, và trong những buổi này, họ tiến đến những chiếc máy tập hào nhoáng như thể chúng là dụng cụ tra tấn. Chỉ có những người có quyết tâm mới tham gia đủ lâu để nhìn thấy kết quả.
Thái độ này cũng rất phổ biến trong công việc. Sau bài phát biểu động viên trong buổi họp nhân viên bán hàng hàng năm, mọi người đều rạng rỡ, vỗ tay, và tản đi để tận hưởng bữa tiệc cocktail. Họ bỏ lại trên ghế không biết bao nhiêu là những tập hồ sơ dày cộm những trang powerpoint. Thế là xong một nỗ lực duy trì thay đổi trong tổ chức. Đó là lý do vì sao tôi không chỉ phát biểu rồi phát tài liệu. Tôi cố gắng tạo ra trải nghiệm cho khách hàng duy trì những thay đổi trong công việc mỗi ngày; nếu không thì xem như chúng tôi chưa hoàn thành nhiệm vụ. Đừng hiểu sai ý tôi; thực hiện những bước đi đầu tiên rất quan trọng – theo đuổi Bốn Đặc điểm tư duy về thiết lập mối quan hệ sâu sắc với một số người mình tin cậy, đi tìm các đối tác hỗ trợ qua lại hay vòng tròn cố vấn, và cam kết đặt mục tiêu và thay đổi hành vi. Bạn cần phải bắt đầu từ đâu đó, và quyển sách này đang giúp bạn làm điều này.
Nhưng một khi bạn đã tìm được nhóm – cho dù nhóm chỉ là hai người hay cả một đội ngũ đứng sau lưng – và hoạch định cho công việc của mình, giai đoạn khó khăn chỉ mới bắt đầu. Làm thế nào bạn duy trì được quá trình hỗ trợ lẫn nhau? Làm thế nào bạn duy trì được những thay đổi trong chính bạn? Làm thế nào bạn chuyển đổi từ ý định sang hành động hàng ngày?
Chìa khóa của sự bền vững nằm ngay trong hai chữ “hàng ngày” đó. Một trong những lý do dẫn đến thành công của các chương trình 12 bước là họ đề nghị theo đuổi từng bước một mỗi ngày qua. Tập trung vào những bước nhỏ hàng ngày là nguyên tắc chủ đạo của nhiều tổ chức hay tôn giáo về tự hoàn thiện bản thân. Chìa khóa của việc suy ngẫm sâu xa chính là hiện tại. Thực tế, tập trung vào những gì bạn có thể thực hiện ngay bây giờ chính là cách tốt nhất để bạn và các cố vấn tin cậy duy trì thay đổi.
Có lần tôi nghe Ray Charles trả lời phỏng vấn trên radio rằng ông ấy không biết có người chơi nhạc giỏi nào mà không phải luyện tập hàng ngày. Luyện tập đơn giản là một phần trong cuộc đời của người chơi nhạc, giống như hít thở vậy.
Không ai được sinh ra mà đã biết chơi piano hay clarinet. Đa số mọi người khi thử chơi lần đầu tiên đều ngô nghê và thật tệ. Những người chơi nhạc thành công phải tập luyện nhiều năm liền cho đến khi họ chơi hay hơn, và cuối cùng là họ kiểm soát được nhạc cụ của mình. Họ không lo lắng về những nốt nhạc chơi sai hay phải luyện tập cùng một bản nhạc hàng chục hay hàng ngàn lần. Ngay cả những bậc thầy cũng phạm sai lầm, thậm chí ngay trong buổi hòa nhạc tại Carnegie Hall. Bạn nghĩ họ có bỏ ngay chiếc đàn violin xuống hay đóng nắp đàn lại và biến khỏi sân khấu không? Dĩ nhiên là không rồi! Họ vẫn cứ tiếp tục chơi đàn! Dẫu sao thì trên đời này cũng không có sự hoàn hảo – có chăng là nỗ lực của chúng ta cố gắng đạt đến hoàn hảo.
Tất cả những thứ này có liên quan gì đến duy trì thay đổi? Theo kinh nghiệm của tôi, nỗi sợ thất bại là lý do chính khiến chúng ta dừng các nỗ lực thay đổi. Người ta sợ rằng mình sẽ không làm được như kỳ vọng của những đối tác hỗ trợ. Hoặc họ quá lo sợ trước nguy cơ thất bại trước mặt các bạn bè, hoặc làm thất vọng những người cố vấn họ đã nhờ đến. Một cách vô thức họ cảm thấy an toàn hơn nếu không làm gì hết. Vì thế họ bỏ chiếc đàn violin xuống.
