Giáo sư và công thức toán

Chương 03 phần 1



Cuối cùng thì tôi cũng thuyết phục được giáo sư ra ngoài. Từ ngày tôi tới làm ở đây, ông chưa một lần bước chân ra vườn, chứ đừng nói đến chuyện đi đâu đó. Vì thế tôi nghĩ ông nên tiếp xúc với khí trời thì sẽ tốt cho sức khỏe.

– Thời tiết dễ chịu lắm giáo sư ạ.

Tôi không hề nói dối.

– Dễ chịu đến mức giáo sư sẽ lập tức muốn hướng về phía mặt trời và hít một hơi sâu.

Nhưng giáo sư vẫn không rời cuốn sách đang đọc trên chiếc ghế bành và chỉ ừ hữ cho qua chuyện.

– Giáo sư thấy sao nếu đi dạo một vòng quanh công viên rồi tạt qua tiệm cắt tóc?

– Để làm gì?

Giương mục kỉnh lên nhìn tôi theo cái kiểu cô này vẽ sự, giáo sư hỏi.

– Đâu cần phải có mục đích gì ạ. Ngoài công viên bây giờ vẫn còn hoa anh đào, sơn thù du cũng sắp sửa đơm bông. Sau đó mà đi cắt tóc thì sảng khoái biết chừng nào.

– Tôi thấy như thế này đã đủ sảng khoái rồi.

– Bắt đôi chân vận động sẽ làm máu lưu thông tốt hơn, và biết đâu giáo sư sẽ nảy ra nhiều ý hay về toán học.

– Tuần hoàn máu chân thì liên quan gì tới tuần hoàn máu não.

– Sửa sang lại đầu tóc, giáo sư chắc chắn sẽ điển trai hơn đấy.

– Dào, vớ vẩn.

Giáo sư liên tục đưa ra những lý lẽ bướng bỉnh, nhưng cuối cùng đành phải miễn cưỡng gấp sách lại vì sự dai dẳng của tôi. Trong tủ giày chỉ có duy nhất một đôi giày da đã lên mốc.

– Cô đì cùng tôi chứ?

Cứ chốc chốc giáo sư lại quay sang tôi, khi ấy đang đánh giày, hỏi lại.

– Phải hứa là ở lại cùng tôi đấy. Trong lúc tôi đang cắt tóc mà cô về mất là phiền lắm.

– Vâng, xin giáo sư yên tâm. Tôi sẽ luôn ở bên giáo sư.

Đôi giày đánh thế nào cũng không chịu bóng.

Nhưng vấn đề là đám giấy nhớ dính đầy trên người giáo sư. Nếu cứ đánh bộ như thế mà đi ra ngoài, hẳn chúng tôi không tránh khỏi ánh mắt tò mò của thiên hạ. Tôi phân vân không biết có nên bảo ông gỡ chúng ra hay không, song hình như chính ông cũng chẳng mấy quan tâm nên tôi quyết định cứ mặc kệ.

Giáo sư chẳng thèm ngước lên nhìn bầu trời trong veo, cũng chẳng thèm để mắt tới những con chó hay cửa hàng mà chúng tôi đi ngang qua, chỉ nhìn xuống chân mình và lật đật bước đi. Động tác cứng nhắc khiến ông chẳng những không có vẻ thong dong mà còn hơi căng thẳng.

– Giáo sư thấy không. Hoa anh đào đang nở rộ đằng kia kìa.

Mặc cho tôi bắt chuyện, giáo sư chỉ ậm ừ. Ở ngoài trời, nom ông già hơn đến chục tuổi.

Chúng tôi quyết định sẽ đi cắt tóc trước. Chủ tiệm cắt tóc là một người đàn ông tinh ý và tốt bụng, ban đầu anh ta phát hoảng khi nhìn thấy bộ com lê kỳ quặc, nhưng dường như đoán ra sự tình nên đã cư xử rất dễ mến. Có lẽ anh ta ngỡ chúng tôi là hai cha con.

