Lớn Lên Trên Đảo Vắng

Phần II – Chương 3



CON LỪA VÀ CON TRĂN – DIỆT ĐƯỢC KẺ THÙ NGUY HIỂM – BÀI THƠ MỘ CHÍ CON LỪA HAY LÀ TÁC PHẨM BẤT HỦ CỦA THI SĨ ÉC-NÉT – GIỐNG LỪA KHÔNG ĐƯỢC VÀO ĐÂY! – ĐI TÌM DẤU VẾT CON TRĂN – ĐẦM VỊT GIỜI – PHÁT SÚNG ĐẦU TIÊN CỦA PHRÍT – CON LỢN ĐẤT – LŨ CHUỘT NƯỚC – MÓN LƠN QUAY KIỂU Ô-TAI-TI.

Nhân một lần Phrê-đê-rích đi ra bể chứa nước, sơ ý quên đóng cửa lớn, con lừa bỗng nhiên vùng bỏ chạy. Chưa kịp bắt nó lại thì nó đã ra đến ngoài đồng. Thật là một cảnh tượng hết sức khôi hài khi nó hí hửng nhảy nhót lung tung. Phrê-đê-rích muốn đuổi theo bắt nó, nhưng thấy con vật chạy về phía đầm lầy, tôi vội gọi ngay thằng bé trở lại và đành phải dùng đủ mọi cách khác để gọi con lừa. Nào là gọi tên nó một cách âu yếm, nào là thổi tù và như thường ngày báo hiệu giờ ăn cho gia súc, nhưng thảy đều vô hiệu. Con lừa ngốc ngếch bướng bỉnh này chỉ biết mải mê đùa giỡn quá ư tự do và, sao mà vô phúc thế, nó cứ vừa nhảy cỡn vừa tiến về phía Đầm vịt giời! Ôi! Kinh sợ xiết bao!… Chúng tôi run cầm cập khi thấy con trăn khủng khiếp từ trong đám lau sậy bỗng vụt nhô ra. Nó ngóc cao đầu lên chừng tám, mười bộ, ngó ngoáy cái lưỡi chẻ ba, rồi vụt duỗi dài về phía con lừa. Con vật đáng thương này hiểu ngay nguy cơ, vội vàng quay đầu chạy trốn và hí ầm lên. Nhưng những tiếng “hí! han!” cũng như hai cặp giò của nó không thể làm gì để chống lại được kẻ thù hung ác. Vụt một cái, nó đã bị con trăn bắt gọn, cuộn chặt lại và bóp nát dần trong những vòng lớn riết chặt quanh mình nó.

Vợ tôi và bọn trẻ rú lên những tiếng kinh sợ và cả nhà vội rút vào trong động. Ở đó chúng tôi có thể theo dõi rõ ràng cuộc vật lộn chênh sức giữa con lừa và con trăn. Lũ con tôi muốn nhất tề xông ra, bắn một loạt đạn để cứu con lừa, bạn trung thành của cả nhà. Tôi vội ngăn chúng lại:

– Liệu các con làm được tích sự gì với súng ống của chúng ta? Con trăn thì nó cứ bám riết lấy con mồi chứ chẳng có sợ hãi mà thả ra đâu! Mặt khác, nếu các con có tài giỏi bắn được nó bị thương, liệu các con có chắc chắn trăm phần trăm rằng sẽ không bị nguy khốn, thiệt mạng nữa chưa chừng, trước sự hung hãn điên cuồng của con vật không? Mất con lừa quả là một sự thiệt hại lớn cho gia đình ta, trong công việc cũng như về tình cảm, nhưng biết đâu nó lại chẳng cứu ta khỏi một nguy cơ lớn hơn, bố mong thế. Hãy ở yên tất cả ở đây!

Trong này chúng ta có thể yên ổn, xa hẳn mọi nguy hiểm. Kẻ thù cũng sắp mất hết sức lực và khả năng tự vệ rồi sẽ rơi vào tay ta. Hãy kiên nhẫn chờ cho nó nuốt trôi con mồi nó đương bóp nát kia vào ruột đã.

