Giáo sư và công thức toán

Chương 03 phần 2



Hết nhìn sang Căn rồi sang tôi, giáo sư hỏi tiếp.

– Tổng cộng đã đoạt được bao nhiêu cú ăn ba?

Suy nghĩ giây lát, Căn lên tiếng.

– Enatsu đã đầu quân cho đội khác. Và… giải nghệ trước khi cháu ra đời.

– Sao?

Giáo sư thốt lên rồi im bặt và bất động.

Lần đầu tiên tôi thấy ông sửng sốt và xao động nhường này. Thường thì ông luôn bình tĩnh đón nhận những câu chuyện không có trong trí nhớ của mình và được thốt ra một cách vô cùng đường đột, nhưng lần này thì khác, ông đang lâm vào một tình thế quá đỗi khó xử. Nhìn ông như thế, tôi không còn đủ thì giờ để nghĩ đến Căn, kẻ cũng đang bối rối vì cho rằng mình đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng.

– Nhưng… ở đội Hiroshima Toyo Carp, Enatsu cũng rất thành công… và trở thành cầu thủ số một Nhật Bản đấy ạ…

Tôi nói vậy nhằm trấn an giáo sư, song kết quả thì ngược lại.

– Sao cơ? Đầu quân cho đội Hiroshima? Tại sao Enatsu lại có thể mặc bộ đồng phục không phải sọc trắng đen…

Ông chống khuỷu tay lên bàn làm việc, vò tung mái tóc vừa được cắt tỉa gọn gàng. Những sợi tóc vụn rơi lả tả trên vở toán. Lần này đến lượt Căn xoa đầu ông. Căn vuốt thẳng mái tóc rối bời của ông, như thể cố bù đắp cho lỗi lầm đã gây ra.

Tối đó, dọc đường về nhà, tôi và Căn im lặng bước đi.

– Hôm nay, Tigers có trận đấu nào không?

Căn hững hờ gật đầu đáp lại câu hỏi của tôi.

– Với đội nào?

– Taiyo.

– Liệu có thắng không nhỉ?

– Con không biết nữa…

Tiệm cắt tóc chúng tôi ghé qua lúc ban ngày đã tắt điện, công viên không một bóng người, những công thức toán giáo sư viết bằng cành cây khô cũng biến mất vào bóng tối.

– Mình ăn nói sao mà ngu ngốc – Căn cất tiếng – Ai mà biết giáo sư lại hâm mộ Enatsu thế chứ.

– Ngay cả mẹ cũng không biết mà. Con đừng lo. Rồi mai sẽ lại đâu vào đấy thôi. Ngày mai, Enatsu của giáo sư sẽ vẫn là tay ném bóng số một của Tigers. – Tôi an ủi con, bằng cách nói mà chính tôi cũng không biết có thích hợp không.

Khó ngang với vấn đề về Enatsu là bài tập giáo sư ra cho Căn.

Không ngoài dự đoán của ông, cửa hàng điện tử nơi chúng tôi mang máy thu thanh đến sửa hết sức bối rối khi nói rằng họ chưa từng thấy cái nào cũ đến vậy và không dám chắc là có sửa được không, tuy nhiên họ hứa sẽ cố thử trong vòng một tuần. Hôm nào trở về nhà sau khi xong việc, tôi cũng vất óc tìm cách giải bài toán “Tính tổng các số tự nhiên từ 1 đến 10”. Nhiệm vụ này đáng lẽ là của Căn, nhưng nó là một đứa mau bỏ cuộc, nên tôi đành nhận về mình. Nói gì thì nói, chuyện liên quan đến Enatsu vẫn làm nó áy náy. Tôi không muốn giáo sư thất vọng hơn nữa, tôi muốn ông vui. Để làm được vậy, con đường duy nhất là toán học.

Trước tiên, tôi đọc thật to đầu bài, như giáo sư thường bắt Căn làm thế.