– Được con gái đưa đi, sướng quá bác nhỉ.

Cả tôi lẫn giáo sư đều không phản đối. Tôi ngồi lẫn giữa những khách nam khác chờ ông.

Hẳn là giáo sư từng có một vài kỷ niệm không vui ở tiệm cắt tóc nên khi bị choàng chiếc áo phủ ngoài lên người, trôn gông càng căng thẳng. Hàm răng nghiến chặt, các ngón tay bấu mạnh vào cánh tay, lông mày nhíu lại. Anh chủ tiệm cố gắng giúp giáo sư bớt căng thẳng bằng những câu chuyện tránh động chạm song không có kết quả. Tệ hơn, giáo sư còn bất ngờ tuôn ra những câu hỏi quen thuộc khiến cho tình huống càng thêm khó xử.

– Anh đi giày số mấy?

– Số điện thoại nhà anh là bao nhiêu?

Giáo sư có thể nhìn thấy tôi trong gương nhưng dường như ông vẫn không tin nên chốc chốc lai ngoảnh mặt về phía tôi để kiểm tra xem lời hứa có bị vi phạm hay không. Mỗi bận như thế, anh chủ tiệm lại buộc phải dừng tay kéo, song không hề phàn nàn về sự đỏng đảnh của giáo sư. Còn tôi thì khẽ mỉm cười và giơ tay lên, ra hiệu với ông rằng tôi vẫn còn đó.

Những đám tóc bạc rơi xuống vương vãi trên sàn nhà. Chủ tiệm cắt tóc đâu biết rằng cái hộp sọ được bao phủ bởi mái tóc bạc ấy lại có thể đếm vanh vách các số nguyên tố tồn tại tính từ một đến một trăm triệu. Và liệu có ai trong số những vị khách đang ngồi đợi trên ghế sofa, chỉ mong sao cho cái ông già kỳ quặc trước mắt họ về sớm, biết tới sự liên kết bí mật giữa ngày sinh của tôi và con số khắc sau chiếc đồng hồ của giáo sư? Nghĩ đến đó, không hiểu sao tôi bỗng thấy tự hào. Tôi nhìn vào trong gương ra hiệu cho ông bằng một nụ cười tươi rói. Rời tiệm cắt tóc, chúng tôi ngồi uống cà phê lon trên ghế đá công viên. Trong công viên có bãi cát, đài phun nước và sân quần vợt. Mỗi cơn gió thổi tới lại cuốn đi những cánh anh đào và khiến cho từng chùm nắng xuyên qua cành cây soi sáng mặt giáo sư rung rinh. Còn đám giấy nhớ thì lay động không ngừng. Ông chằm chằm ngó vào miệng lon như sắp uống một thứ nước đáng ngờ.

– Đúng như tôi tưởng tượng, giáo sư trông đàn ông và đẹp trai ra nhiều.

– Cô thôi đùa đi nào.

Khi giáo sư nói, từ ông tỏa ra một mùi kem cạo râu, khác hẳn múi giấy mọi ngày.

– Ở trường đại học, giáo sư nghiên cứu bộ môn nào của toán học ạ?

Giáo sư có nói tôi cũng chẳng hiểu, nhưng để đáp lại việc ông đồng ý cùng đi ra ngoài, tôi quyết định sẽ trò chuyện với ông về toán học.

– Bộ môn được mệnh danh là nữ hoàng toán học.

Giáo sư uống ực một ngụm cà phê rồi trả lời.

– Kiều diễm và kiêu sa như nữ hoàng, nhưng cũng hà khắc như quỷ dữ. Nói một cách đơn giản, tôi nghiên cứu mối quan hệ giữa các số nguyên mà ai cũng biết là 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7…

Nữ hoàng – không ngờ ông lại dùng một từ chỉ có trong các truyện cổ tích. Tiếng bóng tennis vẳng lại từ xa. Bất kỳ ai, từ bà mẹ đẩy xe em bé, người chạy bộ đến người đi xe đạp, khi ngang qua chúng tôi cũng đều bối rối lảng tránh, không dám nhìn giáo sư.

