Nước Nhật mua cả thế giới

III. Cuộc tái chinh phục (1965 – 1980)



Có rất nhiều điều tưởng chừng như không thể thực hiện khi nào ta còn chưa thử bắt tay vào làm

André Gide,

Nếu hạt giống không chết đi.

Chưa đầy 20 năm, nước Nhật đã thành công trong việc hàn gắn các vết thương và dựng lên những cơ sở cho một nền công nghiệp hiện đại. Chấp nhận thiếu thốn, hi sinh một cách quả cảm trong khi phương Tây đang mải miết vui chơi và thưởng ngoạn những kì nghỉ tốn kém, thì dân tộc Nhật Bản miệt mài và tự nguyện đã thực hiện một nỗ lực phi thường. Một ý thức tập thể cao, một tôn ti trật tự nghiêm ngặt, ít có những xung đột xã hội, một kỷ luật sắt và một tinh thần lao động quên mình… tất cả những điều ấy đã đưa nước Nhật lên ngang hàng các “siêu cường” trong thế giới công nghiệp. Đất nước Nhật bắt đầu gặt hái những thành quả đầu tiên. Giờ đây, nước Nhật đã khá mạnh để tiến công vào cuộc chinh phục các thị trường quốc tế.

Sau những thắng lợi đầu tiên, nước Nhật chỉ còn mỗi việc là bắt tay thực sự vào việc. Nhật Bản đã thực hiện công việc đó một cách sinh động. Những năm tiếp theo là những năm bùng nổ liên tục của nền kinh tế. Không ai có thể chối cãi sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ấy, trừ năm 1974, năm xảy ra cuộc khủng hoảng dầu lửa đầu tiên. Sự đột phá này thật đáng kinh ngạc nếu như người ta biết rằng Nhật Bản hầu như không có những tài nguyên thiên nhiên và nguồn năng lượng. Nhật Bản nhập khẩu hơn 95 % lượng dầu hỏa, gỗ và khoáng sản. Thứ tài nguyên duy nhất thực sự của nước Nhật là lao động. Chỉ nhờ vào sự táo bạo và ý chí sắt đá của một vài ông chủ lớn, nước Nhật đã giàu lên nhanh chóng với hàng loạt những ngành công nghiệp khổng lồ. Thành tích của họ vang dội đến mức, ngày nay, ngay cả những kẻ cù bơ cù bất ở phương Tây cũng biết đến tên tuổi của họ: Mitsubishi, Matsushita, Sony, Hitachi, Toyota, Nissan, JVC, NEC, Sumimoto, Fuji và nhiều người khác…

Có lẽ cũng cần nêu vài con số để đánh giá sức mạnh của Nhật Bản: từ năm 1960 đến 1970, sản xuất thép vượt từ 22 triệu tấn lên 93 triệu tấn, nhập khẩu dầu thô tăng vọt từ 33 triệu tấn lên 205 triệu tấn. Trong giai đoạn này, trước nhu cầu bức thiết trên thế giới đòi hỏi phải có những tàu dầu khổng lồ nhất là từ sau cuộc khủng hoảng kênh đào Suez vào năm 1956, ngành đóng tàu của Nhật Bản đã thực hiện được những phép lạ: từ những chiếc tàu dầu với khối lượng trọng tải 1,76 triệu tấn của năm 1960, đã chế tạo thành công những chiếc tàu với khối lượng trọng tải lên đến 12,65 triệu tấn vào năm 1970. Việc sản xuất hàng điện tử, nghe nhìn và điện gia dụng cũng đã làm một cuộc bứt phá ngoạn mục. Nếu như năm 1960, Nhật Bản sản xuất 3,6 triệu máy vô tuyến truyền hình màu thì năm 1970, con số đó đã tăng lên đến 13,8 triệu. Xe hơi Nhật Bản vốn không hề tồn tại hồi trước chiến tranh cũng thực hiện một “bước nhảy” phi thường với hơn ba triệu chiếc sản xuất năm 1970 và hơn sáu triệu chiếc sản xuất năm 1980 so với 165.000 chiếc vào năm 1960. Năm 1970 chưa đến 400.000 xe hơi Nhật Bản được xuất khẩu. Năm 1980, con số này đã là bốn triệu chiếc! Trong những năm đầu hậu chiến, Nhật Bản còn cần đến các bí quyết (know-how) của phương Tây. Phần lớn xe hơi Nhật Bản đã được sản xuất dưới nhãn hiệu nước ngoài. Nhưng từ nay, Nhật Bản không còn cần đến nó nữa.

