Tôi tự học

4. ĐỌC NHỮNG SÁCH VỀ THIÊN VĂN VÀ ĐỊA LÝ



a.  Con người trong Vũ trụ

Như ta đã biết, người có cao vọng xây đắp cho mình một cơ sở học vấn đứng đắn, không thể không khởi sự bằng nghiên cứu học hỏi về mình trước hết. Biết mình là cái học đầu tiên của người trí thức.

Con người không phải là một sinh vật độc lập trong hoàn vũ, mà là một sinh vật sống trong hoàn vũ. Người học thức không thể sống giam mình trong “lũy tre xanh”, mà phải có một sự hiểu biết về những cái gì xa xăm trong không gian và thời gian mới được. Không có được sự hiểu biết ấy thì có khác nào kẻ sống trong một thung lũng, không bao giờ vượt ra khỏi những dãy núi chung quanh, suốt đời giam mình trong một vòng chân trời eo hẹp… Họ cần phải biết vượt thời gian và không gian để mà nhìn cao và nhìn rộng, biết rõ được hoàn cảnh xã hội của mình đang sống, biết đặt hoàn cảnh xã hội ấy trong một khung cảnh rộng hơn và bao bọc nó, đem dân tộc mình sánh với dân tộc khác, biết đem nhân loại đặt trong một khung cảnh rộng hơn là vạn vật trong vũ trụ… Muốn được vậy thì cần phải nhờ đến khoa thiên văn để mở rộng nhãn quan của ta ra ngoài vũ trụ.

Thiên văn học là một ngành học rất cần thiết để cho ta nhận thấy cái địa vị con người trong vũ trụ là như thế nào. Địa vị của thiên văn học phải có một chỗ ngồi xứng đáng và quan trọng trong cái học về con người.

Có bao giờ các bạn ngồi trước mặt bể bao la, nhìn thấy cái mênh mông của những lượn sóng trùng dương mịt mù trước mắt, bạn có những cảm tưởng như thế nào? Có bao giờ bạn nằm ngoài bãi cỏ hay trên núi cao, mắt nhìn bầu trời bao la với hàng triệu ức ngôi sao lấp lánh và khi bạn biết rằng mỗi vì sao ấy có thể là một vầng thái dương to lớn mấy trăm ngàn lần thái dương hệ của ta đang ở, khi mà bạn biết rằng ánh sáng của nhiều vì sao, như vì sao Bắc Đẩu, phải để 36 năm trời mới đến hành tinh ta, mà ánh sáng thì đi nhanh đến mức

300.000 cây số một giây đồng hồ… Đó là chưa nói đến những tinh vân mà mắt ta thấy được, như tinh vân Andromède, ánh sáng từ đó đến ta phải để cả triệu năm mới tới… Thế thì không gian quả là vô tận mà thời gian lại cũng vô cùng. Tấm thân nhỏ bé của con người với trăm năm là hạn, ví với cái không gian vô tận, với cái thời gian vô cùng của Vũ Trụ thì không thể còn so sánh được nữa, không thể nói rằng ta đối với Vũ Trụ chỉ là một hột cát trong bãi sa mạc, một giọt nước ở Thái Bình Dương… Cảm tưởng bạn như thế nào ở giữa cảnh vô biên vô tận của trời đất? Pascal đã nói: “Sự lặng thinh của những khoảng không gian vô tận này làm cho tôi kinh khủng!” . Nó là mối phát sanh những tư tưởng thanh thoát đưa con người ra khỏi những cảm tưởng nhỏ nhen ti tiện và chật vật của cuộc đời vật  chất… và gây cho mình có nhiều tư tưởng thâm trầm về ý nghĩa của nhân sinh.

Nói thế không phải bảo ta phải đọc sách và nghiên cứu khoa thiên văn như những nhà bác học thiên văn. Khoa học này đòi hỏi nơi ta nhiều năng khiếu đặc biệt và học vấn sâu rộng mà không phải ai ai cũng làm được. Ta chỉ cần học nơi khoa Thiên văn học trước hết hai điều cương yếu nầy thôi:

– Nhận chân rằng, có một trật tự thiên nhiên vĩnh cửu trong trời đất vạn vật và bất di bất dịch mà người ta gọi chung là luật của tạo hóa: Không một vật nào trong Vũ trụ mà thoát khỏi định luật tự nhiên ấy, từ một cái cực tiểu đến cái cực đại của trời đất.

– Quả địa cầu ta ở đối với vũ trụ thì nhỏ bé không thể nói, cũng không phải là trung tâm của vũ trụ như ngày xưa người ta đã tin. Không biết rằng vũ trụ mênh mông vô tận, cho rằng những con đường di chuyển của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao mà ta thấy đây là những con đường di chuyển thật, đó là nhìn sai cả sự thật.

