Tôi tự học

E. ÓC TỔNG QUAN



Như ta đã thấy trên đây, sự đi tìm cái lẽ “nhất dĩ quán chi” của mọi sự vật trên đời, đó là cách đào tạo cho mình tinh thần tổng quan.
Như thế, óc tổng quan thực là khuynh hướng chống lại với sự tản mạn tinh thần chống lại với sự quá phung phí tư tưởng vào những cái chi ly vụn vặt và phụ thuộc, nghĩa là biết đem những chi tiết phụ ghép vào cái chánh, biết nhận thấy cái dây liên lạc mật thiết giữa các sự vật rời rạc nhau, biết tìm hiểu cái ý nghĩa thâm sâu của mọi sự mọi vật trên đời, nhưng chú ý đến không có nghĩa là đã quên mất cái đại ý của cuộc đời, cái ý nghĩa thâm sâu của sự sống để mà giản dị hoá nó, mà “chuyên tâm bão nhất”.
“Tập trung tinh thần” cũng không có nghĩa là khép mình trong “chuyên môn”. Đây là hai hoạt động tinh thần khác nhau xa. “Chuyên môn” là hoạt động bằng tư tưởng cũng như bằng hành vi trong một khu vực hạn định nào, không khác nào một người thợ bắt bù lon, cứ bắt bù lon mãi suốt ngày, hay một người thơ ký đánh máy cứ đánh máy mãi suốt ngày…Tập trung tinh thần, là biết trung thành luôn luôn với lý tưởng. Tập trung tinh thần không có nghĩa là tự giam mình trong một phạm vi chật hẹp nào của nghề nghiệp, mà trái lại, tự mình lựa chọn một trung tâm hoạt động tha hồ quyền biến mà không bao giờ sai với tôn chỉ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.