Nước Nhật mua cả thế giới

II – Phần 10



Nhật Bản, cường quốc đang suy tàn ở châu Á?

Miyoshi Osamu nói thêm:

“Nếu như các quyết định này không được chấp nhận, tôi e rằng sức mạnh của Nhật Bản sẽ bị giảm đi. Ông đã rõ dân tộc chúng tôi đang già đi. Có nhiều người già hơn và có ít trẻ em hơn. Nhật Bản sắp sửa đạt đến đỉnh cao sức mạnh của nó trong những năm 90 chứ không phải trong thế kỷ. Chúng tôi cần có nhiều trẻ con hơn nữa. Chúng tôi không thể ngăn cản phụ nữ làm việc, nhưng chúng tôi phải thuyết phục họ có nhiều con hơn.”

Còn về khả năng thống trị toàn cầu của Nhật?

Cũng giống như những người khác, Miyoshi Osamu cho rằng điều đó khó tin. Nhưng ông không cười.

“Tôi có biết các quan điểm này. Đó là một phản ứng quá cảm tính. Chúng tôi có xâm lăng nước nào đâu! Ngay cả trên phương diện hoàn toàn kinh tế. Tuy vậy, đúng là chúng tôi có thích nghi với thế giới bên ngoài. Nhưng thống trị ư? Chúng tôi không thể làm điều đó. Chúng tôi chỉ có được mỗi sức mạnh kinh tế và tài chánh thôi. Không hề có tiềm năng chính trị và ngoại giao. Cũng không có đủ bản lĩnh để vạch ra chiến lược lâu dài. Ông thử bảo làm sao mà chúng tôi chiếm giữ được một vị trí thống trị được? Tôi so sánh Liên Xô với Nhật Bản. Một nước là người khổng lồ về quân sự, nhưng là một anh lùn về kinh tế. Nước kia là người vĩ đại về kinh tế, nhưng là một em bé về quân sự và chính trị. Không có chiến lược sử dụng sức mạnh kinh tế của mình, nước Nhật bị mất cân đối rất nhiều. Có thể nói sức mạnh quân sự của nó bị vô hiệu hóa. Một quốc gia như thế không có điều kiện để trở thành một cường quốc bá chủ. Bà Cresson đã sai lầm.”

Để thay đổi ngày mai mà không gây khủng hoảng, nước Nhật phải tránh khiêu khích các quốc gia láng giềng và giữ một thái độ thận trọng. “Chúng tôi sẽ còn phải giữ sự khiêm tốn trong một thời gian rất lâu để tránh trở nên xấc xược.” Miyoshi Osamu nhìn nhận rằng các nhà lãnh đạo kiểu như Ishihara sẽ đưa nước Nhật đến một thảm họa mới. Để thay đổi trong những điều kiện tốt đẹp, cần công khai thừa nhận những lỗi lầm của quá khứ, không sợ phải nói rõ sự thật, toàn bộ sự thật, cho lớp trẻ. Kể cả các lỗi lầm bi thảm mà nước Nhật đã mắc phải. Để cho lớp trẻ Nhật hiểu rõ lịch sử của nước họ, trong các sự xâm lược của Nhật ở Châu Á. Nhưng đồng thời, học sinh Nhật sẽ phải tự hào lần nữa về lá cờ Tổ quốc mình, Hinomaru. Vả lại, việc chào cờ trong các trường học, mới đây đã chính thức trở thành quy định bắt buộc, bất chấp sự phản đối của phần đông phụ huynh và giáo chức Nhật. Nhưng Miyoshi Osamu thì ủng hộ.

“Các sách giáo khoa của chúng tôi phải giảng dạy cho trẻ em Nhật về cách thức chúng tôi đã xử sự trong thời kì chiến tranh với Trung Hoa và Hoa Kỳ. Việc chào cờ Hinomaru trong trường học có nguy cơ làm sống dậy kỷ niệm bi thảm mà chúng tôi đã trải qua. Nhưng điều đó thật là tốt đẹp! Ở Châu Âu cũng vậy, trẻ em được tiếp cận với ký ức tập thể. Và điều đó thật lành mạnh. Bởi đó là sự thật lịch sử. Chúng cần phải biết. Điều này thật thiết yếu.”

