Ăn Cầu Nguyện Yêu
CHƯƠNG 41
Ở đây tất cả chúng tôi đều được giao việc, và nhiệm vụ của tôi hóa ra là cọ rửa sàn đền thờ. Vậy nên giờ đây đó là nơi bạn có thể thấy tôi vài giờ mỗi ngày – quỳ trên sàn cẩm thạch lạnh với một cái bàn chải và một cái xô, miệt mài làm việc như đứa con ghẻ trong truyện cổ tích. (Nhân tiện, tôi ý thức được ẩn dụ này – lau chùi sạch đền thờ đó là lau chùi tim tôi, đánh bóng linh hồn tôi, cố gắng trần tục mỗi ngày phải được áp dụng vào thực hành tâm linh để thanh lọc bản ngã v.v…)
Những người bạn chùi sàn của tôi chủ yếu là một nhóm thanh thiếu niên Ấn. Họ luôn giao cho thanh thiếu niên công việc này vì nó đòi hỏi năng lực thể chất cao chứ không phải nguồn trách nhiệm lớn; có một giới hạn cho tổn thất ta có thể gây ra khi làm hỏng chuyện. Tôi thích mấy đồng nghiệp của mình. Các cô gái run rẩy như những cánh bướm có vẻ trẻ hơn các cô gái Mỹ mười tám tuổi rất nhiều, còn các cậu con trai là những nhà chuyên quyền bé nhỏ mặt mũi nghiêm trọng thì có vẻ già hơn mấy cậu bé Mỹ mười tám tuổi. Lẽ ra không ai được nói chuyện trong các đền thờ, nhưng họ là những thanh thiếu niên, vậy nên trò chuyện diễn ra liên tục khi chúng tôi làm việc. Không phải tất cả đều là chuyện tầm phào vô ích. Một trong các cậu bé cả ngày cọ rửa sàn cạnh tôi say sưa giảng cho tôi nghe làm sao để hoàn thành tốt nhất công việc mình ở đây, “Nghiêm túc. Đúng giờ. Điềm đạm và tự tại. Hãy nhớ – tất cả những gì chị làm là chị làm cho Thượng Đế. Và tất cả những gì Thượng Đế làm là ngài làm cho chị.”
Đó là một công việc thể xác mệt nhọc, nhưng những giờ làm việc hàng ngày của tôi dễ dàng hơn rất nhiều so với những giờ thiền định hàng ngày. Sự thật thì, tôi không nghĩ mình giỏi việc thiền định. Tôi biết mình không có thời gian luyện tập, nhưng thành thật mà nói tôi chưa bao giờ giỏi cả. Dường như tôi không thể giữ tâm trí mình lắng tĩnh. Tôi đã từng đề cập việc này với một thầy tu Ấn, và ông nói, “Tiếc rằng cô không phải là người duy nhất trong lịch sử thế giới gặp vấn đề này.” Rồi thầy trích dẫn cho tôi trong Bhagavad Gita, văn bản Yoga cổ thiêng liêng nhất, “Ô Krishna, tâm trí thì không yên, loạn động, mạnh mẽ và không khuất phục. Ta xem khuất phục nó cũng khó như khuất phục gió vậy.”
Thiền vừa là mỏ neo vừa là đôi cánh của Yoga. Thiền là con đường. Có một sự khác biệt giữa thiền và cầu nguyện dù cả hai thực hành đều tìm kiếm tương đồng với thiêng liêng. Tôi được biết rằng cầu nguyên là hành vi nói chuyện với Thượng Đế, trong khi thiền là hành vi lắng nghe. Hãy thử đoán xem cái nào dễ dàng hơn với tôi. Tôi có thể bi bô với Thượng Đế và tất cả những cảm nghĩ của mình và những vấn đề của mình suốt cả ngày, nhưng đến lúc phải bước vào tĩnh lặng và lắng nghe… lạ thật, đó lại là chuyện khác. Khi tôi yêu cầu tâm trí mình ngưng nghỉ trong tĩnh lặng, thật kinh ngạc biết chừng nào là nó nhanh chóng chuyển thành (1) buồn chán, (2) giận dữ, (3) phiền não, (4) lo âu hay (5) tất cả những điều trên.
Cũng như phần lớn loài linh trưởng, tôi cũng trì độn với cái mà đạo Phật gọi là “tâm thức khỉ” – những ý nghĩ cứ đu từ cành này sang cành khác, chỉ dừng để gãi, phun nhổ và hú. Từ quá khứ xa xôi đến tương lai vô định, tâm thức tôi quay cuồng hỗn loạn suốt, chạm vào hàng tá ý niệm mỗi phút, không kiềm chế và không khuôn phép. Điều này tự nó không hẳn là một vấn đề; vấn đề nằm ở các vướng mắc cảm xúc đi cùng với suy niệm. Những ý nghĩ vui làm tôi vui, nhưng – Ôi chao! – tôi lại đu vào lo lắng ám ảnh mới nhanh làm sao, làm hỏng cả tâm trạng này; rồi nhớ lại khoảnh khắc giận dữ nào đó, tôi lại bắt đầu thấy bực mình và lại tức điên lên; và rồi tâm trí tôi quyết định có lẽ đây là lúc thích hợp để bắt đầu cảm thấy tự thương thâ, thế là nỗi cô đơn lẹ làng kéo đến. Suy cho cùng, ta là cái ta nghĩ. Cảm xúc của ta là nô lệ của tư tưởng ta, và ta là nô lệ của cảm xúc ta.