– 1 + 2 + 3 +…+ 9 + 10 bằng 55. 1 + 2 + 3 +…+ 9 + 10 bằng 55. 1 + 2 + 3 +…

Nhưng cách này chẳng đem lại kết quả. Có chăng chỉ giúp tôi nhận ra rằng phép cộng thuần túy này quá đơn giản so với sự trừu tượng mà tôi đang tìm kiếm.

Thứ đến, tôi thử đủ các phương pháp, nào là sắp xếp các số từ 1 đến 10 theo hàng ngang và hàng dọc rồi so sánh chúng, nào là phân loại thành các nhóm số chẵn và số lẻ, số nguyên tố và hợp số; nào là dùng que diêm và quân cờ để tính toán. Ngay cả trong công việc, hễ rảnh rỗi là tôi lại viết các con số lên mặt sau tờ rơi quảng cáo hòng tìm ra manh mối.

Hổi thử sức với cặp số tình bạn, có bao nhiêu phép tính phải làm, vả lại, cứ bắt tay vào là mọi sự sẽ tiến triển. Nhưng lần này thì khác. Dò dẫm theo hướng nào cũng thấy cảm giác chông chênh, mờ mịt, đến mức cuối cùng thậm chí tôi còn không hiểu nỗi mình muốn gì. Vừa loay hoay như kẻ lạc đường, vừa tụt lùi bất tận. Trên thực tế, trong phần lớn thời gian, tôi hầu như chỉ làm mỗi một việc là nhìn chăm chăm vào trang giấy.

Dẫu thế, tôi vẫn không bỏ cuộc. Kể từ khi mang thai Căn, đây là lần đầu tiên tôi suy nghĩ rốt ráo đến vậy về một vấn đề.

Bản thân tôi cũng lấy làm ngạc nhiên rằng, sao tôi có thể say sưa nhường vậy với một trò chơi con trẻ chẳng đem đến lợi lộc gì. Giáo sư luôn hiện diện trong tâm trí tôi, nhưng dần dần mọi thứ đều lùi lại đằng sau, để lại bài toán và tôi trong cuộc so tài cao thấp. Buổi sáng, thứ đầu tiên hiện lên trước mắt tôi là phép tính “1 + 2 + 3 +…+9 + 10=55”. Nó cứ bám chặt lấy võng mạc cả ngày khiến tôi không cách nào xua đi hoặc phớt lờ được.

Ban đầu, cảm giác duy nhất là sự bế tắc, nhưng sau chuyển dần thành sự quyết đoán, cuối cùng ngạc nhiên thay, tôi thấy mình đang mang một sứ mệnh. Không mấy người biết được ý nghĩa đằng sau những công thức toán. Và đa số họ sẽ chết đi mà thậm chí không hề nhận thấy sự tồn tại của chúng. Lúc này đây, có một người giúp việc vốn không thuộc về thế giới của toán học đang cố sức chạm tay vào cánh cửa mở ra điều bí mật, bởi sự tình cờ của số phận. Thực ra, kể từ ngày đến nhà giáo sư, ánh sáng tỏa ra từ một nơi nào đó đã trao cho tôi một sứ mệnh đặc biệt, chỉ có điều tôi đã không sớm nhận ra…

– Con, mẹ làm thế này trông có giống giáo sư lúc “đang suy nghĩ” không?

Tôi lấy tay ôm trán, kẹp cây bút chì vào giữa ngón trỏ và ngón giữa để làm dáng. Tôi đã dùng đến tờ rơi cuối cùng của ngày hôm đó vậy mà chẳng có gì tiến triển.

– Hoàn toàn không. Lúc giải toán, giáo sư không lẩm bẩm một mình và nhổ tóc chẻ ngọn như mẹ. Chỉ có thể xác của giáo sư ở đó còn hồn giáo sư thì đi đến một nơi rất xa.

Căn đáp.

– Với lại, vấn đề mà giáo sư suy nghĩ khó hơn của mẹ nhiều.

– Biết rồi. Thế con tưởng mẹ đang đánh vật vì ai chứ? Đừng có suốt ngày cắm mặt vào sách về bóng chày nữa, lại đây nghĩ cùng mẹ một chút đi nào.

