Ăn Cầu Nguyện Yêu

CHƯƠNG 105



Đã lâu rồi tôi không gặp Ketut Liyer. Vì quan hệ của tôi với Felipe và cố gắng bảo đảm một căn nhà cho Wayan, những buổi chiều dài trò chuyện vu vơ về tâm linh trên hiên nhà ông thầy mo đã kết thúc từ lâu. Tôi có ghé nhà ông vài lần, chỉ để chào một tiếng và đưa một chút trái cây làm quà cho vợ ông, nhưng chúng tôi đã không có thời gian trọn vẹn với nhau từ hồi tháng Sáu. Dù sao, mỗi khi tôi cố xin lỗi Ketut vì sự vắng mặt của mình, ông cười như một người đàn ông đã được thấy những câu trả lời cho mỗi trắc nghiệm trong vũ trụ và nói, “Mọi chuyện đều diễn ra hoàn hảo, Liss.”

Tuy vậy tôi nhớ ông già, vậy là sáng nay tôi ghé để ngồi chơi với ông. Ông cười rạng rỡ với tôi như mọi khi và nói, “Tôi rất hân hạnh được biết cô!” (Tôi không bao giờ có thể làm ông bỏ được thói quen đó.)

“Tôi cũng vui được gặp ông, Ketut.”

“Cô sắp đi rồi phải không, Liss?”

“Đúng, Ketut. Chỉ chưa đầy hai tuần nữa. Vậy nên hôm nay tôi muốn đến. Tôi muốn cảm ơn ông vì tất cả những gì ông đã cho tôi. Nếu không nhờ ông, tôi đã không bao giờ trở lại Bali.”

“Cô đã luôn luôn trở lại Bali,” ông nói không nghi ngờ hay cường điệu. “Cô vẫn thiền với bốn anh em trai như tôi dạy cô chứ?”

“Có.”

‘Cô vẫn thiền như Sư phụ cô ở Ấn Độ dạy chứ?” “Có.”

“Cô có nằm mơ dữ nữa không?”

“Không.”

“Giờ cô hạnh phúc với Thượng Đế chứ?”

“Rất hạnh phúc.”

“Cô yêu bạn trai mới chứ?”

“Tôi cho là vậy. Có.”

“Vậy là cô phải làm hư anh ta. Và anh ta phải làm hư cô.” “Được,” tôi hứa.

“Cô là một người bạn tốt của tôi. Tốt hơn cả bạn. Cô như con gái tôi,” ông nói. (Không như Sharon…) “Khi tôi chết, cô sẽ trở lại Bali, đến lễ hỏa táng của tôi. Lễ hỏa táng Bali rất vui – cô sẽ thích nó.”

“Đồng ý,” tôi lại hứa, giờ thì hoàn toàn nghẹn ngào.

“Hãy để lương tâm cô dẫn dắt cô. Nếu cô có bạn phương Tây tới thăm Bali, dẫn họ đến đây tôi xem tướng tay. Tôi đang rất trống trải trong ngân hàng từ dạo trái bom. Cô muốn đi với tôi đến một nghi lễ trẻ con hôm nay không?”

Và thế là cuối cùng tôi đã tham dự một lễ chúc phúc cho một đứa bé đã được sáu tháng tuổi, và giờ đã sẵn sàng chạm mặt đất lần đầu tiên. Người Bali không để con họ chạm mặt đất trong sáu tháng đầu đời, vì trẻ sơ sinh được xem là các vị thần được gửi xuống trực tiếp từ trời, và ta không thể để một vị thần bò quanh nhà đầy vảy móng chân cắt ra và tàn thuốc. Nên trẻ con Bali được ẵm suốt sáu tháng đó, được tôn sùng như một vị thần nhỏ. Nếu một đứa bé chết trước khi được sáu tháng tuổi, nó sẽ có một nghi lễ hỏa táng đặc biệt và tro không được đặt trong nghĩa địa của người vì sinh thể này chưa từng là con người; nó chỉ mãi là một vị thần. Nhưng nếu đứa bé sống đến sáu tháng, một nghi lễ lớn sẽ được tổ chức và cuối cùng thì người ta cho phép trẻ chạm chân xuống mặt đất và giờ thì Người Con được chào đón đến với loài người.