Đáng tiếc là khi bạn cho phép bản thân bị tê liệt vì sợ hãi nghĩa là bạn đã đảm bảo mình sẽ không đạt được các mục tiêu trong cuộc sống hay trong công việc. Chúng ta cần phải nhận ra rằng sai lầm hay sảy chân sẽ không giết chết được mình. Thật ra, chúng là một phần tự nhiên trong quá trình hoàn thiện. Hiếm có những sai lầm nào mang tính sống còn trong sự nghiệp, ngoại trừ những hành vi lơ đãng quá đáng của mình.
Hãy nhìn vào Martha Stewart, người phụ nữ hiểu biết và thành đạt, phạm phải sai lầm lớn đến mức bị tống giam một thời gian, sau đó là bị quản thúc tại gia suốt gần một năm. Mô hình kinh doanh của bà dựa hoàn toàn trên danh tiếng của bản thân bà. Sự kết án này có thể là một đòn chí mạng cho công việc kinh doanh. Nhưng bà có chết không? Không hề. Bà có mất đi doanh nghiệp hay một loạt những căn nhà xinh đẹp của mình không? Cũng không. Thực tế, chuỗi sản phẩm nội thất của bà còn mở rộng hơn sau khi bà được thả. Bà đã đối mặt với thời gian giam giữ một cách can đảm và tự tin, và người ta cảm thấy càng kính trọng bà hơn. Hiện nay bạn có thể mua sản phẩm của bà tại Wal- Mart, Kmart, và Sears. Tạp chí Living đại diện cho bà vẫn phát triển mạnh mẽ cùng với đế chế tạp chí của bà.
Có thể bạn sẽ chẳng bao giờ lâm vào cảnh phải xây dựng lại sự nghiệp sau thời gian lao tù. Nhưng nếu như Martha Stewart không chỉ sống sót sau trải nghiệm đó mà còn trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết, thì bạn cũng sẽ làm được – ngay cả nếu đôi khi bạn té ngập mặt.
Đúng thế, trừ khi bạn chấp nhận bỏ cuộc. Và cách chúng ta tránh bỏ cuộc là tham gia hàng ngày với những người đồng đẳng – kết nối thành công bằng nhóm hỗ trợ, từng chút một, cho đến khi mọi lo sợ tan biến.
Điều này đồng nghĩa với ban đầu bạn phải giả vờ – hãy hành động tự tin hơn thực tế, mục đích là đánh bại nỗi sợ của bản thân.
Giả vờ không có nghĩa là ra vẻ. Tôi không có ý khuyên bạn trở thành một người không bao giờ dám bỏ mặt nạ ra. Thực tế, khái niệm giả vờ là một chiến lược có lịch sử đáng kính. Các chương trình 12 bước thường có câu nói: “Giả vờ đến khi đạt được mục tiêu”. Nói cách khác, thử thay đổi hành vi của mình với sự giúp đỡ của người khác ngay cả khi bạn chưa sẵn sàng thay đổi niềm tin của mình.
Ví dụ, một số người nghiện rượu đã có thể bỏ rượu vì xấu hổ hay sợ hãi. Cuối cùng, họ cảm thấy tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, làm việc có năng suất hơn; hành vi thay đổi đã khiến họ thay đổi niềm tin – trong trường hợp này là niềm tin vào lợi ích của sự tỉnh táo. Nhờ được hỗ trợ liên tục, họ có thể chiến thắng căn bệnh nghiện ngập của mình.
“Giả vờ đến khi đạt được mục tiêu” là một cách nói khác của “lời tiên tri nhân mệnh – self-fulfilling prophecy” – ám chỉ khuynh hướng hoàn thành kỳ vọng của mình, dù tốt hay xấu. Không có gì ngạc nhiên khi những tội phạm tái phạm thường xuyên là những người lớn lên trong gia đình lệch lạc và luôn bị nhồi nhét đến mức tin rằng họ là người xấu. Thử đoán xem? Cuối cùng họ cố gắng làm tròn kỳ vọng này. Và khi họ càng gặp nhiều rắc rối, tình trạng “người xấu” lại càng đúng, và lại dẫn đến những hành vi tồi tệ hơn. Đó là một ví dụ về kỳ vọng tiêu cực. Tương tự, một người không bao giờ lên tiếng vì họ đã được dạy bảo (và tin) rằng họ là một người nhút nhát thì cuối cùng nhút nhát thật.
Chúng ta cũng có thể tạo ra những lời tiên tri tích cực. Một người nhút nhát có thể giả vờ mình là người hướng ngoại, cảm nhận được cảm giác mới mẻ này; và cuối cùng, theo thời gian, trở thành một người vui vẻ hơn, năng động hơn. Giả vờ đến khi đạt được mục tiêu! Jessie, một người bạn của tôi, đang cố bỏ thuốc. Chiến thuật hàng đầu của cô ấy là gì? Giả vờ rằng cô ấy không thèm hút thuốc. Khi muốn hút thuốc, cô ấy tự nhủ: “Hút thuốc phát ốm. Thuốc lá bốc mùi. Tôi là một người khỏe mạnh, một người sạch sẽ, tôi không phải là người hút thuốc!” Không có thứ gì hữu ích hơn để giúp cô từ bỏ cảm giác thèm thuốc.