– Con mới sống được một phần ba quãng đời của mẹ thôi mà. Vả lại, nó vốn dĩ là một bài toán khó nát óc.

– Bài toán hôm trước, loáng chốc con đã tìm ra phân số rồi, tiến bộ thật đấy. Là nhờ giáo sư phải không nào?

– Vâng, cũng có thể là như thế.

Căn ngó vào mặt sau tờ quảng cáo, gật đầu vẻ kẻ cả.

– Mẹ đi đúng hướng đấy chứ.

– An ủi gì mà vô trách nhiệm chưa kìa.

– Còn hơn là không được an ủi mà.

Căn quay lại với cuốn sách về bóng chày.

Ngày trước, mỗi lần tôi khóc vì bị chủ nhà ức hiếp (bị vu là trộm cắp, bị hất cả mâm cơm do mình nấu vào thùng rác ngay trước mặt, bị mắng là đồ lười biếng), Căn bé bỏng thường an ủi tôi.

– Không sao đâu, vì mẹ rất đẹp.

Nó nói thế với một ngữ điệu đầy xác tín. Xét về cấp độ thì đó là lời an ủi cao nhất của Căn.

– Vậy hả? Mẹ đẹp thật chứ?

– Đúng thế. Mẹ không biết sao?

Căn giả bộ ngạc nhiên hết sức, rồi nhắc lại:

– Con đã bảo không sao mà. Vì mẹ rất đẹp.

Đôi lúc, vì muốn được Căn vỗ về nên tôi thường giả vờ khóc, dù không buồn bã đến mức ấy. Và lần nào Căn cũng làm ra vẻ như bị đánh lừa.

– Con nghĩ thế này. – Căn bất chợt lên tiếng. – trong các số từ 1 đến 10, riêng số 10 là kẻ lạc loài.

– Tại sao?

– Vì chỉ mỗi số 10 là có hai chữ số.

Quả đúng vậy. Tôi đã xoay xở với rất nhiều cách phân loại khác nhau, nhưng chưa bao giờ thử cách làm là đi tìm một số duy nhất có tính chất dị biệt.

Tôi nhìn lại cả mười con số. Sự khác biệt của số 10 rõ ràng đến mức khiến tôi hụt hẫng tự hỏi làm thế nào mà mình đã không nhận ra. Chỉ có số 10 là không thể viết được bằng một nét bút.

– Giá mà số 10 không ở đó thì vị trí trung tâm có phải rõ ràng rồi không.

– Vị trí trung tâm nghĩa là gì?

– Lần trước mẹ không đến tham quan giờ học của bọn con nên không biết. Mà đó lại là môn thể dục, môn con giỏi nhất mới tiếc chứ. Trong giờ thể dục, khi thầy giáo hô: “Các hàng, tập hợp vào giữa!” thế là bạn đứng ở giữa hàng sẽ giơ tay lên, cả hàng sẽ nhìn theo đó để dóng hàng. Nếu là hàng 9 người thì tốt rồi, vì bạn số 5 sẽ là trung tâm, còn hàng 10 người thì thật phiền phức, vì chẳng biết xác định trung tâm thế nào.

Tôi bỏ riêng số 10 sang bên, xếp các số từ 1 đến 9 thành một hàng và khoanh tròn số 5.

Không nghi ngờ gì nữa, số 5 là trung tâm. Nó dắt theo 4 số đằng trước và 4 số đằng sau. Nó vươn cao người, đưa hai tay lên trời đầy kiêu hãnh, như đang khẳng định rằng, tôi đây mới chính là điểm mốc.

Vào giây phút đó, một cảm giác lạ lùng chưa từng có trong đời đã đến với tôi. Trên sa mạc bị xéo nát, một trận gió bất thần nổi lên đã mở ra cho tôi một con đường hoàn toàn mới mẻ. Và một vầng sáng cuối con đường dẫn tôi đi. Vầng sáng ấy khiến tôi không sao ngăn nổi mình muốn dấn thân vào đó. Bây giờ thì tôi biết, sự lóe sáng ấy chính là lời chúc phúc dành cho tôi.

