THUNG LŨNG
Chương mười chín
Nhưng điều đó là tất nhiên, thưa ông thanh tra! Tôi chỉ muốn giúp ông nếu khả năng của tôi cho phép!
– Cảm ơn bà về điều đó, thưa bà Cray!
Veronica Cray hoàn toàn không như thanh tra Grange tưởng tượng. Ông đinh ninh sẽ gặp một ngôi sao màn bạc, chinh phục khán giả bằng những thủ pháp ngoại hình và trong khi tiếp xúc với ông sẽ chỉ toàn đóng kịch. Diễn viên thường thích những từ ngữ to tát, những điệu bộ cường điệu. Nhưng Veronica Cray lại rất chân thành. Bà ta rất đẹp, ăn mặc duyên dáng nhưng lịch sự và nói chung rất đáng mến. Bà ta tiếp ông một cách giản dị và chân thành, và nếu như bà ta đóng kịch – điều này thanh tra Grange chưa hoàn toàn loại trừ – thì dù sao vẫn không theo kiểu như ông dự đoán. Rõ ràng Veronica Cray không phải loại phụ nữ kém thông minh.
Thanh tra Grange giải thích cuộc đến thăm của ông:
– Thưa bà Cray, điều tôi muốn được nghe ở bà chỉ là vài thông tin nhỏ. Tối Thứ bảy bà có đến thái ấp Thung Lũng?
– Đúng thế. Nhà hết diêm… mà sống ở nông thôn đó là chuyện khủng khiếp!
– Thế là bà đến xin diêm ở thái ấp Thung Lũng. Nơi đó cách đây khá xa. Tại sao bà không sang xin ông Poirot là hàng xóm chỉ cách nhà bà vài bước chân?
Veronica nở một nụ cười cực kỳ ăn ảnh:
– Tôi không biết tên và nghề nghiệp của ông ấy. Nếu biết, tôi đã sang. Tôi nghĩ đó là một người nước ngoài và tôi nghi ngại: ở gần nhà tôi, ông ta rất có thể biến thành một thứ bám theo và làm mất thời giờ của tôi.
Thanh tra Grange thầm nghĩ, câu này hẳn bà ta đã suy nghĩ từ trước nên nghe có vẻ hợp lý. Ông hỏi tiếp:
– Bà nhận được diêm. Và trong lúc ở phòng khách biệt thự Thung Lũng, bà đã nhận ra bác sĩ John Christow là bạn ngày xưa của bà?
Veronica gật đầu:
– John tội nghiệp! Đã mười lăm năm trời tôi không gặp anh ấy!
– Thật thế ạ?
Trong giọng nói của thanh tra không hề có một chút nghi ngờ nào.
– Thật.
– Và bà rất mừng được gặp lại ông ấy?
– Mừng lắm ấy chứ! Thưa ông thanh tra, gặp lại bạn ngày xưa không mừng sao được?
– Bà nói đúng…
Không đợi thanh tra Grange đưa ra câu hỏi tiếp theo, Veronica nói luôn:
– John đưa tôi về nhà tôi. Tất nhiên ông sẽ hỏi trong khi nói chuyện anh ấy có lộ ra câu nào có thể soi sáng thêm cho vụ án không? Câu hỏi đó tôi đã suy nghĩ rất nhiều nhưng không thấy.
– Hai người nói với nhau những chuyện gì?
– Chuyện quá khứ!… “Anh còn nhớ chuyện này… chuyện kia không?”. Tôi và John gặp và quen nhau tại một thị trấn nghỉ mát trên bờ biển miền Nam nước Pháp. Quả thật tôi thấy John thay đổi rất ít, tất nhiên có già đi đôi chút và tự tin hơn. Anh ấy không nói gì với tôi về hoàn cảnh gia đình của anh ấy, nhưng tôi có cảm giác, xin ông nhớ cho: “cảm giác” thôi nhé, mà cảm giác rất mơ hồ là anh ấy không được hạnh phúc cho lắm. Tôi đoán vợ anh ấy có tính ghen và chắc chị ta dằn vặt chồng nhiều lần mỗi khi John khám bệnh cho một phụ nữ xinh đẹp quá.
Thanh tra Grange nói:
– Tôi không nghĩ như thế. Tôi thấy bà ta không có vẻ con người như bà nói.