– Công việc của giáo sư là phát hiện ra những mối quan hệ ấy, phải không ạ?

– Đúng, là phát hiện chứ không phải phát minh. Tôi khai quật những định lý đã tồn tại ở đó từ trước khi tôi ra đời rất rất lâu mà không ai biết đến. Giống như việc chép lại từng dòng những chân lý chỉ có trong cuốn sổ của Thượng đế. Không ai biết cuốn sổ ấy ở đâu và khi nào thì nó mở ra.

Nói đến đoạn “những định lý đã tồn tại ở đó”, giáo sư liền chỉ tay vào cái điểm trên không trung mà những lúc “suy nghĩ” ông thường nhìn đăm đăm vào đó.

– Ví dụ, hồi du học ở Cambridge, tôi nghiên cứu phỏng đoán Artin về các tam thức hệ số nguyên. Thế rồi, dựa trên ý tưởng phương pháp vòng tròn, tôi thử vận dụng hình học giải tích, lý thuyết đại số, xấp xỉ diophantine… nhằm tìm ra tam thức chưa có trong phỏng đoán Artin… và rốt cuộc thì tôi đã chứng minh được một dạng nhờ áp dụng điều kiện đặc biệt…

Giáo sư nhặt một cành cây nhỏ rơi dưới ghế đá rồi vẽ cái gì đó trên mặt đất. Ngoài cách gọi “cái gì đó”, tôi chẳng biết diễn đạt thế nào khác. Ở đó có các con số, chữ cái và các ký hiệu bí ẩn, chúng nối đuôi nhau thành một dãy liên tục. Tôi không hiểu ý nghĩa của bất cứ một tiếng nào đang phát ra từ miệng ông, song tôi hiểu ở đó có một con đường và ông đang băng băng tiến về phía trước. Đầy vẻ đĩnh đạc và uy nghiêm. Sự căng thẳng trong tiệm cắt tóc đã biến đâu mất. Cành cây khô không ngừng khắc lên mặt đất ý chí của ông. Tự lúc nào, một tấm đăng ten được dệt nên bởi những công thức toán đã trải rộng dưới chân chúng tôi.

Khi cành cây thôi chuyển động và sự im lặng trở lại, tôi buột miệng nói ra một câu mà chính mình cũng không ngờ tới.

– Sẽ không phiền nếu tôi nói với giáo sư một phát hiện của mình chứ ạ?

Có thể vẻ đẹp của tấm đăng ten đã hút hồn tôi, khiến tôi muốn góp phần mình vào đó. Và vì tôi có một sự xác tín rằng, nhất định giáo sư sẽ không coi rẻ cái phát hiện quá đỗi tầm thường ấy của tôi.

– Tổng các ước số của 28 bằng 28.

– Ồ…

Giáo sư thốt lên rồi viết tiếp vào sau chuỗi lập luận về phỏng đoán Artin:

28 = 1 + 2 + 4 + 7 + 14

– Số hoàn hảo.

– Số-hoàn-hảo.

Tôi lẩm nhẩm, như đang tận hưởng dư vị của những âm tiết chắc nịch ấy.

– Số hoàn hảo nhỏ nhất là 6. 6 = 1 + 2 + 3.

– Ồ, đúng thật. Vậy là chúng không quá hiếm.

– Chớ có lấm tưởng. Chúng là những con số vô cùng quý giá, thể hiện chân thực ý nghĩa của sự hoàn hảo. Số hoàn hảo ngay sau 28 là 496. 496 = 1+ 2 +4 + 8 + 16 + 31 + 62 + 124 + 248. Rồi 8128. Rồi 33550336. Tiếp nữa là 8589869056. Càng về sau càng hiếm.