Kazuo Nukazawa: Nước Nhật không thể còn mạnh mãi được

Là tổng giám đốc của Keidanren, tổ chức giới chủ lớn đầu tiên, Kazuo Nukazawa là một nhân vật quyền thế, có tiếng nói quyết định trong giới cầm quyền chóp bu ở Tokyo. Kiến thức rộng, nói tiếng Anh, ngưỡng mộ văn học Châu Âu, say mê điện ảnh, ông đã tự mình làm nên sự nghiệp. Xuất thân từ một gia đình bị phá sản sau chiến tranh, ông vẫn còn nhớ những năm tháng khó khăn vì thiếu thốn, khi mà những người trong gia đình ông chen chúc trong căn nhà lụp xụp gần một cái giếng ở Fukushima phía Bắc nước Nhật. Ông đã phải bươn chải để sống còn. Ngày nay, ông có thế lực và giàu có. Ông tiếp tôi suốt nhiều tiếng đồng hồ tại văn phòng của mình, trên tầng bảy cao ốc của Keidanren tại Otemachi, trái tim và lá phổi tài chính của nước Nhật. Trong lối vào tòa nhà, cũng như ở mỗi tầng lầu, một màn ảnh chữ số điện tử, không phải chỉ giờ, mà là cho biết trị giá đương thời của đồng yên đối với đôla Mỹ. Ở tầng thứ 14 và 15 là “căn phòng vàng” và “căn phòng kim cương” đầy bí ẩn, nơi hội họp sang trọng dành riêng cho giới lãnh đạo cao cấp.

Kazuo Nukazawa tỏ ra cực kì nhiệt tình trong lúc tiếp tôi. Ông chỉ cho tôi xem các bức chân dung khác nhau và ảnh vị giám đốc tiền nhiệm của Keidanren. Tôi được mời cùng ăn trưa với ông gồm hai đĩa sashimi tuyệt vời (thịt cá sống), một nữ chiêu đãi viên khúm núm phục vụ theo kiểu Nhật. Chúng tôi nói chuyện nhiều về Phật giáo, về Ky-tô giáo, về Khổng giáo, về các nhà văn lớn Châu Âu và nói một chút ít về kinh tế. Mặc dầu là người có thế lực và giàu có, Kazuo Nukazawa biết cách tạo sự thoải mái cho một nhà báo như tôi. Ông kể cho tôi về gia phả của gia đình mình mà ông tìm ra được gốc gác xa đến 1.200 năm ở Triều Tiên và Nhật Bản. Vui tính và khỏe mạnh, ông chưa lúc nào rời bỏ vẻ vui tươi của mình, dù là đôi khi các câu hỏi đặt ra cho ông có pha chút hỗn xược.

Có phải nước Nhật sẽ hướng về thế giới bên ngoài nhiều hơn nữa trong những năm sắp đến?

“Đó là lẽ tất nhiên. Cả khi không có nỗ lực đặc biệt nào về phần mình, chúng tôi vẫn có mỗi năm khoảng 10 triệu người đi du lịch nước ngoài. Họ dùng thức ăn thức uống ở nước ngoài, nói chuyện với người nước ngoài, trao đổi các ý kiến, thắt chặt các dây liên hệ. Mặt khác, một lượng lớn người nước ngoài sống ở Nhật Bản, nhất là các nhà doanh nghiệp và tài chính. Dần dần người Nhật quen thuộc nhiều hơn với thế giới chung quanh. Không phải là một chuyến đi du lịch làm thay đổi họ được đâu. Nhưng thật ra cũng tốt hơn là ngồi ở nhà nhiều, phải không? Khi họ quan sát các ông, người Pháp, người Mỹ hay người nước khác, những người Nhật này nhận ra các ông cũng là con người như chúng tôi.”

Kazuo Nukazawa nghĩ gì về việc người ta gán cho Nhật muốn thống trị thế giới?

