Tôi tự học

C. ĐỜI SỐNG ĐƠN GIẢN



Điều kiện thuận tiện nhất cho một người cố tâm học hỏi là phải có được một đời sống đơn giản nhất.
Sống đơn giản, đâu có nghĩa là sống nghèo khó trong cảnh muối dưa đạm bạc, sống thiếu tất cả tiện nghi và trở lại sống cái sống của người bán khai mộc mạc. Sự bận lòng vì quá thiếu thốn về vật chất, không những sẽ làm cho đời ta bực bội, lại còn làm cho nó thêm phiền phức hơn nữa, chứ không giản dị hoá nó được như ta đã tưởng. Trái lại, có một sự nghiệp to lớn của nhiều cũng làm bận thêm tâm trí: lo làm thêm ra mãi, lo thu cất giữ gìn, lo tranh đấu với những kẻ tranh thương với mình là cả một công việc vô cùng phiền phức. Đời sống như thế không thể nào gây dựng một công trình văn hoá gì được cho ra hồn. Chỉ có những đời sống mà gia tư kha khá về mực trung mới có thể đủ điều kiện thuận tiện nhất cho công trình tự học.

Tuy nhiên, ở đây, ta nên để ý đến vấn đề phẩm hơn là lượng. Không phải cái số tiền bạc tài sản nhiều hay ít là điều quan trọng. Quan trọng chăng là cái quan niệm của mình đối với tiền bạc. Đời sống đơn giản, tức là cái nếp sống tổ chức theo một quan niệm biết nhìn thấy cái gì là chánh, cái gì là phụ trong đời, biết quý cái cần thiết mà bỏ qua những cái không cần thiết… Phần đông con người không biết phân biệt cái gì là chánh, cái gì là phụ, chỉ loay quay quan trọng hóa những cái phụ thuộc của cuộc đời mà quên lửng đi cái cốt yếu.
Lấy ngay một việc hôn nhân thì đủ rõ: người ta lo nghĩ tất cả, nào là môn đương hộ đối, nào là chàng rể đẹp trai, nàng dâu kiều diễm, nào là tuổi tác đôi bên xứng đôi vừa lứa, cha mẹ đôi bên xứng đáng sui gia, nào là sắm lễ vật cùng trao tặng quà vật đắt giá, nào là quan khách đông đặc toàn là những bậc quyền quý cao sang, nào là xe hoa lộng lẫy, chúc tụng lăng nhăng… Nhưng cái điều cốt yếu, cái điểm chánh là tình yêu của đôi tân nhân có thành thực yêu thương nhau không, tánh tình họ có hoà thuận nhau chăng và họ phải làm cách nào để yêu thương nhau mãi và tự mưu hạnh phúc cho nhau… Phần chánh đó, người ta đã không bao giờ để ý đến hay nhắc đến. Người ta đã để ý đến cái phụ nhiều quá mà quên mất cái chánh yếu.
Lầm cái phụ với cái chánh, lầm hình thức với nội dung, có thể nói đó là cái thông bệnh của phần đông người đời nay vậy.
“Sự sung sướng vật chất, học vấn, tự do, tất cả nền văn minh… chỉ là cái khung của một bức tranh. Cái khung đâu phải là bức tranh. Cũng như cái áo choàng đâu có làm thành được nhà tu, bộ quân phục đâu có biến con người thành một nhà chiến sĩ… Bức tranh ở đây, tức là con người với tất cả những gì thâm sâu nhất của con người, tức là lương tâm, tánh khí và ý chí của mình. Trong khi người ta chăm lo săn sóc và đánh bóng cái khung cho đẹp đẽ, người ta đã quên mất, khinh thường và làm hỏng mất bức tranh. Cũng như, chúng ta có thứa thãi về vật chất bên ngoài, nhưng lại hết sức nghèo nàn về cái đời sống bên trong… Chúng ta có thừa thãi tiền của mà ta có thể không có cũng không cần, trái lại, ta lại rất nghèo thiếu cái điều cần thiết nhất của đời ta. Thế nào là một cây đèn tốt? Cây đèn tốt đâu phải là cây đèn