Nắng sớm vươn dài qua khỏi ô cửa sổ kiểu cũ, đậu lên mí mắt làm Nam tỉnh giấc. Căn nhà im lìm, chỉ còn tiếng quạt máy rè rè đang đảo đều, phả gió xuống người Nam. Nam vẫn nằm ở ghế dài, trên người có tấm mền mỏng đắp ngang, chắc là mẹ sợ Nam lạnh. Đêm qua coi phim rồi mệt mỏi ngủ hồi nào cũng không hay. Nam nhìn đồng hồ, đã chín giờ sáng, mẹ giờ này đã trên công ty. Điện thoại báo có hai cuộc gọi nhỡ, đều là từ Phan gọi tới, chắc tối qua thấy Nam không về, Phan lo dữ lắm.
– Tối qua em mệt nên ngủ quên ở nhà mẹ, sáng nay Phan chịu khó ăn ở ngoài nha… Dạ, em biết rồi, giờ em về ngay. Tối em nấu bữa thịnh soạn chuộc lỗi với Phan nha.
Nam cúp điện thoại, xếp lại mền rồi đi rửa mặt, chợt chú ý đến một mảnh giấy nhỏ dán trên tủ lạnh, “Mẹ đi làm trước, Nam dậy nhớ kiếm đồ ăn sáng nha”. Nét chữ của mẹ nghiêng nghiêng, liêu xiêu như một kiếp đàn bà mẹ mang.
Nam ra khỏi nhà, cẩn thận khóa cửa lại rồi đi xuống cầu thang, mấy bịch rác hôm qua đã được thay thế bằng những bịch rác mới, bốc mùi không kém. Đúng là đời chẳng bao giờ hết rác, nơi nào có con người, nơi đó lại có những thứ cần phải loại bỏ khi không còn giá trị sử dụng. Đường vào chung cư cũ chật hẹp, tối qua chiếc taxi cũng khó khăn lắm mới chui vào được, Nam quyết định đi bộ ra ngoài rồi mới đón xe cho tiện. Đang đứng lơ ngơ chờ taxi, Nam bị cuốn hút bởi cô gái đang đi ngược chiều, xách trên tay mấy túi xách giấy. Một cái túi giấy bỗng dưng đứt phựt, làm mớ trái cây trong đó đổ ào ra đường. Nam vội vàng chạy đến, cúi xuống nhặt lại, trả cho chủ nhân, lúc đó cũng đang loay hoay.
– Chỉ bị dơ một chút thôi, không sao đâu, về rửa kỹ là vẫn còn ăn được. – Nam vừa nói vừa bỏ trái cây vào cái túi còn lành lặn.
Cô gái tháo mắt kính mát đang đeo, miệng cảm ơn rối rít.
– Cảm ơn anh nhiều, chẳng biết sao cái túi bị đứt… mà, nhìn anh… – Cô ngập ngừng đôi chút, đến khi đã thấy chắc chắn hơn về gương mặt đứng trước mình, bèn hỏi tiếp. – Nam đúng không, Khanh nè Nam, nhớ Khanh hông?
Nam ngẩng mặt nhìn cô gái kỹ hơn, đúng rồi, cũng đường nét này, chỉ khác là đã già dặn hơn trước đây, lại được che bởi lớp trang điểm nhẹ và kính mát khá lớn nên lúc đầu Nam không nhận ra.
– Nam nhớ mà Khanh, trời đất, lâu quá mới được gặp Khanh, Khanh mới về nước hả?
– Khanh về mới được ba ngày, lần này về được một tháng thì phải đi lại. Giờ Nam sao rồi?
– Nam không còn ở đây nữa, giờ dọn qua bên nhà người yêu ở. Khanh vẫn ở nhà cũ gần đây phải không?
– Đúng rồi, Khanh vẫn ở đó, ba mẹ đi để lại cho cô chú Khanh ở. Cho Khanh số điện thoại đi Nam, nay mai đi café nói chuyện cũ nghe chơi nha.
Nam đứng nói chuyện, tay bắt mặt mừng một chút với Khanh rồi chia tay, leo lên taxi. Ký ức ngày xưa cũng như dòng xe cộ ngoài kia, ngược chiều thời gian trở về tìm Nam.
