Ăn Cầu Nguyện Yêu
CHƯƠNG 58
Những lời cầu nguyện của tôi đã trở nên có cân nhắc và cụ thể hơn. Tôi chợt nghĩ là sẽ chẳng ích lợi gì nhiều khi gửi những cầu nguyện lười biếng vào vũ trụ. Mỗi sáng trước khi thiền, tôi quỳ gối trong đền thờ và trò chuyện vài phút trước Thượng Đế. Trong thời gian đầu ở Ashram này tôi đã nhận ra là mình thường ngu ngốc trong các cuộc chuyện trò thiêng liêng. Mệt mỏi, bối rối và chán chường, những lời cầu nguyện của tôi cũng có vẻ như vậy. Tôi nhớ một buổi sáng đã quỳ xuống, dập trán dưới sàn và thầm thì với đấng sáng tạo của mình, “Ôi chao, tôi không biết mình cần gì… nhưng ngài hẳn là có vài ý tưởng nào đó… vậy nên hãy làm gì đấy đi, xin ngài?”
Tương tự cái cách đôi khi tôi nói với thợ làm tóc của mình.
Và, tôi xin lỗi, nhưng điều đó có đôi chút không đâu vào đâu. Bạn có thể hình dung Thượng Đế đang trợn tròn mắt nhìn người cầu nguyện đó, rồi gửi lại thông điệp này, “Gọi lại cho ta khi nào mi đã trở nên nghiêm túc về chuyện này.”
Dĩ nhiên Thượng Đế đã biết tôi cần gì. Vấn đề là – tôi có biết không? Sụp dưới chân Thượng Đế trong tuyệt vọng bất lực là hoàn toàn được và tốt – có trời chứng giám, bản thân tôi đã làm điều đó nhiều lần rồi – nhưng cuối cùng ta có thể đạt được nhiều trải nghiệm hơn nếu ta hành động có mục đích. Ở Ý thuở xưa có một chuyện cười rất hay về một người đàn ông nghèo khổ đi lễ mỗi ngày và cầu nguyện trước tượng của một bậc đại thánh, nài nỉ, “Lạy Đấng Chí Tôn – làm ơn, làm ơn, làm ơn… phù hộ cho con trúng số.” Lời van vỉ này diễn ra hàng tháng trời. Cuối cùng bức tượng cáu tiết hiện hình, nhìn xuống người đàn ông van xin và nói với sự chán ghét mệt mỏi, “Chàng trai – làm ơn, làm ơn, làm ơn… mua một cái vé số.”
Cầu nguyện là một mối liên hệ; một nửa công việc đó là của tôi. Nếu tôi muốn sự biến đổi, mà thậm chí không buồn nêu rõ chính xác tôi muốn điều gì, thì làm sao nó có thể xảy ra? Một nửa ích lợi của cầu nguyện nằm trong chính việc hỏi, trong việc nêu ra rõ ràng và có cân nhắc một mục đích. Không có điều đó, tất cả những cầu xin và mong muốn của ta đều là không xương, mềm, trơ; chúng cuộn dưới chân ta thành đám sương mù lạnh và không bao giờ tan. Vậy nên sáng nay tôi dành thời gian tìm kiếm ở chính mình cụ thể cái tôi thật sự mong cầu. Tôi quỳ ở đó, trong đền, úp mặt xuống nền đá cẩm thạch ạnh cho đến khi nào tôi hình thành được một lời cầu nguyện đích thực. Nếu tôi không cảm thấy mình thành tâm, tôi sẽ ở đó trên sàn, cho đến khi tôi cảm thấy mình thành tâm. Điều đúng cho ngày hôm qua không phải luôn đúng cho ngày hôm nay. Những lời cầu nguyện có thể trở nên cũ rích và đều đều đến nhàm chán, thậm chí sáo rỗng nếu ta để sự chuyên chú của mình tù đọng. Khi cố gắng giữ mình tỉnh giấc, tôi đang đảm nhận trách nhiệm canh giữ cưu mang linh hồn của chính mình.
