Lớn Lên Trên Đảo Vắng

Phần I – Chương 12



MÙA HÈ TRỞ LẠI – CHẾ BIẾN SỢI LANH – QUANG CẢNH TIÊU ĐIỀU Ở NHÀ DƯỚI LỀU – ĐỤC NÚI ĐÁ – ĐỘNG MUỐI MỎ – SẮP XẾP NƠI Ở MỚI – NHỮNG NGUỒN LƯƠNG THỰC Ở NHÀ DƯỚI LỀU – THẠCH CAO – CÂY BÔNG – TRẠI CHĂN NUÔI – LÚA – HỒ NƯỚC.

Tả sao xiết nỗi vui mừng của chúng tôi sau bao nhiêu tuần lễ buồn tẻ dài dằng dặc lại được thấy trời bắt đầu hửng! Mặt trời xua tan những đám mây cuối cùng của mùa mưa và chiếu tràn ngập ánh nắng vàng tươi lên cảnh vật. Những cơn gió hung hãn đã dịu hẳn, nước lũ và lụt đã rút đi hết. Chỉ trong vài ba ngày, một thảm cỏ xanh mơn mởn đã bao phủ tất cả những chỗ vừa mới chìm ngập dưới nước. Chúng tôi ra khỏi nơi trú ẩn. Ai nấy đều hân hoan ngắm không chán mắt cảnh đồng quê nảy lộc đâm chồi. Ngực chúng tôi như vỡ ra vì say sưa thở hít không khí trong lành và mát mẻ khắp xung quanh. Chúng tôi quên hết mọi gian nan vừa qua. Tâm hồn tràn ngập niềm vui và hy vọng, chúng tôi cùng cao tiếng hát ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi cuộc sống tưng bừng.

Tất cả cây cối và lúa ngô gieo trỉa đều tốt hết mức. Ngô lúa đã nhú mầm, cây cối đã trổ đầy lá hoa, cơ man là cây cỏ đủ các loại phủ kín mặt đất. Cây đa khổng lồ không bị tàn phá mấy chút, chỉ cần sửa chữa qua loa là vài hôm sau chúng tôi lại có thể lên ở nhà cũ.

Sau khi cất đặt sắp xếp ngăn nắp trong nhà, vợ tôi ngỏ ý muốn bắt tay vào làm việc chế biến sợi lanh vì trong mùa mưa đã làm được những dụng cụ cần thiết rồi. Để công việc tiến hành nhanh chóng, tôi đem hong lửa những bó lanh còn ẩm, nhờ thế mà gỡ sợi cũng vẫn sạch và nhanh. Sau khi chuyển sang máy chuốt, tôi đưa cho vợ tôi một nắm tướng những sợi mềm và mảnh để quấn vào ống mà đánh sợi. Nhờ đôi bàn tay khéo léo của vợ tôi, chúng tôi có ngay một thứ sợi thật đẹp và thật chắc, quá sự mong muốn của chúng tôi lúc đầu. Công việc đó gợi lại thời còn trẻ làm cho vợ tôi càng vui thích và làm việc mê mải đến nỗi lúc nào cũng có ống kéo sợi trên tay, sợ bỏ phí thì giờ. Phrít là một tay giúp việc đắc lực cho mẹ. Mẹ kéo sợi và con cuốn lại thành từng giẽ.

Trong khi hai mẹ con bận bịu như thế thì bố con chúng tôi đi thăm tất cả các dinh cơ, vừa để xem xét vừa để sửa chữa những chỗ bị hư hỏng hoặc bị đảo lộn vì mưa gió. Những cánh đồng sắn, khoai tây, những ruộng lúa mì và ngô, vườn rau của vợ tôi và những lùm cây ăn quả đều yên ổn, không xảy ra điều gì đáng tiếc. Nhưng quang cảnh Nhà dưới lều thì quá tiêu điều: lều bị gió thổi bật tung, cọc bị nhổ lên, vải lều rách bươm, một phần lương thực bị hỏng vì nước mưa. Chỉ có chiếc xuồng lớn là nguyên vẹn, còn chiếc thuyền chậu thì có lẽ bị đánh tan ra từng mảnh mất tăm mất tích. Thiệt hại lớn và nghiêm trọng nhất là có hai thùng thuốc súng không được giấu khín đáo bằng những thùng khác đã bị nước mưa lọt vào hỏng hết. Điều này khiến tôi càng thấy rõ là cần thiệt phải kiếm một cái kho khác tốt hơn lều vài hoặc mái lá cây.