Hệ số biến đổi trong các chỉ số sản xuất chính

 

1960

1970

Sản xuất công nghiệp

100

373

Sản xuất gang thép

100

410

Sản xuất hóa chất

100

424

Sản xuất máy móc (bao gồm cả xe hơi)

100

579

Sản xuất hàng dệt

100

226

Ở nước ngoài, các sản phẩm của Nhật Bản đã chinh phục hết thị trường này đến thị trường khác. Nước Nhật nhanh chóng trở thành nước dẫn đầu thế giới trong một số lĩnh vực như đóng tàu, máy ảnh, vô tuyến truyền hình, tơ sợi nhân tạo và xe hơi. Xuất khẩu của Nhật Bản đã nhảy vọt lên phía trước. Từ chỉ số 43,9 vào năm 1960 rồi 100 vào năm 1965, nó đã vượt qua 200,8 vào năm 1970. Nhập khẩu cũng tăng với chỉ số biến động từ 56,6 vào năm 1960 rồi leo đến 100 vào năm 1965 và 224 vào năm 1970. Đặc biệt, lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa chất đã đạt những kỷ lục với chỉ số từ 29 vào năm 1960, lên đến 100 vào năm 1965 và 280 vào năm 1970. Lĩnh vực sản xuất máy móc (bao gồm xe hơi) cũng có những chỉ số tương ứng là 26, 100 và 263. Hàng xuất khẩu của Nhật Bản đã thâm nhập vào tất cả các thị trường. Năm 1970, Hoa Kỳ chiếm khoảng hơn 30 % thị trường xuất khẩu của Nhật Bản, Tây Âu: 15 % và Đông Nam Á: 15 %.

Năm 1960, GNP của Nhật Bản chỉ mới chiếm 2,9 % GNP toàn thế giới với 43 tỉ đô la (215 tỉ franc). Con số này đã tăng lên 6,2 % vào năm 1970 với 200 tỷ đô la, 8,6 % vào năm 1973 với 411 tỷ đô la, 8,4 % vào năm 1976 với 574 tỷ đô la (2870 tỷ franc). Cuộc khủng hoảng dầu hỏa đã tác động đến nước Nhật. Năm 1978 con số này lại tăng lên đến 9,5 % với 836 tỷ đô la (4180 tỷ franc). Trong vòng 18 năm, Nhật Bản đã nhân GNP của mình lên hơn 19 lần! Giải thích kết quả này như thế nào?

Những công thức của một sự thành công vô tiền khoáng hậu

Trước hết, đó là nhờ lợi tức và năng suất tăng một cách ổn định trong công nghiệp. Xét theo GNP thực tế thì năng suất của Nhật Bản đã tăng trung bình 9 % trong thời kì 1964-1973. Trong lúc đó, con số này ở Hoa Kì là 1,9 %, Anh: 3,2 %, CHLB Đức: 4,7 %. Từ năm 1976 đến năm 1979, sự gia tăng này có hạ thấp nhưng vẫn giữ ổn định mức 4 % trong khi ở các nước công nghiệp khác, con số này tụt xuống còn rất thấp.

Diễn biến của năng suất so với GNP (Tỷ lệ: GNP thực tế/số lao động)

 

1964-1973

1976-1979

Nhật Bản

9,0

3,9

Hoa Kỳ

1,9

0,7

CHLB Đức

4,7

3,0

Anh

3,2

1,4

Nguồn: OCDE

Chính phủ và các ngành công nghiệp hàng đầu của Nhật Bản đã đầu tư để hiện đại hóa trang thiết bị với một nhịp độ chưa từng có trên thế giới. Trong khi các ông chủ Hoa Kì tự cho phép mình những mức lương kếch xù và các cổ đông bỏ túi những phần chia hậu hĩ, thì ở Nhật Bản lợi nhuận bao giờ cũng được đưa vào tái đầu tư. Hơn nữa, trong khi dân Mỹ vui vẻ với cuộc sống hưởng thụ, thì người Nhật lại rất chí thú với một cuộc sống cần kiệm. Tỷ lệ dành dụm của các gia đình Nhật chiếm đến 20 % tổng thu nhập. Đó chính là các khoản vốn mà các ngân hàng Nhật Bản đưa ra cho vay theo những ưu tiên của chính phủ, nhằm tạo ra những khoản tái đầu tư mới có hiệu quả. Người Nhật thì tiết kiệm, còn nước Nhật thì đầu tư cho sự phồn vinh và cho sự tiêu thụ trong tương lai!

