Tối nay Phan hẹn Mễ đến gặp mình tại “Chờ”, buổi tối quán không bật đèn sáng mà phủ ánh đèn vàng đỏ phát ra từ những chiếc lồng đèn Hội An treo rải rác, tại mỗi bàn café lại có đặt thêm một ngọn nến thơm, phả mùi hương dễ chịu lan tỏa xung quanh.
Cô kiến trúc sư đêm nay chắc lại nhớ người yêu sương khói, ôm đàn, ngồi một góc nghêu ngao hát nhạc Vũ Thành An.
“Một làn khói trắng
Ru đời vào quên lãng
Nâng sầu thành hơi ấm
Hơ dịu tình đau
Ngày tàn im ắng
Yêu người làm tóc trắng
Tâm sự rồi đến đắng
Như lệ giờ biết nhau.”
Mễ nhả khói thuốc lâng lâng quanh mình, chợt nhớ Phan không hút thuốc bèn tính dụi tàn đi, nhưng Phan đã kịp cản:
– Mễ hút đi, mặc tôi.
– Sao dễ chịu vậy? Không giống Phan mọi ngày.
– Hút thuốc là quyền của mỗi người, tôi không thích là quyền của tôi, đâu có thể nào ép người ta sống theo ý mình.
– Nhìn Phan rất mỏi mệt, hình như là công việc có vấn đề phải không?
– Công ty mới có một người nghỉ, lại là người làm được việc cho tôi, nên giờ phải tự tay làm lấy.
– Theo nhân tướng học, thì Phan nằm trong nhóm người sinh ra để lãnh đạo người khác chứ không phải là người làm những công việc lặt vặt đó. Nên kiếm người phụ mình đi, đừng gồng người lên để chính mình mệt.
– Đâu phải muốn tìm là có đâu Mễ.
Bài hát của cô chủ quán vừa dứt, vài tiếng vỗ tay lác đác vang lên, Mễ cũng vỗ tay dù nãy giờ không chú ý lắng nghe.
– Gần đây Nam thế nào rồi Phan?
– Có chuyện của Khanh, Nam bận rộn hơn nên không thấy suy nghĩ nhiều như trước. Nhưng mà vẫn phải tìm cách để giúp Nam thôi. Mễ đã suy nghĩ ra chưa?
– Tôi đã nghĩ mình sẽ thử dùng đến phương pháp thôi miên để đưa Nam quay về thời điểm đối mặt với nỗi đau. Cách này… hơi tàn nhẫn với Nam, nhưng là cần thiết để Nam thoát ra được.
– Tôi tin Mễ, cứ làm những thứ Mễ cho là thích hợp nhất.
– Nhưng Nam không thể đến chỗ tôi, vì chúng ta không muốn Nam biết mình đang chữa trị tâm lý cho Nam, vậy sẽ gặp nhau ở đâu để tiến hành thôi miên đây?
– Ở nhà tôi được không?
– Chắc là được, nhà Phan có ghế sofa dài mà đúng không?
– Ừ, ở phòng khách.
– Ok, vậy giờ cần chọn ngày thôi.
– Chắc phải đến tuần sau, bạn Nam về Mỹ rồi làm.
Mễ gật đầu, rồi hai người tiếp tục im lặng ngồi nghe cô chủ hát tình ca sầu thảm.
“Khóc cho vơi đi những nhục hình
Nói cho quên đi những tội tình
Đời con gái cũng cần dĩ vãng
Mà em tôi chỉ còn tương lai
Mai về sau nước mắt có cạn
Khi xa đời thương cho đàn con
Triệu người quen có mấy người thân
Khi lìa trần có mấy người đưa?”
Cô chủ hát đến câu này bỗng dưng dừng lại, cảm xúc từ đâu trào ra hai khóe mắt, thành giọt nước rớt xuống tan tành.
