Nước Nhật mua cả thế giới

IV. Nước Nhật giàu và mạnh



Kiên nhẫn và thời gian có ích hơn là sức lực hay nóng giận.

La Fontaine, “Sư tử và chuột”.

Ngụ ngôn.

Trong những năm 60, khi Nhật Bản mới bắt đầu được nói tới, ở phương Tây người ta thường nhìn đảo quốc châu Á nhỏ bé này bằng cái nhìn ân cần, lịch sự. Nhưng điều che giấu bên trong là sự khinh khi đượm màu sắc phân biệt chủng tộc đối với cái mà ý-thức tập thể, dù không nói ra, coi là “tên lùn da vàng” thất trận. Dù Nhật Bản đã xứng đáng với những vòng nguyệt quế vinh quang đầu tiên, những kẻ xấu miệng luôn luôn hoài nghi, đã hấp tấp gọi là “chàng khổng lồ chân đất sét.” Bởi vì – người ta huênh hoang tuyên bố – chắc chắn là anh chàng “vô địch” dám đòi hỏi chỗ đứng dưới ánh mặt trời bên cạnh những cường quốc của thế giới này sẽ phải sụp đổ trước biến động kinh tế lớn đầu tiên. Không có dầu lửa, không có nguyên liệu, anh chàng nhỏ bé này làm được gì?

Thực tế, không những “anh chàng khổng lồ chân đất sét” không ngã nhào mà ngược lại, dù các địch thủ của nó muốn hay không, nó đã trở thành cường quốc tài chính số một và cường quốc kinh tế số hai thế giới. Lịch sử đảo ngược thật lạ lùng: vào lúc mà Hoa Kỳ, người thầy và người bảo hộ của họ suy yếu thì Nhật Bản bắt đầu sưu tập các kỷ lục.

Trong cuộc chạy đua hết tốc lực tới những chân trời chưa rõ của quyền bá chủ kinh tế này, nước Nhật sẽ tiến về đâu? Trong thập niên 1980-1990, lịch sử của các cân đối kinh tế lớn của thế giới đã tăng tốc một cách khác thường. Phương Tây càng nghèo đi thì Nhật Bản càng giàu lên. Trong khi ở châu Âu và Hoa Kỳ nạn thất nghiệp tăng nhanh thì ở Nhật lại thiếu nhân công. Trong khi nạn tội phạm thanh thiếu niên, ma túy và tội ác gây tác hại hơn bao giờ ở phương Tây thì xã hội Nhật Bản nói chung trải qua những năm ổn định và hòa bình.

Thế nhưng Nhật Bản đã mê phương Tây. Nhưng phương Tây, vẫn tin rằng mình là trung tâm của thế giới, đã không thèm đáp lại tình yêu ấy và tỏ ra hoàn toàn hờ hững. Tuy vậy, bắt đầu từ 1980, trong vòng không tới 10 năm, cả thế giới đã choáng váng phát hiện ra một ông chủ mới của trái đất. Những kẻ hay lên lớp chắc hẳn không còn đủ thời gian để khuất phục Nhật Bản, bởi vì Nhật đã ý thức được sức mạnh của mình và đã bắt đầu quan sát bằng con mắt phê phán các nền văn minh trước đó đã từng mê hoặc họ. Hơn nữa, trên thế giới không còn có tấm gương nào để Nhật Bản phải noi theo, và nhìn nước Mỹ ngày càng tụt hậu, Nhật Bản hiểu rằng từ nay mình phải làm chủ lấy mình.

Chiến lược cờ “go”