***
Khanh là bạn thanh mai trúc mã của Nam, hai đứa cùng tuổi, học chung từ hồi lớp một đến lớp năm. Lên cấp hai, dù học khác trường nhưng vẫn thỉnh thoảng gặp nhau nói chuyện. Lớn hơn chút nữa, Khanh bỗng dưng phát hiện ra chỉ ở bên Nam, Khanh mới có được những phút vui vẻ và bình yên. Mười bảy tuổi, Khanh theo gia đình sang Mỹ định cư, mấy ngày trước khi đi, Khanh ăn tối cùng Nam, và đời Nam không bao giờ quên được câu nói lúc đó của Khanh.
– Khanh muốn Nam, là người giữ sự trong trắng của Khanh.
Đêm đó, hai đứa trẻ lần đầu tiên nếm trái cấm. Nam lóng ngóng, nhớ lại mớ hình ảnh trong mấy cuốn phim đen mình từng coi rồi vụng về áp dụng. Khanh thoáng sợ hãi, bấu chặt lưng trần của Nam trong phút giây giã từ kiếp con gái để thành đàn bà. Ngày Khanh đi, Nam không ra tiễn, chỉ ngồi ở một góc nhà, nhớ hoài cái cảm giác lần đầu tiên chạm vào da thịt phụ nữ, và cũng là lần duy nhất trong đời.
Chuyện mới đó, mà đã sáu, bảy năm, thời gian vô tình là vậy…
***
Phan tấp xe vào lề đường, hạ cửa kính, nói vọng ra bên ngoài:
– Cho anh một ổ thịt chả nha em.
Cô bán hàng gật đầu cái rụp rồi quay qua, thông báo lại cho người đang đứng làm bánh mì ngay tại xe. Tiệm bánh mì Phan ghé thuộc vào loại nổi tiếng ngon bậc nhất ở Sài Gòn, do một cặp đồng tính nữ mở bán, tên tiệm là Hồng Hoa, nhưng người hay ăn lại gọi cái tên khác là “Bánh mì ô-môi”.
Bánh mì cũng là một trong những đặc sản của Sài Gòn năng động. Một tạp chí ẩm thực uy tín nước ngoài từng bình chọn bánh mì vào top 10 món thức ăn đường phố đặc biệt nhất. Cũng na ná như café, bánh mì gắn liền với nhịp sống của dân Sài Gòn. Chuyện sáng sáng ra đường, thấy một anh công chức mặc quần tây áo sơ mi, một tay lái xe gắn máy, một tay cầm ổ bánh mì nhai là chuyện bình thường. Bánh mì dễ làm, dễ bán, dễ ăn, cách ăn cũng linh hoạt, không phải ngồi chết gí một chỗ như mấy món phở, hủ tiếu, bún bò…
Người bán bánh mì cũng tìm đủ mọi cách để đem món bánh bình dân này đến hang cùng ngõ hẻm. Nằm trong nhà, lâu lâu người ta nghe có tiếng rao lảnh lót, “Ai bánh mì nóng đây…” Sáng chở con đến cổng trường học, cũng có chị quẩy quang gánh, một bên đựng hơn chục ổ bánh mì không, một bên để thịt chả, pa-tê, nước sốt, cứ ai có nhu cầu là chị dừng gánh, làm xong một ổ lại xách đi tiếp. Hoành tráng hơn là mấy xe bánh mì đặt dọc đường đi. Chưa có thống kê chính thức, nhưng ở khắp Sài Gòn chắc cũng có phải trên một ngàn xe như vậy.
Giá bánh mì cũng dao động, tùy thuộc vào độ đầu tư của chủ nhân. Như mấy chị buôn thúng bán bưng, mỗi ổ bánh giá chừng tám ngàn, mười ngàn thì đã no nê. Mấy xe bán lề đường thì lại mắc hơn, chừng mười hai, mười lăm ngàn. Còn mấy nơi đã nổi tiếng, có tên tuổi, thương hiệu, thuê hẳn nhà lầu để bán bánh mì như chỗ Phan đang đứng mua, giá khoảng ba chục ngàn một ổ, mắc hơn một tô phở bình dân. Nói thẳng ra, đồng tiền đi liền chất lượng, như tiệm Hồng Hoa này đây, hai mươi tám ngàn một ổ, nhưng ổ bánh nóng giòn, phủ ngập pa-tê thơm, miếng thịt, miếng chả dày cui, chọi bể đầu chó, ai ăn một lần xong cũng thích, cũng quay lại mua đem về cho gia đình ăn hay giới thiệu cho bạn bè ủng hộ. Chỗ này từ lúc nổi tiếng đến giờ, dân chúng bu đen bu đỏ để ăn, tối tối giờ cao điểm là xe hơi xếp hàng dài để mua, nghệ sĩ, ca sĩ gì cũng cầm ổ bánh mì cắn lấy cắn để. Từ căn nhà cấp bốn ban đầu, giờ chỗ bánh mì Hồng Hoa đã thành căn nhà lầu mấy tầng. Ấy mới thấy, bán bánh mì xây nhà lầu là vậy.
