Giáo sư và công thức toán

Chương 09 phần 1



Một hôm, khi kỳ nghỉ hè sắp kết thúc, bộng răng của giáo sư bỗng nhiên sưng to tới mức không cách nào che giấu nổi. Trải qua một mùa hè với mười trận thắng và sáu trận thua trên sân khác, xếp thứ hai sau đội đứng đầu Yakutt-Swallows với 2,5 điểm cách biệt, hôm đó, Tigers vừa trở về sân nhà Koshien.

Giáo sư chẳng nói với ai, chỉ chịu đựng một mình. Giá mà giáo sư chú ý tới bản thân hơn, chẳng hạn chỉ cần bằng một phần mấy cái cách giáo sư quan tâm tới Căn thôi thì đã chẳng đến nông nỗi ấy. Khi tôi nhận ra thì má trái của ông đã sưng vều, tới nỗi không thể há miệng một cách thoải mái nữa.

Đưa giáo sư tới bác sĩ nha khoa có phần đơn giản hơn là rủ ông tới tiệm cắt tóc hay đi xem bóng chày. Bởi cơn đau dữ dội khiến ông không còn đủ sức để nghĩ ra những lý do ngớ ngẩn, thậm chí chẳng thể thốt thành lời những lý do ngớ ngẩn ấy vì đôi môi không còn cử động nổi. Giáo sư thay một chiếc áo sơ mi sạch, xỏ đôi giày rồi ngoan ngoãn đi bộ suốt chặng đường tới chỗ bác sĩ nha khoa. Ông khom lưng chui lọt dưới tán ô che nắng tôi đang cầm như để che chở cho cái răng đau.

– Cô mà không nghiêm chỉnh ngồi chờ tôi ở đây là không được đâu đấy.

Ngồi trong phòng chờ, giáo sư liên tục căn dặn tôi bằng cái lưỡi đã trở nên rất vụng về. Chẳng hiểu giáo sư sợ tôi không hiểu ông nói gì hay chỉ đơn giản là không tin tưởng tôi mà suốt quãng thời gian chờ đợi gần như cứ năm phút ông lại nhắc nhở tôi:

– Trong lúc tôi vào phòng khám, cô không được đi đâu cả. Cô phải ở đây, ngồi trên chiếc ghế này và chờ tôi, rõ chưa?

– Hẳn là thế rồi. Tôi sẽ không bỏ mặc giáo sư mà đi đâu cả.

Tôi vuốt lưng ông hòng xoa dịu cơn đau. Tất cả những bệnh nhân khác đều nhìn xuống đất, cố gắng xua chúng tôi ra khỏi ý nghĩ của họ. Nhưng tôi biết phải có thái độ thế nào trước những tình huống khó xử như vậy. Nghĩa là chỉ cần vững vàng như định lý Pythagoras hay công thức Euler là được.

– Thật đấy nhé?

– Vâng. Giáo sư khỏi lo. Tôi sẽ ở đây đợi giáo sư đến khi nào cũng được.

Tôi biết có nói thế chứ nói nữa cũng chẳng trấn an ông được, song vẫn phải lặp lại y nguyên một câu trả lời. Cho đến phút chót trước khi đóng cánh cửa buồng khám, giáo sư vẫn cố ngoái lại đằng sau để kiểm tra xem tôi còn ở đó hay không.

Việc khám bệnh kéo dài hơn tôi tưởng. Những bệnh nhân vào sau đã thanh toán và ra về mà chưa thấy giáo sư đâu. Giáo sư không bao giờ chăm sóc răng giả cũng như đánh răng, hơn nữa, tôi dám chắc là ông chẳng đời nào chịu tỏ ra hợp tác nên hẳn là bác sĩ đang phải rất vất vả. Chốc chốc, tôi lại nhỏm dậy ngó vào bên trong qua ô cửa quầy đăng ký, nhưng chẳng thấy gì ngoài phần sau đầu ông.

Cuối cùng thì việc chữa trị cũng kết thúc. Giáo sư bước ra khỏi buồng khám với vẻ mặt cau có hơn cả khi phải cố chịu cơn đau. Vẻ mệt mỏi lộ rõ trên khuôn mặt, trán lấm tấm mồ hôi. Thỉnh thoảng ông lại khịt mũi mạnh hoặc bĩu đôi môi có vẻ như vẫn chưa hết tác dụng của thuốc tê một cách cáu kỉnh.