Thứ Sáu, ngày 24 tháng 4, ngày Tigers đấu với Dragons, chiếc máy thu thanh trở về nhà từ cửa hàng điện tử. Chúng tôi đặt nó ở ngay giữa bàn ăn, chăm chú lắng nghe. Phải chờ đến khi Căn vặn to máy, chúng tôi mới nghe thấy giọng bình luận viên giữa những tiếng ồn ào. Thứ âm thanh chập chờn, nhưng dù sao cũng là một trận bóng được tường thuật trực tiếp. Đó là luồng sinh khí đầu tiên của thế giới bên ngoài lọt vào căn nhà ngang kể từ độ tôi đến làm. Ba chúng tôi đua nhau thốt lên những lời trầm trồ.

– Cái đài này mà cũng nghe được bóng chày, thật không ngờ…

Giáo sư nói.

– Tất nhiên rồi. Loại đài nào mà chẳng nghe được ạ.

– Hồi xưa, khi mua nó cho tôi, anh tôi bảo là để tôi học tiếng Anh, nên tôi cứ tưởng nó chỉ nghe được tiếng Anh.

– Thế giáo sư chưa bao giờ cổ vũ Tigers qua đài à?

Căn hỏi.

– À, ờ. Cháu thấy đấy, nhà bác không có cả tivi, nên thực ra… – giáo sư ấp úng – bác chưa bao giờ được xem một trận bóng chày.

– Thật không tin nổi.

Căn kinh ngạc thốt lên, quên mất cả việc giữ ý.

– Nhưng cháu đừng hiểu lầm, bác thông thạo luật chơi lắm đó.

Giáo sư nói thêm như để thanh minh, song Căn thì vẫn chưa hết ngạc nhiên.

– Vậy thì giáo sư làm sao mà trở thành fan của Tigers được?

– Được chứ. Một fan đắc lực là đằng khác. Bác thường tới thư viện của trường đại học vào giờ nghỉ trưa để đọc bản tin thể thao trên báo. Mà không chỉ có đọc suông thôi đâu nhé. Bác còn phân tích số liệu về các cú đánh và cú ném ăn điểm của đội Hanshin nữa. Nhờ thế, bác có thể hình dung ra từng diễn biến của mỗi trận đấu với độ chính xác đến một phần nghìn. Thật hiếm có môn thể thao nào mà các con số dùng để biểu đạt lại muôn màu muôn vẻ như bóng chày.

– Có thú vị không ạ?

– Thú vị quá đi chứ. Không có máy thu thanh song bác vẫn nhớ như in thắng lợi đầu tiên hồi mới gia nhập giải nhà nghề năm 1967 của Enatsu trước Carp với mười cú ăn ba(7), và một trận thắng tuyệt đối năm 1973 với cú home-run(8) quyết định của cậu ta ở hiệp phụ đấy.

7. Trong bóng chày, cầu thủ ném bóng cố gắng để cầu thủ đối phương không đánh được bóng ba lần liên tiếp, bởi khi đó cầu thủ đối phương này sẽ bị loại.

8. Cú đánh bóng xa cho phép cầu thủ đánh bóng một vòng qua cả bốn chốt trên sân mà không phải dừng lại và khi đó mỗi thành viên của đội có mặt trên sàn sẽ được ghi một điểm (khi đó có tối đa là bốn cầu thủ).

Đúng lúc đó, từ chiếc radio, bình luận viên thông báo Kasai sẽ thực hiện lượt ném bóng đầu tiên cho đội Tigers.

– Bao giờ thì đến lượt Enatsu nhỉ?

Giáo sư hỏi. Lần này, Căn không hề bối rối hay định cầu cứu tôi mà trả lời một cách tự nhiên.

– Các cầu thủ chơi xoay vòng nên chỉ chút nữa là đến thôi ạ.

