Tôi tự học

C. BIẾT XÚC CẢM



“Biết xúc cảm là điều kiện cốt yếu để tạo cho mình một cơ sở văn hóa sâu sắc hơn”.

Thật vậy, ta thường gặp biết bao kẻ học giỏi, biết tư tưởng, biết phán đoán… nhưng dường như cơ sở học vấn vẫn ở mực tầm thường mãi…Là tại sao?

Là vì họ thiếu “ngọn lửa” lòng, họ là những tâm hồn thiếu hăng hái, thiếu say mê vì ít thắc mắc và rất dễ dãi đối với bất kì việc gì…Sở dĩ họ cố công học hỏi ngày đêm là vì phải trải qua những kì thi khó khăn. Bởi vậy, họ phải “học gạo”, chỉ học và đọc những gì có trong chương trình thi mà thôi, những môn nào không bắt buộc phải thi, thì họ dẹp lại một bên. Miễn cưỡng vì bị bắt buộc nên họ xem sự học như một phận sự phải làm, không gì hứng thú cả. Đến khi họ trở thành một nhà giáo, họ cũng vẫn dạy cho có dạy. Không phải bài  dạy của họ sai lầm hay vô ý thức, nhưng họ dạy một cách buồn chán, lạnh lùng, họ chỉ dạy trong chương trình, trung học hay đại học, một cách lạt lẽo, không gây được lòng hăng hái hâm mộ của học sinh, cũng không truyền được cho học sinh lòng nhiệt thành ham mê học hỏi gì cả. Họ thiếu ngọn lửa thiêng của lòng hăng hái nhiệt thành.

 

Người ta đã nhận xét rất đúng: “Thiếu dục vọng, khó mà làm nên đại sự” . Kẻ thiếu nhiệt thành là những kẻ tầm thường . Học mà không biết ham mê, không bao giờ thành công. Luận ngữ có nói: “Biết mà học, không bằng thích mà học, thích mà học không bằng vui say mà học”.

Làm sao tạo cho mình một tâm hồn nhạy cảm? Một tình cảm dồi dào?

  1. Phương pháp thứ nhất là sống cho người khác. Sống cho kẻ khác là biết hi sinh cho kẻ khác, lấy hạnh phúc của người làm hạnh phúc của mình, tức là biết cảm và biết yêu. Kẻ mà không biết yêu ai cả, không biết thương thân phận của những người khác ngoài cái thân phận của mình, tức là người sống một đời chỉ lo cho mình thôi, là người mà tâm hồn cằn cỗi, không thể là một con người văn hóa cao được. Người có văn hóa cao là người có Tâm và có Trí. Một văn hào Pháp có nói : “Những tư tưởng cao cả đều do quả tim mình mà ra cả”. Chính vì lòng yêu nhân loại mà Pasteur tìm kiếm và phát minh vô số phương thức cứu nhân loại. Thích Ca, Jésus phải chăng là những bực phi thường chỉ nhờ một tấm lòng yêu thiết tha nhân loại hơn người ? Nói thế không phải muốn nói rằng chỉ có lòng yêu nhân loại mới xui người làm nên những phát minh vĩ đại. Có rất nhiều nhà bác học đại tài lại đi phụng sự bạc tiền và quyền thế thì sao? Không! Con người văn hóa cao, trước nhất phải là một người xứng đáng danh hiệu con người, nghĩa là trước hết phải là một người Tài và có Đức, một người quân tử. Người chỉ có Tài mà không có Đức, chẳng phải là một người chỉ có hại cho đời mà thôi, tự mình lại cũng chưa hoàn thiện được sứ mạng làm người của mình.
  2. Phương pháp thứ nhì để tạo cho mình một mối cảm xúc dồi dào, phải cậy đến văn nghệ. Văn nghệ làm tăng gia xúc cảm của ta bằng cách khích động nó. Thi ca, kịch, nhạc, họa… sẽ gây cho ta những xúc cảm mỹ thuật dồi dào. Thường ta gặp một cảnh hoạn nạn thương tâm, ta hay đem lòng thư ơng cảm, rồi nhân cái đau khổ của người, ta liên cảm đến cái đau khổ của ta… nhờ vậy ta thấy mình biết cảm và ra khỏi cái tâm trạng khô khan của một tâm hồn không biết rung động…