Sau khi sửa chữa lại được khá nhiều những thiệt hại ở đây, chúng tôi bàn nhau về phương pháp thực hiện ý định của Phrê-đê-rích. Chú thiếu niên lớn này vẫn luôn giữ vững ý muốn đục một mảnh núi đá ra làm nơi ăn, chốn ở, bắt chước cái hang của Rô-bin-xơn, tấm gương sáng của nó. Tôi không phải là không chú ý đặc biệt đến những khó khăn lớn có thể vấp phải. Dãy núi đá quanh khu vực Nhà dưới lều dựng đứng như một bức tường phẳng lì, không có một khe hở. Mặt khác, cứ theo mắt mà nhìn thì chất đá có vẻ cứng vô kể, thật ít có hy vọng thành công. Tuy nhiên, dù sao cũng phải liều thử một phen, hãy đục ít nhất cũng một cái hốc để cất đặt chỗ thuốc súng còn lại. Tôi bèn quyết định cứ tiến hành công việc và chọn một khoảng trong bức thành đá dựng đứng nhất để bắt tay vào việc. Đây là một địa điểm tốt và thuận lợi hơn cái lều cũ, đứng đó có thể nhìn suốt tới Vịnh cứu sống và bao quát cả hai bên bờ Suối chó núi, cùng với chiếc cầu thanh tú. Tôi lấy một hòn than vạch giới hạn cái cửa ra vào sẽ phải đào, thế rồi cả bốn bố con hăng hái lấy đục, choòng, búa chim của thợ mỏ và búa tạ, dũng cảm tấn công vào núi đá.

Những nhát đục đầu tiên thật chẳng mùi mèn gì, núi đá coi chừng không hề sây sát. Ánh nắng chói chang như đã nung cho mặt đá rắn lại quá chừng. Trong khi làm việc, trán chúng tôi mồ hôi ròng ròng. Tuy nhiên, chí kiên cường của cánh thợ đá trẻ tuổi vẫn mảy may không sờn. Mỗi buổi chiều, chúng tôi nghỉ tay sau khi lấn thêm được vài tấc, và mỗi buổi sáng lại bắt tay vào việc với một lòng hăng say mới. Cuối cùng, chừng năm, sáu ngày, lớp ngòai tảng đá bị bóc, chúng tôi thấy đá mềm dần dưới tay đục. Thế rồi chỉ còn là một thứ đá vôi và tiến đến một thứ bùn cát có thể dùng vên xắn. Từ đó, công việc trở nên dễ dàng hơn và chúng tôi bắt đầu có hy vọng thành công.

Suốt mấy ngày hôm sau, chúng tôi cứ làm việc đều như thế và đã đào sâu vào núi đá được gần bảy bộ. Một buổi sáng, Ruýt-ly đương đục đá bằng một mũi choòng dài bỗng kêu lên:

– Bối ơi bố! Con chọc thủng rồi! Thủng rồi…

Lúc đó, tôi đương đứng trên thang và đục mở cao thêm phía bên ngoài cửa hang. Tôi không ngừng tay, chỉ cười mà hỏi thằng bé cón nhìn xuyên qua núi được không? Phrê-đê-rích đương đẩy xe cút kít đổ đá vụn ra ngòai, thì nghe tiếng em cứ mừng rỡ lắp đi lắp lại “chọc thủng rồi, thủng núi rồi”. Nó liền chạy tới đó rồi gọi tôi và báo tin là mũi choòng của Ruýt-ly đã chọc sâu vào một lỗ trống khá rộng, có thể ngóay cái choòng khắp chung quanh. Chúng tôi bèn mở rộng ngay cái lỗ hổng và trong chốc lát đã đủ cho một đứa trẻ có thể chui vào. Tôi đoán đây là một cái động rất rộng. Tuy nhiên, trước khi đi liều vào một cái hang sâu như thế, cũng cần phải đề phòng cẩn thận. Mặc dầu rất nóng lòng muốn biết rõ đặc điểm và diện tích cái hang, tôi bảo hai đứa trẻ hãy lo mở rộng hẳn lối vào đã. Phrê-đê-rích và tôi vơ lấy vên và cuốc, còn Ruýt-ly thì nhảy ngay lên lưng con nghé – đã mang cái tên Bão táp – phóng thẳng về Tổ chim ưng. Nó nóng lòng báo tin quan trọng về sự phát hiện kỳ diệu này, nhờ đó mà giảm bớt được rất nhiều công sức. Nó lại sẽ lấy đến tất cả những cuốc và nếu hiện có ở nhà để có thể thăm dò cái động sau khi cửa ra vào đã được mở rộng.