– Giáo sư không sao chứ? Chắc là mệt lắm rồi. Thôi, ta…

Tôi đứng lên định đưa tay ra đỡ, nhưng giáo sư không dừng lại. Ông chẳng thèm để mắt tới tôi, thậm chí còn định hất tay tôi ra.

– Giáo sư sao thế ạ?

Câu hỏi của tôi không tới được tai giáo sư. Ông hất vung đôi dép đang đi, rồi lảo đảo xỏ giày và đi thẳng ra ngoài. Tôi vội vã trả tiền ở quầy đăng ký rồi đuổi theo giáo sư mà chẳng kịp đặt lịch hẹn cho lần sau.

Giáo sư đang băng qua ngã tư đầu tiên. Ông không nhầm đường. Chỉ có điều, ông đang xăm xăm bước giữa đường mà chẳng thèm quan tâm đến dòng xe cộ, thậm chí cả đèn tín hiệu. Tôi không ngờ ông có thể đi nhanh đến thế. Vẻ cáu kỉnh lộ ra cả sau lưng.

– Xin giáo sư chờ một chút.

Tôi gọi to để ông dừng lại song chỉ nhận được ánh mắt tò mò của người qua đường. Nắng giữa mùa hè chói chang và oi bức đến hoa mắt.

Dần dần đến cả tôi cũng bắt đầu bực bội. Đi chữa mỗi cái răng đau, làm gì phải tức tối đến thế! Cứ để nguyên đấy lại chả nặng hơn ấy à. Không lúc này thì lúc khác, đằng nào mà chẳng phải chữa. Căn còn chịu đựng được ba cái chuyện ấy nữa là. Ừ nhỉ, đáng lẽ phải rủ Căn đi cùng. Như thế có thể giáo sư đã xử sự một cách người lớn hơn. Tôi đã làm đúng lời giáo sư dặn, đó là ngồi chờ ông, vậy mà…

Được một lát, tôi bỗng nảy ra cái ý định tinh quái là để mặc giáo sư muốn làm gì thì làm. Tôi cố tình đi chậm lại, không đuổi theo nữa. Giáo sư vẫn chỉ nhìn thẳng và tiếp tục bước, mặc cho còi xe và cây cột điện chắn trước mặt, dáng vẻ như muốn về đến nhà thật nhanh. Mái tóc chải gọn lúc xuất phát đã rối bù tự khi nào, áo com lê nhàu nhĩ. Tấm lưng ông trông thật nhỏ nếu đem xét trên cái khoảng cách giữa ông và tôi. Đôi lúc, dáng ông như lẫn vào ánh mặt trời. Chỉ nhờ những mẩu giấy nhớ lấp lóa tôi mới không để tuột ông khỏi tầm mắt. Chúng phát ra những chùm sáng phức tạp tựa như một kiểu ám hiệu báo cho tôi biết vị trí của ông.

Tôi bất giác chỉnh lại tay cầm ô. Sau đó nhìn đồng hồ. Mặc dầu không nhớ chính xác, song tôi thử tính quãng thời gian từ lúc giáo sư bước vào phòng khám cho tới lúc đi ra. Mười phút, hai mươi phút, ba mươi phút… tôi chỉ tay đếm theo vạch số.

Thế rồi, tôi vụt chạy theo sau giáo sư. Mặc cho đôi xăng đan như sắp tuột ra, tôi cứ bám lấy ánh lấp lánh của những mẩu giấy nhớ mà chạy. Chúng gần như bị bóng đen của phố xá nuốt chửng khi giáo sư rẽ vào góc đường tiếp theo.

Tôi tranh thủ phân loại đống tạp chí toán học nhân lúc giáo sư đi tắm. Mặc dù say sưa với các đề toán có thưởng, song giáo sư không mấy coi trọng tạp chí này, ông vứt bừa bãi mỗi nơi một quyển trong thư phòng và hầu như chẳng động đến trang nào khác ngoài chuyên mục giải toán có thưởng. Tôi gom chúng lại, sắp xếp theo thứ tự từ cũ đến mới, sau đó kiểm tra mục lục để chọn riêng ra những số đăng bài chứng minh của giáo sư.

