Nước Nhật mua cả thế giới

II – Phần 6



Thiếu một phương án có tính toàn cầu

Khi nói, ông nhìn thẳng vào mắt người đối thoại. Không thể nghi ngờ lòng trung thực của ông. Nhưng, thử đặt vấn đề một cách khác: Vâng, nước Nhật bây giờ không muốn thống trị thế giới, nhưng sắp tới có khả năng đó không?

“Tôi không biết. Có thể có, có thể không. Tôi không biết. Tôi muốn nói với ông thế này: đâu là lí do thận trọng thái quá hoặc hạn chế của não trạng Nhật Bản đối với những trào lưu tư tưởng triết học hoặc chính trị lớn? Tại sao nước Nhật lại phải quá thận trọng khi xác định một khái niệm toàn cầu về trật tự theo cách nhìn của Nhật Bản? Đó là do gần như thiếu thói quen xác định trật tự và vị trí của đất nước trong lịch sử? Tại sao? Có hai lí do: một là do hoàn cảnh: thiếu một đường lối ngoại giao, nhất là một phương án bao trùm từ những năm 30. Trong những năm 30, chúng tôi bị chi phối bởi thứ chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, chủ nghĩa siêu quân phiệt. Đường lối ngoại giao đồng nghĩa với đường lối quân sự. Giới quân nhân chi phối thậm chí cả Bộ ngoại giao, những quan chức dân sự ở bộ có chức năng rất hạn chế. Vì lí do quân sự. Dưới bóng các nhà quân sự, các nhà ngoại giao Nhật lúc đó chẳng những ít được tự do hành động, mà còn ít có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao thuần túy không phải là quân sự. Cho đến năm 1945, giới quân nhân là người chủ yếu xác định vai trò của nước Nhật trên sân khấu thế giới. Tất nhiên, việc xác định của giới quân nhân lại luôn rất giản đơn, thậm chí siêu giản đơn về tình hình. Kết quả là một thảm họa.”

Kato Shuichi nói tiếp:

“Sau năm 1945, nước Nhật bị chiếm đóng cho đến năm 1952. Chính phủ Nhật không có quyền hành gì. Sau khi được độc lập, trong một thời gian dài, nước Nhật tập trung phát triển kinh tế và công nghiệp trong khuôn khổ chính trị – quân sự thế giới do người Mỹ xác định. Chúng tôi đã tỏ ra trung thành với Washington. Chính phủ Nhật không hề nghĩ đến một phương án chính trị quốc tế, nhất là một phương án lớn. Bởi vì cái khuôn khổ đã được người Mỹ áp đặt cho chúng tôi. Đường lối chính đã được người Mỹ hoạch định. Bây giờ, chúng tôi ít nhiều đã thoát khỏi sự kiểm soát của người Mỹ. Chúng tôi đã có thể tự hoạch định đường lối cho chính mình. Khả năng thì có đó, nhưng nước Nhật lại không có kinh nghiệm thực hiện. Đó là do thiếu kinh nghiệm ngoại giao từ trước 1950 đến nay kéo dài gần nửa thế kỷ: đó là lý do hoàn cảnh.