Nghi lễ hôm na được tổ chức ở nhà một hàng xóm của Ketut. Đứa bé là con gái, đã được đặt tên riêng là Putu. Mẹ bé là một thanh nữ xinh đẹp, và bố bé, một chàng thanh niên cũng đẹp như vậy, là cháu trai của em họ Ketut, hay đại loại thế. Ketut mặc bộ đồ đẹp nhất của ông đến tham gia sư kiện này – một cái xà rông xa tanh trắng (tô điểm vàng ròng) và một cái áo vest trắng, tay dài cài nút vàng và cổ áo kiểu Nehru, nó khiến ông trông khá giống một người phục vụ trên xe lửa hay phục vụ bàn ăn của một khách sạn sang trọng. Ông đội một cái khăn xếp trắng quanh đầu. Hai tay ông, ông hãnh diện khoe tôi, đeo đầy những chiếc nhẫn vàng khổng lồ và đá ma thuật. Khoảng bảy chiếc cả thảy. Tất cả đều có những năng lực thiêng liêng. Ông có cái chuông đồng thau láng bóng của mình để gọi hồn, và ông muốn tôi chụp thật nhiều hình ông.

Chúng tôi cùng đến khu hàng xóm của ông. Khoảng cách khá xa và chúng tôi phải đi bộ trên con đường cái tấp nập một lúc. Tôi đã ở Bali gần bốn tháng rồi, và trước đây chưa bao giờ thấy Ketut rời khu nhà của mình. Thật bối rối khi nhìn ông bước xuống đường quốc lộ giữa đám ô tô phóng vun vút và những chiếc xe máy lao bạt mạng. Ông có vẻ nhỏ bé và dễ tổn thương biết bao. Ông trông rất lạc lõng trong khung cảnh giao thông và tiếng còi xe huyên náo này. Điều đó làm tôi muốn khóc, không hiểu sao, nhưng dù sao hôm nay tôi cũng cảm thấy hơi dễ mủi lòng hơn một chút.

Khi chúng tôi đến, trong nhà người hàng xóm đã có khoảng bốn mươi khách rồi, đồ cúng chất cao trên bàn thờ gia đình – hàng đống giỏ đan bằng lá cọ đầy gạo, hoa, nhang, heo quay, ít ngỗng và gà đã làm thịt, dừa và những tờ tiền bay nhẹ nhàng trong làn gió. Mọi người đều đã vận đồ lụa và ren trang nhã nhất của mình. Tôi ăn mặc xuềnh xoàng, toát mồ hôi vì đạp xe, không tự nhiên trong chiếc áo nhàu giữa tất cả cái đẹp này. Nhưng tôi được mọi người tiếp đón đúng như ta muốn được như vậy nếu ta là một đứa con gái da trắng ăn mặc không phù hợp và không được mời mà lạc vào. Mọi người cười với tôi rất nồng nhiệt, rồi không để ý tôi nữa và bắt đầu phần của buổi tiệc khi tất cả ngồi trầm trồ trang phục của nhau.

Nghi lễ diễn ra hàng giờ, Ketut hành lễ. Chỉ một nhà dân tộc học với một đội phiên dịch viên mới có thể nói cho ta biết tất cả những điều đang diễn ra, nhưng một ít nghi thức thì tôi hiểu, nhờ Ketut giải thích và các sách tôi đã đọc. Trong lượt ban phước đầu tiên người bố bồng đứa bé và người mẹ cầm một hình nộm của đứa bé – một trái dừa bọc tã trông giống như một bé sơ sinh. Người ta làm phúc và té nước thiêng vào trái dừa này như vào bé thật, rồi đặt lên mặt đất ngay trước khi đứa bé chạm chân lên mặt đất lần đầu tiên để đánh lừa ma quỷ, nó sẽ tấn công đứa bé hình nộm và để đứa bé thật được yên.

Nhưng còn hàng giờ tụng niệm trước khi đứa bé thật có thể chạm chân lên đất. Ketut rung chuông và đọc chú không dứt, còn cặp bố mẹ trẻ rạng rỡ vì vui sướng và tự hào. Khách khứa đến rồi đi, loanh quanh, tán gẫu, xem nghi lễ một lúc, dâng quà và rồi ra về để đến cuộc hẹn khác. Ngay giữa sự trang trọng mang tính nghi lễ này, tất cả lại bình thường đến kỳ lạ, gần như một sự kết hợp giữa buổi dã ngoại ngay trên sân nhà và buổi lễ nhà thờ Anh giáo. Câu thần chú Ketut đọc cho đứa bé thật ngọt ngào, nghe như một sự phối hợp của thiêng liêng và trìu mến. Khi người mẹ bồng đứa bé, Ketut vẫy trước mặt bé những thức ăn làm mẫu, trái cây, hoa, nước, chuông, một cánh gà quay, một miếng thịt heo, một miếng dừa… Mỗi khi đưa lên một thứ mới ông lại hát cái gì đó về phía bé gái. Đứa bé cười và vỗ tay, Ketut cười và cứ hát tiếp.