Định mệnh, tôi nghĩ, cũng là một mối liên hệ – một trò chơi giữa ân sủng thiêng liêng và sự tự lực đầy quyết tâm. Một nửa của nó ta không thể kiểm soát được; một nửa của nó thì tuyệt đối trong tay ta, và hành động của ta sẽ cho thấy những hệ quả đo lường được. Con người không hoàn toàn là con rối của thần thánh, cũng không hoàn toàn là thuyền trưởng của định mệnh mình; anh ta là một chút của cả hai. Chúng ta phi nước đại qua đời sống mình như những người trình diễn xiếc đứng thăng bằng trên hai con ngựa đang phóng cạnh nhau – một chân trên một con ngựa “số phận”, còn chân kia trên con ngựa “tự do ý chí”. Và câu hỏi ta phải hỏi mỗi ngày là – con ngựa nào là số phận và con ngựa nào là tự do ý chí? Ta cần phải thôi lo lắng về con ngựa nào vì nó không dưới sự kiểm soát của ta, và con ngựa nào ta cần hướng dẫn với nỗ lực tập trung?
Có quá nhiều điều về số phận tôi mà tôi không thể kiểm soát, nhưng những điều khác thì trong quyền hạn của tôi. Có vài cái vé số tôi có thể mua, nhờ vậy cơ hội tìm thấy sự toại nguyện tăng lên. Tôi có thể quyết định sử dụng thời gian của mình ra sao, tôi kết bạn với ai, tôi chia sẻ thân thể và cuộc đời, tiền bạc và sức lực với ai. Tôi có thể chọn cái mình ăn, đọc và học. Tôi có thể chọn cách mình nhìn nhận những tình huống không may trong đời mình như thế nào – tôi sẽ xem chúng như những tai ương hay những cơ hội (và những khi tôi không thể vươn đến được những quan điểm lạc quan nhất, vì thật quái quỷ, tôi quá cảm thấy thương thân phận mình, tôi có thể quyết định cứ cố gắng thay đổi cách nhìn của bản thân). Tôi có thể chọn những lời lẽ và giọng điệu mình nói với người khác. Và trên hết, tôi có thể chọn những ý nghĩ của mình.
Quan niệm cuối cùng này là một ý tưởng mới hoàn toàn đối với tôi. Gần đây Richard từ Texas đã giúp tôi chú ý đến nó, khi tôi đang phàn nàn mình không thể thôi nghiền ngẫm. Anh nói, “Hàng Tạp Hóa à, cô cần biết cách chọn lọc những ý nghĩ của mình cũng như cô chọn áo quần nào cô sẽ mặc mỗi ngày. Đây là một năng lực cô có thể tu tập. nếu cô quá muốn kiểm soát mọi việc trong đời mình, hãy làm thế với tâm trí mình. Đó là thứ duy nhất cô nên cố kiểm soát. Hãy buông hết tất cả mọi thứ khác trừ nó. Vì nếu cô không thể học cách làm chủ suy nghĩ của mình, cô sẽ lún sâu trong những rắc rối mãi mãi.”
Thoạt nhìn, việc ấy có vẻ gần như một nhiệm vụ bất khả. Kiểm soát ý nghĩ của ta ư? Thay vì ngược lại? Nhưng hãy hình dung nếu ta có thể? Đây không phải là vấn đề kiềm chế ha phủ nhận. Kiềm chế và phủ nhận dựng nên những trò chơi tinh vi để giả vờ rằng những ý nghĩ và cảm nhận tiêu cực đang không diễn ra. Điều Richard nói là trái lại, thừa nhận sự tồn tại của những ý nghĩ tiêu cực, hiểu được chúng từ đâu và tại sao chúng đến, và rồi – với sự tha thứ và ngoan cường – giải tán chúng. Đây là một thực hành khớp với bất kỳ luyện tập tâm lý nào ta làm trong trị liệu. Ta có thể dùng văn phòng bác sĩ tâm thần, đầu tiên để hiểu tại sao ta có những ý nghĩ có tính phá hoại này; ta có thể dùng các luyện tập tinh thần để giúp ta vượt qua chúng. Tất nhiên, buông chúng ra là một hy sinh. Đó là mất đi các thói quen cũ, những đố kỵ lâu đời dỗ dành và những hình ảnh thân thuộc. Tất nhiên toàn bộ việc này đòi hỏi thực hành và nỗ lực. Nó không phải là giáo huấn ta có thể nghe một lần và rồi hy vọng tinh thông ngay tức thì được. Đó phải là tỉnh giác liên tục và tôi muốn làm điều này. Tôi phải làm điều này, vì sức mạnh của mình. Điều này trong tiếng Ý là Devo farmi le ossa. “Tôi phải cố gắng hết sức để thích nghi.”
