Giáo sư và công thức toán

Chương 07 phần 2



Màn vấn đáp về các con số ở ngưỡng cửa vẫn không có gì thay đổi, những câu hỏi về cân nặng lúc chào đời là một câu hỏi mới.

Tôi quên mất cân nặng của mình nên trả lời theo số cân nặng của Căn.

Lấy lũy thừa bậc 3217 của 2 trừ đi 1, ta được một số nguyên tố Mersenne.

Vừa lẩm bẩm, giáo sư vừa quay người bước về phía thư phòng.

Trong một tháng qua, Tigers đã có những bước tiến vững chắc và liên tục bám sát ngôi đầu bảng. Kể từ sau thành tích no-hit-no-run của Yufune, các cầu thủ ném bóng luôn là động lực cho các cầu thủ đánh bóng. Thế nhưng, bước vào cuối tháng Sáu, phong độ của Tigers bắt đầu tuột dốc, tính tới hôm vừa rồi đội đã liên tiếp thua sáu trận, để Giants qua mặt và rớt xuống vị trí thứ ba.

Người giúp việc thế chân tôi hình như là một người tỉ mẩn, chị đã xếp lại toàn bộ chỗ sách toán mà tôi hầu như không động đến vì sợ quấy rầy công việc của giáo sư lên giá, số nào không xếp thì chị ta để lên nóc tủ quần áo hoặc nhét xuống cái khe bé tí dưới gầm sofa. Hơn nữa, tiêu chí phân loại duy nhất của chị ta là khổ sách. Thoạt nhìn qua thì thấy có vẻ thật dễ chịu, nhưng cái trật tự ẩn giấu trong sự hỗn độn tích tụ sau nhiều năm đã hoàn toàn bị phá vỡ.

Tôi bỗng lo lắng đi tìm chiếc hộp bánh bích quy đựng những quân bài bóng chày. Ở một chỗ không xa chỗ cũ, nó được kê dưới các cuốn sách để điều chỉnh cho độ cao của chúng bằng nhau. Bên trong đó, Enatsu vẫn vô sự.

Cho dù vị trí xếp hạng của Tigers có biến động, thư phòng có sạch sẽ hơn thì cuộc sống của giáo sư vẫn chẳng có gì thay đổi. Hơn thế nữa, chỉ cần chưa đầy hai ngày, mọi nỗ lực của người giúp việc trước tan tành như bong bóng, thư phòng lại trở về khung cảnh quen thuộc ngày xưa.

Cái mẩu giấy nhớ giáo sư đặt lên giữa bàn ăn hôm đó tôi vẫn giữ gìn cẩn thận. May mắn thay bà quả phụ đã để mặc tôi lấy nó. Tôi cẩn trọng gấp nó lại, cất vào chiếc ví có ảnh của Căn.

Để biết được ý nghĩa của cái công thức ghi trên đó, tôi đã phải đến thư viện thị trấn. Chỉ cần hỏi, chắc là giáo sư sẽ giảng cho tôi ngay, song tôi không làm thế vì linh cảm rằng nếu tự mình mày mò, ý nghĩa của nó sẽ khắc vào đầu sâu hơn. Đó chỉ là linh cảm, chứ chẳng dựa trên căn cứ nào. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi quen biết giáo sư, dần dà trí tưởng tượng của tôi đối với những con số và ký hiệu bắt đầu phát triển tựa như với âm nhạc hay văn chương. Ở công thức chẳng lấy gì làm dài ấy có một sức nặng không thể bỏ qua.

Tôi đã đặt chân đến thư viện suốt từ dạo tới mượn sách về khủng long cho bài nghiên cứu ngoại khóa của Căn vào kỳ nghỉ hè năm ngóai. Khu vực dành cho toán học nằm ở góc trong cùng phía Đông trên tầng hai. Chẳng có ai khác ngoài tôi, mọi thứ vắng lặng như tờ.

Những cuốn sách trong thư phòng tất thảy đều cáu ghét, hoặc bị gấp trang, hoặc dính thức ăn, nói chung là luôn luôn có dấu tay của giáo sư, nhưng sách trong thư viện thì quá đỗi gọn gàng, thật xa lạ. Hẳn là trong số sách toán kia, có những cuốn cả đời chẳng được ai động đến.