Và, một buổi sáng đặc trưng Sài Gòn, lúc nào cũng gồm có bốn món: café, bánh mì, khói bụi và kẹt xe.
Cô phụ bán hàng nhanh chóng cầm ổ bánh mì ra đưa Phan, cầm tiền rồi vào trong lấy tiền thối. Khi trở ra, cô cúi người, nói với Phan:
– Anh ơi, cho em mượn lại ổ bánh mì, bà chủ em kêu.
Phan nhíu mày thắc mắc, rồi cũng làm theo. Cô bán hàng cầm bánh mì vào xe, để bà chủ mở bánh, bỏ thêm mấy miếng thịt chả vào. Bà chủ quay qua nhìn Phan, nhoẻn miệng cười. Phan cũng gật đầu chào, miệng nói câu cảm ơn. Đây là một trong hai bà chủ của Hồng Hoa, cũng có biết và quen Phan, từng ngồi cùng nhau nói chuyện thế thái nhân tình ở đất Sài Gòn phồn hoa đô hội. Dạo gần đây do công việc lu bu nên không gặp nhau được nhiều, nhưng lần nào ghé mua, nếu thấy Phan bà chủ cũng cho thêm thịt chả.
Người Sài Gòn là vậy, có xa mặt, cách lòng, nhưng nếu có cơ hội gặp nhau, họ vẫn vồn vã, vẫn nhớ về nhau.
Phan nhận lại ổ bánh mì, gật chào bà chủ lần nữa rồi đóng cửa kính xe và lái đến công ty. Một tay cầm lái, một tay cầm ổ bánh mì nhai, chợt nhớ lâu lắm rồi mới ăn sáng bên ngoài. Từ ngày có Nam, lúc nào bữa sáng của Phan cũng do chính tay Nam chuẩn bị, dù là bánh mì trứng hay tô mì gói với xúc xích, thậm chí, ngay cả ly sữa tươi, nước cam ép Nam cũng phải tận tay rót cho Phan. Có lần Phan bảo, “Để anh tự làm cũng được mà”, Nam xụ mặt:
– Không, em làm người yêu Phan làm chi mà có mỗi bữa sáng cũng không lo cho Phan được.
Rồi Nam lại đi tới tủ lạnh, lấy chai sữa chua men vi sinh để Phan uống tốt cho tiêu hóa. Yêu và chăm sóc người yêu như Nam, thật khó tìm.
Phan đóng cửa xe, đi thang máy lên tầng nhà công ty thuê, lướt qua bàn cô thư ký.
– Hôm nay anh đâu có lịch họp phải không? – Phan dừng lại hỏi.
– Dạ không, hôm nay anh vẫn còn rảnh.
– Ok, vậy em gọi Tú lên cho anh, sáng nay Tú vô chưa?
– Rồi anh, nãy Tú có ghé qua nói chuyện với em.
– Rồi, vậy nhé. À, hôm nay màu son của em rất đẹp, hợp với màu áo em đang mặc.
– Trời ơi, em mới đổi màu son hôm nay luôn đó, anh Phan tinh ý quá!
Phan cười rồi xách giỏ vào phòng. Không biết có phải là một đức tính thiên phú hay không, nhưng Phan để ý thấy người đồng tính thường có tư duy duy mỹ và sự tinh tế rất cao, đặc biệt là về nghệ thuật, mỹ thuật, cái đẹp. Bản thân Phan, cũng như bạn của Phan, mọi người đều như vậy.
