Tôi tự học

B. HỌC DỊCH VĂN



Muốn học viết văn cần phải học dịch văn. Đó là phương pháp hay nhất để viết văn hay, mà đó cũng là ý kiến của phần đống các thức giả từ xưa đến nay.

Là tại sao? Bất cứ ai cũng nhận thấy rằng dịch văn là khó. Thà là mình viết, thì viết sao cứ viết, chứ dịch văn phải giữ ý của tác giả, lựa chọn chữ dùng cho thích đáng, không được  viết bừa. Ta bị bắt buộc phải thật hiểu ý của tác giả và những danh từ, trạng từ, tĩnh từ cùng động từ mà tác giả đã dùng. Đó là một cách bắt buộc ta phải biểu diễn cho thật đúng một ý tưởng, không được miễn cưỡng dùng sai, dùng tạm.

 

Muốn dịch văn cần phải nhớ hai nguyên tắc chính này:

  1. Phải đi từ cái chung đến cái riêng, tức là đi từ cái ý chính của đoạn văn mà tìm hiểu ý nghĩa những chi tiết , những từ ngữ, những bút pháp của tác giả đã dùng để biểu diễn tư tưởng của mình. Vì vậy, đừng có lật đật tìm tự điển mà phải lo đọc trước cho thật kĩ bài văn, đọc đi đọc lại đôi ba lần cho đến khi nào thoáng hiểu được cái thâm ý của tác giả, đạt được cái ý chính của đoạn văn, bấy giờ sẽ tìm hiểu cái vai trò của mỗi câu trong đoạn văn và cái ý nghĩa của từng chữ trong câu văn. Sau đó mới tìm những danh từ tương đồng để dịch ra cho sát ý. Ta nên nhớ rằng mỗi danh từ đều có nhiều nghĩa, tùy vị trí của nó trong câu, tùy ý tưởng chung của đoạn văn mà nó có một nghĩa nào đó. Nếu cứ lật tự điển mà tìm chữ tương đương dịch càn dịch bướng, bất chấp mạch lạc của câu văn và đoạn văn, bài dịch sẽ không sao trung thành được với nguyên văn.

Hơn nữa cũng phải rõ bút pháp của tác giả. Như dịch văn Anatle France mà chỉ dịch ý, bất chấp cách hành văn rất trào lộng u mặc, thì còn hương vị gì nữa!

  1. Người dịch văn mà có kinh nghiệm bao giờ cũng thể theo cái lý mà dịch, chứ không căn cứ vào sự tương đồng về hình thức của câu văn. Có những từ ngữ bề ngoài giống nhau mà trong thực sự không đồng nghĩa với nhau. Dịch cổ văn lại càng khó: danh từ dùng ngày xưa với ngày nay có khi khác nhau rất xa, nếu cứ hiểu theo nghĩa ngày nay thì dịch sai đến vạn dặm. Tiếng Anh mà dịch qua tiếng Pháp cũng rất khó. Như chữ To be agreeable đâu phải luôn luôn có nghĩa là “être agréable” mà thường lại có nghĩa là “consentir à”; chữ “evidence” của tiếng Anh không phải đồng nghĩa với tiếng “évidence” của tiếng Pháp, mà thường có nghĩa là “preuve” hay là “témoignage”…

Muốn dịch văn Anh ra văn Pháp, nên xem quyển “Les faux amis ou les trahisons du vocabulaire anglais” của Maxime Koessler và Jules Derocquigny (Vuibert xuất bản). Những từ ngữ mà những tác giả trên đây gọi là “bạn giả” (faux amix), tiếng nước nào cũng có. Vậy phải thận trọng (3).

Tóm lại, dịch văn là phương pháp hữu hiệu nhất để tập cho ta biết tôn trọng lý luận và biết biểu diễn trung thành tư tưởng của mình trong khi biểu diễn lại một cách trung thành tư tưởng của kẻ khác.

 

Như ta đã thấy trước đây, chương trình học vấn có thể tóm trong ba điều này:

  1. có một kiến thức rộng rãi về sử học, then văn và địa lí;
  2. tạo cho mình có được một đầu óc khoa học, biết cách vật trí tri;
  3. và cố gắng đi lần đến một quan niệm tổng quát về cuộc đời, nghĩa là đi đến một quan niệm triết lý về vũ trụ và nhân sinh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.