Bạn có thể áp dụng chiến lược “giả vờ đến khi đạt được mục tiêu” này vào bất cứ lĩnh vực nào trong cuộc sống. Bạn có thuộc dạng người chẳng thể lôi mình đến phòng tập thể dục không? Thử làm thế này – cứ mặc đồ tập thể dục vào. Đây là bước đầu tiên! Tiếp theo, sao không thử làm vài động tác kéo giãn tại nhà? Hay đi bộ nghe nhạc? Thử chạy bộ vài khu nhà. Từ nhà đến phòng tập nào có xa mấy đâu? Tôi thường xuyên dùng phương pháp từng bước này trong công việc kinh doanh và tư vấn với các giám đốc trong danh sách Fortune 500 – giả vờ cho đến khi họ đạt được mục tiêu, từng bước nhỏ mỗi lần cố gắng.
Giả vờ để đạt hỗ trợ qua lại
Nhưng chiến lược “Giả vờ cho đến khi đạt được mục tiêu” này có liên quan gì đến hỗ trợ qua lại? Thứ nhất, bạn có thể kêu gọi các cố vấn giúp bạn “giả vờ” các hành vi mới – làm theo những bước cần thiết, ngay cả khi bạn không tin rằng chúng có hiệu quả. Có lần các thành viên của Billionaires’ Club đi mua nhà trong khu Beverly Hills, tìm kiếm những căn biệt thự hàng triệu đô la mà chỉ người giàu mới dám bỏ tiền ra mua. Họ đến những buổi giới thiệu nhà và đi xem những hành lang lót đá cẩm thạch, những khu vườn có mái che, những tủ quần áo rộng bằng cả căn hộ, những cầu thang bộ khổng lồ, những hồ bơi nhìn thấu chân trời. Dĩ nhiên đây chỉ là một bài tập. Mục tiêu là giúp họ cảm nhận được thành quả của việc tìm kiếm giàu có thật sự. Họ chỉ đang giả vờ thôi. Nhưng đây quả thật là một ý tưởng tuyệt vời! Mục đích là làm quen với cảm giác của một nhà tỉ phú. Đó không chỉ là một buổi chiều thú vị; khi cùng nhau làm bài tập này họ cảm nhận được tình đoàn kết và hiểu được mục đích của tham vọng chung. Sau đó, cả nhóm dành thời gian phân tích chuyến đi và cách nó giúp họ gia tăng cam kết trong kinh doanh và sự nghiệp.
Sau đây là một hình thức đơn giản luyện tập “giả vờ cho đến khi đạt được mục tiêu” trong nhóm:
1. Cam kết một hành động đơn giản. Chọn một hành vi bạn có thể từ bỏ ngay hôm nay.
2. Hành động. Thử xem kết quả của thay đổi hành vi hay sự khởi đầu của thành công là như thế nào. Hãy cảm nhận nó. Bạn không thể hy vọng chữa khỏi bệnh chỉ sau một đêm. Không ai hy vọng loại bỏ được hành vi đang níu chân mình chỉ sau một đêm, hoặc đạt mục tiêu chỉ trong một ngày. Chị gái tôi đã không thành công trong nỗ lực giảm cân mãi đến khi chị cảm thấy thoải mái với Weight Watchers và người bạn giảm cân Jan của mình; chính nhờ những bước khởi đầu nhỏ và đơn giản đã giúp chị có được như ngày hôm nay.
3. Thảo luận cái cảm giác cảm nhận thành công với các đối tác hỗ trợ. Nên nhớ, bạn có thể duy trì thay đổi hành vi trong một thời gian dài mà không cần phải thay đổi niềm tin!
4. Làm lại một lần nữa.
5. Một khi bạn đã thiết lập được thói quen cho hành vi mới, hãy chọn cam kết một bước tiếp theo.
Sau khi cảm nhận được thành công nhờ vào quan hệ hỗ tương, bạn sẽ tin tưởng vào quyền năng và hiệu quả của nó. Nhưng sự thật là ngay cả những người tin tưởng tuyệt đối đôi khi cũng lạc đường. Đó là lý do vì sao bạn phải duy trì hoạt động hỗ trợ.
Sau đây là một số hướng dẫn tôi làm theo để duy trì sự thay đổi thông qua các cuộc họp và thảo luận với các thành viên trong nhóm:
1. Lên kế hoạch gặp gỡ thường xuyên với nhóm hỗ trợ hay từng cá nhân trong nhóm. Gặp gỡ cần phải thành một thói quen – và là một thói quen tốt. Giống như họ nói trong AA, “Cứ tiếp tục đến đây. Nó sẽ hiện thực nếu bạn thực hiện nó”.