Tôi tìm thấy tên giáo sư ở nhiều số. Dòng chữ về người giành giải thưởng được in đậm trong khung trang trí đặc biệt ở phần mục lục nên tôi có thể nhận ra ngay. Tên giáo sư nằm đó một cách đĩnh đạc và đầy vẻ tự hào. Bài chứng minh khi lên tạp chí tuy mất đi vẻ ấm áp của những con chữ viết tay song lại tăng thêm phần trang trọng khiến ngay cả một người như tôi cũng cảm thấy trong đó tính chặt chẽ của logic.

Thư phòng nóng hơn hẳn những nơi khác trong nhà phải chăng bởi bức tường tĩnh lặng vây bọc lâu ngày? Tôi điểm lại sự việc xảy ra ở chỗ bác sĩ nha khoa lần nữa và tính toán lại thời gian trong lúc cất số tạp chí không có bài của giáo sư vào thùng các tông. Tôi phạm phải một sơ suất là đã không để ý đến sự tách biệt giữa phòng chờ và phòng khám. Đáng lẽ trong bất cứ hoàn cảnh nào khi ở cùng giáo sư, ôi cũng không được quên khoảng thời gian tám mươi phút.

Tuy vậy, mặc dầu đã đo đi đếm lại song quãng thời gian tôi không ở cạnh giáo sư rõ ràng là chưa đầy sáu mươi phút.

Nhà toán học cũng là người trần nên đâu phải lúc nào cũng duy trì được cái chu kỳ tám mươi phút một cách chính xác, tôi tự nhủ. Thời tiết còn thay đổi mỗi ngày huống chi con người. Đôi lúc cơ thể cũng trục trặc chứ. Nhất là khi ấy răng giáo sư lại đau. Có gì lạ đâu nếu thần kinh căng lên vì bị một kẻ lạ hoắc chọc ngoáy trong miệng, và thế là vòng quay của cái cuộn băng tám mươi phút bỗng nhiên rối loạn.

Trên sàn nhà, chỗ tạp chí tôi lọc riêng ra đã cao hơn thắt lưng. Những cuốn tạp chí chẳng có gì đặc biệt được nạm bởi những viên đá quý là những bài chứng minh của giáo sư. Nghĩ thế, tôi bỗng thấy xiết bao yêu quý chúng. Tôi cẩn thận sắp gọn từng quyển. Đó vừa là lớp trầm tích của toàn bộ số năng lượng mà ông đã dành cho toán học, vừa là bằng chứng khẳng định rằng tai nạn bất hạnh kia đã chẳng thể khiến tài năng toán học của ông mai một.

– Cô đang làm gì thế?

Giáo sư đã tắm xong từ bao giờ và đang nhìn tôi. Chắc tại thuốc tê chưa hết tác dụng nên miệng ông vẫn còn hơi méo, nhưng má thì đã bớt sưng. Dường như tâm trạng ông đã sảng khoái hơn và cơn đau đã biến mất. Tôi lén đưa mắt nhìn chiếc đồng hồ treo tường, và chắc chắn rằng khoảng thời gian ông ở trong nhà tắm là chưa đầy ba mươi phút.

– Tôi đang sắp xếp lại chỗ tạp chí.

– Chà, thật là vất vả. Mà nhiều quá nhỉ. Phiền cô vứt chúng đi đâu đó hộ tôi được không?

– Ấy chết. Tôi làm sao vứt chúng đi được.

– Tại sao?

– Bởi toàn bộ chúng là thành quả của giáo sư. Một mình giáo sư đã gây dựng nên tất cả.

Tôi đáp.

Giáo sư không nói gì mà chằm chằm nhìn tôi bằng ánh mắt như run rẩy. Nước rớt xuống từ mái tóc làm ướt vài tờ giấy nhớ.