Vậy nên tôi đã bắt đầu tỉnh giác quan sát những ý nghĩ của mình suốt ngày, và giám sát chúng. Tôi lặp lại lời thề này 700 lần mỗi ngày, “Mình sẽ không chứa chấp những ý nghĩ không lành mạnh nữa.” Mỗi khi một ý nghĩ thấp kém nổi lên, tôi lặp lại lời thề. Mình sẽ không chứa chấp những ý nghĩ không lành mạnh nữa. Lần đầu tiên nghe thấy chính mình nói điều này, đôi tai bên trong tôi chỏng lên ở từ “chứa chấp”[35], là một danh từ và cũng là một động từ. Một bến cảng, dĩ nhiên, là một nơi ẩn náu, một cảng nhập hàng. Tôi hình dung bến cảng tâm thức tôi – có chút hư hại, có lẽ, một chút tả tơi vì bão tố, nhưng nằm ở vị trí tốt và có một độ sâu tuyệt vời. Bến cảng tâm thức tôi là một vịnh thông thương, lối vào duy nhất đến đảo Bản Ngã của tôi (là một đảo núi lửa và còn trẻ, đúng, nhưng màu mỡ và hứa hẹn). Đảo này đã từng trải qua một vài cuộc chiến, điều này thì đúng, nhưng giờ nó đã cam kết sẽ hòa bình, dưới quyền một người lãnh đạo mới (tôi), người đã lập ra các chính sách mới để bảo vệ nơi này. Và giờ – hãy để những lời này vươn xa khắp bảy đại dương – trong sách có những luật lệ chặt chẽ hơn rất, rất nhiều quy định ai có thể vào bến cảng này.
Các người không được đến đây nữa với những ý nghĩ khắc nghiệt và dối trá, với những con tàu tư tưởng mang theo dịch bệnh, những con tàu tư tưởng nô lệ, những tàu chiến tư tưởng của các người – tất cả những thứ này sẽ bị từ chối. Cũng vậy, đem theo bất kỳ con tàu nào chở đầy tư tưởng của kẻ lưu vong giận dữ hoặc đói khát, kẻ bất mãn và những người viết sách tuyên truyền vì mục đích chính trị, kẻ khởi loạn và đám sát thủ bạo tàn, gái bán thân liều lĩnh, bọn ma cô và những kẻ đi tàu lậu vé nổi loạn – các người cũng sẽ không được đến đây. Những ý nghĩ ăn thịt đồng loại, đương nhiên, sẽ không được đón nhận nữa. Ngay cả những nhà truyền giáo cũng sẽ được kiểm tra kỹ càng xem họ có thực sự thành tâm. Đây là một bến cảng bình yên, lối vào một hòn đảo tốt đẹp và tự hào mà chỉ giờ đây mới bắt đầu vun trồng thanh thản. Nếu các người có thể tuân theo những luật lệ mới này, những ý nghĩ thân mến của ta, thì các người được đón chào đến tâm trí ta – nếu không, ta sẽ trả tất cả các người về biển cả nơi từ đó các người đã đến.
Đó là sứ mệnh của tôi, và nó sẽ không bao giờ kết thúc.
Chú thích;
[35] Harbor: nghĩa là bến cảng, chứa chấp.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.