2. Tại mỗi buổi gặp mặt, yêu cầu kiểm tra tiến độ về những thay đổi mà bạn và mọi người trong nhóm đã thực hiện. Điều gì tốt và điều gì chưa tốt? Miêu tả tiến bộ của bạn, hoặc lý do tại sao không tiến bộ.
3. Khuyến khích lẫn nhau về những tiến bộ đã đạt được.
4. Nếu được, hãy hỏi nhau tại sao có những thứ không thể diễn ra theo kế hoạch. Làm thế nào các bạn có thể làm tốt hơn? Điều gì cần phải thay đổi hay hoàn thiện? Hãy xem đây là một trận đấu tập mini.
5. Lưu ý đến những vấn đề trong dài hạn có thể làm phai nhạt sự hào hứng. Mỗi vài tháng, dành thời gian để xem lại vấn đề toàn cảnh: Bạn có cần thêm cố vấn không? Bạn có cần đánh giá lại mục tiêu hay thêm mục tiêu không? Bạn đang ở đâu trên con đường thay đổi hành vi mà bạn muốn?
6. Hình thành thói quen tìm sự hỗ trợ lẫn nhau hàng ngày với những cố vấn chủ chốt của nhóm trong giai đoạn căng thẳng. Kiểm tra hàng ngày dạng này không nhất thiết phải phức tạp. Trong quyển sách Đừng bao giờ đi ăn một mình tôi có nhắc đến “pinging”, nghĩa là liên tục giữ liên lạc với mọi người qua email hay tin nhắn. Pinging cũng có thể áp dụng với những cố vấn tin cậy: “Jane này, chị có nhớ tôi nói về nỗi sợ hãi phải tiếp chuyện nhà đầu tư mới không? Hãy đọc qua bài báo này về một anh chàng kêu gọi đầu tư vào công ty xe đạp điện của mình. Pin sạc là một ngành kiếm ra tiền, và Silicon Valley rất mê. Tôi cũng có một bài trình bày “xanh” tương tự cho doanh nghiệp mới của mình. Tiền đang nằm ngoài kia! Tôi chỉ cần tìm đúng người cấp vốn để tiếp cận mà thôi”.
Nhờ vào mối liên lạc hàng ngày, hỗ trợ qua lại là một việc đơn giản như bật công tắc đèn; theo một nghĩa nào đó thì nó là một quá trình tự thân vận động. Không có vạch đích, không có băng chuyền hành lý ở phía cuối con đường; chính quá trình chủ động học tập và phát triển mới là vấn đề.
Vào năm tôi tốt nghiệp đại học, tôi đem tiền để dành đi mua một cái ba lô và vé máy bay đến nước Anh. Tôi làm công việc giữ cửa cho các hộp đêm tại London cho đến khi đủ tiền mua vé xe lửa đi khắp châu Âu. Kế hoạch của tôi là tranh thủ ngủ trên xe lửa để tiết kiệm tiền khách sạn, và dành thời gian ban ngày đi dạo quanh các thủ đô vĩ đại. Dĩ nhiên, như vậy có nghĩa là tôi chỉ có một ngày ở mỗi thành phố, vì tôi phải nhanh chóng quay lại xe lửa để kiếm chỗ ngủ. Mùa hè năm đó tôi đã đến thăm một số thành phố và kiến trúc vĩ đại nhất trên thế giới, và đã đi bộ hàng nhiều dặm đường trong những bảo tảng nổi tiếng và trên những con đường lát sỏi đẹp như trong tranh.
Khi tôi nhớ lại chuyến đi này, tất cả những địa danh vĩ đại, những âm thanh kia chỉ là cái nền cho những người tôi đã gặp trong những toa xe hạng hai đông đúc. Tôi học được rất nhiều về châu Âu từ những người bạn đường hơn là từ hàng ngàn bức tranh và nhà thờ nổi tiếng mà tôi đã nhìn thấy.
Đối với tôi, hỗ trợ lẫn nhau cũng giống như chuyến đi không thể nào quên mùa hè năm đó. Dĩ nhiên, mỗi chúng ta có những mục tiêu và cột mốc khác nhau trên đường đi, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, chúng thường cách nhau rất xa; đến được đó
chính là phần lớn việc bạn đang làm. Vậy tại sao lại không cố gắng tận dụng tối đa? Bằng cách tập trung vào những công việc và giao tiếp hàng ngày với đồng nghiệp, cố vấn và bạn bè, bạn sẽ đi đúng trên con đường dẫn đến mục tiêu cuối cùng.