Muốn có được một ý niệm tổng quát và rõ ràng về vị trí của quả địa cầu ta ở đối với các vì hành tinh, tinh tú trên không gian vôậtn,  một quyển sách về thiên văn học đại cương đủ   rồi. Sách Việt tôi chưa th ấy có quyển nào đáng kể(21). Về sách Pháp, nên đọc các quyển Initiation Astonomique của Camille Flammarion (Hachette), Le ciel et l’Atmosphère của L. Houllevigne (A.Colin), quyển Le Destine des Etoiles của Svante Arrhénius (Alan), hoặc quyển De l’Espace à l’atome của Carl Stormer (Alcan)… Quyển Le Ciel của Alphonse Berget (Larousse) là một quyển phổ thông rất hay, đã rất dễ đọc lại đọc một cách say sưa cho bất cứ ai có một cái học ngoại ngữ cỡ cử nhân ngày nay, cỡ trung học đệ nhất cấp ngày xưa thời Pháp thuộc.

 

Trước khi chấm dứt chương này, tôi xin trích dẫn lời nói sau đây của Alphonse Berget, để gọi là tạm kết luận:

“Khi bàn đến khoa thiên văn học người ta đã bảo rất đúng rằng đó là “khoa đẹp nhất”. Thật vậy, chỉ nhờ có nó mà thôi; nhờ chiêm vọng bầu Trời mà tinh thần ta được nâng cao trên những quan niệm cao cả nhất; trong khi nó giúp ta quen thuộc với những ý niệm về sự vô cùng của không gian và sự vô tận của thời gian, nó chỉ cho ta thấy rõ cái nhỏ bé không đáng kể của ta trong Vũ trụ, nhưng đồng thời cũng chứng minh rằng đầu óc con người “to rộng” là bực nào mới có thể hiểu biết được nổi những kỳ diệu ấy”(22) (On a dit très justement, de l’Astronomie, qu’elle était “la plus belle des Sciences”. Elle seule, en effet, élève notre esprit, par la contemplation du Ciel, aux conceptions les plus hautes ; en l’accoutumant à ces deux notions de l’Infini de l’Espace et de l’Infini du Temps, elle nous montre combien nous sommes peu de chose dans l’Univers, et, cependant, combien est grand le cerveau de l’hommes pur avoir pu s’élever à l’intelligence de toutes ces merveilles).

Học được bấy nhiêu cũng đã là đầy đủ lắm rồi. Người học thức mà thiếu sự hiểu biết ấy là một thiếu sót rất quan trọng vậy.

b.   Con người trong thời gian

Sau khi đặt địa vị con người trong vũ trụ, ta cũng cần đem cái đời sống ta mà đặt vào một khung cảnh co hẹp hơn, là nhân loại. Vậy, ta phải tìm trở lại trong thời gian cái nguồn gốc nhân loại, tức là tìm mà hiểu biết sự phát sinh đầu tiên  của con người trên mặt đất và sự tiến bộ của nhân loại trong từng giai đoạn của nó trong lịch sử. Đặt nhân loại vào hoàn cảnh tự nhiên của thuở ban đầu, đâu phải chỉ để thỏa mãn óc hiếu kỳ của một đầu óc biết nhìn lại quá khứ mà là một cần thiết cho sự hiểu biết thâm sâu cái đường lối tiến bộ của  con người trong thời gian và không gian.

Tôi xin giới thiệu các bạn quyển La Terre avant l’histoire của Edmond Perrier. Quyển này là một cái thang nối lại lịch sử và những khoa vật lý. Mục sách  tham khảo rất đầy đủ để cho ai muốn đi sâu vào vấn đề có thể tìm kiếm được dễ dàng. Quyển La Vie et la Mort của Dastre (Flammarion) rất hay và rất dễ hiểu. Đọc xong nó, ta có thể có được một mớ kiến thức căn bản để đọc tiếp những quyển sâu sắc và khó khăn hơn như : La Genèse des espèces animals (Alcan), L’Adaptation (Doin) của Lucien Cuénot, hoặc những quyển như: Le Transformisme et l’Expérience (Alcan), L’Hérédité (Colin), L’Evolution et l’Adaptation (Chiron) của Etienne Rabaud, nhất là quyển Éléments de biologie générale (Alcen) cũng một tác giả.

Nhờ đọc những quyển trên đây, ta có thể đi từ tinh vân đến sự phát sinh con người trên quả địa cầu.