có cái dáng ngoài rất đẹp, được điêu khắc cầu kỳ hay được làm bằng một thứ kim khí quý báu. Một cây đèn tốt là một cây đèn thắp sáng. Con người cũng một thế..” (8) Người giản dị nhất là người đã bộc lộ và thực hiện được cái người thật của mình mà không bị ràng buộc trong những điều phụ của mình như tiền của, danh vọng, sự nghiệp… của mình. Một hiền triết Hy Lạp có nói: “Nếu anh có ngựa tốt, hãy nói: Con ngựa tôi tốt, chứ không phải tôi tốt.” Người đời phần đông không phải đều có óc giản dị như thế cả. Phần đông có con ngựa tốt, lại cũng tin tưởng thật rằng mình tốt: họ đã đồng hoá họ với những vật ngoại giới mà họ đã có. Bởi vậy, phần đông con người đánh giá chính mình cũng như những kẻ khác bằng những ngoại vật mà mình đã chiếm đoạt. Có khi nhà lầu của họ rộng, nhưng con người của họ không rộng; địa vị của họ cao sang mà chính họ không cao sang. Họ đã lầm lẫn cái chánh và cái phụ, cái thực và cái hư, cái chân và cái giả. Có khi họ có tiền của nhiều và cứ tin tưởng rằng, họ là chủ nhân của số tiền ấy, mà trong thực tế, họ chỉ là kẻ nô lệ tiền tài cùng chức vị của họ. Họ đã lấy tiền của làm cứu cánh trong khi nó chỉ là phương tiện thôi.
Đời sống giản dị là đời sống của phần đông các bực vĩ nhân. Họ là người chống lại sự tản mác tinh thần không chạy theo những phụ thuộc của cuộc đời.
Đời sông của nhà hiền triết Spinoza có thể xem là gương mẫu của một đời sống đơn giản. Người thì ốm yếu, bệnh hoạn và đã phải làm cái nghề mài kiếng đeo mắt để mưu cho mình một đời sống tự do. Ông quyết định cư ở La Haye, trong một căn phòng ở từng lầu thứ hai. Ông cho người bưng cơm lên phòng và ở miết cả hai ba ngày không tiếp ai. Về sau, ông cảm thấy sống như thế vẫn còn tốn kém, ông bèn mướn một căn phòng khác và tự tay mình săn sóc lấy miếng ăn miếng uống của mình. Ông có ngày chỉ ăn có một món súp nấu với sữa và chút bơ, chỉ tốn ba xu và một ve rượu bia chừng một xu rưỡi.
Phải chăng là ông sống khổ hạnh? Hay vì ông chán đời? Không! Triết lý của ông là vui sống. Ông cũng không phải ghét đời hay chán đời: ông vẫn cho sự nghiệp với đời là cần thiết cho sự rộng thấy, xa nghe. Ông cũng đâu có khinh thường những tiện nghi của đời. Ông nói: “Người khôn ngoan biết hưởng thụ những khoái lạc của cuộc đời, phải biết ăn mặc đẹp, thưởng thức các mùi hương hoa, âm nhạc…” Nhưng, ông lại tự đặt cho mình một quy luật là không bao giờ vì một vài tiện nghi và sung sướng nhục thân đến phải hy sinh các tự do của tâm hồn mình. Người ta đề cử ông một chân giáo sư triết học ở Heidellberg. Ông từ chối: “Không khi nào tôi nghĩ đến việc làm cái nghề ấy. Dạy dỗ thanh niên sẽ làm trở ngại sự nghiên cứu học hỏi của tôi…” Nhiều bạn lại muốn tặng cho ông một số bạc thật to, ông cũng từ chối: “Chính cái hình ảnh của bạc tiền nó cứ ám ảnh những tâm hồn tầm thường. Nhưng đối với những kẻ biết dùng tiền và biết ăn xài theo túi tiền của mình thì họ phải biết sống an phận và sống không cần gì đến phải tiền nhiều cả”.

Đó là người biết sống một cách đơn giản, biết phân biệt cái gì là chánh, cái gì là phụ, cái gì là cứu cánh, cái gì là phương tiện.