Khi mọi thứ không như mong muốn
Sớm hay muộn gì bạn cũng sẽ gặp phải những khó khăn khi giải quyết những lời khuyên và đóng góp của một hay nhiều người cố vấn. Bất cứ khi nào có hai người trở lên gặp nhau, lởn vởn đâu đó sẽ là những mâu thuẫn hay bất đồng. Đừng hoảng hốt; chuyện gì cũng có giải pháp cả. Sau đây là một số bí quyết tránh rắc rối.
Những người này là ai?
Theo thời gian thứ tự ưu tiên công việc của mỗi người thay đổi. Những người cố vấn đã cùng bạn vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu có thể không còn phù hợp để giúp bạn vượt qua giai đoạn tiếp theo trong cuộc đời và sự nghiệp. Điều này không có nghĩa là họ không thể mãi là bạn bè hay đồng nghiệp thân cận. Nhưng bạn có thể phải cần đến một cố vấn mới để giúp bạn vượt qua giai đoạn tiếp theo trong sự nghiệp.
Nếu bạn được thăng chức từ vị trí quản lý sang vị trí lãnh đạo cấp cao, bạn có thể phải cần đến lời khuyên của một người đã từng hoặc đang ở vị trí này. Nếu bạn độc lập thành lập doanh nghiệp riêng của mình, bạn có thể phải cần đến những người có kỹ năng mở doanh nghiệp.
Đồng thời, bạn cũng phải nhận thức được rằng không phải tất cả các cố vấn đều phục vụ cùng một mục đích. Khi bạn đạt tiến bộ trong những mục tiêu và cam kết của mình, bạn sẽ nhận thấy, như tôi đã thấy, rằng có những nhà cố vấn giỏi hơn trong việc giữ bạn đi đúng đường.
Loren Siebert, doanh nhân phần mềm tại San Francisco, có hai nhà cố vấn – Greg và Thede – giúp ông theo những cách rất khác nhau. “Đối với Greg chủ yếu là những điều chỉnh lớn khi tôi phải theo đuổi những thứ mất nhiều thời gian,” Loren kể. “Ví dụ, tôi đang nộp đơn theo đuổi hợp đồng và cấp vốn từ chính phủ; đây là một lĩnh
vực ông ấy đã có kinh nghiệm. Vì thế tôi có thể thảo luận với ông về chiến lược cho những thứ này. Còn với Thede, tôi có thể nói với ông về cách tiếp cận một số nhà cấp vốn cụ thể – hỏi xem ông ấy biết gì về họ và tôi nên tiếp cận theo hướng nào? Vì vậy Thede thiên về những điều chỉnh nhỏ hàng ngày”.
Điều chỉnh nhóm hỗ trợ là một phần trong việc điều chỉnh và hoàn thành mục tiêu. Cũng như khi bạn muốn các mục tiêu phải khớp với nhau, lý tưởng nhất là bạn có những nhà cố vấn có thể giúp bạn kiến thức chuyên môn bằng kinh nghiệm của chính họ. Cho dù thế nào đi nữa, tất cả các cố vấn phải là người hiểu bạn thật sự. “Nếu bạn không hiểu được người ta muốn gì, mục tiêu thật sự của họ là gì, rất khó để bạn hướng dẫn họ,” Loren nói. “Lời khuyên của bạn hoặc sẽ sáo rỗng hoặc quá chung chung”.
Đừng lo lắng nếu sau một thời gian một số nhà cố vấn có vẻ như không còn phù hợp với nhu cầu của bạn. Bạn có thể dần dần đưa họ ra khỏi vai trò hiện tại, không gọi cho họ thường xuyên nữa khi bạn chuyển sang tìm đến những người có thể đưa ra lời khuyên phù hợp hơn. Trong một nhóm chính thức, bạn có thể phải trình bày rõ về nhu cầu thay đổi của mình. Dĩ nhiên, bạn phải tỏ cho họ biết bạn thật sự biết ơn vai trò họ đã đóng góp trước đây. Và hứa hẹn sẽ giữ liên lạc. Nhắc nhở họ rằng bạn đã học được rất nhiều từ tình bạn của hai người, và bạn mong được tiếp tục giữ tình bạn này.
Đối tác bỏ đi
Hỗ trợ lẫn nhau đòi hỏi công sức, lòng can đảm, và niềm tin. Nếu một người nào đó quyết định rằng họ không còn đủ thời gian hay công sức để làm một đối tác, bạn cũng đừng quan trọng hóa vấn đề. Nhu cầu của chính họ có thể đã thay đổi. Hoặc đơn giản là họ chưa hiểu hết Bốn Đặc điểm tư duy. Deborah Puette St. Amant, một diễn viên tại Los Angeles, đã tham gia vào một vài nhóm hỗ trợ chuyên nghiệp. Như cách bà nói, “Đối với một số người, những nhóm hỗ trợ này là một ý tưởng hay, nhưng khi họ bước vào giai đoạn bánh xe thật sự nghiến trên đường, họ mới nhận thấy mình không thể làm được. Họ chỉ đơn giản là không thể cam kết. Tôi nghĩ chính nỗi sợ đã xua
đuổi họ. Những thành viên trong nhóm yêu cầu bạn phải thử nghiệm những thứ quá khó khăn và đầy thách thức – ví như gọi điện cho những người bạn rất sợ để tìm người đỡ đầu mới. Họ đòi hỏi bạn phải mở rộng giới hạn. Một số người nhận thấy những việc này rất đáng ngại, và không phải ai cũng sẵn sàng thực hiện”.
