Đất tiền đất bạc
Chương 7
Bác sĩ Silvio Barbato với dân xóm đại lộ số 10 đâu có xa lạ ? Người là con ông chủ phố lớn có nhiều nhà cho mướn ở đây . Phải nói là ông chủ đã chịu đựng đủ điều chỉ cốt để cho con ăn học thành bác sĩ . Người làm ruộng hùng hục đổ mồ hôi hột, người bỏ quê hương sang Mỹ làm ăn, người cất nhà cho mướn và bóp họng dân ở thuê lòi từng xu một và chính người cũng ăn khổ, ăn sở một tuần lễ tới bốn ngày . Khổ sở như vậy đâu phải để có một ông con nhân đạo thương người ?
Thực tế là bác sĩ Barbato còn trẻ nhưng lời thề Hippocrate chẳng coi trọng bao nhiêu . Người vốn có hiếu với bố mà người cũng thừa thông minh, chẳng dại gì “có lòng nhân đạo” với đám dân Ý miền Nam ở chui rúc như chuột Tây Nữu Ước . Dù sao cũng phải công nhận Barbato mới đi chữa bệnh chưa thể mất hết lòng nhân .
Làm gì bác sĩ Barbato chẳng biết Lucia Santa ? Biết từ hồi còn đi học, ông bố còn nghèo cùng ở đại lộ số 10 . Biết mà còn có ý kính trọng kìa ! Phần vì mụ lớn tuổi hơn, phần vì mụ sống hách hơn chứ đâu có bần tiện một tuần lễ chỉ có quyền ăn thịt hai lần và thế nào cũng phải có một ngày ăn rau cho dễ tiêu ? Vào nhà này chẳng thể lơ là cái điệu “khám bệnh cho toa ăn tiền” và có dịp thấy cảnh sống của họ càng phục ông bố biết sống .
Ông bố quả thật khôn ngoan, nhất định cho con ăn học làm bác sĩ . Thiên hạ còn bệnh, xã hội còn nhà thương là còn kiếm ăn được . Vi trùng thì chỗ nào chẳng có . Có thoát được vài lần thì chính sự chết cũng vẫn cứ hiện diện dài dài . Còn sống và túi còn tiền thì đương nhiên thiên hạ còn phải chi tiền cho ông bác sĩ chắc .
Được mời ngồi uống cà phê thì ông bác sĩ ngồi và uống vậy . Chê là khinh người, dám mất mối uổng, dù cái tủ lạnh để đầu hàng ba kia bên trong dám đầy nhóc gián . Con bé nhà này không nhớ tên gì nhưng trông lớn bộn, chắc phải có công ăn việc làm rồi và người ngợm nó thế kia không lo kiếm thằng nào gả đi dám sinh giặc nay mai .
Mấy người này sao quê thế ? Bao nhiêu cái miệng nhâu nhâu vào giới thiệu con bệnh, toàn những “cố vấn” hàng xóm láng giềng mà dễ sợ nhất là mấy mụ già . Khám bệnh tối kỵ vụ này .
Sau cùng ông bác sĩ cũng được đưa vào xem bệnh . Ủa hắn có vẻ bệnh hoạn gì đâu ? Bắt mạch, đo máu bỗng khám phá ra liền: lớp vỏ bình tĩnh, mà bệnh tật kia hiển nhiên là cả một cơ thể rã rời vì đầu óc căng thẳng gay cấn chịu không nổi . Biết bao nhiêu đồng nghiệp đàn anh từng gặp ca này: đang đói khổ mà làm ra tiền dễ dàng là nhiều tay gục . Chỉ đàn ông bị !
Di dân gốc Ý nhiều ông tự nhiên phát cuồng phải tống vào nhà thương điên . Làm như rời khỏi mảnh đất quê hương họ như cây bị bứng nguyên rễ cái vậy .
Trị bệnh này chẳng khó . Phải tống ngay vào bệnh viện cho nghỉ xả hơi một thời gian đời sống hết găng là hết cuồng . Kẹt ở điểm họ còn công việc làm, họ còn phải nuôi vợ con . Và còn phải chơi bời cờ bạc giải trí nữa chứ ?