Ông cười phá lên rất lâu rồi sau đó ông nói:

“Tôi đã moi trong đầu để cố tìm những từ tao nhã hơn là từ ‘ngu xuẩn’. Nhưng tiếc thay, tôi đã không tìm ra. ‘Ngu xuẩn’ là từ thích hợp hơn cả. Làm thế nào mà Nhật Bản có thể thống trị được? Nếu muốn thống trị thì phải cần cả một bộ máy đủ sức duy trì sự thống trị ấy. Phải có lực lượng hải quân, không quân, hệ thống công an. Phải có trong tay những phương tiện để trừng phạt những kẻ bất tuân phục. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi có tất cả những thứ đó, Ông biết đấy, khi Sony thiết lập một nhà máy ở Alsace thì có phải là chúng tôi thống trị nước Pháp không? Tôi không tin như vậy. Mặt khác, chính phủ Pháp có quyền làm bất cứ việc gì họ muốn về cái nhà máy đó chứ. Cũng bằng cách đó, cơ sở Sony xây dựng ở San Diego có thể bị quốc hữu hóa, nếu như bàng California muốn như thế. Vậy hãy nên nói về sự tương thuộc, không có chuyện thống trị.”

Thế nhưng, khi một công ty hàng đầu của Nhật tiến hành việc phi địa phương hóa, thì thường quan điểm và các mục tiêu sản xuất của nó đều do hãng mẹ ở Nhật Bản quyết định?

Kazuo trả lời:

“Vâng, trong vòng một hoặc hai năm. Nhưng, ngày càng nhiều, các công ty Nhật bố trí những đơn vị nghiên cứu và phát triển (R&O) ở Châu Âu hoặc ở Mỹ. Bởi vì nếu không sử dụng đến các tài năng tại chỗ, thì sẽ thất bại. Những quy luật đơn giản của thị trường mách bảo cho các hãng này phải mở những cơ sở tại chỗ. Cần phải sử dụng những tài năng lớn tại nơi các xí nghiệp này đứng chân. Đó là lý do tại sao Nissan đến Ý để yêu cầu các nhà vẽ kiểu người Ý vẽ mẫu xe hơi cho Nissan. Đây chính là điều diễn ra khi ta có một tầm vóc quốc tế. Trước tiên, là điều chỉnh các khoản đầu tư ở nước ngoài. Sau đó là nhờ đến nguồn nguyên liệu địa phương để đáp ứng tốt hơn sở thích của quần chúng địa phương.”

Nhưng hãy xem những gì diễn ra ở nước Anh. Nhiều ngành kinh tế đã bị chết rồi hoặc sắp chết. Các nhà đầu tư Nhật không thể trở thành một thứ vũ khí thống trị tốt hơn sao?

“Không, tôi không tin. Thậm chí ngay cả khi chúng tôi tiếp tục đầu tư ở đó theo cùng một nhịp độ trong 10 năm, 20 năm thì sản lượng của Nhật Bản ở nước Anh cũng chỉ vào khoảng 10 % tổng sản lượng của Anh. 90 % còn lại sẽ vẫn là sản lượng quốc gia của Anh, hoặc do nguồn đầu tư của các nước khác. Cho nên, khi tôi nghe những gì bà Cresson nói, tôi đã muốn nói với bà rằng: ‘Đâu là lý do khiến bà e ngại? Làm thế nào Nhật có thể đủ sức thống trị? Hãy cứ hỏi nước Anh xem có phải chính sách ngoại giao hoặc chính sách đối nội của họ sẽ bị những nhà doanh nghiệp Nhật thống trị?’ Nhưng, ông thấy không, tôi nghĩ rằng trong thâm tâm người Nhật hiểu rõ các tâm trạng của bà Cresson. Họ cũng đã nói hệt như bà ấy, khi nói về ‘sự thống trị của Mỹ’, về ‘sự thách đố của Nhật’, hết thảy rồi cũng sẽ kết thúc. Ông hiểu rõ ‘sự thách đó của Pháp’ ở Châu Phi, ở Algérie hoặc ở Đông Dương là gì đấy chứ? Thế mà xong rồi đấy. Và lịch sử lại lập lại. Hơn nữa, đối với các ông, điều đó còn được tăng cường bằng một lực lượng quân sự. Các ông có trong tay một bộ máy đàn áp, Người Nhật lại không có cái đó.”

