Tôi tự học

Phần 6: HỌC NHỮNG GÌ



Như ta đã thấy trước đây, đọc sách mà muốn có được kết quả văn hóa phải là một công trình học tập, chứ không thể là một công việc giải trí của những kẻ nhàn hạ.

Học, không có nghĩa là chỉ để ứng dụng lập tức, mà trước hết phải là một công trình văn hóa, nghĩa là công việc đào luyện trí não và tinh thần.

Vấn đề học vấn và văn hóa là vấn đề mà từ lâu người ta đã suy nghĩ và đặt ra khi lập ra chương trình học chính cấp trung học. Đứng về phương diện nguyên tắc thì chương trình học vấn ở các cấp trung học phải là một chương trình văn hóa.

*

*    *

Như chúng ta điều biết : Cấp tiểu học là cấp chỉ lo dạy cho trẻ em một mớ kiến thức cần thiết và cấp bách trong một thời gian hạn định. Dù làm nghề gì, một người sống trong thời đại văn minh này cần phải biết đọc, biết viết, biết tính toán, biết một mớ kiến thức về vệ sinh, về khoa học thường thức, về văn phạm và sử kí, địa dư. Đó là điều mà không ai có thể cãi gì được nữa.

Cũng như cái học của cấp Đại học là lo đào tạo những chuyên viên, những luật sư, những y sĩ, những nhà lý học, ngôn ngữ học, sử học hay triết học v.v… Còn về sứ mạng của cấp Trung học là như thế nào?

Nếu người ta hiểu rằng cấp Trung học là cấp lo dự bị cho học sinh lên Đại học tức là người ta hiểu nghịch lại. Đành rằng, tùy theo mỗi nước, giữa cấp Tiểu học, học sinh rời trường lối mười hai, mười ba hay mười bốn tuổi, và cấp Đại học thu nhận sinh viên lối mười bảy tuổi, mười tám tuổi, cấp Trung học thường là cấp học khoảng giữa từ mười ba đến mười bảy nghĩa là bốn năm hay năm năm. Khoảng ấy dùng để làm gì ? Tiếp tục chương trình học của cấp tiểu học ư ? Nếu muốn tiếp tục thì người ta đã lập thêm cấp “Cao đẳng tiểu học” mà ở đây gọi sai lầm là “Trung học đệ nhất cấp”. Còn bảo nó là lớp dự bị để vào Đại học thì cũng sai, vì nói thế người ta lại chỉ xem đám học sinh nầy như là những nhà chuyên viên tương lai sao, và như thế thì cứ mở ra những lớp dự bị để học chuyên môn cũng đủ rồi, người ta sẽ tiết kiệm được một cấp Trung học, rất có lợi cho ngân quỹ. Dĩ nhiên là nó phải có một sứ mạng riêng của nó. Sứ mạng ấy như thế nào ?

– Tất cả các nhà giáo dục trên thế giới đều đồng ý với nhau về điểm này: Cần phải lợi dụng thời gian cấp Trung học này, giữa cấp Tiểu học và Đại học, để dạy cho trẻ em một cái vốn hiểu biết căn bản thuần túy, dạy cho chúng biết sử dụng óc thông minh và tình cảm tốt đẹp, tạo cho chúng một nếp sống tinh thần, một phương pháp làm việc có lề lối và học hỏi kiểu mẫu, sửa chữa cho chúng những sai ngoa về tư tưởng và khuynh hướng sai lầm, đồng thời tu bổ và khởi phát những khả năng tốt đẹp chưa có cơ hội phát triển đúng đường lối.

Như thế, cấp Trung học có sứ mạng là lo tu tạo, bồi dưỡng, nuôi nấng cái tiềm lực của con người. Vậy chứ những thói quen, nếp sống, cũng như những khuynh hướng của con người không phải là những tiềm lực đang nằm yên lặng lẽ trong đáy lòng của con người sao? Nói tắt một lời, lối dạy dỗ ở cấp Trung học phải biết làm sống lại cái sống tiềm tàng trong con người, tức là cái học về bề sâu, cái học về con người sâu thẳm của mình.