Chừng lật mền ra xem, bác sĩ Barbato giật mình vì sao lại có thể có những bàn chân biến dạng kỳ cục vậy này ? “Bệnh nhân” Frank Corbo rõ ràng sợ phát giác vụ chân hư này quá . Bác sĩ bèn dùng tiếng mẹ đẻ nói “Tại sao chân vậy ?” và hỏi gằn giọng cái điệu không trả lời không xong .
Bệnh nhân ngồi nhỏm dậy lấy tấm “ra” trùm kín hai bàn chân gấp . “Để ý đến bàn chân làm gì ? Tôi chẳng thấy làm sao cả” . Giọng hắn hằn học, chẳng thân thiện tí nào !
– Vậy anh đau đầu ?
– Đúng .
– Lâu mau rồi ?
– Cho đến chết !
Con bệnh đã cố tình như thế đó thì khám bệnh thế nào được ? Bác sĩ Barbato bèn cho đại cái toa mua thuốc an thần, thứ nặng . Rồi người ngồi trơ ra đợi . Người còn chờ đợi cái gì, ngoài tiền ? Bà chủ nhà hốt hoảng chạy đi kiếm xem giấu vào hốc kẹt nào quên khuất mất . Vụ này làm ông bác sĩ hơi ngượng chút, xưa nay người vẫn mong mỏi phải chi đám thân chủ chi tiền có mức sống đàng hoàng chút nữa, dư dả chút nữa . Xem, nhà này có tới radio thì họ đâu đến nỗi khổ sở ? Vậy thì có bệnh cũng chẳng sao .
Tuần sau Frank Corbo đi làm lại . Chứng bệnh cũng đỡ rồi . Lâu lâu mới có màn la lối, thở than nhưng cũng chỉ cỡ vài ba phút là cùng, và từ mười hai giờ khuya trở đi là ngủ ngon . Nhưng chưa được một tuần thì tự nhiên một buổi trưa hắn thình lình bỏ sở bò về, đứng khựng ở bậc cửa . Lucia Santa chưa hỏi hắn đã thở dài nói:
– Ông chủ bảo về . Tại tôi mệt quá, làm hết nổi .
Thế rồi Frank bưng mặt khóc . Mụ vợ giật mình chẳng hiểu sao bèn dìu hắn vào nhà ép ngồi xuống nghỉ đỡ và uống tách cà phê . Người hắn gầy rạc . Hắn ấp úng kể chuyện . Từ ngày lấy nhau bữa nay mới thấy Frank ngồi kể chuyện là một . Hắn hốt hoảng:
– Này mình thấy tôi hồi này thế nào ? Bộ đau nặng thật sao ? Ông chủ bảo ở sở tôi đang làm cứ bỏ việc hoài và hay quên quá . Ông chủ bảo nghỉ ít lâu cho đỡ rồi tính . Nhưng thực ra tôi đâu có bệnh hoạn gì ? Tôi vẫn đủ sáng suốt, tôi biết mình làm cái gì mà ?
– Ồ, nghỉ việc thì nghỉ có sao đâu ? Lo dưỡng sức ít bữa là xong hết . Chiều nay mình ở nhà bồng bé Lena ra vườn hoa hai bố con chơi mát .
Hắn cúi đầu không đáp . Chẳng biết hắn bệnh gì, nhẹ hay nặng ! Đành phải chờ ít lâu xem .
Lúc hai bố con đi chơi, mụ nhét vào túi cho hắn một đô la . Phải có tí tiền mua thuốc lá cho bố, mua kẹo cho con chứ ? Xưa nay đi chơi Frank vẫn muốn có ít tiền lẻ trong túi, có chút đỉnh cũng yên trí hơn nhiều ! Hai bố con đi trọn buổi chiều, nhà sắp ăn cơm tối mới về .