Tôi rút mẩu giấy trong ví ra.

eπi + 1 = 0

Vẫn là bút tích thường lệ của giáo sư. Về tổng thể, chúng mang một vẻ tròn trịa, đôi chỗ, nét chì bị nhạt, song không hề có cảm giác cẩu thả, mà ngược lại, người ta có thể thấy sự nắn nót trong hình dạng của các ký hiệu hay cách khoanh tròn số 0. Dòng công thức hơi nhỏ so với diện tích mẩu giấy và được ghi hơi chếch lên phía trên một cách cẩn thận.

Nhìn kỹ lại, đó là một công thức khác thường. Chẳng hạn, nó có một vẻ mất cân đối khó diễn tả so với những công thức ít ỏi mà tôi từng biết như diện tích hình chữ nhật thì bằng chiều rộng nhân với chiều dài, hay bình phương cạnh huyền của tam giác vuông thì bằng tổng bình phương hai cạnh còn lại v.v. Chỉ có hai con số xuất hiện là 1 và 0, chỉ có một phép tính duy nhất là phép cộng, vô cùng đơn giản nhưng sao ký hiệu đầu tiên lại giống một cái đầu bất cân xứng đến vậy. Và kẻ cuối cùng nâng đỡ cái đầu quá khổ ấy là một số 0.

Tuy nói là tra cứu, song tôi cũng chưa biết bắt đầu từ đâu. Tôi bất đắc dĩ rút phứt mấy quyển sách gần mình nhất rồi lật thử vài trang.

Thuần là toán học. Tôi không dám tin rằng đây là vật sở hữu chung của những con người giống tôi. Mỗi trang giấy ở đây là một bản vẽ giải mã những bí mật của vũ trụ? Hay là những thứ được chép ra từ cuốn sổ của Thượng đế?

Trong tưởng tượng của tôi, Đấng sáng thế đang đan một tấm ren lớn ở nơi tận cùng của bầu trời xa xôi. Một tấm ren được móc bằng thứ chỉ thượng hạng để những tia nắng dù yếu ớt nhất cũng có thể xuyên qua. Các mẫu họa tiết chỉ có trong đầu Ngài, không một kẻ nào có thể đánh cắp hay đoán trước được họa tiết nào sẽ xuất hiện tiếp theo. Cây kim chuyển động không ngừng. Tấm ren kéo dài ra bất tận, tạo thành những đợt sóng, uốn lượn trong gió. Loài người bất giác đưa tay với lấy, họ không thể cầm lòng soi nó lên ánh nắng. Họ khóc và cọ má mình vào đó. Rồi họ cầu nguyện để có thể đan lại những họa tiết trên đó bằng ngôn ngữ của mình. Ai cũng muốn có riêng cho mình dù chỉ là một mảnh bé tí xíu, để mang về mặt đất.

Bất chợt đập vào mắt tôi là cuốn sách về định lý cuối cùng của Fermat. Nội dung của nó giống với một cuốn sách lịch sử hơn là sách toán nên tôi cũng hiểu được đôi phần. Tôi từng biết rằng định lý cuối cùng của Fermat là một bài toán lớn vẫn chưa có lời giải, song không ngờ lại được phát biểu đơn giản đến thế.

“Không có số tự nhiên X, Y, Z nào thỏa mãn phương trình Xn + Yn = Zn với n là số tự nhiên lớn hơn 3.”

Ô, chỉ có vậy thôi ư? Suýt nữa thì ý nghĩ ấy bật ra khỏi miệng tôi. Tôi tin rằng có thể tìm thấy vô khối số tự nhiên thỏa mãn phương trình này. Nếu n bằng 2 thì đó chính là định lý Pythagoras, vậy mà n mới chỉ lớn hơn một đơn vị thôi, mọi trật tư sẽ bị phá vỡ hay sao? Theo những gì đọc lướt qua, tôi được biết người ta tìm thấy mệnh đề này không phải từ một luận văn mà từ vài dòng viết vội của Fermat bên một lề giấy, nghe đâu ông không ghi lại phần chứng minh vì không đủ chỗ viết. Kể từ đó, có biết bao thiên tài đã dốc sức chứng minh cái định lý được coi như đích đến hoàn hảo của giới toán học, song đều tốn công vô ích. Chỉ vì sự đỏng đảnh của một người đàn ông mà các nhà toán học suốt ba thế kỷ vẫn không ngừng trăn trở, nghĩ đến đấy tôi thấy thương cho họ.

Tôi nghĩ tới độ dày và sức nặng của cuốn sổ Thượng đế, sự tinh diệu của tấm ren do Đấng sáng thế đan. Dù đã cần mẫn dò dẫm theo từng mũi đan, nhưng chỉ sơ sểnh một chút thôi, người ta sẽ mất đầu mối để bước tiếp. Vừa mới hoan hỉ vì chạm tới đích, những hoạ tiết phức tạp hơn lại xuất hiện.