Lũ ve sầu vẫn kêu đến rát tai suốt buổi sáng bỗng nhiên im bặt, chỉ có nắng hè rót xuống đầy ắp sân sau. Nhưng nếu nhìn thật kỹ, người ta đã có thể nom thấy những đám mây mỏng mảnh gợi lên bóng dáng mùa thu trên bầu trời xa tít ở phía bên kia dãy núi. Đúng cái khoảng trời mà sao Hôm sẽ xuất hiện.

Căn bước vào học kỳ mới chưa lâu thì thông báo về người giành giải nhất của tạp chí khoa học được gửi đến. Đó chính là đề toán mà giáo sư đã đánh vật suốt cả mùa hè.

Nhưng đúng như dự đoán, giáo sư chẳng hề tỏ ra mừng rỡ. Giáo sư không thèm đọc tấm bưu thiếp của tòa soạn mà ném ngay xuống bàn ăn, cũng không phát biểu cảm tưởng hay có ý định nở một nụ cười dù ngắn ngủi.

– Đây là khoảng tiền thưởng lớn nhất kể từ khi số đầu tiên được phát hành đấy ạ.

Tôi nói vậy nhằm nhắc nhở ông. Tôi không có đủ tự tin để phát âm tên đầy đủ của cuốn tạp chí.

– Hừm…

Giáo sư trút một tiếng thở dài tỏ vẻ không quan tâm.

– Giáo sư có biết mình đã phải cực nhọc như thế nào để giải đề toán ấy không? Giáo sư không ăn, không ngủ, suốt từ sáng đến tối chỉ lang thang trong thế giới của những con số. Khắp người giáo sư đầy rôm sảy. Chẳng phải muối ở mồ hôi đã khô trắng trên lưng áo com lê của giáo sư đó sao?

Biết rằng ông chẳng còn nhớ gì về việc giải bài toán đó nữa, tôi ra sức nói với chính ông về những nỗ lực của ông.

– Tôi sẽ không bao giờ quên độ dày và sức nặng của tập bài chứng minh mà giáo sư đã đưa tôi đi gửi. Và cái cảm giác tự hào khi đưa nó qua ô cửa quầy bưu điện nữa.

– Ồ, vậy sao…

Nói thế nào, giáo sư cũng chỉ tỏ ra hờ hững đến phát bực.

Phải chăng việc tự đánh giá thấp ảnh hưởng của những gì mình đã làm là khuynh hướng chung ở tất cả các nhà toán học? Hay điều đó bắt nguồn từ bản chất nhân tính cố hữu của giáo sư? Hẳn là các nhà toán học cũng ham muốn công danh, vả chăng là cái tham vọng được những kẻ ngoại đạo chú ý tới. Chính vì vậy mà người ta đã phát triển toán học thành một bộ môn học thuật, và trong trường hợp của giáo sư thì có lẽ vấn đề chủ yếu nằm ở cơ chế hoạt động của trí nhớ.

Nhưng dù thế nào thì giáo sư cũng tỏ ra lạnh nhạt một cách đáng ngạc nhiên đối với những bài chứng minh đã hoàn tất. Ông đột nhiên thận trọng và kiệm lời khi đối tượng mà ông ưu ái vô hạn hiện nguyên hình và quay lại nhìn ông. Ông không kể lể về lòng nhiệt tình của mình hay đòi hỏi sự đến đáp mà chỉ lặng lẽ bước tiếp sau khi chắc chắn rằng nó đã thực sự hoàn thiện.

Điều đó không chỉ giới hạn trong toán học, mà ngay cả trong những tình huống bình thường như lúc đưa Căn bị thương tới bệnh viện hay lúc lấy thân mình che cho Căn khỏi trái bóng lạc, giáo sư cũng đón nhận lòng biết ơn của chúng tôi một cách vụng về. Không phải vì ông ngoan cố hay lập dị, mà bởi đơn giản ông không hiểu tại sao mình lại được biết ơn nhiều đến nhường vậy.

Điều mình làm được chẳng qua chỉ là việc cỏn con. Mình mà làm được thì người khác cũng làm được. Giáo sư luôn luôn tự nhủ như thế.

– Chúng ta phải ăn mừng thôi.

– Tôi nghĩ không cần phải ăn mừng làm gì.