Cả nhà quây quần bên bàn ăn . Lớn nhỏ đứa nào cũng biết bố vừa mất việc nên chẳng vui vẻ gì, nhưng thấy ông bố vẫn tự nhiên im lặng, như không hề có chuyện gì xảy ra . Lại còn có vẻ tỉnh táo . Làm như vụ mất việc đột ngột đã tống bớt những lẩm cẩm, dở người trong đầu óc ông ra vậy .
Mọi người vừa ăn vừa nói cười vui vẻ . Thằng Larry phá hai em Gino và Sal ngồi kế bên . Khi không nó la “Ô hay mấy con gián làm gì trên vách tường kìa ?”. Hai đứa quay nhìn lại lập tức bị thằng anh hốt trộm gần hết khoai tây trong đĩa .
Octavia vẫn bồng đứa bé Lena thong thả đút cơm, riêng Vincenzo chỉ ngồi nhìn . Đời nào nó mắc lừa Larry . Bà mẹ vừa buông đĩa đồ ăn đi ngang là nó lẹ làng giật giật tay áo ra điều “mẹ xúc cho con trước” .
Cơm nước xong mụ Lucia Santa hỏi chồng có đi nhà thờ không thì hắn nghiễm nhiên trả lời “Từ giờ khỏi cần cha Coluci nữa !”.
Mụ vợ ngẩn người . Không lẽ một thằng xưa nay ù lì nhất nhà như hắn mà bây giờ cũng biết xài thủ đoạn ? Chỉ lợi dụng vợ chồng Coluci để có việc làm mà xong xuôi là cắt ? Nhưng nếu vậy thì đầu óc hắn đã tỉnh táo, đâu có phát cuồng mâu thuẫn vậy .
Đêm hôm đó dù khuya rồi Lucia Santa vẫn để nguyên quần áo ngồi dưới bếp may vá . Mụ kinh nghiệm quá rồi, đợi cho Frank không “lên cơn” đã rồi mới lo cởi quần áo đi ngủ .
Frank nhìn vợ hối: “Mình vào ngủ trước đi . Tôi ngồi chút xíu, lát nữa vào liền !”.
Còn lạ gì cái “chút xíu” của hắn ? Bây giờ gần mười một giờ con nít ngủ hết rồi, thằng Larry cũng đi làm rồi . Hắn nói “vào liền” nhưng ít ra cũng sau mười hai giờ khuya !
Lucia Santa tự cho mụ đã nghĩ đúng, tính đúng . Hắn đỡ bệnh nhiều rồi . Đàn ông ai chẳng có lúc nóng giận, cuồng trí ? Có điều đâu lại vào đấy ngay mà .
Mụ nói “Để tôi làm xong cái này đã !” . Vợ cắm cúi khâu, chồng thư thả kéo khói xì gà . Hắn lẳng lặng rót cho mụ một ly rượu chát và tự rót một ly, chẳng thèm kể đến Corbo . Chừng vợ chồng đi ngủ thì Lucia Santa cẩn thận đặt bé Lena vào nằm giữa .
Quá nửa đêm đèn đuốc tối thui tự nhiên Lucia thấy hắn ngồi bật dậy, cất tiếng hỏi vô cùng tỉnh táo :
– Này, tại sao đặt con búp bê vào giữa giường thế này ? Dẹp đi … không tôi liệng ra cửa sổ bây giờ ?
Lucia giật bắn mình . Còn ngái ngủ mụ cũng đưa tay ra giữ con bé lại và khẽ hỏi chồng:
– Ô hay … mình làm sao đấy ? Mình nói gì kỳ lạ vậy ?
– Tôi nói tại sao cho con búp bê nằm đây ?
Không dám nói lớn, mụ Lucia đành nhẹ nhàng :
– Búp bê nào ? Con Lena, con mình đấy mà ? Mình tỉnh ngủ hẳn chưa ?
Frank làm thinh một lúc lâu . Mụ đâu dám ngủ, thình lình nghe giường chuyển động rồi ông chồng ngồi bật dậy . Hắn bật đèn lên soi rõ từng tí một, mặt đỏ tía tai nhưng quần áo chỉnh tề từ hồi nào ! Hắn gầm thét lên:
– Cút đi hết ! Quân đĩ điếm … cả họ súc sinh . Tụi bây không cút khỏi nhà tao lập tức tao giết hết !