Tôi không khỏi sửng sốt khi thấy giáo sư trích dẫn con số hàng tỷ chẳng mấy khó khăn.

– Và tất nhiên, ngoài số hoàn hảo ra, còn lại là những số có tổng các ước số lớn hơn hoặc nhỏ hơn chính nó. Số có tổng các ước số lớn hơn chính nó là số dôi và ngược lại là số thiếu. Cách đặt tên này thực ra rất dễ hiểu phải không nào? Chẳng hạn như 18, 1+ 2 + 3 + 6 + 9 =21 nên gọi là số dôi. Còn 14, 1 + 2 + 7 =10 nên gọi là số thiếu.

Tôi hình dung ra 18 và 14. Chúng không còn là những con số vô tri sau những gì giáo sư vừa giải thích. Ở một chốn không ai biết đến, 18 đang ra công gánh những kiện hàng quá sức, còn 14 đang trầm mặc đứng trước một khoảng trống hẫng hụt.

– Có vô vàn các số thiếu mà tổng các ước số chỉ nhỏ hơn nó một đơn vị, song không tồn tại bất cứ số dôi nào mà tổng các ước số chỉ lớn hơn nó một đơn vị. À không, có lẽ chưa ai tìm ra chúng thì đúng hơn.

– Tại sao lại không tìm ra được nhỉ?

– Lý do chỉ có trong cuốn sổ của Thượng đế.

Trong mắt chúng tôi, ánh nắng chan hòa chiếu xuống mọi vật. Ngay cả xác chết của một con côn trùng nổi trên mặt nước cũng lấp lánh. Nhận thấy mẩu giấy nhớ tối quan trọng cài trên ngực giáo sư “Trí nhớ của mình chỉ duy trì được 80 phút” sắp bong ra, tôi với tay sửa lại chiếc kẹp hộ ông.

– Để tôi chỉ cho cô thêm một tính chất nữa của số hoàn hảo.

Giáo sư cầm lại cành cây, đút hai chân xuống gầm ghế nhằm tạo một khoảng trống trên mặt đất.

– Số hoàn hảo có thể biểu diễn dưới dạng tổng của các số tự nhiên liên tiếp.

6 = 1 + 2 + 3

28 = 1 + 2 + 3 +4 + 5 + 6 + 7

496 = 1 + 2 + 3 + 4 + 5 + 6 + 7 + 8 + 9 + 10 + 11 + 12 + 13 + 14 + 15 + 16 + 17 + 18 + 19 + 20 + 21 + 22 + 23 + 24 + 25 + 26 + 27 + 28 + 29 + 30 + 31

Giáo sư vươn tay ra hết cỡ để viết những phép tính cộng thật dài. Những hàng thẳng dài ra, đơn giản và trật tự. Không thừa thãi, tinh tế và ngập tràn một cảm giá hồi hộp đến tê người.

Những công thức rối rắm của phỏng đoán Artin, và phép cộng tạo nên bởi những ước số của 28 hòa vào làm một, vây lấy chúng tôi. Mỗi con số là một nốt móc của tấm đăng ten, chúng kết hợp thành những hoa văn tinh xảo. Tôi không dám cử động vì sợ sẽ xóa mất dù chỉ một con số nếu sơ ý đưa chân.

Lúc này, tựa như mọi bí mật của vũ trụ đang hiện lên sau lớp màn trong suốt và cuốn sổ của Thượng đế đang mở ra dưới chân chúng tôi. Chỉ dưới chân chúng tôi mà thôi.

– Nào, – giáo sư cất tiếng, – ta về chứ.

– Căn…?

– Đó là đứa con trai mười tuổi của tôi. Vì đỉnh đầu cháu bị bẹt nên gọi là Căn.