Ruýt-ly vắng mặt lâu hơn là tôi dự đoán. Trong khi nó đi, chúng tôi đã có đủ thì giờ khoét một lối khá rộng có thể qua lại dễ dàng. Cuối cùng, chúng tôi nghe tiếng vó nghé nặng chình chịch nhanh nhẹn gõ trên ván cầu. Thằng bé tới với vẻ chiến thắng. Theo sau nó là chiếc xe bò Éc-nét dong đi rất cẩn thận, trên xe có hai mẹ con Phrít. Thằng bé liên lạc đã báo cáo sự việc hấp dẫn đến nỗi vợ tôi cũng phải tạm xếp công việc và Éc-nét, hết sức chăm chú nghe câu chuyện của em, đã đóng luôn con lừa và con bò cái vào xe để đi nhanh.

Trông thấy kết quả công trình của chúng tôi, ai nấy đều nức nở khen ngợi và đều nóng lòng muốn vào trong hang, vì đứng ở ngoài không thể ước đoán được chiều sâu. Chúng tôi đốt hết đuốc lên, chia nhau mỗi người một bó. Trong túi mỗi người lại còn một cây nến và một chiếc bật lửa. Để đề phòng bất trắc, chúng tôi mang theo cả khí giới rồi cùng nhau tiến vào hang. Tôi dẫn đầu, cầm một chiếc gậy để dò đường, tránh những vũng nước hoặc một cái ổ gà nào đó.

Lũ trẻ thứ tự bước theo tôi, vợ tôi đi đoạn hậu, tuy dắt thằng Phrít vừa đi vừa có vẻ ngợp. Hai con chó cũng có vẻ ngại ngùng, im thin thít, và đáng lẽ chạy ngang chạy ngửa, chúng lại thận trọng bước bên cạnh chúng tôi. Vừa hồi hộp vừa tò mò, chúng tôi tự nhiên im lặng. Nhưng vừa vào được độ hai chục bước trong hang, ánh sáng đuốc chiếu lên trần và bờ thành chung quanh làm cho chúng tôi cùng cất lên một tiếng kêu kinh ngạc và sửng sốt: chung quanh chúng tôi đều lộng lẫy huy hoàng! Chúng tôi đương ở trong một động kim cương! Đúng thế, hãy tưởng tượng một vòng rất rộng đầy những mặt pha-lê sáng chói; những chân cột cũng bằng chất ấy rải rác đây đó như thể là để chống cái vòm trần của lâu đài lộng lẫy này. Cái vòm này cũng như đỉnh cơ man là những hạt pha-lê nhiều mặt, dưới ánh sáng đuốc lại biến hóa ra thành vô kể mặt sáng khác. Có thể nói là một tòa hoàng cung ánh lên rất tráng lệ hoặc một ngôi nhà thờ đèn đuốc sáng trưng trong buổi lễ Giáng Sinh.

Sau khi đã trấn tĩnh lại ít nhiều, chúng tôi bước lên có vẻ yên tâm hơn. Cái động rất rộng, mặt đất bằng phẳng phủ một thứ cát mịn và khô. Hình dáng những khối nhũ nhan nhản khắp nơi khiến tôi nghĩ rằng những hạt tinh thể đó có thể cùng một cấu tạo như là muối mỏ khi nó đóng thành từng mạch trong lòng đất. Tôi tiến lại gần, nếm một chút và tin chắc rằng cái lâu đài tráng lệ mới tìm ra đây quả là xây bằng muối mỏ, một loại muối tinh khiết và tốt nhất.

Sự phát hiện ra muối mỏ cũng quan trọng như đã tìm được cái động. Từ nay, chúng tôi chẳng còn phải mất công khó nhọc đi kiếm đâu xa cái món gia vị vô cùng quý giá và cần thiết cho người và vật này. Bây giờ thì chỉ việc lấy xẻng mà xúc và cũng không cần lọc lôi thôi như thứ muối kiếm được ở dọc bờ biển.