Con quái vật, muốn tăng sức mạnh, đã quấn chặt đuôi vào một mỏm đá để làm điểm tựa vững vàng cho những vòng riết của nó. Khối thịt bùng nhùng kia càng ngày càng bị nghiền nhão ra như bột ướt. Con trăn há doạc miệng ra, trông rất kinh khủng, ngậm lấy hai chân sau con lừa, rồi cứ từng tí một, dùng hết sức mà nuốt dần cho tới lúc con mồi biến mất tang vào cái miệng mênh mông của nó. Chúng tôi cứ ngớ người ra mà nhìn, kinh hoảng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy nó càng nuốt mồi vào thì càng đuối sức. Đến khi nuốt tới cái đầu con lừa, không bị nghiền nát như những phần kia, nó không còn sức nữa, đành phải dừng lại và nằm thẳng ra trong một trạng thái hoàn toàn mê man.

Cái việc ngốn nuốt đó kéo dài rất lâu, tính ra từ bảy giờ sáng cho tới trưa mà vẫn chưa xong hẳn. Khi thấy con vật đã phải nằm im lìm như thế, tôi gọi lũ con:

– Các con ơi! Tiến lên thôi! Bây giờ thì tiến lên! Đã đến lúc chúng ta tiêu diệt được con quái vật khổng lồ này rồi đấy!

Tôi ra ngay bên ngoài động, súng lên đạn sẵn sàng. Phrê-đê-rích theo sát ngay, cả Ruýt-ly nữa. Còn Éc-nét, vốn dè dặt hơn, thong thả đi sau. Phrít ở lại trong động với mẹ nó.

Tới gần, tôi nhận thấy phán đoán của tôi về đặc điểm con vật quả đã không sai. Đúng là một con rắn khổng lồ, hay “con trăn” theo danh từ sinh vật. Nó cố ngóc đầu lên hướng về phía tôi và sau khi nhìn tôi một cách bất lực với đôi mắt hằn học, nó lại thả rơi đầu xuống.

Chúng tôi dừng lại cách chừng hai chục bước, rồi tôi và Phrê-đê-rích nhằm đầu con trăn nổ súng một lúc.

Cả hai phát đều đúng vào sọ con vật, nhưng nó vẫn chưa chết và đôi mắt nó như rực lên những tia lửa điên cuồng cuối cùng. Hai phát súng tay bồi thêm, bắn rất gần, kết liễu đời nó. Những vòng đuôi nó duỗi ra trên mặt cát và nó nằm dài trước mặt chúng tôi như một cái cột nhà lớn. Cũng muốn góp phần vào chiến thắng, anh chàng Ruýt-ly hùng hổ tiến lại gần, bắn một phát súng ngắn rất đúng tầm vào thân con trăn. Phát súng ấy tác động đến cơ thể con vật như một luồng điện giật: đuôi nó bỗng dựng thẳng lên và vụt mạnh một cái, quật thằng bé ngã chỏng trơ. Cũng may không xảy ra chuyện gì nguy hiểm mà chỉ hú vía một chút.

Chúng tôi cất cao tiếng hát vang một bài ca chiến thắng.

Sau ba ngày bị giam lỏng sống dở chết dở trong động, chúng tôi vui mừng lại được hưởng tự do, thở hít khí trời trong lành thỏa thích. Đây là lần thoát chết thứ hai cũng quan trọng không kém lần thoát khỏi cơn bão táp. Bao giờ cũng thế, người ta thấy như được tận hưởng hạnh phúc khi được sống sau một tai nạn tưởng như hết hy vọng thoát chết.

Nhân lúc đó, tôi mới sẽ sàng trách Éc-nét đã tỏ ra rụt rè trong khi tấn công con trăn, rồi cười bảo nó nên chuộc lỗi bằng một bài văn điếu tang cho chú lừa đáng thương. Hình phạt ấy lại gần như đem một niềm phấn khởi cho “ông nghè” ấy, vốn là tác giả duy nhất những lời chúc từ năm mới cũng như những bài thơ trong những dịp kỷ niệm của gia đình.

Nó bắt tay vào việc ngay. Sau độ mươi phút ngồi yên tư lự, tay chống cằm, nó đứng dậy nửa rụt rè, nửa tự mãn đọc cho tôi nghe những câu thơ sau đây:

“ Nơi đây yên giấc ngàn năm một con lừa giúp việc siêng năng.

Chính nó, chỉ vì có một lần không vâng lời, bỏ chạy nhăng

Cho nên đã bị một con rắn hung ác nuốt phăng

Một gia đình, bố mẹ và bốn cậu con trai

Bị đắm tàu dạt lên trên bờ biển hoang vu này.

Đã tìm hết cách để cứu nó khỏi một cái chết đắng cay.