Sự suy sụp của Nhật Bản chỉ là vấn đề thời gian

Kazuo Nukazawa khẳng định:

“Dù thế nào đi nữa sự suy sụp của Nhật cũng sẽ đến. Câu hỏi duy nhất là khi nào. Và chúng tôi không biết được. Nhưng, có lẽ điều đó không quan trọng lắm. Bởi vì, so với lịch sử lâu dài 2.000 năm đến 3.000 năm của đất nước chúng tôi, một khoảng cách 10 năm thì chẳng có nghĩa lý gì. Nếu sự suy sụp đó bắt đầu vào thiên niên kỷ thứ hai hoặc vào năm 2020 thì điều đó chẳng có gì khác biệt cả. Bao lâu nước Nhật không đánh nhau với Trung Quốc hoặc Liên Xô thì mọi chuyện đều tốt. Nếu như người Nhật có mức thu nhập hàng năm từ 20.000 đến 25.000 đô la thì một sự suy sụp chả có gì quan trọng. Nếu như sự suy sụp này làm giảm thu nhập từ 25.000 đô la xuống còn 24.000 đô la thì cuộc đời vẫn tiếp tục chứ, phải không? Rõ ràng là dân số Nhật đang già đi. Trong điều kiện này, làm sao nền sản xuất của Nhật có thể tiếp tục mà không bị ảnh hưởng? Còn về trạng thái tâm lý của quần chúng trước suy sụp này, trước khi thu nhập của họ giảm từ 25.000 đôla xuống 20.000, rồi 18.000 hoặc 15.000 đôla, thì chỉ là trải qua một giai đoạn mà mọi người cảm thấy khó chịu. Cũng giống như trường hợp Tân Tây Lan hiện nay. Tôi từ Tân Tây Lan về và tôi đã nhìn thấy sự suy sụp này. Họ có mức sống thuộc vào loại cao nhất thế giới. Bây giờ, thứ hạng của họ trên thế giới không ngừng tụt xuống. Nhưng hãy nhìn họ sống. Họ sống bình an tỏng một môi trường lành mạnh. Và đây có thể sẽ là tương lai của người Nhật. Và rồi, ông biết không, năm 2020 hoặc 2030, trong 30 hoặc 40 năm, dù ở Nhật hoặc một làng Nhật ở Bồ Đào Nha, hoặc một làng Nhật ở Canada đi nữa, chúng tôi bắt đầu hát: ‘Căn nhà chòi của tôi ở Canada.’ Khi đã đến đỉnh cao, ta bất cần biết nền kinh tế quốc gia bắt đầu xuống dốc hay không. Và rồi, dù sao thì tôi cũng để những vấn đề này lại cho những đứa con của con gái tôi. Tốt hơn cả là để lại vấn đề giải quyết cho các con của ta. Không nên tìm cách giải quyết tất cả trong thế hệ hiện nay. Điều đó không hay. Vợ tôi rồi tôi, chúng tôi đã tiết kiệm rất nhiều tiền để lại cho chúng. Nhưng chưa hẳn đó chuyện hay. Có lẽ chúng tôi nên nói với chúng thế này thì tốt hơn: ‘Các con bây giờ đã tốt nghiệp đại học, hãy tự xoay xở lấy.’ Chúng tôi đã nuông chiều chúng quá.”

Châu Âu có một tương lai xán lạn

Liệu các nhà doanh nghiệp hàng đầu của Nhật có thể tự dàn xếp với nhau để phân chia các thị trường lớn trên thế giới?

Nukazawa nói:

“Không hề có chuyện đó ở chỗ chúng tôi. Nhưng mỗi ông chủ, dù là Nhật hay Mỹ, đều mong thắng đối thủ của mình. Hãy cứ hỏi bất kì chủ tịch hay giám đốc công ty nào xem: điều mơ ước thiết thân nhất của họ là thấy đối thủ cạnh tranh của mình biến mất. Đó là một mơ ước tự nhiên, phải không? Nếu ông là ông chủ của nhật báo Le Monde, ông ao ước được thấy tờ Le Figaro biến mất. Chuyện cũng như vậy đối với ông chủ hãng Sony. Ông ta mong cho Philips biến mất. Nhưng ông ta cũng mong cả Toshiba, Hitachi hoặc National biến mất luôn. Trong cuộc cạnh tranh bên ngoài, người Triều Tiên đang bám sát nước Nhật. Hãy xem công nghiệp đóng tàu của Triều Tiên. Không ai dẫn đầu mãi được. Đó là quy luật. Tao đánh mày, mày đập tao, ai đó đánh đập tao. Thế giới là như vậy. Nhưng châu Âu có đủ lý do để hài lòng. Nó lớn lên với những lãnh thổ mới. Và nếu châu Âu sử dụng tay nghề có phẩm chất tốt của Đông Đức và của Tiệp Khắc thì đó là một điểm mạnh. Các ông cũng có những điểm yếu. Các ông phải cung cấp cho các nước Đông Âu cả một cơ sở hạ tầng cần thiết. Tấm huy chương của châu Âu có hai mặt. Một mặt: là một người em họ nghèo đói đến với gia đình ta, ngồi vào bàn và ta phải nuôi tử tế. Mặt còn lại: là ta có thêm một cánh tay có thể mang lại cho ta nguồn lợi tức bổ xung. Vậy là một mặt tiêu cực và một mặt tích cực. Về lâu dài, bản kết toán là tốt đẹp, song trước mắt trong vòng ba năm đầu tiên, rất xấu. Các ông phải cho họ tất cả mọi thứ từ đào tạo, vốn, năng lượng. Thật là nặng nề. Nhưng sau đó thì…”

Trở thành số 1 liệu có ích gì?

Không thể không thừa nhận rằng một số người Nhật bày tỏ công khai sự khinh miệt của mình đối với các nước láng giềng.

Kazua Nukazawa thừa nhận:

“Vâng, đó là sự thật. Họ biểu lộ sự khinh miệt của họ. Nhưng chúng tôi đã phải cực khổ để có được vị trí ngày nay. Trong suốt 120 năm gần đây, người Nhật không ngừng nhìn về phương Tây và tự nhủ họ phải vươn lên cùng trình độ. Và động lực thực sự đằng sau mục đích đó là chúng tôi muốn cuối cùng cũng được đối xử ngang hàng với người phương Tây. Chúng tôi muốn không là cái đích cho sự khinh miệt của phương Tây. Theo tôi nghĩ đó là một phản ứng rất con người. Và nếu như chúng tôi có bày tỏ sự khinh miệt của chúng tôi đối với các nước nghèo châu Á, có thể đó là một điều tốt cho họ. Họ cũng sẽ phải làm việc cực khổ để thoát ra khỏi nghèo đói. Người Triều Tiên đã bắt tay vào rồi. Một nhà nghiên cứu Triều Tiên rất nổi tiếng có lần đã nói với tôi về ước vọng của dân tộc Triều Tiên. Họ hi vọng thống nhất bán đảo Triều Tiên và họ hi vọng qua mặt Nhật. Khi nghe nói vậy, tôi đã hỏi ông ta: ‘Anh muốn qua mặt Nhật để làm cái quái gì? Khi anh đạt được đến trình độ này anh sẽ thấy rằng chẳng có cái gì ở đó cả!’ Nhưng ông ta vặn lại tôi: ‘Chúng tôi muốn qua mặt Nhật. Có thể, cuối cùng là chúng tôi sẽ không thấy gì cả, như anh nói. Nhưng dầu sao đi nữa, chúng tôi muốn đến đó.’

Khát vọng này hoàn toàn tự nhiên. Và có lẽ còn phải đến hơn 50 năm để Triều Tiên đạt mục đích. Nhưng họ sẽ đến. Bởi vì chúng tôi, người Nhật, chúng tôi mất đi một cái gì đó quan trọng: một năng lực quốc gia. Chúng tôi thấy rằng khi đạt đến trình độ phát triển này, thì chúng tôi lại phát hiện ra những vấn đề xã hội mới. Cũng giống như nước Mỹ, đầy rẫy tội ác và tội phạm, một xã hội bất ổn ngay trong cùng một gia đình, với những con người mà ngay sau khi tốt nghiệp các trường đại học nổi tiếng đã ùa về Wall Street để chụp giật tiền của kẻ khác, với những con cá mập cuỗm bạc triệu ở Sở giao dịch chứng khoán chỉ nhờ vào các thông tin mà bạn bè của chúng ở Ngân khố Mỹ cung cấp. Đó là một sự thoái hóa hoàn toàn các phạm trù đạo đức. Vào lúc người dân phát hiện ra những kẻ kiếm được bạc triệu nhưng không phải tốn sức mà nhờ vào mồ hôi kẻ khác, thì toàn bộ xã hội bị đe dọa. Nước Nhật đang đi trên cùng một đường. Vì thế, tôi khuyến khích hai con gái tôi phải học cật lực ở trường đại học, phải thấm nhuần các giá trị phổ biến, phải đọc nhiều. Có kiến thức thì đó là một nguồn vui vĩnh cửu. Khi ta đọc một cuốn sách của Descartes, cũng giống như ta nói chuyện trực tiếp với anh ta. Tiền, quyền lực chỉ là phụ thuộc và thứ yếu trong đời.”

