Phớt Lờ Tất Cả Bơ Đi Mà Sống
8. Giữ nghề kiếm cơm
Tôi không nói vậy vì lý do thông thường – vì trong trường hợp đó tôi nghĩ rằng ý tưởng của bạn sẽ thất bại. Tôi nói vậy bởi vì đột ngột nghỉ việc trong một giây phút sáng tạo bột phát vĩ đại luôn luôn, luôn luôn và luôn luôn đi ngược lại với cái tôi gọi là “Lý thuyết Tình & Tiền.”
LÝ THUYẾT TÌNH & TIỀN
Về cơ bản, mẫu người sáng tạo có hai loại nghề: Loại thứ nhất sáng tạo, quyến rũ. Loại thứ hai lo cơm áo gạo tiền. Cũng có lúc công việc chứa đựng cả hai yếu tố, nhưng không phải thường xuyên. Hai khía cạnh căng thẳng này luôn đóng vai trò trung tâm, không bao giờ lệch sang bên nào cả.
Một ví dụ điển hình là Phil bạn tôi, làm nghề nhiếp ảnh ở New York. Anh chụp những tấm ảnh thực sự hoang dại cho các tờ tạp chí hippie nhỏ – rõ ràng là chẳng được lợi lộc gì, nhưng nó giúp anh gây dựng kinh nghiệm cho bản thân. Rồi trên cơ sở đó, anh ra ngoài và có thời gian chụp cho một số catalogue bán lẻ. Chẳng hứng thú gì, nhưng cũng đủ chi trả cho cuộc sống.
Một ví dụ khác là mẫu người như Martin Amis, tác giả người Anh có sách thuộc loại bán chạy nhất. Anh viết tiểu thuyết “nghiêm túc”, nhưng cũng kiếm thêm thu nhập bằng cách thi thoảng viết bài cho các tờ báo của London, hoặc lâu lâu lại xuất hiện trên truyền hình (nhìn chung, tiền nhuận bút tiểu thuyết khá bèo bọt, ngay cả những ngôi sao như Amis cũng không phải là ngoại lệ).
Hoặc là giới diễn viên. Năm nay John Travolta xuất hiện trong một bộ phim đình đám như Pulp Fiction (“Tình”), năm sau anh sẽ tham gia một bộ phim ly kỳ có ngân sách lớn nhưng dễ quên như Broken Arrow (“Tiền”).
Hoặc là họa sĩ. Anh bỏ cả tháng ra để vẽ những bức tranh màu xanh nước biển bởi vì đấy là màu ưa chuộng của các nhà sưu tập nổi tiếng trong dịp này (“Tiền”), tháng sau anh lại vẽ toàn tranh màu đỏ bởi vì trong thâm tâm anh ghét màu xanh nước biển và thích màu đỏ (“Tình”).
Hoặc là dân tin học. Thời gian làm việc ban ngày anh lập trình cho một doanh nghiệp vô danh (“Tiền”), rồi dành hết buổi tối và cuối tuần để viết các trò chơi máy tính rối mù, khó hiểu để chơi với đám bạn bè kỹ thuật của mình (“Tình”).
Phải cân bằng nhu cầu kiếm sống đàng hoàng, đồng thời vẫn duy trì được sự tự chủ trong sáng tạo của bản thân. Phương pháp của tôi là vẽ biếm họa và viết blog (“Tình”) song song với công việc kiếm cơm. (Xem mẹo số 3 để biết thêm chi tiết về công việc của tôi.)
Tôi đang nghĩ về một nữ nhà văn trẻ phải làm phục vụ bàn để kiếm sống thay vì có bài viết xuất hiện trên các tạp chí hiện đại và hấp dẫn… đang mơ ước đến ngày không phải chia đời mình ra một cách cay nghiệt như thế nữa.
Dần dần thì có thể phần “cay nghiệt” sẽ không còn nữa, nhưng “phép chia” thì vẫn phải có.
Hai khía cạnh căng thẳng này luôn đóng vai trò trung tâm, không bao giờ lệch sang bên nào cả.
Và chẳng có ai là ngoại lệ cả. Dù đấy là người phục vụ bàn phải bươn trải kiếm sống, hay là ngôi sao điện ảnh.
Khi bạn công nhận điều này, tôi muốn nói là thực sự công nhận điều này, vì một lý do nào đó sự nghiệp của bạn sẽ tiến nhanh hơn. Tôi không biết tại sao lại như thế. Chính những người không chịu chia tách cuộc sống theo cách này – họ chỉ muốn khởi động Ngày Đầu Tiên bằng cách bỏ công việc nhàm chán hiện tại và tiến thẳng đến vị trí một tác giả có sách bán chạy nhất – vâng, họ chẳng bao giờ thành công nổi cả.
Dù sao đi nữa, nó cũng có tên là “Lý thuyết Tình & Tiền.” Hãy coi nó là cuốn sách gối đầu giường của bạn đi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.