Hẳn là giáo sư đã có cho mình một vài mảnh ren như thế. Liệu chúng có những hoạ tiết cầu kỳ trong suốt không? Tôi cầu mong cho chúng vẫn khắc sâu trong ký ức của ông.

Tôi tìm thấy cái công thức trong mẩu giấy nhớ của giáo sư ở giữa chương ba, phần giải thích về việc định lý cuối cùng của Fermat có liên quan như thế nào tới nền tảng lý thuyết số chứ không chỉ đơn thuần là một trò chơi ghép hình thỏa mãn trí tò mò của giới mê toán. Tôi đã không bỏ lỡ dòng công thức thoáng lưu lại trong khóe mắt khi lật giở những trang sách một cách không chủ đích. Tôi thận trọng so sánh trong mẩu giấy với trang sách. Không nhầm. Nó được gọi là công thức Euler.

Tôi hiểu rằng còn cả một chặng đường gian nan từ chỗ biết tên gọi tới chỗ hiểu được ý nghĩa của nó. Tôi vẫn đứng giữa các kệ sách, đọc đi đọc lại những trang có liên quan tới công thức này. Tôi thử đọc to những đoạn đặc biệt khó theo phương pháp giáo sư.Vẫn chỉ có mình tôi ở khu vực toán học, nên rốt cuộc không ai bị quấy rầy. Tôi lắng nghe giọng đọc của chính mình đang chui vào giữa những khe sách toán.

Tôi biết π. Đó là hằng số chu vi. Tôi cũng đã được giáo sư chỉ cho thế nào là i. Đó là căn bậc hai của -1, là hư số. Rắc rối là e. e cũng giống như π, là số vô tỷ không tuần hoàn và hình như là một trong những hằng số quan trọng nhất của toán học.

Tôi phải bắt đầu từ định nghĩa, thế nào là logarith. Logarith là số mũ mà khi lũy thừa một hằng số với số mũ đó sẽ được một số xác định cho trước. Nhân tiện cũng phải nói rằng hằng số trong trường hợp này được gọi là “cơ số”. Ví dụ: 100= 102, suy ra logarithm cơ số 10 của 100 (log10100) là 2.

Với hệ thập phân, việc sử dụng logarithm với cơ số 10 rất tiện lợi, nên người ta gọi đó là logarithm thông dụng(1), tuy nhiên, trong lý thuyết số, logarith cơ số e cũng đảm nhiệm một vai trò không thể đo đếm được. Người ta gọi đó là logarith tự nhiên. Ở đây, người ta xét đến một số mũ mà khi lũy thừa e với số mũ đó thì được một số xác định cho trước. Và e chính là “cơ số của logarith tự nhiên”.

Theo tính toán của Euler, giá trị của hằng số e như sau:

e = 2,71828182845904523536028…

Các con số cứ tiếp diễn không ngừng. Công thức tính, so với tính phức tạp của câu chuyện này,lại vô cùng sáng rõ:

e = 1 + +

Chỉ có điều, càng sáng rõ bao nhiêu thì sự bí ẩn của e càng sâu thẳm bấy nhiêu.

Người ta gọi đó là logarith tự nhiên, nhưng tự nhiên ở chỗ nào chứ? Chẳng phải quá bất tự nhiên hay sao khi lấy làm cơ số một số mà nếu không dùng được ký hiệu thì không thể biểu diễn được, không có trang giấy khổng lồ nào chứa nổi và không ai biết cái đuôi đó ra sao?

Một dãy số ngẫu nhiên, vô trật tự và bất tận giống như một đàn kiến xếp thành hàng dài lộn xộn hay như đứa trẻ vụng về xếp chồng các khối lập phương lên nhau thực ra lại mang một ý chí thống nhất. Việc liệt kê dãy số ấy quả là quá sức tôi. Mưu chước của Thượng đế thật khó lường. Vậy mà vẫn có kẻ bắt thóp được mưu chước ấy. Song biết bao người, kể cả tôi, chẳng ai biết ơn một cách đúng mực công lao của họ.

Tôi đổi bàn tay đã tê đi vì sức nặng của cuốn sách, lật thêm vài trang và mường tượng ra Leonhard Euler, nhà toán học vĩ đại nhất thế kỷ XVIII. Tiếp xúc với chỉ cái công thức ấy, tôi ngỡ như mình cảm thấy cả thân nhiệt của ông trong khi chẳng biết gì về ông. Euler đã sử dụng một khái niệm cực kỳ bất tự nhiên để tao ra một công thức. Ông đã phát hiện ra mối ràng buộc tự nhiên giữa những con số tưởng như vô can.

e mũ π nhân i cộng 1 bằng 0.