Tỷ lệ đầu tư cho công nghiệp / GNP

 

Nhật Bản

Hoa Kỳ

CHLB Đức

Anh

1960-65

18,5

9,4

14,2

8,2

1966-70

19,4

10,4

13,0

8,3

1971-78

16,0

10,1

12,1

8,0

Nguồn: Cơ quan kế hoạch hóa kinh tế Nhật Bản

Cách giải thích thứ hai cho sự tăng trưởng liên tục của nền kinh tế Nhật Bản là những tiến bộ về công nghệ. Những khoản đầu tư khổng lồ đã là điều kiện ắt có và đủ cho khả năng cạnh tranh của sản phẩm Nhật trên thị trường thế giới. Chúng cho phép tạo ra hàng loạt những xí nghiệp mới, có tinh thần tiến công, luôn muốn khẳng định, và háo hức muốn cọ sát trong cuộc cạnh tranh quốc tế. Một xí nghiệp trẻ bao giờ cũng dễ tiếp nhận công nghệ mới hơn là một xí nghiệp già cỗi. Những người máy đầu tiên đã ra đời ở Hoa Kì vào năm 1960. Chúng chỉ xuất hiện ở Nhật Bản mãi bảy năm sau đó. Nhưng sự chậm trễ này đã nhanh chóng được lấp đầy trong những năm 70. Ngày nay, số lượng người máy ở Nhật Bản đã nhiều hơn số lượng người máy của tất cả các nước trên thế giới gộp lại. Cuối năm 1990, Nhật đã có 250.000 người máy công nghiệp, chiếm 60 % thị trường thế giới, so với con số khoảng chừng 37.000 người máy của Hoa Kì vào cuối năm 1989. Theo dự kiến, sẽ có khoảng 900.000 người máy ra đời ở Nhật Bản từ nay đến năm 2.000.(6)

[6] Số liệu và dự báo của Hiệp hội người máy công nghiệp Nhật Bản.

Việc trang bị người máy và tự động hóa gần như toàn bộ các dây chuyền lắp ráp trong các phân xưởng xe hơi của Nhật đã bắt đầu từ những năm 70, sau nhiều năm chậm trễ so với một số phân xưởng của phương Tây. Nhưng cũng bắt đầu từ đó, xu hướng này đã bị đảo ngược. Nhật Bản đã dẫn đầu. Ai có thể phủ nhận rằng, ở điểm khởi hành, các cơ may đều bằng nhau cho mọi quốc gia? Đó là vấn đề chọn lựa.

Cách giải thích thứ ba và là cách giải thích chủ yếu cho những kì tích của Nhật Bản là kĩ thuật quản lý. Ở Hoa Kỳ và châu Âu, các ông chủ và giám đốc xí nghiệp chỉ nhắm đến một mục đích duy nhất: làm giàu. Còn những đồng nhiệp Nhật Bản của họ thì không, hoặc nói chính xác hơn, việc gom tiền vào túi không phải là một mục đích tự thân. Từ bên bờ này của Thái Bình Dương là một cuộc tìm kiếm ráo riết các nguồn lợi ngắn hạn và phân phối lại các lợi tức. Ở bờ bên kia, lại là một chiến lược phát triển dài hạn nhằm kiên trì chiễm lĩnh các thị trường. Ở phương Tây là sự háo hức các nguồn lợi, bất chấp sự thiệt hại của người làm công. Ở Nhật Bản là các lợi nhuận được tái đầu tư và sự hài hòa trong xí nghiệp. Ở châu Âu và Hoa Kỳ, quyền quyết định thuộc về giám đốc. Ở Nhật Bản, quyền quyết định thuộc về tập thể. Đó là sự nhất trí (ringi), một giá trị quan trọng của người Nhật. Đôi khi ringi cũng cản trở việc ra quyết định vì tất cả cán bộ và nhân viên có liên quan đều được hỏi ý kiến. Nhưng một khi quyết định đã được thông qua, nó sẽ được áp dụng lập tức cho đến khi nào hoàn tất. Và tất cả những ai ký vào quyết định đều cảm thấy trách nhiệm của mình.