Nhưng không được! Nó vẫn chết vì đã quá dại dột

Các bạn nó khóc nó. Nhờ nó chết mà họ được sống sót”

– Hay tuyệt! Tuyệt hay! – Tôi vừa cười vừa bảo nó – Đúng là một bài thơ bát cú với ít nhất là bốn câu có nhiều chân không kém một con rết. Nhưng có hề gì! Quả là những câu thơ tuyệt tác nhất từ trước đến nay trên hòn đảo này, xứng đáng được ghi lại trên nắm mồ của chàng lừa đấy.

Vừa nói, tôi lấy trong túi ra một cây bút chì đỏ cỡ lớn rồi chép lên mặt hòn đá nham nhở cũng tựa lời thơ những câu thơ trúc trắc mà nhà thi sĩ tí hon đọc lại cho tôi một cách khiêm tốn. Đó sẽ là mộ chí của cứu tinh gia đình chúng tôi.

Nhưng bây giờ thì phải lo giải quyết cho xong cái xác trăn này đi. Phrê-đê-rích và Ruýt-ly về động dắt con trâu và con bò mộng tới. Chúng tôi buộc cái đầu con lừa còn nằm trong mỏm con trăn vào hai con vật kia rồi đánh chúng đi thẳng. Mấy cha con hè nhau túm đuôi con trăn giữ lại, thế là hai con vật kéo bật được từ trong bụng con trăn ra cái thân hình nát nhẽo của con lừa xấu số.

Chúng tôi đào luôn một cái hố tươm tất, chôn con vật trung thành mà xấu số rồi xếp đá tảng lên thành một ngôi mộ đường hoàng. Tấm mộ chí dựng chính giữa mộ.

Tôi rạch da ngay gần đầu con trăn, bẻ lật lớp da lại một ít, đủ để buộc những sợi dây thừng, sau đó thắng vào con trâu và con bò. Tôi buộc chặt đầu con trăn vào một gốc cây rồi thúc hai con vật kia từ từ kéo ngược lại. Da trăn lột ra dần dần khá dễ dàng và chỉ một lúc là con trăn đã trần trụi từ đầu đến đuôi trước những tràng vỗ tay hoan hô vang dậy.

Sau khi đã phơi khô và sát trùng cẩn thận, lũ trẻ nhồi rơm vào rất khéo, làm thành một con trăn y hệt như nó còn sống. Chúng đem đóng chặt con trăn giả vào một cành cây khô, tư thế rất linh hoạt đến nỗi mỗi lần trông thấy nó là lũ chó sủa ầm lên. Con trăn được bày trịnh trọng trong phòng đọc sách, cùng với những tiêu bản hiếm có khác để bắt đầu làm cơ sở cho kho bảo tàng. Mấy đứa trẻ tinh nghịch treo một cái biển ngay trên cửa ra vào, kẻ qua loa bằng chữ in một câu có thể hiểu thành nhiều nghĩa: “Giống lừa không được vào đây!”.

Từ nay chúng tôi chẳng còn phải lo lắng gì về con trăn nữa. Tuy nhiên tôi vẫn ngại còn có thể có một con trăn đực đã đánh bạn với nó (bởi vì nó là trăn cái), hoặc những quả trứng hay là những con nhỏ của nó cũng nên. Một ngày kia lũ trăn nhỏ lớn lên thì chúng rất có thể gây ra nhiều tai nạn khủng khiếp như mẹ chúng bấy lâu nay và, để đối phó lại, chúng tôi chưa chắc đã được may mắn như lần này. Do đó tôi bèn tổ chức những cuộc thăm dò và lùng sục ở Đầm vịt giời cũng như ở Tổ chim ưng theo con đường hẻm trong núi đá. Tôi đoán rằng một con vật lớn và khỏe cỡ con trăn thì chỉ do lối đó mà lọt vào địa phận chúng tôi trên đảo này.

Chúng tôi bắt đầu sục sạo từ Đầm vịt giời.

Mỗi người đều bận quần áo săn. Ngoài khí giới, chúng tôi còn đem theo những tấm ván và những chiếc bong bóng chó bể để đùng khi cần lội nước. Ván thì đặt trên bùn nối đuôi nhau thành một cái sàn chắc chắn không lún xuống. Nhờ thế, chúng tôi tha hồ sục sạo khắp bãi lầy, không sót một xó xỉnh nào. Chúng tôi nhận rõ dấu vết con trăn: lau sậy đều gẫy gập trên đường nó đi và nhiều vết sâu in hằn xoáy trôn ốc trong bùn ướt, chỉ rõ nơi nó cuộn tròn nằm nghỉ. Nhưng tuyệt nhiên không có một dấu vết gì chứng tỏ còn có một con nữa cùng sống với con vật ghê gớm đó. Chúng tôi cũng không gặp trứng trăn hoặc trăn nhỏ, mà chỉ bắt được một thứ tổ làm bằng sậy khô nhưng chẳng có gì chứng tỏ đó là tổ trăn cả.