– Nghĩa là chị ta ghen nhưng giấu kín trong lòng chứ gì? Có thể… Nhưng như thế lại nguy hiểm hơn!
– Thưa bà Cray, nếu tôi không lầm thì bà nghi hung thủ giết ông Christow chính là bà vợ ông ấy?
– Tôi không nói thế… Tôi chủ trương chưa được phỏng đoán gì hết trong khi vụ án chưa có kết luận. Thật ra lúc nãy tôi nói thế vì chị hầu phòng của tôi kể rằng lúc phát hiện thi the John, vợ anh ta đứng bên cạnh, tay còn cầm khẩu súng. Ông thừa biết ở nông thôn mỗi tin tức đều truyền đi rất nhanh và thêm bớt rất nhiều, chủ yếu do đám đầy tớ.
Thanh tra Grange trở lại vấn đề chính:
– Vấn đề nổi cộm ở đây là ai có động cơ muốn giết John Christow.
Veronica cười:
– Bao giờ sự nghi ngờ trước tiên cũng rơi xuống đầu vợ nạn nhân! Nhưng thông thường thủ phạm lại là “người thứ ba”. Người này cũng có thể có động cơ giết kẻ tình địch lắm!
– Bà cho rằng John Christow còn có một phụ nữ khác ngoài vợ?
– Lạy Chúa!… Vâng, tôi cho rằng như thế!… Lại chỉ là một cảm giác, phải không thưa ông?
– Cảm giác không phải bao giờ cùng không có giá trị thực tiễn.
– Theo cách nói chuyện của John, tôi có cảm giác có nghệ sĩ điêu khắc thân thiết với John một cách vượt khỏi giới hạn đấy. Nhưng điều đó hẳn ông ta đã biết?
– Tất nhiên chúng tôi đã phải tiến hành điều tra cả về những chuyện đó!
Thanh tra Grange không khẳng định điều gì, nhưng ông nhận thấy nghe ông nói thế, Veronica có vẻ hài lòng, bởi ông thấy cặp mắt diễm lệ của cô ta đột nhiên sáng lên. Lấy giọng nhà chức trách, thanh tra Grange hỏi tiếp:
– Bà nói rằng ông bác sĩ tiễn bà về đến nhà bà. Mấy giờ thì ông ấy ra khỏi đây?
– Tôi phải thú thật là tôi không nhớ! Tôi chỉ nhớ là chúng tôi nói chuyện với nhau rất lâu và lúc John ra về chắc phải muộn lắm.
– Ông Christow có vào nhà bà?
– Có. Để dùng một ly rượu…
– Tốt lắm!… Tôi cứ nghĩ hai người trò chuyện ở nơi khác… Cụ thể là trong lầu bát giác bên cạnh bể bơi…
Veronica chớp chớp mi mắt một cách rất nghệ thuật. Rồi sau một chút ngập ngừng ngắn, cô ta reo lên:
– Ôi, ông quả là một thám tử đích thực! Quả là hai chúng tôi có vào đó ngồi một lúc để trò chuyện và hút thuốc. Sao ông biết?
Veronica làm ra vẻ rất muốn nghe câu trả lời, giống như trẻ con hồi hộp chờ nhà ảo thuật lộ ra cho chúng những bí quyết nhà nghề của ông ta. Thanh tra Grange đáp bằng giọng bình thản, không đặc biệt nhấn mạnh một chữ nào:
– Thưa bà Cray, bà để quên trong đó tấm khăn choàng vai lông hải ly… và cả mấy bao diêm.
– Ôi, đúng thế! Hoàn toàn chính xác!
Vẫn giữ giọng nói ấy, thanh tra Grange nói tiếp:
– John Christow về đến biệt thự Thung Lũng lúc ba giờ sáng.
– Muộn thế kia ạ?
Nỗi ngạc nhiên của Veronica có vẻ chân thành.
– Vâng, thưa bà Cray!
– Mà có thể lắm! Hai chúng tôi có bao nhiêu chuyện để nói với nhau! Ông tính sau ngần ấy năm!
– Thưa bà Cray, bà chắc chắn đã mười lăm năm bà không gặp ông Christow chứ?
– Tôi đã nói rồi, hai chúng tôi không gặp nhau đã mười lăm năm!