Trên màn bạc hay sân khấu, kịch sĩ đã khéo gây thương cảm và làm cho lòng ta bồi hồi xúc động đến lệ rơi lã chã… Những vở tuồng hay là những vở tuồng bắt ta khóc sướt mướt, ta thấy lòng ta nhẹ nhàng vì đã biết động cảm cái đau khổ của kẻ khác. Có điều là kẻ đi xem kịch mà khóc vẫn biết là mình khóc những cảnh thương tâm trong tưởng tượng chứ không phải những cảnh thương tâm có thực. Vì thế mà ta ưa nó hơn những cảnh thực ở ngoài đời.

Ta đòi hỏi nơi nghệ sĩ cái tài tạo ra xúc cảm. Nhân loại đều ngảnh mặt về phía các nghệ sĩ là tại sao ? Là vì ai ai cũng đều muốn sống trong mộng, muốn thoát mình ra khỏi một cõi đời tẻ nhạt, vô vị, chán nản bằng cách lao mình vào ảo vọng. Nghệ sĩ sở dĩ được coi là cao quí tùy tài nghệ tạo xúc cảm của họ đã khéo đưa ta vào cõi mộng đến bực nào và đó cũng  là một sự đắc thắng tạm thời của ta đối với những đau khổ quá trắng trợn chán chường của cõi đời thực tế.

Phải chăng câu thơ hay là câu thơ làm cho lòng ta xúc cảm. Và truyện Kiều sở dĩ được đa số ưa thích một phần nào phải chăng cũng vì cốt truyện cũng như văn chương thật là lâm li cảm động?

Trong chương trình văn hóa của người trí thức ngày xưa có bốn hoạt động văn nghệ là  Cầm, Kì, Thi, Họa kể ra cũng rất là chu đáo. Theo chỗ tôi biết, người học thức ngày xưa ít thấy có người nào là không biết làm thơ, không thích ngâm thơ.

Mà thơ là một nghệ thuật bao gồm gần hết các nghệ thuật. Théodore Bainville nói: “Thơ là gồm cả âm nhạc, hội họa, điêu tượng, hùng biện. Và phải chăng nó là một nghệ thuật bao gồm đây đủ nhất”. Và theo Lamartine, một câu thơ hay phải gồm đủ 4 yếu tố sau này: phải có cảnh, có tình, có tứ, có nhạc. Nghĩa là nó phải thể hiện được một cái tứ cho trí não, một cái tình cho tâm cảm, một hình ảnh cho con mắt và một nhạc điệu cho lỗ tai. Như vậy bốn câu thơ sau đây của Nguyễn Du:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa, Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi mang mác biết là về đâu.

Buồn trông nội cỏ rầu rầu, Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh, Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Phải chăng là những câu thơ tuyệt hay vì nó gồm đủ cả bốn yếu tố đã nói trên, có sức gợi cảm mãnh liệt.

 

Thơ hay làở sự khêu gợi , chứ không phải ở chỗ nói hết được ý mình. Những cái mông lung, mờ mịt càng kích động óc tưởng tượng và làm cho câu thơ trở nên huyền ảo li kì… Tiếng đàn hay là hay ở dư âm… Câu thơ hay là hayở chỗ hàm súc, lời vắn tắt mà hậu ý thâm trầm man mác.

Trong Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị có câu:

“Thủy tuyền lãnh sáp huyền ngưng tuyệt, Ngưng tuyệt bất thông thanh tạm yết.

Biệt hữu u tình ám hận sinh,

Thử thời vô thanh thắng hữu thanh”.

Tạm dịch:

Doành lạnh ngắt tơ mành như đứt, Đứt chẳng thông tạm ngớt cung tơ Như sầu như ngẩn như ngơ

Tứ riêng hay gấp tiếng tơ muôn phần.