Lý do thứ hai có tính cơ cấu, truyền thống và thuộc phạm vi văn hóa hơn; có thể là lí do sâu xa. Toàn bộ hệ thống xã hội của Nhật Bản, kể cả hệ thống giáo dục, đã khiến cho người Nhật chúng tôi tỏ ra rất hữu hiệu trong việc tạo ra những phương tiện để đạt đến mục đã định, nhưng lại khiến chúng tôi trở nên kém cỏi trong việc hình thành những giải pháp hợp lí để xác định được mục tiêu chung cuộc. Có sự tương phản giữa tính khéo léo và tính hiệu quả trong xã hội Nhật Bản trong việc hình dung ra phương tiện và tình trạng non kém đặc biệt của Nhật Bản trong việc lựa chọn các mục tiêu. Trong lĩnh vực kinh tế, mục tiêu lại cực kì dễ xác định: chi phối thị trường hoặc kiếm lợi nhuận. Khi mục tiêu ấy được xác định rõ ràng và được mọi người chấp nhận, vấn đề phức tạp còn lại là vấn đề phương tiện. Chẳng hạn bằng cách nào chi phối thị trường thế giới về xe hơi? Cực kì khó. Nhưng lại vô cùng đơn giản trong việc định ra mục tiêu chi phối thị trường xe hơi. Trẻ con cũng làm được. Nhưng trong đối ngoại, thì ngược lại: việc chọn lựa đường lối chủ đạo rất khó, rất phức tạp, trong lúc đó phương tiện cần thiết lại cực kì đơn giản. Ví dụ: khi Nhật đặt quan hệ ngoại giao với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 1972, sau chuyến thăm Bắc Kinh của Nixon ít lâu; việc công nhận Bắc Kinh có phải vì lợi ích quốc gia hay không? Đó là một câu hỏi khá phức tạp. Song một khi đã có quyết định công nhận Bắc Kinh, thì việc thực hiện nó lại rất dễ: chỉ cần mua vé khứ hồi Bắc Kinh – Tokyo là đủ! Bởi vậy, Nhật Bản là một đại cường quốc về kinh tế công nghệ, nhưng là một tiểu quốc trên lĩnh vực chính trị quốc tế. Sự tương phản là cực kì lạ lùng.”

Người Nhật, những con vật kinh tế

Tôi lưu ý Kato Shuichi về những cố gắng gần đây trong lĩnh vực ngoại giao của Nhật Bản vượt qua cái ô giám hộ của Hoa Kỳ, để hình thành mọt đường lối đối ngoại của riêng nước Nhật. Ý định này biểu hiện đặc biệt rõ trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đợt ở Kampuchia, trong việc bình thường hóa quan hệ với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, con đường đi đến sự già dặn về chính trị dường như còn dài và khúc khuỷu. Đến độ người Trung Quốc còn quen đánh giá người Nhật là những “Jingji dongwu”, những con vật kinh tế tầm thường.

Kato đáp:

“Đúng vậy. Ở chỗ chúng tôi thường quen nghĩ đến kinh tế trước tiên. Người Trung Quốc nói như vậy là có lý của họ. Thậm chí ở từng cá nhân cũng vậy thôi. Cao hơn thì nghĩ đến kinh tế, hoặc tệ hơn thì chỉ nghĩ đến tiền! Những hiện tượng đó chẳng những liên quan đến hoàn cảnh mà đến cả tập quán. Trước chiến tranh, vào năm 1930, người ta chỉ nghĩ đến quân sự. Bây giờ người ta chỉ nghĩ đến kinh tế. Người Nhật có tâm lý kì cục là mỗi lúc chỉ nghĩ đến một chuyện mà thôi (Kato cười). Nhiều khi như thế cũng đáng sợ thật. Hơn nữa, tự lâu đời nước Nhật là một xã hội hướng về tập thể. Một xã hội duy tập thể, trong đó mọi người đều ứng xử giống nhau trong cùng một khuôn khổ. Tất nhiên, từng cá nhân thì khác nhau. Nhưng tất cả mọi người chấp một khuôn khổ. Thậm chí người ta không hề nghĩ đến việc bài bác cái khuôn khổ hiện có nữa. Cho nên, khi ở Bắc Kinh, người Trung Quốc gặp một người Nhật chỉ biết nghĩ đến kinh tế, thì cho là người đó tiêu biểu của phần đông Người Nhật!