– Bà tin chắc là bà không nhớ sai đấy chứ? Bởi tôi nghĩ rằng có thể bà đã gặp ông ấy trong quãng thời gian kia mà bà quên!
– Căn cứ vào đâu ông nghĩ như vậy?
– Thí dụ lá thư này chẳng hạn!
Viên thanh tra móc từ túi áo trong ra một tờ giấy gấp, rồi giở ra. Đó là lá thư Veronica gửi cho John sáng Chủ Nhật. Ông ta đọc to lên:
– “Sáng nay đến gặp em ngay. Em rất cần gặp anh. Veronica”.
Veronica cười đáp:
– Chà, ông nói gì đều có bằng chứng! Tôi tin rằng những bộ phim của Hollywood đã tạo cho ông thanh tra tác phong làm việc đó.
Thanh tra Grange nói tiếp:
– Muốn nói gì thì nói, nhưng khi nhận được lá thư này, ông bác sĩ đã đến đây gặp bà. Hai người to tiếng với nhau. Xin bà cho biết bà và ông bác sĩ to tiếng về chuyện gì vậy?
Thanh tra Grange quyết định ngả bài. Ông nhận thấy Veronica lập tức thay đổi thái độ và trả lời bằng giọng như lạc hẳn đi:
– Hai chúng tôi không to tiếng!
– Có đấy, thưa bà Cray! Lúc ông ấy đi ra, bà đã hét lên: “Tôi thấy tôi căm uất anh đến mức tôi tưởng như không thể căm uất ai hơn thế!”.
Veronica nhún vai:
– Lại những lời phóng đại của đám đầy tớ! Chị hầu phòng của tôi quả có óc tưởng tượng. Bởi mỗi câu nói có tới ba mươi sáu cách phát âm khác nhau. Tôi xin nói với ông thanh tra rằng câu chuyện chẳng hề có “kịch tính” gì đâu! Tôi có nói câu đúng như thế, nhưng bằng giọng đùa giỡn. Bởi hai chúng tôi chơi trò tán tỉnh nhau mà…
– Nghĩa là không phải bà nói thật?
– Tất nhiên rồi, thưa ông thanh tra. Đó là câu đùa. Cũng xin nhắc lại lời tôi khai, đã mười lăm năm tôi không gặp John, nếu chưa tin, mời ông cứ thẩm tra. Tôi cam đoan nói thật!
Veronica đã lấy lại được tự tin. Thanh tra Grange thấy tranh luận chẳng để làm gì. Ông đứng dậy cáo lui.
Vài phút sau, ông đẩy cánh cổng ngôi biệt thự Resthaven của Hercule Poirot.
*
Poirot sửng sốt nhìn viên thanh tra cảnh sát. Ông hỏi, giọng hồ nghi:
– Ông vừa bảo khẩu súng Gerda Christow cầm trên tay và bị rơi xuống bể bơi không phải khẩu súng gây án?
– Đúng thế!
Poirot kêu lên:
– Kỳ lạ!
– Tôi cũng thấy đúng như ông! Xin thú thật là tôi nghe có vẻ phi lý quá đáng!
Poirot thở dài:
– Tôi tán thành. Tuy nhiên, thưa ông thanh tra, điều đó làm cho chúng ta thấy thêm một điều gì đó!
Thanh tra Grange thở dài:
– Tôi biết chứ, thưa ông Poirot, với tôi biết cần phải tìm cái gì! Chỉ có điều lúc này đầu óc tôi mụ đi. Sự thật là chúng tôi chưa thể tiến thêm được chút nào nếu chưa tìm thấy khẩu súng gây án. Khẩu đó cũng nằm trong bộ sưu tập của Huân tước Henry, và đó là điều duy nhất khiến tôi còn có chút hy vọng.
Ông lại thở dài rồi nói tiếp:
– Vụ án này tưởng đơn giản hóa ra quá phức tạp!
– Còn có bao nhiêu việc phải làm!
Thanh tra Grange nói tiếp:
– Chúng ta phải xét đến cả khả năng đây là một cái bẫy, một sự bố trí nhằm đổ sự nghi ngờ cho Gerda Christow. Nhưng nếu vậy tại sao người ta không để lại khẩu súng gây án tại hiện trường?