Trên đường trở về Tổ chim ưng, chúng tôi trao đi đổi lại không ngớt việc dọn nhà đến ở trong động. Ai cũng có kế hoạch và dự kiến. Tôi tập hợn tất cả ý kiến lại và sáng hôm sau chúng tôi quay trở lại động để bắt đầu tiến hành một phần kế hoạch đã định.

Trước tiên là gọt rũa thật phẳng phiu và chính xác cái hốc ra vào, rồi lấy cái khung cửa lớn ở cầu thang Tổ chim ưng đem lắm vào đó. Ngôi nhà trên cây chỉ con là chỗ trú tạm thời, không còn cần cửa ngõ đầy đủ nữa: tôi sẽ đóng kín phía dưới cầu thang bằng một cánh cửa vỏ cây, kín đáo hơn đối với những cặp mắt xoi mói bên ngoài. Sau đó, chúng tôi ngăn bên trong là bếp, chỗ làm việc và chuồng trâu bò, còn phía trong cùng sẽ dành cho cái hầm và kho chứa đồ. Tuy thế, còn phải trổ cửa cho không khí và ánh sáng tràn vào trong động thì mới ở được. Lại mất khá nhiều ngày khổ công đục đẽo mới trổ được những cái lỗ ở phía trước và lắp những khuôn cửa sổ đem từ tàu vào. Ngăn phòng, dựng ống khói trong bếp để dẫn khói ra ngòai, chuyển vận tất cả đồ đạc đến và sắp xếp đâu vào đó, nói chung là phải làm tất cả những công việc cần thiết của một lần dọn nhà. Chúng tôi vừa làm thợ vừa thu xếp cho nên cũng mất hết một phần lớn thì giờ mùa hè. Nhưng nhớ lại những cơn mưa trút nước và hy vọng từ nay sẽ qua được mùa đông một cách ấm cúng và thoải mái, chúng tôi càng kiên quyết làm việc và quên hết nỗi mệt nhọc.

Hầu hết thời gian đó chúng tôi đóng đô ở Nhà dưới lều, trung tâm tất cả mọi công việc, chuyển đến đó tất cả lương ăn. Ở đây, ngoài những khu vườn bao quanh, còn có nhiều nguồn lương thực khác nữa: thả vịt ở vịnh, săn bắt rùa lên đẻ trứng ở bờ biển, xúc tôm ở suối, bắt tôm hùm, cua, sò, và đánh rất nhiều loại cá. Tất cả những thứ đó sẽ cung cấp thức ăn dồi dào và ngon lành. Một lần chúng tôi may mắn gặp được một đàn dài cá ngừ, dày đặc. Bọn trẻ con cứ ngôi trên xuồng chao thúng xuống mà xúc đầy thúng cá đưa lên, đem về mổ ruột rồi muối được rất nhiều, đóng thùng cất để dành.

Tất cả những rác rưởi khi làm cá phải ném xuống biển để tránh mùi hôi tanh. Một đàn chó bể kéo đến kiếm ăn. Chúng tôi giết dễ dàng trên một chục con, lột lấy da và lạng lấy mỡ: mỡ này chế biến thành một thứ dầu thắp tuyệt tốt, có thể thay thế nến. Chúng tôi cho hai con chó ăn thả cửa thịt chó bể, còn bao nhiêu thì ném xuống Suối chó núi để nuôi tôm và các loại cá nhỏ mà bọn trẻ thường câu được. Tôi dùng hai cái thùng lớn, dùi rất nhiều lỗ nhỏ, nước có thể lọt vào dễ dàng khắp nơi bên trong, và ở đó tôm cá cũng sống như trong nước suối thật sự. Như vậy, lúc nào cần gấp cá tươi hay tôm tươi, chúng tôi chỉ việc bắt ra từ trong những thùng ấy.