Có một trò chơi chiến lược thể hiện tuyệt vời triết lý kinh tế mà Nhật Bản thi hành trên quy mô toàn cầu: đó là môn cờ “go.” Phức tạp và tinh tế hơn môn cờ vua nhiều, cờ “go” là một môn cờ gốc Trung Quốc, với một bàn cờ có 19 đường ngang và 19 đường dọc cắt nhau ở 361 điểm. Quân cờ bên đen, bên trắng. Quy tắc chơi căn bản rất đơn giản. Chỉ cần học không tới một giờ, ai cũng có thể chơi cờ “go.” Nhưng muốn chơi hay thì phải luyện nhiều năm, đôi khi cả đời người. Để thắng, phải chiếm được càng nhiều lãnh thổ càng tốt, nhiều hơn là địch thủ. Trong khi đánh, một lãnh thổ có thể trở thành bất khả xâm phạm với một số điều kiện, dù địch thủ có làm gì đi nữa. Nhưng lãnh thổ càng rộng thì lại càng khó bảo vệ chống lại sự tấn công của địch thủ, khó bảo đảm tính chất bất khả xâm phạm của nó. Một lãnh thổ bị rơi vào tay địch thủ thì được gọi là “đất chết.” Ngược lại, phần đất mà địch thủ không được xâm phạm nữa, được gọi là “đất sống”. Không có người nửa chiến thắng hay nửa chiến bại. Chỉ có sống hoặc chết, như trong chiến tranh. Một ván cờ có thể kéo dài trong nhiều giờ, với những tính toán phức tạp, cực kì căng thẳng. Nếu trình độ của hai đối thủ cách biệt quá xa, người chơi giỏi hơn sẽ chấp người kia ngay từ một đến chín quân cờ từ đầu ván.

Công và thủ

Kết thúc ván cờ, vinh dự thuộc về tay chơi cờ nào biết phối hợp nhịp nhàng công và thủ, mở rộng được vùng ảnh hưởng của mình trên bàn cờ và giảm ảnh hưởng của đối thủ. Thất bại thuộc về kẻ quá mạo hiểm, muốn thắng nhanh, phát hiện ra quá chậm sự tài tình của đối thủ và không còn cách gì để bảo vệ cuộc tấn công sơ hở của mình. Quá rụt rè sẽ thua, nhưng tham vọng quá lớn chắc chắn cũng sẽ thua. Bởi vì, trong cờ “go”, nắm vững kĩ thuật là cần thiết nhưng chưa đủ. Ở đây không có vấn đề may mắn, cờ “go” không phải là trò chơi may rủi. Chiến lược, chiến thuật luôn luôn kết nối chặt chẽ. Tâm lý và tính cách tự chủ cũng vậy.

Đầu ván cờ, điều then chốt cho giai đoạn tiếp theo là bạn phải đánh giá đúng địch thủ. Phải bắt mạch được những ý đồ thầm kín nhất của địch thủ. Địch thủ sốt ruột? Muốn thắng nhanh? Bạn hãy bình tĩnh và tự chủ. Địch thủ muốn tìm thắng lợi trước mắt và cục bộ? Hãy để địch thủ chiếm một, hai khu vực mà địch thủ muốn giành cho bằng được. Hãy lợi dụng thời cơ ấy để tăng cường vị trí của bạn ở chỗ khác. Hãy chuẩn bị cho chiến thắng chung cuộc. Nhưng hãy coi chừng, nếu bạn đánh giá thấp địch thủ. Địch thủ thừa thông minh để giả vờ yếu thế và nhử cho bạn triển khai quân khắp nơi, để rồi phản công và tiêu diệt lãnh thổ của bạn mà bạn đành bó tay. Còn nếu bạn đánh giá địch thủ quá cao? Dù địch thủ có thể chơi kém hơn bạn, nhưng lợi dụng sự khiêm nhường và rụt rè của bạn, địch thủ có thể đi những nước cờ táo bạo và thắng bạn.

Sau màn mở đầu ấy, vấn đề còn lại là sự dẻo dai và sự tập trung. Nếu tất cả tế bào thần kinh của bạn thống nhất trong một nỗ lực và nhắm cùng một đích thì bạn đã tập trung được mọi khả năng, và nếu thất bại, chẳng có gì phải hối tiếc. Nhưng nếu bạn không làm chủ được thần kinh, bị chia trí, hoảng hốt, nóng giận, hấp tấp, thì dù bạn có mạnh hơn địch thủ, địch thủ cũng có thể thắng. Bởi vì, trong môn cờ “go”, khi hai đối thủ ngang sức, phải đến phút chót mới biết được ai thắng ai thua. Chỉ cần đi sai một nước cờ, chỉ cần một sự vụng về nhỏ là cũng đủ để làm sụp đổ cả một thế cờ công phu.