Tôi nhìn lại mẩu giấy nhớ của giáo sư một lần nữa. Một số kéo dài triền miên bất tận và một số hư ảo không bao giờ để lộ chân tướng vẽ nên một quỹ đạo gọn gàng rồi cũng nhau tiếp đất. Chẳng có hình tròn nào xuất hiện, nhưng từ tầng không, π bất ngờ sà xuống bên e, bắt tay với i – kẻ nhút nhát. Chúng nép vào nhau, nín thở, song vạn vật bỗng dưng biến đổi không báo trước vào cái ngày một người thêm vào đó phép cộng. Tất cả nằm gọn trong vòng tay của 0.

Công thức của Euler là ngôi sao băng chói giữa bóng đêm. Là câu thơ khắc trong hang tối. Vừa ngây ngất với vẻ đẹp giấu kín ấy, tôi vừa cất giấy vào ví.

Lúc bước xuống cầu thang thư viện, tôi bất giác ngoảnh đầu lại, nhưng vẫn chẳng có bóng người nào ở khu vực toán học, chẳng ai biết tới những thứ đẹp đẽ nhường ấy đang giấu mình ở đó, ngoại trừ sự tĩnh lặng.

Hôm sau, tôi lại đến thư viện để điều tra thêm một việc nữa vốn khiến tôi thắc mắc từ lâu. Tôi rút tập lưu chiểu dày cộp lưu trữ các số báo địa phương phát hành năm 1975 ra, nhẫn nại lật giở từng trang. Bài báo tôi tìm kiếm nằm trong số ra ngày 24 tháng Chín năm 1975.

Khoảng 4p0 chiều ngày 23, trên quốc lộ 2 thuộc khối 3 thị trấn OO, tài xế ●● (28 tuổi) lái chiếc xe tải hạng nhẹ của hãng vận tải đã lao qua dải phân cách và đâm thẳng vào chiếc xe bốn chỗ đang lưu thông trên làn đường ngược chiều do ông ▲▲ (47 tuổi) hiện là giáo sư toán học tại đại học điều khiển. Ông ▲▲ bị chấn thương nặng vùng đầu. Bà ▼▼ (55 tuổi) ngồi ghế trước là chị dâu của ông ▲▲ bị gãy chân trái. Tài xế xe tải cũng bị thương nhẹ ở trán. Cảnh sát cho rằng nguyên nhân của vụ tai nạn là do tài xế xe tải ngủ gật và đang lấy lời khai của người này…

Tôi gấp tập lưu chiểu lại. Tiếng chống gậy của bà quả phụ hiện lên trong đầu.

Suốt từ dạo ấy, tôi luôn giữ mẩu giấy nhớ của giáo sư bên mình ngay cả khi tấm ảnh của Căn đã nhạt màu. Đối với tôi, công thức Euler vừa là trụ đỡ, vừa là cách ngôn, vừa là bảo bối, vừa là di vật.

Tôi luôn tự hỏi tại sao lúc đó giáo sư lại viết ra công thức ấy. Không quát tháo, không đập bàn nạt nộ, chỉ với một công thức, giáo sư đã buộc trận cãi vã của bà quả phụ và tôi phải chấm dứt. Kết quả là tôi lại quay về làm người giúp việc, mối giao lưu của ông với Căn được khôi phục. Phải chăng giáo sư đã trù tính sẵn là sẽ làm như thế? Hay chỉ đơn thuần là một hành động bộc phát vì quá rối trí chứ chẳng có ý gì sâu xa?

Duy có một điều tôi dám chắc: Căn là mối lo lắng lớn nhất của giáo sư. Ông e sợ trận đôi co giữa những người đàn bà chúng tôi vì ông sẽ khiến thằng bé phải nghĩ ngợi. Bởi vậy, ông đã cứu Căn thoát khỏi tình cảnh ấy theo cái cách độc nhất vô nhị của riêng ông và chỉ mình ông mới làm được.

Bây giờ ngẫm lại, tôi không biết nói sao về lòng yêu thương thuần khiết mà giáo sư dành cho con trẻ. Đó là một sự thật vĩnh hằng và bất biến như công thức Euler.