Công việc ổn định nơi ăn chốn ở vẫn tiếp tục, nhưng tiến hành có phần chậm hơn bởi vì thường thường hay vướng những công việc lặt vặt khác. Xem xét kỹ chất đá trong động, tôi nhận thấy những hạt muối kết tinh trên một mặt để loại thạch cao rất có ích cho việc xây dựng nhà cửa. Nhân bên ngoài hang có khá nhiều những miếng đá vụn ấy, tôi lấy một miếng đem nung đỏ lên. Để nguội, nó trở nên mềm và rã thành bột thạch cao trắng và mịn. Lũ trẻ chưa thấy và chưa hiểu công dụng thứ bột này: đây cũng là một sự phát hiện vô cùng quý giá. Tôi bảo chúng cứ theo cách đó mà chế biến thạch cao, càng nhiều càng tốt. Cây cối trồng trọt quanh Nhà dưới lều đã nảy nở rất tốt và bắt đầu cung cấp nhiều loại rau quả ngon. Thấy kết quả tốt đẹp ấy, chúng tôi vui mừng nghĩ tới những khu trồng trọt khác ở xa và quyết định đi thăm. Thế rồi một buổi sáng, chúng tôi cùng nhau lên đường sang Tổ chim ưng. Trước khi tới đó, chúng tôi đi qua cánh đồng, nơi đã gieo các giống hạt ở châu Âu và thấy hầu hết các loại ngũ cốc đã chín, một số khác đương xanh. Thôi thì đủ thứ: lúa mạch, lúa mì trắng, lúa tiểu mạch, đậu quả, đậu Hà Lan, đậu hạt các loại. Chúng tôi gặt hái và bó lại thành bó tất cả những thứ đã chín và để ý theo dõi những gì còn ương.

Chúng tôi ở lại Tổ chim ưng nốt hôm ấy sửa sang lại nếp nhà mùa hè cho ngăn nắp, đập và suốt hạt ngũ cốc, chọn giống tốt cho năm sau. Xong xuôi, chúng tôi sửa soạn một cuộc đi thăm dò miền xung quanh vào ngày hôm sau.

Việc chăn nuôi gia súc đã gặp nhiều khó khăn trong mùa mưa, tôi bèn nghĩ cách tập cho chúng quen dần với hoàn cảnh ở đây, đỡ được một phần lớn công chăm sóc. Tôi định tìm một khu vực có thể giữ chân chúng lại, đồng thời có đủ thức ăn hàng ngày, để dựng trại chăn nuôi. Hôm sau, chúng tôi chuẩn bị mọi thứ: vợ tôi đem theo đến hơn một chục con gà, vịt, tôi xách đi bốn chú lợn con, hai con cừu và hai con dê cái. Trên xe có đủ thức ăn và đồ dùng cần thiết để ăn uống và làm việc. Buộc cả ba con lừa, bò cái và nghé vào xe rồi cùng nhau lên đường.

Phrê-đê-rích cưỡi lừa rừng đi trước, mở đường để tránh cho xe bò khỏi sa vào những chỗ khó đi. Lần này chúng tôi theo một hướng khác để tới miền đất kéo dài từ Tổ chim ưng đến Mũi hy vọng tiêu tan. Phải lặn lội trong cỏ cao và rừng cây chằng chịt dây leo, nhưng búa và rìu đã mở được lối đi qua những chướng ngại đó. Cuối cùng, sau khi ra khỏi một khu rừng nhỏ, chúng tôi đặt chân vào một khoảng đồng dày đặc một loại cây nhỏ trông rất lạ lùng. Không phải chỉ trên cành mà ngay trên mặt đất chung quanh đều phủ một lớp những nụ trắng, giống như trời mới mưa tuyết. Phrê-đê-rích đập vào tai con lừa rừng, phóng đi ngay và loáng một cái nó đã đem về cho tôi một cành cây đầy thứ lông tơ trắng nõn đó. Tôi vui mừng khôn xiết khi nhận thấy đó là cây bông. Thôi còn gì hơn nữa! Thế là vợ tôi say sưa kể những thứ sẽ sắm được cho cả nhà nếu có đồ dùng để kéo sợi, chuốt sợi và dệt sợi. Chúng tôi hái ngay một đống tướng, nhét đầu ba bao tải, đem về để rồi sẽ tìm cách cán cho sợi tách ra khỏi hạt bông. Rồi sẽ gieo hạt bông ở chung quanh Nhà dưới lều để chăm nom và hái lượm cho tiện. Hái xong bông, đoàn lữ hành lại tiếp tục lên đường.

Qua cánh đồng bông, chúng tôi lên tới đỉnh một ngọn đồi thấp. Đứng trên đó nhìn xuống thấy quả là một thiên đường trên mặt đất. Cây cối các loại bao quanh sườn đồi, một dòng suối mát len lỏi giữa cánh đồng tăng thêm vẻ đẹp tươi và phong phú cho cảnh vật.