Tôi tưởng tượng phiên dịch những lời ông thế này:

“Ô… bé cưng ơi, đây là gà quay cho con ăn! Một ngày nào đó con sẽ thích gà quay và chúng ta hy vọng con có nhiều gà quay! Ô… bé cưng ơi, đây là một khoanh cơm, cầu cho con luôn có tất cả những khoanh cơm con mong muốn, cầu cho lúa gạo đổ xuống cho con mãi mãi. Ô… bé nhỏ ơi, đây là một trái dừa, trông nó buồn cười không, một ngày nào đó con sẽ ăn rất nhiều dừa! Ô… bé cưng ơi, đây là gia đình con, con có thấy gia đình chìu chuộng con đến thế nào không? Ô… bé cưng ơi, con là bảo vật của vũ trụ! Con là một học sinh điểm A cộng! Con là con thỏ tuyệt vời của chúng ta! Con là một miếng mát tít[47] ngớ ngẩn ngon tuyệt! Ô… bé xíu xiu ơi, con là Con Quỷ, con là tất cả của chúng ta…”

Mọi người được ban phúc không biết bao lần bằng những cánh hoa nhúng trong nước thiêng. Cả nhà lần lượt chuyền tay đứa bé, thủ thỉ với bé trong khi Ketut đọc những câu thần chú cổ xưa. Họ còn để bố bồng bé một lúc nữa, dù tôi đang mặc quần jeans, tôi thầm thì lời chúc phúc của mình với bé khi mọi người đang hát, “Chúc may mắn,” tôi bảo bé. “Hãy can đảm.” Trời nóng sôi, ngay cả trong bóng râm. Người mẹ trẻ, mặc chiếc áo lót khêu gợi bên dưới chiếc áo đăng ten mỏng, đang toát mồ hôi. Người bố trẻ, dường như không biết biểu hiện gương mặt nào ngoài cười toe toét tự hào, cũng đang toát mồ hôi. Các cụ bà cũng quạt phành phạch, mệt mỏi, đứng lên, ngồi xuống, rối rít với những con heo quay cúng và đuổi chó. Mọi người hoặc hứng thú, hoặc hờ hững, hoặc mệt, hoặc cười, sốt sắng. Nhưng Ketut và đứa bé dường như đang mải mê trong trải nghiệm với nhau, người này bị thu hút vào sự chú tâm của người kia. Cả ngày đứa bé không rời mắt khỏi ông thầy mo già. Có ai đã từng nghe một đứa bé sáu tháng tuổi không khóc hay ầm ĩ hay ngủ mà chỉ nhìn ai đó tò mò trong bốn giờ liền dưới nắng không?

Ketut đã hoàn thành công việc của mình rất tốt, và đứa bé cũng vậy nữa. Bé hoàn toàn hiện diện cho lễ chuyển hóa của mình từ địa vị thần qua địa vị người. Bé đảm đương trách nhiệm của mình rất cừ, như đã là một cô gái Bali thực thụ rồi – đắm chìm trong nghi thức, tự tin với những niềm tin của mình, vâng thuận những đòi hỏi của nền văn hóa mình.

Vào cuối buổi tụng niệm, người ta quấn bé trong một tấm vải trắng sạch dài thòng ra quá dưới hai chân bé bỏng của bé, khiến bé trông trở nên dài hơn và cao quý – một người mới bước vào đời thực thụ. Ketut vẽ trên đáy một chén gốm bốn phương của vũ trụ, rót đầy nước thiêng vào chén rồi đặt nó trên đất. Cái la bàn vẽ bằng tay này đánh dấu điểm thiêng liêng trên mặt đất cho bước chân đầu tiên của bé.

Rồi cả nhà tụ tập quanh đứa bé, gần như tất cả mọi người bồng bé cùng một lúc, và – Ồ! Đây rồi! – họ nhẹ nhàng nhúng hai chân bé trong chén gốm đầy nước thiêng này, ngay trên hình vẽ ma thuật bao gồm cả vũ trụ, và rồi họ đặt lòng bàn chân bé lên đất lần đầu tiên. Khi họ lại nâng bế lên không trung, dấu chân ướt nhỏ in lại trên nền đất phía dưới bé, cuối cùng đã định hướng cho bé vào mạng lưới Bali rộng lớn này, xác định bé là ai bằng cách xác định bé ở đâu. Mọi người vỗ tay, vui mừng. Giờ thì cô bé tí xíu đã là một trong chúng ta rồi. Một con người – với tất cả rủi ro và phấn khích sự hóa thân gây bối rối đó kéo theo.

Đứa bé nhìn lên, nhìn quanh và cười. Bé không còn là một vị thần nữa. Dường như bé không bận tâm. Bé chẳng hề sợ hãi. Bé có vẻ hoàn toàn mãn nguyện với mỗi quyết định của mình.

Chú thích:

[47] Putty trong tiếng Anh, tên bé gái là Putu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.