***
Sân bay đông nghẹt, người ta chen chúc, tiễn biệt, chào đón nhau, có bịn rịn, có luyến tiếc nhưng rồi cũng phải đến lúc rời xa.
Khanh đã gởi xong hành lý, chỉ còn lại một túi xách tay nhỏ, Jade đang ngồi trên xe đẩy của sân bay do chân đi còn khập khiễng, em gái Jade thì cũng ngồi cạnh đó, được Phan ôm lấy, chơi đùa cùng. Nam và Khanh ngồi ở hàng ghế chờ, nói chuyện cùng nhau.
– Khanh đi, rồi khi nào sẽ về lại?
– Cũng chưa biết, chắc có thể là một, hai năm, nhưng cũng có thể là sáu, bảy năm, mười năm không chừng.
– Nhưng đi rồi chắc chắn sẽ có về đúng không?
– Sao Nam hỏi vậy?
– Để Nam còn biết đường mà chờ.
– Ừ, vậy thì ráng mà chờ Khanh đi.
Nam nhìn sang Jade đang ngồi chơi game trên xe đẩy, còn Phan thì đang mở gói kẹo, đút cho con nhỏ của Khanh ăn. Gương mặt Phan nhăn nhó, chọc cho con bé cười, rồi khi nó chịu ăn, Phan cũng bật cười theo.
– Phan thích con nít nhỉ? – Khanh cũng nhìn về hướng đó. – Hai người có dự định sanh một đứa bé để nuôi không?
– Trời đất, đẻ bằng chỗ nào đây Khanh? – Nam hỏi lại, bật cười.
– Kiếm người đẻ mướn, không thì xin con nuôi, bên Mỹ có một đôi đồng tính nổi tiếng lắm, cũng có con bằng cách đó thôi.
– Còn tiền bạc, công sức chăm sóc… Nam cũng thích, nhưng chưa tính tới lâu dài như vậy đâu Khanh.
– Ở bên cạnh Phan, Nam cảm thấy an toàn không?
– Sao Khanh hỏi vậy?
– Khanh nghĩ trong Nam cũng có một phần phụ nữ, mà phụ nữ thì chỉ cần người đàn ông mang cho mình cảm giác an toàn thôi là đủ.
Nam im lặng, tự hỏi cảm giác mình có với Phan trong gần một năm qua có đủ để gọi là an toàn không. Có tiếng thông báo của sân bay yêu cầu hành khách nhanh chóng hoàn tất thủ tục và vào phòng chờ. Khanh đứng dậy, ôm chầm lấy Nam.
– Khanh đi nhé, lần này về Việt Nam, ý nghĩa nhất là gặp lại được Nam, không có Nam chẳng biết mấy mẹ con sẽ ra sao.
– Đã là bạn bè thì Khanh đừng khách sáo.
Khanh buông Nam ra, lấy ngón tay đặt vào ngực trái Nam, nơi đằng sau đó là trái tim luôn thổn thức đập:
– Câu hỏi của Khanh, Nam để dành câu trả lời cho riêng mình đi.
Khanh nói xong thì cùng Nam đi qua chỗ Phan, bế lại con gái từ tay Phan, rồi cúi xuống nói cùng Jade:
– Honey, it’s time to say goodbye to uncle Nam!
– Bye bye uncle Nam, I will miss you much.
– Ok, Jade, I will miss you too. – Nam cúi xuống, hôn nhẹ vào má Jade để tiễn con bé lên đường rồi đẩy xe Jade đi trước.
Khanh cố ý bước chậm lại để có thể nói chuyện cùng Phan:
– Chuyện vừa rồi, tôi chấp nhận bỏ qua không phải vì anh hay những câu nói của anh, mà là vì Nam, bạn tôi.
– Dù thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn cảm ơn Khanh đã hiểu cho tôi.