Một cách giải thích nữa cho sự bùng nổ của Nhật Bản là vai trò trung tâm của chính sách công nghiệp của chính phủ. Chính sách công nghiệp – mà châu Âu đã quên đi hiệu lực – là xương sống cho việc kiến thiết lại nước Nhật.

Cách giải thích cuối cùng, có lẽ ít rõ ràng hơn nhưng cũng không kém quan trọng, thậm chí có thể xem là chủ yếu: việc cạnh tranh giữa các công ty tư nhân của Nhật Bản. Đó chính là một thực tế mà nước ngoài thường không biết đến nhưng lại đóng vai trò vô cùng hiện thực và quyết định trong cuộc chạy đua để phát triển ở ngay chính bên trong đất nước Mặt trời mọc. Các nhà kinh doanh và các chính khách của Mỹ và châu Âu hẳn có vô vàn lý do để phiền trách một bạn hàng mà các phương pháp thương mại bị quy kết là bất chính. Việc MITI đã chi phối được hàng loạt các tổ hợp công nghiệp hàng đầu của Nhật Bản là điều không thể chối cãi, cho dù đôi khi nó có bất chấp những luật lệ sơ đẳng nhất của GATT. Đúng thế thôi. Bởi lẽ Bộ này đã hỗ trợ chúng với những khoản trợ cấp, những khoản vay với lãi suất khuyến khích, những sự giúp đỡ về hành chính, những cố vấn về quản lý v.v… và đã bảo hộ cho thị trường Nhật Bản bằng cách ban hành những quy định nghiêm ngặt về hải quan để hạn chế sự cạnh tranh của nước ngoài. Nhưng cũng còn một điều nữa mà người ta thường sớm quên, là một khi các tổ hợp này được đặt vững chắc trên đường ray của cuộc cạnh tranh quốc tế, thì chúng sẽ hệt như những con chó săn được xua ra để giựt lấy con mồi lớn nhất. Và, trong cuộc “ẩu đả”, cuộc cạnh tranh mà các công ty hàng đầu của Nhật Bản tung ra không mệt mỏi, bao giờ cũng khốc liệt, dữ dội, không khoan nhượng và không thương tiếc. Cạnh tranh trở thành một động lực kích thích khu vực tư nhân của Nhật Bản theo đuổi những nỗ lực nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ nhằm tìm kiếm liên tục các mặt hàng mới, thích ứng hơn nữa với nhu cầu của người tiêu thụ và với một giá rẻ hơn của các hãng khác.

Ở phương Tây, đôi khi sự độc quyền đã giết chết sự đổi mới. Ở Nhật Bản, sự cạnh tranh nội bộ đã luôn nuôi dưỡng sự đổi mới.

Bí quyết của Nhật Bản: biết thích nghi

Tuy nhiên, còn một yếu tố khác nữa mà người ta thường bỏ quên, nhưng lại là nền tảng cho sự bành trướng kinh tế của Nhật Bản: đó là khả năng thích nghi với những tình huống mới. Từ 45 năm nay, đã bao lần gặp khủng hoảng hoặc căng thẳng thì cũng bấy nhiều lần xã hội Nhật Bản lại chứng tỏ một khả năng phi thường vượt qua chặng đường rủi ro bằng cách thích ứng với tình thế. Không những thế, mỗi lần thoát ra, Nhật Bản lại càng mạnh hơn qua thử thách, khi mà đa số các đối thủ cạnh tranh của nó chao đảo, vấp váp hoặc gục ngã.