– Có thể bởi người ta không biết chắc Gerda Christow sẽ cầm khẩu súng đó lên?
– Có thể là như thế! Nhưng ta đặt giả thiết nếu như bà Christow không cầm khẩu súng đó lên! Khi đó trên khẩu súng sẽ không có dấu vân tay nào, vì tôi tin rằng các dấu vân tay đều đã bị cẩn thận xóa đi, và sự nghi ngờ vẫn cứ rơi lên đầu bà ta. Hung thủ không đòi hỏi gì hơn thế!
– Có chắc như thế không?
Câu Poirot hỏi làm thanh tra Grange ngạc nhiên. Ông ta đáp:
– Nếu ông gây án, tôi đoán rằng ông muốn đổ nỗi nghi ngờ lên đầu người khác! Đó là tâm lý chung của mọi kẻ sát nhân.
Poirot nói:
– Đúng thế. Nhưng là đối với kế sát nhân thông thường. Còn trong trường hợp này, rất có thể hung thủ là loại vượt ra khỏi tầm cỡ thông thường. Và tôi nghĩ, đó chính là chìa khóa để phá vụ án này!
– Cái gì là chìa khóa?
– Thực tế kẻ sát nhân không phải loại hung thủ bình thường!
– Thôi được, cứ tạm cho như thế! Nhưng hắn muốn gì?
Poirot dang rộng hai cánh tay tỏ ý không biết.
– Chịu! Tôi không biết! Tuy nhiên tôi có cảm giác…
– Cảm giác sao?
– Cảm giác hung thủ muốn giết John Christow chết nhưng lại không muốn Gerda Christow bị kết án.
– Nhưng chính bà ta là người chúng ta nghi đầu tiên!
– Đúng thế. Nhưng hung thủ biết rằng chẳng bao lâu chuyện có khẩu súng thứ hai tất lộ ra, khi đó cuộc điều tra sẽ phải làm lại từ đầu. Trong khi đó hắn, tức là hung thủ, có đủ thời gian để…
Poirot không nói thêm nữa. Thanh tra Grange hỏi:
– Để làm gì?
Poirot đáp:
– Chính đấy là điều tôi rất muốn biết! Hiện tôi chưa có ý kiến gì về chuyện đó nên chưa thể trả lời ông được!
Viên thanh tra đi đi lại lại một lúc trong gian phòng rồi đứng lại trước mặt nhà thám tử.
– Thưa ông Poirot, chiều nay tôi đến gặp ông vì hai lý do. Một, tôi cũng như rất nhiều đồng nghiệp của tôi rất kính phục ông. Chúng tôi biết ông rất giàu kinh nghiệm, ông đã phá được nhiều vụ án vô cùng phức tạp, hoặc nói cách khác, ông đã làm nên những điều thần kỳ. Hai, ông có mặt tại hiện trường lúc xảy ra vụ án, ông là một nhân chưng tại chỗ, đã chứng kiến…
Poirot gật đầu:
– Đúng là tôi đã nhìn thấy. Nhưng đôi mắt là những nhân chứng không thể dựa hoàn toàn vào chúng!
– Ông nói thế nghĩa là sao?
– Đôi mắt nhiều khi chỉ nhìn thấy những thứ người ta muốn chúng nhìn thấy!
– Ông cho rằng hung thủ biết trước ông sẽ đến đấy?
– Tôi chưa dám khẳng định, nhưng có khả năng như thế! Những thứ tôi nhìn thấy khiến tôi có cảm giác do ai đó dàn dựng lên. Đúng thế. Tôi nhìn thấy một người đàn ông vừa bị trúng đạn nằm sóng soài trên mặt đất, bên cạnh là một phụ nữ tay cầm khẩu súng bà ta vừa dùng để bắn ông ta. Đó tôi nhìn thấy như thế và bây giờ chúng ta đã thấy cảnh tượng đó là đánh lừa. Khẩu súng bà ta cầm không phải khẩu súng gây án.
Viên thanh tra xoắn một bên ria mép đang quặp xuống. Ông ta nói:
– Ông định kết luận rằng trong toàn bộ cảnh tượng đó còn có nhiều chi tiết khác cũng là bố trí để đánh lừa?