Seizaburo Sato: Nước Nhật không sao chép, mà học tập?

Là giáo sư khoa Chính trị tại Đại học Tokyo và giám đốc nghiên cứu của Viện quốc tế về hòa bình của Nhật Bản, Seizaburo Sato là một loại người khác. Khô khan và dễ kích động, khuôn mặt luôn luôn cử động, dễ cười. Nói rằng ông tỏ ra rất tự tin thì hơi quá. Ông ta chẳng khiêm tốn, cũng chẳng rụt rè, mà phải nói là hoàn toàn ngược lại. Tuy nhiên, ở ông ta cũng như những người lãnh đạo Nhật khác mà tôi gặp, tôi chỉ thấy thói tự mãn và khoa trương, vốn cũng là thói phổ biến rộng rãi ở nước chúng tôi. Ông là người xác tín vào sự liên minh đa phương giữa Nhật và Mỹ, và kiên quyết chống đối những kẻ, ở Nhật mơ về một khối châu Á mới do Nhật lãnh đạo.

Nước Nhật có cần phải đấu tranh để được độc lập hơn nữa đối với người anh em Mỹ?

Seizaburo Sato trả lời rằng không cần.

“Sự hội nhập của hai nền kinh tế Nhật và Mỹ đã đến mức khiến chúng tôi hiểu rằng chúng tôi đang sống trong một thế giới tương thuộc. Hãy cứ nhìn những gì đang xảy ra trong CEE. Người Pháp các ông không đòi có thêm sự độc lập nào, vào thời điểm này. Ngay cả Charles De Gaulle, nếu như ông ta còn sống, cũng sẽ không bảo rằng nước Pháp cần phải được độc lập hơn. Ngược lại, ông ta sẽ hành động để thúc đẩy cho một sự hội nhập rộng lớn hơn nữa ở Châu Âu. Hội nhập theo vùng: đây là giai đoạn mà chúng ta đang sống, các ông cũng như chúng tôi. Vì thế, nước Nhật chẳng cần tìm kiếm thêm sự độc lập. Ngược lại, nó phải giữ một vai trò quan trọng hơn trong cộng đồng quốc tế. Đó là điều dĩ nhiên. Đó là một trọng trách không tránh được của bất cứ quốc gia nào có được một sức mạnh kinh tế như Nhật.”

Nhưng người Nhật có mang lại được sáng kiến mới nào cho nhân loại không? Seizaburo Sato nhìn tôi, hơi ngờ ngợ và bối rối ra mặt. Tôi thấy vài tia giận ngầm trong ánh mắt của ông ta. Làm thế nào một người nước ngoại lại dám đặt một câu hỏi như vậy? Ông bắt đầu nói một cách kích động:

“Ổng nghĩ rằng người Nhật ngu đến mức không thể nào có được những sáng kiến riêng của nó sao? Những gì người Mỹ làm được, người Anh và người Pháp làm được, tại sao người Nhật lại không thể làm được?”

Mặc cho giọng nói dọa nạt của ông, tôi bồi thêm một nhận xét là chính nhiều trí thức Nhật cũng đã khẳng định rằng người Nhật vẫn còn hơi non nớt và thường rất lúng túng mỗi khi cần phải sáng tạo từ con số không. Sato hết đường lấn tới:

“Và tôi, tôi nghĩ rằng chỉ những trí thức mà ông vừa kể mới là non nớt. Tôi không thể nào đồng ý với họ được. Dĩ nhiên người Nhật có thể hình thành những sáng kiến mới. Nhưng hãy nên thống nhất với nhau rằng: những người định hướng chính trị cho hành động phải là giới cầm quyền và những nhà lãnh đạo kinh tế. Không phải là bất kể ai cũng được. Nếu ông quan sát những người Pháp nói chung, bộ ông tưởng là người Pháp gặp ở góc đường phố nào đó có khả năng nêu ra được một đề nghị gì về các quan hệ quốc tế trong thế giới ngày nay sao?”