(Vô Danh dịch)

Thơ, thuộc về tâm cảm hơn là lý luận, vì vậy có kẻ khuyên nên đọc thơ bằng con tim hơn bằng khối óc. Lời khuyên ấy, kể ra cũng có lý.

 

Con người đâu phải chỉ sống bằng Lí, mà cũng phải sống bằng Tình. Một đời sống mà người ta chỉ nghĩ đến ăn, ngủ, làm việc… mà lòng mình không bao giờ biết đến những xúc cảm mãnh liệt của tâm tình, thì dễ chán làm sao!

Một nhà trí thức có văn hóa cao mà không biết thích thơ, hoặc không biết làm thơ, không biết thế nào là một câu thơ hay và hay ở chỗ nào… tôi cho là một điều thiếu sót đáng tiếc. Có nhiều kẻ đã vu cho Thơ là mơ mộng, là huyền ảo, là lơ lửng trên hư không… Nhà văn Ernest Bersot trả lời: “Người ta thường tin tưởng rằng Thơ là giả dối bởi nó biến thể tất cả những gì nó mó đến; người ta lầm: Thơ, không phải là giả dối, nó chính là chân lý đấy, nhưng là thứ chân lý mãnh liệt hơn cái chân lý trong đời sống tầm thường”.27

Theo Lamatine, Thơ là “một sự an ủi tâm hồn mình bằng những tiếng khóc nức nở của quả tim”. Nó là tếi ng “kêu thương, rên rỉ” của tâm hồn. Bởi vậy  Anatole France mới  nói:  “Khoa học không quan tâm gì đến việc làm vui lòng hay làm buồn lòng ai cả. Vì vậy, nó không có lòng nhân. Thơ làm cho ta say mê ngây ngất, an ủi vỗ về ta, cho nên nó còn cần thiết hơn là khoa học”.(28)

Nhà bác học Darwin, lúc về già, than thở vì đã mất hứng thú về mỹ cảm: “Từ mấy năm nay tôi không thể đọc được một câu thơ nào cả… Tôi cũng không thể đọc Shakespeare… lại cũng đã không còn ưa thích họa và nhạc nữa… Than ôi, mất những hứng thú ấy là mất một nguồn hạnh phúc có thể rất nguy hại đến sự thông minh và tính tình của mình bằng sự làm giảm mất cảm xúc của tâm hồn”.(29)

 

  1. Phương pháp thức ba là biết sống một mình trong cô tịch, giữa cảnh vật thiên nhiên.

Sống trong xã hội, người ta vì nể nhau mà phải bị bắt buộc sống trong giả dối. Cả một giàn “nghi lễ” giả tạo bắt buộc ta phải dẹp tình cảm ta qua một bên, tỏ vẻ lạnh lùng và cố giữ vẻ trầm lặng bí ẩn. Chẳng những ta không được quyền bộc lộ bản tính của ta, lại còn bị phong tục, tập quán xã hội làm thiên đi và lại phải thay vào đó bằng những cử động, những cảm tưởng mà xã hội, thời thượng chấp nhận, dù là trái với tâm cảm của ta. Cái sống phiền phức, nhộn nhịp của kinh thành dễ làm khô héo tình cảm thanh cao của ta. Sống trong cô tịch là dịp hay để mình sống trở lại trong sự thành thực với cõi lòng.

 

Trong những lúc mà văn minh trở nên phiền phức nhất có lẽ là những lúc mà lòng người cảm thấy ham thích cái thú sống trong những cảnh thiên nhiên cô tịch nhất. Là vì cái đời sống quá giả dối và ràng buộc trong một cuộc đời quá nhộn nhịp khiến lòng ta càng khao khát sự sống trong yên tĩnh, thành thực và tự do. Sống được năm ba ngày trong thôn quê, nơi một làng mạc xa xôi hẻo lánh đem lại cho tâm hồn mình một liều thuốc thanh lương và giải thoát (12).