Poirot đáp:
– Đúng thế! Theo như tôi nhìn thấy thì liền sau đấy có ba người đi tới. Tôi nói “theo như” vì rất có thể việc họ đi tới cũng do dàn cảnh, cốt đánh lừa… Xung quanh bể bơi ở cả bốn phía là rừng khá dày và có năm lối đi để đến bể bơi: một từ biệt thự Thung Lũng, một từ trong rừng, lối đi thứ ba từ vườn hoa và cây cảnh, lối đi thứ tư từ khu chuồng trại chăn nuôi, lối đi thứ năm là phía nhà tôi sang. Ba người tôi vừa kể đi đến từ ba lối khác nhau: Edward Angkatell đi từ cánh rừng, phu nhân Lucy Angkatell đi từ khu chuồng trại chàn nuôi, Henrietta Savernake đi từ vườn hoa và cây cảnh. Ba người ấy đến bể bơi gần như cùng một lúc, chỉ sau Gerda Christow vài phút. Nhưng chưa có gì khẳng định là một trong ba người đó không đến đây từ trước để gây án, sau đó quay ra và bây giờ lại đến, làm như đến lần đầu.
Thanh tra Grange nói:
– Tất nhiên có khả năng đó.
Poirot nói tiếp:
– Một giả thuyết khác mà chúng ta cũng chưa tính đến, là có thể hung thủ đến gây án rồi đi mà không ai nhìn thấy.
Thanh tra Grange reo lên:
– Ông nói rất đúng! Chưa kể ngoài Gerda Christow, chúng tôi còn hai nghi can nữa, cũng có khả năng giết John Christow. Đó là hai người tình của nạn nhân. Vì rõ ràng đây là một vụ án vì tình. Người thứ nhất là Veronica Cray. Nạn nhân đã đến nhà bà ta sáng hôm đó và hai người đã to tiếng với nhau. Veronica Cray hét lên với nạn nhân rằng “Tôi thấy tôi căm uất anh đến mức tôi tưởng như không thể căm uất ai hơn thế!”.
Poirot nói:
– Chà, lý thú đấy!
– Bà Veronica Cray này đi thẳng từ Hollywood đến đây, mà ở đó thì chuyện dùng súng giết nhau là chuyện cơm bữa. Có khả năng Veronica Cray ra chỗ bể bơi để lấy tấm khăn choàng vai bằng lông hải ly bà ta để quên trong lầu bát giác đêm hôm trưóc, tình cờ gặp John Christow, giữa hai người lại nổ ra một trận đấu khẩu và trong cơn giận dữ, Veronica Cray đã bắn chết John Christow. Khi thấy tiếng người tới, bà ta tẩu thoát ngay theo lối đã dùng để đến đấy.
Ngừng một lát, thanh tra Grange lại nói tiếp:
– Nhưng giả thuyết đó không thể đứng vững, chỉ vì cái khẩu súng chết tiệt kia!
Mắt ông ta bỗng lóe lên một ánh vui mừng:
– Mà cũng có thể Cray gây án không phải bằng súng của bà ta và để lại tại hiện trường khẩu súng lấy trong phòng giấy của Huân tước Henry, mục đích đổ sự nghi ngờ lên đầu một người trong thái ấp Thung Lũng. Có thể bà ta không biết rằng người ta có thể xác định khẩu súng nào gây án bằng cách nghiên cứu những vết xước trên đầu đạn.
– Theo ông thì có nhiều người biết điều đó không?
Thanh tra Grange đáp:
– Tôi có đưa câu đó ra hỏi Huân tước Henry thì Ngài trả lời rằng nhiều, vì sách hình sự bây giờ tràn lan. Ngài có dẫn ra một cuốn. Bí mật của vòi phun nước đẫm máu, cuốn này John Christow đã đọc hôm Thứ bảy, trong đó hung thủ bị phát hiện nhờ phương pháp kể trên.
– Tất nhiên nếu theo giả thuyết đó, ông sẽ phải công nhận rằng Veronica Cray lấy cắp khẩu súng trong phòng giấy của Huân tước Henry?
– Đúng thế!… Và như thế cũng phải chấp nhận là hung thủ có chủ định từ trước…
Viên thanh tra cảnh sát chuyển sang hành hạ đầu ria mép bên kia.