Khi đối mặt với nhu cầu phải tìm thành viên mới cho nhóm, nên nhớ đến đặc điểm tư duy quảng đại: Mọi người đều muốn giúp đỡ.
Mối quan hệ trở nên quá gần gũi đến mức không còn hiệu quả
Tôi nhìn thấy tình huống này rất nhiều: Mọi người trong nhóm bắt đầu thân mật và vui vẻ mỗi khi gặp nhau, nhưng họ không còn thách thức nhau nữa. Không ai còn sẵn lòng vượt ra ngoài lề thói thông thường để nói ra sự thật về những mục tiêu bạn chưa đạt được hay những hành vi đang níu chân bạn. Có một cách rất dễ nhận biết tình trạng này khi nó xảy ra. Mọi người có phải đều gật đầu đồng tình khi một vấn đề khó khăn xuất hiện? Nếu đúng thế, nhóm đã đánh mất mục đích của nó.
Hỗ trợ lẫn nhau không thể thực hiện được nếu mọi người không dám đưa ra những phê bình mang tính xây dựng. Nên nhớ, công việc của bạn là tạo ra một không gian an toàn để các thành viên có thể chỉ trích từ tận đáy lòng, tất cả chỉ vì muốn điều tốt nhất cho bạn. Có phải bạn phòng thủ quá mức? Bạn quá hung hăng? Bạn có thể đã đưa ra những dấu hiệu kín đáo với đối tác rằng họ nên giữ lại sự trung thực và thẳng thắn của mình.
Hãy chú ý đến cảm giác của bạn khi nghe nhận xét của nhóm – giận dữ, buồn bã, bị phản bội? Gặp khó khăn trong việc chấp nhận chỉ trích là điều tự nhiên, nhưng nó phải trở nên dễ dàng hơn theo thời gian. Luyện tập kỹ năng lắng nghe tôi đã nhắc đến trong phần đấu tập. Bạn muốn nhắm đến hai cấp độ cao nhất trong kỹ năng lắng nghe, đó là lắng nghe trách nhiệm và lắng nghe tiếp thu. Luôn cố gắng lắng nghe cẩn thận, luôn cảm ơn đối tác, và luôn nêu rõ trong mỗi buổi họp là bạn muốn nghe sự thật hoàn toàn và sẵn sàng nói lại sự thật với họ. Theo kinh nghiệm của tôi, không ai tình nguyện trở thành nghị gật; họ làm thế là vì có ai đó đã truyền đi thông điệp rằng
bạn muốn được thấy gật đầu mà thôi. Hãy nói rõ rằng bạn không muốn có nghị gật trong nhóm, và bạn sẽ không chấp nhận điều này. Hỗ trợ lẫn nhau dĩ nhiên là phải mang đến điều tốt đẹp cho nhau, nhưng đây không phải là giờ chơi đùa.
Bạn kỳ vọng quá nhiều quá sớm
Nếu bạn kỳ vọng hỗ trợ lẫn nhau là một quá trình hoàn hảo, hoặc một quá trình giúp bạn hoàn hảo, bạn sẽ thất vọng và dễ từ bỏ. Đừng cố gắng cắn một miếng quá lớn khiến bạn không nuốt được. Hãy tin tôi, tôi biết việc này mất rất nhiều công sức. Nên nhớ, chúng ta không ai là hoàn hảo, tất cả chúng ta đều cần được giúp đỡ, và mỗi người trong chúng ta đều được phép phạm sai lầm. Nếu bạn hay bất cứ thành viên nào trong nhóm bắt đầu giương cờ trắng vì những lý do không xác định, có thể nguyên nhân chính là nỗi sợ mình không hoàn hảo. Hãy đặt kỳ vọng rằng mọi thứ có thể không như mong muốn vào bất cứ lúc nào.