Đành rằng cái học ở Tiểu học hay ở Đại học cũng đâu có hoàn toàn quên hẳn được cách đào luyện những nếp sống cùng những khuynh hướng tốt. Nhưng ở cấp Tiểu học, sự truyền giáo cho học sinh một mớ kiến thức thực dụng để ra đời, phải được thi hành cấp bách: Đứa trẻ sắp lìa nhà trường để ra đời và sống với cái vốn học thức ấy. Còn cấp Đại học thì chỉ chuyên tạo những chuyên viên, tức người biết dùng tài năng mình trong một ngành hoạt động hạn định theo nghề nghiệp mình. Dĩ nhiên là lối giáo dục các nhà chuyên môn cũng phải đào tạo cho họ những nếp sống và khuynh hướng của một nhà chuyên môn, nghĩa là hạn định, để làm thành một luật sư, một y sĩ hay một sử gia giỏi thôi. Thực ra, ở đây người ta đâu có nhắm vào sự đào luyện chung về tình cảm, có óc thông minh và tánh khí của một con người toàn diện.

Như vậy ta thấy, chương trình và phương pháp dạy dỗ ở cấp Trung học, theo nguyên tắc, phải là chương trình và cách dạy dỗ để đào luyện óc thông minh, tình cảm và tính khí con người, nghĩa là đào luyện tinh thần toàn diện của con người, hay nói một cách khác, phải là một chương trình văn hóa.

Nói thế là tôi muốn nói, nếu ta muốn lập một chương trình học vấn và văn hóa là phải bắt chước lấy chương trình văn hóa của cấp Trung học. Chương trình ấy hiện thời, vì hoàn cảnh xã hội một phần nào, đã không thực hiện đúng với nguyên tắc của nó, nhưng đó lại là một vấn đề khác. Và vì thế mà chúng ta cần phải làm lại học vấn văn hóa của ta.

*

*    *

Hiện thời nếu muốn đào tạo cho mình một cơ sở học vấn và văn hóa trung bình, ta cần để ý đến mục đích và phương pháp giáo dục của cấp Trung học ở những nước tiền tiến nhất. Ta thấy những nhà giáo dục cao thâm nhất đều dành cho cấp học này phần ưu tiên văn học và dành cho những bài tập-luyện văn-học thời giờ nhiều nhất, mặc dù sự đào tạo một căn bản học vấn về khoa học là cần thiết. Giáo dục về văn học không phải chỉ ròng ở sự học hỏi kĩ lưỡng về tiếng mẹ đẻ mà lại cũng cần chuyên chú về những bài tập về dịch thuật những bài văn ngoại ngữ qua tiếng mẹ đẻ, nghĩa là tập đem tư tưởng của người ngoại quốc mà biểu diễn bằng tiếng mẹ đẻ.

Chương trình Trung học cũng dành cho những khoa về sử học một địa vị không kém quan trọng, nhưng không có tính cách nhồi sọ và bắt đầu óc của học sinh phải nhớ những sự kiện, những niên biểu, những tên tuổi các nhân vật lịch sử cùng những câu chuyện vụn vặt, mà nó chỉ là một phương thế dạy cho học sinh cái “ý nghĩa” của những gì đã xảy ra trong lịch sử. Người ta muốn dùng sử để tập cho ta óc tưởng tượng, lý luận cùng đức dục, đồng thời tập cho ta phép phê bình sử liệu. Và nhất là bên Pháp, chương trình cuối cùng bao giờ cũng bắt buộc phải học một năm triết lí, dù là ở ban toán cũng phải dạy về triết lý khoa học và triết lý đạo đức. Ở các nước khác, triết học là môn học cao đẳng và dành riêng cho nhà chuyên môn. Bên Pháp thì triết học là khoa bổ túc cho chương trình văn hóa tổng quát.(3)

Đó là đại cương những nét đặc biệt nhất của nền học chính Trung học, trong đó có thể tóm tắt như thế này:

Học viết, biết đem ý tưởng của tiếng nói nước này sang qua tiếng nói của một nước khác, biết hướng mình trong thời gian và không gian, biết phân biệt được những gì có thể chứng minh được bằng lý luận và thực nghiệm với những gì không thể chứng minh được, biết đào luyện óc sáng tác, biết tổ chức lại tư tưởng của mình cho có trật tự và nhất trí bằng triết  luận. Và phải chăng đó là một chương trình kể ra khá gọi là đầy đủ cho những người có  cao vọng tạo cho mình một cơ sở học vấn có căn bản. Nhưng chương trình học tập này cần phải bổ túc bằng hai điều kiện này nữa là:

  1. Phải tìm cách nhận thức ngay sự vật bằng mắt thấy, tai nghe, bằng du lịch;
  2. Đào luyện cảm giác và tình cảm bằng cách sống trong cảnh thiên nhiên và bằng nghệ thuật.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.