Giáo sư luôn cố bảo vệ Căn trong mọi trường hợp. Ông cho rằng Căn lúc nào cũng cần rất rất nhiều sự giúp đỡ và ông là người có nghĩa vụ thực hiện điều đó mặc cho chính mình đang ở vào một tình cảnh chẳng lấy gì làm thuận lợi. Và ông coi việc thực hiện nghĩa vụ ấy là niềm vui tối thượng.

Sự quan tâm của giáo sự không phải lúc nào cũng thể hiện bằng hành động, đôi khi chúng biểu lộ theo những cách không thể thấy bằng mắt thường. Nhưng cảm giác của Căn chẳng bỏ sót điều gì. Thằng bé không đón nhận chúng với vẻ mặt thản nhiên hay vô ý bỏ qua. Nó hiểu rằng những gì giáo sư giành cho nó thật đáng biết ơn và trân trọng. Khả năng ấy của Căn có từ khi nào nhỉ, tôi ngạc nhiên tự hỏi.

Hễ thấy phần thức ăn của mình nhiều hơn của Căn là giáo sư sẽ cau mày nhắc nhở tôi. Bất kể là cá, bíp tết hay dưa hấu, phần ngon nhất phải dành cho người ít tuổi nhất. Đó là tín điều của giáo sư. Ông luôn dành cho Căn một quỹ thời gian vô hạn, ngay cả khi đang say sưa giải toán. Ông vui sướng đón nhận bất cứ câu hỏi nào của Căn vì tin rằng trẻ con thường băn khoăn nhiều hơn người lớn về những câu hỏi khó. Không những đưa ra câu trả lời chính xác, giáo sư còn khiến người đặt câu hỏi cảm thấy tự hào. Căn không chỉ thấy sự xuất sắc nơi những câu trả lời, mà còn chết đắm bởi ý nghĩ: ồ, mình cũng hỏi ra trò đấy chứ!

Giáo sư còn là một thiên tài trong việc quan sát cơ thể Căn. Ông phát hiện ra lông mi quặm hay mụn ở gốc tai Căn nhanh hơn tôi nhiều. Chẳng cần quan sát hay sờ nắn vào đâu, chỉ cần thằng bé ở trước mặt là ông lập tức biết được chỗ nào có vấn đề. Hơn thế nữa, để khỏi làm thằng bé lo lắng, ông thường ý tứ nói nhỏ với tôi những phát hiện của mình.

Tôi vẫn còn nhớ rõ giọng thì thào của giáo sư sau lưng lúc tôi đang rửa bát trong bếp.

– Này, tôi nghĩ là cần phải chữa cái mụn kia cho thằng bé đi.

Cách nói của ông nghe như sắp đến ngày tận thế.

– Quá trình trao đổi chất ở trẻ con diễn ra rất mãnh liệt, nên nếu cứ để nguyên, cái mụn sẽ sưng to ra và có thể đè lên các hạch bạch huyết hoặc làm nghẹt khí quản.

Sự lo lắng của giáo sư luôn được đẩy đến đỉnh điểm trong những tình huống có liên qua đến cơ thể Căn.

– Vâng, để tôi lấy kim chích nó đi.

Giáo sư phát cáu vì câu trả lời tắc trách của tôi.

– Làm thế nhỡ nhiễm trùng thì sao?

– Chỉ cần hơ qua lửa để sát trùng thì được thôi mà, thưa giáo sư.

Việc tôi cố tình chọc tức sẽ khiến ông càng lúc càng lo lắng một cách vô cớ, điều đó làm tôi thích thú. Và còn một điều nữa, tôi vui khi thấy ông lo lắng cho Căn như thế.

– Không được, vi khuẩn có ở khắp nơi. Chúng mà nhiễm vào máu rồi lên não thì không cách nào cứu vãn được đâu.

Giáo sư không chịu xuống nước cho tới khi tôi phải đồng ý: Vâng, tôi sẽ đưa cháu đến bệnh viện.

Giáo sư coi Căn như số nguyên tố. Ông cho rằng trẻ con là những nguyên tử vô cùng cần thiết với những người lớn như chúng tôi, tựa như số nguyên tố là nhân tố cấu thành mọi số tự nhiên khác. Ông tin rằng bản thân mình tồn tại được là nhờ những đứa trẻ.

Mỗi lần cần bình tâm, tôi lại bỏ mẩu giấy nhớ ra ngắm nghía. Những đêm không ngủ, những buổi chiều cô đơn hay những lúc chảy nước mắt vì nhớ ai đó. Và cuối đầu trước sự vĩ đại của dòng công thức ấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.