Ken Sacher, lãnh đạo chương trình hỗ trợ nhóm chuyên nghiệp tại San Diego tên là Marketplace Forum, nhấn mạnh rằng quan hệ hỗ tương là một công việc luôn tiếp diễn: “Một điểm gây bực mình cho những người quen với việc hoàn thành xong mục tiêu là không tìm được điểm kết thúc cho quá trình này. Điều này thật đáng ngạc nhiên đối với họ. Nhưng tôi làm trong ngành kinh doanh bất động sản. Tôi biết chúng tôi mất 20 năm để bảo trì cho mái nhà và khi đến hết thời gian này thì bạn phải thay mái nhà mới. Không có chuyện làm một lần là xong. Điều này cũng tương tự trong mối quan hệ con người”. Một cách để tiếp thêm năng lượng cho nhóm hỗ trợ là giới thiệu thêm thành viên mới. Hãy tin tôi – chỉ cần một thành viên mới gắn bó với nhóm cũng đủ cho cả nhóm xôn xao.
Một cách khác để thoát khỏi tình trạng mục rũ là thay đổi nơi chốn, cách thức, thời gian gặp gỡ. Nếu bạn thường gặp nhau mỗi tháng một lần tại một nhà hàng để cùng ăn sáng, hãy thử đổi sang ăn tối hay gặp nhau vào cuối tuần. Thêm vào một sự kiện xã hội, và mời gia đình của mọi người cùng tham gia. Nếu có thể, kêu gọi họ tham gia vào thảo luận về nhóm và mục tiêu của nhóm. Đó là một cách để mở rộng quan điểm trong số những người bạn đã tin cậy.
Gỡ rối cho Bốn Đặc điểm tư duy
Vấn đề: Mất tinh thần trách nhiệm – khi mọi người không giữ cam kết.
Giải pháp: Đánh giá lại mục tiêu hay hành vi, và điều chỉnh chúng một cách phù hợp để khiến chúng trở nên khả thi. Đôi khi bạn có thể phải điều chỉnh cả quy trình chịu trách nhiệm – ví dụ, cân nhắc gặp mặt thường xuyên hơn, hoặc tiếp tục trao đổi qua điện thoại và email trong khoảng thời gian giữa các cuộc họp.
Vấn đề: Thiếu sự thẳng thắn trong những cố vấn tin cậy. Bạn lo ngại khi phải nói gì đó về đối tác, hoặc ngược lại họ đi nhẹ nói khẽ khi ở quanh bạn.
Giải pháp: Bạn cần phải củng cố tầm quan trọng của việc tự hoàn thiện liên tục. Và nên nhớ, luôn luôn nhớ, rằng quá trình này là cả một chuyến đi dài. Đôi khi bạn có thể cần đến một người bên ngoài, có thể là một nhà tập huấn chuyên nghiệp, để xốc mọi thứ lên.
Vấn đề: Thiếu sự chấp nhận tổn thương. Theo kinh nghiệm của tôi, điều này xảy ra khi mọi người lo ngại người khác đánh giá mình là thiếu hoàn hảo.
Giải pháp: Củng cố sự thân thiện và cởi mở bằng cách chia sẻ những đấu tranh của riêng từng người. Tổ chức các sự kiện xã hội cho cả nhóm để khuyến khích sự thân mật.
Vấn đề: Thiếu quảng đại. Điều này xảy ra khi người ta quá bận rộn không thể giúp đỡ, hoặc họ nhận thấy mình phải ra đi.
Giải pháp: Đừng bao giờ quên: Người ta ra đi là chuyện bình thường.
Quảng đại là nền tảng tuyệt đối của thành công; nếu ai đó cần phải ra đi, hãy để cho họ làm thế. Và cảm ơn họ đã đóng góp và phản hồi trong những năm tháng vừa qua.
Hợp tác, đừng thỏa hiệp
Bất cứ lúc nào bạn giao tiếp với một người khác đều có khả năng xảy ra hiểu lầm, nghe nhầm, hỗn loạn, hay mâu thuẫn. Chúng ta đều có nhu cầu và động cơ khác nhau. Giả định rằng mọi phương pháp tiếp cận và ưu tiên của mỗi người đều hòa nhập với nhau một cách hoàn hảo ngay tại chỗ là một điều quá ngây thơ.
Một châm ngôn mà tôi học được cách đây nhiều năm trong phòng họp hội đồng quản trị có thể giúp bạn ít nhiều: “Hợp tác, đừng thỏa hiệp”. “Thỏa hiệp” ám chỉ rằng một hay hai bên phải từ bỏ một điều gì đó để đạt đến đồng thuận. Hợp tác, ngược lại, cho rằng nếu làm việc cùng nhau, các bên có thể đưa ra một giải pháp không đòi hỏi bên nào phải hy sinh hay từ bỏ điều gì. Cả hai bên đối tác đều cùng nhau đưa ra giải pháp, vì vậy nó thuộc về cả hai bên.
Một lần trong một buổi nói chuyện, tôi chia khán giả thành hai nhóm, “người hợp tác” và “người thỏa hiệp”. Trong mỗi nhóm họ bắt cặp với nhau để cùng thương lượng. Mỗi người được nhận một mảnh giấy ghi thông tin chi tiết về một tình huống thương lượng giả lập và những nguồn lực họ có thể sử dụng để thương lượng. Những tình huống này đều giống nhau giữa hai nhóm.