Nước Nhật phải tạo ra tiếng nói của mình trên diễn đàn quốc tế

Dù sao trong vòng 40 năm gần đấy, nước Nhật vẫn còn yếu trên lĩnh vực này.

“Phải, nhưng bởi vì nước Nhật đã bị bại trận trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thái độ cúi đầu trong cách ứng xử của chúng tôi là tốt nhất. Ba mươi năm trước đây Nhật Bản vẫn còn yếu và nghèo, xếp vào hàng thứ 30 trên thế giới về tổng sản phẩm quốc gia (GNP). GNP của Nhật tính trên đầu người còn thấp hơn Achentina. Tiếng nói của Nhật trên diễn đàn quốc tế chẳng được ai nghe. Bây giờ thời điểm để tiếng nói của nó được lắng nghe đã đến. Điều đó là không thể được. Vả lại, không một quốc gia nào có thể làm được điều đó. Chẳng hạn chúng tôi không thể cớ uy tín trong việc dạy tiếng Pháp. Nhật không thể đòi hỏi một vị trí lãnh đạo. (Sato bắt đầu nhạo báng và sự mỉa mai của ông ta thật cay chua). Nhưng tại sao khong thử ‘xào nấu lại mới’? Nhật có thể có một vài kinh nghiệm trong chuyện này. Bây giờ chúng tôi ‘xào nấu lại mới’ theo kiểu Pháp cũng không tồi lắm đâu!”

Tạo ra một tiếng nói có phải là Nhật cần cầm đầu một liên minh Châu Á không?

“Đó là một ý tưởng buồn cười. Không một quốc gia nào ở Châu Á muốn một điều như thế trong quá khứ cũng như hiện tại. Bởi vì kinh tế Nhật mạnh hơn rất nhiều so với các quốc gia khác ở Châu Á. GNP của Nhật Bản rõ ràng cao hơn so với GNP của Trung Quốc hoặc Ấn Độ, mặc dù dân số của họ đông hơn rất nhiều. Trong lĩnh vực công nghệ cũng vậy, sự cách biệt là quá lớn. Và ở Châu Âu, ngay như nước Pháp cũng muốn lực lượng Mỹ đóng trên lãnh thổ Châu Âu. Lý do thật đơn giản. Đúng, mối đe dọa của Liên Xô vẫn luôn còn đó. Nhưng, các ông cũng lo ngại sức mạnh của Đức. Nước Đức thống nhất nay quá lớn! Tình hình ở Châu Á còn mất cân bằng hơn. Vì ở Châu Âu, Pháp, Ý, Anh, còn có các nền kinh tế phát triển tương đối và có thể đối trọng được với sức mạnh của Đức. Dù vậy, một vài nước láng giềng của Đức đang lo ngại sự thống trị của Đức vốn là một thực tế. Bởi vậy, hãy nhìn về Nhật! GNP của nước Đức thống nhất vẫn còn thấp hơn từ 50 – 75 % so với Nhật. Xét về mặt lãnh thổ, Nhật còn lớn nước Đức thống nhất, dù rằng có nhỏ hơn đôi chút sơ với Pháp. Và thế nên Nhật là một cường quốc! Cho nên thật là tự nhiên khi các quốc gia láng giềng nơm nớp một mối lo ngại sâu sắc đối với khả năng thống trị của Nhật và khước từ mọi liên minh với nó. Nhưng các quốc gia này sẽ chấp nhận lâu dài sự lãnh đạo của Nhật Bản cho đến khi người Mỹ vẫn còn duy trì lực lượng quân sự của họ tại đây và liên minh Mỹ – Nhật vẫn còn tốt đẹp. Một vài người Nhật nói rằng chúng tôi cần phải cắt đứt mối liên hệ của chúng tôi với nước Mỹ và thiết lập một liên minh với các nước Châu Á. Đó là ý tưởng thật buồn cười.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.