Một vấn đề khác với toàn bộ sự chao động qua đám dây leo tư tưởng này là ta không bao giờ an trụ. Ta luôn luôn đào bới vào quá khứ hay chõ vào tương lai, mà hiếm khi ta ngưng nghỉ trong giây phút này. Nó là cái gì đó như thói quen của Susan bạn tôi, người mà – mỗi khi thấy một nơi nào đẹp – lại la lên gần như hoảng loạn, “Ở đây đẹp quá! Tớ muốn trở lại đây một ngày nào đó!” và tôi phải dùng hết khả năng thuyết phục của mình để làm cô tin là cô đang ở đây rồi. Nếu ta mong cầu hợp nhất với thiêng liêng, cái kiểu quay lộn tới lui này là một vấn đề. Có lý do khi người ta gọi Thượng Đế là một hiện diện – vì Thượng Đế đang ở ngay đây, ngay lúc này. Hiện tại là nơi duy nhất để tìm thấy Ngài, và lúc này là lúc duy nhất.
Nhưng an trụ trong giây phút hiện tại đòi hỏi nhất tâm. Các kỹ thuật thiền khác nhau hướng dẫn tập trung vào một điểm bằng nhiều cách khác nhau – ví dụ, bằng cách tập trung mắt vào một điểm sáng duy nhất, hay bằng cách quan sát sự lên và xuống của hơi thở ta. Sư phụ tôi dạy thiền định với trợ lực của một câu chú, những từ hay âm tiết linh thiêng phải lặp đi lặp lại một cách chuyên tâm. Chú có chức năng đối ngẫu. Đầu tiên, chú cho tâm thức một cái gì đó để làm. Như thể ta giao cho con khỉ một đống 10.000 cái hạt và nói, “Hãy đem những cái này, từng hạt một, sang một đống mới.” Nhiệm vụ này dễ dàng cho con khỉ hơn là quẳng hắn vào một góc và bảo hắn không được nhúc nhích. Mục đích nữa của chú là đưa ta sang một trạng thái khác, như thuyền có mái chèo, qua những con sóng bập bềnh của tâm thức. Mỗi khi chú ý của ta bị đẩy vào một dòng nước tư tưởng cắt ngang, chỉ cần trở lại với câu chú, trèo lại lên thuyền và tiếp tục đi. Người ta nói những câu chú tiếng Phạn cao quý chứa đựng quyền năng không thể tưởng tượng được, có khả năng đưa ta, nếu ta có thể trụ vững với một câu chú, thẳng đến bên bờ thiêng liêng.
Trong số rất rất nhiều vấn đề tôi gặp trong việc thiền định có một điều là câu chú người ta trao tôi – Om Namah Shivaya – không yên vị trong đầu tôi. Tôi thích cái âm thanh của nó và tôi yêu quý ý nghĩa của nó, nhưng nó không đưa tôi vào trạng thái thiền định. Chưa từng, không một lần nào trong hai năm tôi thực hành Yoga này. Khi tôi cố lặp lại Om Namah Shivaya trong đầu, quả thực là nó kẹt trong cổ họng tôi, khiến ngực tôi thắt lại, làm tôi căng thẳng. Tôi chưa bao giờ có thể đưa các âm tiết khớp vào hơi thở của mình.
Rốt cuộc một đêm tôi phải hỏi cô bạn cùng phòng Corella về chuyện này. Tôi ngượng phải thú nhận với cô mình gặp khó khăn khi giữ tâm trí tập trung vào việc lặp lại câu chú, nhưng cô là một thầy thiền. Có lẽ cô có thể giúp tôi. Cô bảo tôi là tâm trí cô cũng thường lang thang khi thiền, nhưng giờ thì hành thiền trở thành niềm vui có sức mạnh chuyển hóa, điều thanh thản và cao cả nhất trong đời cô.
“Dường như tôi chỉ ngồi xuống và nhắm mắt,” cô nói “và tôi chỉ phải nghĩ về câu chú và tôi biến ngay vào thiên đường.”
Tôi nôn nao ganh tị khi nghe thấy thế. Nhưng mặt khác, số năm Corella thực hành Yoga cũng bằng số tuổi tôi. Tôi hỏi cô có thể chỉ cho tôi chính xác cô dùng Om Namah Shivaya trong hành thiền của mình như thế nào không. Cô có hít vào khi đọc mỗi âm tiết không? (Khi tôi làm vậy, dường như nó thật sự bất tận và khó chịu.) Hay mỗi từ cho mỗi hơi thở? (Nhưng các từ có các độ dài khác nhau! Vậy làm sao ta rải đều ra?) Hay cô đọc cả câu chú một lần khi hít vào, rồi lại một lần nữa khi thở ra? (Vì khi tôi cố làm vậy, tất cả chúng tăng tốc và tôi trở nên bất an.)
“Tôi không biết nữa,” Corella nói. “Tôi chỉ kiểu như… đọc nó.”
“Nhưng chị có hát nó không?” Tôi hỏi dồn, giờ thì tôi đã tuyệt vọng. “Chị có đưa một nhịp vào không?”
“Tôi chỉ đọc nó thôi.”
“Chị có thể đọc to cho tôi như cách chị đọc trong đầu khi thiền không?”
Cô bạn cùng phòng tôi nhắm mắt và bắt đầu đọc to câu chú, theo cách nó xuất hiện trong đầu cô một cách bao dung. Và, quả thực, cô chỉ… đang đọc nó. Cô đọc yên tĩnh, bình thường, hơi mỉm cười. Thực tế là cô đọc vài lần, cho đến khi tôi trở nên bồn chồn và cắt ngang cô. “Nhưng chị không thấy nhàm chán à?” Tôi hỏi.
“A,” Corella nói và mở mắt, cười. Cô nhìn đồng hồ của mình. “Mười giây trôi qua, Liz. Chúng ta đã chán rồi, phải không?”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.