Tôi tự học

KẾT LUẬN



Người học thức, tức là người thà biết ít mà thật biết những gì mình biết, còn những gì mình không biết, thì cũng biết rõ là mình không biết. “Không có sự dốt nát nhục nhã bằng tin tưởng rằng mình đã biết trong khi mình chưa biết”. Văn hóa là một vấn đề thuộc phẩm chứ không phải thuộc lượng.

Tuy nhiên, càng biết rộng càng hay, càng biết sâu càng quý. Một cái học về bề rộng mà kém về bề sâu, là một cái học nông nổi phù phiếm. Một cái học về bề sâu nhưng kém về bề rộng, là một cái học câu chấp hẹp hòi. Cả hai đều là thiếu sót cả. Có được một cái học rộng rãi thì tránh được nạn thiên kiến chấp nhất. Có được một cái học chuyên môn thì cái học của mình mới biến thành thực dụng. Điều hòa được cả hai lối học ấy là thực hiện được mức cao nhất của công trình văn hóa của mình.

Đọc sách và biết đọc sách rất cần, nhưng chính mắt thấy tai nghe, biết nhìn xem và quan sát, biết suy nghĩ và phê bình những sự việc chung quanh ta hằng ngày lại càng cần hơn. Cái lợi của sách là giúp cho mình suy nghĩ, chứ không phải suy nghĩ thế cho mình.

Học khoa học và triết học rất cần, nhưng đào tạo cho mình một tinh thần khoa học và triết học lại càng cần hơn.

Mỗi người, tùy khả năng, tùy phương tiện, tùy tính khí, tùy khuynh hướng… phải biết tự mình tìm thấy một phương pháp thích ứng cho riêng mình.

Thật vậy, sở dĩ “không ai giúp ai được là vì không ai giống ai cả ” như Jules Payot đã nói (11). Và cũng vì tin tưởng như thế nên tôi chỉ nêu lên những nguyên tắc mà không dám  đưa ra những thí nghiệm của bản thân. Tôi lại còn muốn nói thêm: “Không ai bắt chước ai được, vì không ai giống ai cả”. Socrate nói rất chí lí : “Tôi không dạy ai được cả, tôi chỉ khêu gợi mà thôi”.

Học cũng như ăn. Tuy là cần thiết cho tất cả mọi người, nhưng không phải món ăn nào cũng hợp cho tất cả mọi người. Có kẻ ăn mau tiêu, có người ăn lâu tiêu: sức tiêu hóa của mỗi người mỗi khác. Lớn ăn khác, nhỏ ăn khác; mạnh ăn khác, đau ăn khác; ở xứ nóng khác, ở xứ lạnh ăn khác. Có phương pháp học, lợi cho người này, nhưng không lợi cho người kia. Ai đã từng đi dạy học đều biết rằng phương pháp dạy phải tùy từng cá nhân mà áp dụng. Nhà giáo dục phải như người trồng cây. Cho nên người Tây phương đã dùng chữ “culture”(33) để chỉ về văn hóa. Mỗi loại cây đều có những nhu cầu khác nhau, cần sự chăm nom săn sóc khác nhau.

 

Nói thì dễ… nhưng làm được bấy nhiêu thôi, đâu phải còn dễ nữa. “Tri dị, hành nan” hay “tri nan, hành dị”? Theo tôi, cả hai đều khó cả.

Học đâu phải là công việc của một thời kì cắp sách và trường, “thập niên đăng hỏa” mà thực ra, phải là công phu thực hiện của suốt một đời người. “Học là một vấn đề không biết lúc nào là cùng. Còn sống giờ nào, còn phải học giờ nấy”.

Nhưng, học mà không hóa có hại cho tinh thần, cũng như ăn mà không tiêu, có hại cho sức khỏe. Người có học thức là người đã “thần hóa” cái học của mình. Bởi vậy, học mà đến mức gần như quên hết cả sách vở của mình đã học ấy mới gọi được là cái học “tinh nghĩa nhập thần”.

Văn hóa không là quyền sở hữu của bất cứ một dân tộc nào : những quyển Bible, Koran, Bhagavad Gita, Đạo Đức Kinh, Dịch Kinh, Hoa Nghiêm Kinh không phải là của riêng của một màu da, một dân tộc, một thế hệ nào cả. Nó là kho tàng chung của nhân loại. Và người văn hóa cao cũng không phải là người riêng của một màu da, của một dân tộc hay của một thế hệ nào cả, mà là một người đã hoàn thành sứ mạng con người của mình, trong nhân loại.

Chú thích:

33 có nghĩa đen là trồng trặc


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.