“Một số người Nhật thuộc tầng lớp ưu tú, một số tri thức thì khác. Nhưng nói chung, xu hướng chính là hòa trộn vào xã hội tập thể. Không phải chỉ có xã hội Nhật Bản mới chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất, mà trong giàn giao hưởng lớn này, tất cả mọi người đều có đều hướng về một mục tiêu duy nhất. Bởi vậy, xã hội Nhật Bản tỏ ra khá hiệu quả trong việc đạt được mục tiêu là điều dễ hiểu, nhất là khi mục tiêu đó là kĩ thuật hoặc công nghệ! Ngoài ra, còn lại thì… Một số nhà lãnh đạo, một số quan chức cao cấp, kể cả trong đảng bảo thủ cầm quyền, đều đã ý thức được điều đó. Họ thiếu một đường lối đối ngoại, trong khi nước Nhật có cả một sức mạnh kinh tế và công nghệ trên trường quốc tế. Họ nhận thấy một tình thế như thế là không thể kéo dài được. Cần phải làm một cái gì đó. Họ cảm thấy cần phải có một đường lối riêng của Nhật Bản mà hiện nay họ chưa có. Bởi vậy, họ đã tiến hành một số sáng kiến hiểu như vấn đề CPC. Cho đến nay, nước Nhật không hề có một đường lối nào đối với CPC. Chẳng có gì cả. Trống rỗng. Không có một sáng kiến nào! Bây giờ, phải bắt đầu từng bước, nhưng chúng tôi chưa đạt đến mức vạch ra một kế hoạch toàn cầu, một mục tiêu lớn, một tư tưởng lớn.”

Nước Nhật, một đứa trẻ non nớt và mồ côi

Nhìn nước Nhật trần trụi, người ta liền so sánh nó với một đứa trẻ chưa trưởng thành, còn cần cha cầm tay dẫn đi. Tôi chọn hình ảnh này và nhấn mạnh: người cha đỡ đầu của nước Nhật là Hoa Kỳ, cũng chẳng làm được chức năng đó. Vậy thì, nước Nhật trở thành mồ côi ư? – Kato kêu lên:

“Vâng, vâng! Đúng vậy. Nước Nhật là một đứa con hoang đàng. Không thể chối cãi được nữa. Nhưng lại có não trạng của một đứa bé non nớt. Mỗi khi tôi từ Mỹ hoặc một nước nào đó trở về Tokyo, tôi nhận ra ngay tính chất ấu trĩ đó. Chẳng hạn tôi vừa từ Ý trở về. Ở Nhật Bản một số lĩnh vực đã có tiến bộ hơn, và hoàn thiện hơn, trên bình diện kĩ thuật. Ông cứ nhìn xem điện thoại, bưu điện và nhiều chuyện khác. Tất cả tiến triển rất tốt, hiếm xảy ra trục trặc. Song nếu mở truyền hình thì các chương trình của Nhật Bản là rất ấu trĩ. Ở Ý, cũng như ở mọi nơi, chương trình truyền hình thường là ngớ ngẩn và tầm thường nhưng không ấu trĩ. Còn ở Nhật Bản, thì chẳng những ngây ngô, mà còn rất Nhật: những buổi phát hình thật ấu trĩ! Đó là điều kì lạ.

Tôi đã từng giảng dạy ở trường đại học. Tôi có thể so sánh: trí thông minh của sinh viên Nhật, Ý, Mỹ gần như nhau. Một số thì rất thông minh, một số khác thì không. Nhưng ít khi ngây ngô. Hãy cứ nhìn gương mặt các sinh viên này. Sự thông minh có thể cảm nhận được ở sinh viên Châu Âu, rồi đến Mỹ. Một số sinh viên Mỹ có thể còn trẻ con, nhưng không quá nhiều như ở Nhật Bản. Về mặt thông minh thì không có gì khác nhau. Nhưng về mặt trưởng thành trong cuộc đời, nhất là về tình cảm thì rất khác nhau. Sự tương phản rất rõ. Tôi cho rằng đó là triệu chứng của toàn bộ xã hội Nhật. Ngoài ra, có một tập quán rất xưa của Nhật, xưa hơn chủ nghĩa quân phiệt hay tình trạng thiếu một đường lối đối ngoại năm 1930, đó là tình trạng khép kín của nước Nhật. Cuộc chiến tranh năm 40, cuộc xâm lược Trung Quốc và cuộc chiến tranh Thái Bình Dương chỉ là một giai đoạn ngắn trong đó chúng tôi có dịp tiếp xúc với người nước ngoài. Ngoại trừ thời gian đó còn thì từ thế kỷ XVIII, nước Nhật không hề tiếp xúc với người nước ngoài. Tình trạng thiếu tiếp xúc đó đã đúc thành một não trạng khép kín của Nhật Bản. Cho nên, với một não trạng như vậy, nếu như nước Nhật tham gia chính trường quốc tế, hay đúng hơn khi nó bị buộc phải tham gia, nó chỉ có thể giải thích thế giới quanh nó theo những chuẩn mức của một đất nước từ lâu đã khép kín.”