Mụ Lucia còn mặc đồ ngủ đứng bật dậy, ôm cứng bé Lena . Mụ đi ra đánh thức và hối thúc mấy thằng con nhỏ: “Vincenzo, Gino hai đứa bây dắt em chạy sang nhà dì Louche ngay . Nhanh lên” .
Frank vẫn la lối, chửi bới nhưng chợt thấy thằng Vincenzo hốt hoảng sửa soạn “tản cư” bèn hạ giọng nói: Riêng thằng Vincenzo khỏi cần đi đâu hết, nó là thằng được . Tuy nhiên cả ba đứa vẫn bị mẹ đẩy đi cấp tốc .
Bây giờ chỉ còn hai vợ chồng đứng nhìn nhau . Cặp mắt Frank lạnh lùng, giọng nói chững chạc nhưng rõ ràng căm hận:
– Bây giờ đến lượt mày xách con búp bê đi khỏi nhà tao ngay .
Mụ Lucia đưa mắt nhìn cánh cửa phòng ngủ . Dĩ nhiên là phòng của Octavia vì cả nhà có phòng ngủ nào có cửa đâu ? Frank Corbo biết vậy nên quắc mắt nạt:
– Bộ mày tưởng tao không dám động cái cửa kia chắc ? Tao khỏi cần . Bảo nó đi luôn . Người như nó phải ở vỉa hè mới thích hợp .
Cánh cửa bỗng mở bật, Octavia đứng sững, quần áo chỉnh tề và tay thủ sẵn cây kéo thợ may . Thấy vậy mụ Lucia đâm hoảng:
– Octavia lại đây với mẹ đi .
Sự thực Octavia không ngán . Lo thủ cây kéo là đã quyết ý bảo vệ mẹ và các em rồi . Nhưng xem cặp mắt hắn đêm nay sao tự nhiên hung dữ lạ ? Tự nhiên nàng đâm run, lần đầu tiên bỗng thấy sợ hắn ! Bèn chạy tới bên mẹ, giật lấy bé Lena và tay bồng em, tay thủ cây kéo chạy xuống bếp .
Ba thằng nhỏ chỉ kịp choàng đại chiếc áo lạnh đứng dựa vào nhau xớ rớ . Octavia bèn dắt chúng xuống thang, đi ra đường . Trên nhà vậy là chỉ còn hai vợ chồng kình nhau .
Mụ Lucia khoác sơ cái áo ngoài . Lên tiếng hỏi hắn giọng mụ run run rõ:
– Xem … khi không sao anh làm kỳ vậy ? Ban ngày không sao mà nửa đêm sinh chuyện ? Anh muốn gì đây ?
Cặp mắt xanh lơ lờ đờ, mặt tỉnh bơ nạt:
– Đi ra, cút ra hết !
Hắn bước lại gần vợ và đưa tay tính xô mụ ra phía cửa . Đúng lúc đó thằng Larry và lão chủ lò bánh ào vào can .
Lập tức Frank sấn tới nắm đầu thằng Larry, đẩy bật nó dựa lưng vào vách tường, tay đấm thùm thụp, miệng hét lớn:
– À, mày ỷ mày cấp cho tao mỗi ngày được một đô la nên mày dám xía vào chuyện của tao hả ?
Larry tỉnh táo và ôn tồn giải thích:
– Bố à … Đừng nói lớn, đừng làm dữ ! Tôi tới giúp bố mà ? Lính tới kia kìa .
Có tiếng còi xe cảnh sát ré lên . Frank Corbo chạy ra cửa sổ nhìn xuống .
Xe cảnh sát ngừng, có mấy người lính nhảy xuống thật . Có bóng Octavia bồng đứa nhỏ, dắt mấy thằng em . Nó ngoắc tay chỉ trỏ lên lầu, và ít nhất cũng có hai người lính xông lên .