*

*        *

Muốn truy tìm đến nguồn gốc của nhân loại, chúng ta cần phải quay về tiền sử. Trước hết chúng ta là người Đông Phương, tiền sử các nước láng giềng như Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản không thể bỏ qua. C ổ học của Trung Hoa lại rất cận với ta, phải được quyền ưu tiên chọn lựa (23). Một cái vốn hán học để đọc nổi cổ văn là tối cần cho bất cứ người nào muốn có một nền học vấn vững chắc. Kế đó phải để ý đến các nước Tây Phương, nhất là về lịch sử thời trung cổ Âu châu. Nhưng cái học cổ điển Tây Phương, cũng như cái học cổ điển Đông Phương đều là những cái học rất khó khăn và phải tốn nhiều công phu. Đọc nổi một bài  văn cổ đâu phải là dễ. Người học thức Việt Nam ngày nay không thể là một người chỉ biết có một thứ tiếng mẹ đẻ mà thôi, Ít ra cũng phải có một cơ sở về sinh ngữ tối thiểu về Hán văn, Pháp văn hay là Anh văn. Những dân tộc hậu tiến là những dân tộc cần phải biết được nhiều ngoại ngữ chừng nào hay chừng nấy… mới mong theo kịp các nước tiền tiến – mới có thể gọi là “đa văn quảng kiến”.

 

c) Con người trong không gian

Muốn rõ được vị trí con người trong không gian, tức là muốn biết thế giới chung quanh ta, phải cần đến những sách về địa lí, du kí.

Nên đọc quyển Ce monde où nous vivons của Lincoln Barnet (Hachette). Hình ảnh rất đẹp và bài vở chọn lựa, cách trình bày hấp dẫn, thật là một quyển sách quí.

Các sách giáo khoa về Địa lí, nhất là quyển Géographie Générale Illustrée (Quillet xuất bản) dưới quyền giám đốc của Maurice Allain với sự cộng tác của các ông Elicio Collin, Hardy, Vallaux và Weulersse cần phải có trong tủ sách. Phải có một quyển địa đồ đây đủ. Hiện thời các nhà xuất bản Quillet, Hachette, Colin có cho in ra nhiều quyển địa đồ rất đầy đủ, quyển nào cũng dùng được cả.

Cũng cần đọc những quyển du kí và những quyển sách bàn về tâm hồn của từng dân tộc. Muốn biết về dân tộc Tây Ban Nha thì nên đọc những quyển Essence de l’Espagne của Miguel de Unamuno (bản dịch tiếng Pháp của Marcel Bataillon, Plon, 1923), quyển L’Espagne moderne vue par ses écrivains của Henri Guerlin (Perrin, 1924); – về dân tộc Anh thì nênđọc quyển Histoire de la litérature anglaise của Taine (Hachette, 5 quyển), quyển Nouvelles Études anglaises (1910), quyển L’Angleterre et la guerre (1915) của André Chevrillon (Hachette), quyển L’Angleterre moderne, son évolution của Louis Cazamian (Flammarion, 1911); – về nước Đức thì nên đọc quyển L’Allemagne moderne, son évolution (Flammarion) của Henri Lichtenberger, quyển Panorama de la litérature allemagne contemporaine của Félix Bertaux (Kra, 1928); – về nước Nhật thì nên đọc Société Japonaise (Plon), quyển Nouveau Japon (Perrin) của Bellesort, quyển Japon của Emile Hovelaque (Flammarion). Không nên bỏ qua quyển du kí Journal d’un Philosophe của Hermann de Keyserling (Stock).

Lại còn có một cách khác để hiểu biết tâm hồn của một dân tộc là đi sâu vào sự nghiên cứu những tác phẩm trứ danh của mỗi dân tộc, nghĩa là nghiên cứu văn học của dân tộc đó.

Muốn biết về tâm hồn dân tộc Anh thì nên đọc sách và dịch của Shakespeare, nhất là những quyển Hamlet (Fasquelle, bản dịch của E. Morand và Schwob, hoặc của Guy de Pourtalès (Gallimard)), quyển Antoine et Cléopâtre (bản dịch của A. Gide), quyển Roméo  et Juliette (bản dịch của Koszul), Macbeth và Othello (bản dịch của Derocquigny), Jules César (bản dịch của Ch. M. Garnier), La Tempête (bản dịch của Aynard).

Tiểu thuyết của Dickens thì nên đọc David Copperfield (Hachette), Moel Flanders của Daniel de Foé (bản dịch của Marcel Schowob).

*

*     *

Muốn hiểu về tâm hồn nước Đức thì nên đọc sách của Goethe như Faust, Werther, Les Affinités électives, Les Années d’Apprentissage Les Années de voyage de Withelm Meister, Vérité et Poésie (bản dịch của Porchat do Hachette xuất bản), quyển Correspondance avec Schiller (Plon) bản dịch của Lucien Herr, quyển Conversations avec Eckermann (Charpentier) bản dịch của Emile Délerot.