Cánh rừng ở xa xa kia sẽ tạo thành một hàng rào che gió bấc. Cỏ mọc dày trong cánh đồng có thể bảo đảm đầy đủ thức ăn cho gia súc. Tôi tỏ ý muốn đặt trại chăn nuôi ở đây và cả nhà tán thành.

Chúng tôi dựng lều, xếp đá làm bếp nấu ăn. Sau khi tạm ổn định nơi ở tạm thời, tôi cùng Phrê-đê-rích đi tìm một chỗ thích hợp với dự kiến. Tôi đã chọn một lùm cây rất đẹp, cây cối cách nhau vừa phải, có thể dùng làm cột trồng sẵn để dựng trại. Tất cả dụng cụ cần thiết đều chuyển đến đầy đủ nhưng trời đã chiều, phải hoãn đến hôm sau. Chúng tôi trở về lều và thấy mấy mẹ con ở nhà đương lấy sợi bông nhồi cho mỗi người một cái gối thật tốt, giúp cho giấc ngủ êm đềm và yên tĩnh sau bữa cơm chiều.

Những thân cây đã chọn để làm trại chăn nuôi đều mọc theo hàng lối rất thích hợp và họp thành một hình chữ nhật, chiều dài nhìn ra biển. Các mặt đất chừng mười bộ, tôi đục mộng sâu vào thân cây, và lên cao độ mười bộ nữa lại đục thêm những cái mộng khác. Tôi lấy những thanh gỗ dài lắp vào mộng làm thành sườn chuồng, tuy không đẹp nhưng lại rất chắc chắn. Mái thì làm đơn giản bằng vỏ cây ghép lại phủ lên trên.

Cũng mất khá nhiều ngày mới xong cái trại chăn nuôi. Vách phải đan bằng dây leo và cành cây, cao tới sáu bộ, phần trên thì đan mắt cáo thưa để cho chuồng sáng sủa và thoáng. Cửa ra vào đặt ở mặt trước, nhìn ra biển. Bên trong chia thành nhiều ngăn rộng hẹp vừa với số loại gia súc sẽ nhốt ở đó. Một ngăn riêng được bố trí thành phòng ở tạm của chúng tôi.

Một buổi rỗi rãi, tôi và Éc-nét đi thăm vùng quanh đó định tìm vài ba cây cọ hoặc dăm chùm khoai tây. Chúng tôi đi ngược dòng suối và đặt chân vào một đầm lầy tiếp giáp một cái hồ có rất nhiều loại chim lớn nhỏ đương bơi lội. Chung quanh đầm lầy mọc một thứ cỏ cao và rậm mang nhiều bông dài trĩu hạt. Tôi lại gần xem và nhận ra một loại lúa, tuy hạt nhỏ nhưng hình như gạo ngon. Về cái hồ thì phải là người Thụy Sĩ, phải là người từ thời thơ ấu đã ngắm cái mặt nước phẳng lặng và êm dịu ấy mới hiểu nổi tất cả cảm giác sung sướng của chúng tôi khi dừng chân trên bờ hồ. Ôi! Quả là đất nước Thụy Sĩ, quả là hình ảnh của quê hương thân yêu! Nhưng ảo ảnh không kéo dài được bao lâu! Bờ hồ với đám cành lá um tùm và những thân cây cao lớn đã đưa chúng tôi trở lại sự thật phũ phàng. Có phải đâu là mình đang đứng trên đất Thụy Sĩ! Giờ đây, giữa đất quê hương thân yêu với chúng tôi còn cách cả một đại dương rộng lớn.

Chúng tôi còn ở lại trại chăn nuôi bốn hôm nữa. Tôi lo sửa lại vách phên cho vững chãi. Mấy mẹ con thì đặt trong phòng ở tạm thời những chiếc nệm bông để có sẵn mà nằm ngủ trong những kỳ thăm trang trại sau này. Ngày trở về, chúng tôi chất đủ thứ lên xe bò rồi lên đường. Lũ gia súc muốn đi theo chúng tôi, thành ra tôi phải cử Phrê-đê-rích cưỡi con lừa rừng đi chặn hậu, dồn chúng lại quanh trại cho tới khi đoàn lữ hành đi khuất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.