– Ồ, vậy là cô có con trai. Thế thì mau lên. Người mẹ nào cũng phải đón con đi học về. Không gì hạnh phúc bằng được nghe tiếng chúng cất lên “Con đã về đây!” từ ngoài ngưỡng cửa.

Nói rồi giáo sư đứng dậy.

Bỗng có tiếng khóc từ phía bãi cát. Một bé gái chừng hai tuổi đang mếu máo, có lẽ tại cát bay vào mắt, tay vẫn cầm cây xẻng đồ chơi. Giáo sư tiến đến với tốc độ nhanh chưa từng thấy. cất tiếng rồi cúi xuống phủi tấm váy dính đầy cát của cô bé bằng một cử chỉ dịu dàng, khiến tôi nghĩ rằng con người này yêu mọi đứa trẻ chứ không riêng gì Căn.

– Không việc gì đến ông.

Người mẹ từ đâu chạy đến gạt tay giáo sư ra, ôm lấy đứa bé và loáng cái đã đi mất.

Bị bỏ lại một mình trên bãi cát, giáo sư đứng như chôn chân. Chẳng thể giúp gì, tôi chỉ biết đứng nhìn ông từ phía sau. Một vài cánh anh đào rụng xuống, tô điểm thêm những họa tiết mới cho bí mật của vũ trụ.

– Cháu làm xong bài tập giáo sư ra rồi ạ. Đến lượt giáo sư phải sửa máy thu thanh như đã hứa đấy nhé.

Căn chạy áo qua ngưỡng cửa, không kịp chào.

– Đây, giáo sư xem đi.

Nói rồi, nó tức tốc giơ ra cuốn vở toán.

1 + 2 + 3 + 4 + 5 + 6 + 7 + 8 + 9 + 10 = 55

Giáo sư dán mắt vào phép tính của Căn hệt như đang nhâm nhi một dòng chứng minh điêu luyện. Ông đang cố công tìm kiếm câu trả lời trong đó, bởi ký ức không thể giúp ông nhớ lại vì sao mình đưa ra đề toán ấy và chuyện sửa máy thu thanh là như thế nào.

Giáo sư luôn giữ ý không hỏi tôi và Căn về những sự việc đã xảy ra vào khoảng thời gian trước tám mươi phút. Ông chỉ cần hỏi tôi một câu rằng, đề toán và việc sửa máy thu thanh là thế nào, tôi sẽ ngay lập tức giải thích cho ông, vậy mà ông cứ tự mình loay hoay đi tìm manh mối bằng những thứ đang có trong tay. Là chủ nhân của một bộ óc siêu việt, hẳn ông ý thức rất sâu sắc về căn bệnh của mình. Chẳng phải ông muốn giữ sĩ diện, mà hình như ông ngại làm phiền những người sống trong cái thế giới mà trí nhớ tồn tại như một thứ đương nhiên. Vì vậy, tôi quyết định sẽ không cắt ngang câu chuyện của hai người.

– Chà, phép cộng của các số tự nhiên từ 1 đến 10 đây mà.

– Kết quả đúng chưa ạ? Cháu tính đi tính lại mấy lần rồi, không thể sai được đâu.

– Đáp án chính xác.

– Tuyệt thật. Bây giờ thì giáo sư sẽ mang máy thu thanh ra hàng điện tử sửa hộ cháu phải không ạ?

– Chờ bác một chút nào Căn.

Giáo sư húng hắng ho như để trì hoãn.

– Kể cho bác nghe cháu tìm ra đáp án bằng cách nào được không?

– Đương nhiên chỉ có một cách là lần lượt cộng từng số lại với nhau thôi ạ.

– Một phương pháp ngay thẳng. Một phương pháp chắc chắn mà không kẻ nào có thể chơi xấu từ sau lưng.

Căn gật đầu.

– Nhưng cháu thử nghĩ xem. Giả sử có một thầy xấu bắt cháu cộng các số từ 1 đến 100 thì sao nào?