– Tôi chẳng hiểu gì về anh cả. Lần đầu gặp, tôi cứ nghĩ Nam chắc hẳn sẽ hạnh phúc lắm khi ở bên anh. Nhưng bây giờ, tôi lại lo sợ cho Nam, vì chẳng thể hiểu anh là người tốt hay kẻ ác.
– Có thể Khanh sẽ không tin tôi, nhưng dù tốt hay ác, tôi vẫn không bao giờ làm hại Nam.
Khanh hít một hơi dài, nhìn xoáy vào mắt gã đàn ông đang nói chuyện cùng mình lần nữa, thấy thấp thoáng trong đó một tia sáng có thể tin cậy được. Khanh ẵm con, đẩy xe bước vào phòng chờ, chia tay Nam và Phan ở đó.
Nam đứng nhìn theo, hai giọt nước mắt chảy ra từ khóe. Nam không thích đến sân bay, chưa bao giờ thích, đơn giản vì nơi đó luôn ngập mùi chia ly, thứ mùi Nam ghét nhất trên đời. Phan khẽ ôm Nam vào lòng.
– Phan còn nhớ hồi đó không? Ngày mà Phan đi nước ngoài du học, em cũng đâu có ra tiễn Phan đi.
– Làm sao anh quên được, cả lần sau anh về thăm, Nam cũng không chịu ra tiễn.
– Nhưng Phan hay lắm, gạt em bằng cái vé khác để gặp em cho bằng được.
– Ừ, thì ai biểu Nam ngoài miệng nói không ra, nhưng vẫn đứng từ một góc để nhìn anh đi.
– Nhanh thật anh nhỉ, mới đó mà đã năm, sáu năm.
Nam thả lỏng người hơn để dựa vào Phan, cảm nhận được bản thân đã có câu trả lời cho Khanh ban nãy.
***
Tối nay Ân không gặp Thụy được, vì một lẽ đã hẹn cùng Tú.
Ban đầu, Ân tính hẹn Thụy ra gặp Tú để nói chuyện luôn, vì nghĩ cũng là bạn bè ngang ngang tuổi, nhưng nghĩ kỹ lại, biết tính cách hai người có hợp nhau không, để rồi mắc công lại có chuyện xảy ra, thế là đành từ chối lời mời của Thụy.
Ân đưa cuốn sách mới nhất của Tú ra bàn, giọng nài nỉ:
– Tú cho tôi xin chữ ký nhé.
– Trời, dù gì cũng là đồng nghiệp cũ, tôi đâu hẹp hòi để Ân phải xin như vậy.
– Tôi nói thật, tôi thích truyện Tú viết lắm. Đọc cứ thấy hình ảnh của mình đâu đó, vừa gần mà lại vừa xa.
– Cảm ơn Ân đã thích truyện của tôi.
Tú nói rồi lấy cuốn sách, mở ra viết vài dòng, ký tên rồi gởi lại Ân.
– Thông cảm cho tôi nhé, chữ hơi xấu do chủ yếu chỉ gõ máy tính thôi.
– Tôi được một người bạn giới thiệu đọc sách của Tú, nhưng không giờ nghĩ rằng đồng nghiệp của mình lại là “Chú Hề”.
– Nhìn tôi, chẳng ai nghĩ rằng tôi viết được đâu.
– Đúng rồi. – Ân gật đầu, nhưng chợt nhận ra mình vô duyên quá. – Ơ… ý tôi không phải chê bai gì Tú đâu, xin lỗi Tú.
– Đâu có sao, ai cũng nghĩ như Ân mà.
– Mà, thường tôi thấy người ta hay để hình tác giả lên sách, của Tú lại không có.
– Tôi xấu lắm, để hình làm gì, cứ bí ẩn một chút, độc giả lại thích hơn.
– Sao Tú lại nghỉ làm? Tôi thấy công việc của Tú ở công ty đang tốt lắm mà?
– Tôi nghỉ để đi làm ăn, kiếm tiền một cục thật nhiều trả nợ, chứ làm kiểu lương ba đồng như ở “Thiên đường”, chẳng biết bao giờ mới đủ số mình cần.