Cuối cùng, chúng tôi quay trở lại đường về Nhà trong động, men theo đầm lầy, trên bờ có đường vững chắc và dễ đi hơn. Vợ tôi và Phrít đứng chờ ở bể nước vui mừng đón kết quả, yên tâm sau cuộc đi lùng này.

Nhưng như thế mới hoàn thành được một nửa kế hoạch. Còn phải lùng suốt khu vực Trại chăn nuôi mà tôi sợ rằng con trăn còn để lại trứng ở đó. Sau nữa, cũng cần phải sửa sang những đường hẻm trong núi cho chắc chắn vững vàng để ngăn chặn sự xâm nhập của các “quý khách” tương tự. Trước khi lên đường, muốn cho chắc chắn, đề phòng trước mọi điều bất ngờ có thể xảy ra, tôi đã thu xếp đầy đủ thức ăn, khí giới, đồ dùng và tất cả những gì có thể giúp cho chuyến đi này được an toàn và đỡ mệt nhọc. Chúng tôi cũng không quên đuốc để thắp ban đêm.

Đây là lần đầu tiên chúng tôi lên đường đem theo nhiều thứ như thế này. Bà mẹ thì ngồi trên xe bò. Bão táp và Brum cùng kéo xe, trên lưng vẫn vắt vẻo hai kỵ sĩ quen thuộc của chúng. Con bò cái đi trước xe và Phrê-đê-rích cưỡi con lừa rừng đi trước mở đường cách chừng năm sáu chục bước. Tôi và Éc-nét thong thả đi bộ sau xe.

Chúng tôi đi xuống đại lộ sang Tổ chim ưng. Tại đây cũng thấy dấu vết con trăn đã bị gió xóa mờ đi ít nhiều. Ở Tổ chim ưng không có gì suy suyển. Đoàn lữ hành không ghé lại đó vì còn phải đi nhanh tới vùng Trại chăn nuôi bên hồ, mục tiêu chính của chuyến đi này. Chúng tôi muốn tới đó khá sớm để trước khi trời tối có thể hái một số bông đủ nhồi tất cả gối và đệm lót trong lều mà ngủ cho êm và ấm trong khí trời hơi lạnh ban đêm.

Càng đi xa Tổ chim ưng, dấu vết con trăn càng thấy mất hút. Trong rừng dừa, không còn bóng một con khỉ. Tiếng gà gáy hòa với tiếng dê be be đón chúng tôi từ xa, vang tới từ Trại chăn nuôi làm cho chuyến đi cũng bớt đơn điệu. Đâu vẫn vào đó. Chúng tôi hạ trại, vợ tôi lo ngay bữa ăn, còn chúng tôi thì kéo nhau đi hái bông như đã định.

Cơm nước xong, cuộc đi lùng bắt đầu ngay. Chúng tôi chia làm ba tốp, mỗi tốp chịu trách nhiệm một vùng. Éc-nét và mẹ nó có nhiệm vụ trông coi lương thực và hái ở ruộng lúa được chừng nào bông lúa chín thì tốt chừng ấy. Công việc tại chỗ như thế cũng có thể gặp nguy hiểm không kém chúng tối đi ra xa, cho nên con Bi-ly dũng cảm phải ở lại bảo vệ họ. Phrê-đê-rích mang theo con Tuyếc và con chó rừng hướng theo bờ hồ bên phải, còn tôi thì cùng với Phrít theo bờ bên trái với hai con chó choai đã được Phrít nuôi dạy. Đây lần đầu thằng bé đóng góp phần mình vào những khó khăn trong một cuộc thăm dò và cũng là chuyến đầu tiên nó được nhận một khẩu súng. Nó đi, đầu ngẩng cao, có cái vẻ tự hào của một đứa trẻ vừa mới được coi như người lớn. Rất kiêu hãnh với khẩu súng, nó chỉ nóng ruột được sử dụng. Nhưng tiếng chân dẫm trên đám lau sậy khô kêu loạt soạt chỉ xua những con sếu bay vụt lên rất nhanh và biến ngay vào tầng mây cao tít, không thể nào bắn kịp. Thằng bé lộ vẻ vô cùng bực mình.