Phan bước chân vào văn phòng, nhìn tấm lịch treo tường, nhận ra mình vào “Thiên đường” đã được gần một năm. Mỗi người, khi đi làm lại có một mục đích cho riêng mình. Đa phần vì tiền, điều đó hiển nhiên vì họ cần tiền để duy trì cuộc sống cho chính mình và người thân. Mỗi lần phỏng vấn một người nào mới, Phan hay hỏi họ mục đích đi làm của bạn là gì, ai thành thật sẽ trả lời “vì tiền”, còn hoa mỹ hơn, người ta trả lời thế này:
– Em đi làm vì đam mê với công việc và muốn được học hỏi thêm kinh nghiệm sống.
Thường với những ai trả lời thế này, Phan hay mỉm cười, hỏi ngược lại:
– Vậy anh nhận em vào rồi, em cứ làm vì đam mê, học hỏi, còn tới tháng, lương em anh xài giùm ha!
Và dĩ nhiên, họ sẽ lảng đi, nói rằng bản thân cũng cần tiền để sống hay muôn ngàn lý do nào khác. Thường những người như vậy Phan không nhận vào làm. Một là vì Phan không thích người lấp liếm, hai là không thích người hoa ngôn. Ngay cả khi chưa bước chân vào công ty, bạn đã không xác định được rõ ràng mục đích của mình, thì làm sao bạn có thể làm việc lâu dài tại nơi đó? Bản thân Phan, như Tú nhận xét, đi làm không phải vì tiền. Gia đình bên Mỹ của Phan có mấy tiệm nail, kinh doanh cũng khấm khá, Phan có thể yên tâm ở lại Mỹ để quản lý, nhưng… vì Nam, Phan chọn Sài Gòn.
Phan vào làm ở “Thiên đường”, mục đích chính là muốn thử khả năng của mình có thể dẫn dắt suy nghĩ của người khác hay không. Thử thách đó được thực hiện bằng những bài báo giật gân Phan cùng Tú tạo ra. Cứ mỗi lần thấy dư luận xôn xao, Phan lại hả hê, chiến thắng đó lớn hơn rất nhiều lần số tiền thưởng tay tổng giám đốc gởi cho. Kiểu như Phan mới chính là loại người đi làm vì đam mê, vì sở thích.
Trong nhóm làm việc chung, ngoài Tú ra, cũng còn nhiều phóng viên, biên tập viên khác. Tuy nhiên, họ chỉ nắm giữ mấy chuyên mục giải trí, mua vui nhảm nhí, không mang lại nhiều giá trị cho “Thiên đường”. Chuyên mục “Xã hội” do Tú đảm nhận cần những thông tin khiến người ta phải hoang mang, suy nghĩ, phải sợ hãi, phải cảnh giác, phải kể cho người này người nọ nghe. Một chuyên mục như vậy, Phan chỉ nhìn được Tú là có khả năng đảm nhận. Ở Tú luôn luôn hiện hữu vẻ bất cần đời, và chỉ những người bất cần đời như vậy mới có thể nhìn được bản chất thực sự của cuộc đời này vốn dĩ không hồng, không đen, cũng chẳng trắng, mà là màu xám, trộn lẫn của những mảng màu kia.
Tú ngồi đối diện Phan như mọi lần, im lặng cầm cái phong bì Phan mới đưa cho, mở ra coi bên trong, thấy dày cộm tiền loại mệnh giá lớn nhất.
– Cảm ơn anh.
– Tú xứng đáng với nó mà. – Phan nghiêng nghiêng đầu, tay gõ lộc cộc xuống bàn. – Vấn đề bây giờ là làm sao lại tạo ra được thứ giật gân không thua gì lần trước. Tú nhìn đồ thị thử đi.
Tú quay lưng, nhìn lên màn hình tivi, thấy mấy cột màu xanh đỏ, đỉnh cao nhất nằm ở tuần vừa rồi, lúc tung ra cái tin bà lão giả xỉu để lừa đảo.
– Vụ lần trước chúng ta đã làm rất tốt, mức độ phủ sóng của thông tin đó vượt ngoài sức tưởng tượng của tôi. Già trẻ lớn bé, ai ai cũng kể nhau nghe để đề phòng, không bị bà già lừa gạt.
– Anh giải thích được vì sao chúng ta lại thành công không?
– Vì con người ta thiếu thông tin nhưng muốn tỏ ra mình thông thái.