Một nghệ thuật sống

Ở Nhật, môn cờ “go” không chỉ là một trò giải trí mà mang ý nghĩa hơn thế nhiều. Cũng giống như môn bắn cung, trà đạo hay cắm hoa, đó là một nghệ thuật sống, một triết lý. Nó cũng là biểu hiện sự khôn ngoan của nhân dân, một khuôn phép tinh thần, một sự rèn luyện trí tuệ, tinh thần. Mọi lứa tuổi đều chơi cờ “go.” Nhưng nếu muốn trở thành một kì thủ giỏi mà qua mười hai tuổi mới bắt đầu chơi là vô ích. Đã quá trễ để có thể tiếp thu đúng vô số các thế cờ hay. Người ta chơi cờ “go” lúc nào cũng được. Một phút nghỉ xả hơi ở văn phòng cũng có thể bắt đầu một ván cờ, rồi chơi tiếp sau nữa. Được nghỉ một ngày ở một ngôi nhà trên núi hay bên một suối nước nóng? Một ván cờ “go” sẽ mang lại sự sảng khoái tinh thần. Cờ “go” còn là biểu tượng của hoàn cảnh không ngừng đổi thay. Bởi vì, cùng với thời gian, các kĩ thuật chơi cờ cũng tiến triển. Tuổi già không biết đổi mới dừng lại và tuổi trẻ đầy sinh lực giành chiến thắng. Những bậc thầy cao cường phải nhường chỗ cho những chú ngựa non háu đá mà đôi khi chính các bậc thầy đã đào tạo.

Tôi nhớ lại những trận cờ tuyệt vời tại giải vô địch quốc tế nghiệp dư cờ “go” được tổ chức ở Tokyo năm 1980. Tôi chỉ là một tay chơi cờ kém cỏi. Nhưng tôi cũng biết theo dõi và hiểu được những giây phút gay cấn của một ván cờ giữa hai cao thủ. Ở Trung Quốc, từ lâu người ta đã không còn chơi cờ “go.” Nay giới trẻ lại bắt đầu môn cờ này với tất cả sự nóng nảy, đầy sức sống và sự hăng say của lớp người muốn có những đổi thay mạnh mẽ. Người già thì vui vẻ truyền lại kinh nghiệm cho lớp trẻ vì muốn thấy truyền thống được duy trì. Hôm ấy ở Tokyo có các đồ đệ khắp thế giới của môn cờ “go”: Nam Triều Tiên, Mỹ, Pháp, Ba Lan… Danh sách còn dài. Ba thanh niên Trung Quốc so tài với ba bậc thầy tuổi tác đáng kính của Nhật. Người trẻ nhất trong đội cờ Bắc Kinh chưa tới mười bảy tuổi.

Giây phút chiến thắng của đội thật đáng nhớ. Xong ván cờ, cả ba chỉ hơi mỉm cười rồi từ từ đứng dậy khỏi ghế, cúi mình trước các đối thủ không may của họ, sau đó nhanh chóng rút lui, đầy vẻ khiêm tốn, gần như bối rối về việc đã hạ nhục những bậc thầy bảy mươi tuổi hoặc hơn! Trong khung cảnh như vậy, các cuộc gặp gỡ này không chỉ là một cuộc đấu trí hữu nghị: đó là sự đối đầu của hai quốc gia. Khi người ta biết được sự thù hận ở Trung Quốc đối với Nhật Bản hơn 45 năm sau khi chiến tranh Trung-Nhật kết thúc, thì người ta đoán được giá trị của việc thắng ván cờ “go”. Tay cờ giỏi nhất Trung Quốc, Nie Weiping, đã trở thành một anh hùng dân tộc từ sau khi anh thường xuyên đánh bại các bậc thầy Nhật Bản.

Ván cờ “go” toàn cầu

Bây giờ chúng ta hãy xét bản chất của chiến lược kinh tế Nhật Bản trên thế giới. Thật khó mà không nghĩ tới những nhà kinh doanh và những nhà quản lý Nhật đầy thế lực, nắm trong tay những nguồn tư bản quan trọng, âm thầm ngồi trước một quả địa cầu chỉ nhỏ bằng một bàn cờ “go”. Một mình Nhật Bản đối lại với cả thế giới! Một chấm trên quả cầu sáng lên: Nhật vừa siết cổ một lãnh thổ của địch; thêm một xí nghiệp kình địch phải đóng cửa. Một điểm khác lại sáng lên: lần này là một nhà máy Nhật vừa được khánh thành, một quân cờ nữa trong lãnh thổ của địch. Nhưng, cũng như trong môn cờ “go”, phải kiên nhẫn, thận trọng, suy nghĩ kĩ. Trong cuộc chiến tranh kinh tế, hấp tấp là có thể chết.