Báo chí Nhật: dành đất cho Base-ball và Sumo

“Hãy nhìn báo chí của chúng tôi. Nó phản ánh nước Nhật hiện nay. Những sự kiện thuần túy Nhật Bản và thế giới đều được phản ánh tốt. Xã hội Nhật được thông tin về mọi điều như thế. Nhưng nếu những sự kiện đó không đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của nước Nhật hoặc người Nhật, thì báo chí sẽ dành cho nó chút ít đất thôi. Bởi vậy, ngay cả báo chí hiện cũng phản ánh trung thực cái não trạng khép kín đó. Ở Nhật, không có tờ báo chất lượng cao như tờ New York Times hoặc tờ Times ở Luân Đôn, hoặc tờ Le Monde. Không hề có. Báo chí thông tấn, theo chuẩn mực ở Nhật Bản, chỉ bao gồm một công chúng hạn chế, tức là khoảng nửa triệu người Nhật. Với số bản in nửa triệu, một tờ báo không thể sống được ở đây. Những nhật báo lớn như Asahi, Yomiuri, không phải in vài trăm ngàn bản, mà hàng triệu bản, 6 hay 7 triệu. Song chúng chỉ nhỉnh hơn những tờ báo bình dân ở phương Tây một chút thôi. Ở Anh hoặc ở Mỹ, báo chí thật khủng khiếp, một tai họa. Tờ Asahi tốt hơn những tờ báo bình dân, nhưng không bằng tờ Le Monde chẳng hạn. Thế thì, điều gì diễn ra với nửa triệu người Nhật trí thức, tầng lớp ưu tú? Họ chỉ có tờ Asahi để được thông tin. Vậy mà trong tờ Asahi, có ba trang dành cho base-ball và sumo, so với chỉ có một trang rưỡi dành cho toàn bộ thông tin quốc tế.

Như vậy, đối với tờ báo tốt nhất ở Nhật, dường như mối quan tâm của xã hội Nhật đến tin tức thế giới chỉ bằng nửa mối quan tâm đến tin tức thể thao. Điều đó không thể hiểu nổi đối với tờ Le Monde hay tờ Libération. Cần phải nhấn mạnh rằng khối công chúng Nhật đọc một tờ báo như tờ báo như tờ Asahi có thể được thông tin tốt hơn những người Châu Âu đọc những tờ báo bình dân. Nhưng những người Nhật có trình độ học vấn cao, trong số nửa triệu nói trên, rõ ràng được thông tin ít hơn những độc giả của tờ Le Monde. Bởi vậy vì sao ở Nhật Bản, trong chính phủ lẫn ở các xí nghiệp hàng đầu, các cán bộ cao cấp, các chuyên gia hiểu biết làu làu công việc của học, nhưng rất dốt về mọi điều khác. Một chuyên viên về xe hơi thì không có ai bì kịp anh ta trên lĩnh vực đó, nhưng anh ta lại chẳng biết gì ngoài lĩnh vực ấy cả, chẳng hạn như về tàu hỏa, hay máy bay, chưa kể là anh ta không thể phát biểu được gì về tình hình kinh tế chung hoặc tình hình chính trị – xã hội. Những người đó không biết gì hết, hoàn toàn không biết. Đấy là tóm tắt một trong những khó khăn mà Nhật Bản gặp phải nếu Nhật Bản muốn mở cửa ra bên ngoài. Vậy, ông cứ thử nghĩ xem khi nó lại phải xác định cả một đường lối đối ngoại nhất quán thì làm thế nào được?”

Nhưng phải chăng cần chờ có những đảo lộn trong tương lai ở Nhật Bản? Nhiều nhà ngoại giao Nhật Bản nói là cần có để có lẽ tháo ngòi nổ cho những kẻ thiếu kiên nhẫn ở phương Tây. Nhưng theo Kato Shuichi tỏ ra trung thực:

“Tôi không nghĩ rằng sẽ có những đảo lộn lớn xảy ra trong những năm sắp tới, cho là 10 năm sắp tới đi. Xu hướng hiện nay sẽ tiếp tục nghĩa là ưu tiên cho kinh tế và công nghệ. Nước Nhật vẫn là một tiểu quốc về phương diện chính trị.”