– Tú đã quyết định như vậy thì tôi chỉ biết chúc Tú sẽ thành công thôi.
Tú mỉm cười, nhận ra Ân dạo này khác hẳn những ngày Tú gặp lần đầu trong công ty. Không còn vẻ nhút nhát, rụt rè, đến cả một cái nhìn trộm cũng không dám. Giờ Ân đã mạnh dạn nói chuyện, gặp gỡ người khác, như chuyện chiều nay nhắn tin hẹn Tú ra café đã là thay đổi dữ lắm.
– Hình như dạo này, Ân không thường chụp ảnh và cập nhật trang cá nhân nữa phải không?
– Ừ… tôi nghe lời khuyên của một người bạn, tập sống thật nhiều hơn là bám víu vào thế giới ảo.
– Lời khuyên đó chính xác đó, ít nhất là tôi thấy Ân đã thoải mái hơn rất nhiều so với trước đây. Thế giới ảo bây giờ, nguy hiểm hơn cả đời thực, Ân ạ. Họ trên đó, khoe mẽ sự hào nhoáng, sự đẹp đẽ, kiêu sa, để ai cũng lầm tưởng, ai cũng ngưỡng mộ. Tôi có quen một người, cậu ta thường lên mạng, tải hình ảnh những bữa ăn ngon tại nhà hàng sang trọng, rồi tối tối, khi nằm ở phòng trọ chật húm, tay gắp từng đũa mì gói, lại đăng những tấm hình đồ ăn đó lên, để mọi người vào xuýt xoa, đêm nào cũng ăn ngon vậy sao bạn.
Ân im lặng nghe câu chuyện Tú vừa kể xong, thấy sao mà hình ảnh của bản thân mình cũng thấp thoáng đâu trong đó. Ân của vài tuần trước, cũng đăng tải những tấm ảnh của người ta đang cười vui, trong khi bản thân buồn bã, cũng đăng tải những triết lý vay mượn, trong khi bản thân rơi vào bế tắc, cũng đăng những câu động viên mọi người vui sống, trong khi bản thân cứ ngồi đếm nỗi buồn lướt qua môi.
– Người ta là vậy đó Ân, những gì thể hiện ra ngoài, là những điều tốt đẹp, còn những thứ đau buồn, cô đơn, họ giấu vào một nơi khác, ở đây. – Tú nói, chỉ một ngón tai vào ngực trái.
Chợt Ân nhớ đến có lần nói chuyện, Thụy cũng đã chỉ ngón tay vào tim, nói rằng người ta nên lưu hình ảnh vào đó, chứ không phải là những mảnh giấy vô tình.
– Cảm ơn Tú… nói chuyện với Tú, tôi nhận ra nhiều điều lắm. Mà, tôi có thắc mắc, thật lòng nhé. Tú là đồng tính à?
– Tại sao Ân hỏi vậy?
– Vì Tú hiểu đàn bà quá, tôi nghĩ trong Tú phải có một phần đàn bà thì mới có thể làm được như vậy.
Tú bật cười thành tiếng trước câu hỏi của Ân:
– Tôi nghĩ rằng trong đàn ông thằng nào cũng có một chút đàn bà, còn trong đàn bà cũng có một chút đàn ông, chẳng qua là người ta có cảm nhận được hay không. Mà nếu Ân muốn biết thêm thì tôi nói cho nghe, tôi hiểu đàn bà, vì đã ngủ với rất nhiều đàn bà. Ân có muốn nằm trong số đó luôn không?
Ân trố mắt nhìn Tú, không biết gã trai ngồi đối diện mình đang nói thật hay nói giỡn. Chẳng lẽ, đây mới chính là bản chất thật của hắn ta, còn những thứ viết ra trên trang sách chỉ là lời hoa mỹ làm mềm lòng những người trót tin hắn.
