Tôi tự học

E. ÓC PHÊ BÌNH



Đành rằng, người học thức không thể tránh được tất cả những ảnh hưởng ngoại giới…nhưng họ là người biết phê phán, biết lựa chọn với một đầu óc sáng suốt, độc lập và tự do. Dĩ nhiên những danh từ này dùng với cái nghĩa tương đối của nó. Hay nói một cách khác, họ là người có óc phê bình sáng suốt và linh động.

Một cái “học” mà xứng đáng với danh từ chân chính của nó, ít ra cũng phải có đủ hai điều kiện sau đây:
1. Trước hết cái “học” ấy đừng phải là cái học “quá chuyên môn”. Một nhà khảo cứu về các loài bướm hay các loại “tem” bưu điện chưa phải là một nhà có học thức cao.
2. Cái “học” ấy phải là một cái học do sự suy nghĩ nghiền ngẫm mà có, chứ không nên là cái học do kẻ khác mang lại cho mình sẵn sàng, tránh cho ta phải vận động đến óc phê bình, phán đoán hay suy nghĩ gì cả. Một sự hiểu biết không giúp ta suy nghĩ thêm, lại làm tắt hẳn óc tò mò và gây tạo một tinh thần thụ động, không ham thích tìm tòi gì nữa cả…là một cái học “chết”. Những kẻ tự hào có một cái học như một cái “đơn bá chứng” có thể dùng để giải quyết được tất cả mọi vấn đề trong đời mình là những kẻ đáng thương hại nhất.

Loài thú cũng giống như loài người đều có thiên tính. Thiên tính là một năng khiếu mà tạo hóa đã ban cho tất cả mọi sinh vật trên đời để phản ứng được với tất cả mọi biến cố trong đời mà không cần phải dùng đến lí trí, không cần phải đặt vấn đề. Trái lại, văn hóa làm nẩy sinh trong đầu óc con người vô số vấn đề, bắt phải luôn luôn suy nghĩ. Cặp mắt của người có một trình độ văn hóa cao luôn luôn nhìn đời với những khía cạnh và máu sắc mới lạ. Và phải chăng đó là tất cả danh dự của con người?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.