Tôi không khỏi sửng sốt trước cách xử sự thật người lớn của Căn. Chúng tôi đã giao hẹn với nhau là có thể nói dối giáo sư nhưng chỉ riêng những chuyện liên quan đến Enatsu thôi. Nói dối, dù theo kiểu nào, cũng đều khiến tôi dằn vặt. Nhất là giáo sư. Nói dối liệu có tốt cho ông không, cảm giác thiếu tự tin ấy thật tồi tệ dẫu biết rằng đó là vì căn bệnh của ông.

Nhưng dù sao, khiến ông bị sốc thêm lần nữa còn tồi tệ hơn nhiều.

– Chỉ cần tưởng tượng ra Enatsu đang ngồi trên băng ghế chờ hoặc đang khởi động ở đường biên là được thôi mà mẹ.

Căn nói.

Không sống vào cái thời mà Enatsu còn chơi bóng. Căn quyết định tới thư viện để tra cứu sách báo và thu thập thông tin về ông. Trong toàn bộ sự nghiệp thi đấu của mình, Enatsu có 206 trận thắng, 158 trận thua, 193 trận giành được no-hit no-run(9), 2987 lần đoạt cú ăn ba, home-run ở lần xuất trận thứ hai sau khi tham gia giải chuyên nghiệp, ngóan tay hơi ngắn so với một cầu thủ ném bóng, giành được từ đối thủ truyền là Sadaharu nhiều cú home-run hất, tuy nhiên chưa một lần Enatsu ăn điểm bằng bóng chết từ, phá kỷ lục thế giới với 401 cú ăn ba trong mùa giải năm 1968, bị chuyển nhượng cho Nankai sau khi kết thúc mùa giải năm 1975 (năm mà trí nhớ của giáo sư dừng lại)…

9. Trận thắng bằng cách cầu thủ ném bóng không để cầu thủ đối phương đánh được bóng đúng luật và giành quyền chiếm chốt trong suốt chín hiệp liên tiếp.

Hẳn là Căn muốn hình dung rõ ràng hơn cảnh tượng Enatsu đang đứng đó trong những tiếng cổ động phát ra từ radio, bằng cách có được thật nhiều những ký ức giống của giáo sư. Giữa lúc tôi đánh vật với bài toán nọ thì Căn cũng đang giải quyết vấn đề Enatsu theo cách của mình.

Trong khi lật giở bộ sách ảnh Các danh thủ bóng chày chuyên nghiệp Căn mượn về từ thư viện, tôi bỗng giật mình vì một con số. Số áo của Enatsu là 28. Khi rời trường đại học Osaka Gakuin và đầu quân cho Tigers, Enatsu đã chọn số 28 trong các số áo 1, 13, 28 mà đội bóng đưa ra. Enatsu là càu thủ đeo trên mình con số hoàn hảo.

Ngày hôm đó, chúng tôi quyết định báo cáo kết quả sau khi bữa tối kết thúc. Tiến tới trước mặt giáo sư đang ngồi bên bàn ăn, tôi và Căn cúi đầu chào, trên tay cầm một quyển vở cùng một cây bút dạ.

– Thưa giáo sư, đề bài giáo sư đưa ra là: hãy tính tổng các số tự nhiên từ 1 đến 10…

Căn tỏ ra nghiêm túc chưa từng thấy. Nó hắng giọng một cái, rồi viết các số từ 1 đến 9 theo một hàng ngang lên quyển vở mà tôi đang giữ, tất nhiên là bỏ riêng số 10 sang một bên, đúng như những gì chúng tôi đã bàn bạc tối qua.

– Chúng ta biết đáp án là 55. Cháu tìm được kết quả này bằng tính cộng. Nhưng vì giáo sư chưa hài lòng với cách giải đó nên cháu đã đi tìm một cách giải khác.

Giáo sư khoanh tay trước ngực, chăm chú lắng nghe như quyết không để sót một từ nào.

– Đầu tiên, ta xem xét các số từ 1 đến 9. Hãy tạm thời quên số 10 đi. Đứng giữa các số từ 1 đến 9 là số 5. Như vậy, 5 là… e hèm…

– Trung bình cộng.

Tôi nhắc khẽ vào tai Căn.