Học, cần phải làm như con ong hút nhuỵ, đừng học đòi như con bướm giỡn hoa. Có người tưởng rằng mình sẽ có được số vốn học hỏi vừa căn bản, vừa rộng rãi bằng cách hằng ngày đọc năm ba quyển sách, chín mười tờ báo, đi xem ba bốn phòng triển lãm, đi nghe hai ba cuộc diễn thuyết văn học, chánh trị, triết lý… Là vì theo họ, nhờ thế họ sẽ được “nhìn xa thấy rộng” tất cả mọi năng khiếu đều sẽ được khải phát đủ mọi khía cạnh. Họ lầm! Tôi có thấy nhiều người họ đọc sách, đọc báo như điên… Bất cứ gặp gì dưới tay là họ đọc ngốn đọc nghiến, họ đọc cả tủ sách này đến tủ sách kia, bất cần là sách hay sách dở… Nếu họ là bực thông minh triệt để thì tôi chẳng dám nói, vì đó là những ngoại lệ. Thực sự, với hạng tầm thường như chúng ta, tôi quả quyết những người học như thế ấy không làm gì đào tạo cho mình một cơ sở văn hoá vững vàng được cả. Với cách học như thế, chắc chắn họ chỉ có được một cái học ngoài da, một cái hào nhoáng không sao tiêu hoá được. Cái học ấy có hại hơn là có lợi cho óc phán đoán đúng đắn và mực thước. Chông chất không thứ lớp những sự học hỏi hiểu biết của ta, đâu phải đó là mục tiêu của văn hoá. Riêng ta, mỗi sự kiện tự nó không có ý nghĩa gì cả: nó chỉ có giá trị khi nào nó được sắp đặt ngay vào vị trí của nó, liên lạc mật thiết với nhau như một tổ chức tự nhiên của một vật sống. Một ý tưởng rời rạc không thể dắt dẫn gì ta được trên con đường hành động. Là vì trong thực tế, sự việc trên đời là một cái gì phức tạp muôn màu và một khi muốn đem nó ra thích ứng với sự đời ta phải đem ý tưởng nầy sửa chữa lại bằng những ý tưởng khác, chứ không thể theo một chiều nào được. Vì vậy, sự tổ chức lại các điều học hỏi của ta còn quan trọng hơn là những điều mà ta đã học hỏi. Và chính sự tổ chức cho có hệ thống đàng hoàng là quan trọng nhất, nên sự tán mạn đó đây của óc tò mò của ta như trước đây nói không có lợi gì cho ta cả, mà trái lại, là một trở ngại to lớn cho cái học về bề sâu của ta vậy.

Cái học mà vụ về bề rộng và bề cạn nghĩa là cái gì cũng biết, nhưng không có cái gì là thật biết, là mối thù số một của Văn hoá. Có người lật sách đọc mà không quan tâm gì đến cái tên của tác giả, cái tựa của quyển sách. Họ đọc rồi là quên rồi. Có người, mỗi tuần lễ, đọc có trên mười quyển tiểu thuyết, hoặc mười quyển sách nghiên cứu phổ thông hạng rẻ tiền về triết học hay khoa học dành riêng cho những kẻ không thích cố gắng và suy nghĩ. Đó không phải là lối đọc sách để mà học.

Đọc sách để giải buồn trong những lúc ngồi không ở trên toa xe… thì lại là một việc khác. Đọc sách để giải trí thì nên đọc những tác phẩm để cầu vui, trái lại, đọc sách để mà đào tạo cho mình một cái vốn hiểu biết đứng đắn, phải đọc một cách chọn lọc những tác phẩm không thể nào đọc qua một bận mà lĩnh hội hết được ý nghĩa, những tác phẩm mà ta càng đọc đi đọc lại càng thấy thâm trầm. Vấn đề nầy chúng ta sẽ xem xét lại một cách rạch ròi hơn sau đây.

Đọc sách để mà học, cần phải chọn lọc thật kỹ. Sự gần gũi thân mật với những loại sách quá tầm thường sẽ càng ngày càng làm hạ thấp tinh thần trí não ta. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.