Ván cờ thế giới gay go này đã bắt đầu gần nửa thế kỷ nay. Vẫn còn khó để nói ai sẽ thắng. Tương quan lực lượng luôn thay đổi. Hoàn cảnh cũng thế. Và lợi thế về bên nào thì chưa chắc. Nhưng rõ ràng là Nhật Bản bước vào trận chiến với nhiều bất lợi nhất, đã tỏ ra là một đối thủ thông minh, học rất nhanh. Mới đầu, họ thường do dự trước khi đặt những đồng tiền đầu tiên. Nhưng họ đã không phạm sai lầm lớn. Những bất lợi của họ từ lâu đã được san bằng. Và lâu nay Nhật đã dám đặt các quân cờ xa căn cứ địa của mình, ngay sát lãnh thổ địch thủ. Hơn thế, mới đây, họ còn tỏ ra khinh khi địch thủ ngay trong vùng ảnh hưởng của địch. Mới nhìn, dường như các vị trí của Nhật bị bao vây chặt. Nhưng nhìn kĩ hơn và tinh ý hơn sẽ thấy tình hình thực tế hoàn toàn khác. Chỉ cần Nhật tiếp tục chiến lược chinh phục thận trọng của mình và đối thủ của họ bối rối tiếp tục quên củng cố một số vị trí đặc biệt yếu, thì tất cả chắc chắn sẽ xoay chiều.

Xứ sở của các kỷ lục

Nhật Bản đã trở thành xứ sở của các kỷ lục về mọi lĩnh vực, từ đời sống kinh tế đến xã hội. Là nước công nghiệp lớn, giàu có nhất, nơi người dân làm việc nhiều nhất, tuổi thọ dài nhất, là nước nắm nhiều tiền bạc nhất: danh sách các kỷ lục còn dài và kể hết sẽ vô vị. Tuy nhiên, để hiểu được cụ thể sức mạnh của nước Nhật hiện đại, cần phải nêu vài ví dụ. Để thực sự hiểu, cần phải so sánh. Ở Trung Quốc, dân chúng chỉ nhận ra đầy đủ sự lạc hậu của mình vào năm 1979, mày mà lãnh tụ Đặng Tiểu Bình cho chiếu trên VTTH bộ phim nói về lối sống của người Mỹ. Cơn sốc thật khủng khiếp, nhưng có tác dụng tốt. Một tỷ người Trung Quốc, đối mặt với sự thiếu thốn và tuyệt vọng, cuối cùng đã tỉnh giấc! Ở phương Tây, dân chúng không sống dưới sự cai trị của một nhà độc tài. Tuy vậy, dường như phương Tây cần một gáo nước thật lạnh. Ngày mà phương Tây ý thức đầy đủ về sức mạnh hiện tại và tương lai của châu Á, chắc chắn họ sẽ thấy hoảng sợ và hoài nghi, và sẽ thực hiện bước đi đầu tiên đến thời kì đổi mới. Còn hiện tại, nước Nhật đang ở đâu?

Giáo dục

Trước tiên là giáo dục. Bởi vì chính giáo dục chuẩn bị cho nguồn của cải lớn nhất của một đất nước: tuổi trẻ là thành phần ưu tú của mình. Ở Nhật, thành phần ưu tú hầu như là tất cả mọi người. 94 % trẻ em tiếp tục học trung học cho đến tú tài: tỉ lệ cao nhất thế giới. Trong các cuộc trắc nghiệm về môn toán đối với học sinh trung học trên toàn thế giới năm 1983, học sinh Nhật đạt điểm cao nhất, cao gấp hai lần điểm của học sinh Mỹ.[10] Trắc nghiệm thông minh, phần lớn thiếu niên phương Tây đạt điểm 100; thiếu niên Nhật: 117. Học sinh Nhật làm việc nhiều hơn học sinh châu Âu hoặc Mỹ. Thời gian nghỉ học ngắn hơn. Ở Pháp, chỉ tính riêng nghỉ hè đã là ba tháng. Ở Nhật, nghỉ hè chỉ hơn một tháng. Sáng thứ bảy vẫn học. Ở nhiều nước phương Tây, từ lâu đã nghỉ học sáng thứ bảy.

[10] The Economist, 21/4/1990, trang 19.