Cuối năm 1973, Nhật Bản đã bị một đòn trời giáng trước cuộc khủng hoảng dầu hỏa lần thứ nhất. Các nước sản xuất dầu hỏa Ả Rập đã quyết định nâng giá dầu lên gấp bốn lần. Quyết định đó không thể không gây một cú “sốc” nghiêm trọng cho nền kinh tế của Nhật Bản vốn lệ thuộc lớn vào nguồn cung cấp năng lượng của nước ngoài. Dầu hỏa chiếm đến 2/3 nhu cầu năng lượng của Nhật Bản. Năm 1978, lượng dầu nhập khẩu bình quân 35,2 % tổng số các nguồn cung cấp năng lượng cho các nước trong OCDE. Tại Nhật Bản, tỷ lệ này là 73,4 %. Cuộc khủng hoảng dầu hỏa đã lập tức dẫn đến tình trạng lạm phát ở Nhật Bản. Năm 1974, giá bán lẻ các mặt hàng đã tăng đến 31 %. Lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh, chỉ số tăng trưởng GNP đã chững lại. Người ta lo ngại sẽ có suy thoái.

Sự lệ thuộc về năng lượng của các nước công nghiệp hàng đầu năm 1980

 

Mức độ lệ thuộc về năng lượng (*)

Phần dầu thô trong nhập khẩu

Nhật Bản

84,1 %

36,5 %

Hoa Kỳ

14,5 %

25,8 %

CHLB Đức

54,4 %

7,7 %

Anh

2,7 %

8,5 %

Pháp

72,6 %

19,5 %

Canada

6,2 %

10,2 %

Ý

82,1 %

20,5 %

Nguồn: OCDE, (*) Được định nghĩa là khối lượng năng lượng nhập khẩu chia cho khối lượng tiêu thụ chung về năng lượng

Nhưng nước Nhật đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này và lại còn mạnh hơn trước đó. Chính phủ Nhật, với MITI ở hàng đầu, đã lợi dụng cuộc khủng hoảng để tái cấu trúc nền công nghiệp một cách sâu sắc và định hướng những mục tiêu ưu tiên hàng đầu mới. Nhật Bản quyết định nhường việc sản xuất hàng hóa đòi hỏi công nghệ thấp và giá trị thặng dư cao cho các nước công nghiệp khác và cho các khu vực ở châu Á đang phát triển nhanh như Đài Loan, Nam Triều Tiên, Hồng Kông và Singapour. Cùng lúc, họ tập trung đầu tư vào các ngành điện tử và xe hơi. Nhưng đáng chú ý hơn cả là các nhà chiến lược Nhật Bản đã nhấn mạnh đến nhiều lĩnh vực mới như người máy, công nghệ sinh học, năng lượng hạt nhân dân dụng. Vài năm sau đó, Nhật Bản đã sẵn sàng tung ra các sản phẩm tiêu dùng của tương lai, trong khi các đối thủ của nó hãy còn trong giai đoạn tìm cách thích ứng với những nhu cầu của ngày hôm nay.

Cũng trong thời gian đó, Nhật Bản lại bắt đầu tiến hành một chương trình đầu tư ra nước ngoài. Khi ấy, nước Nhật hãy còn chưa biết đến chương trình này, nhưng trên thực tế, họ đã bắt đầu mua lại thế giới. Tại sao vậy? Khối lượng xuất khẩu khổng lồ của Nhật Bản đã gây ra những va chạm về mậu dịch với một số quốc gia và Tokyo đã ngại khả năng xảy ra những cuộc trả đũa hoặc các biện pháp bảo hộ thuế quan. Từ năm 1973 đến năm 1985, Nhật Bản đã đầu tư 70 tỷ đô la (350 tỷ franc) ra nước ngoài. Mục tiêu hàng đầu là Hoa Kỳ. Năm 1978, đầu tư của Nhật Bản ở Hoa Kì đã vượt quá 3,4 tỷ đô la (17 tỷ franc) rải đều ở 1.177 xí nghiệp liên doanh, công ty hỗn hợp hoặc các cơ sở với toàn bộ vốn là của Nhật Bản. Tại các cơ sở này có 10.500 người Nhật và 261.000 người Mỹ làm việc. Trong năm 1978, các công ty này đã sản xuất một khối lượng hàng hóa trị giá lên đến 4,8 tỷ đô la (24 tỷ franc). Một trong các hoạt động chính là nhập khẩu xe hơi và cùng năm ấy, các công ty ấy đã nhập khẩu xe hơi của Nhật Bản với một trị giá lên đến 6 tỷ đô la (30 tỷ franc). 113.500 người Mỹ đã trở thành những người bán hàng, những đại lý, những nhân viên lo việc bán xe hơi Nhật Bản ở trong nước mình.