Lại nữa, nếu cảnh vật thiên nhiên càng gồ ghề hùng vĩ thì sự tẩm bổ tinh thần lại càng thêm sâu mạnh. Con người đứng trước những cảnh tượng bao la bát ngát, trước những lượng lượng tự nhiên vô cùng vĩ đại dường như luôn luôn lăm le chìm đắm ta trong vực sâu hay nghiền nát ta như tro bụi… thì những bảng giá trị sai lầm cốt đề cao bản ngã của ta mà ta đã sống hằng ngày, trong xã hội phù phiếm xa hoa, bỗng biến lần và có khi mất hẳn nơơi tâm hồn ta. Trước cảnh vật vô cùng hùng vĩ, con người cảm thấy những cao vọng của mình đều là ti tiện không đâu. Một thứ tình cảm thanh cao sâu sắc xâm chiếm tâm hồn ta và nâng nó cao lên trên những vùng cao nhất của tinh thần… “Khí tượng như chim phụng hoàng  trên mây xanh thì những lợi hại cỏn con không còn động được tâm nữa…”

Thánh Bernard có nói: “Anh sẽ tìm được một cái gì rộng rãi hơn và sâu thẳm hơn trong những cảnh rừng hoang vu vắng lặng hơn là trong sách vỡ” . Vì vậy, ta đã thấy, các bậc  đạo học cao thâm thường là những kẻ thích sống trong những cảnh non cao rừng thẳm, chằng phải để tránh đời mà là vì hợp với tâm hồn thiên về hướng nội của mình hơn. Kẻ nào thích sống một mình, bao giờ cũng là n gười thâm trầm sâu sắc hơn kẻ thích sống trong nhộn nhịp tưng bừng của bè bạn, hội hè… Ảnh hưởng của thiên nhiên đối với tâm hồn thật là rõ rệt như ta đã biết qua khi bàn đến trước đây ảnh hưởng của địa lý đối với tâm tính con người. Người xưa tin nơi địa lý cũng có một phần nào đúng với tâm lý đã nói trên.

Hồng Lĩnh sơn cao, Song ngư hải khoát. Nhược ngộ minh thời Nhân tài tú phát(30).

Hoan Châu (Nguyễn Thiếp) Văn hào André Maurois cũng có nói:

Những  người  làm  việc  nhiều,  nên  thỉnh  thoảng  sống  một  đời  sống ẩn  dật”…    “Họ tìm về nhà quê, bên sườn núi, hay những bãi bể vắng vẻ để xa hẳn với mọi liên lạc, từ chối cả sự luyến ái tâm tình cùng bè bạn. Trong một khung cảnh rộng rãi bát ngát như thế mới thích hợp với tâm hồn của họ được. Ở giữa sự nhộn nhịp tưng bừng của các đô thị lớn, thì một tuồng hát, một bài báo, một câu chuyện ngồi lê đôi mách cũng sẽ thành ra điều quan trọng, lấn át cả công việc của ta, cả tình cảm đứng đắn của ta. Nhưng dưới cảnh trời sao mênh mông bát ngát, những chuyện vụn vặt ấy phải chì m lần mất hẳn trong bóng tối. Trong sự im lặng ban đêm và trong sự im lặng của tâm hồn, trên những khoảng bao la  man mác thì mọi sự phù phiếm vô giá trị đều bị gạt bỏ hết, và ta có thể xây dựng được những công trình lâu dài. Sự tĩnh mịch không bao giờ làm hèn yêu con người đâu.(12)

Chú thích:

27 “On croit trop souven que la poésie est un mensonge, qu’elle alière tout ce qu’elle touche, on se trompe: elle n’est pas un mensonge, elle est la vérité même, mais la vérité plus forte que celle de la vie vulgaire”.

28 La science ne se soucie pas de plaire ni de déplaire. Ell est inhumaine. C’est la poésie qui charme et qui concole. C’est pourquoi la poesie est plus nécessaire que la science.

29 Vie et Correspondantes de Charles Darwin – p.104 (Trad. de Varigny).

30 Dịch: Chót vót Hồng Sơn/ Mênh mông Ngư Hải/ Trong sáng gặp thời/ Nhân tài bừng phát. (Theo Vũ Quang, Nghi Xuân – tình đất tình người,  .(Goldfish).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.