Frank tất tả chạy vào, cất tiếng rầu rĩ:
– Đúng, lính thật ! Lính vác dùi cui lên thật . Thôi đành chịu vậy, sức mấy chống lại lính ?
Hắn ung dung ngồi xuống ghế . Vừa lúc đó hai gã cảnh sát đồ sộ, hùng hục chạy vào . Larry vội vàng đứng dậy, nói nhẹ trước trong khi Frank vẫn giương mắt nhìn . Rồi nó sáp tới gần ông cha ghẻ:
– Này bố nghe tôi nói nghe . Bố đau, trước sau thì bố cũng sẽ vào nhà thương thì bây giờ dưới đó sẵn xe, bố chịu khó đi liền đi nghe . Bố vì mẹ và mấy đứa nhỏ thử đi đàng hoàng xem .
Frank vừa gạt Larry ra thì hai gã lính đã sáp tới . Họ chưa kịp làm gì thì Lucia đã chạy ra ngăn:
– Mấy ông để tôi nói cho . Này, mình ráng đi nhà thương chữa bệnh cho khỏi chứ có gì đâu mà lọ Bây giờ mình nhất định không chịu đi thì thế nào cảnh sát cũng làm dữ . Để họ đánh đập mình trước mặt bọn nhỏ đâu được ? Mình vào nhà thương nằm thì ngày mai tôi sẽ vào thăm mình, tôi hứa chắc như vậy đó . Cỡ một hay hai tuần lễ mình khỏi liền chứ gì .
Frank đứng dậy . Lần này có thêm hai ông y tá áo choàng trắng đàng hoàng bước vào . Thấy họ hắn thủng thỉnh tới bên cạnh bàn, đứng ngơ ngẩn như mắc suy nghĩ điều gì . Tự nhiên Frank thốt: “Bà con hãy uống cà phê đã nào . Tôi tự tay mời mà ?”
Cũng như mấy người lính vào trước, hai ông người nhà thương nhìn Frank sừng sững . Họ tính xông tới thì mụ Lucia vội đứng chặn đầu, quay mặt đi nói khe khẽ: “Nhà tôi tính kỳ khôi lắm . Mấy ông cứ dùng lời lẽ o bế thì hắn sẽ thong thả đi ngay . Dùng biện pháp mạnh không được đâu . Hắn sẽ nổi hung trở thành một con thú đấy” .
Cà phê đang nấu thì Frank thong thả ra lavabô soi gương cạo râu đàng hoàng . Hai ông y tá đứng hờm sẵn cũng như mấy ông lính ghìm chắc cây dùi cui . Cạo râu xong hắn mới tự tay dọn mấy ly cà phê ra bàn, thây kệ mấy chị em Octavia đứng bên bàn nhìn .
Frank từ tốn mời mấy người nhà nước uống cà phê . Không thể từ chối họ cũng nhấm nháp . Trong khi đó hắn tỉnh táo sai mụ vợ đi lấy một chiếc sơ mi sạch . Rồi nhìn cử tọa, Frank thong thả gằn từng tiếng:
– Mấy người nghe tôi nói đây, mấy người là quân súc sinh, nhớ như vậy ! Quý vị “làm ăn” đắc lực quá nhỉ ! Còn ông bạn chủ lò thân mến, ông nấu uýt ky lậu ở nhà sau chứ gì ! Đêm nào ông bạn không làm ăn, ông bạn cứ tưởng thiên hạ ngon giấc hết, chẳng ai biết được ! Nhưng tôi, tôi thấy hết . Tôi không lạ gì công việc phi pháp của ông bạn cũng như mọi thứ xấu xa, tội lỗi trên cõi đời này !
Vậy mà thiên hạ cứ đòi qua mặt tôi mới lạ ! Đồ ăn cướp, đồ giết người, quân điếm đàng khốn nạn cả lũ !
Càng chửi bới Frank càng hăng . Nói thì lắp bắp nhưng bất thần hắn đập một cú trên mặt bàn, bao nhiêu tách cà phê đổ hết . Không những đã quát to, dường như hắn còn kiễng chân lên cho cao thêm, cho hách nữa kìa . Hai mẹ con Larry vội lảng đi .
