Ăn Cầu Nguyện Yêu
CHƯƠNG 91
“Cuộc đời này là gì vậy? Cô có hiểu không? Tôi không hiểu.” Đấy là Wayan nói.
Tôi trở lại quán ăn của Wayan, ăn bữa trưa đặc biệt nhiều vitamin ngon lành và bổ dưỡng của cô ấy, hy vọng nó sẽ làm dịu đi dư vị khó chịu và cảm giác bất an của mình. Người đàn bà Brazil Armenia cũng ở đó, trông vẫn như mọi khi, như bà vừa ghé một thẩm mỹ viện trên đường về sau kỳ nghỉ cuối cùng ở một spa. Tutti bé bỏng đang ngồi trên sàn, vẽ những bức tranh với những ngôi nhà, như thường lệ.
Wayan vừa mới biết là hợp đồng thuê cửa hiệu của cô sắp đến kỳ gia hạn vào cuối tháng Tám – chỉ còn ba tháng nữa thôi – và rằng tiền thuê nhà sẽ tăng. Có lẽ cô sẽ phải dời nhà lần nữa vì không đủ tiền ở lại. Cô chỉ có khoảng năm mươi đôla ở ngân hàng, và không biết phải đi đâu. Dời nhà sẽ lại buộc Tutti rời trường học. Họ cần một ngôi nhà – một ngôi nhà thật sự. Một người Bali không thể nào sống như thế này.
“Tại sao đau khổ không bao giờ hết?” Wayan hỏi. Cô không khóc, chỉ đặt một câu hỏi đơn giản, không thể trả lời được và gây mệt mỏi. “Tại sao mọi thứ cứ phải lặp lại và lặp lại, không bao giờ dứt, không bao giờ được yên nghỉ? Ta làm việc cật lực hôm nay, nhưng hôm sau, ta phải làm lại. Ta ăn, nhưng ngày hôm sau, ta đã đói rồi. Ta tìm thấy tình yêu, rồi tình yêu bỏ đi. Ta sinh ra chẳng có gì – không đồng hồ, không áo. Ta làm việc cật ực, rồi ta chết đi không có gì – không đồng hồ, không áo. Ta trẻ, rồi ta già. Bất kể ta làm việc cực khổ ra sao, ta cũng không thể không già đi.”
“Nhưng Armenia thì không,” tôi đùa. “Rõ ràng cô ấy không già đi.”
Wayan nói, “Nhưng vì Armenia là một người Brazil,” giờ thì đã nhìn ra được vấn đề. Tất cả chúng tôi đều cười, nhưng đó chỉ là một kiểu bi hài kịch, vì chẳng có gì đáng buồn cười về tình trạng của Wayan trên thế gian này ngay lúc này đây. Đây là những thực tế: người mẹ độc thân, đứa con sớm phát triển, việc làm ăn tay làm hàm nhai, nghèo khổ cận kề, cảnh không nhà rõ ràng. Cô ấy sẽ về đâu? Rõ ràng là không thể sống với gia đình chồng cũ rồi. Gia đình của Wayan là nông dân trồng lúa ở nông thôn xa tít và nghèo nàn. Nếu cô đến sống với họ, công việc chữa bệnh trong thị trấn của cô coi như xong vì bệnh nhân không thể đến chỗ cô và ta có thể gần như quên chuyện Tutti sẽ được học hành đầy đủ để ngày nào đó vào Đại học Bác sĩ Thú y.
