Phớt Lờ Tất Cả Bơ Đi Mà Sống
19. Tránh xa Đội quân Bình nước.
Đội quân này rất vui vẻ, nhưng sớm muộn thì họ cũng sẽ xen vào việc của bạn thôi.
Trở lại thời tôi mới lơ ngơ vào làm việc cho một công ty quảng cáo lớn, tôi rất khó chịu khi “Đội quân Bình nước” cứ kêu ca suốt ngày. “Đội quân Bình nước” là khái niệm của tôi dùng để gọi những kẻ thời đó vẫn được phép tồn tại trong ngành. Đã nhiều năm sau khi bước qua thời kỳ sung sức của mình, cả lũ nhân viên sáng tạo hạng hai vẫn bị đám giám đốc sáng tạo vắt kiệt đến tận giọt sức cuối cùng, và đến khi không còn gì nữa thì vứt bỏ không thương tiếc. Suốt ngày lượn lờ tới chỗ cái bình nước nóng lạnh và say xỉn khi đi ăn trưa về đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Làm đêm và tăng ca vào cuối tuần tuy nhàm chán nhưng lại có tiền. Vắt, vắt, vắt.
Tôi nhớ có những tuần người ta có thể dễ dàng bỏ ra nửa tiếng đồng hồ mỗi ngày để nghe Ted ca cẩm.
Trước đây phòng làm việc của Ted có cửa sổ nhưng bây giờ chỉ còn là một ô lập phương mà thôi, kể từ sau cuộc gặp kinh hoàng với khách hàng X. Ngày nào anh cũng ghé qua ô của tôi ít nhất một lần và bắt đầu ca cẩm. Ca cẩm, ca cẩm, ca cẩm… về bất cứ chuyện gì: Josh Cậu-Bé-Vàng là nhà văn vớ vẩn và rởm đời ra sao… hoặc họ đã mua mẫu quảng cáo của Tiểu-Thư-Quần-Lót-Khêu-Gợi chứ không mua của anh như thế nào, “mặc dù mẫu của tớ tốt nhất phòng và bất cứ thằng khốn nào ở đó cũng đều biết.”
Như tôi đã nói, bất cứ chuyện gì.
Những câu chuyện như thế cứ kéo dài đến vô tận… buôn buôn bán bán… Rõ khổ! Ted ạ, tớ rất quý cậu, cậu rất tuyệt vời, nhưng cậu ngậm miệng lại giùm tớ cái…
Giờ đây nhìn lại, chính tấm gương của Ted đã dạy cho tôi một bài học sâu sắc – hồi đó tôi vẫn còn quá trẻ và ngây thơ nên chưa học được gì cả – rằng có thể văn phòng của bạn sẽ tràn ngập các giải thưởng quảng cáo hiện hữu, giải thưởng Clio và One Show (những giải thưởng hoành tráng của ngành), nhưng có thể sự nghiệp của bạn vẫn chìm sâu dưới hố bùn.
Đừng hiểu sai ý tôi – sự nghiệp của tôi ở đấy thực sự là một thảm họa. Đây không phải là trường hợp một người nhóm A chế giễu nhóm B, mà là một người nhóm C chế giễu nhóm B.
Tôi đang ăn trưa với John, một cộng sự xấp xỉ tuổi tôi. Chúng tôi vào công ty cùng một thời điểm. Bữa trưa của chúng tôi là đồ ăn Thái rẻ tiền và trông đẹp mắt ở quán ăn ngay dưới chân công ty.
Tôi nói: “Tớ phải nghỉ việc thôi.”
John nói: “Tớ nghĩ cậu thích công việc ở đây cơ mà.”
Tôi đáp: “Tớ thích. Nhưng lý do duy nhất họ muốn giữ tớ ở đây là vì tớ vẫn còn trẻ và chấp nhận lương thấp. Nhưng khi một trong hai yếu tố đó không còn nữa thì tớ chỉ là đồ bị thịt mà thôi.”
“Giống như Ted,” John nói.
“Ừ, cậu ta và phần còn lại của Đội quân Bình nước.”
John bật cười: “Đám Bình nước.”
Vậy là chúng tôi được dịp cười đám đồng nghiệp già tội nghiệp, đen đủi ở công ty. Thành thực mà nói, chúng tôi chẳng đồng cảm đến thế. Có thể đời họ không ra gì, nhưng ngày xưa họ cũng đã từng có những giây phút vinh quang. Họ đã từng giành được nhiều giải thưởng, từng bay tới quần đảo Bahamas để quay chương trình quảng cáo giấy vệ sinh với các ngôi sao điện ảnh nổi tiếng, vân vân. Không giống như đám trẻ chúng tôi. John và tôi chỉ mới ra trường được vài năm và vẫn chưa tạo được dấu ấn trên lĩnh vực mình vừa đặt chân vào, dù chúng tôi không kém đam mê và hy vọng so với bất cứ ai đang hiện hữu trên đời.
Thỉnh thoảng, chúng tôi bán được vài quảng cáo trên báo, một số trang tạp chí, nhưng truyền hình là thứ nằm ngoài tầm với. Cho đến nay, công ty chúng tôi đầu quân vẫn chưa tạo điều kiện cho chúng tôi tỏa sáng. Đấy là lỗi của chúng tôi hay lỗi của họ? Có thể mỗi bên có một phần lỗi, nhưng lúc đó chỉ toàn “Lỗi của họ, khỉ thật!” Tất nhiên, mọi việc đều là “Lỗi của họ, khỉ thật!” khi bạn hai mươi tư tuổi.
Chừng một năm sau thì tôi nghỉ việc. John tiếp tục ở lại công ty vì lý do nào đó, vài năm sau cưới vợ và nhanh chóng có con. Bỗng nhiên phải gánh vác cả gia đình, anh không thể để người ta đuổi việc mình được. Tay giám đốc sáng tạo biết điều này và bắt đầu gây sức ép.
“John này, anh không ngại phải làm việc vào cuối tuần đấy chứ? Tốt. Tôi biết là anh không ngại mà. Chúng ta ai nấy đều biết cả nhóm phụ trông cậy vào tài xoay xở của anh thế nào trong giai đoạn cam go này mà – đấy là lý do vì sao chúng tôi đánh giá anh cao như vậy, John, phải không nào?”
Lần cuối cùng tôi nhìn thấy John là khi anh đang làm việc ở cái công ty nhỏ bé, kinh khủng này với thu nhập chỉ bằng một phần mức lương cũ của anh. Hóa ra công ty lớn đã tống cổ anh ra đường sau khi đứa con thứ hai của anh ra đời được một tuần.
Chúng tôi lại ăn trưa cùng nhau trong nhà hàng Thái đó vì tình bạn ngày nào. Chúng tôi rất vui vẻ, nói đủ thứ chuyện nghệ thuật thường ngày như trước đây. Cuộc trò chuyện rất thú vị, chỉ bị phá hỏng bởi duy nhất một điều: khi tôi nhìn John, từ “Bình nước” không ngừng nhảy vào trong đầu tôi, như một vị khách không mời.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.