– Ân làm gì nhìn tôi ghê vậy? Tình dục thôi mà Ân. – Tú hỏi lại, cái câu này cách đây mấy tháng Mễ đã từng ngồi hỏi Tú.
– Đúng, chỉ là tình dục, nhưng người ta không đòi hỏi tình dục một cách dơ bẩn như Tú.
Nói xong, Ân đứng dậy định bỏ về, nhưng chưa bước đã kịp nghe tiếng cười sằng sặc của Tú trước mặt mình.
– Tôi giỡn với Ân thôi. Đàn bà tôi cần, nhưng không cần đến cái mức như vậy, ngồi xuống nói chuyện tiếp đi.
Ân phân vân, chẳng biết Tú là người thế nào, trong mấy câu nói ra, cái nào thiệt cái nào giỡn thật khó phân biệt. Nhưng rồi cũng chau mày, thở mạnh và ngồi xuống.
– Lần sau đừng giỡn kiểu như vậy, tôi không thích đâu.
– Chưa chắc tôi còn gặp được Ân lần sau.
– Sao vậy, một lần là chán rồi à?
– Không phải, ngày mai tôi bắt đầu đi buôn, chẳng biết đến khi nào về.
– Đi thì cũng về thôi, làm gì ghê vậy.
– Vấn đề là không biết có về được hay không.
Tú im lặng, châm thuốc hút, Ân nhìn theo làn khói bao quanh Tú, chẳng hiểu được một người vừa cười nói cùng mình xong, tại sao lại có thể chìm vào suy tư nhanh đến vậy. Mà trong lúc này, Ân cảm thấy như mình chẳng còn chạm được vào cảm xúc của Tú.
– Thôi… cũng trễ rồi, Ân về trước đây.
– Ừ, tôi cũng có cái hẹn phải đi bây giờ.
Trước khi chia tay nhau ở bãi giữ xe, Tú quay sang nói cùng Ân:
– Bạn của tôi, Ân cũng có biết, người đó tên Mễ.
***
Gã tổng giám đốc “Thiên đường” lại hẹn Phan đi ăn tối. Ngay sau khi nhận được cú điện thoại đó, Phan chắc mẩm trong đầu bữa ăn này không đơn giản chỉ là nhét lương thực vô bao tử nhau cho đầy. Đời Phan, tới giờ đâu còn lạ gì những bữa cơm, chầu café có trị giá lên tới hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng.
Cái khái niệm cho rằng những bản hợp đồng công việc chỉ có thể ký trên bàn làm việc bây giờ đã lỗi thời. Nơi ký hợp đồng nhanh chóng và dễ dàng nhất là ở trên bàn nhậu và thỉnh thoảng… trên giường. Như ở “Thiên đường”, gã tổng giám đốc luôn chi một khoản tiền kha khá cho mấy cô chân dài chỉ với một nhiệm vụ duy nhất là lúc cần phải có mặt, bận đồ thiệt đẹp, thiệt gợi cảm để đi nhậu cùng sếp. Với bia rượu, mùi nước hoa đắt tiền, cộng thêm việc máy điều hòa không tốt, làm các chân dài phải kéo ngực áo thấm mồ hôi liên tục, mấy gã đàn ông ký hợp đồng cũng thoải mái và sảng khoái hơn.
Vì vậy, bữa cơm này của gã tổng giám đốc không thể nào đơn giản được.
Sau khi yên vị trong phòng ăn riêng, Phan nhìn chung quanh, ngoài cô người mẫu H. ra, còn có thêm một gã trai khác, gương mặt rất quen.
– Quen phải không? Đây là V., người mẫu mới của bên công ty tôi, đang trên đà đi lên đó, đợt rồi chụp nguyên bộ hình quần lót chung với H. đẹp mê ly.
À, thì ra là người mẫu. Đợt vừa rồi mấy trang mạng dành cho dân đồng tính liên tục đăng bộ ảnh khỏa thân, mặc mỗi cái quần lót dây trong đủ tư thế khêu gợi của cậu này, không ngờ hôm nay được gặp ngoài đời.