Theo thời gian những thực tế khác cũng xuất hiện. Hai cô bé e thẹn tôi nhận thấy hôm đầu tiên đó, nấp sau bếp thì sao? Hóa ra hai bé là một cặp trẻ mồ côi Wayan nhận nuôi. Cả hai đều mang tên Ketut (chủ làm quyển sách này rối rắm thêm) và chúng tôi gọi chúng là Ketut Lớn và Ketut Nhỏ. Wayan thấy hai Ketut này đang đói khát và ăn xin ở kẻ chợ vài tháng trước. Chúng bị một phụ nữ kiểu như nhân vật của Dickens bỏ rơi ở đấy – có thể là một người bà con – kẻ hoạt động như một kiểu ma cô chăn dắt trẻ con ăn xin, để trẻ con không cha mẹ ở các chợ khác nhau khắp Bali để xin tiền, rồi nhặt bọn trẻ lên xe tải mỗi đêm, thu tiền và rồi cho chúng một cái lều đâu đó để ngủ. Lần đầu tiên khi Wayan tìm thấy Ketut Lớn và Ketut Nhỏ, chúng đã không ăn uống nhiều ngày, bị rận chấy, ký sinh trùng và đòn roi. Cô đoán đứa nhỏ nhất có lẽ là mười tuổi, và đứa lớn hơn có lẽ mười ba, nhưng chúng không biết tuổi của chúng và thậm chí họ nữa cũng không. (Ketut Nhỏ chỉ biết là bé sinh cùng năm với “con lợn lớn” ở làng bé; điều này không giúp những người còn lại trong chúng tôi thiết lập được một thời biểu.) Wayan đã đem chúng về và chăm sóc chúng cũng trìu mến như chăm sóc Tutti của mình. Cô cho cả ba đứa trẻ ngủ chung trên cùng một tấm đệm trong cùng một phòng ngủ trong cửa hiệu.
Chuyện một người mẹ độc thân Bali đang đối phó với cảnh bị đuổi ra khỏi nhà trong thâm tâm cảm thấy thế nào khi nhận nuôi thêm hai đứa trẻ không nhà là điều gì đó vượt qua bất kỳ sự hiểu biết nào tôi từng có về ý nghĩ của lòng trắc ẩn.
Tôi muốn giúp họ.
Chính là nó. Đó chính là cái cảm giác rung lên mà tôi cảm thấy sâu thẳm đến vậy sau khi gặp Wayan lần đầu tiên. Tôi muốn giúp người mẹ độc thân này với đứa con gái của cô và thêm hai đứa trẻ mồ côi của cô. Tôi muốn đưa họ vào một cuộc sống tốt hơn. Chỉ có điều tôi không thể hình dung ra phải làm như thế nào. Nhưng hôm nay khi Wayan, Armenia và tôi đang ăn trưa và đan xen những cuộc trò chuyện thường lệ của mình về thấu cảm và sự gây khó khăn cho người khác, tôi nhìn sang bé Tutti và nhận thấy bé đang làm gì đó khá kỳ cục. Bé đi quanh cửa hiệu, vừa nâng lên lòng bàn tay một miếng gạch men gốm hình vuông nhỏ xinh xắn xanh thẫm vừa hát gần như cầu nguyện. Tôi nhìn bé một lúc, chỉ để xem bé sẽ làm gì. Tutti chơi với miếng gạch men một lúc lâu, ném nó lên không trung, thầm thì với nó, hát với nó, rồi đẩy nó dọc sàn nhà như thể nó là một chiếc xe Hộp diêm. Cuối cùng, bé ngồi trên miếng gạch men trong một góc yên tĩnh, mắt nhắm, hát một mình, chìm trong không gian bí ẩn, vô hình cách biệt của riêng mình.
Tôi hỏi Wayan tất cả chuyện này là sao. Cô ấy nói Tutti tìm thấy miếng gạch men ngoài công trường xây dựng của một dự án khách sạn sang trọng phía ngoài đường và lấy cắp nó. Từ khi tìm thấy miếng gạch men, Tutti cứ nói với mẹ, “Có lẽ nếu ngày nào đó mình có một ngôi nhà, nó có thể có màu xanh xinh xắn như cái này nè.” Giờ, theo Wayan, Tutti thường thích ngồi trên hình vuông xanh bé xíu đó hàng giờ liền, nhwams mắt và vờ như dang ở trong nhà mình.
Tôi có thể nói gì đây? Khi tôi nghe thấy câu chuyện đó và nhìn đứa bé ấy chìm trong suy tưởng về miếng gạch men xanh nhỏ của mình, tôi như thể nhận ra: Được, vậy là đủ.
Và tôi cáo lui khỏi cửa hiệu để đi lo dứt khoát sự tình không thể chịu đựng được này.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.