Phớt Lờ Tất Cả Bơ Đi Mà Sống

14. Đừng bao giờ so sánh bên trong mình với bề ngoài người khác.



Càng chăm luyện nghề, bạn càng đỡ lúng túng khi phân biệt phần thưởng vật chất với phần thưởng tinh thần, và ngược lại. Ngay cả khi con đường của bạn không mang lại tiền bạc hay thăng tiến nghề nghiệp, điều này vẫn cực kỳ đáng giá.

Khi mới mười sáu mười bảy tuổi, tôi loáng thoáng biết một gã làm chủ tiệm Cinders trên đường St. Stephen ở Edinburgh. Tiệm này chuyên phục chế lò sưởi cổ. Cách làm của Cinders rất đơn giản: mua bệ lò sưởi nguyên bản kiểu George và Victoria từ những ngôi nhà cũ kỹ, đổ nát với giá rẻ mạt, đưa vào xưởng xử lý chúng qua loa cho thích hợp, sau đó bán lại cho đám trẻ tuổi nhiều tiền với giá cắt cổ.

Khi đấy, tôi tò mò phát điên lên không biết mọi người kiếm sống bằng cách nào (bây giờ vẫn thế). Vì thế một hôm, khi đang ngồi trên bậc thềm nhà Ông Lò Sưởi, tôi nói với ông về chuyện này.

Ông kể cho tôi nghe về những điểm lắt léo trong nghề – săn lùng khắp những ngôi nhà cổ, tay nghề chuyên môn, quan hệ với khách hàng, và tất nhiên là cả lợi nhuận nữa.

Có vẻ như ông rất tự hào về công việc của mình. Qua cách kể chuyện, ông tỏ ra rất thích công việc và sống khá tươm tất. Thời đó Scotland đang trong giai đoạn suy thoái; người thất nghiệp nhiều, tiền nong khó khăn; tôi nghĩ đối với một lão già hippie thì mọi thứ lại càng trở nên khó khăn hơn nhiều.

Rất ít trẻ em nói rằng “Ồ, lớn lên mình sẽ làm một Ông Lò Sưởi!” Đây không phải là nghề sáng sủa nhất trên thế giới. Tôi hỏi ông bước chân vào nghề này thế nào.

“Trước đây ta chuyên buôn đồ cổ,” ông nói. “Dường như người nào chi nhiều tiền mua đồ cổ cũng chi rất nhiều tiền để phục chế nhà cửa. Chỉ cần trò chuyện với những người trong tiệm đồ cổ, ta đã thoáng ngửi thấy mùi cơ hội rồi. Hơn nữa, ở Edinburgh có nhiều người buôn đồ cổ bon chen quá rồi, vì vậy ta cũng phải tìm cách nào khác dễ thở hơn một chút để kiếm ăn.”

Cũng giống như những nghề béo bở nhất trên thế giới, câu chuyện diễn ra đại loại như thế.

“Ôi, có mấy cái lò sưởi đẹp quá đi mất,” tôi nói. “Chắc là khó mà xa rời chúng được nhỉ?”

“Không, có gì khó đâu,” ông nói (và đây là phần tôi nhớ rõ nhất). “Ta muốn nói rằng ta thích chúng, nhưng chúng chiếm nhiều không gian quá – vừa to lớn vừa cồng kềnh
– ta thấy nhẹ cả người khi bán được chúng. Ta chỉ muốn tống chúng ra khỏi tiệm càng sớm càng tốt để thu tiền về thôi. Ta bán chúng đi nhẹ nhàng lắm. Không giống như đồ cổ. Ta luôn thấy yêu đồ cổ, vì vậy ta cũng đem lòng yêu luôn cái kho hàng, lúc nào ta cũng muốn ôm khư khư lấy những món đồ tốt nhất của mình. Lúc nào ta cũng cố tình phát giá thật cao để giữ chúng lại với tiệm.”

Còn trẻ và say lý tưởng, tôi nói với ông rằng như thế thật là đáng buồn. Tại sao lại quyết định chỉ bán một “sản phẩm đơn thuần” (chẳng hạn như cái bệ sưởi), trong khi ông có thể kiếm tiền bằng cách bán những thứ mà ông thực sự quan tâm (chẳng hạn như đồ cổ)? Chắc chắn là cách sau thích hợp hơn chứ?

“Nguyên tắc đầu tiên của kinh doanh,” ông nói, bật cười trước sự ngây thơ của tôi, “là không bao giờ bán đi những thứ mình yêu thích. Nếu không, sẽ có lúc anh bán cả con mình.”

Mười lăm năm sau, tôi ngồi tại một quán bar ở New York. Một người bạn-của-bạn tôi nhìn những bức biếm họa và hỏi tôi có định công bố chúng hay không. Tôi trả lời không. Bảo rằng đây chỉ là một thú vui thôi. Rồi kể cho anh ta nghe về công việc quảng cáo.

“Ồ, thế quái nào mà anh lại làm quảng cáo nhỉ?” anh ta nói, chỉ tay vào cái cặp giấy của tôi. “Lẽ ra anh nên làm cái này. Triển lãm tranh ảnh gì đấy chứ. Hay là áo phông!”

“Quảng cáo chỉ là bệ sưởi thôi,” tôi nói vào cốc của mình.

“Cái gì cơ?”

“Không có gì.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.