– Em chào anh, em nghe anh X. nói về anh nhiều lắm rồi, đến hôm nay mới được gặp.
V. chìa bàn tay trắng, lấp lánh cái nhẫn vàng có hột đá to đùng ra, nhìn Phan, đuôi mắt ướt rượt. Phan cũng bắt tay V. cảm nhận được cái siết chặt từ V.
– Em là còn phải đi theo nhờ vả anh Phan đây dài dài. Em có nổi tiếng được hay không là phải nhờ Phan hết đó. – Gã tổng giám đốc vòng tay ôm cô H. cười khoái trá.
Không chờ gã tổng giám đốc nói thêm, V. đã nhanh nhẹn kéo ghế đến ngồi cạnh Phan, khui chai rượu mạnh rồi rót đều.
– Cậu Phan biết sắp tới có sự kiện gì lớn không?
– Sau vụ của H. vừa rồi, báo chí đâu có gì hấp dẫn đâu anh.
– Ấy… cậu lại chậm hơn tôi rồi. Vụ của H. giờ dư luận đã lắng dịu, phải có gì mới mẻ hơn chứ. Sắp tới sẽ là chung kết của cuộc thi hát cho đám nhỏ, cậu Phan không theo dõi à?
Phan vỗ vỗ trán, sực nhớ ra đây cũng là một sự kiện đáng chú ý.
Số là theo trào lưu văn hóa hội nhập, các nhà tổ chức bắt đầu mua bản quyền của những chương trình nổi tiếng trên thế giới để chuyển định dạng và giới thiệu đến công chúng. Những trò chơi thực tế, thi hát ca, diễn tài năng… xuất hiện nhan nhản mỗi cuối tuần. Ban đầu người xem còn hào hứng, nhưng riết cũng nhàm, tỷ suất người xem đài bị giảm đáng kể. Trong hoàn cảnh đó, một công ty đã nhanh chóng nhìn ra điểm thiếu sót của những chương trình hiện tại: người tham gia chỉ toàn là người lớn, và theo lẽ thông thường, người lớn đi thi thường có sự tính toán hơn thua ngay từ đầu.
Thế nên, để tạo sức hút mới lạ, một chương trình thi giọng hát dành cho con nít ra đời. Đưa những đứa bé ra làm thí sinh là quyết định sáng suốt của ban tổ chức chương trình, bởi một lẽ những đứa bé đó không biết cách che đậy cảm xúc. Khi chúng chiến thắng, chúng lập tức nhảy cẫng lên mừng rỡ, chứ không như người lớn, dù biết trước kết quả mình vào vòng trong vẫn há hốc miệng, rồi quay sang người bị loại để khóc lóc chia tay. Bọn trẻ đi thi, dĩ nhiên bằng cả trái tim và đam mê với môn nghệ thuật ca hát, chứ không như người lớn, đi thi, nhiều khi chỉ là để được trườn bản mặt lên truyền hình cho người ta nhìn thấy.
Chính vì vậy, cuộc thi hát này của đám con nít lại trở thành tâm điểm truyền thông, dư luận, gây ra nhiều tranh cãi trong đám người lớn ủng hộ.
– Lần này, anh lại cho em thử thách gì?
– Thử thách gì mà thử thách, có bao giờ tôi làm khó được cậu Phan đâu. – Gã tổng giám đốc nốc hết ly rượu mạnh, đưa tay áo vest lên lau miệng. – Chẳng qua lần này tôi muốn giúp cậu có một cảm giác mới thôi. Chắc chắn cậu sẽ thích.
– Đó là cảm giác gì?
– Cảm giác tự tay mình tạo ra người chiến thắng đích thực.
Gã tổng giám đốc nhìn Phan, môi nhếch lên thành nụ cười đểu giả…