Ông nói tiếp:
– Còn về khả năng thứ hai thì chính ông đã đề ra! Theo đó hung thủ là Henrietta Savernake, và trong trường hợp này tôi cần đến những điều trí nớ ông ghi lại được. Trong lúc hấp hối, nạn nhân đã gọi lên tên Henrietta. Ông đã nghe thấy. Tất cả mọi người có mặt đều nghe thấy chỉ trừ ông Edward Angkatell…
– Edward Angkatell không nghe thấy? Thế thì rất lạ đấy!
– Những ngươi khác nghe thấy, đó là cái chính. Bà Henrietta Savernake khai rằng nạn nhân muốn nói với bà ta điều gì đó. Huân tước phu nhân Lucy cho rằng khi nạn nhân mở mắt, ông ta nhìn thấy Henrietta Savernake, bèn gọi “Henrietta”. Tôi cảm thấy phu nhân Lucy coi lời nói đó của nạn nhân không có gì quan trọng.
Poirot cười, nói:
– Tôi không lấy làm lạ là bà Lucy nhận định như thế.
– Bây giờ, thưa ông Poirot, tôi rất muốn nghe ý kiên của ông! Ông có mặt ở đó, ông đã nhìn thấy, nghe thấy! Ông nhận xét thế nào? Nạn nhân nói tên Henrietta có phải để tố cáo rằng kẻ giết ông ta chính là Henrietta Savernake không? Nói cách khác, có phải nạn nhân nói cái tên đó để tố cáo không?
Poirot chậm rãi đáp:
– Lúc đó tôi không có cảm giác như thế.
– Còn bây giờ, ông nghĩ sao?
Poirot khẽ thở dài, rồi một lúc sau mới đáp:
– Có thể nạn nhân nói tên bà ta để tố cáo, nhưng tôi thấy chưa thể khẳng định như thế. Ông chỉ hỏi tôi cảm giác, mà khi con người ta nhớ lại, họ dễ nhận định cái cảm giác đó theo cách rất xa với sự thật.
Thanh tra Grange sôi nổi nói:
– Tất nhiên ở đây chí là hai chúng ta trao đổi riêng, không có gì là chính thức. Không thế coi lời ông Poirot nói ở đây là một bằng chứng; tôi rất hiểu là như thế. Có điều tôi đang cần tìm hiểu để định ra cho mình một hướng điều tra.
– Tôi hiểu ý ông và không phải tôi không biết rằng cảm giác của một nhân chứng có thể giúp ích khá nhiều. Đáng tiếc là những cảm giác của tôi, tôi lấy làm xấu hổ về điều này, lại không có giá trị thực tế. Lúc đó, những gì tôi nhìn thấy làm sai lạc các cảm giác của tôi. Do quá tin vào những thứ tôi nhìn thấy, và đinh ninh rằng bà Gerda Christow là hung thủ đã giết John Christow, đến khi John Christow mở mắt và nói lên tên của Henrietta, tôi không hề nghĩ đến khả năng Henrietta Savernake là hung thủ. Bây giờ tôi rất khó nói, chỉ sợ làm người ta lý giải theo cách xa với sự thật.
– Thưa ông Poirot, tôi hiểu suy nghĩ của ông! Nhưng tôi cho rằng, đấy là lời cuối cùng nạn nhân nói ra, nên lời nói ấy chỉ có thể cắt nghĩa theo hai cách: hoặc nạn nhân tố cáo Henrietta, hoặc nạn nhân chào vĩnh biệt bà ta, người mà nạn nhân yêu dấu. Ông nghiêng về cách cắt nghĩa nào hơn?
Poirot cựa quậy trong ghế bành, nhắm mắt lại để suy nghĩ, rồi khi mở mắt, ông trả lời giọng cáu kỉnh:
– Tôi chỉ có thể nói với ông rằng tôi thấy giọng gọi của nạn nhân lúc đó như thể nhằm hối thúc chứ tôi không thấy nạn nhân định tố cáo hoặc định chào vĩnh biệt ai. Điều tôi thấy rất rõ là khi đó nạn nhân hoàn toàn tỉnh táo. Khi nói: “Henrietta”, tôi thấy giọng của ông ta giống như… giống như của bác sĩ phẫu thuật trong phòng mổ, ra lệnh cho những trợ lý.
Poirot nhún vai, kết luận:
– Đấy là tất cả những gì tôi có thể nói với ông, thưa ông thanh tra!