Hết chương trình trung học, học sinh Nhật tiếp tục học thêm bình quân hơn một năm nữa so với học sinh Mỹ. Chưa kể các juku (lớp học buổi tối và cuối tuần) và bài làm ở nhà. Một cuộc điều tra mới đây cho thấy, buổi tối, các học sinh Nhật bỏ ra trung bình hai giờ rưỡi để làm bài. Học sinh Mỹ thì ba mươi phút. Dù lợi hay không cho trẻ em, thì ở Nhật sự cạnh tranh đã bắt đầu ngay từ trong nôi, hoặc gần như vậy. Để hi vọng có thể một ngày nào đó vào học một trong các trường đại học có tiếng nhất, các em chuẩn bị ngay từ tiểu học. Với sự thúc đẩy của các bà mẹ, các em tận lực chúi vào học. Theo báo chí Nhật, các bậc cha mẹ thường đưa các em vào cơn bão táp cạnh tranh ngay từ ở mẫu giáo. Tiếp đó, khối lượng thông tin mà các em được nhồi nhét vượt xa so với trẻ em phương Tây. Từ đó, sự khác biệt về trình độ ngày càng gia tăng. Các cuộc thi tuyển vào các trường đại học uy tín nhất có thể so với thi tuyển vào ENA[11]. Sự tuyển lựa quả là khắc nghiệt. Chỉ những người may mắn vào được các đại học lớn (Tokyo, Kyoto, Keio, Waseda) sau đó mới được tuyển vào ngạch hành chánh cao cấp và các tập đoàn công nghiệp lớn. Nhưng giáo trình trung và đại học Nhật chắc chắn không phải là không có khuyết điểm. Còn xa mới được như vậy, như chúng ta sẽ thấy sau này.

[11] École nationale d’administration: Trường quốc gia hành tránh Pháp.

Trong một lĩnh vực rất gần với giáo dục là tiêu thụ sách, báo, tạp chí, người Nhật cũng đứng đầu thế giới. Hơn bốn tỷ rưỡi bản tạp chí định kì được xuất bản hàng năm ở Nhật. Người Nhật đọc (sách, tạp chí, truyện tranh hoặc báo) ở mọi nơi, mọi lúc. Người ta thường đọc lúc đứng trong tàu điện ngầm, trên xe buýt, trong các cửa hàng. Đến mức mà “đọc đứng” đã đi vào ngôn ngữ thường ngày: tachiyomi. Còn về báo hàng ngày, nó cũng tương đương với sự khổng lồ Nhật Bản. 124 tờ nhật báo phát hành 70 triệu bản mỗi ngày, đó là một kỷ lục không ai bì được trên thế giới. Các nhật báo chính của Nhật cũng là những tờ báo lớn nhất hành tinh: tờ Yomiuri Shimbun đứng đầu phát hành mỗi ngày hai ấn bản, tổng cộng 14 triệu bản (9,7 triệu bản buổi sáng và 4,8 triệu bản buổi chiều). Kế đến là Asahi Shimbun với 8 triệu bản buổi sáng và 5 triệu bản buổi chiều, nhưng về uy tín thì xếp số một. Tờ nhật báo kinh tế Nihon Keizai Shimbun, với bốn triệu bản, cao hơn cả tờ Financial Times và Wall Journal cộng lại. Nhật báo thông tin tổng quát Mainichi Shimbun phát hành tới 6 triệu bản. Còn tờ Sankei Shimbun của phái hữu chống cộng thì phát hành 3 triệu bản. Đứng bên cạnh, tờ Le Monde (của Pháp) với chưa đầy 500.000 bản chỉ là một anh lùn.

Người Nhật có phải là những người thông minh nhất thế giới không? Hẳn nhiên, thông minh là một khái niệm tương đối, đặc biệt khó đánh giá. Định lượng mà nói, các tính toán rất bấp bênh. Các tiêu chuẩn đánh giá thay đổi tùy theo các nền văn minh và văn hóa. Tuy nhiên, để chọn một thước đo phổ biến nhằm xác định hệ số thông minh (QI), nhiều nhà tâm lý học chọn trắc nghiệm Weschler. Theo một cuộc điều tra trên 20 nước công nghiệp, Nhật Bản xếp hàng đầu với điểm số trung bình 111 so với Mỹ chỉ đúng 100. Trong một thế hệ, khoảng cách giữa hai nước đã tăng thêm 7 điểm. Ở châu Âu, Hà Lan được xếp số một với 109,4 điểm; nước Pháp… cầm đèn đỏ với 96,1 điểm. Mặt khác, châu Âu và Mỹ chỉ có 2 % dân số có hệ số thông minh cao hơn 130 điểm. Còn Nhật có tới 10 % dân số.[12]

[12] Điều tra do nhà tâm lý học Airơlen Richard Lynn công bố trong tạp chí khoa học Anh Nature vào tháng 6/1982.