Một sự mất cân đối như vậy có nguy cơ khiến chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy không?

“Chủ nghĩa dân tộc thì có thể. Nhưng là một thứ chủ nghĩa dân tộc chưa kết tinh thành một ý thức chính trị. Cũng như chưa kết tinh thành một triết lí chính trị. Những tình cảm về thứ chủ nghĩa tân-dân tộc thì còn rất phân tán, rất mơ hồ, song cũng rất phổ biến, nhưng không đạt đến trình độ kết tinh vào một chương trình chính. Tất nhiên là có ngoại lệ thôi. Có những người theo đường lối tân-dân tộc chủ nghĩa, như Shintaro Ishihara. Nhưng những người đó rất ít và không có ảnh hưởng lắm.”

Nước Nhật nói “không” với chủ nghĩa quân phiệt

Như phần đông giới trí thức Nhật Bản, Kato Shuichi cho rằng nguy cơ chủ nghĩa quân phiệt hiện nay là ở Nhật Bản là hoàn toàn không có.

“Cái gì cản trở sự phục hồi chủ nghĩa quân phiệt? Trước hết là giới hạn về mặt kĩ thuật. Ở nước chúng tôi hoàn toàn không thể phát triển vũ khí hạt nhân. Tình cảm quần chúng quyết liệt chống lại điều đó. Ngay như hiện nay cũng còn 70 % dân chúng công khai tuyên bố chống lại vũ khí hạt nhân, kể cả trong giới trẻ. 60 % chống việc tăng ngân sách quốc phòng. Họ muốn tình trạng cứ như hiện nay. Do đó, không thể nói là có sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt ở Nhật Bản. Ngược lại, ở Nhật có một trào lưu chống lại chủ nghĩa quân phiệt. Chính phủ không thể không biết đến đa số quần chúng này. Trở ngại thứ hai là tình hình quốc tế. Cả thế giới sẽ chống lại chủ nghĩa quân phiệt ở Nhật. Bởi vậy, nếu như chính phủ không đến nỗi quá ngu ngốc, thì không thể đi theo hướng chủ nghĩa quân phiệt được. Vì dư luận quốc tế dứt khoát sẽ chống lại.”

Chỉ có một tình thế duy nhất đẩy đất nước Mặt trờ mọc đến những cực đoan nguy hiểm, đó là đường lối phương Tây muốn cô lập nước Nhật.

“Sự kiện Trân Châu cảng là một phản ứng ngu ngốc và bệnh hoạn, nhưng là phản ứng trong cơn tuyệt vọng. Vào lúc cực kì bị cô lập. Đừng nên đẩy quá xa chính sách cô lập Nhật Bản. Điều đó sẽ rất nguy hiểm. Và để không đẩy nước Nhật vào thế cô lập, thì đó là trách nhiệm của các cường quốc phương Tây cũng như của bản thân nước Nhật. Về phần tôi, tôi đang đấu tranh theo hướng này. Tôi cố làm sao cho một tình thế như thế không xảy ra ở nước Nhật.”

Nada Inada: nước Nhật vẫn sẽ theo chân Hoa Kỳ

Nada Inada là một nhà ngoại lệ đối với một nước Nhật quy ước và công thức. Lý do: ông công khai tuyên bố theo chủ nghĩa vô chính phủ. Đối với một người Nhật trung bình, việc khẳng định mình theo một trào lưu chính trị khác lạ là chuyện không bình thường. Tuy nhiên tác phẩm của ông khá nổi tiếng ở Nhật Bản. Nada Inada được yêu thích vì ông đả kích khách quan và không khoan nhượng những tật xấu của xã hội Nhật Bản. Một thủ pháp đặc biệt đặc biệt khó, trong điều kiện người Nhật rất nhạy cảm. Vừa thân Pháp vừa nói giỏi tiếng Pháp, Nada Inada sẵn sàng trả lời phỏng vấn của tôi về vị trí của nước Nhật trên thế giới.