Lập tức hai ông y tá và hai thầy chú giàn hàng ngang tiến tới . Đang đứng đối diện bọn nhỏ, nghĩa là quay lưng lại đám người nhà nước Frank chợt bắt gặp bên kia bàn bộ mặt trắng nhợt kinh hoàng của thằng Gino . Cặp mắt nó như thất thần, chỉ thấy lòng trắng không . Thấy vậy Frank Corbo đưa mắt nháy con, nháy một mắt thôi . Rõ ràng hắn thấy thằng nhỏ hoàn hồn . Nó hết sợ lập tức nhưng ngơ ngẩn chẳng hiểu tại sao .
Khi người nhà nước sắp tới gần nhưng chưa đụng đến người hắn thì Frank điềm nhiên đưa hai tay ra xua, có ý bảo giang xa ra nghe hắn nói một điều gì tối quan trọng . Tưởng gì, hắn thọc tay vào túi lấy xâu chìa khóa đưa cho vợ và cả cái ví nữa .
Mụ Lucia vội nắm lấy tay chồng, thong thả dìu hắn ra khỏi phòng đi xuống thang . Thằng Larry vội chạy tới xốc bên kia . Mấy ông lính, y tá đi theo bén gót .
Đại lộ số 10 lạnh lẽo không một bóng người, gió đêm thổi ào ào . Ngay cửa chung cư, có chiếc xe tuần tiểu và chiếc xe hồng thập tự .
Đột nhiên Frank Corbo quay sang phía vợ năn nỉ khẽ:
– Lucia Santa, mình cho tôi về nhà . Đừng để chúng lôi tôi đi . Tôi khó sống với chúng . Tôi xin mình .
Có tiếng còi xe lửa vang lên . Mụ Lucia cúi đầu, buông tay hắn ra lùi lại mấy bước . Hai người y tá bèn xông lên nắm cứng lấy tay Frank, quàng cái gì vào tay hắn rồi mỗi người một bên xách hắn thẩy lên xe hồng thập tự . Hắn không la lối chống cự mà thấy những cánh tay giơ lên hạ xuống, cử động thật nhặm lẹ . Thế là xong . Mụ Lucia đưa tay bụm miệng và Larry thì đứng sững sờ nhìn theo chiếc xe nhà thương lăn bánh .
Mấy người cảnh sát bước tới . Trời sắp sáng đến nơi nhưng sương mù bàng bạc che lấp hết . Mụ Lucia khóc nức nở ngay ngoài đường trong khi Larry phải làm bổn phận khai báo nội vụ xảy ra như thế nào, “đương sự” tên gì, những ai có mặt ở nhà lúc bấy giờ đều phải cho tên tuổi hết .
Phải đến chủ nhật sau người nhà mới được phép vào thăm Frank Corbo . Cơm nước xong mụ Lucia hỏi con gái:
– Thế nào, mi nghĩ có thể hắn về đây được không ? Có gì phiền phức không ?
Octavia nhún vai làm thinh . Nàng không dám “có sao nói vậy” và ngạc nhiên thấy bà mẹ chẳng bi quan chút nào . Người lên tiếng là Larry, nhân danh “người đàn ông lớn nhất nhà” và nó đứng hẳn về phe đàn ông để bênh:
– Mẹ nói vậy tính để bố chết rục ở nhà thương Bellevue sao ? Phát cuồng một đêm có quan trọng gì ! Phải đưa ông ấy về ngay chứ ? Không có chuyện lộn xộn đâu, đừng lo …
Octavia mỉa mai:
– Mày nói nghe nhân đạo, tử tế quá nhỉ ? Mày nói dễ vì mày có bao giờ ở nhà ? Mày chỉ lo tối ngày cua gái, mày đâu thèm nghĩ là lúc mày đang du dương thì có thể ở nhà, mẹ và tao cùng mấy đứa nhỏ bị cắt cổ lúc nào không biết ? Chừng mày về tới thì chỉ có nước khóc ! Nhưng khóc đâu có làm sống lại người ? Mày ngu vừa vừa chớ …
– Chị thì chỉ được cái quan trọng hóa, lâm ly hóa là không ai bằng ! Tôi biết vào trong Bellevue ít bữa là ông ấy sẽ nếm mùi đời ngay và cam đoan không bao giờ dám nổi khùng nữa . Vấn đề là xưa nay chị đâu có muốn cho ông ấy ở trong nhà này ? Chị ghét ông ấy từ hồi nào tới giờ !