Sức khỏe, lao động, nghỉ ngơi

Dù cho người Nhật có làm việc dữ dằn, hiếm khi nghỉ ngơi, và sống trong những “chuồng thỏ” bé xíu, thì Nhật Bản vẫn là nước mà người dân có tuổi thọ dài nhất trong số 33 nước phát triển nhất thế giới. Người Nhật (tính chung nam và nữ) có tuổi thọ trung bình là 79,1 năm. Hãy so với tuổi thọ trung bình của người Hunggari (69,7 năm), Liên Xô (69,8), Mỹ (75), Anh (75,3), Ý (75,5) và Pháp (75,9)[13]. Theo giới tính, tuổi thọ trung bình phụ nữ là 81,77 năm và đàn ông là 75,91 năm. Xu hướng kéo dài tuổi thọ sẽ vẫn tiếp tục trong những năm tới. Theo Bộ Y tế Nhật Bản, 66 % trẻ em gái Nhật sinh năm 1989 sẽ sống đến 80 tuổi, so với số bé gái sinh 80 năm trước thì chỉ có 34 % sống đến tuổi 80 [14]. Kỷ lục này tất nhiên có mặt trái của nó đối với nền kinh tế Nhật: vào năm 2025, Nhật Bản sẽ là nước có dân số già nhất thế giới. Cứ bốn người Nhật thì sẽ có một người (26,55 %) quá 65 tuổi, so với hiện nay là 12 %. Tỷ lệ nói trên sẽ vượt qua tỷ lệ của Thụy Sĩ lúc ấy là 25,9 % [15].

[13] Thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Atlanta – bang Géorgie, Mỹ.

[14] Tokyo Shimbun, 4/8/1990.

[15] Institut de recherche sur la population de la Nippon University de Tokyo, 12 september, 1990.

Về thời gian lao động, nước Nhật – thật sự không có gì đáng ngạc nhiên – bỏ xa các nước khác với 2.165 giờ lao động bình quân năm 1988, trước người Mỹ (1.847 giờ) và Thụy Sĩ (1.800 giờ). Trong số các nước châu Âu, CHLB Đức là nơi mà người ta làm việc ít giờ nhất (1.560 giờ hàng năm). Nhật Bản cũng đứng trước Bỉ (1.596 giờ), Hà Lan (1.599 giờ), Pháp (1.626 giờ), Áo (1.631 giờ) và Ý (1.646 giờ)[16]. Mục tiêu chính thức của chính phủ Nhật là mỗi người Nhật làm việc 1.800 giờ/năm vào năm 2000.

[16] Statistique de la Socilété pour le développement de I’ Économie Suisse (SDES, publiées le 23 janvier 1990).

Về mặt nghỉ ngơi, tình hình cũng không khá hơn. Tâm lý người dân thay đổi chậm, nếu như có thể khẳng định nó có thay đổi. Năm 1990, người làm công Nhật Bản chỉ nghỉ liên tục có 7,1 ngày. Mùa hè năm 1989, số ngày nghỉ trung bình là 6,5 ngày. Về lý thuyết, người Nhật có quyền nghỉ ba tuần được trả lương hàng năm. So với người Mỹ và người Tây Đức, người Nhật nghỉ ít từ 24 đến 45 ngày hàng năm. Nhưng thường thì họ cũng chẳng nghỉ vì sợ bị đánh giá thấp trong xí nghiệp hoặc vì thực sự cảm thấy áy náy đối với những người sẽ bị buộc phải làm thay công việc của họ. Mặc khác, các công ty lớn đã cho phép nhân viên được nghỉ một hoặc hai ngày thứ bảy hàng tháng. Nhân viên vui mừng. Nhưng trong các xí nghiệp nhỏ hoặc trong khu vực dịch vụ (thương nghiệp và ăn uống), thường thì nghỉ hàng tuần chỉ có một ngày. Năm 1988, chỉ có 7,4 % các xí nghiệp Nhật Bản áp dụng tuần làm việc 5 ngày. Chỉ có 19,7 % người Nhật nghỉ hàng tuần 2 ngày, so với 76,1 % người Canada (tỷ lệ cao nhất trong khối các nước OCDE) và 45,5 % người Úc (tỷ lệ thấp nhất, sau nước Nhật).