– Khi tất cả cùng chúc mừng cho người đã cố gắng giành được giải nhất, niềm vui sẽ tăng lên gấp bội.

– Tôi đâu có ý định vui mừng. Việc tôi làm chẳng qua chỉ là nhòm trộm cuốn sổ của Thượng đế rồi chép lấy một chút những gì có trong đó mà thôi…

– Không. Chúng ta sẽ ăn mừng. Giáo sư không có ý định vui mừng nhưng tôi và Căn thì có.

Thái độ của giáo sư thay đổi khi tên Căn xuất hiện trong câu chuyện.

– À, phải rồi. Nhân tiện chúng ta sẽ làm sinh nhật cho Căn. Ngày 11 tháng Chín. Nếu có giáo sư tham dự nhất định cháu sẽ rất vui.

– Sinh nhật mấy tuổi?

Giáo sư đã mắc mưu. Ông lập tức tỏ ra quan tâm tới diễn biến của câu chuyện.

– Mười một tuổi ạ.

– 11…

Giáo sư nhổm người về phía trước, chớp mắt mấy cái rồi gãi đầu làm cho gàu rơi khắp bàn ăn.

– Vâng, 11.

– Một số nguyên tố tuyệt đẹp. Đẹp nhất trong các số nguyên tố. Đó cũng là số áo của Murayama. Cô không thấy điều này tuyệt vời sao?

Mỗi năm một lần, ai chẳng có ngày sinh nhật, đâu đáng gọi là tuyệt vời nếu đem so sánh với giải nhất nhờ bài chứng minh toán học. Tôi nghĩ thế nhưng không nói ra mà ngoan ngoãn đồng ý.

– Tốt lắm. Chúng ta sẽ ăn mừng. Cần phải cầu chúc cho lũ trẻ. Chúc mừng lũ trẻ thì bao nhiêu cũng không thừa. Chỉ cần một bữa cơm ngon, nến và pháo tay cũng đủ làm lũ trẻ hạnh phúc. Rất đơn giản, phải không nào?

– Vâng, giáo sư nói đúng.

Tôi lấy bút dạ khoanh vào ngày 11 tháng Chín trên tờ lịch trong phòng ăn bằng một vòng tròn to đến mức những người lơ đãng nhất cũng không thể bỏ qua. Giáo sư viết dòng chữ “Ngày 11 tháng Chín (thứ Sáu) chúc mừng sinh nhật thứ 11 của Căn” lên một mẩu giấy nhớ mới rồi đính nó vào khoảng trống khó khăn lắm mới có được bên dưới mấy mẩu giấy nhớ quan trọng nhất trên ngực.

– Thế này là xong.

Giáo sư gật gù đầy vẻ hài lòng trong khi ngắm nhìn mẩu giấy nhớ vừa nhập bọn.

Sau khi bàn bạc với Căn, chúng tôi quyết định sẽ tặng giáo sư quân bài bóng chày có hình Enatsu. Nhân lúc giáo sư đang ngủ gà trong phòng ăn, tôi bí mật cho Căn xem hộp bánh bích quy trên giá sách, thế là nó tỏ ra khá hứng thú. Nó quên mất việc phải giữ kín chuyện này với giáo sư, ngồi bệt xuống sàn, lấy ra từng quân một, lật hết mặt trước đến mặt sau ngắm nghía và thốt lên những lời thán phục.

– Đây là bảo vật của giáo sư, vì thế con cẩn thận đừng làm chúng bị gấp mép hay dây bẩn ra đấy nhé.

Tôi nhắc nhở thằng bé cũng vô ích, nó chẳng hề nghe.

Đó là lần đầu tiên trong đời Căn được cầm tận tay cái gọi là quân bài bóng chày. Có thể thằng bé đã nhìn thấy những quân bài mà bạn bè nó có và lờ mờ biết tới sự tồn tại ấy, song hẳn là, một cách gần như vô thức, thằng bé luôn trốn tránh chúng. Bởi Căn không phải là đứa trẻ dám vòi tiền mẹ để dùng vào việc vui chơi, nhất là việc vui chơi của riêng mình.