Báo chí có một sức mạnh rất lớn, đó là dẫn dắt dư luận và định hướng suy nghĩ con người. Ở thời điểm báo mạng chưa phát triển rầm rộ, báo lá cải chưa tràn lan thông tin nhảm nhí, người ta dùng thông tin trên báo giấy để làm kim chỉ nam nhìn nhận xã hội. Tuy nhiên, khi thông tin rơi vào vùng nhiễu, quá nhiều những thứ giải trí rẻ tiền được tung lên mạng, người ta bắt đầu cảm thấy hoài nghi, chán nản. Cứ hôm nay cô ca sĩ này lộ ngực, ngày mai chàng ca sĩ kia ỡm ờ về giới tính, hay bà ca sĩ nọ “bỗng dưng bể nợ” làm xôn xao dư luận, lặp đi lặp lại ngày ngày trên báo mạng, người đọc nhìn qua cái tiêu đề thì đã coi như biết luôn nội dung. Thêm vào đó, với việc báo chí chạy đua nhau theo kiểu “mày có bài này thì tao cũng có bài tương tự”, nên có một sự kiện nhỏ như ca sĩ nọ vừa té giập mông cũng được đâu mười mấy tờ báo thi nhau giật tiêu đề loạn xạ. Người đọc đã nản lại càng nản hơn, và một số lượng lớn người rơi vào hoàn cảnh nhìn báo chí như thứ tạp nham nhất trên đời. Chính vì vậy, khi “Thiên đường” xuất hiện, đưa thông tin chính thống, những bài báo như thể được rút ruột rút gan để viết ra đầy tâm huyết, dĩ nhiên người ta tin tưởng và tung hê nó. Và từ đó, bất cứ bài nào viết trên “Thiên đường” cũng được nhiều người chia sẻ, quan tâm.
Chính vì nắm được điểm này của “cư dân mạng”, Phan bắt đầu đưa ra những tin tức đảo lộn lại thứ “lòng tốt” mà con người suy tôn. Họ cho rằng giúp người hoạn nạn là điều phải làm, nên làm thuộc về phạm trù đạo đức cao sang, thế nên khi có người vạch ra cho họ thấy, có kẻ lợi dụng chính lòng tốt đó để trục lợi, người ta sẽ hoang mang, bối rối, không biết có nên mù quáng giúp người để bị lợi dụng, hay sẽ nhẫn tâm phớt lờ đi nỗi đau đồng loại để bảo vệ sự an toàn của bản thân. Thêm vào đó, người ta còn hào phóng muốn giúp đỡ người khác đừng bị lừa gạt, bằng cách chia sẻ nội dung bài báo về trang mạng xã hội cá nhân của mình.
– Khi con người ta hoang mang, mất lòng tin vào những giá trị đạo đức trước giờ họ tin tưởng, chính là lúc họ yếu đuối và dễ bị dẫn dắt nhất, Tú nên nhớ điều này.
Tú gật gù, hoài nghi bản thân mình được làm việc cùng một con người như Phan là may mắn hay bất hạnh.
– Vấn đề hiện tại là làm sao để tạo ra những câu chuyện hơn vụ bà già lừa gạt vừa rồi để kéo lượt xem của “Thiên đường” tăng lên tiếp tục. Tú cũng biết rồi đó, lòng tham của con người là vô hạn…
Tú chẳng lạ gì thói ham tiền của đám nhà giàu. Đồng tiền có ma lực làm người ta nghiện, càng kiếm được nhiều thì người ta lại càng muốn có hơn số đó. Cứ mỗi lần “Thiên đường” tăng bậc trong xếp hạng các trang báo mạng được xem nhiều nhất, hợp đồng quảng cáo lại chảy ào ào về công ty, đám hội đồng cổ đông vỗ đùi đen đét, nâng rượu mạnh, chúc mừng cho thành công đã dụ được người ta tin và đọc trang báo của mình.
Suy nghĩ một lúc, Tú lên tiếng:
– Còn một thứ, nếu đụng vào, chắc chắn sẽ gây tranh cãi và phẫn nộ nhiều hơn nữa.
– Là thứ gì? – Phan nhíu mày nhìn Tú, đầy hoài nghi.
– Là trẻ em.
Mắt Phan phát lên tia sáng, Tú kịp nhìn thấy, lòng chợt sợ hãi vì nhận ra tia sáng ấy lạnh lùng đến rợn người.