Thực tế, xét lâu dài thì thời gian trung bình làm việc ở Nhật đã thường xuyên giảm xuống trong khoảng thời gian từ 1949 đến 1974, năm xảy ra cuộc khủng hoảng dầu hỏa đầu tiên. Từ đó đến nay, thời gian trung bình làm việc đã không giảm. Chính chính phủ Nhật thừa nhận rằng trong thực tế nó lại còn tăng chút ít! Thời gian làm việc bình thường thì ít hơn, nhưng ngược lại, các chủ nhân lại kêu gọi nhân công làm giờ phụ trội nhiều hơn trước kia. Hậu quả của thói quen làm việc này là: một chứng bệnh mới xuất hiện ở Nhật, bệnh Karoshi, gây nên cái chết đột ngột do tim và não ngừng làm việc vì lao lực quá mức[17]. Trong số các nạn nhân của chứng bệnh mới này, có những nhân viên đã làm việc tù tì 50 ngày không nghỉ, hoặc hơn 100 giờ phụ trội hàng tháng. Năm 1989, nhà cầm quyền chính thức công nhận có 29 trường hợp Karoshi, nhưng hàng năm vẫn có hơn 500 trường hợp được trình lên cơ quan thanh tra lao động.

[17] Cơ quan kế hoạch hóa kinh tế Nhật bản (Sách trắng, 11/1989).

Năng suất

Kì cục thay, dù làm việc quên mình như vậy, người Nhật lại đạt kết quả khá tồi về mặt năng suất. Nhật Bản xếp hạng áp chót trong số 11 nước công nghiệp. Lấy cơ sở tính là 100 cho nước Nhật năm 1987, thì Mỹ và Canada suất sắc xếp hàng đầu với 134, tiếp đến là Pháp và Ý (131), Bỉ (129) và CHLB Đức (124). Chỉ có Thụy Điển (90) là thua Nhật. Những khu vực lạc hậu nhất của Nhật là nông nghiệp và xây dựng, những lĩnh vực mà năng suất của Nhật chỉ bằng 1/3 của Mỹ! Nhưng có những khu vực mũi nhọn mà Nhật đứng đầu, như hóa và điện tử. Nhưng không nên dừng lại với một hình ảnh tĩnh về nước Nhật; bởi vì, tính đường dài, năng suất lao động của người Nhật đã tăng mạnh nhất, chỉ sau Tây Ban Nha. Từ 1970 đến 1987, năng suất lao động của người Nhật đã nhân lên 1,75 lần. Trong thời gian đó, ở Nhật, năng suất tăng trung bình hàng năm là 3,4 %, trong khi ở Mỹ chỉ tăng 0,7 %[18].

[18] Estude du Centre japonaise de la productivité, publiée en Mai 1990

Chất lượng sống

Đây có lẽ là lĩnh vực mà nước Nhật không thể tự hào nắm giữ những kỷ lục. Nếu có, thì chỉ là kỷ lục bất lợi cho họ. Hãy xem cuộc sống thường ngày của viên chức Nhật điển hình, viên chức hạng trung. Đó là môt con người tất bật, căng thẳng, suy kiệt, lao lực quá sức, thiếu ngủ thường xuyên, không có thì giờ cho cuộc sống gia đình, hơn 16 giờ trong ngày phải sống ngoài gia đình, trên các phương tiện di chuyển, trong văn phòng hoặc trong quán xá. Thường thì anh ta, vội vội vàng vàng rời khỏi nhà khi trời còn chưa sáng, hầu như không ăn gì, để kịp bắt chuyến xe lửa ngoại ô mà vào giờ đó bao giờ cũng đông nghẹt. Bắt buộc phải đứng, nhưng với kinh nghiệm đi xe lửa, anh ta vẫn có thể khéo léo lách mình thế nào đó, để – trong khi tâm trí còn chưa tỉnh hẳn – đọc các trang thể thao trong tờ báo, tìm kết quả trận đấu bóng chày vừa diễn ra (người Nhật rất thích môn bóng chày). Ra khỏi xe lửa, bị cuốn đi trong một biển người đông đặc đến mức khó tin, anh ta sẽ ba chân bốn cẳng leo lên các bậc cầu thang (lạ thay, các cầu thang tự động vẫn còn hiếm tại các trạm xe điện ngầm ở Tokyo), rồi rảo bước dài qua những hành lang bất tận.