Tuy nhiên, kể từ khi nhìn thấy bộ sưu tập của giáo sư, thằng bé không còn trở lại như cũ được nữa. Nó đã bắt gặp một thế giới bóng chày khác cùng với sự cuốn hút không giống những gì trên thực tế. Nó đã biết đến chuyện những quân bài nhỏ tựa như vị thần hộ vệ coi sóc các trận bóng chày trên đài phát thanh và sân thi đấu. Những bức ản xuất thần, những kỷ lục vĩ đại được viết ra với niềm tự hào, những câu chuyện chứa trong đó cả lòng ngưỡng mộ, những hình chữ nhật vuông vắn nằm gọn trong lòng bàn tay, những chiếc túi nhựa lấp lánh dưới ánh mặt trời… Tất cả những gì liên quan tới bộ bài đều cuốn hút Căn. Nó càng mê mẩn khi nghĩ đến công sức giáo sư đã bỏ ra để hoàn thành bộ sưu tập cùng với niềm hạnh phúc của ông khi làm việc đó.

– Mẹ ơi, nhìn xem. Bức ảnh này của Enatsu chụp rõ cả những giọt mồ hôi đang bắn tóe ra.

– Úi chà, Gene Bacque. Tay rõ là dài.

– Chậc, chậc, thật không thể tin nổi, cái này mới đặc biệt chứ. Hình ảnh của Enatsum sẽ nổi lên khi soi dưới ánh đèn.

Trước nỗi cảm kích, Căn đều thốt lên và giải thích cho tôi nghe hòng tìm kiếm sự đồng tình.

– Mẹ biết rồi. Thôi, mau mau thu dọn đi.

Tôi nghe thấy tiếng kẽo kẹt của chiếc ghế bành vọng tới từ phòng ăn. Sắp đến giờ giáo sư thức giấc.

– Lần sau mẹ sẽ đề nghị giáo sư cho con xem một cách đàng hoàng. Chớ để nhầm số thứ tự đấy nhé. Vì giáo sư đã phân loại rất chi tiết…

Tôi chưa kịp nói xong thì, không hiểu do bộ bài quá nặng hay vì vẫn còn hưng phấn, Căn đánh rơi chiếc hộp xuống nền nhà. Một tiếng động khá lớn phát ra. Thật may là các quân bài xếp khít với nhau nên thiệt hại không đáng kể, tuy nhiên một phần trong số đó (hầu hết là của các cầu thủ chơi chốt hai) bị văng ra sàn.

Chúng tôi cuống quít bắt tay vào nhiệm vụ phục hồi hiện trạng. May mắn thay, không có quân bài nào bị rách hay xước vỏ nhựa. Chỉ có điều, tình trạng hoàn hảo vốn có của bộ sưu tập trong hộp bánh bỗng nhiên bị phá vỡ dù chỉ một góc nhỏ cũng khiến cho nó như mang một vết thương không thể chữa lành. Vì thế, chúng tôi càng lo lắng.

Bây giờ thì giáo sư có thể tỉnh giấc bất cứ lúc nào. Xét cho cùng, chúng tôi đâu cần phải lén lén lút lút kiểu này, bởi nếu là lời đề nghị của Căn thì giáo sư sẽ chẳng hẹp hòi gì mà không cho chúng tôi xem, vậy mà không hiểu sao tôi lại luôn e ngại việc đả động đến bộ bài trong chiếc hộp. Chính vì e ngại mà tôi đã gây ra hậu quả bất kính nhường này. Có thể tại tôi vẫn luôn nghĩ rằng, chắc hẳn giáo sư chẳng muốn ai thấy bộ bài ấy, cũng giống như cậu trai mới lớn cố cất giấu bí mật của riêng mình ở một nơi nào đó.

– Cầu thủ này tên là Shirasaka, vần S nên ở sau Kamata Minoru.

– Cái này đọc là gì hả mẹ?

– Có chú âm đấy thôi. Đọc là Hondo Yasuji. Thế nên phải xếp ở tít đằng sau.

– Mẹ có biết cầu thủ đó không?

– Mẹ không biết, nhưng đã được đưa vào quân bài thì chắc là phải xuất sắc rồi. Mà thôi, chuyện đó để sau, ta phải nhanh lên cái đã.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.