Nhiều người Nhật nói chuyện với tôi đã cho rằng tình trạng đầu cơ đất đai và nhà cửa là tai họa hàng đầu của nước Nhật hiện nay. Do đầu cơ, kẻ giàu cứ giàu thêm còn kẻ nghèo cứ nghèo thêm. Nada Inada nghĩ thế nào?

“Đa số người lao động và làm công không có đất để cất nhà, phải ở xa trung tâm Tokyo. Nhiều người làm công ở rất xa nơi làm việc, từ 60-100 cây số, có khi hơn. Bây giờ kiếm một miếng đất để xây nhà rất khó. Giá cả đã tăng vọt. Những ai có được một căn nhà coi như chủ một tài sản lớn. Bởi vậy, họ có thể vay tiền với căn nhà của mình và kiếm lãi. Họ lợi dụng tình trạng giá nhà đất tăng cao. Cho nên người giàu thì giàu vô kể. Nhiều người khác không được như vậy. Có người cứ càng giàu lên và cũng có người cứ nghèo mãi. Ông thử hình dung xem, vì lẽ đó mà nhiều kẻ trở nên giàu xụ đến mức ở các cuộc bán đấu giá những bức danh họa nổi tiếng, người Nhật là khách mua thường xuyên. Càng ngày càng có nhiều người Nhật mua tranh của Van Gogh, có phải không? Kẻ mua tranh là những kẻ làm giàu theo cách đó. Họ là những “nhà giàu mới”.

Tình trạng đầu cơ đó có đe dọa sự ổn định xã hội của nước Nhật không? Vì có thể kiếm tiền dễ dàng, có kẻ lại rất khó, dù lao động cật lực, như vậy người lao động Nhật có thể giảm nhiệt tình đối với công việc của mình không? – Nada Inada cũng nghĩ đến điều đó:

“Sự bất bình đã có rồi. Chắc chắn là có như vậy. Mỗi người dân Nhật đều ước mơ mua được một căn nhà. Giấc mơ đó không thể thực hiện được. Người Nhật không đến nỗi quá ‘chính trị’. Họ thiên về tình cảm hơn là lý trí và không dễ quy tụ họ dưới một ngọn cờ ý thức hệ. Họ phản ứng thường theo tình cảm. Nếu có một biến cố hay một sự kiện kích động tình cảm của học thì tôi nghĩ rối loạn sẽ xảy ra. Ông có nhớ những rối loạn của cánh tả năm 1960 không? Cái chết của một nữ sinh viên bất đã bất ngờ làm bùng nổ lò thuốc súng ở một nước Nhật bình lặng. Sự kiện này dấy lên cả một phong trào chống chính phủ rộng lớn.”

Nada Inada nói thêm:

“Cũng có khả năng là người lao động Nhật đã mất hứng thú làm việc. Thậm chí là giới trẻ cũng chán ngán. Một cuộc điều tra đã được thực hiện gần đây trong học sinh Nhật và Mỹ. Học sinh Mỹ đặt nhiều hi vọng ở tương lai, trong khi đó đối với học sinh Nhật, việc tuyển chọn quá gay gắt, đến nỗi khá đông học sinh chẳng còn chờ đợi gì nhiều ở tương lai. Việc tuyển chọn này đã làm nản lòng những thanh niên muốn phản đấu để thành đạt.”

Câu hỏi chính: Phải chăng nước Nhật đã đủ trưởng thành, để sẵn sàng thực hiện các trách nhiệm chính trị và xã hội mà vị trí kinh tế đã mang lại cho nó trong thế giới hiện nay?

“Tất cả tùy thuộc vào chỗ hiểu thế nào về khái niệm trưởng thành. Người Nhật lo sợ là vì họ còn nhớ đến cuộc chiến tranh thế giới vừa qua. Họ không muốn chủ động mà bằng lòng với một vai trò phụ trợ cho Hoa Kỳ. Chẳng hạn, chính phủ quyết định ngân sách của mình tùy theo những gì Hoa Kỳ nói. Hoa Kỳ gặp khó khăn ư? Nước Nhật sẽ lấp vào khoảng trống đó. Người Nhật rất sợ Mỹ, sợ những chính trị gia Mỹ. Hậu quả: Tôi nghĩ rằng nước Nhật sẽ không hề có một chính khách nào có một học thuyết đủ để đề ra những sáng kiến nhất quán trên sân khấu chính trị thế giới.”