– Ồ, con cứ muốn bắn một con gì đó! – Nhà đi săn tí hon ngỏ ý với tôi – Con chỉ lo phải trở về tay không!

– Này! Vậy thì con hãy cẩn thận và cố gắng ngắm cho đúng con vật sắp sửa vụt ra trước mặt con đấy!

Đồng thời tôi gọi hai con chó đương chạy loăng quăng quanh đó và suỵt chúng xông vào trong đám sậy. Ngay lúc đó tôi nghe tiếng súng của Phrít. Nhưng đáng lẽ bắn lên trời theo chim thì chàng thợ săn non trẻ lại hướng nòng súng vào đám bụi rậm trong đầm. Mấy con chim bị chó lùa vẫn bay yên ổn về một phía khác.

– Vụng về quá! – Tôi vừa nói vừa tiến lại gần Phrít – Con đã để cho con mồi thoát rồi.

– Không đâu bố ạ! Con đã hạ được rồi! – Nó trả lời, vui mừng khôn xiết. – Bố xem này!

Quả vậy, tôi thấy nó đi từ trong đám sậy ra và lôi theo một con vật giống như lợn lòi nhỏ. Xem kỹ thì đó là một con lợn đất.

Chúng tôi tạm đặt con vật săn được lên lưng con Bra-un, bỏ vào cái bị nó vẫn đeo. Con chó có vẻ tự hào về con mồi trên lưng, ngẩng cao đầu và bước lên đi trước.

Lúc trở về, chúng tôi gặp tiên sinh Éc-nét đang ngồi yên lặng trên bờ ruộng, xung quanh có vô số xác chuột loại khá lớn mà chú mới giết được khi chúng tôi đi vắng. Tôi để ý xem xét thấy loại “chuột nước” này cũng giống con hải ly châu Mỹ: ngón chân có da mỏng dính liền để dễ bơi lội, đuôi bẹt và cũng có hai túi nhỏ đựng xạ hương; theo Éc-nét cho biết thì chúng cũng đắp và chắn nước để làm hang mà ở, như hải ly.

Phrê-đê-rích và Ruýt-ly cũng vừa về đến nơi. Chúng đưa về một con gà nước và một cái ổ đầy trứng. Chúng tôi đem đặt trứng vào ổ một con gà mái đang ấp và con gà vẫn cứ ấp như thường.

Cả nhà quây quần vui vẻ quanh một nồi cháo gạo do vợ tôi nấu rất ngon. Mấy con chó có vẻ chê thịt chuột nước, có lẽ vì có đượm mùi xạ hương. Chúng mon men lại gần chúng tôi, ngong ngóng thức ăn thừa. Bữa cơm ngon và vui; chúng tôi sung sướng vì chắc chắn là không có một dấu vết nào đáng ngại của con trăn nữa.

Tinh mơ hôm sau, chúng tôi lại lên đường tiếp tục cuộc thăm dò. Chúng tôi hướng về phía nương mía và thấy túp lều dựng từ dạo trước đã bị hư hỏng khá nhiều. Chúng tôi căng tấm vải buồm lên trên lều tạm thay mái để có thể nghỉ ngơi cho tới chiều. Trong khi chờ đợi vợ tôi sửa soạn cơm nước, chúng tôi đi sâu vào tròng vạt mía, nghi có thể là nơi trú ẩn của con trăn hoặc lũ con nó. Nhưng may mắn làm sao, không chút dấu vết quân thù! Vừa sắp ra về, bỗng nhiên mấy con chó sủa lên ầm ỹ như là sẽ phải đương đầu với con vật nguy hiểm nào đó. Chúng tôi chẳng thấy gì cả. Để khỏi phải đón “khách lạ” giữa đám mía rậm rạp, tôi gọi bảo lũ trẻ chạy nhanh ra phía đồng cỏ và chẳng mấy chốc chúng tôi ra khỏi vạt mía. Cùng lúc đó, một đàn lợn đất từ trong nương mía chạy vụt ra, con trước, con sau, không để ý gì đến chúng tôi cả. Thế là súng nổ vang rền khắp tứ phía, đứa trẻ nào cũng muốn góp phần… Hoảng hồn trước sự chào đón ấy, cả bầy lợn đất bỏ chạy tán loạn, để lại chín con bị đạn nằm lăn trên cỏ.