– À, phải rồi. Là trung bình cộng. Vì ở trường cháu chưa được học cách tính trung bình cộng nên mẹ cháu đã dạy cháu. Tức là, ta lấy tổng của các số từ 1 đến 9 chia cho 9 thì được 5… 5 x9=45, đây là tổng của các số từ 1 đến 9. Tới đây, ta sẽ nhớ lại số 10 mà ta tạm thời quên ban này.

5×9+10=55

Sửa lại tư thế cầm bút, Căn viết thêm công thức đó lên vở.

Giáo sư bất động hồi lâu, tay vẫn khoanh trước ngực, không nói lời nào, chỉ đăm đăm nhìn phép toán.

Sự lóe sáng kia rốt cuộc chỉ là một trò cười ngớ ngẩn, tôi tự nhủ. Thật ngông cuồng khi định làm vui lòng một vị giáo sư toán học bằng cứ chất xám nghèo nàn mà tôi đã sớm biết rằng chẳng thể chắt lọc được gì siêu việt từ đó cho dù có tập trung toàn bộ trí lực…

Đúng lúc ấy, giáo sư bất ngờ đứng dậy và vỗ tay. Tiếng vỗ tay của ông mạnh mẽ và ấm áp tới mức tưởng như ngay cả kẻ chứng minh thành công định lý Fermat cũng chẳng thể nào nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt đến vậy. Âm hưởng của nó không ngừng vang vọng khắp ngôi nhà.

– Tuyệt vời! Một phép tính đẹp tuyệt vời. Giỏi lắm, Căn.

Giáo sư ôm chặt Căn vào lòng. Trong cánh tay ông, cơ thể Căn bị ép lại gần như chỉ còn một nửa.

– Quả là tuyệt vời. Không ngờ một công thức như thế này lại có thể được sinh ra từ bàn tay của cháu…

– Vâng, cháu biết rồi. Giáo sư thôi được chưa ạ, cháu ngạt thở quá.

Tiếng Căn không thể thoát ra khỏi lần vải com lê đang bịt kín miệng nó để đến được tai giáo sư.

Khen ngợi bao nhiêu, giáo sư cũng không thấy đủ. Ông phải thuyết phục được cái thằng bé loắt choắt đầu bẹt đang đứng trước mắt mình rằng, công thức mà nó vừa phát hiện ra đẹp đẽ đến nhường nào.

Đứng bên cạnh Căn, kẻ đang nhận hết những lời khen về mình, tôi hậm hực tự nhủ: thực ra người tìm được lời giải đâu phải là Căn, mà là mình chứ. Tôi bỗng nhiên quên hẳn sự quẫn trí và tự ti ban nãy, thay vào đó là niềm tự hào khôn tả. Đưa mắt lịa cuốn vở, tôi ngắm nhìn những con số Căn vừa viết.

5 x 9 + 10 = 55

Mặc dù không học toán một cách có hệ thống, song tôi biết rằng, sẽ chính quy hơn nếu dùng ký hiệu trong trường hợp này.

+ n

Tôi thấy mình thật khá.

Đâu là sự tinh túy của cái lời giải mà cuối cùng tôi cũng có thể tìm ra sau khi đã lạc lối trong mớ lộn xộn? Điểu đó như thể tôi đã đào lên được một hạt pha lê từ tận cùng hang sâu trên hoang mạc. Và không ai có thể phá hỏng hay phủ nhận sự tồn tại của thứ pha lê ấy. Tôi tự ca ngợi mình, mỉm cười kín đáo, bù lại những lời tán thưởng mà giáo sư không dành cho tôi.

Mãi lâu sau Căn mới được buông tha. Chúng tôi cúi đầu đáp lại tràng pháo tay của giáo sư với niềm tự hào và cảm tạ sâu sắc, tựa như những nhà toán học vừa kết thúc phần phát biểu của mình trước hội đồng học thuật.

Ngày hôm đó, Tigers thua Dragons với tỷ số 2-3. Wada đưa Tigers vượt lên dẫn trước bằng cú ghi điểm ở chốt 3, nhưng Dragons sau đó đã liên tục thực hiện hai cú home-run và đánh bại Tigers.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.