Sự gia tăng các trao đổi mậu dịch của Nhật Bản (tỷ đô la)

 

1970

1975

1980

1985

Xuất khẩu

19,3

55,7

129,8

174

Nhập khẩu

18,9

57,9

140,5

118

(Bước nhảy vọt trong nhập khẩu năm 1980 được giải thích bằng việc tăng chi phí dầu do cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ hai)

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng dầu hỏa diễn ra vừa đúng lúc Nhật Bản quyết định chuyển hướng công nghiệp vốn rất cần thiết và cấp bách. Makoto Kuroda, cựu tổng giám đốc của MITI và là cố vấn đặc biệt của Japan Economic Foundation (Tổ chức kinh tế Nhật Bản) đã nói với tôi:

“Nước Nhật đã gặp nhiều may mắn. Ngay trước cuộc khủng hoảng dầu hỏa lần thứ nhất vào tháng 9 năm 1973, Nhật Bản đã ở trong tình trạng lạm phát. Nhiều người Nhật nghĩ rằng cần phải có biện pháp cân bằng lại đồng yên và phải có bước điều chỉnh về tiền tệ để giới hạn khối lượng tiền tệ và đấu tranh chống lạm phát. Chúng tôi nghĩ còn có khả năng tiếp tục con đường truyền thống trong phát triển công nghiệp như thời gian qua, có nghĩa là ưu tiên tăng sản lượng thép và củng cố công nghiệp đóng tàu. Các kế hoạch của chúng tôi khi ấy vô cùng to lớn. Chúng tôi đã dự kiến sản lượng thép phải đạt đến 50 triệu tấn/năm. Và rồi cuộc khủng hoảng dầu hỏa xảy ra. Điều đó buộc chúng tôi phải thích nghi với tình huống. Giá cả các sản phẩm năng lượng không ngừng leo thang. Điều đó đã đẩy chúng tôi đến việc thay đổi định hướng trong cung cấp nguồn năng lượng. Trước đây, theo truyền thống, năng lượng được cung cấp cho các lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng. Song từ nay, năng lượng sẽ được sử dụng để sản xuất các mặt hàng tinh vi hơn, đòi hỏi một mức độ hiểu biết và tay nghề cao hơn. Đó là con đường mà nước Nhật đã dấn thân vào trong những năm 70.”

Tất cả các đối thủ của Nhật đều không biết cách làm như vậy. Makota Kuroda nói tiếp:

“Trong khoảng 20 năm cuối này, trong những năm 70 và 80, chúng tôi đã trở nên khá mạnh, chắc chắn là do khả năng thích ứng với tình huống mới của người Nhật. Người nước khác đã hành động ra sao? Chúng tôi có thể so sánh được thôi: cùng thời kì này, người Mỹ đã cố tránh việc tăng giá dầu hỏa bằng cách dập tắt việc tăng giá khí đốt và dầu hỏa trong nước họ. Họ tìm cách tự cách ly với các yếu tố bên ngoài này. Còn ở Nhật Bản, do đất nước không có lấy một nguồn năng lượng nào ngoại trừ một lượng than đá ít ỏi, chúng tôi không còn cách nào khác hơn là phải chấp nhận những áp lực từ bên ngoài. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác hơn là phải tìm ra một con đường mới để phát triển.”

Năm 1979, nước Nhật lại lâm vào cuộc khủng hoảng dầu lửa lần thứ hai với hai lần tăng vọt giá dầu thô và giữa năm 1979 đầu năm 1980. Chi phí dầu hỏa của Nhật Bản đã tăng đến 30 tỷ đô la (150 tỷ franc) mỗi năm. Lạm phát tăng 20 % hàng năm. Nhưng, cũng chính từ cuộc khủng hoảng này, nước Nhật lại đã thoát ra, không những không bị thiệt hại gì lớn mà còn hùng mạnh hơn trước. Một lần nữa, Nhật Bản đã biết cách thích nghi với những khó khăn từ môi trường bên ngoài để tiếp tục phát triển.