Mổ và muối thịt từng ấy con lợn đất cũng chiếm mất của chúng tôi cả một buổi, từ trưa đến chiều tối mới xong. Phrê-đê-rích cất để dành riêng một con và xin phép được chiêu đãi cả nhà một món thịt quay kiểu đặc biệt. Nó nhờ các em đào một cái hố rộng và sâu bỏ củi xuống đốt. Còn nó thì lấy con lợn đất đã mổ thịt, đem rửa sạch sẽ, xát một lớp muối bên trong rồi nhồi chặt thịt băm nhào với khoai tây và rễ thuốc. Muối và nhân nhồi ấy là đặc điểm làm cho món thịt này khác hẳn món ăn tương tự của người Ô-tai-ti (2) chỉ ăn nhạt, không hợp khẩu vị người châu u nếu không thêm gia vị.

Cái hố đã đầy củi nỏ đương cháy; lũ trẻ lấy một ít lá và vỏ cây bọc kín con lợn lại đặt vào trong hố, giữa đám tro nóng, rồi vùi lên một lớp sỏi nóng. Một lớp đất lèn chặt phủ kín tất cả, ngăn không cho hơi nóng tản ra và không khí lọt vào.

Trông thấy cung cách làm ăn như thế, vợ tôi giơ hai tay lên trời rồi hạ xuống, giọng hết sức chán nản,

– Thôi, bây giờ thì muôn Vàn cảm tạ cái “phép” nấu nướng của các người! Cái món ăn ấy, ai muốn cho là tuyệt trần ngon mặc ý, nhưng xin đừng có tưởng rằng một người nội trợ Thụy Sĩ, đã có thể tự hào ít nhiều về những hiểu biết gia chánh của mình, lại chịu đụng dĩa cái món thịt đen sì moi dưới hố lên nhá.

Tuy thế, Phrê-đê-rích vẫn không ngã lòng. Giọng đầy tin tưởng, nó nhắc lại ý kiến của nhiều nhà du lịch đối với món thịt quay thổ dân Ô-tai-ti và bảo đảm với chúng tôi rằng sẽ có một món ăn ngon số một.

Cuối cùng, chúng tôi moi món thịt quay của Phrê-đê-rích từ trong hố tro lên. Mất độ hai tiếng đồng hồ thì thịt chín. Không ai khỏi ngạc nhiên sau khi bới mấy lớp đất, đá sỏi và tro ra, thấy mùi thơm ngào ngạt bốc lên điếc cả mũi. Tôi chỉ tính đến một món thịt quay cũng gọi là tàm tạm nuốt trôi! Không ngờ giờ đây quả là một món ăn “chín tới” rất đúng lửa, hương, gia vị khéo gia giảm đã đưa món ăn lên xứng đáng là kỳ công của người đầu bếp khéo tay nhất. Phrê-đê-rích đã thắng! Mẹ chúng nó cũng vui vẻ xin chịu thua cuộc! Cả nhà đều đồng ý cần phải nghiên cứu xét nghiệm ngay một cách rõ ràng, và ai cũng tán thưởng món thịt quay ngon lành ấy.

Chúng tôi đến thăm Miền trù phú một chuyến nữa, nhưng lần này thì lại thấy mọi thứ đều tan hoang, phên vách đổ nhào, gia súc bỏ trốn. Lũ khỉ quái ác lại đã đi qua đây và ghi lại vết tích tàn phá của chúng. Tôi thấy phải gấp rút tìm cách tiêu diệt hoàn toàn cái giống khốn kiếp này. Quả là chúng nhất định không chịu để cho chúng tôi yên hưởng mọi công trình lao động của mình. Nhưng tôi hãy tạm gác cái việc quan trọng ấy chờ một dịp khác.

Chúng tôi đắp một bức tường đất bao quanh túp lều cây mới sửa chữa. Sau đó lại xếp đá và chôn cành cây cho tường vững chãi thêm được chừng nào tốt chừng nấy, để giữ gìn lương thực dự trữ, chống bọn chim ăn thịt và thú dữ. Sáng ngày thứ tư, chúng tôi sửa soạn lên đường và tiến sâu về phía bên kia con đường hẻm đã từ hai năm nay ngăn cách địa phận chúng tôi với một miền đất khác vẫn còn xa lạ. Từ trước đến nay chúng tôi chỉ mới đặt chân đến đó có một lần thì lại bất ngờ chạm trán một đàn trâu rừng và suýt nữa mất mạng với chúng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.