Tôi cho mỗi nhóm ba mươi phút để thương lượng trong hai phòng riêng biệt, và sau đó tụ họp mọi người lại trong khán phòng chính. Kết quả thật ngạc nhiên. Thứ nhất, nhóm được yêu cầu hợp tác hoàn thành bài tập chỉ trong nửa thời gian của nhóm thỏa hiệp. Ngoài ra, khi tôi hỏi nhóm nào cảm thấy thỏa mãn với kết quả đạt được, những người thuộc nhóm hợp tác lại một lần nữa chiến thắng tuyệt đối.
Sẽ có những lúc quy trình trách nhiệm đồng đẳng giữa các đối tác trong nhóm đòi hỏi phải thương lượng hoặc đồng thuận về ý nghĩa của những gì cả hai bên cam kết thực hiện. Thay vì tiếp cận buổi thảo luận với quan điểm thỏa hiệp, tôi nghĩ tốt hơn nên giải quyết vấn đề như những người hợp tác.
Đội ngũ trong mơ: Ford, Edison, và Firestone
Một trong những nhóm hỗ trợ tuyệt vời nhất trong lịch sử kinh doanh là tình bạn giữa
Henry Ford, Thomas Edison, và Harvey Firestone. Ba thủ lĩnh trong ngành công nghiệp này không có đối thủ, thay vào đó bao quanh họ là những kẻ xu nịnh và nghị gật, vì vậy họ tìm đến nhau để tìm lời khuyên, sự động viên, và phản hồi trung thực.
Ba người có rất nhiều điểm chung. Cả ba đều là người tự học, gốc người Trung Tây nước Mỹ, lớn lên trong những gia đình tỉnh lẻ bình thường. Cả ba đều biết kết hợp sự đam mê công nghệ với cái đầu nhạy bén kinh doanh. Ngoài ra, mối quan tâm thương mại của họ cũng thường trùng lắp nhau. Ford thiết kế dây chuyền sản xuất đã làm biến đổi ngành sản xuất. Các nhà máy của ông tiêu thụ lượng điện rất lớn, do Edison cung cấp; đồng thời Edison cũng là người chịu trách nhiệm chính cho việc thiết lập mô hình nghiên cứu công nghiệp hiện đại dẫn đến nhiều cải tiến cho ngành ô tô. Đối với Firestone, ông hoàn thiện bánh xe cao su vốn không thể thiếu cho những chiếc ô tô Model T lăn bánh.
Mối quan hệ của họ sâu sắc hơn chỉ là liên minh chiến lược. Cả ba người và gia đình thường cùng nhau nghỉ đông tại Florida (Ford và Edison được xem như là hàng xóm của nhau). Tại đây, họ dành nhiều thời gian để đánh giá thành công và thất bại của nhau. Họ thậm chí còn chung tay xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Fort Myers (một dự án nhằm tìm chất thay thế cho cao su).
Một dự án mạo hiểm nổi tiếng nhất của họ là một loạt những chuyến cắm trại mỗi mùa hè từ năm 1914 đến 1924. Tự gọi mình là Những kẻ lông bông (Vagabond), họ đi xuyên nước Mỹ bằng đoàn xe hơi chất cao đến mui gồm những lều bạt và dụng cụ khác, và thường có sự tham gia của những nhà tự nhiên học như John Burroughs hay Luther Burbank, đôi khi cả tổng thống Mỹ. Họ còn mời theo cả hàng đoàn phóng viên và quay phim. Kho lưu trữ vẫn giữ những tấm hình cho thấy họ cùng nhau làm bánh kếp, chẻ củi, và dĩ nhiên cả sửa xe.
Gốc rễ của mối quan hệ: động viên ba chiều. Ford sau này nhớ lại rằng vào năm 1896 khi ông đang phát triển chiếc xe chạy bằng xăng, Edison là người đầu tiên nhận ra giá trị của nó. “Đúng nó rồi đó!” Edison nói, tay nắm lại đập xuống bàn. “Anh làm được rồi! Chiếc xe của anh sẽ có đủ hết và mang trên mình nó cả một nhà máy năng
lượng”.
Ford sau này viết lại: “Cú đập tay xuống bàn đó là cả thế giới đối với tôi. Chưa từng có ai động viên tôi cho đến lúc đó… ngay tại đây, một cách bất ngờ không báo trước, vị thiên tài phát minh vĩ đại nhất trên thế giới đã gật đầu đồng tình với tôi hoàn toàn”.
Thật thú vị khi nhìn thấy ba con người này, với những phát minh khởi đầu một thế giới di chuyển và kết nối công nghệ, lại ngang hàng nhau khi kết nối con người.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.