Đọc sách của văn hào Heine, thì nênđọc những quyển De l’Allemagne, Lutèce (Calmann Levy). Đọc Hoffmann thì đọc Contes fantastiques, bạn dịch của X. Marmier (Fasquelle). Đọc Schopenhauer thì nên đọc Aphorismes sur la sagesse dans la vie, và nếu có một căn bản học vấn khá cao thì nên xem cả bộ Le Monde comme Volonté et comme Représentation (bản dịch của Burdeau). Về nhà văn Nietzche, thì tất cả sách của ông, đọc quyển nào cũng được cả.

Muốn nghiên cứu hiểu biết về tâm hồn nước Ý thì nên đọc trước hết nhà văn hào Dante, quyển La divine comédie (bản dịch của Lamennais (Didier) là hay nhất). Cũng nên đọc tác phẩm Mémoires của Benvenutto Cellini (bản dịch của Leclanché). Sách của Annunzio thì đọc những quyển L’enfant de volupté, Le Feu, Le Triomphe de la Mort, Les Vierges aux Rochers (Calmann-Lévy).

Về Tây Ban Nha, nên đọc Don Quichotte của nhà đại văn hào Cervantes. Bản dịch hay  nhất của Viardot hoặc của Xavier de Cardaillac và Jean Labarthe (Toulouse, Edouard Privat 1927).

Về văn hào Lope de Vega thì đọc Théâtre (bản dịch của Damas Hinard). Đọc của Sainte Thérèse quyển Vie écrite par elle-même (Beauchesne, 6 quyển).

 

Về Nga, thì nên đọc sách của Tolstoi, nhất là những quyển La Guerre et la Paix Anna Karénine (Hachette). Đọc sách của Dostoiewki thì nên đọc Crime et Châtiment bản dịch của Derély (Calmann-Lévy), Frères Karamazov bản dịch H. Mongault và Leval (Bossard), Possédés Confession de Stravroguine, bản dịch của Chuzeville  (Bossare),  L’Idiot (Plon), Humiliés et Offensés (Plon) – Về nhà văn hóa Kropotkine thì nên đọc Autour d’une vie (bản dịch của Martin và Leray, Stock).

 

Đấy là sơ lược những sách mà ta cần phải đọc để có một ý niệm về văn tài cũng như về tâm hồn các dân tộc khác ta. Dù sao ta nên biết rằng trên đây chỉ nói về những tác phẩm được dịch ra tiếng Pháp là tiếng ngoại ngữ mà người việt được biết nhiều nhất. Những ai không đọc được tiếng Pháp hay tiếng Anh thì đành phải chịu vậy mà đọc qua một vài tác phẩm ngoại quốc đã được người ta bắt đầu phiên dịch, nhưng hiện thời tôi chưa thấy được một bản dịch nào xứng đáng có thể giới thiệu cho các bạn được.

*

*   *

Ta cũng cần phải quan tâm nghiên cứu đến ảnh hưởng của địa lý đối với đời sống vật chất lẫn tinh thần của con người. Ảnh hưởng của thời tiết, của khí hậu, của thổ nghi, của địa cuộc, của cảnh vật thiên nhiên đối với sức khỏe, tính tình, tư tưởng của con người rất là quan trọng.

Vấn đề này nên đọc quyển Géopsyché của bác sĩ Willy Hellpach (bản dịch chữ Pháp của bác sĩ F. Gidon – Payot) trong đó trình bày một cách tinh tường ảnh hưởng của địa lý đối với tâm hồn con người. Cũng nên đọc La Géographie Humaine của Maurier Le Lannou (Flammarion), L’Homme et le Sol của Henri Prat (Gallimard), Géographie psychologique (Gallimard) của Georges H ardy, L’Homme et la Côte (Gallimare) của Marcel Hérubel, Géographie dt Religions (Gallimard) của Pierre Deffontaines, L’Homme et le Vent (Gallimard) của E. Aubert de la Rue, Géographie des frontières (Gallimard) của Jacques Ancal và Esquisse de Géopolitique của Ernest H. Short (Payot).

Người xưa khuyên người trí thức phải có một cái học “thượng tri thiên văn, hạ tri địa lí, trung tri nhân sự” thật là chu đáo. Phải chăng đó cũng là cao vọng của tất cả mọi người hiếu học, mong mỏi có được một nền học vấn rộng rãi và vững vàng.

Chú thích:

21. Cơ sở Báo Chí và xuất bản Tự Do mới vừa cho xuất bản quyển “Từ tinh vân đến con người”. Tác giả chưa được hân hạnh đọc quyển ấy nên chưa có thể có một ý niệm gì về nó để giới thiệu với độc giả.

22. Le Ciel Préface d’Alphonse Berget. (Larousse éditeur).

23. Dĩ nhiên là ưu tiên trong các nước láng giềng. Còn cổ sử của nước nhà lại là phần chính. Người ta không thể quan niệm người Việt Nam lại không rõ cổ sử nước nhà.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.