Cuộc trao đổi với ông Makota Kuroda diễn ra ngay tại trung tâm Tokyo, trong văn phòng rộng lớn của ông thuộc Japan Economic Foundation, trên tầng thứ 11 của tòa nhà Fukoku Seimei, một trong những công ty bảo hiểm giàu nhất của Nhật Bản. Giàu đến mức phô trương một cách tự hào trong phòng tranh của tòa nhà trọc trời như một biểu tượng không thể chối cãi về sự sung túc của mình, một bức tranh nguyên bản của Gustave Courbet (1819-1877) mang tên là Cối xay gió trong bình minh và một bức tượng bằng đồng của Antoine Bourdelle (1861-1929) với tựa đề Sự trần trụi của hoa trái, thể hiện một người phụ nữ trẻ khỏa thân đang cầm những hoa trái trên tay. Viên chức Nhật Bản cao cấp này hiện vẫn là một trong những cố vấn gần gũi của chính phủ, tiếp tục chứng minh với tôi không chút ngạo mạn nào trong giọng nói và điệu bộ của ông ta mà chỉ duy nhất có sự hãnh diện – một sự hãnh diện rất chính đáng của một trong những người thợ, hay nói đúng hơn là kiến trúc sư cho sự thành công của Nhật Bản.

“Khi cuộc khủng hoảng dầu hỏa lần thứ hai bùng nổ thì nền kinh tế của nước Nhật đã chuyển hướng và đã bước vào hướng mới này. Hồi đầu những năm 80, cụ thể là các năm 1982 và 1983, chúng tôi đã tin rằng mình đang hồi phục sau hai cuộc khủng hoảng dầu hỏa. Khi đó, sự ngang giá của đồng yên được giữ ở mức thấp. Đó là một điều không hay, nhưng đồng đô la thì lại rất cao. Nhờ vậy, Hoa Kì đã có được một sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Sự tăng trưởng này kéo theo nhu cầu đối với hàng hóa Nhật Bản. Chính hiện tượng này đã giúp nước Nhật khôi phục hoàn toàn sau các cuộc khủng hoảng dầu hỏa. Xuất khẩu tăng vọt và Nhật Bản đã có điều kiện để tích lũy các nguồn vốn lớn. Sau đó, trong các năm 1985 và 1986, đã diễn ra sự kiện endaka – nghĩa là tăng giá đồng yên so với đồng đô la. Hiện tượng này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho việc xuất khẩu của chúng tôi. Nhưng, một lần nữa, chúng tôi có lẽ lại gặp may. Giá dầu hỏa lại bắt đầu tụt xuống: từ đỉnh cao là 30 đô la/thùng (150 franc) vào đầu năm 1986, giá dầu đã giảm dưới 10 đô la/thùng (50 franc). Tính trung bình, giá dầu đã giảm một nửa. Trong khi trị giá đồng yên tăng gần gấp hai lần thì đồng đô la giảm một nửa. Một nửa của một nửa là một phần tư. Chính vì thế mà chúng tôi thường đưa ra con số sau đây: năm 1980, chúng tôi đã chi 13.000 tỷ yên để nhập dầu. Số tiền này chiếm đến 5,5 % GNP của năm đó. Năm 1987 và 1988, chúng tôi chỉ phải chi ra 3.000 tỷ yên (108 tỷ franc) để mua dầu, tức là thấp hơn 1 % GNP của chúng tôi! Đó là những khoản tiết kiệm đáng kể đang cần để củng cố nền kinh tế quốc gia vào thời điểm mà nó đang vấp phải một sự sa sút nghiêm trọng trong xuất khẩu, đã lên đến 79.000 tỷ yên (2.844 tỷ franc). Đây quả là những khó khăn đã ‘giúp’ cho chúng tôi càng thêm mạnh: cuộc khủng hoảng dầu hỏa lần thứ nhất và thứ hai, cũng như việc tăng giá đồng yên. Xét bề ngoài thì đây là những vấn đề nghiêm trọng đối với chúng tôi. Nhưng kì thực, các vấn đề ấy lại trở thành cơ may cho nước Nhật định hướng đúng đắn. Tôi cần phải nói rằng chúng tôi đã làm việc khá cật lực để thích nghi với những tình huống mới nhờ vào các cải tiến công nghệ.”

Đó chính là một trong các công thức tạo nên sức bật kì lạ của nền kinh tế Nhật Bản.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.