– Ô hay, không ghét sao được kìa ? Hắn có làm được cái gì cho thằng Vincenzo ? Ngay con đẻ của hắn cũng hết nhờ ! Hắn còn đánh đập mẹ nhiều lần chứ ? Có lần mẹ đang có bầu hắn cũng thẳng tay . Tao không thể quên …
Nghe hai đứa con lớn nói lại, mụ Lucia rầu rĩ nhăn mặt . Tụi nó lớn đầu mà vẫn còn con nít đã biết gì, nói được là nói ào ào . Chứ tư cách thì đâu chúng đã đủ ?
Xưa nay Lucia Santa dù thất học ngu dốt cũng đã từng chèo chống một gia đình . Những cảnh người một nhà chống đối nhau, phản đối nhau mụ vẫn thấy thường quá … nên đâu có nói chuyện tình cảm khơi khơi ? Tình yêu hay lòng thương xót cũng có giá trị nhưng chỉ phần nào thôi .
Phải nói rằng Frank Corbo từng làm chồng mụ, từng gỡ giùm mụ khỏi thế kẹt “mẹ góa con côi”, từng đem lại cho mụ hạnh phúc gối chăn … nhưng giờ đây đối với mụ có còn giá trị gì nữa ?
Có hắn còn tai họa cho gia đình . Con Octavia chắc chắn sẽ bỏ nhà ra đi, nó sẽ vớ ngay một thằng nào đó làm chồng, chỉ cốt để khỏi phải thấy mặt ông cha ghẻ ? Vậy thì giữa hạnh phúc của đám nhỏ mấy đứa và hạnh phúc của riêng mình, Lucia Santa không thể lựa chọn Frank .
Kẹt cái ngoài hạnh phúc chồng vợcòn có vấn đề danh dự, còn có bổn phận, còn có sự kết hợp chung để đối phó với cuộc đời . Frank Corbo đâu đã phản bội danh dự, dù hắn không đủ tư cách làm tròn bổn phận ? Bề nào ba đứa con nhỏ vẫn là máu huyết của hắn, chúng lớn lên mụ còn phải nương dựa vào, và dĩ nhiên chúng khó quên vì ai mới có chúng . Vợ chồng già thì còn trông cậy vào ai, ngoài mấy đứa con ? Phải nhờ chúng cũng như hồi nào từng chăm nuôi chúng chứ sao khỏi ?
Giữa lúc mẹ ngồi trầm ngâm, anh chị lớn gây gổ thì Gino cứ giỡn chơi, cãi cọ với Vincenzo và Sal . Ai nói gì thây kệ, nó nghe làm chi ? Đột nhiên tiết lộ:
– Mẹ đâu biết, tối hôm ba đi ba còn nháy nhó con đó !
Nó nói vậy là phải có, nhưng “nháy nhó” là gì kìa ? Octavia phải cắt nghĩa rõ cho mẹ . Lúc bấy giờ Lucia Santa mới khoái chí, lớn tiếng phân bua:
– Đó, tụi bây thấy chưa ? Tao biết ngay hắn chẳng phải tay vừa ! Hắn cố tình làm, hắn chờ đợi cái vụ đó, chứ đâu phải hắn không biết . Hắn biết hết nhưng không nói ra vậy thôi .
Larry nhất định cãi:
– Đâu phải vậy, mẹ ? Chắc ông ấy thấy thằng Gino run sợ quá nên làm vậy thôi, chứ có gì quan trọng dữ vậy ? Con nói rồi mà, ông ấy bệnh hoạn một chút, có vậy thôi . Phải để ông ấy về chứ?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.