Ở Tokyo, mỗi người mất trung bình trên 85 phút mỗi ngày trên các phương tiện chuyên chở. Đến văn phòng trong trạng thái mệt lử, anh ta sẽ nhào đi kiếm nước uống có sinh tố tăng lực để cầm cự cả ngày làm việc. Chiều đến, sau khi uống xỉn với bạn bè đồng nghiệp, mặt xám xanh và buồn ngủ, đầu óc trống rống, anh ta trở về nhà và chỉ còn đủ sức nói với vợ vốn từ lâu cũng đã quen với cảnh đó: “meshi, furo, futon” (cho tôi ăn, tắm, đi ngủ). Sáu giờ sau, kịch bản đó lại lặp lại.

Theo cơ quan kế hoạch hóa kinh tế (EPA) của chính phủ Nhật thì so với Mỹ, Anh, Pháp, CHLB Đức và Thụy Điển, nước Nhật thua kém về mặt nhà ở, nghỉ ngơi giải trí và sinh hoạt văn hóa (thời điểm 1988). Diện tích trung bình nhà ở mới xây dựng tại Nhật thấp hơn các nước khác gần 20 m2 (79,9 m2 so với 98 m2). So với các nước nói trên, Nhật Bản – nơi mà vô tuyến truyền hình chiếm phần lớn thời giờ rỗi vốn đã hạn chế hơn các nước khác – cũng là nơi mà sự nghỉ ngơi giải trí ít được quan tâm hơn cả. Số thư viện ở Nhật ít[19]. Ngược lại, 61,1 % hộ gia đình Nhật là sở hữu chủ căn nhà họ ở. Tỷ lệ này vào năm 1983 đến 62 %[20]. Sự sụt giảm đáng ngại ấy là do giá đất đai ở các thành phố lớn tăng cực kì nhanh – hậu quả của sự đầu cơ đặc biệt táo tợn và nguy hiểm. Hiện tượng này, chúng ta sẽ nghiên cứu sau, xem bằng cách nào nó đã giúp các ngân hàng và các công ty lớn của Nhật hốt bạc, đã khiến giá nhà đất tăng vọt đến mức mà một gia đình không thể nào kiếm được chỗ ở tại trung tâm Tokyo hoặc ngay cả ở vùng phụ cận, trừ phi phải trả nợ trong nhiều thế hệ. Một số gia đình đã làm như vậy, dù có nguy cơ phải bán đi vào ngày mà cha mẹ từ trần, vì mức thuế đánh trên tài sản cao khủng khiếp.

[19] Báo cáo công bố ngày 13/4/1990

[20] Cơ quan kế hoạch hóa kinh tế Nhật Bản (Sách trắng, 11/1989)

Một yếu tố quan trọng khác của chất lượng sống ở bất cứ nước nào là mức độ thất nghiệp. Làm công dân một nước giàu thì có ích gì nếu bị thất nghiệp và gạt ra ngoài lề. Về nạn thất nghiệp, Nhật Bản xoay xở rất giỏi với tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 2,3 % dân số hoạt động vào năm 1989 – một kỷ lục tuyệt đối trong nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu (G-7) và gần như kỷ lục so với cả 24 nước thuộc tổ chức OCDE (Hợp tác và phát triển kinh tế) trừ trường hợp ngoại lệ của Luxembourg với 1,3 %. Để so sánh, tỷ lệ thất nghiệp trung bình là 6,4 % trong toàn bộ các nước OCDE và 9 % trong khối CEE. Nhật Bản có tỷ lệ thất nghiệp ổn định, với 2,2 % dân số hoạt động vào tháng 6/1990, mức thấp nhất từ năm 1981. Quả thật, do dân số già đi, Nhật Bản đang phải đối phó với tình trạng thiếu nhân công trầm trọng, có thể biến thành khủng hoảng nhân dụng có hại cho nền kinh tế, vì nó cản trở sự phát triển của bộ máy sản xuất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.