-… Cháu vẫn sẽ cộng từng số một.

– Phải rồi. Vì cháu là một cậu bé trung thực. Hơn nữa, lại kiên nhẫn và can trường. Dù cho phải cộng đến 100 số, cháu cũng sẽ tìm ra đáp án đúng. Nhưng biết đâu ông thầy ấy giống như quỷ sứ, cứ đòi cháu phải cộng đến một nghìn hay một vạn thì sao? Ông ta sẽ ngắm nhìn Căn thật thà của bác đánh vật với những phép cộng dài ơi là dài và cười khoái trá. Liệu cháu có chịu được không?

Căn lắc đầu.

– Bác biết. Cháu làm sao có thể để ông thầy quỷ sứ ấy lên mặt. Phải hạ gục ông ta chứ, đúng không nào?

– … Nhưng bằng cách gì?

– Cháu hãy tìm ra một phương pháp tính đơn giản hơn cho cả những số lớn bất kỳ. Bao giờ tìm ra bác cháu ta sẽ đi sửa máy thu thanh.

– Ứ ừ, giáo sư ăn gian. Giáo sư không hứa như thế. Giáo sư ăn gian, ăn gian, ăn gian.

Căn vùng vằng.

-Hư nào. Bé lắm đấy à.

Tôi đe nẹt. Nhưng giáo sư vẫn bình thản mặc cho Căn trách móc thế nào.

– Đâu phải đưa ra đáp án đúng là đã giải quyết xong một bài toán. Để đến được kết quả 55, còn một con đường nữa. Cháu không thích thử đi qua đó sao?

– Cháu chả thích…

Nó vẫn còn phụng phịu.

– Thôi, thế này đi. Theo bác phỏng đoán, cái đài này đã cũ lắm rồi, nên có đem đi sửa hôm nay thì cũng phải vài ngày nữa nó mới kêu được. Sao ta không thi xem cái đài sẽ được sửa xong trước hay cháu sẽ tìm ra con đường mới trước?

– Ừm… Nhưng nói thật, cháu không chắc lắm. Làm gì có cách nào khác để tính tổng của các số tự nhiên từ 1 đến 10…

– Chậc chậc, xem kìa. Bác không biết là cháu lại hèn nhát thế. Chưa lâm trận đã đầu hàng sao?

– Thôi được. Cháu sẽ thử. Nhưng cháu không đảm bảo là có tìm ra trước khi cái đài được sửa xong đâu đấy. Vì cháu có khối việc phải làm, bận lắm.

– Đồng ý.

Giáo sư lại xoa đầu Căn như thường lệ.

– À, đấy. Một lời hứa quan trọng thế này thì phải ghi lại kẻo quên.

Nói đoạn, giáo sư xé một mẩu giấy nhớ, viết lại ý chính bằng bút chì và ghim vào cái khe nhỏ dưới ve áo com lê.

Cử chỉ của ông thuần thục lạ thường, khác hẳn với vẻ vụng về mọi bận. Thậm chí có thể nói là điêu luyện. Mẩu giấy mới lập tức chìm lẫn giữa những mẩu giấy khác.

– Con phải làm xong bài tập trước giờ tường thuật trận đấu. Phải tắt đài trong bữa tối. Không được quấy rầy công việc của giáo sư. Được chứ? Phải hứa với mẹ đấy.

Căn nhăn nhó ậm ừ khi tôi nhắc nhở.

– Mẹ chẳng nói thì con cũng biết. Tigers năm nay cực mạnh. Chứ không giống như năm ngoái và năm kia đứng cuối bảng xếp hạng đâu. Đội đã giành thắng lợi trước Giants trong trận mở màn đấy.

– Vậy à? Hanshin khởi đầu thuận lợi nhỉ. – Giáo sư nói. – Thế tỷ lệ ném bóng ăn bàn của Enatsu hiện tại là bao nhiêu?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.