Thanh tra Grange nói:
– Cách lý giải thứ ba ấy tôi chưa nghĩ đến. Chà, lý thú đấy! Nạn nhân thấy mình sắp chết, muốn người ta làm ngay thứ gì đó cho ông ta, đúng như phu nhân Lucy nhận định. Bà Henrietta Savernake là người nạn nhân nhìn thấy đầu tiên khi mở mắt, cho nên không lấy làm lạ khi ông ta hối thúc bà ta làm cái công việc đó. Cách lý giải thứ ba này nghe rất hay, nhưng chưa đầy đủ sức thuyết phục…
Poirot cay đắng nói rất khẽ:
– Chỉ dựa trên một cái tên nạn nhân thốt ra làm sao có thể có cách lý giải đầy đủ sức thuyết phục? Tất cả chỉ có thể là những phỏng đoán.
Thanh tra Grange đang nhìn qua cửa sổ ra ngoài bỗng kêu lên:
– Cậu trung sĩ đến tìm tôi! Có vẻ cậu ta vừa tìm ra được thứ gì mới! Chẳng là tôi giao cậu ta dò hỏi các đầy tớ của Huân tước phu nhân Lucy… Tất nhiên hỏỉ theo kiểu dò dẫm thôi… Cậu trung sĩ này rất tháo vát, rất giỏi gợi chuyện, nhất là gợi đám phụ nữ…
Viên trung sĩ chạy vào, thở hồng hộc, cố nén lại để khỏi lộ ra nỗi mừng rỡ tràn trề của anh ta. Anh ta chạy đến trước mặt thanh tra Grange, nói:
– Tôi biết ông thanh tra ở đây nên vội đến gặp ông ngay để báo cáo.
Anh ta ngừng nói, ngần ngại nhìn nhà thám tử. Thanh tra Grange vội nói:
– Nói đi! Đừng quan tâm đến ông ấy!
– Tuân lệnh, thưa ông thanh tra! Thế này ạ… tôi moi được ở cô nấu bếp…
Thanh tra Grange kêu lên, ngắt lời viên trung sĩ, quay sang Poirot:
– Ông thấy chưa, ông Poirot? Tôi đã nói với ông rồi, đám đầy tớ là nơi ta có thể khai thác tốt, moi được nhiều thông tin giá trị đấy. May mà Tạo hóa không để cho cái nghề đầy tớ mai một. Ngày nay người ta có đủ thứ máy móc nên ít cần đầy tớ, nhưng gì chứ người nấu bếp thì không thể không cần! Các chị nấu bếp đã nói, đang nói và sẽ nói. Và chúng ta bao giờ cũng kiếm được một chị nấu bếp ngứa miệng, thích phun ra mọi thứ chuyện thầm kín của nhà chủ.
Thanh tra Grange quay sang viên trung sĩ:
– Thế nào, cậu nói đi!
– Thưa ông thanh tra, cô nấu bếp kể rằng chiều hôm Chủ Nhật, cô ta nhìn thấy bác quản gia đi ngang qua sảnh, tay cầm một khẩu súng ngắn.
– Bác quản gia?
– Vâng, thưa ông thanh tra!
Viên trung sĩ mở sổ tay ra đọc:
– Cô ta khai nguyên văn thế này: “Tôi không biết làm thế này có phải có lỗi không, nhưng tôi thấy bổn phận của tôi là phải khai với nhà chức trách tôi đã nhìn thấy gì chiều hôm Chủ Nhật. Hôm ấy tôi nhìn thấy bác quản gia đứng ngoài sảnh, tay cầm một khẩu súng ngắn. Mặt bác ta thộn ra, trông rất buồn cười!”.
Khép cuốn sổ lại, viên trung sĩ nói thêm:
– Tôi có cảm tưởng điều cô nấu bếp khai, thoạt đầu cô ta coi là bình thường định không nói nhưng rồi nghĩ lại, thấy cần phải khai cho cảnh sát, cô ta mới nói ra… Tôi thấy lời khai này quan trọng nên vội đến gặp và báo cáo ngay với ông thanh tra.
Mặt thanh tra Grange sáng lên. Ông nói:
– Bác quản gia à? Hay lắm, tôi sẽ đến gặp bác ta và hỏi ngay việc này!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.