Và nếu như nước Nhật bị buộc phải đứng ra nêu sáng kiến thì sao?

“Điều đó không có thay đổi gì lớn đâu. Người Nhật lúc đó sẽ trở thành những công chức lờ đờ, không hơn không kém. Người Nhật từ chối nhận lãnh trách nhiệm. Cho đến giờ, họ không có một chủ thuyết chính trị nào. Những người theo chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xã hội thì cũng giống như nhau thôi. Những nhà chính trị đó đều bị tình hình đưa đẩy. Họ không làm chủ được tình hình.”

Có thể thay đổi điều đó được không? – Nada Inada lắc đầu:

“Điều đó sẽ không thay đổi được đâu. Một ví dụ: vấn đề trợ giúp các nước chậm phát triển, có phải những nhà chính trị đề xướng ra không? Không, đó là những nhà kinh tế. Chính những công ty lớn đề ra sáng kiến và thúc đẩy chính phủ viện trợ cụ thể là bao nhiêu tiền, và cho bao nhiêu nước chậm phát triển!”

Nhưng, nghĩ cho cùng, liệu nước Nhật lại không cư xử tốt hơn thế sao?

“Tôi không thể nói điều ấy. Cho đến giờ, tôi thường công kích nước Nhật, và tôi xin trích câu nói nổi tiếng của De Gaulle khi ôn gặp Thủ tướng Nhật Ikeda: “Tôi mong gặp một nhà chính trị Nhật Bản, nhưng người mà tôi gặp lại chỉ là một nhà buôn transistor. Mỉa mai thật! Vào thời đó, năm 1964, tôi nói rằng người Nhật có phúc vì đã không có những chính khách mà chỉ có những người chào hàng về transistor. Vào thời đó, nước Nhật rất có phúc vì dã không có một nhà chính trị lãnh đạo. Từ đó đến nay, không có gì thay đổi cả. Những nhà chính trị Nhật Bản luôn tỏ ra kém khả năng lãnh đạo. Nếu ông đòi hỏi một nhà chính trị Nhật Bản đóng vai trò như De Gaulle, thì điều đó là không thể có được.”

Tuy vậy, nước Nhật đã có những nhà trí thức rất giỏi, tại sao những vị ấy không cầm cương quyền lực chính trị?

“Không. Không. Những trí thức phê phán nhưng họ không làm chính trị, trừ một số ít. Tôi cho như thế là tốt nhất. Đúng hơn, tôi là người vô chính phủ. Tôi khó chấp nhận một gã nào đó lên nắm chính quyền. Đối với giới tri thức chúng tôi, tốt nhà là giữ quyền phê phán, quyền chống lại. Tôi thấy tình thế hiện nay như vậy là tốt.”

Song nếu nước Nhật lâm vào một cơn sốt dân tộc chủ nghĩa thì sao?

“Rất có thể, nhưng đó đâu phải là một hiện tượng thuần túy Nhật Bản. Tại sao chủ nghĩa dân tộc lại xuất hiện khắp nơi? Là do sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội. Còn nước Nhật, chúng tôi rất thạo nghề bắt chước. Ông xem lĩnh vực xe hơi. Chiếc xe đầu tiên của tôi là chiếc Ranault 4CV mua lại xe cũ. Thời đó, có loại xe hơi Nhật tốt không? Không. Người Nhật sản xuất theo hợp đồng ủy quyền của các hãng Austin, Hillmann và Renalt. Người Nhật học bằng cách bắt chước xe hơi phương Tây. Họ đã thấm nhuần tư duy công nghiệp phương Tây đến rốt cuộc họ lại sản xuất y như thế. Như ông Robert Guillain đã nói, nước Nhật là người học trò giỏi của phương Tây.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.